Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

20190806. CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA MỸ TẠI BIỂN ĐÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA MỸ TẠI BIỂN ĐÔNG

TS PHẠM CAO CƯỜNG */ GDVN 1-8-2019

(* Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ)

Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vào thực hiện các hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tại khu vực phía Nam Biển Đông gần với bãi Tư Chính của Việt Nam, bị dư luận thế giới lên án gay gắt.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engle ngày 26/7 cũng đã tuyên bố phản đối gay gắt:


“Các hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy một điều đáng lo ngại là quốc gia này công khai xem thường luật pháp quốc tế…



Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác trong khu vực cùng lên án sự hung hăng này”.

Lời tuyên bố mạnh mẽ từ phía vị quan chức này của Mỹ không chỉ là sự lên án đối với Trung Quốc, mà nó có còn thể hiện một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một chính sách mạnh mẽ nhất từ trước tới nay thể hiện quyết tâm can dự linh hoạt nhằm tạo ra một “trật tự dựa trên luật lệ” tại Biển Đông.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engle.
Tham vọng của Trung Quốc


Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong suốt những năm 1990s cả về kinh tế lẫn quân sự đã tạo đà cho nước này mở rộng không gian chiến lược, cũng như tìm cách củng cố những tham vọng của mình tại Biển Đông.



Nếu như sự phát triển của Trung Quốc là một “hiện tượng” được nhiều quốc gia trên thế giới mộ điệu, nhất là tại các quốc gia Đông Nam Á, thì những tham vọng cũng như hoạt động do Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông lại được coi là một sự “thụt lùi chiến lược” khi tạo một tình trạng bất ổn tại khu vực, đe dọa tới quyền và chủ quyền của các quốc gia khác.

Thực tế, tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông ít nhiều đã được bộc lộ trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước nhưng nó thực sự trở nên rõ ràng hơn từ giữa những năm 1990.

Nếu sự “trỗi dậy” của Trung Quốc và đi kèm với nó là sự thiếu minh bạch về ngân sách quốc phòng, đã góp phần không nhỏ vào thuyết về “mối đe dọa” của Trung Quốc ở phương Tây, thì sự kiện Trung Quốc chiếm bãi cạn Vành Khăn (tên tiếng Anh là Mischief Reef, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mà Philippines cũng yêu sách) vào tháng 2/1995 lại tạo ra một nhận thức về “mối đe dọa” khác của Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Mặc dù ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố 4 điểm về lập trường của Mỹ đối với những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, song chính sách đối phó của Mỹ lúc bây giờ vẫn chưa đủ mạnh để có thể “kiềm chế” những tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực. [1]

Đá Gạc Ma của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ và quân sự hóa.
Với chính sách “trung lập” dưới thời chính quyền Bill Clinton hay “trung lập tích cực” dưới thời George W. Bush, và thậm chí là “can dự giới hạn” dưới thời Barack Obama, Trung Quốc vẫn không từ bỏ tham vọng của mình tại Biển Đông bởi đây được coi là “khu vực chiến lược”, “vùng đệm”, “vùng ảnh hưởng” để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình ra khu vực phía Nam, mà trước tiên là khu vực Biển Đông.



Một số học giả khi nghiên cứu về Biển Đông đã chỉ ra rằng: “Ai khống chế được quần đảo Trường Sa thì người đó nắm được quân át chủ bài của khu vực này”. [2]



Do thiếu một chính sách chặt chẽ của Mỹ đối với Biển Đông mà Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này tiến hành “quân sự hóa” Biển Đông.

Mặc dù chính quyền Barack Obama nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc duy trì các tuyến đường biển “tự do” và “mở cửa” và coi điều này nằm trong “lợi ích quốc gia”, song chính sách của Mỹ dường như vẫn chưa đủ mạnh.

Tuyên bố 5 điểm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7/2010 chỉ là một sự tiếp nối các quan điểm trước đây và phần nào thể hiện sự can dự tích cực nhiều hơn. [3]

Tuy nhiên, quan điểm và chính sách đó không thể giúp Mỹ ngăn được được Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông, từng bước xây dựng đường băng, trang bị vũ khí biến nó trở thành các tiền đồn tại khu vực.

Việc quân sự hóa này thậm chí còn đe dọa tới lợi ích của Mỹ các công ty Mỹ đang làm ăn tại khu vực.

Chiến lược cường quốc Biển

Tuy nhiên, tất cả các quan điểm chính sách đã thay đổi kể từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng.

Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông có sự chuyển biến mạnh mẽ, trong đó Biển Đông được đặt trong phạm vi “Chiến lược cường quốc Biển” của Washington.

Đối với Mỹ, Tư tưởng “cường quốc biển” của Mỹ thể hiện qua 5 cấu thành quan trọng, bao gồm:



Kiểm soát được các vùng biển và đại dương (nhất là các tuyến thương mại biển); duy trì một vị trí địa chiến lược thuận lợi tiếp cận với các đại dương và duy trì các căn cứ hậu cần biển; duy trì một lực lượng hải quân hùng mạnh; có khả năng đánh bại hạm đội của kẻ thù để giành lấy sự thống trị trên biển; coi hải quân là nền tảng của bá quyền Mỹ. [4]



Nếu xem xét kỹ tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump đưa ra vào hồi 11/2017, không khó có thể nhận ra vai trò của biển trong chiến lược của Mỹ.

Thực tế, chính quyền của ông Trump đã quay trở lại cách tiếp cận và suy nghĩ trước đây đó là coi trọng sức mạnh hải quân trong tổng thể sức mạnh quân đội Mỹ.

Tư tưởng về “chiến lược cường quốc hải quân” thể hiện rõ trong tài liệu chiến lược “Từ chiến trường Biển: Chuẩn bị cho lực lượng hải quân trong thế kỷ 21” đã được Bộ Hải quân Mỹ công bố hồi tháng 9/1992.

Chiến lược này nhấn mạnh những chuyển đổi: Từ việc thực hiện cuộc chiến hải quân một cách độc lập, trên quy mô rộng sang hình thức hỗ trợ trên biển cho lực lượng trên bộ và trên không.

Chuyển hướng từ hoạt động “trên biển” bên sang hoạt động “từ biển”; chuyển đổi việc “triển khai tuyến đầu” sang “hiện diện tuyến đầu” và chuyển đổi từ việc thực hiện các “cuộc chiến đấu chủ yếu trên biển” sang đối phó với “các cuộc xung đột khu vực”. [5]

Chiến lược biển.
Chiến lược cường quốc biển và hải quân tiếp này tục được cập nhập và bổ sung vào năm 2015 để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.



Trong báo cáo “Chiến lược hợp tác dành cho cường quốc biển thế kỷ 21” công bố tháng 8/2015, Hải quân Mỹ tiếp tục coi việc “làm chủ trên biển” là một trong 5 chức năng chính của lực lượng Hải quân.



Tiếp tục, tháng 1/2017, Hải quân Mỹ lại công bố tài liệu “Chiến lược lực lượng tác chiến trên Biển: Sự trở lại của việc kiểm soát Biển” trong đó nhấn mạnh lực lượng hải quân Mỹ cần phải theo đuổi khái niệm mới “phân phối sức mạnh” nhằm thực hiện chiến lược làm chủ vùng biển. [6]

Bổ sung cho chiến lược này, Mỹ đồng thời công bố “Chiến lược An ninh hàng hải châu Á - Thái Bình Dương” với 3 mục tiêu quan trọng, bao gồm: Bảo vệ sự tự do của các bờ biển; ngăn ngừa xung đột và cưỡng ép; thúc đẩy việc tuân thủ các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. [7]

Tài liệu tham khảo:
[1] Christine Shelly, “US Policy on Spratly Islands and South China Sea,” Daily Press Briefing, the US Department of State, May 10, 1995.
[2] Trần Hồng Ba, "Nghiên cứu vấn đề Trường Sa," Tạp chí Học viện Nghi Xuân, Số 1, 2006, tr. 103 trích dẫn lại trong Đinh Tiến Hiếu, "Chiến lược của Trung Quốc trong việc từng bước thôn tin Biển Đông," Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 (169), 3-2015, tr. 4.
[3] Renato Cruz De Castro (2011): Tuyên bố Hà Nội của Clinton về Biển Đông: Khởi nguồn chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, //nghiencuubiendong.vn
[4] Russell Weigley, The American Way of War: A History of United States Military Strategy and Policy, Liberation Army Press, 1986, pp.219-288.
[5] US Department of the Navy, From the Sea: Preparing the Naval Service for the 21st Century, September 1992, //www.globalsecurity.org/military/library/policy/navy/fts.htm.
[6] US Naval Surface Forces, Surface Force Strategy: Return to Sea Control, January 9, 2017, //www.navy.mil/strategic/SurfaceForceStrategy-ReturntoSeaControl.pdf.
[7] Ibid.
Gia tăng sức ép từ Nhà Trắng


Để triển khai chiến lược của mình, Mỹ không ngừng gia tăng sức ép từ Nhà Trắng. Đối với các chính quyền Mỹ trước đây, khi tuyên bố về tình hình Biển Đông, rất ít khi các quan chức trả lời trực tiếp về vấn đề này thậm chí họ thể hiện thái độ khá thận trọng khi có những phát biểu về Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi nhận thức về “mối đe dọa” Trung Quốc được công khai hóa trong nhiều văn kiện chiến lược (Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ công bố vào tháng 11/2017) thì các quan chức Mỹ dường như được “cởi trói” trong việc lên án Trung Quốc với những từ ngữ khá gay gắt.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã bày tỏ quan điểm hết sức cứng rắn về Trung Quốc: “Trung Quốc nên bị cấm tới các đảo mà nước này xây trái phép ở Biển Đông...[1]
“Chúng ta sẽ phải gửi tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc rằng thứ nhất, việc xây dựng đảo phải dừng lại; thứ hai, họ sẽ không được phép tới các đảo đó nữa”. [2]

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Tháng 3/2017, vấn đề Biển Đông đều lần lượt đưa ra thảo luận nhân chuyến thăm của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Nhật Bản.
Tại đây, người đứng đầu Lầu Năm Góc bố rằng: “Mỹ sẽ phối hợp với các quốc gia để chống lại các nỗ lực muốn thay đổi nguyên trạng.

Và để giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông cần phải tăng cường một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Để thực hiện điều đó, cần phải huy động mọi nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề một cách phù hợp nhằm duy trì việc mở cửa các tuyến hàng hải”. [3]
Thể hiện quyết tâm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông tại phiên điều trần hồi tháng 1/2017.
Tháng 10/2018, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Borton khi phát biểu về những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông cũng đã không ngần ngại tuyên bố thẳng rằng chính quyền Donald Trump sẽ có chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc và Biển Đông sẽ không bao giờ trở thành một tỉnh của Trung Quốc:
“Họ chưa bao giờ thấy được một vị Tổng thống Mỹ nào cứng rắn hơn. Tôi nghĩ họ cần phải điều chỉnh lại hành vi của mình trong vấn đề thương mại, quốc tế, chính trị và quân sự trong hàng loạt vấn đề… Đây là điều Trung Quốc phải hiểu và chúng tôi sẽ làm nhiều hơn thế.
Tôi nghĩ chúng ta có thể nhìn thấy sự khai thác khoáng sản nhiều hơn ở Biển Đông có hoặc không cần sự hợp tác của Trung Quốc. Họ phải biết rằng không nên tạo ra việc đã rồi. Đây là không phải là một tỉnh của Trung Quốc và sẽ không bao giờ như vậy”. [4]

Việc các quan chức Mỹ, nhất là từ phía Nhà Trắng, đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc đã tạo ra một phản ứng dư luận mạnh mẽ nhằm vào các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông.

Mỹ can dự chiến lược chưa từng có vào Biển Đông
Những tuyên bố này ít nhiều đã tác động tới các đồng minh, đối tác của Mỹ tại khu vực thể hiện rõ Mỹ muốn thách thức những tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông, đồng thời thể hiện những cam kết chặt chẽ đối với các nước trong khu vực.
Các nước Châu Âu cũng vì thế mà có tiếng nói mạnh mẽ hơn, lên án các hành động của Trung Quốc từ đó hình thành một tiếng nói thống nhất chống lại các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông, giúp hạ nhiệt tình hình khu vực cũng như buộc Trung Quốc phải có sự điều chỉnh đối với các hành vi của mình.
Cùng với sức ép từ Nhà Trắng, vấn đề Biển Đông cũng được nêu ra tại rất nhiều các diễn đàn quốc tế với một cường độ ngày càng nhiều.
Điển hình nhất, tại Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore vào ngày 5/6/2017, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lần đầu tiên công khai chỉ trích các hoạt động “quân sự hóa” Biển Đông của Trung Quốc và cho rằng những hoạt động này của Bắc Kinh là sự “coi thường luật pháp quốc tế” và Trung Quốc đã đi quá xa trong việc thể hiện “quyết tâm” của mình tại các vùng biển tiếp giáp mà “không thèm đếm xỉa gì tới lợi ích của các quốc gia khác”. [5]
Chính vì vậy, theo ông James Mattis, nước Mỹ sẽ phải tiếp tục điều chỉnh và mở rộng khả năng của mình nhằm phối hợp với các nước khác để đảm bảo an ninh, thịnh vượng và sự tự do đi lại tại Châu Á trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ông James Mattis thậm chí còn tuyên bố mạnh mẽ: “Chúng tôi không chấp nhận và sẽ không chấp nhận sự thay đổi mang tính cưỡng bức để thay đổi nguyên trạng. Chúng tôi không chấp nhận hành động quân sự hóa đơn phương tại Biển Đông”. [6]
Kết thúc diễn đàn đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cùng đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ việc sử dụng hành vi cưỡng bức tại Biển Đông đồng thời phản đối việc “sử dụng các đảo, đá, đá ngầm cho các mục đích quân sự”. [7]
Để gây sức ép lên Trung Quốc, vấn đề Biển Đông cũng đã trở thành điểm thảo luận trong chương trình đối thoại thường niên giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong đối Đối thoại về Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung tổ chức tại thủ đô Washington vào ngày 21/6/2017, với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, vấn đề Biển Đông đã được đem ra thảo luận trực tiếp với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, Thượng tướng Phòng Phong Huy. [8]
Ngoài ra, vấn đề Biển Đông còn đưa vào các tuyên bố chung của hội nghị của các nhà lãnh đạo thế giới như Hội nghị G7.
Trong tuyên bố chung của Hội nghị G7 đưa ra vào ngày 27/5/2017 nêu rõ: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ trong lĩnh vực hàng hải, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển thông qua các biện pháp ngoại giao và pháp lý, bao gồm cả cơ chế trọng tài.

Cách thức đúng đắn giúp Mỹ có thể đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông
Chúng tôi quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, chúng tôi cực lực phản đối bất cứ hành động đơn phương nào có thể làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi hối thúc tất cả các bên theo đuổi việc phi quân sự hóa các thực thể trong diện tranh chấp”. [9]
Và để tăng sức ép lên các vấn đề Biển Đông, Mỹ đã và đang triệt để tật dụng các biện pháp kinh tế để đối phó với Bắc Kinh.
Biện pháp này được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trong suốt thời gian ra tranh cử Tổng thống Mỹ.
Theo quan điểm của Trump, Trung Quốc đang lấn lướt Washington ở Biển Đông bằng cách xây các “pháo đài lớn”.
Và theo Trump, cách tốt nhất để ngăn các hành động trái phép của Trung Quốc như xây đường băng, triển khai tên lửa tại các đảo, đá ở Biển Đông thì cần phải đe dọa Trung Quốc về mặt kinh tế, đe dọa sự tham gia của Trung Quốc vào thị trường Mỹ:
“Chúng ta có một sức mạnh kinh tế to lớn so với Trung Quốc. Đó chính là quyền lực của thương mại. Chúng ta sẽ dùng thương mại để đàm phán”. [10]
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay không đơn giản chỉ là tìm cách giảm sự chênh lệch về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mà nó còn nhằm tới mục tiêu là kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông.
Vai trò của Quốc hội Mỹ
Với tư cách là cơ quan lập pháp của nước Mỹ, những đạo luật do các nghị sĩ Mỹ đề xuất hoặc đã được thông qua tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ có vai trò rất lớn trong việc kiềm chế các hành động của Mỹ tại Biển Đông, đáng chú ý nhất là các đạo luật, nghị quyết sau:
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng John S. McCain cho năm tài khóa 2019 (H.R.5515) lần đầu được trình ra Ủy ban Quân lực Hạ viện vào ngày 13/4/2018.
Đạo luật chính thức trở thành Luật (Số 115-232) vào ngày 13/8/2018 với nhiều quy định nhằm vào các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo đó, nếu Bắc Kinh không chấm dứt ngay các hành vi quân sự hóa tại các đảo nhân tạo, đá ngầm trên Biển Đông thì Trung Quốc sẽ không được mời tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương tổ chức 2 năm một lần.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng được đề nghị phải duy trì ổn định tại Biển Đông trong 4 năm và không có bất cứ hành động xây dựng mới nào khác tại các đảo, đá ngầm ở Biển Đông.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải rút các tên lửa, thiết bị điện tử đã lắp đặt, mới có thể tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương của Mỹ.

Mỹ nhất quán là chìa khóa đối phó với bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông
Thậm chí, đạo luật này còn cảnh báo việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa trên đảo là nhằm chuẩn bị cho đại chiến thế giới lần thứ ba. [11]
Đạo luật (Bill) số S.659 - Quốc hội thứ 115 (2017-2018) có tên gọi là Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông năm 2017 do Thượng viện Mỹ đề xuất, tuyên bố rằng:
Mỹ phản đối hành động của chính phủ bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào sự tự do các vùng biển và vùng trời tại Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông; Trung Quốc không được tiếp tục theo đuổi những tuyên bố chủ quyền phi pháp và quân sự hóa khu vực trọng yếu về an ninh toàn cầu;
Mỹ cần mở rộng các chiến dịch tự do hàng hải và bay qua và phản ứng với các hành vi khiêu khích của Trung Quốc bằng các hành động tương ứng; Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm làm xói mòn việc Nhật Bản kiểm soát đảo Senkakul (Điếu Ngư). [12]
Đạo luật này cũng kêu gọi Tổng thống áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào tài sản của đang lưu trữ tại Mỹ của tất cả các cá nhân bao gồm:
1) Bất kỳ người Trung Quốc nào tham gia vào các dự án xây dựng hoặc phát triển tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông với một hay nhiều quốc gia thành viên Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN);
2) Bất kỳ một cá nhân Trung Quốc nào tham gia vào các hoạt động hoặc chính sách đe dọa tới hòa bình hoặc ổn định khu vực tại Biển Đông có tranh chấp với một hay nhiều thành viên ASEAN hoặc tại khu vực Biển Hoa Đông do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý;
3) Bất kỳ ai là chủ sở hữu hoặc là đại diện cho những người này, hoặc cung cấp cho những người này nguồn tài chính, nguyên vật liệu, công nghệ hoặc hỗ trợ khác.
Theo các quy định khác thì Tổng thống sẽ cấm hoặc áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt của việc duy trì tại Mỹ một tài khoản liên lạc hoặc tài khoản thanh toán của một tổ chức tài chính nước ngoài để thực hiện hoạt động giao dịch tài chính cho người bị trừng phạt nếu Trung Quốc tiến hành các hành động cụ thể liên quan đến quân sự tại Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông.
Dự luật (Act) H.R.2621 - Kỳ họp quốc hội thứ 115 (2017-2018) hay còn gọi là Đạo luật tăng cường an ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được công bố ngày 24/5/2017 tại Ủy ban Quân lực Hạ viện sau đó tiếp tục được đệ trình lên Tiểu ban về Châu Á và Thái Bình Dương vào ngày 27/6/2017.
Dự luật đề xuất này nêu rõ: Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải, tự do của các vùng biển, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở tại Biển Đông.
Dư luận cũng nhắc lại tuyên bố của vào ngày 4/2/2017 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh rằng:
“Tự do hàng hải là tuyệt đối cho dù đó là việc vận chuyển thương mại của Hải quân Mỹ. Mỹ vẫn hoạt động tại các vùng biển quốc tế và đi lại qua các vùng biển quốc tế một cách phù hợp”.
Dự luật nhắc lại nghĩa vụ thực thi phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực PCA tại Hague vào tháng 7/2016 về những tuyên bố chủ quyền (đường 9 đoạn) của Trung Quốc tại Biển Đông là không có giá trị theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông H.R.3508 do Hạ nghị sĩ Gallagher đệ trình ngày 26/6/2019.
Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông H.R.3508 năm, kỳ họp Quốc hội 116, 2019 do Hạ nghị sĩ Gallagher đề xuất ngày 26/6/2019 trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đề nghị áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc liên quan tới các hành động tại Biển Đông và Biển Hoa Đông và các mục đích khác.
Đạo luật đề xuất này nhắc lại Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết tranh chấp giữa các bên một cách hài hòa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đạo luật cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các chính sách lâu đời của Mỹ.
Đạo luật phản đối các yêu sách trong lĩnh vực hàng hải bao gồm các quyền tự do và sử dụng hợp tác các vùng biển thuộc về tất cả các quốc gia, phản đối hành động đơn phương của bất kỳ chính phủ quốc gia nào muốn thay đổi nguyên trạng, can thiệp, ngăn chặn các quốc gia khác thực hiện các quyền chủ quyền đối với các nguồn lực của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa bằng cách đưa ra các yêu sách không có hỗ trợ trong luật pháp quốc tế.
Đạo luật cũng đề nghị trừng phạt đối với 25 công ty của Trung Quốc đã tham gia vào các hoạt động tại Biển Đông trong đó có: China Mobile, China Telecom, Tập đoàn dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC); Hãng hàng không Phương Nam Trung Quốc (China Southern Airlines) và nhiều tập đoàn công ty khác. [13]
Tài liệu tham khảo:
[1] Khánh Linh, ‘Chính quyền Trump thề ngăn Trung Quốc chiếm các đảo ở Biển Đông’, VnExpress, 24/1/2017, //vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/chinh-quyen-trump-the-ngan-trung-quoc-chiem-cac-dao-o-bien-dong-3532782.html (truy cập ngày 25 July 2017).
[2] Như trên
[3] James Mattis, Joint Press Briefing by Secretary Mattis and Minister Inada in Tokyo, Japan, 4 February 2017, U.S Department of Defense, //www.defense.gov/News/Transcripts/Transcript-View/Article/1071436/joint-press-briefing-by-secretary-mattis-and-minister-inada-in-tokyo-japan/ (accessed on 28 July 2017).
[4] David Brunnstrom, “U.S. security adviser Bolton vows tougher approach to China,” Reuters, 13 October 2018, //www.reuters.com/article/us-usa-china-bolton/u-s-security-adviser-bolton-vows-tougher-approach-to-china-idUSKCN1MM2M8 (accessed on 24 October 2018).
[5] Richard J. Heydarian, ‘Defense Secretary James Mattis Just Challenged China’s Moves in South China Sea’, The National Interest, 5 June 2017, //nationalinterest.org/blog/the-buzz/defense-secretary-james-mattis-just-challenged-chinas-moves-21006 (assessed on 25 July 2017).
[6] ‘Mattis says US against 'coercive' Chinese moves in South China Sea’, Deutsche Welle (DW), 3 June 2017, //www.dw.com/en/mattis-says-us-against-coercive-chinese-moves-in-south-china-sea/a-39103240 (assessed on 25 July 2017).
[7] Kirsty Needham, ‘South China Sea: Beijing lashes out at US Defence Secretary Jim Mattis’, The Sydney Morning Herald, 5 June 2017, //www.smh.com.au/world/south-china-sea-beijing-lashes-out-at-us-defence-secretary-jim-mattis-20170604-gwkazj.html (assessed on 26 July 2017).
[8] Susan A. Thornton, ‘Previewing the U.S.-China Diplomatic and Security Dialogue’, Susan Thornton, Acting Assistant Secretary of State for East Asian and Pacific Affairs, U.S Department of State, 19 June 2017, //www.state.gov/r/pa/prs/ps/2017/06/272014.htm (assessed on 25 July 2017).
[9] An Công, ‘G7 lên tiếng về Biển Đông, Trung Quốc 'bất mãn', VietTimes, 29/5/2017, //viettimes.vn/g7-len-tieng-ve-bien-dong-trung-quoc-bat-man-123875.html (truy cập ngày 13/9/2017); ‘G7 leaders express ‘concern’ about East and South China Sea disputes in closing statement’, South China Morning Post, 27 may 2017, //www.scmp.com/news/world/article/1956243/g7-leaders-express-concern-about-east-and-south-china-sea-disputes (accessed on 13 September 2017).
[10] Kim Hoa, ‘Ông Trump bổ nhiệm tướng Hải quân chống Trung Quốc’, Báo Đất Việt, 31/01/2017, //baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-hinh-bien-dong-van-de-bien-dong/ong-trump-bo-nhiem-tuong-hai-quan-chong-trung-quoc-3328165/ (truy cập ngày 6/2/2017); ‘Use trade against China: Trump’, The Straits Times, 28 March 2006, //www.straitstimes.com/world/united-states/use-trade-against-china-trump (accessed on 13 September 2017).
[11] U.S Congress, H.R.5515 - John S. McCain National Defense Authorization Act for Fiscal Year 2019, 115th Congress (2017-2018), House - Armed Services, May 15, 2018, p. 627.
[12] U.S Congress, South China Sea and East China Sea Sanctions Act of 2017, S.659 - 115th Congress (2017-2018), 15 March 2017.
[13] “H.R. 3508 — 116th Congress: South China Sea and East China Sea Sanctions Act of 2019.” www.GovTrack.us. 2019. July 31, 2019, //www.govtrack.us/congress/bills/116/hr3508
Trật tự khu vực tại Biển Đông
Quan điểm của chính quyền Donald Trump về vấn đề Biển Đông được thể hiện rất rõ trong các tuyên bố từ Nhà Trắng, Quốc hội và từ các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ.

Thông qua các tài liệu văn kiện chính sách và các tuyên bố của các giới chức Mỹ, có thể tóm gọn những quan điểm chính trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông như sau:

Mỹ coi Biển Đông nằm trong lợi ích quốc gia: Biển Đông có lợi ích chiến lược và kinh tế đối với Mỹ. Đây là tuyến đường biển nhộn nhịp nhất của thế giới, nơi có tới 80% thương mại của thế giới đi qua vùng biển này.
Đây cũng là nơi di chuyển dầu mỏ và hàng hóa thương mại từ Trung Đông và Đông Nam Á qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi có nhiều eo biển quan trọng như: eo biển Malacca, Sunda và Lombok và Makassar.
Ngoài ra, đây còn là tuyến đường quan trọng cho sự di chuyển của lực lượng quân sự Mỹ từ Tây Thái Bình Dương cho tới Ấn Độ Dương và cả vùng Vịnh.
Tàu chiến Mỹ thực hiện hoạt động FONOP trên Biển Đông. (Ảnh minh họa: cimsee.org).
Đối với chính quyền Trump, Biển Đông còn có một vai trò nữa trong việc duy trì một trật tự khu vực.
Nếu để Biển Đông rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc, hệ thống liên minh của Mỹ tại khu vực sẽ bị xói mòn, từ đó ảnh hưởng tới sự hiện diện của Mỹ tại khu vực tây Thái Bình Dương.
Vì vậy, chính quyền Mỹ có ý định thành lập một lực lượng hải quân Mỹ tại Biển Đông nhằm gia tăng sự hiện diện đều đặn của mình tại khu vực.
Trên cơ sở đó, chính quyền Trump mong muốn tạo ra một “liên minh tứ cường” bao gồm cả Nhật Bản, Australia, Ấn Độ nhằm đối phó với thách thức đến từ Trung Quốc.
Ủng hộ nguyên tắc trật tự dựa trên luật lệ tại Biển Đông: Chính quyền Trump ra sức kêu gọi Trung Quốc cần phải tuân thủ một “trật tự dựa trên luật lệ” thông qua việc tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, trên cơ sở giúp đồng minh và đối tác của Mỹ bảo vệ các quyền tự do đi lại và bay qua tại Biển Đông.
Cách tiếp cận này của Mỹ bắt nguồn từ niềm tin cho rằng việc duy trì một trật tự khu vực mà trong đó các quốc gia độc lập và có chủ quyền có thể cạnh tranh với nhau dựa trên một một nguyên tắc chung, cho dù có nhiều nước bất đồng và cạnh tranh với Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cần phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại Hague liên quan tới vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Theo phán quyết của PCA, Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trong toàn bộ vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” bao phủ toàn bộ Biển Đông.
Ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép: Mỹ cho rằng việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực là đi ngược với các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc.
Việc cấm sử dụng đe dọa vũ lực được quy định rõ tại Khoản 4, Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó quy định:
“Tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào dưới bất kỳ hình thức nào trái với những mục đích của Liên Hợp Quốc”.

Donald Trump làm tới, Trung Quốc sẽ mất thế và lực hung hãn trên Biển Đông
Với tranh chấp tại Biển Đông, Mỹ luôn chủ trương đường lối không “sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” để giải quyết các tranh chấp.
Lập trường “không sử dụng vũ lực” hoặc “cưỡng ép” đã được nhiều quan chức thuộc chính quyền Trump đưa ra để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.
Đi kèm với nguyên tắc “không sử dụng vũ lực” hoặc “đe dọa sử dụng vũ lực”, Hiến chương Liên hợp quốc cũng nêu quy định giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình và được nhiều quốc gia trên thế giới đón nhận và thực thi.
Tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải: Đây được coi là nguyên tắc quan trọng khác của Mỹ trong việc duy trì trật tự quốc tế hình thành từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Nó được coi là nguyên tắc về ứng xử trên các vùng biển của thế giới theo Luật quốc tế về vùng Biển quốc tế và sự tự do hoạt động tại các vùng biển quốc tế.
Nguyên tắc này đôi khi được gọi vắn tắt là sự tự do đi lại trong các vùng biển. Mặc dù thuật ngữ này được định nghĩa (đặc biệt của những bên không ủng hộ sự tự do của các vùng biển) theo một nghĩa hẹp, bao gồm chỉ là sự tự do đi lại của các tàu vận tải thương mại qua lại giữa các vùng biển, nhưng phản đối sự tự do của các tàu thương mại và tàu quân sự tiến hành các hoạt động tại các vùng biển.
Nguyên tắc tự do tại các vùng biển được tuyên bố trong Báo cáo Tự do hàng hải (FON) của Bộ Quốc phòng Mỹ đó là: “tất cả các quyền, tự do và sử dụng theo đúng pháp luật các vùng biển, vùng không gian, bao gồm dành cho cả các tàu chiến máy bay quân sự, được đảm bảo dành cho tất cả các quốc gia theo luật quốc tế”. [1]
Chiến lược quốc gia Mỹ về Biển Đông
Trong một thời gian khá dài, Mỹ đã có ý định xây dựng một Chiến lược quốc gia về Biển Đông (NSSCS).
Đây cũng là ý kiến của nhiều các nhà hoạch định chính sách Mỹ nêu ra với quan điểm cho rằng, một chiến lược như vậy là hoàn toàn cần thiết để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy và đang ra sức mở rộng ảnh hưởng của mình tại Biển Đông.
Việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền “phi pháp” và “thái quá” tại Biển Đông khẳng định chủ quyền của mình với “đường 9 đoạn”, dùng các biện pháp “cưỡng ép” với các bên tranh chấp thông qua việc thường xuyên va chạm với các tàu bè qua lại, trong đó có các tàu chiến của Mỹ, thậm chí đe dọa tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) tại Biển Đông; tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông đã khiến không chỉ Mỹ và các quốc gia láng giềng lo ngại.
Chính vì vậy mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đề xuất cần phải có Chiến lược quốc gia đối với Biển Đông, trong đó phải thể hiện 5 nội dung chính, bao gồm:
Thứ nhất: Thể hiện lập trường của Mỹ về bản chất của sự tranh chấp tại Biển Đông;
Thứ hai: Bao gồm một bản ghi nhớ pháp lý liên quan tới hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông, bao gồm các cuộc điều tra quân sự;

Mỹ không chấp nhận cường quyền, áp đặt ở Biển Đông
Thứ ba: Đề cập tới tới tính hợp pháp yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông;
Thứ tư: Khẳng định về các hoạt động “tự do hàng hải” của Mỹ tại Biển Đông;
Thứ năm: Đề cập tới những tuyên bố hỗ trợ Philippines trong vụ kiện chống lại Trung Quốc
Như vậy có thể thấy, dưới thời của chính quyền Donald Trump, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông đã có sự thay đổi đáng kể. Sự thay đổi đầu tiên này đến từ sự thay đổi về tư duy chiến lược đối với Biển Đông.
Cụ thể, Mỹ coi trọng sức mạnh hải quân, chuyển hướng hoạt động từ “trên biển” sang hoạt động “từ biển”, coi sức mạnh hải quân là trụ cột để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự tổng hợp.
Mỹ thay đổi việc “triển khai tuyến đầu” sang “hiện diện tuyến đầu” để tăng cường sự hiện diện quân đội Mỹ tại các vùng biển nhằm đối phó với các cuộc xung đột khu vực.
Ngoài ra, Mỹ chủ trương phân phối sức mạnh hải quân để thực hiện “làm chủ trên biển” thay vì “giành quyền kiểm soát trên biển” như trước kia.
Để triển khai tư duy đó, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp để đối phó với những tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh- quân sự.
Thay vì giữ thái độ cẩn trọng, Nhà Trắng không ngừng đưa ra những tuyên bố cứng rắn về tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Vấn đề Biển Đông cũng được đưa vào nhiều các cuộc thảo luận của các diễn đàn, các phát biểu của các hội nghị chủ chốt mà Mỹ tham gia như Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF); Diễn đàn đối thoại Shangri-La; Đối thoại về ngoại giao và an ninh  Mỹ-Trung.
Một trong những chuyển biến quan trọng so với các thời kỳ trước đó là sự gia tăng sức ép của Quốc hội Mỹ lên các hoạt động Trung Quốc tại Biển Đông.
Quốc hội Mỹ đã thông qua nhiều đạo luật, dự luật gây sức ép lên Trung Quốc buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh các hoạt động của mình trong các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Các hoạt động quân sự của Mỹ cũng được triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn thông qua việc tăng thời gian các Chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông.
Các chiến dịch này là nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép cũng như thúc đẩy các hoạt động tự do đi lại, bay qua tại các vùng biển quốc tế trên cơ sở tuân thủ Luật quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Cùng với đó, Mỹ không ngừng tăng ngân sách quốc phòng, lên kế hoạch phát triển lực lượng Hải quân để giành thế áp đảo và tạo sự răn đe chiến lược trước sự phát triển nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc.
Tài liệu tham khảo:
[1] U.S. Department of Defense (DoD) Freedom of Navigation (FON) Report for Fiscal Year (FY) 2017, December 13, 2017, p. 2.
Tiến sĩ Phạm Cao Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét