Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019

20190817. QUANH XỬ LÝ CÁC SAI PHẠM Ở THỦ THIÊM

ĐIỂM BÁO MẠNG
'KHÓ THU HỒI 26.300 TỶ' VỤ THỦ THIÊM: THÊM NGUY HIỂM CHO NHÓM QUAN CHỨC 'ĂN ĐẤT'
THƯỜNG SƠN/ BVN 14-8-2019



Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ quận 1 - Ảnh: Anh Quân

Rất có thể bị chính phủ thúc ép, chính quyền TP.HCM vừa phải có văn bản trả lời vụ ‘26.300 tỷ đồng’, ký bởi Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nêu trong văn bản gửi Thủ tướng.
Theo đó “TP HCM tạm ứng hơn 26.000 tỷ đồng để đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tính đến ngày 30/9/2018. Số tiền này chủ yếu để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng nên không thể thu hồi hoàn trả ngân sách như thông báo ngày 26/6/2019 của Thanh tra Chính phủ” – văn bản này nêu.
Cần nhắc lại, bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ đã nêu ra buộc chnh quyền TP.HCM phải hoàn trả ngân sách số tiền 26.300 tỷ đồng như một ‘tối hậu thư’, nếu không trả được đến hạn cuối vào ngày cuối năm 2019 thì Thanh tra chính phủ sẽ chuyển vụ việc này cho Cơ quan điều tra.
Nhưng đào đâu ra số tiền 26.300 tỷ đồng?
Dù chính quyền TP.HCM nêu lý do là không thể thu lại từ các hộ dân đã nhận tiền bồi thường, nhưng sự thật không phải thế. Sự thật là khi áp giá bồi thường trước đây, các quan chức TP.HCM lúc đó đã tính ‘đơn giá’ xây dựng cho các doanh nghiệp thấp hẳn so với giá thị trường, từ đó làm cơ sở tính giá bồi thường còn thấp và tệ hơn nhiều cho người dân bị giải tỏa.
Do đó, bản chất vấn đề hiện thời là muốn có số tiền 26.300 tỷ để trả lại ngân sách trung ương, cần truy ngược lại các doanh nghiệp được ‘thầu’ Thủ Thiêm và tính lại đơn giá xây dựng tại các oanh nghiệp này, không phải theo ‘giá nội bộ’ mà theo giá thị trường. Nếu cơ chế tính lại này được vận hành rốt ráo và có hiệu quả, đảng của Nguyễn Phú Trọng sẽ có ngay không chỉ 26.300 tỷ đồng mà các doanh nghiệp cùng giới quan chức phải ‘ói ra’, mà có thể còn nhiều hơn nữa.
Việc chính quyền TP.HCM phải trả lời sớm về vụ 26.300 tỷ đồng cho thấy Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương Nguyễn Phú Trọng không còn kiên nhẫn chờ đến hạn chót cuối năm 2019, mà đang chỉ đạo gấp rút để TP.HCM phải bồi hoàn tiền cho ngân sách.
Nguy cơ đang ngày càng tiệm cận các doanh nghiệp ở Thủ Thiêm và nhóm quan chức ‘ăn đất’ thời kỳ đó như ‘Hai – Ba – Sáu’… (Hai Nhật – tức Lê Thanh Hải, Hai Quân – tức Lê Hoàng Quân, Ba Đua – tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang – tức Tất Thành Cang…
‘Ói ra’ hay ‘quyết tâm thu hồi tài sản tham nhũng’ đã trở thành chủ trương của đảng, khởi nguồn từ từ năm 2017 bởi ‘người đốt lò vĩ đại’ Nguyễn Phú Trọng – một động thái nhái lại những gì mà Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã làm ở Trung Quốc. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ chưa đầy 10% trong thời gian trước đó là quá thấp và khiến Trọng không thể hài lòng khi, mà mục tiêu là phải bắt quan tham ‘ói ra’ ít nhất 50% số tài sản đã ‘nuốt’ thì mới thu hồi được một phần tiền để ‘hô hấp’ cho đảng. Một chục ngàn tỷ đồng hoặc thậm chí nhiều gấp vài ba lần như thế mà lũ ‘Hai – Ba – Sáu’ phải ‘ói lại’ vào ngân sách đảng để thoát khỏi xà lim sẽ giúp đảng có đủ tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức, với 30% trong số đó bị xem là vô tích sự, trong…3 ngày.
Nhất là Lê Thanh Hải.
Đã từ lâu, Lê Thanh Hải không chỉ bị xem là ‘tội phạm’ ghê gớm trong vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm mà đã đẩy hàng chục ngàn gia đình ở khu vực này vào cảnh bị cướp đất, màn trời chiếu đất và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, hàng chục năm trời rồng rắn kéo nhau đi khiếu nại tố cáo từ Nam chí Bắc, mà còn được một số dư luận đồn đoán là “một trong những quan chức cộng sản giàu nhất Việt Nam”. Thậm chí còn có dư luận cho rằng nếu Nguyễn Phú Trọng làm kiên quyết vụ Thủ Thiêm và buộc Lê Thanh Hải phải ‘ói ra’ thì có thể ‘hốt’ cho ngân sách trung ương từ 3 đến 5 tỷ USD.
Trong thời gian tới, nếu Lê Thanh Hải và những đồng sự cấp dưới thời ông ta còn làm chủ tịch thanh phố và bí thư thành ủy TP.HCM không thể khắc phục được hậu quả, nghĩa là chính quyền TP.HCM không thể tìm được 26.300 tỷ đồng để hoàn trả lại ngân sách trung ương theo kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ đã công bố như một tối hậu thư vào tháng 6 năm 2019, Lê Thanh Hải sẽ khó có cơ may thoát khỏi án tù như Đinh La Thăng.
T.S.
VNTB gửi BVN


THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SẼ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM Ở THỦ THIÊM RA SAO ?

LÊ ANH/ TBKTSG 14-8-2019


(TBKTSG Online) - Vào lúc 16 giờ chiều nay 14-8, TPHCM sẽ chính thức họp báo để thông tin về việc triển khai thực hiện kết luận số 1037 của Thanh tra Chính phủ liên quan đến tình hình giải quyết khiếu nại của người dân có nhà đất bị giải tỏa, thu hồi ở khu đô thị mới Thủ Thiêm...
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ quận 1 - Ảnh: Anh Quân

Buổi họp báo sẽ công bố kế hoạch triển khai kết luận của Thanh tra Chính phủ với từng nội dung cụ thể, mốc thời gian thực hiện….

Vào cuối tháng 6-2019, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra liên đến tình hình giải quyết khiếu nại của người dân có nhà đất bị giải tỏa, thu hồi để làm dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo thông báo kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều vi phạm trong việc chấp hành pháp luật khi quy hoạch sử dụng đất đai tại khu đô thị Thủ Thiêm, trong đó có 3 sai phạm đáng chú ý.

Thứ nhất là việc tính giá đất 26 triệu đồng/m2, chênh lệch giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu là không đúng quy định.
Thứ hai là việc giao đất không qua hình thức đấu thầu là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.
Thứ ba là việc UBND TPHCM ký hợp đồng BT với Công ty cổ phần Đại Quang Minh, trong đó, xác định giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng để thanh toán hợp đồng BT là 12.490 tỉ đồng khi chưa có chứng thư thẩm định giá, chưa có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của UBND Thành phố là không đúng quy định của Luật Giá năm 2012 và Luật Đất đai năm 2013. Dẫn đến, chênh lệch giảm tiền sử dụng đất 3.901 tỉ đồng so với giá trị đã được UBND Thành phố thẩm định, phê duyệt trước đó, nguy cơ thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Trước đó vào tháng 9-2018, Thanh tra Chính phủ cũng có kết luận số 1483 nêu rõ vi phạm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm là thu hồi hơn 4,3 héc ta ngoài ranh dự án. Đồng thời, lấy 160 héc ta tái định cư giao cho doanh nghiệp.
Về hướng xử lý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TPHCM thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từng ngân sách nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm là 26.315 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, TPHCM tính toán lại việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân nằm ở diện tích 4,3 héc ta ngoài ranh quy hoạch. Đồng thời, rà soát việc thay đổi quy hoạch chi tiết tại các dự án đã và đang đầu tư xây dựng, trong đó tập trung rà soát các dự án như khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ…Ngoài ra, rà soát các dự án đã có quyết định giao đất để xem xét xử lý tính toán lại giá trị quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tiền của Nhà nước.
Về xử lý trách nhiệm, cơ quan thanh tra kiến nghị giao TPHCM kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức cá nhân thuộc thẩm quyền như Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm; các sở có liên quan.
Liên quan đến việc thu hồi 26.315 tỉ đồng, hôm 8-8-2019, TPHCM đã gửi văn bản số 3290 lên Chính phủ nêu những khó khăn trong việc thu hồi số tiền này.
Trong văn bản TPHCM nêu rõ, khoản tiền 26.315 tỉ đồng đã tạm ứng từ ngân sách thành phố cho khu đô thị Thủ Thiêm chủ yếu để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các tổ chức và hộ gia đình bị thu hồi đất. Do đó, để thực hiện thu hồi khoản tạm ứng này thì cần phải thực hiện các thủ tục để quyết toán vào dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư, vì không thể thu hồi khoản tiền đã chi trả này từ các tổ chức và hộ gia đình nên TPHCM đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Do vậy, TPHCM kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ ngành hướng dẫn về trình tự thủ tục và nội dung dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm thực hiện thống nhất.
Mời xem thêm:

SAI PHẠM Ở THỦ THIÊM: XEM XÉT TRÁCH NHIỆM CÁC CỰU LÃNH ĐẠO TP.HCM
SONG NGÔ /NĐT 14-8-2019
“Trung ương đang xem xét vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cựu lãnh đạo TP.HCM theo diện trung ương quản lý liên quan đến sai phạm ở Thủ Thiêm” - ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin về việc xử lý cán bộ sai phạm ở Thủ Thiêm.
Chiều nay (14.8), ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì buổi họp báo “Triển khai kế hoạch của UBND thành phố thực hiện kết luận 1037 của Thanh tra Chính phủ liên quan tới khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Nhiều vấn đề được đông đảo người dân Thủ Thiêm nói riêng và dư luận nói chung quan tâm, đã được nêu ra tại họp báo, như: cơ sở xác định ranh quy hoạch khu 4,3 ha, việc thu hồi 26.300 tỷ đồng, việc giải quyết bồi thường cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng, việc xử lý cá nhân và tổ chức liên quan đến sai phạm ở Thủ Thiêm...
4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2, nằm tại góc đường Lương Định Của - Trần Não - đường 34 - đường 35. Ảnh: Zing.vn

Trong đó, trả lời câu hỏi của phóng viên, rằng: Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sai phạm của hàng loạt sở ngành. Vậy thành phố đã xác định được cá nhân nào sai phạm và xử lý ra sao? ông Hoan cho biết về xử lý sai phạm cá nhân, thành phố đang kiểm điểm.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thì "Do qua nhiều thời kỳ, có người không còn công tác, một số người ở xa, các sở ngành đang triển khai. Đến 30.9 phải có kết quả báo cáo UBND thành phố."
Cũng theo ông Hoan, riêng đối với các cán bộ cấp cao, thẩm quyền của Trung ương thì phải chờ: "Trung ương đang xem xét vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cựu lãnh đạo thành phố theo diện Trung ương quản lý liên quan đến sai phạm ở Thủ Thiêm".
Trước đó, theo Quyết định số 1037 về việc thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ đã nêu hàng loạt sai phạm của UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan.
Theo kết luật trên, quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM (các thời kỳ trước), các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm trong lập quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai...
Cụ thể, về việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, UBND TP.HCM ban hành Điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ lập, trình, duyệt dự án khi đã có nhà đầu tư tham gia mà không theo thứ tự ưu tiên, dẫn đến, việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi buông lỏng quản lý việc đầu tư xây dựng, chậm triển khai đầu tư xây dựng...
Các cơ quan chức năng liên quan của thành phố đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM phê duyệt chi phí đầu tư bình quân cho 1 m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở là 26 triệu đồng/m2, chênh lệch giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu với lý do loại bớt một số chi phí cho các hạng mục công trình đã được phê duyệt quy hoạch có tổng giá trị là hơn 17.000 tỷ đồng, là không đầy đủ và không đúng quy định.
Đối với các dự án đối ứng BT, UBND TP.HCM đã chấp thuận sử dụng quỹ đất sạch trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho các dự án BT nhưng không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (thực chất là chỉ định nhà đầu tư) là không đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu.
UBND TP.HCM chấp thuận ký và thanh lý hợp đồng, sau đó, chỉ định nhà đầu tư dự án BT 4 tuyến đường chính, cho phép sử dụng giá trị tiền sử dụng đất trên để thanh toán đối ứng là không đúng quy định. UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư 12.182.175 triệu đồng cho dự án 04 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan là không đúng quy định; qua thanh tra phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị 1.519.731 triệu đồng...
"Kiến nghị các vị đại biểu phải đưa đại án khu đô thị mới Thủ Thiêm vào chương trình của Quốc hội kỳ họp này. Người dân chúng tôi không mong được xin lỗi. Chúng tôi yêu cầu trừng trị đích đáng những người nào phá hoại Đảng, những người nào không tuân theo nghị quyết của Đảng, chà đạp luật pháp" - Ông Cao Thăng Ca, cử tri phường Bình Khánh (quận 2) phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri quận 2 của tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM diễn ra sáng 20.10.2018. Ảnh: Trung Dũng

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong Kết luận thanh tra này.
Thanh tra Chính phủ giao UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền đã có khuyết điểm, vi phạm. Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31.12.2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
* Tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 19.6.2019, nhằm báo cáo về kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua đồng thời lắng nghe, ghi nhận ý kiến bà con quận 2, trả lời câu hỏi của cử tri về việc với chỉ đạo của Trung ương thì những cá nhân liên quan đến sai sót ở Thủ Thiêm đã làm kiểm điểm chưa? Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết: "UBND TP.HCM đã chủ trì cuộc họp, mời tất cả các đồng chí nguyên chủ tịch UBND các thời kỳ về để tham gia góp ý, có ý kiến về báo cáo kiểm điểm xung quanh khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sai đúng như thế nào? Thời đó ứng với (nhiệm kỳ) đồng chí nào? Trách nhiệm cụ thể của UBND qua các thời kỳ như thế nào thì đã có cuộc họp.
Bây giờ còn chờ kết luận thanh tra toàn diện khu đô thị mới Thủ Thiêm liên quan tới giai đoạn nào của UBND? Đồng chí nào làm chủ tịch? Ai quyết định vấn đề nào có sai thì sẽ tiếp tục xem xét xử lý. Lúc tôi còn trong Thường vụ Thành uỷ, quan điểm của Ban Thường vụ Thành uỷ là sai thì phải sửa và xử lý một cách nghiêm minh".
Song Ngô
XỬ LÝ THỦ THIÊM ĐỂ THÀNH PHỐ CẤT CÁNH

TS ĐẶNG ĐỨC SINH / TVN 15-8-2019


Vết thương Thủ Thiêm
Trong cuộc họp báo về Thủ Thiêm ngày 14/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cam kết, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân khu 4,3ha ở Thủ Thiêm được áp dụng hệ số quy đổi có lợi cho người dân. “Giá bồi thường được xác định là giá hiện nay chứ không phải 10 năm trước”, ông nói.
Như vậy, sau rất nhiều nỗ lực của các cơ quan, vấn đề Thủ Thiêm đang dần được tháo gỡ. Trước đó, Tổng Thanh tra chính phủ đã thông báo “Ban Tiếp công dân trung ương phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vận động 28 hộ dân khiếu nại, cam kết trong tháng 7 này sẽ có xử lý giải quyết dứt điểm”.
Vậy là sau 20 năm, tới nay, vụ Thủ Thiêm của thành phố Hồ Chí Minh đã gần như đã lộ diện hoàn toàn. Một số cán bộ của thành phố tuy đã nhiều lần học tập nhưng đang không làm theo gương Bác, nay không còn cơ hội để tiếp tục “chưa bị lộ”.
Hy vọng từ nay tới cuối năm, vụ Thủ Thiêm sẽ có thể khép lại. Người dân oan ức sẽ được đền bù, như thông báo của lãnh đạo thành phố.
Nếu đúng như vậy, người dân gốc Thủ Thiêm sẽ “được làm những gì luật pháp không cấm”, trong đó có việc được xây dựng nhà cửa đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trên đất sổ đỏ của mình trong khu đô thị mới đầy tự hào này của thành phố.
Vụ Thủ Thiêm đang để lại những tổn thương trong niềm tin yêu của nhân dân cả nước đối với thành phố, một đầu tầu của nền kinh tế quốc gia, nơi được làm thí điểm, rồi chính thức được giao thực hiện cơ chế đặc biệt so với các tỉnh, thành phố khác.
Thành phố luôn được Đảng giao cho một người thuộc đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cao nhất phụ trách, hai cán bộ cầm quyền do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý, nhiều cán bộ tương đương bộ trưởng, thứ trưởng đảm trách các lĩnh vực quan trọng, một Ban Thường vụ bề thế để thực hiện lãnh đạo tập thể.
Nếu cứ theo phương thức tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách của Đảng, thì sai phạm tại Thủ Thiêm sẽ không xảy ra. Khi điều không thể đó đã trở thành thực thể, thì phương thức này đã tự đặt ra những vấn đề cần phải được hoàn thiện.
Đó là việc chọn người đứng đầu, việc kiểm tra chất lượng sinh hoạt tập thể của Ban Thường vụ, việc giám sát hoạt động hữu hiệu của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố. Hoàn thiện phương thức lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách trong giai đoạn tới không thể không đặt lên hàng đầu việc chọn được người đứng đầu cấp ủy không bị sa vào tham nhũng, sinh hoạt của Ban thường vụ không để lọt qua bất cứ vụ việc tham nhũng nào trong toàn đảng bộ, bất kể người đó là ai.
Thành phố đã được Quốc hội giao thực hiện cơ chế đặc biệt để phát triển nhanh, bền vững, đạt hiệu quả cao trong khi nhiều tỉnh và thành phố khác cũng đề nghị nhưng chưa được chấp thuận. Việc thực hiện thành công cơ chế này sẽ mở ra khả năng biến cơ chế đặc biệt của thành phố Hồ Chí Minh thành cơ chế phổ quát cho cả nước, khi đó không còn tỉnh nào bị lẹt đẹt phía sau.
Xử lý Thủ Thiêm để thành phố cất cánh
Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Nhưng thật đáng tiếc, cơ chế đặc biệt đó đã bị một thứ cơ chế mang tên sai phạm Thủ Thiêm len lỏi vào, theo đó:
 - Phát triển nhanh, nhưng biết đến bao giờ ngân sách thành phố mới thu hồi được hàng chục ngàn tỷ đồng, trên triệu mét vuông đất vàng… trong danh mục tài sản công do sai phạm đã mắc phải;
 - Phát triển bền vững, nhưng biết đến bao giờ mới thí điểm thành công về chính quyền đô thị trong khi tại khu đô thị hiện đại này, người dân gốc Thủ Thiêm lại bị bỏ lại phía sau tới hàng chục năm với những xấp kiến nghị, khiếu nại khẩn thiết gửi đi mà những nơi có trách nhiệm đã nhận, hầu như không một ai lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết;
 - Phát triển hiệu quả, nhưng biết đến bao giờ, những hiệu quả thu được đó không trở thành công cốc, bị rơi rụng vào túi bọn “nội xâm”.
Media player poster frame
Phải là cánh chim đầu đàn
Thành phố đã được Chính phủ kỳ vọng trở thành địa phương đi đầu trong thực hiện cải cách hành chính, đổi mới dịch vụ công, cung cấp kiến tạo phát triển. Cả hệ thống chính trị của thành phố đã nỗ lực thực hiện theo hướng chỉ đạo đó của Chính phủ, nhưng Thủ Thiêm lại trở thành góc tối trong kỳ vọng đi đầu này.
Tại đây, cải cách hành chính đã cho phép một loạt cơ chế đen thay thế cơ chế đặc biệt, trong đó dân đã không được làm những việc luật pháp không cấm; cán bộ thành phố đã được làm những việc luật pháp không cho phép; đã xuất hiện doanh nghiệp tư nhân và cán bộ thành phố hợp lực với nhau để đặt ra thứ luật rừng và tổ chức thực hiện trôi chảy luật đó; việc chính quyền cung cấp kiến tạo phát triển cho xã hội đã bị biến tướng thành cung cấp tài sản công cho “ thân hữu”.
Những biểu hiện cơ chế đen len lỏi vào cơ chế đặc biệt chưa kể hết, nếu được loại bỏ càng sớm bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu cho tiến trình phát triển kinh tế-chính trị-xã hội của thành phố những năm tới, đặc biệt khi Đại hội đảng các cấp đang được khẩn trương chuẩn bị hiện nay.
Trước hết, những cán bộ thành phố đã chót nhúng chàm cần được xử lý nghiêm, không có vùng cấm. Việc này đã được tuyên đi tuyên lại không biết bao nhiêu lần, nhưng kết quả thực hiện còn rất xa so với các tuyên đó.
Lý do có nhiều, tựu chung, tuy không có vùng cấm nhưng đã có nhiều hàng rào được dựng lên, gây trở ngại và kéo dài cho việc trực trị của pháp luật đối với cán bộ nhúng chàm.
Ở đây phải kể đến: Qui chế xem xét kỷ luật Đảng trước, rồi sau mới xét xử theo pháp luật; Qui chế phân cấp quản lý đảng viên, trong đó có loại đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ cấp tỉnh, cấp huyện (và các cấp thành phố) quản lý; Qui chế phê và tự phê trong sinh hoạt chi bộ.
Những qui chế này đã ra đời và hoàn toàn phù hợp trong những thời kỳ Đảng trong sạch, vững mạnh. Nay Đảng đang trong thời kỳ khôi phục lại và nâng tầm sự trong sạch, vững mạnh đã từng có, thì những qui chế đó đã lộ rõ nhiều bất cập không thể không sửa đổi, bổ sung và đổi mới.
Những lời đã tuyên về “không có vùng cấm”, nay đã đến lúc phải tuyên về “dỡ bỏ các tường ngăn” để bất cứ cán bộ nhúng chàm nào cũng đều bị trực trị của luật pháp. Đảng viên nhúng chàm và công dân phạm tội đều bị xét xử như nhau theo cùng một qui chế trước pháp luật.
Thứ hai, quyền lợi chính đáng của người dân đã bị tước bỏ trong quá trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, nay cần được trả lại cho dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân được làm những gì luật pháp không cấm, sớm hòa nhập và được thụ hưởng những thành tựu do đô thị hiện đại này mang lại. Nếu việc này được giải quyết ngay và luôn, thì quá tuyệt vời.
Thứ ba, xóa bỏ hoàn toàn những cơ chế đen, luật rừng, góc tối đã len lỏi vào cơ chế đặc biệt của thành phố thời gian qua, đặc biệt đã lộ diện điển hình và tập trung nhất tại quá trình xây dựng khu đô thị mới hiện đại Thủ Thiêm.
Thành phố có thể không lấy lại được một số tài sản công đã mất từ sai phạm Thủ Thiêm; thành phố có thể mất hẳn một bộ phận cán bộ đã thành danh nhưng lại nhúng chàm; thành phố có thể không lấy lại được uy tín đã mất trong ngày một ngày hai…
Nhưng có một thanh “bảo kiếm”, nếu để mất hay không dùng đến, thì thành phố sẽ như con chim đầu đàn đuối sức, tự tụt lại phía sau, trong khi cả đàn 62 tỉnh và thành phố trong cả nước vẫn miệt mài vượt mây, bay tiếp.
Thanh “bảo kiếm”, ai cũng biết, đó là cơ chế đặc biệt được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, và Nhân dân trao cho thành phố làm trước, làm thí điểm, làm chính thức từ nhiều nhiệm kỳ đã qua và hiện nay của Đảng bộ thành phố.
TS. Đinh Đức Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét