Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

20190818. 'MADE IN VIETNAM': LỢI VÀ HẠI ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
'VỀ MẶT KINH TẾ, 'MADE IN VIETNAM' CÓ KHI LỢI BẤT CẬP HẠI'

LÊ NGUYỄN/ VNF 12-8-2019

(VNF) – TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng “made in Vietnam” (Sản xuất tại Việt Nam) có thể có ý nghĩa tinh thần nào đó, nhưng về mặt kinh tế thì có khi lợi bất cập hại.

TS Huỳnh Thế Du: ‘Về mặt kinh tế, made in Vietnam có khi lợi bất cập hại’

TS Huỳnh Thế Du

Theo ông Du, hiện tại, phần lớn điện thoại cao cấp của Samsung được lắp ráp ở Việt Nam nên được coi là “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, cả tiếng và miếng mà Việt Nam có được rất khiêm tốn.
Nhìn phần từ chiếc iPhone “Made in China” mà Trung Quốc được hưởng có thể hình dung ra được phần của Việt Nam trong mỗi chiếc Galaxy, giá trị lao động chỉ là 1,8%.
“Vật liệu có thể có từ Trung Quốc nên phần của Trung Quốc trong chiếc iPhone có thể còn nhiều chứ Việt Nam hiện đang chỉ có công lắp ráp và cung cấp một số phần phụ trợ đơn giản như bao bì chẳng hạn”, ông Du cho hay.
Nhìn trong cơ cấu của chiếc iPhone, ông Du chỉ ra hai phần rất đáng chú ý. Thứ nhất, Apple hay Mỹ là người sở hữu ý tưởng nên được hưởng phần giá trị gia tăng lớn nhất (58,5%). Thứ hai, phần của Hàn Quốc được rất đáng kể (4,7%).
Phần của hai quốc gia nêu trên có được chủ yếu là nhờ khả năng đổi mới sáng tạo - nền tảng của sản phẩm mới.
Phần của Đài Loan chỉ có 0,5% nhưng thực ra là rất đáng kể do họ chỉ tổ chức sản xuất và thuê hàng trăm nghìn công nhân Trung Quốc và các nước khác lắp điện thoại theo hợp đồng mà họ có được.
“Tính ra, giá trị gia tăng mà một công nhân Việt Nam đi lắp điện thoại thuê cho Samsung mang về cho đất nước (và cho bản thân họ) hàng năm chỉ có mấy nghìn USD, trong khi một người quản lý Hàn Quốc là mấy trăm nghìn USD.
“Giá trị gia tăng mà hơn 100 nghìn người Việt Nam (một tỷ lệ rất lớn làm cu-li hay lao động giản đơn) đang ở Hàn Quốc tạo ra thấp hơn rất nhiều so với hơn 100 nghìn người Hàn Quốc ở Việt Nam (chủ yếu là làm chủ hoặc lao động có kỹ năng)”, ông Du bình luận.
Do vậy, ông Du cho rằng chìa khóa ở đây là tri thức, khả năng đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất chứ không phải là sản xuất ở đâu. Trong thời kỳ toàn cầu hóa và phân công lao động theo chuỗi giá trị hiện tài thì “made in” không còn nhiều ý nghĩa nữa.
“Việc cần phải làm thực chất với Việt Nam là nâng cao chất lượng giáo dục và khả năng nghiên cứu chứ không phải luôn miêng nói ra những lời đao to búa lớn, nhưng mấy thập kỷ rồi mà vẫn vậy
“Còn một điều rất nguy hiểm với việc đưa ra vấn đề ‘Made in Vietnam’ hiện nay là không khéo sẽ bị dán nhãn made in trá hình và bị Mỹ đánh thuế”, vị TS từ Đại học Fulbright nhận định.
THẾ NÀO LÀ HÀNG HOÁ SẢN XUẤT TẠI VIỆT NAM ?

TƯ GIANG/ TVN 15-8-2019

 - Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, người chủ trì dự thảo thông tư quy định sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, giải thích cặn kẽ về dự thảo này

LTS: Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43. 
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.  
Tuần Việt Nam trao đổi với Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, người chủ trì dự thảo thông tư này.
Thế nào là Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam
Ông Trần Quốc Khánh
Thưa Thứ trưởng, trường hợp nào thì hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam? 
Hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trong 2 trường hợp sau:
- Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam và
- Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.
Doanh nghiệp có thể sử dụng các cách thể hiện khác không, như "Lắp ráp tại Việt Nam", "Gia công tại Việt Nam" hay "Thiết kế bởi Việt Nam"? 
Không. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép lựa chọn một trong các cách quy định tại khoản 2 Điều 4 để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam. Họ có thể lựa chọn cụm từ phù hợp nhất với quy trình sản xuất, gia công, chế biến của họ. Theo kinh nghiệm chung trên thế giới thì các sản phẩm có xuất xứ thuần túy thường dùng cụm từ "Sản phẩm của ..." mà không dùng các cụm từ như "Chế tạo tại .. " hay "Sản xuất tại ..".  
Có thể chỉ ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, thí dụ như "Made in Viet Nam" hay "Product of Viet Nam" được không?
Không. Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Chúng ta là người Việt và không có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với nhau. 
Tại sao trong ASEAN hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị gia tăng là 40% mới được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ mà tại Thông tư này, chỉ cần hàm lượng 30% đã được coi là hàng hóa Việt Nam? 
Trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC). Tên gọi này đã thể hiện tính chất "khu vực" của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên. 
Ví dụ, với RVC 40% trong ASEAN thì 1 sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D. Thông tư này quy định chặt hơn. Cụ thể, tỷ lệ giá trị gia tăng 30% nêu tại Thông tư là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam. 
Với quy định như tại dự thảo Thông tư, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam. 
Tại sao lại đặt ra ngưỡng VAC là 30% mà không phải ngưỡng cao hơn, thí dụ như 60% của Thụy Sỹ hay 50% của Mỹ? Ngoài ra, có ý kiến cho rằng phải bổ sung thêm các tiêu chí như phải mang thương hiệu Việt Nam, phải do công ty có trên 50% vốn Việt Nam sản xuất ra... mới được coi là hàng hóa của Việt Nam. 
Như Bộ Công Thương đã trình bày trên trang chủ của họ, dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.
 Nhiều sản phẩm xuất khẩu của ta chỉ cần đáp ứng VAC 30% là được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ Việt Nam. Đặt ra các ngưỡng cao hơn 30% hoặc bổ sung thêm điều kiện không khó, chỉ cần thay 2 chữ số, viết thêm vài câu là xong, nhưng nếu vậy sẽ xuất hiện tình huống oái oăm là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình.
Nhiều người thích viện dẫn Mỹ với Thụy Sỹ mà không biết rằng trong đàm phán với Việt Nam, cả Mỹ, cả Nhật, cả Thụy Sỹ đều tha thiết đề nghị ta áp dụng quy tắc VAC 30% hay chuyển đổi mã số hàng hóa cho tuyệt đại đa số sản phẩm công nghiệp của họ, không ai đề nghị 50% hay 60% cả, trừ đối với một vài mặt hàng cực kỳ nhạy cảm như may mặc, ô tô. 
Với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, có phải cứ đạt hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% là được coi là hàng hóa của Việt Nam?
Không nhất thiết. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là hàng Việt Nam khi khâu sản xuất, chế biến cuối cùng diễn ra tại Việt Nam và khâu đó phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, không phải là gia công, chế biến đơn giản như quy định tại Điều 10 của dự thảo Thông tư. 
Tại phụ lục các danh mục hàng hóa kèm theo dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương liệt kê các mặt hàng, trong đó hầu hết phải đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30% (một số ít sản phẩm 40%).  Như vậy ngoài việc phải đảm bảo công đoạn cuối cùng không phải là công đoạn đơn giản, thì đây là tỷ lệ tối thiểu giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm nếu muốn được công nhận, dán mác hàng sản xuất tại Việt Nam?
Đối với một mặt hàng cụ thể, nếu tiêu chí xác định "hàng hóa của Việt Nam" là VAC 30% thì 30% là ngưỡng thấp nhất mà VAC của hàng hóa đó phải đạt được để được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Các tài sản trí tuệ như ý tưởng, thiết kế, bằng phát minh, quyền sở hữu công nghiệp... có được tính đến khi xác định một mặt hàng nào đó là sản phẩm của Việt Nam?
Tài sản trí tuệ, nếu xác định được giá trị, có thể đưa vào "chi phí phân bổ trực tiếp" (nêu tại Điều 9, khoản 4, tiết c) để tính toán hàm lượng giá trị gia tăng. Tương tự là chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, chế tạo mẫu, v.v...
Thực hiện quy định của Thông tư có làm doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí gì không?
Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. 
Với Thông tư này, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.
Một sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí nêu tại Thông tư có bắt buộc phải thể hiện là sản phẩm của Việt Nam hay không?
 Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có quyền thể hiện hoặc không thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa. Trường hợp thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ Thông tư và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin do mình cung cấp.
Doanh nghiệp lo ngại về việc tự xác định và ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" không biết có đảm bảo chính xác không. Bộ Công Thương có tính đến khả năng Nhà nước có cơ quan đứng ra đánh giá và cấp giấy công nhận để họ yên tâm? 
Ban soạn thảo chưa bao giờ tính đến khả năng này bởi cơ chế "đánh giá - công nhận" sẽ thực sự là gánh nặng cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Thông tư này, nếu được ban hành, sẽ do doanh nghiệp tự giác thực hiện. Nhà nước chỉ sử dụng Thông tư để phân xử đúng - sai khi xuất hiện tình huống đòi hỏi phải có sự phân xử đúng - sai, thí dụ như vụ Khaisilk trước đây. 
Lốp xe là đầu ra của một nhà máy sản xuất lốp, nhưng lại là đầu vào của ngành sản xuất ô tô, xe máy. Vậy lốp xe có được coi là "nguyên liệu" theo định nghĩa ở Điều 3 không?
Khoản 9 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định “Nguyên liệu” là bất kỳ vật liệu hay chất liệu nào được sử dụng hoặc tiêu tốn trong quá trình sản xuất ra hàng hóa. Vì vậy, nếu được sử dụng như đầu vào của sản xuất ô tô, xe máy, lốp xe sẽ được coi là nguyên liệu. 
Cây xoài lấy giống từ Thái Lan đem về Việt Nam trồng thì quả xoài có được coi là sản phẩm của Việt Nam không? 
Khoản 1 Điều 8 Dự thảo Thông tư quy định: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam được coi là hàng hóa có xuất xứ thuần túy. Vì vậy, cây xoài mặc dù lấy giống từ Thái Lan nhưng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam thì quả xoài được coi là sản phẩm của Việt Nam. 
Thế nào là Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam
Samsung là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam
50% chè Việt Nam phối trộn với 50% chè Sri Lanka thì sản phẩm tạo ra từ quá trình này có được coi là sản phẩm Việt Nam không? 
Đây là trường hợp sản phẩm tạo ra từ chè có sử dụng một phần nguyên liệu chè không có xuất xứ Việt Nam. Để trả lời câu hỏi này, cần có dữ liệu về trị giá EXW của sản phẩm chè sau chế biến. Ngoài ra, cần làm rõ sản phẩm cuối cùng là kết quả của quá trình phối trộn đơn giản hay sử dụng phương thức khác, thí dụ như sản xuất túi chè nhúng từ nguyên liệu chè. Nguyên tắc là công đoạn sản xuất, chế biến tại Việt Nam phải vượt qua công đoạn gia công, chế biến đơn giản quy định tại Điều 10 dự thảo Thông tư. 
Các sản phẩm từ trước tới nay vẫn được dán nhãn “Made in Viet Nam” hay sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam" sẽ được ứng xử ra sao? 
Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, việc thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa phải tuân thủ các quy định của Thông tư, không có ngoại lệ.
Dự thảo Thông tư mới đưa ra các tiêu chí xác định như thế nào là hàng hóa của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam. Tại sao không đề cập đến các khái niệm như "Lắp ráp tại Việt Nam", hay "Sản xuất bởi [công ty nào đó]", hay "Thiết kế tại Việt Nam", hay "Thiết kế bởi [công ty nào đó]"? Một sản phẩm không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa Việt Nam sẽ ghi xuất xứ của nước nào nếu doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau?
Ban soạn thảo đã dự thảo 1 điều khoản đề cập đến các khái niệm này để giúp doanh nghiệp có thêm các hình thức thể hiện trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng được các tiêu chí để được coi là hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, do Điều 15 của Nghị định 43/2017 không cho phép doanh nghiệp được sử dụng các cụm từ này, Thông tư lại là văn bản dưới cấp Nghị định nên Ban soạn thảo đã phải bỏ điều khoản này ra. Cho tới nay, chúng tôi cũng chưa rõ Bộ Tư pháp có chấp nhận Điều 4 của dự thảo Thông tư hay không bởi Điều này đưa ra các quy định rộng hơn so với Điều 15 của Nghị định 43/2017.
Vấn đề hình thức văn bản là một trong những vấn đề gây tranh luận trong quá trình trao đổi về sự cần thiết phải ban hành một văn bản quy phạm pháp luật giúp xác định như thế nào là hàng hóa của Việt Nam. Ban soạn thảo nhận thấy nên ban hành ở cấp Nghị định nhưng một số cơ quan khác lại không cho là như vậy. Họ không sai bởi Nghị định chỉ dùng để hướng dẫn luật trong khi chúng ta lại chưa có luật về thế nào là hàng hóa của Việt Nam. Nếu ban hành Nghị định thì sẽ là một Nghị định "không đầu", điều không được luật pháp hiện hành cho phép.
Xuất phát từ đây, nếu doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau, sản phẩm cuối cùng lại không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ thể hiện xuất xứ theo quy định của Nghị định 43/2017, tức là tự xác định và tự chịu trách nhiệm, miễn là đừng ghi xuất xứ Việt Nam. 
Thông tư này không áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu. Vậy thì việc gắn nhãn "Made in Viet Nam" trên hàng hóa xuất khẩu sẽ theo quy định nào? Nếu sản phẩm không đáp ứng các tiêu chí của Thông tư này nhưng vẫn gắn nhãn "Made in Viet Nam" để xuất khẩu thì có bị coi là vi phạm không?
Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật giúp xác định xuất xứ của hàng xuất khẩu, cả với thị trường mà ta đã có quan hệ thương mại tự do cũng như những thị trường mà ta chưa có quan hệ thương mại tự do. Hàng xuất khẩu sẽ thể hiện xuất xứ theo các quy định này.
Các trường hợp vi phạm quy định của Thông tư sẽ áp dụng chế tài như thế nào? 
Theo quy định tại dự thảo, Tổng cục Quản lý thị trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền khác tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong quá trình thực thi Thông tư này. Trường hợp phát hiện vi phạm, Tổng cục Quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ tùy theo mức độ vi phạm để đưa ra chế tài xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Tư Giang lược thuật

BỊ 'TỐ' GIỐNG MẪU ĐIỆN THOẠI TRUNG QUỐC, VINSMART NÓI GÌ ?
MAI HÀ / TN 15-8-2019
Đại diện Vinsmart cho rằng, việc mẫu điện thoại Vsmart Live của hãng này giống mẫu điện thoại mới ra mắt tại thị trường Trung Quốc do cùng đầu tư chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm, và đặt hàng cùng một đơn vị thiết kế.

Vsmart tiết lộ chiến lược phát triển điện thoại thông minh “Make in Vietnam”   /// Ảnh Vsmart

Vsmart tiết lộ chiến lược phát triển điện thoại thông minh “Make in Vietnam”
Ảnh Vsmart
Nhiều thông tin trên các diễn đàn công nghệ “mổ xẻ” mẫu điện thoại Vsmart Live 1 và cho rằng đây là một phiên bản đổi tên của mẫu điện thoại Trung Quốc Meizu.
Trước nghi vấn này, theo thông tin chính thức từ ông Nguyễn Minh Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết bị di động - Công ty Vinsmart, sự giống nhau trên do Vsmart và hãng điện thoại Trung Quốc cùng đầu tư chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm và đặt hàng ODM  (Original Designed Manufacturer - Nhà thiết kế sản phẩm gốc) giỏi nhất thiết kế mẫu điện thoại mới.
Theo ông Việt, đây là cách làm VinSmart lựa chọn trong trong giai đoạn đầu, để ra mắt rất nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian nhanh nhất.
"Chúng tôi đã hợp tác với BQ (Tây Ban Nha), Fujitsu (Nhật Bản) cũng theo cách làm này. Nói một cách dễ hiểu thì việc này cũng tương tự như bạn xây nhà và thuê một ông kiến trúc sư để thiết kế concept tòa nhà và các thiết kế giống nhau là chuyện rất bình thường", ông Việt cho hay.
Ngoài việc tương đồng về hình thức vì cùng chia sẻ một mẫu concept thiết kế, theo ông Việt, Vsmart Live và mẫu điện thoại của Trung Quốc khác nhau về bản chất. Cụ thể, Vsmart với linh kiện được cung cấp bởi các nhà cung cấp hàng đầu như chip, bo mạch của Qualcomm, màn hình Amoled của Samsung… Phần “hồn” của Vsmart Live (hệ điều hành VOS 2.0, trải nghiệm người dùng, thuật toán camera…) do đội ngũ R&D của Vsmart tự phát triển 100%.
Trước quan điểm một nhà sản xuất điện thoại thông minh độc lập vẫn cần thiết phải làm chủ được cả về thiết kế sản phẩm, đại diện Vinsmart cũng khẳng định việc này nằm trong kế hoạch của hãng.
Theo kế hoạch, tháng 3.2020, Vsmart có thể tự thiết kế hoàn toàn tất cả các dòng điện thoại mà hãng sản xuất ra, làm chủ các công đoạn sản xuất, hoàn toàn sòng phẳng với các hãng điện thoại lớn trên thế giới. "Trên thực tế, ngay thời điểm hiện tại, chúng tôi đã có sản phẩm điện thoại 100% do đội ngũ kỹ sư Việt Nam của Vsmart thiết kế rồi", ông Việt nói, và thông tin thêm: tháng 4.2020, Vsmart sẽ chính thức cung cấp dịch vụ trọn gói như một nhà thiết kế sản phẩm gốc (ODM) cho các hãng điện thoại trên thế giới, cung cấp từ thiết kế, sản xuất linh -phụ kiện cho tới sản xuất điện thoại hoàn chỉnh.
"Vsmart sẽ là hãng điện thoại Việt Nam đầu tiên làm được điều này. Chúng tôi cũng đang tiến hành xây dựng 6 nhà máy linh kiện để có thể tăng tỉ lệ nội địa hóa các điện thoại của VinSmart lên mức trên 60% vào tháng 4.2020", ông Việt nói.
Theo đó, Vsmart Live 2 sẽ là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên “make in Việt Nam”, do người Việt thiết kế từ phần cứng, hệ điều hành và sản xuất trong nước.
VSMART LIVE HAY LÒNG YÊU NƯỚC GIÁ RẺ ?
AN VIÊN/ BVN 18-8-2019

Trong hình ảnh có thể có: điện thoại


Một hình ảnh chụp lại Quyết định của Chủ tịch tập đoàn Vingroup, kỷ luật và sa thải các nhân viên vi phạm chính sách ưu đãi nội bộ cho nhân viên với hành vi rao bán lại xe Vinfast trên mạng xã hội.
Đây là chính sách nội bộ công ty và không nhiều phê phán liên quan đến nó. Tuy nhiên, trong nội dung thông báo quyết định kỷ luật có nhắc đến ý chí “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam”, “tự hào về các sản phẩm “Made in Việt Nam”.
Giống như Bphone của ông CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng, Vinfast và các sản phẩm “công nghệ” khác của Vingroup được không ít quan chức cấp cao trong bộ máy chính quyền Việt Nam coi là “niềm tự hào của Việt Nam”, là “cảm hứng của tinh thần Made in Vietnam”. Và trong buổi trải nghiệm xe Vinfast tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng) vào tháng 6.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ví công cuộc sản xuất ô-tô của Vingroup như là cuộc hành trình của quân Tây Sơn thần tốc, là kỳ tích của ngành ô-tô Việt Nam.
Vingroup là tập đoàn tư nhân, và khát vọng họ vươn tầm thành một tập đoàn bền vững liên quan đến mảng công nghệ, hơn là bất động sản là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cho đến nay tập đoàn này vẫn được xem xét dưới góc độ vận động hành lang chính sách trong “đổi đất” và “giàu lên từ đất”. Đối với mảng ô-tô, xe đạp điện, và thậm chí là cả điện thoại sắp ra mắt, Vingroup chỉ được coi là “mãnh liệt” hơn là “tinh thần Việt”, và nhấn mạnh tự hào sản phẩm Vingrroup hơn là về các sản phẩm Made in Vietnam.
Tại sao lại nói như vậy?
Mới đây, điện thoại Vsmart Live – vốn được cho là sản phẩm công nghệ của tập đoàn bị tố là phiên bản đổi tên của điện thoại Trung Quốc (Meizu 16Xs). Kết cấu hoàn toàn giống nhau, chỉ khác mỗi ký tự ngôn ngữ trên viên pin. Trả lời về vấn đề này, trên trang công nghệ Genk.vn, Vsmart cho biết cả Vsmart và Meizu đều có chung một nhà thiết kế IDH và đây là “việc phổ biến của thị trường công nghệ”. Điểm khác duy nhất mà Vsmart chỉ ra là hệ điều hành được tùy biến từ Android, tương tự như cách ông Nguyễn Tử Quảng áp dụng với Bphone.
Và nếu nói như cách Vsmart, thì yếu tố “giữ bản quyền thiết kế” trong thời đại mà bản quyền đã trở thành cốt lõi của các công ty, nhà sản xuất là thứ không tồn tại. Chỉ “phổ biến thị trường công nghệ” khi và chỉ khi một nhà buôn nhập về số lượng lớn và đánh tráo bằng ký tự ngôn ngữ để đánh lừa người tiêu dùng.
Nói cách khác, Vingroup đang đi theo đường của BKAV, trong đó áp dụng White Label (Nhãn trắng), được sử dụng khi một sản phẩm hoặc dịch vụ được mua bởi một người bán lại, người đó đổi tên sản phẩm hoặc dịch vụ để tạo ấn tượng rằng chủ sở hữu mới đã tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Vingroup không làm ra sản phẩm, nhưng Vingroup sử dụng bàn tay marketing quyền lực để biến sản phẩm gần như là nhập trở thành một sản phẩm Made in Vietnam. Meizu 16Xs với cấu hình tương tự và khác mỗi hệ điều hành được tùy biến, được rao bán trên trang mạng tao bao. com (Trung Quốc) với giá 1499 tệ (tương đương 5,1 triệu đồng Việt Nam).
Vingroup không sai khi tìm cách kinh doanh, nhưng nếu đặt đường kẻ về mặt đạo đức và cái tâm trong kinh doanh thì Vingroup đã sai hoàn toàn. Sẽ khó chấp nhận một điện thoại được mô tả là “Made in Vietnam”, được cho là “mãnh liệt tinh thần Việt”, được nhấn mạnh là phải “tự hào về lòng yêu nước” chỉ là một đứa em sinh đôi từ bên Trung Quốc sang.
Và cái giá “lòng yêu nước”, “tinh thần Việt” của Bphone hay Vsmart Live rẻ như cái giá của người anh em sinh đôi của nó ở bên Trung Quốc vậy.
Phạm Văn Tam, CEO Asanzo có lẽ sẽ biết chớp lấy cơ hội này để biện minh cho cái gọi là “Made in Vietnam” theo kiểu thay ký tự ngôn ngữ trên bề mặt.
Chúng ta sẽ cổ súy và ủng hộ những sản phẩm Việt, chúng ta hoan nghênh các ông bà doanh nghiệp người Việt, nhưng chúng ta cũng cần lên án những mác kinh doanh dùng lòng yêu nước như một phương thức thời thượng để kích cầu kinh doanh, bởi đó là một hành vi đốn mạt.
Sự đốn mạt này tồn tại như một trạng thái mê sảng về lòng yêu nước.
Bạch Thái Bưởi, dù không phải là nhà tư sản giàu nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng ông lại chính là nhà buôn nổi danh nhất và được nhiều người kính trọng, ngưỡng mộ nhất, bởi doanh nhân này, đã thực sự phát huy thực tế lòng yêu nước đến từ những dịch vụ mang bản chất của người Việt. Trên cả, ông đáp ứng được lòng chân thực, chân thành, và liêm chính.
Rõ ràng, để cung cấp dịch vụ hay sản phẩm thực, thì một doanh nghiệp có tài và đức cần phải thêm một cái gì đó mà không thể được mua hoặc đo bằng tiền, và đó là sự chân thành và liêm chính.
Từ sự vụ Vsmart Live, Vingroup đã vô tình trả lời cho câu hỏi, tại sao những sản phẩm của tập đoàn này, được bán với giá ưu đãi cho nhân viên, lại bị chính nhân viên đem bán lại thay vì trải nghiệm sản phẩm Made in Vietnam như một sự tự hào về “lòng yêu nước”.
A.V.

VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét