Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

20190825. BÌNH LUẬN VỀ NGHỊ QUYẾT 50 NQ-TW

ĐIỂM BÁO MẠNG

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG KÝ NGHỊ QUYẾT ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

LÊ KIÊN/ TTO 22-8-2019

TTO - Nghị quyết của Bộ Chính trị được Tổng bí thư ký ngày 20-8, trong đó yêu cầu "xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký nghị quyết định hướng đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN
Đó là Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Bộ Chính trị khẳng định: "Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. 
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp".
Nghị quyết của Bộ Chính trị nhận định rằng sau 30 năm đổi mới, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất…
Tuy vậy, "thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài chưa cao".
"Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế".
Từ nhận định, đánh giá những mặt được, chưa được, Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra yêu cầu: "Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. 

Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu".
Bộ Chính trị lưu ý: "Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng". 
Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp".
Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể, như: vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm).
Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
"Phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có tính đến các yếu tố đặc thù; có hướng dẫn và chỉ đạo rõ về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nội dung sinh hoạt,... cho các tổ chức Đảng tại doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tăng cường gắn kết tổ chức đảng và đảng viên với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thông qua mối quan tâm, mục tiêu phát triển và lợi ích chung".
TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 50 NQ-TW Ở ĐÂU VÀ NHƯ THẾ NÀO ?

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 24-8-2019

Ngày 20/8/2019 TBT Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 50-NQ/TW trong đó yêu cầu "Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia" (Tuổi trẻ 22/8/2019).
Đây là một quyết định tuy rất muộn nhưng đúng hướng. Dẫu muộn còn hơn không!
I. AN NINH QUỐC GIA LÀ TỐI THƯỢNG
An ninh Việt Nam từ năm 1987 đến nay đã bị lũng đoạn bởi người hàng xóm phương Bắc. Chính họ chứ không ai khác là thế lực thù địch duy nhất của Việt Nam hiện nay.
Sự thức tỉnh của Nghị quyết 50-NQ/TW: “Tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia" là một tín hiệu rất đáng mừng.
II. THỰC THI MỚI LÀ QUAN TRỌNG
Dẫu vậy, từ Nghị quyết 50-NQ/TW trên giấy đến thực tiễn là một con đường rất dài. Hiệu quả thực tế cuối cùng mới là thước đo thành công của Nghị quyết 50-NQ/TW. Có 2 hướng chính phải hành động quyết liệt: 1. Rà soát lại an ninh của các dự án đang tồn tại. Những nơi nào ảnh hưởng và nguy hiểm đến an ninh thì phải có những biện pháp loại bỏ. 2. Không duyệt các dự án mới tiềm ẩn nguy cơ an ninh quốc gia.
III. NHỮNG ĐIỂM ĐÁNG LƯU Ý CỦA NGHỊ QUYẾT 50-NQ/TW
Theo Tuổi trẻ ngày 22/8/2019 thì Nghị quyết 50-NQ/TW có mấy điểm nổi bật đáng lưu ý sau đây:
1. Đề cao tiêu chí an ninh quốc gia “Tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia".
2. Đề cao tiêu chí công nghệ tiên tiến và chống ô nhiễm môi trường "Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu”. “Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu".
3. Chống đầu tư “chui”, “núp bóng”.
IV. NHỮNG HIỂM HỌA CỦA CÁC DỰ ÁN ĐẾN TỪ TRUNG QUỐC
Để giúp xác định đâu là các dự án nguy hiểm cho an ninh quốc gia phù hợp với Nghị quyết 50-NQ/TW, xin lưu ý 9 nhóm hiểm họa đến từ các dự án của Trung Quốc mà tham chiếu.
1. Bị cài cắm gián điệp.
2. Bị cấy người bằng đội quân thứ 5.
3. Không hiệu quả về kinh tế.
4. Không tiếp cận được công nghệ và thiết bị tiên tiến.
5. Không được sử dụng các thành phẩm chất lượng.
6. Bị ô nhiễm và độc hại.
7. Bị lây lan bệnh hối lộ tham nhũng, đút lót…
8. Bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu trong lao động và trong cuộc sống.
9. Bị sa vào con nợ kinh tế khó có lối thoát.
V. MỤC TIÊU CẤP THIẾT CỤ THỂ
Nghị quyết 50-NQ/TW đã chỉ ra hiện tượng NÚP BÓNG và CHUI trong các dự án đầu tư nước ngoài. Chiếu theo Nghị quyết 50-NQ/TW thì:
1. Không giao dự án đường cao tốc Bắc – Nam cho Trung Quốc. Vì nó nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
2. Không cho hàng hóa Trung Quốc tràn qua Việt Nam, núp bóng hàng hóa Việt Nam xuất đi các nước. Để tránh các nước trừng phạt Việt Nam.
3. Không triển khai các dự án có công nghệ lạc hậu đến từ Trung Quốc.
VI. LO LẮNG
Nghị quyết 50-NQ/TW có ba dòng kẻ thù đang tìm cách cản trở. Đó là:
1. Lực lượng Trung Quốc, thân Trung Quốc, và chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong nội bộ Việt Nam.
2. Sự chống trả của Trung Quốc từ ngoài.
3. Cơ chế làm tha hóa và vô hiệu hóa lực lượng người Việt chịu trách nhiệm thực thi Nghị quyết 50-NQ/TW.
Cuối cùng thì bộ mặt lộ liễu ngang ngược của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã làm cho thế lực bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc phải tạm thời lùi bước. Mạnh hơn, tiến tới phải loại bỏ chúng hoàn toàn khỏi đời sống chính trị Việt Nam. Làm được như vậy an ninh quốc gia mới bớt phần nguy hiểm.
N.N.C.

NGHỊ QUYẾT 50 NQ-TW LÀ  GÌ ?

AN VIÊN/ BVN 26-8-2019

Báo Tuổi Trẻ 22.08 đưa tin về Nghị quyết số 50-NQ/TW, và trích dẫn yêu cầu “Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.
Đánh giá về điều này, Facebooker Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, Nghị quyết 50-NQ/TW là một tín hiệu rất đáng mừng. Bởi lẽ, an ninh Việt Nam từ năm 1987, theo ông Chu, đã bị “lũng đoạn bởi hàng xóm phương Bắc”.
Ba điểm đáng lưu ý của Nghị quyết mà Facebooker Nguyễn Ngọc Chu dẫn lại từ Nghị quyết 50-NQ/TW bao gồm:
– Đề cao an ninh quốc gia thông qua rà soát an ninh với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia;
– Đề cao tiêu chí chống ô nhiễm môi trường, ưu tiên công nghệ qua chọn lọc, lấy chống lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu;
– Chống đầu tư chui, núp bóng.
Nếu xét chỉ ở phương diện mà báo Tuổi trẻ chỉ ra, thì Facebooker Nguyễn Ngọc Chu có quyền hy vọng rằng, mục tiêu cấp thiết nhất có thể hướng tới là: không giao dự án đường sắc cao tốc Bắc – Nam cho Trung Quốc; không cho hàng hóa Trung Quốc tràn qua Việt Nam, núp bóng hàng hóa Việt Nam xuất đi các nước; không triển khai các dự án có công nghệ lạc hậu đến từ Trung Quốc.
Thế nhưng, Nghị quyết 50-NQ/TW có thể làm cho ông Chu thất vọng hơn, bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, đây là Nghị quyết định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nghĩa là nó tập trung vào việc cải thiện cơ chế để nâng cao sự thu hút đầu tư (thu hút vốn đầu tư, nâng cao tay nghề lao động, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa) hơn là một chính sách nhằm siết lại các tiêu chuẩn về mặt đầu tư (liên quan đến an ninh quốc gia hay môi trường). Do đó, tại phần mục tiêu cụ thể, thì những con số về vốn đăng ký giai đoạn đầu trong giai đoạn 2021 – 2030 chiếm hai hàng đầu tiên. Sau đó, là đề cập đến tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao (quản trị hiện đại môi trường và bảo vệ môi trường) chiếm dòng tiếp theo. Và hai hàng cuối cùng là tập trung tăng nội địa hóa, cũng như tỷ trọng lao động qua đào tạo.
Còn tại phần mục tiêu tổng quát, đã đề cập rõ ràng hơn, theo đó, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài; tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 và ASEAN 3 trước năm 2030.
Thứ hai, yếu tố an ninh mà báo Tuổi trẻ dẫn ra từ Nghị quyết 50-NQ/TW là chỉ là một phần trong toàn bộ cụm câu. Theo đó, “xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.
Nếu xét trên ngữ cảnh của câu này, thì xây dựng cơ chế đánh giá an nình và tiến hành rà soát an ninh là giai đoạn tiền đầu tư, liên quan trực tiếp đến “chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch”. Thuật ngữ đánh giá/ rà soát là không hề lạ theo Luật đầu tư, Luật Đầu tư công. Bởi các dự án có nguồn vốn và thời gian theo một quy định nhất định thì cần phải đánh giá các tác động môi trường.
Tuy nhiên, khâu đánh giá được coi là nhằm “bảo vệ môi trường” này lại thường được tiến hành một cách sơ sài và thiếu hiệu quả, thậm chí, trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội vào tháng 7.2018, khâu này được cho là “gây khó khăn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng, mà còn kìm hãm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công”.
Thực tế cho thấy, khâu đánh giá này có mục đích tốt, nhưng thường được bỏ rơi hoặc hình thức hóa trong báo cáo. Do vậy, khả năng rất cao nếu “đánh giá, rà soát an ninh” không đem lại hiệu quả đầu tư thì nó cũng sẽ rơi vào thực trạng sơ sài hóa như đánh giá tác động môi trường.
Cuối cùng, tổng thể của Nghị quyết 50-NQ/TW đó chính là hỗ trợ cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, một trong những nội dung chính mà Bộ đã trình với Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây. Trong đó chủ yếu từ chối dự án công nghệ thấp, lạc hậu và chấm dứt đầu tư chui, núp bóng, chuyển giá vốn gây thất thoát chủ yếu về khâu thu thuế và một số thì gây bất ổn trong vấn đề an ninh quốc gia ở một số địa phương.
Nếu dựa trên yếu tố chính yếu này thì, trong ba đề xuất cụ thể mà Facebooker Nguyễn Ngọc Chu đề ra, thì 2 đề xuất liên quan đến không cho hàng hóa Trung Quốc núp bóng hàng hóa Việt Nam để xuất đi sang các nước (chủ yếu Mỹ) và không triển khai các dự án có công nghệ lạc hậu đến từ Trung Quốc là chịu ảnh hưởng, tác động của Nghị quyết 50-NQ/TW.
Tuy nhiên, cả hai đề xuất này cũng đã làm trước đó, thậm chí riêng không triển khai công nghệ lạc hậu cũng có trong các văn bản pháp luật và chỉ đạo cấp quốc gia, cũng như cảnh báo trên báo chí chính thống [3]. Thế nhưng, quan hệ chính trị và giá bỏ thầu, cũng như tệ tham nhũng đã giúp Trung Quốc lần lượt trúng thầu ở các nhà máy nhiệt điện, dự án gang thép Thái Nguyên, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Ngay cả đối với trường hợp đường cao tốc Bắc Nam, giả thuyết như nhà thầu Trung Quốc sử dụng công nghệ lạc hậu thì điều này không thể xử lý, ngăn chặn bằng cách sử dụng Nghị quyết chính trị, mà phải nằm trong hợp đồng thông qua các điều khoản ràng buộc để xử phạt, thay thế nhà thầu đó, như cách mà TS. Nguyễn Xuân Thủy đề cập trong bài viết trên báo Thương hiệu Công luận ngày 6.8.2019.
Rõ ràng, nếu không giải quyết khâu tham nhũng thông qua tình trạng “thông thầu”, hay xác lập lại chính sách thu hút đầu tư thông qua loại bỏ các phương thức bỏ thầu thấp đối với các dự án quan trọng, cũng như tính thực tế và nghiêm túc khi làm các báo cáo về đánh giá, rà soát ảnh hưởng dự án đối với an ninh quốc gia thì Nghị quyết NQ-50/TW sẽ khó làm tròn vai trò “bảo vệ an ninh quốc gia” như nhiều người kỳ vọng. Thậm chí, nếu căn cứ vào kỳ vọng của Facebooker Nguyễn Ngọc Chu, thì một nhà máy Formosa sẽ không có cơ hội xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên, điều này nhìn chung là khó.
Tham khảo
A.V.

CẢNH GIÁC VỚI CÁC DỰ ÁN CỦA TRUNG QUỐC CÓ NGUY CƠ ĐẾN AN NINH QUỐC PHÒNG

LAM THANH/ NĐT 25-8-2019

 0
“Tôi khẳng định, trên thế giới, không nước nào không gắn hoạt động đầu tư với hoạt động gián điệp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm lợi cho quốc gia mình. Gần đây, Huawei của Trung Quốc và cách ứng xử của Mỹ là câu chuyện điển hình”, GS Nguyễn Mại nói.
Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt số vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150-200 tỉ USD (30-40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200-300 tỉ USD (40-50 tỉ USD/năm).
Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100-150 tỉ USD (20-30 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150-200 tỉ USD (30-40 tỉ USD/năm)…
Vốn FDI cần bằng 22-23% vốn đầu tư xã hội
Nói về nghị quyết này, GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng năm 2018 và 2019 là năm của doanh nghiệp. Bộ Chính trị đã có 3 nghị quyết: Một là nghị quyết xem tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng; hai là nghị quyết nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh cổ phần hóa và thứ ba là nghị quyết về đầu tư nước ngoài… cho thấy đã có đánh giá đầy đủ hơn vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trả lời báo chí. Ảnh: LT
“Nếu 3 "đội quân” kinh tế tư nhân, nhà nước và FDI cùng phát triển thành động lực quan trọng của tăng trưởng thì mới có thể có được nền kinh tế phát triển cao, tăng trưởng bền vững”, ông Mại nói.
Cũng theo ông Mại, FDI đã làm thay đổi Việt Nam rất nhiều về phương thức sản xuất, tiêu dùng, phân phối và cả tư duy của người Việt. Tuy vậy, thay đổi trong FDI có sự hạn chế, đặc biệt là từ khi phân cấp quản lý cho các địa phương từ năm 2006. Việc trao quyền cho địa phương cấp giấy phép kinh doanh, xúc tiến đầu tư, chọn dự án bên cạnh việc phát huy được tính năng động của địa phương đã nảy sinh tiêu cực.
Chuyên gia này cũng bình luận rằng, mục tiêu đạt số vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150-200 tỉ USD (30-40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200-300 tỉ USD (40-50 tỉ USD/năm) là con số “rất quan trọng”.
“Năm 2019, nếu làm tốt, vốn FDI thực hiện sẽ đạt khoảng 19,5 tỉ USD. Như vậy, giai đoạn tiếp theo đặt mục tiêu vốn thực hiện 20-30 tỉ USD (tức trung bình 25 tỉ USD, cao hơn khoảng 5 tỉ USD so với năm 2019) là hợp lý”, ông Mại nói.
GS này cho hay, Việt Nam có 712.000 doanh nghiệp trong nước, 25.000 doanh nghiệp FDI nữa. Doanh nghiệp FDI bao giờ cũng đóng góp 22-23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thêm mỗi 5 tỉ USD trong các năm tới chính là giữ vững tỷ lệ 22-23% tổng vốn đầu tư xã hội của khối FDI. Tương tự ở giai đoạn sau, mỗi năm vốn thực hiện 30-40 tỉ USD, tức trung bình 35 tỉ USD, cũng chính bằng 22-23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội
“Với tư cách người nghiên cứu kinh tế, tôi cho đó là con số cần đạt được, không nên thấp hơn cũng không nên cao hơn, vì dù chúng ta có 712.000 doanh nghiệp trong nước và 5 triệu hộ kinh doanh nhưng vốn trong nước vẫn hạn hẹp nên ta cần thêm một lượng vốn FDI để có tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 30% GDP, như vậy mới có thể tăng trưởng GDP 7-8%/năm.
Ông Mại tái khẳng định: “Chúng ta phải nhớ rằng, khác với thập niên 90 của thế kỷ trước, khi ta chưa có bao nhiêu vốn đầu tư trong nước nên phải ưu tiên cho đầu tư nước ngoài, giờ ta đã có rồi thì nên giữ ở mức 22-23%. Đây là tỷ lệ hợp lý”.
300 tỉ USD đăng ký có 200 tỉ USD không thể giải ngân
Phân tích thêm về mục tiêu vốn thực hiện trong các giai đoạn, ông Mại cho rằng nếu theo dõi từ năm 2010 đến nay thì có thể thấy vốn giải ngân bằng 60-70% vốn đăng ký là hoàn toàn làm được.
Vốn đăng ký quan trọng nhưng chuyện giải ngân vốn còn quan trọng hơn. Ông Mại cho biết đến bây giờ vẫn còn 300 tỉ USD chưa giải ngân. “Tôi đã nhiều lần nói có lẽ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê nên làm lại con số vốn đăng ký, vì thực sự có những vốn đăng ký từ lâu lắm rồi mà không thực hiện. Trong số 300 tỉ USD chưa thực hiện đấy có 200 tỉ USD là không bao giờ thực hiện”.
Theo ông Mại, trong số 100 tỉ USD có thể giải ngân thì nên chia làm 3 loại. Thứ nhất là loại gặp khó khăn do chưa có mặt bằng, chưa được cấp giấy phép xây dựng; để giải quyết thì chính quyền cần hỗ trợ.
Thứ hai là loại thiếu vốn, cần vay mượn; để giải quyết thì chính quyền cần thảo luận với nhà đầu tư về cách vay mượn; ngân hàng trong nước có thể cho vay hoặc nhà đầu tư trong nước có thể tham gia liên danh.
Thứ ba là loại thực sự khó khăn, không giải ngân được. Đối với loại này, chính quyền cho thời gian 6 tháng để nhà đầu tư tự giải quyết; sau 6 tháng không làm được thì xóa dự án, như vậy đỡ con số ảo 300 tỉ USD.
Về chất lượng, ông Mại cho biết cần thu hút những dự án công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao. “Ba cuộc cách mạng trước chúng ta chưa tham gia tích cực thì cuộc cách mạng lần 4 này chúng ta phải tham gia. Theo đó, không được châm trước dự án để đảm bảo số lượng lẫn chất lượng, không chấp nhận dự án ma, dự án chui, mỏng vốn, chuyển giá…”, ông Mại nêu.
Chuyên gia này cũng nêu, Mỹ đã gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ thì câu chuyện giữa 2 quốc gia này ảnh hưởng đến cả thế giới. Do đó, sẽ có làn sóng chuyển đầu tư ra nước ngoài. Năm 2019 việc này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn với hàng trăm tỉ USD ra nước ngoài. Hai năm nay, có khá nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam. Do đó, việc có nghị quyết này là rất thuận lợi cho môi trường đầu tư.
“Chúng ta muốn thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, có chất lượng hơn thì phải có môi trường đầu tư tốt hơn Trung Quốc. Mấy tháng trước, Trung Quốc có luật đầu tư nước ngoài riêng và rất cởi mở với đầu tư nước ngoài. Do đó, chúng ta cần rà soát lại thể chế, luật pháp để cải thiện môi trường đầu tư để thông thoáng hơn, cạnh tranh với các nước xung quanh thì chúng ta mới có thể thu hút được dòng vốn FDI”, ông Mại khẳng định.
Cần xem xét an ninh quốc phòng
Về tiêu chí an ninh quốc phòng, toàn bộ chiến lược phát triển doanh nghiệp đều phải xem xét an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Hơn nữa, FDI là một mảng liên quan đến kinh tế đối ngoại, có quan hệ chặt chẽ đến quan hệ ngoại giao, chính trị với các nước trên thế giới.
“Nước chúng ta cũng có nhiều vấn đề nảy sinh với các nước láng giềng như biên giới, hải đảo, nên không thể coi nhẹ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trên thế giới, không nước nào không gắn hoạt động đầu tư với hoạt động gián điệp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm lợi cho quốc gia mình. Gần đây, Huawei của Trung Quốc và cách ứng xử của Mỹ là câu chuyện điển hình. Đây không chỉ là chuyện riêng của doanh nghiệp mà là an ninh giữa hai quốc gia”, ông Mại nói.
Cách đơn giản, chuyên gia này cho rằng Việt Nam là cần phải chọn bạn mà chơi. Ở châu Á, có 2 người bạn rất đáng tin cậy là Nhật Bản và Hàn Quốc. Những doanh nghiệp Nhật, Hàn vào Việt Nam vào đây cả 30 năm nay không hề có chuyện gì về an ninh quốc phòng cả. Nhưng trái lại, những nước có vấn đề biên giới, hải đảo với chúng ta, không thể để họ thực hiện các dự án có ảnh hưởng và nguy cơ đến an ninh quốc phòng.
Lam Thanh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét