Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

20190804. QUANH VẤN ĐỀ CHỐNG THAM NHŨNG TỪ 'SÂN SAU'

ĐIỂM BÁO MẠNG
LIỆU CÓ DẸP ĐƯỢC 'SÂN SAU' CỦA CÁC QUAN CHỨC ?

DIỄM THI/ RFA 1-8-2019

Ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng Việt Nam, người bị tố cáo "sân sau" nhiều nhất.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng Việt Nam, người bị tố cáo "sân sau" nhiều nhất.

Cách đây đúng một tháng, ngày 1 tháng 7 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP  quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nghị định này được cho là “vũ khí” hữu hiệu để dẹp bỏ các doanh nghiệp “sân sau”, chống tham nhũng.
Doanh nghiệp “sân sau” từ đâu ra?
Với dư luận trong nước, nhiều năm qua, khái niệm “sân sau” không còn xa lạ gì. Đây thực chất là “loại mô hình” để các quan chức trong bộ máy nhà nước trục lợi, thông qua việc nắm giữ cổ phần sở hữu được che giấu nhằm ăn chia lợi nhuận một cách thường xuyên từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Nói một cách nôm na là “doanh nghiệp dùng tiền nuôi quan chức và quan chức dùng quyền bảo kê cho doanh nghiệp”.
Vậy những doanh nghiệp này xuất hiện từ khi nào, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng nhớ lại:
“Vấn đề sân sau của các quan chức bắt đầu nổi lên từ những năm 2009 – 2010. Đến năm 2012 nó chính thức được nêu ra bởi một trang web không hề chính thức tên “Quan làm báo”. Trang này có nhiều khả năng do một nhóm trong chính nội bộ đảng lập ra và chĩa vào “sân sau” của các quan chức; chỉ trích, tố cáo “sân sau của các quan chức. Thời gian đó quan chức bị tố cáo sân sau nhiều nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.”
Vấn đề “sân sau” của các quan chức bắt đầu nổi lên từ những năm 2009 – 2010. Đến năm 2012 nó chính thức được nêu ra bởi một trang web không hề chính thức tên “Quan làm báo”. -  Ts. Phạm Chí Dũng
Ông Phạm Chí Dũng cũng nêu nhận xét của ông rằng càng về sau này chính trường VN càng lộ ra một đặc điểm rất lớn là các quan chức từ cao cấp xuống đến trung cấp đều có sân sau. Có nghĩa là đã có sự kết hợp một cách hữu cơ giữa các nhóm chính trị, quan chức chính trị, cá thể chính trị với những nhóm lợi ích tài phiệt kinh tế, những cá thể kinh tế để trở thành những mối quan hệ chính trị và lợi ích xen kẽ lẫn nhau.
Trước đây, “sân sau” là một từ ngữ được Đảng CSVN giấu diếm, nhưng bây giờ nó phổ biến đến nỗi được dùng trong các văn bản của đảng luôn.
Tại buổi báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ngày 19 tháng 9 năm 2017, Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp Quốc Hội, bà Lê Thị Nga phát biểu rằng: “Kết quả kiểm tra gần đây của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của cử tri về ‘lợi ích nhóm’, ‘sân sau’ là có căn cứ.”
Nhà báo Đường Văn Thái, người từng có thời gian làm việc tại Ủy ban kiểm tra Trung ương cho biết hầu như chính trị gia nào cũng có “sân sau”, có những ông còn có “cổ phần hơi”, nghĩa là mọi thứ được thỏa thuận bằng lời nói, chỉ cần vài cú điện thoại là giải quyết xong mọi thỏa thuận. Có thể hiểu đại loại là - doanh nghiệp và quan chức sống dựa vào nhau:
“Có tiền sẽ có quyền - có quyền sẽ ra tiền. Thế nên các doanh nghiệp phải chạy theo dùng tiền “nuôi” một chính trị gia, rồi chính trị gia dùng quyền bảo kê cho các doanh nghiệp này.”
Quan chức có thể “lách” luật để “sân sau” tồn tại?
Đa số người đứng đầu những doanh nghiệp “sân sau” là người thân, bà con họ hàng với người đứng đầu địa phương, cơ quan, chính quyền, nhưng theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 thì chỉ quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp" chứ chưa có quy định hình thức xử lý.
Nay, Nghị định 59/2019/NĐ-CP vừa mới ban hành quy định rõ tại Điều 83: "Cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước."
Tuy Nghị định 59 có nêu cụ thể hình thức xử lý nhưng do vừa mới ban hành, chưa biết khi áp dụng vào thực tế có chặn đứng, xử lý nghiêm khắc các quan chức sử dụng sân sau để trục lợi hay không nhưng Nhà báo Đường Văn Thái khẳng định rằng, đây chỉ là hình thức mị dân chứ không thể dẹp được sân sau cho dù có ra bao nhiêu quy định đi nữa, bởi ông nào cũng có “sân sau”:
“Đã gọi là công ty "sân sau" thì ông này dính đến ông kia. Chuyện dẹp sân sau cũng giống như chuyện chống tham nhũng, thật ra chỉ để thanh trừng lẫn nhau mà thôi. Loại bỏ sân sau là chuyện rất khó. Ngày xưa các cụ bảo “12 sứ quân” chứ bây giờ mỗi chính trị gia là một sứ quân. Mỗi ông một nhóm, một phe thì khó loại lắm. Loại ông này lại đạp ông kia.”
Trong một lần trò chuyện với RFA, Nhà báo Trần Quang Thành, nạn nhân của việc chống tham nhũng từ 30 năm trước nhận xét rằng, nội bộ đảng cộng sản có thể mâu thuẫn với nhau kịch liệt, có thể thanh trừng lẫn nhau, nhưng đến một lúc nào đó, vì quyền lợi của đảng và quyền lợi của cá nhân họ thì họ sẽ “ngã giá” với nhau để giữ lại thế cân bằng chứ không bao giờ triệt hạ nhau đến cùng. Nhận xét của Nhà báo Trần Quang Thành cũng chỉ ra bức tranh không sáng sủa cho dù chính quyền có đưa ra bao nhiêu giải pháp chống tham nhũng mà trong đó việc dẹp bỏ “sân sau” là một mục đích chính đi nữa.
Đã gọi là công ty "sân sau" thì ông này dính đến ông kia. Chuyện dẹp sân sau cũng giống như chuyện chống tham nhũng, thật ra chỉ để thanh trừng lẫn nhau mà thôi. Loại bỏ sân sau là chuyện rất khó. - Nhà báo Đường Văn Thái
Với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì việc dẹp tham nhũng hay dẹp “sân sau” đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn với độ trong sạch và minh bạch rất cao từ đảng, nếu như đảng thật sự muốn dẹp. Tuy vậy ông nhận xét:
“Tôi đồ rằng rất khó vì hơn hai năm qua, tiến độ được coi là chống tham nhũng của đảng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần như chưa đạt được một kết quả lớn nào cả. Trong khi đó lại xuất hiện dư luận cho rằng chiến dịch đốt lò của ông Trọng tập trung chủ yếu tấn công vào các đối thủ chính trị, những người không phe cánh với ông Trọng chứ không phải tiêu diệt hoàn toàn nạn tham nhũng.
Nếu đảng không diệt được “sân sau” thì chính sân sau sẽ diệt đảng, tức làm tan vỡ đảng.”
Ông Phạm Chí Dũng nêu ra hai giải pháp mà theo ông có thể làm giảm chứ không thể loại trừ hoàn toàn “sân sau” của các quan chức: Thứ nhất là khi phát hiện dấu hiệu có “sân sau” của các quan chức thì người đứng đầu nhà nước phải luân chuyển ngay, không chờ hết nhiệm kỳ.
Giải pháp thứ hai là đảng cộng sản cứ để cho các phe phái tiêu diệt lẫn nhau, lúc đó họ tiêu diệt luôn “sân sau” của nhau, với điều kiện Ban tổ chức trung ương, Ban tuyên giáo trung ương đừng can thiệp vào.
Ông cũng đề cập đến vấn đề truyền thông “bẩn” trong chiêu trò triệt hạ “sân sau” của các phe cánh.
Điều đó cho thấy rằng, công cuộc chống tham nhũng trường kỳ nay đã có thêm công cụ mới là Nghị định 59. Thêm công cụ này, ắt hẳn sẽ có không ít quan chức đang tại nhiệm sẽ bị đem ra trước vành móng ngựa? Tuy vậy, ông Đường Văn Thái vẫn không lạc quan về chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam vì theo ông không bao giờ có “ánh sáng cuối đường hầm”:
“Bây giờ báo chí đang rùm beng vụ hàng Việt Nam đội lốt Trung Quốc như vụ Asanzo. Đây cũng là sân sau của một quan chức trong Bộ chính trị, cho nên báo chí lên tiếng cứ lên, dân cứ nói nhưng chắc gì dẹp được!”

SAGRI: ĐẢNG 'THỊT' HAY THA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THIỆN NHÂN ?

TRÂN VĂN/ Blog VOA 29-7-2019


Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải) trong một lần đến thăm ông Nguyễn Tấn Dũng (Hình: Sài Gòn Giải Phóng)

Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải) trong một lần đến thăm ông Nguyễn Tấn Dũng (Hình: Sài Gòn Giải Phóng)

Quyết định đưa vụ án hình sự xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) vào nhóm đại án mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng – Chống tham nhũng (BCĐTƯ PCTN) sẽ giám sát (1) đặt ra một câu hỏi lớn: Đảng ta sẽ “thịt” hay tha đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy TP.HCM?
***
SAGRI là một trong những doanh nghiệp của UBND TP.HCM. Giống như các doanh nghiệp cùng loại (hoặc thuộc Thành ủy, hoặc thuộc UBND TP.HCM), SAGRI được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại TP.HCM giao cho đủ thứ công sản (công thổ, công thự, công quỹ) kèm đủ loại ưu đãi để kinh doanh.
Năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố kết quả kiểm toán SAGRI. Theo đó, SAGRI đã vi phạm hàng loạt qui định về quản lý công sản khi đem 24 khu đất có tổng diện tích 1.900 héc ta ra làm vốn để thành lập các doanh nghiệp mới. Tuy nắm trong tay 45 khu nhà và đất, tổng diện tích lên tới 6.300 héc ta và chỉ đem nhà, đất làm vốn, góp với các doanh nghiệp khác hoặc cho thuê nhưng lợi nhuận của SAGRI liên tục giảm so với mức biểu kiến mà SAGRI phải đạt. Năm 2017, lợi nhuận của SAGRI chỉ đạt 30% mức biểu kiến (2).
Cũng năm ngoái, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận thanh tra, theo đó, năm 2016, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI và bà Nguyễn Thị Thúy, Kế toán trưởng của SAGRI, phối hợp với hai công ty du lịch làm giả 10 hợp đồng đưa cán bộ, nhân viên đi “tham quan – học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài để chi khống hơn 13 tỉ đồng (3). Giống như KTNN, Thanh tra TP.HCM nhận định, tại SAGRI đã xảy ra hàng loạt sai phạm trong sử dụng công sản, điều hành. Hiệu quả của hoạt động đầu tư thấp, thua lỗ triền miên, nhiều liên doanh phải ngưng hoạt động, vốn nhà nước giao cho SAGRI bị tổn thất.
Đó cũng là lý do cả KTNN và Thanh tra TP.HCM cùng đề nghị các viên chức hữu trách ở TP.HCM xem xét, xử lý lãnh đạo SAGRI.
Giữa lúc nhiều người tin rằng, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI, em ruột ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì chỉ riêng chuyện tổ chức chi khống – chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng - đã đủ để ông Hùng có thể bị phạt chung thân thậm chí tử hình do “tham ô tài sản”... thì tháng 3 năm ngoái, Chủ tịch TP.HCM chỉ quyết định “khiển trách” ông Hùng và bà Thúy.
Quyết định “khiển trách” vừa kể bị công chúng chỉ trích kịch liệt nhưng tới tháng 10 năm ngoái, bảy tháng sau khi “khiển trách”, UBND TP.HCM mới quyết định nâng hình thức kỷ luật ông Hùng và bà Thúy từ “khiển trách” lên… “cảnh cáo” (4). Thêm bảy tháng nữa (tháng 5 năm 2019), Sở Nội vụ TP.HCM xác định, ông Hùng có: Mười sai phạm phải… “phê bình, rút kinh nghiệm”. Bốn sai phạm phải… “khiển trách”. Bốn sai phạm phải… “cảnh cáo” và “tổng hợp” các hình thức kỷ luật thì nên… “hạ bậc lương” (5)!
Mất thêm một tháng nâng lên, đặt xuống, tháng 6 năm nay, chính quyền TP.HCM mới quyết định “đình chỉ công tác” Tổng Giám đốc SAGRI của ông Lê Tấn Hùng (6) và tuần kế đó mới thông báo quyết định “cách chức” (7). Cần lưu ý là kể từ khi chính quyền TP.HCM tiến hành xem xét kỷ luật ông Hùng theo kiến nghị của KTNN và Thanh tra TP.HCM, Thành ủy TP.HCM luôn luôn “nhất trí” với các hình thức kỷ luật ông Hùng mà chính quyền TP.HCM áp dụng. Cũng vì vậy, đầu năm 2019, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Thành ủy TP.HCM chỉ “cảnh cáo” đồng chí Lê Tấn Hùng rồi… thôi (8)!
Đúng 20 ngày sau khi UBND TP.HCM “nói lại cho rõ”, rằng ông Hùng có nhiều sai phạm “rất nghiêm trọng”, cho nên quyết định “cách chức” Tổng Giám đốc SAGRI của ông Hùng, hôm 9 tháng 7, Bộ Công an công bố quyết định khởi tố ông Hùng vì “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và thực hiện lệnh tạm giam ông Hùng trong bốn tháng, đồng thời áp giải ông Hùng ra Hà Nội để điều tra chứ không đưa ông vào các trại tạm giam của bộ này tại TP.HCM (9).
***
Cứ nhìn vào tiến trình xem xét – xử lý kỷ luật ông Hùng, ai cũng có thể thấy, cả Thành ủy TP.HCM lẫn UBND TP.HCM đã cùng biến chủ trương “tự chỉnh đốn”, nỗ lực phòng - chống tham nhũng của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (BCH TƯ đảng CSVN) thành một vở hài kịch mà xem đến đâu thiên hạ… rủa đến đó chứ không ai cười.
Ai cũng biết, nếu Thành ủy TP.HCM không nhất trí, chắc chắn sẽ không có chuyện UBND TP.HCM chỉ “khiển trách”, rồi từ từ nâng lên thành “cảnh cáo”, thậm chí “tổng hợp” đủ thứ hình thức kỷ luật dành cho 18 sai phạm của ông Hùng mới ra được đề nghị “hạ bậc lương”.
Vì lẽ gì mà Thành ủy TP.HCM và UBND TP.HCM phải mất gần hai năm mới nhận ra những sai phạm ở SAGRI nói chung, của ông Lê Tấn Hùng nói riêng, vốn đã được KTNN, Thanh tra TP.HCM mô tả rất cặn kẽ là… “rất nghiêm trọng” để “đình chỉ công tác”, “cách chức” và “nhất trí” chuyển hồ sơ cho công an xem xét?
Đến nay, UBKT của BCH TƯ đảng CSVN khóa 12 đã phát hành 37 thông cáo báo chí sau 37 đợt xem xét – kỷ luật đảng viên các cấp. Đợt nào cũng có các tổ chức đảng và những đảng viên cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật vì là “người đứng đầu” mà “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát”.
Nếu tiến trình “tự chỉnh đốn” và phòng – chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” như ông Nguyễn Phú Trọng vừa tái khẳng định hôm 26 tháng 7, tại phiên họp thứ 16 của BCĐTƯ PCTN, đảng ta có xem xét – kỷ luật ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Nguyễn Thành Phong không?
Lẽ nào khi cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền tại TP.HCM cùng hành xử như… đùa trong xử lý các sai phạm ở SAGRI nói chung, của ông Lê Tấn Hùng nói riêng mà một Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy TP.HCM như ông Nguyễn Thiện Nhân, một Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN kiêm Chủ tịch TP.HCM như ông Nguyễn Thành Phong vẫn… vô sự?
Tiến trình xử lý các sai phạm của ông Hùng nói riêng cũng như nhiều đồng chí khác nói chung, từng tạo cảm giác, nỗ lực “tự chỉnh đốn”, “phòng – chống tham nhũng” của đảng ta không phải vì thực thi đạo lý hay thượng tôn luật pháp. Đó chỉ là kế hoạch triệt hạ các băng nhóm trong đảng. Bào đệ của ông Lê Thanh Hải – một “Tiểu vương” tại TP.HCM – bị tống giam chỉ vì tương quan giữa thế và lực đã khác trước, thành ra phải dụng… chiêu và phải có… quá trình!
Nếu thật sự tôn trọng đạo lý, luật pháp làm gì ở TP.HCM có những cá nhân hành xử táo tợn như ông Lê Tấn Hùng, làm gì có những ung nhọt như SAGRI, làm gì có những thảm nạn kéo dài suốt hai thập kỷ nhưng vẫn chưa thấy hướng giải quyết bảo đảm hợp tình, thuận lý như Thủ Thiêm?
Nếu thật sự tôn trọng đạo lý, luật pháp, thật tâm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm gì có chuyện gạt đạo lý, luật pháp qua một bên để “xử lý từng bước”? Sai phạm của SAGRI, của ông Hùng dù đã rõ ràng nhưng tương quan giữa thế và lực buộc phải khởi đầu tiến trình xử lý bằng… “khiển trách”.
Sẽ rất khó hiểu nếu tính chất, mức độ sai phạm của SAGRI nghiêm trọng đến mức cần được BCĐTƯ PCTN giám sát nhưng đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đồng chí Nguyễn Thành Phong tiếp tục được đảng tín nhiệm, không bị đảng truy cứu trách nhiệm như một số đồng chí từng bị đảng “chặt đầu, lột da” trong vài năm gần đây vì là “người đứng đầu” mà “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát”, khiến việc xử lý SAGRI trở thành một mớ bùng nhùng suốt hai năm, tác hại nghiêm trọng đến “niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân” vào nỗ lực “tự chỉnh đốn”, cũng như quyết tâm “phòng – chống tham nhũng” của đảng.
***
Chuyện “thịt” hay tha các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong sẽ giúp hiểu ra nhiều điều. Trong đó, điều quan trọng nhất là các đồng chí lãnh đạo đảng hiện nay có thật sự nghiêm minh, có đề cao đạo lý và luật pháp, hay lại tiếp tục dụng… chiêu để loại trừ những đối thủ trong nội bộ đảng và thu phục nhân tâm vốn đã chạm đáy bất bình, chán ngán.
Nếu các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong vô sự dù đã từng nhất trí chỉ “khiển trách”, rồi “cảnh cáo”,... vừa đấm, vừa xoa, vừa công, vừa thủ, nhằm hạn chế sức đề kháng, tiến từng bước trong việc đưa bào đệ của đồng chí Lê Thanh Hải đến chỗ trở thành bị can chính của một đại án, giờ đã trở thành đặc biệt nghiêm trọng – rõ ràng các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong đã cùng đảng dụng… chiêu.
Một đảng vận hành theo kiểu như thế rõ ràng không phải là tổ chức chính trị có thể cầm nắm tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc. Đó chỉ là một nhóm thảo khấu!
Chú thích


ĐƯỜNG ĐÃ MỞ, NGƯỜI CÓ MẠNH DẠN ĐI ?

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 4-8-2019

Chủ trì và phát biểu tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) ngày 26/7/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nêu nhiều ý kiến quan trọng.
Cùng với đồng bào cả nước, người viết thực sự tâm đắc với hai trong số những vấn đề mà ông Nguyễn Phú Trọng đề cập:
Thứ nhất: “Chúng ta đã có luật và làm theo luật, nhưng khi cần thiết và đòi hỏi của thực tế thì sửa luật, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết; đồng thời cũng phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng ,...”.
Thứ hai: “Không sợ thiếu cán bộ, bởi không thiếu cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với dân với đất nước. Không sợ mất uy tín; chỉ không làm, không xử lý cán bộ vi phạm mới tự đánh mất uy tín của mình”. [1]
Ẩn phía sau những câu chữ tưởng như không có gì mới so với những gì được nêu mấy chục năm qua trên truyền thông, trong các văn bản chính thức là những chuyển biến mang tính chiến lược, cùng với đó là những trăn trở, suy tư làm thế nào để đất nước vượt qua chính mình, vượt qua những rào cản đã bén rễ thâm sâu trong nhận thức của bộ phận không ít cán bộ lãnh đạo cả địa phương và trung ương.
Sửa luật (hoặc ban hành luật mới?) nhằm “đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết” - như lời ông Nguyễn Phú Trọng - tại thời điểm này có thể ví như những đợt sóng đang tích lũy năng lượng để trở thành “Sóng Cả”.
Ngạn ngữ Việt có câu “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, có người cho “Sóng Cả” là sóng dữ, gặp “Sóng Cả” là nguy hiểm.
(Ảnh minh họa: VOV)
Thế nhưng phá bỏ thành trì tham nhũng, phá bỏ liên minh ma quỷ giữa một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp và quan chức - tức là “nhóm lợi ích Quan - Doanh”, phá bỏ lối tư duy thủ cựu, sính ngoại, sợ ngoại, duy ý chí thì “Lò nóng” chưa đủ mà còn cần “Sóng Cả”?
“Nhất thủy, nhì hỏa” là câu châm ngôn cho thấy sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên.
Dẫu “lò” đã nóng và đang rực lửa thì “hỏa” cũng mới ở vị trí thứ hai, phải cần đến “thủy” tức là “Sóng Cả” để nhấn chìm những gì cản đường, tạo dòng chảy thông thoáng cho tư duy người Việt, để các thế hệ mai sau vững tin vào sức mạnh nội tại của dân tộc.
Tạo ra “Sóng Cả” chính là để cho người Việt thực hiện mong ước của Bà Triệu “Cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta”.
Muốn “chém cá kình ở Biển Đông” thì phải “đạp luồng sóng dữ”, muốn có “luồng sóng dữ” thì phải tạo ra “Sóng Cả”, đó không phải là nghịch lý mà là tất yếu lịch sử.
“Đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết” thể hiện trong hai lĩnh vực: đối nội và đối ngoại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chống tham nhũng không chùng lại mà quyết liệt hơn
Về đối ngoại, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài “Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết!” viết: [2]
“Trong lịch sử phong trào cộng sản trên thế giới, các tư tưởng tả khuynh, tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp, chỉ mang lại những kết quả tức thời, không bền vững và để lại nhưng hậu quả nặng nề, khó khắc phục”.
Vì sao “tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp” lại mang đến “hậu quả nặng nề, khó khắc phục”?
Nhận định này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết vào thời điểm nhân loại thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution) bắt đầu vào khoảng 10 năm trở lại đây.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với nền kinh tế tri thức và sự ra đời của các công nghệ mới trong các lĩnh vực Vật lý, Kỹ thuật số, Sinh học,…
Những phát kiến nổi trội về công nghệ có thể được tìm thấy trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, mạng di động thế hệ 5 (5G), công nghệ in 3D, công nghệ nano,…
Với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lực lượng nòng cốt, đi tiên phong phải là đội ngũ trí thức chứ không phải lao động cơ bắp.
Chính vì thế, nếu không thay đổi nhận thức, nếu cứ “tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp” thì sự tụt hậu về kinh tế sẽ không thể tránh khỏi, hậu quả của nó là suy giảm sức mạnh và uy tín quốc gia, gây mất niềm tin nơi quần chúng.
“Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết” trong đối ngoại nghĩa là cần bạn bè, cần đối tác có thể tin tưởng chứ không phải những khẩu hiệu ít chữ hay nhiều chữ.
Vận mệnh quốc gia phải do người Việt nắm giữ, sự hậu thuẫn quốc tế là quan trọng song không thể thay thế nội lực.
Phẩm giá dân tộc không thể đánh đổi bởi bất kỳ sự nhân nhượng nào, không gian sinh tồn của người Việt không phải là thứ có thể đưa lên bàn hội nghị.
Việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ đích danh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) khai mạc sáng 31/07/2019 tại Thái Lan [3] chỉ là một trong các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm cụ thể hóa quan điểm của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”.
“Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết cần có những biện pháp rõ ràng và kiên quyết để đấu tranh với “lợi ích nhóm”, một tệ nạn đang vận động rất phức tạp, là yếu tố hàng đầu đe dọa đến sự đoàn kết thống nhất của dân tộc, mục tiêu cao nhất của đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết hiện nay”.Về đối nội, vẫn bài đã dẫn nêu ý kiến:
Có thể tìm thấy định nghãi khái niệm “nhóm” và “nhóm lợi ích” trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
“Nhóm” hiểu theo nghĩa xã hội là một số người “liên kết với nhau bởi các dấu hiệu hình thức hoặc bản chất, chia sẻ cùng những mục tiêu và quy chuẩn”.
“ “Nhóm lợi ích” tập hợp các cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó”. [4]
Theo các định nghĩa nêu trên, các tổ chức, đoàn thể, hội nghề nghiệp,… đều có thể coi là các nhóm lợi ích.
Vấn đề là đôi khi, do độ nhạy cảm hoặc do những nguyên nhân mang tính thời điểm người ta không muốn hoặc ngại gọi các tổ chức chính trị là “Nhóm lợi ích”.
Từ phát biểu của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, từ nhận định trên Báo điện tử Dangcongsan.vn có thể thấy mức độ chống lại các “nhóm lợi ích” ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt không chỉ trong phát ngôn mà còn trong việc làm cụ thể của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,...
Bất kỳ nhóm lợi ích nào “đe dọa đến sự đoàn kết thống nhất của dân tộc” hoặc tự cho mình quyền đứng trên luật pháp đều là “giặc nội xâm” và phải bị loại bỏ.
Chỉ có tổ chức chính trị nào lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm lợi ích của chính mình, đồng nhất lợi ích tổ chức với lợi ích tối thượng của dân tộc thì mới có thể tồn tại.
“Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết” vừa là quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước vừa là lời cáo chung cho quan điểm cục bộ, địa phương đã và đang xuất hiện không chỉ ở một số quan chức mà còn ở một số thành phần xã hội khác, chẳng hạn một nhà giáo và cũng là đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công khai góp ý với chính quyền thành phố này, rằng: “Đã đến lúc nghĩ đến việc ăn cây nào phải rào cây nấy”.
“Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết” nghĩa là phải chấm dứt tình trạng “Vua con”, tình trạng “63 tỉnh là 63 nền kinh tế”.
Quan điểm của ông Nguyễn Phú Trọng đồng nhất với nguyện vọng của toàn dân và vì thế không khó để thấy vì sao nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
Khi đường lối đã sáng thì vấn đề còn lại là con người.
(còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
[1]//www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/40999902-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-hop-phien-thu-16.html
[2] //dangcongsan.vn/dua-nghi-quyet-dai-hoi-dang-vao-cuoc-song/phai-dat-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-len-tren-het-324193.html
[3] //vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/pho-thu-tuong-neu-dich-danh-nhom-tau-trung-quoc-vi-pham-chu-quyen-viet-nam-555022.html
[4] //vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%B3m
Xuân Dương

CÁI CHẾT CỦA TRẦN BẮC HÀ VÀ MỘT THỨ MÙI RẤT ĐẶC TRƯNG
PHẠM CHÍ DŨNG/ VOA   2-8-2019
Kết quả hình ảnh cho trần bắc hà
Hai tuần sau khi được báo chí nhà nước thông tin ‘tử vong ngoại viện’ vào ngày 18/7/2019 cùng lời phát ngôn như thể thanh minh của lãnh đạo Quân y viện 105 ‘Bệnh viện không tác động gì về mặt chuyên môn đối với ông Trần Bắc Hà’ và ‘Bệnh viện không chịu trách nhiệm pháp y’, cái chết của nhận vật từng một thời đình đám ‘lưu manh ngân hàng’ đồng thời là ‘cánh tay mặt của Nguyễn Tấn Dũng’ vẫn còn nguyên ẩn số với mối nghi ngờ rất lớn về yếu tố thực chất của nó.
Những dấu hỏi phát sinh
Ngày cuối tháng 7 năm 2019, Bộ Công an một lần nữa ‘lên tiếng’ về cái chết của Trần Bắc Hà, sau một thời gian khá dài gần như bị ‘á khẩu’.
“Hiện nay Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đang chủ trì khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của bị can Trần Bắc Hà” - Trung tướng Lương Tam Quan, Chánh văn phòng Bộ Công an nói như thế khi trả lời câu hỏi của báo giới về nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà - cựu chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tuy nhiên tướng Quang lại thòng thêm câu “cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã phối hợp với Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác định nguyên nhân, hiện chưa có kết quả”.
Lương Tam Quan luôn khiến nhiều người nhớ về ông ta như một người phát ngôn ‘chưa có thông tin’ trước dư luận và báo chí đã trở nên rất sôi động trong hai lần rộ lên thông tin về vụ Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ bị bắt tại cửa khẩu biên giới Singapore - Malaysia vào tháng Giêng năm 2018, và vụ Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh bị ‘câu lưu’ vào tháng 3 năm 2018. Trong ít nhất hai lần đó, tướng Quang hoặc bị ‘hố’ nặng, hoặc đã trở thành dẫn chứng rất tiêu biểu cho tình trạng cực kỳ thiếu minh bạch thông tin trong hoạt động của Bộ Công an.
Còn vào lần này, lại một lần nữa tướng Quang ‘chưa có thông tin’. Vậy vì sao vào lúc Trần Bắc Hà chết, một số tờ báo nhà nước đã mau mắn đưa tin nguyên nhân tử vong là do bị bệnh gan và cao huyết áp - những bệnh lý quá sức đơn giản đối với công tác pháp y, nhưng cho tới nay cả hai cơ quan Cảnh sát điều tra công an và Cục Điều tra hình sự quốc phòng vẫn chưa ‘điều tra’ làm rõ được?
Phải chăng đã có một khuất tất đủ lớn hoặc đủ ghê gớm nào đó mà đã khiến các cơ quan trên không chỉ ngậm tăm trong suốt thời gian qua mà còn chẳng dám hứa hẹn gì về việc sẽ thông tin về nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà trong thời gian tới?
Dấu hỏi trên lại khiến người ta nhớ lại những dấu hỏi khác đã hiện ra ngay vào lúc có tin Trần Bắc Hà ‘tử vong ngoại viện’: từ bản tin của báo Tuổi Trẻ về cái chết của Trần Bắc Hà đã lần đầu tiên cho biết Hà chết trong khi đang ở trong trại giam quân đội tại Sóc Sơn (Trại 771), phải chăng vụ án Trần Bắc Hà không chỉ thuần túy do những sai phạm kinh tế mà còn liên quan, hoặc liên đới rất sâu đến cả nội bộ đảng và nội bộ cao cấp bên quân đội? Hoặc thuộc loại án ‘an ninh quốc gia’ nhưng nằm trong tuyến phụ trách của Tổng cục 2 (Tổng cục tình báo quân đội) chứ không phải thuộc trách nhiệm của Bộ Công an? Hay do ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng khi chỉ đạo bắt Trần Bắc Hà đã không thật sự tin cậy vào các trại giam của Bộ Công an - nơi mà vẫn có thể còn ủ nguyên ‘đội hình chiến lược’ các quan chức công an được bổ nhiệm từ thời Nguyễn Tấn Dũng, nên phải lệnh chuyển Hà sang trại giam quân đội - khu vực mà Trọng có vẻ nắm chắc quyền bính hơn?
‘Mùi’ gì từ một bài viết ẩn danh?
Trong khi những dấu hỏi trên chưa có cơ may nào được làm rõ, trên mạng xã hội đã xuất hiện bài viết mang tựa đề rất ấn tượng “Sự thật về cái chết của ông Trần Bắc Hà, trách nhiệm của thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Cục trưởng c03, Bộ Công an và các điều tra viên có liên quan” của một tác giả ẩn danh.
Theo tác giả này, việc chuyển bị can sang tạm giam tại Trại 771 chỉ áp dụng đối bị can trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, chuyên án ma tuý, hoặc vụ án mà bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều bí mật nhà nước...
Cũng theo tác giả này, việc không cho phép bị can Trần Bắc Hà được hưởng quyền của bị can theo luật định, việc chuyển bị can sang Trại 711 không đúng quy định để giam giữ theo hình thức biệt giam trong những ngày hè nắng nóng... của Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục C03 rõ ràng có đủ dấu hiệu mặt khách quan của hành vi sử dụng nhục hình, song là cách dùng nhục hình hết sức tinh vi, lách luật nhằm gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với bị can Trần Bắc Hà. Hành vi này đã xâm phạm quyền con người, vi phạm Công ước Chống tra tấn là 01 trong 09 Công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1987; bị cấm trong hoạt động điều tra được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 về những hành vi bị nghiêm cấm là: “Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Đáng chú ý, bài viết trên đã mô tả về quá trình tạm giam Trần Bắc Hà từ Trại giam T16 của Bộ Công an, sau đó chuyển sang Trại 771 của Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, việc Trần Bắc Hà bị đối xử rất thiếu ‘nhân quyền’ và sau đó phải tuyệt thực đến chết… rất chi tiết đến mức cứ như thể tác giả là người trong cuộc, tận mắt nhìn thấy toàn cảnh vụ Trần Bắc Hà đã chết như thế nào.
Bài viết trên đã xuất hiện gần như đồng thời với thời điểm ‘lên tiếng’ của người phát ngôn Bộ Công an là Lương Tam Quang - như một đòn phản bác dữ dội vào bộ này.
Mặc dù nhiều chi tiết của tác giả ẩn danh trên được cho là rất khó để kiểm chứng về tính xác thực của chúng, nhưng sự xuất hiện của bài viết rất chi tiết này - vào đúng lúc hai cơ quan điều ta của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có vẻ còn đang lúng túng chưa biết nên công bố nguyên nhân cái chết của Trần Bắc Hà là do đâu hay ai đã làm cho Trần Bắc Hà phải ‘tử vong ngoại viện’ - đã khiến nồng lên một thứ mùi rất đặc trưng: mùi đấu đá phe phái.
Hầu như có thể chắc chắn là bài viết của tác giả ẩn danh trên - lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội - sẽ trở thành tâm điểm ‘điều nghiên’ của không chỉ hai cơ quan Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, mà còn có thể gây xáo động trong phòng họp của Bộ Chính trị đảng và các phòng họp cơ mật khác.
Cách đặt vấn đề và lối hành văn dẫn dắt chi tiết của bài viết trên còn cho thấy tác giả - mà đứng phía sau có thể là một lực lượng chính trị trong nội bộ đảng cầm quyền - không chỉ dừng lại ở việc quy kết ‘trách nhiệm hình sự’ đối với Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, mà còn có thể sẽ nêu ra những cái tên khác, ở cấp cao hơn.
Cái chết ‘tử vong ngoại viện’ của Trần Bắc Hà cũng bởi thế nhiều hứa hẹn trở thành một cái cớ xác đáng để thổi bùng một cơn địa chấn không mấy êm dịu vào thời kỳ ‘toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 13’, đặc biệt trước thềm những hội nghị trung ương quyết liệt ‘làm nhân sự’ sẽ diễn ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét