Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

20171228. AI 'BẢO KÊ' CHO VŨ 'NHÔM' ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
AI 'BẢO KÊ, CHỐNG LƯNG' CHO VŨ NHÔM ?

THIỀN LÂM/ Calitoday/ BVB 26-12-2017

Ông Nguyễn Phú Trọng trong một lần làm việc với Bộ Công an. Ảnh: Dân Trí
Chưa bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng cùng nhóm quyền lực khuynh đảo trong đảng cầm quyền lại bị vỗ mặt bởi những thách thức vừa khiêu khích vừa sẵn sàng ra đòn hạ độc như hiện thời. Vụ Trịnh Xuân Thanh chắc chắn đã khiến ông Trọng khó ăn khó ngủ, còn nếu Vũ “Nhôm” trở thành “Trịnh Xuân Thanh thứ hai” thì tình thế sẽ “biến” đến thế nào?
Dường như đang bắt đầu khởi động một “chuyên án” mới của Bộ Chính trị: tổ chức này có thể đang điều tra “ai chống lưng cho Vũ “Nhôm””.
Cho đến ngày hôm nay, tức 5 ngày sau vụ “khám nhà không thấy người” của Công an Đà Nẵng và Bộ Công an, bóng hình thượng tá công an Vũ “Nhôm” – trùm bất động sản Phan Văn Anh Vũ – vẫn bặt tăm.
Ngay vào ngày 21/12/2017, khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố do có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”, một số dư luận đã nhận định rằng rất có thể khái niệm “toàn quốc” đó chẳng còn ý nghĩa gì nữa, bởi trước đó Vũ “Nhôm” đã “biến” ra ngoài biên giới Việt Nam.
Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Tổng bí thư Trọng đang quan tâm với tầm mức đặc biệt đến vụ tẩu thoát này là trong vài ba ngày qua, những tờ báo được xem là “thân đảng” – trước đó vẫn thường ủng hộ chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Trọng – đã khá mạnh miệng khi tổ chức phỏng vấn một số cựu thần và quan chức với câu hỏi “Làm sao Vũ “Nhôm” đã bị giám sát chặt chẽ từ lâu mà vẫn trốn được?”.
Thậm chí nhiều người đang hình dung rằng vụ Vũ “Nhôm” đang có những dấu hiệu trở thành một vụ “Trịnh Xuân Thanh thứ hai”.
Một dấu hiệu khác, kín đáo hơn, về “ai chống lưng cho Vũ “Nhôm””, là bắt đầu lấp ló những lời chống chế trách nhiệm hoặc đổ trách nhiệm cho nhau, xuất hiện cả trên báo nhà nước lẫn tù các “blogger phe phái” trên mạng xã hội.
Sau khi Vũ “Nhôm” biến mất, các cơ quan công an đã lập tức đổ trách nhiệm cho nhau. Trước câu hỏi của báo chí về trách nhiệm quản lý của Công an TP.Đà Nẵng và “việc điều tra Vũ ‘nhôm’ tiến hành đã lâu, sao vẫn để ông Vũ biến mất?”, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng Trần Đình Liên giải thích chủ trì vụ án này là Bộ Công an, Công an Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp.
Dư luận xã hội có thể hình dung rằng khi phát hiện Vũ “Nhôm” biến mất, đã phát sinh một cơn hoảng loạn trước đó trong nội bộ công an từ cấp thành phố Đà Nẵng đến Bộ Công an, để sau đó đành làm động tác khám nhà Vũ “Nhôm” như một thủ tục “cho có”.
Vào lúc này, các “blogger phe phái” đang tung lên mạng xã hội những lời thanh minh. Người thì thanh minh cho Trần Đại Quang – chủ tịch nước, người thanh minh cho Tô Lâm – bộ trưởng công an, có người lại bóng gió nói về mối quan hệ nào đó giữa Vũ “Nhôm” và Ủy viên bộ chính trị Hoàng Trung Hải…
Khỏi cần nói thêm, Tổng bí thư Trọng đang “găm” vụ Vũ “Nhôm” biến mất đến thế nào.
Cần nhắc lại, cho đến tận bây giờ, bất chấp nhiều bức bối cùng chỉ trích của cán bộ và tướng lĩnh lão thành, vẫn chẳng có bất cứ tin tức nào được công bố về việc ai và thế lực nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu khỏi Việt Nam ngay trước mũi tổng bí thư. Hậu quả của vụ việc mà ai cũng hiểu là có xuất xứ từ “xung đột nội bộ” này là vụ “tàng hình” ấy chắc chắn đã được giúp sức bởi một thế lực đủ mạnh và đủ “biện pháp nghiệp vụ”, và thế lực giấu mặt này không chỉ mang ý nghĩa nhỏ bé như một hành động chọc tức và khiêu khích đối với Tổng Trọng, mà lớn lao hơn thế nhiều, có thể trở thành một loại đối trọng chính trị theo đúng nghĩa đen của từ điển chính trị học, trở thành tương lai ám ảnh đối với tương lai chính trị có thể còn kéo dài đến ít ra cuối đại hội 12 của tổng bí thư hiện tại.
Chưa bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng cùng nhóm quyền lực khuynh đảo trong đảng cầm quyền lại bị vỗ mặt bởi những thách thức vừa khiêu khích vừa sẵn sàng ra đòn hạ độc như hiện thời. Vụ Trịnh Xuân Thanh chắc chắn đã khiến ông Trọng khó ăn khó ngủ, còn nếu Vũ “Nhôm” trở thành “Trịnh Xuân Thanh thứ hai” thì tình thế sẽ “biến” đến thế nào?
Trịnh Xuân Thanh từng được chống lưng bởi một ủy viên bộ chính trị là Đinh LaThăng. Còn Vũ “Nhôm” thì được ai “bảo kê”?
Mới đây, Tổng bí thư Trọng đã tiến thêm một bước chuyên chế khi chỉ đạo ban hành một bản quy định của đảng, trong đó có một nội dung rất đáng chú ý: “Cán bộ sức khỏe không đảm bảo, uy tín giảm sút sẽ bị thay thế”.
Ngay lập tức, nhiều người cho rằng những “ứng cử viên” sáng giá đầu tiên thỏa mãn quy định trên là Trần Đại Quang, và Đinh Thế Huynh – người trên danh nghĩa vẫn là Thường trực ban bí thư nhưng đã quá lâu vẫn không khỏi bệnh và cũng chẳng còn được báo chí đoái hoài.
Một cách nào đó, vụ Vũ “Nhôm” cùng mối nguy “Trịnh Xuân Thanh thứ hai” sẽ là một lý do đủ thuyết phục và cũng là một cái cớ đủ mạnh để ông Trọng ra tay “chỉnh đảng” lẫn “chỉnh quân” – tức nếu muốn, ông Trọng có thể sẽ khẩn cấp tiến hành những động tác điểu tra vụ Vũ “Nhôm” để làm rõ trách nhiệm của những quan chức công an liên quan, từ đó tiến tới bước thay đổi một số nhân sự trong Bộ Công an , thậm chí có thể cải tổ cả cơ quan bộ này.
Thiền Lâm/(Cali Today)
VÌ SAO CÔNG AN ĐÀ NẴNG 'ĐỂ LỌT' VŨ NHÔM ?
MỘT SĨ QUAN AN NINH/DL/BVB 26-12-2017
Khu Euro Village (Làng Châu Âu) sang trọng bậc nhất ở thành phố Đà Nẵng.
Biệt thự hơn 500m2 của Đại tá Giám đốc CA TP Lê Văn Tam nằm trong khu này.
Dư luận những ngày này đang sôi lên vì Vũ Nhôm đã trốn thoát. Nhiều người đang đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ Công an, đặc biệt là Công an Thành phố Đà Nẵng, nơi mà Vũ Nhôm đăng ký thường trú.
Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) thẳng thắn đặt câu hỏi: “Sáng nay tôi đọc báo thấy đã phát lệnh truy nã Phan Văn Anh Vũ. Tôi băn khoăn như vậy thì Phan Văn Anh Vũ đi lúc nào? Tại sao trước nay đã biết có nhiều thông tin liên quan Vũ “nhôm” như thế lại không có biện pháp quản thúc, để Vũ trốn mất? Có vấn đề gì ở đây không?”
Trước câu hỏi về trách nhiệm, đại tá Trần Đình Liên, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, giải thích chủ trì vụ án này là Bộ Công an nên Công an TP.Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp. Và sau khi Bộ có quyết định truy nã thì theo nghiệp vụ lực lượng Công an TP.Đà Nẵng phải thực hiện.
Tuy nhiên theo Báo Thanh Niên, thì việc tiến hành điều tra Vũ Nhôm diễn ra đã lâu, do đó nếu Công an TP Đà Nẵng viện dẫn lý do “chỉ là đơn vị phối hợp” để né tránh trách nhiệm thì thật là chưa thỏa đáng.
Chưa biết sự tình thế nào, song có một chi tiết đáng chú ý liên quan tới người đứng đầu ngành Công an TP Đà Nẵng hiện nay, Đại tá Giám đốc Lê Văn Tam, cần được lưu tâm. Hiện ông Tam đang sống trong khu Euro Village (Làng Châu Âu) sang trọng bậc nhất của thành phố. Biệt thự của ông Tam có diện tích hơn 500m2, với giá thị trường vào khoảng 50 triệu/m2, nên chỉ riêng giá trị đất (25 tỷ VND) đã biến ông Tam thành một trong những người cán bộ triệu phú đô-la của chính quyền thành phố. Điều này lâu nay gây dư luận âm ỉ trong ngành công an, cũng như toàn thể hệ thống chính trị thành phố, khi mà nhiều chiến sĩ, công chức chật vật ở nhà thuê vì không thể mua được nhà với đồng lương ít ỏi, thì người đứng đầu ngành công an lại sở hữu một bất động sản giá trị cao tới cả triệu đô la Mỹ như thế.
Thêm nữa, đây là một khu vực biệt lập (subdivision), ra vào có trạm gác kiểm tra. Không rõ điều này có phần nào ảnh hưởng tới chất lượng điều hành, việc sâu sát cơ sở, nắm chắc quần chúng của Giám đốc Lê Văn Tam, dẫn đến việc Vũ Nhôm có thể trốn thoát dễ dàng như vậy hay không?
Một sĩ quan an ninh từ Đà Nẵng
(Dân Luận)
VŨ ĐI LIỆU NHÔM CÓ VỀ ?
LÊ ANH HÙNG/ VOA/ BVB 27-12-2017
Những diễn biến bất ngờ dồn dập trên chính trường thời gian gần đây báo hiệu từ nay đến Hội nghị Trung ương 7 sẽ còn nhiều biến cố khó lường; nhất là khi dư luận tin rằng Vũ Nhôm có thể nắm trong tay những thông tin “nhạy cảm.”
Có lẽ chưa bao giờ sân khấu chính trị Việt Nam lại đem đến cho công chúng nhiều show diễn giàu kịch tính và cảm xúc như hiện nay.
Dư luận chưa hết xôn xao trước sự kiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra và truy tố cựu Bí thư Thành uỷ Sài Gòn vào chiều 20/12, tức chỉ 12 ngày sau khi bị bắt, lại rôm rả bàn tán về vụ đại gia Vũ ‘Nhôm’, một ông trùm khét tiếng ở Đà Nẵng, bị khám xét nhà vào chiều tối 21/12.
Thiên hạ càng không khỏi ngạc nhiên khi, mặc dù đã bị khám xét nhà từ chiều, nhưng buổi tối cùng ngày, trả lời đề nghị xác tín thông tin việc Vũ ‘Nhôm’ bị khởi tố và bắt giam, Chánh Văn phòng Bộ Công an nói: “Tôi chưa nắm được thông tin này.” Và mãi đến hơn 21h ngày hôm sau, các cơ quan báo chí nhà nước mới đồng loạt đưa tin Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố và khám xét nhà Phan Văn Anh Vũ ngày 21/12 trước khi phát lệnh truy nã ngày 22/12, bởi đối tượng đã biến mất.
Sau Vũ là ai?
Mặc dù đã trở thành ông trùm quyền lực ngầm tại Đà Nẵng từ lâu, nhưng cũng phải đến tháng 4/2017, cái tên Vũ ‘Nhôm’ mới thực sự được công chúng Việt Nam chú ý, khi báo chí nêu đích danh anh ta chính là chủ doanh nghiệp đã tặng xe sang cho Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. (Cuộc chiến giữa hai phe nhóm quyền lực chính tại Đà Nẵng là Bí thư Thành uỷ Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ lúc bấy giờ đang đến hồi quyết liệt, trong đó Vũ ‘Nhôm’ được cho là thuộc “phe” Nguyễn Xuân Anh.)
Gần đây, thiên hạ tá hoả khi có tin Vũ ‘Nhôm’ hoá ra là một sĩ quan công an. Chẳng phải ai khác mà chính tân Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, trong cuộc gặp mặt các cán bộ quân đội cấp tướng nghỉ hưu trên địa bàn Đà Nẵng ngày 21/12, đã “toạc móng heo” ra rằng Vũ ‘Nhôm’ là một thượng tá công an.
Năm 2013, cái tên Phan Văn Anh Vũ từng được nhắc đến trong kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc quản lý sử dụng đất của TP Đà Nẵng. Nhưng lúc ấy, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, nhân vật được cho là đứng sau lưng Vũ ‘Nhôm’, đã là một quyền lực hàng đầu Việt Nam nên không ai làm gì được.
Mãi đến cuối tháng 9, sau khi ngài cựu Bộ trưởng Công an thất thế do dính vào vụ Trịnh Xuân Thanh, ông trùm Vũ ‘Nhôm’ mới chính thức bị “lên thớt”. Và Tuổi Trẻ là tờ báo “chính thống” đầu tiên khai mào cuộc tấn công nhằm vào “nhóm lợi ích Vũ ‘Nhôm’” bằng bài “Khuất tất trong bán hàng loạt nhà, đất công tại Đà Nẵng?”.
Kết cục khó tránh
Nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký báo Thanh Niên, từng nhận xét: “Ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ suy cho cùng cũng là nạn nhân của một khối ung nhọt lưu cữu từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch. […] Nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh có thể là chuyện ‘nhạy cảm’ vì ông ấy đã qua đời, nhưng nếu né tránh những di hại mà ông ấy đã để lại cho Đà Nẵng thì những vấn đề cốt lõi của Đà Nẵng sẽ không bao giờ được xử lý đến nơi đến chốn. […] Bộ máy Đảng và Chính quyền Đà Nẵng đang bị các nhóm lợi ích chi phối, khống chế, tạo thành một khối ung nhọt. Ông Nguyễn Bá Thanh không còn, nhưng các nhóm lợi ích này vẫn tồn tại, không chỉ tồn tại mà ăn sâu vào các chân rết trong bộ máy, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn khống chế ở cấp cao hơn, mà sự e ngại của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là một ví dụ.”
Về Đà Nẵng thay thế Nguyễn Xuân Anh trên cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của thành phố biển chiến lược Miền Trung, ông Trương Quang Nghĩa hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Nghĩa là, nếu không chế ngự được ông trùm quyền lực ngầm Vũ ‘Nhôm’, chính ngài Bí thư Thành uỷ sẽ bị vô hiệu hoá hoặc tệ hơn nữa là bị nhấn chìm.
Trong bối cảnh ấy, Vũ ‘Nhôm’ bỗng trở thành đối tượng mà nhiều thế lực buộc phải triệt hạ. Ngoài Bí thư Trương Quang Nghĩa với lý do nêu trên thì Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ lại chính là đối thủ mà anh ta đã “gây thù chuốc oán” suốt mấy năm qua. Dĩ nhiên, hai nhân vật này hoàn toàn không đơn độc, bởi họ còn có các thế lực hậu thuẫn ở trung ương. Đặc biệt, Vũ Nhôm có thể được coi là đại diện của nhóm lợi ích công an, một “thành trì quyền lực” mà TBT Nguyễn Phú Trọng, nếu muốn đẩy mạnh chiến dịch “đốt lò” để nuôi hy vọng “bám trụ” trên ngôi vị số 1 ít nhất là cho đến hết nhiệm kỳ, buộc phải “công phá”.
Sự kiện “Thanh về” đã để lại một vết nhơ không biết bao giờ mới phai mờ trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, chưa kể những hệ luỵ lâu dài khác cho đất nước. Trong khi đó, những diễn biến bất ngờ dồn dập trên chính trường thời gian gần đây báo hiệu từ nay đến Hội nghị Trung ương 7 sẽ còn nhiều biến cố khó lường; nhất là khi dư luận tin rằng Vũ Nhôm có thể nắm trong tay những thông tin “nhạy cảm.”
Lê Anh Hùng/(Blog VOA)
TỔ CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT ĐÃ LÊN ĐƯỜNG TÌM VŨ 'NHÔM'
Trung tá HẢI/ TB/ BVB 27-12-2017
Ngay sau sự việc Phan Văn Anh Vũ với cấp bậc Thượng tá TC5 (Tổng cục tình báo -Bộ Công An) thoát khỏi truy bắt của cục điều tra an ninh A92 để di chuyển, ẩn náu ở một địa điểm bí mật, lãnh đạo Tổng cục phải tổ chức cuộc họp tập thể quán triệt vấn đề trên tinh thần “đóng cửa bảo nhau”.
Tuy không nói ra, nhưng nhiều lo ngại đã diễn ra trong suy nghĩ của những đồng nghiệp với Phan Văn Anh Vũ tại TC5 (Tổng cục tình báo -Bộ Công An). Kể từ lúc báo chí trong và ngoài nước đăng loạt tin về Vũ thì hầu như các phòng ban của đơn vị đều râm ran xoay quanh câu chuyện này. Từ phòng trực ban đến phòng tiếp khách và kể các các đơn vị bạn có văn phòng gần đó cũng “quan tâm” đến sự kiện được cho là chấn động ngành công an.
Nhằm hạn chế sự bàn ra, bàn vào của cán bộ chiến sĩ dẫn đến nghi ngờ trong nội bộ và giao động tư tưởng, lãnh đạo Tổng cục phải tổ chức cuộc họp tập thể để quán triệt vấn đề trên tinh thần “đóng cửa bảo nhau”. Nghiêm cấm mọi người trao đổi với nhau, cung cấp thông tin cho báo chí khi chưa được sự cho phép của cấp trên. Bộ mặt của ngành công an nói chung và ngành tình báo nói riêng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ việc này.
Đối với các cán bộ đã công tác nhiều năm trong ngành, thì hầu như ai cũng biết rõ về Vũ. Nhưng với các cán bộ trẻ mới ra trường về nhận công tác tại đơn vị này thì dường như niềm tin bị tác động một cách ghê gớm.
Nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của một tình báo viên không hề đơn giản như lý thuyết sách vở. Thành lập công ty bình phong, đem khối tiền về cho đơn vị, cho ngành nhưng không có nghĩa là bạn “hoàn thành nhiệm vụ”. Sĩ quan Vũ cùng gia đình giờ đây phải bỏ trốn và bị truy nã vì bị quy tội “tiết lộ bí mật nhà nước” mà bất cứ người cán bộ an ninh nào cũng thuộc nằm lòng đang là một bài học lớn.
“Bí mật nhà nước” bài học đầu tiên và là kim chỉ nam trong các hoạt động của ngành tình báo. Hai chữ “bí mật” luôn được rèn luyện để thử thách các tình báo viên. Họ có thể đánh đổi mạng sống để bí mật không bao giờ được bật mí. Bởi vì đó là nguyên tắc khốc liệt của cái ngành đặc biệt này. Trở lại câu chuyện Vũ “nhôm”. Câu chuyện này có thể được lặp lại với chính tình báo viên trẻ khác khi nhận nhiệm vụ tương tự, nhưng cơ hội trốn thoát như Vũ thì không phải ai cũng tận dụng được.
Cái gì cũng có giá của nó. Nếu bạn chọn công việc nguy hiểm của một tình báo viên, thì tính mạng của bạn và gia đình luôn bị đe doạ. Đổi lại bạn sẽ có cuộc sống giàu sang và hưởng thụ. Chắc chắn khi Vũ nhận “nhiệm vụ” này, Vũ đã biết quy luật của cuộc chơi. Vũ lợi dụng yếu tố chính trị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế. Kết quả Vũ trở thành đại gia được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, có lẽ Vũ đã can thiệp quá sâu vào cuộc chiến phe nhóm. Nước sông không phạm nước giếng nên Vũ bị “phản đòn” là điều hiển nhiên. Ngay chính bản thân Vũ cũng không thể ngờ các bí mật nhà nước đã được đưa ra từ nguồn nào. Vũ cũng không phải là người nông nổi đem tung các loại tài liệu đó lên mạng để được nổi tiếng.
Vũ thừa hiểu một tổ công tác đặc biệt đã lên đường tìm mình. Các đầu mối ở khu vực biên giới đều nhận được chỉ thị rà soát gắt gao. Lực lượng ngoại biên nơi hải ngoại nhiều đồng nghiệp đang muốn lập công nếu phát hiện ra nơi ở của Vũ. Cuộc sống của Vũ và gia đình bị xáo trộn.
Có thể trong lúc này, ở một nơi nào đó với cặp tài liệu “ Tuyệt mật ” mang theo, Vũ cần nhanh chóng định cho mình một lộ trình chắc chắn, an toàn dựa trên nền pháp lý quốc tế với lợi thế là những tập dữ liệu quan trọng đang nắm trong tay.
(Bài viết theo quan điểm riêng của Sĩ quan TC5, người trong nghành với Vũ ´nhôm´ gửi đến)
Trung tá Hải, Ngoại tuyến EU.V
Thời Báo/ttx.vanganh.org

BỘ CÔNG AN YÊU CẦU PHONG TỎA TÀI SẢN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ÔNG VŨ 'NHÔM'

LÂM HÀN/ DV/ BVB 27-12-2017

Nhằm phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước”, theo yêu cầu của Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an), UBND TP.Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo yêu cầu dừng tất cả các giao dịch, chuyển đổi sở hữu tài sản của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm".
Theo đó, ngày 26.12, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã có công văn chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở TNMT, các Văn phòng công chứng, các ngân hàng tổ chức tín dụng... tạm dừng tất cả các giao dịch, chuyển đổi chủ sở hữu tài sản trên địa bàn TP.Đà Nẵng có tên Phan Văn Anh Vũ, (thường gọi Vũ “nhôm”, SN 2/11/1975, có CMND số 201243660 cấp ngày 11/8/2009 và CMTND số 201293660 cấp ngày 31/01/2000).
Bên cạnh tạm dừng tất các giao dịch, chuyển đổi tài sản liên quan đến Vũ “nhôm”, Bộ Công an cũng yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng tạm dừng tất cả các giao dịch, chuyển đổi tài sản liên quan đến 3 cá nhân khác gồm Lê Văn Sáu (SN 05/11/1975, số CMTND 201700179), Trần Đại Vũ (SN 19/05/1975, CMTND số 201700779) và Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 03/04/1978, CMTND số 201410933).
Bên cạnh việc tạm dừng giao dịch, chuyển đổi, UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu giám đốc Sở TNMT, Sử Xây dựng, Sở Tư pháp kiểm tra, rà soát, xác định các tài sản là bất động sản trên địa bàn TP.Đà Nẵng liên quan đến 4 cá nhân nêu trên.
Lý do để UBND TP.Đà Nẵng thực hiện việc tạm dừng nêu trên là để phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” xảy ra tại Đà Nẵng và 1 số tỉnh khác theo yêu cầu của Cơ quan Anh ninh điều tra, Bộ Công an.
Trước đó như Dân Việt đã thông tin, vào ngày 22/12, Cơ quan Anh ninh điều Tra, Bộ Công an đã có quyết định QĐ 47/ANĐT-P5 khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ vì có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”, phạm vào Điều 263 BLHS... Ngay sau khi công bố lệnh bắt, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cũng công bố Quyết định truy nã số 222/ANĐT do Thiếu tướng Lý Anh Dũng, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ký ngày 21/12 về việc truy nã Phan Văn Anh Vũ sau khi xác định bị can không có mặt tại nơi cư trú ở số 82 Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) và không biết bị can đang ở đâu.
Lam Hàn/(Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét