Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

20171209. BÌNH LUẬN VỀ VỤ BẮT VÀ TRUY TỐ ÔNG ĐINH LA THĂNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

VNN 9-12-2017
Đinh La Thăng,ông Đinh La Thăng,khởi tố ông Đinh La Thăng,bắt tạm giam ông Đinh La Thăng,PVN,Oceanbank,Tập đoàn dầu khí
Lực lượng chức năng khám xét nhà ông Đinh La Thăng tại khu đô thị Sudico (đường Phạm Hùng, Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm), tối 8/12. Ảnh: TTXVN

Thông tin ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, cho thôi chức ĐBQH và bị khởi tố, bắt tạm giam ngày hôm qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các cán bộ lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, đã bày tỏ hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ quyết định công minh của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời khẳng định niềm tin vào công lý của chế độ ta.

Thật ra không phải bây giờ, mà trước đó Đảng ta đã từng kỷ luật 3 cán bộ là Ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng, một cá nhân từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố, bắt tạm giam. 
Việc ông Thăng bị khởi tố hình sự thêm một lần chứng minh, khẳng định ý chí quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, mang lại niềm tin cho nhân dân.
Kể từ sau Đại hội Đảng 12 (tháng 1/2016) đến nay, Đảng ta đã kỷ luật không dưới 20 cán bộ cao cấp từ mức khiển trách trở lên. Đó là những cán bộ lãnh đạo đương chức ở các địa phương: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Hậu Giang và cán bộ lãnh đạo các bộ: Công thương, Nội vụ và lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam.
Không những vậy, một số cán bộ cấp cao nghỉ hưu cũng bị xử lý kỷ luật do những sai phạm trong thời gian đương chức như nguyên lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hậu Giang, Bình Định, Gia Lai, Hải Phòng và nguyên lãnh đạo: Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công thương, Bộ TN&MT, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ngoài ra, hàng loạt cán bộ đương chức hay từng giữ chức vụ chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc của một số tập đoàn kinh tế lớn cũng bị xử lý kỷ luật, có người đã bị khởi tố hình sự.
Từ những việc nêu trên, có thể khẳng định rằng, những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đang được tiến hành khẩn trương, quyết liệt, với lộ trình, bước đi thích hợp và cách làm bài bản, thận trọng.
Từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Đảng ta trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai trên diện rộng và có trọng tâm, trọng điểm, bước đầu thu được những kết quả rất quan trọng. Nhiều vụ án lớn về kinh tế, ngân hàng tưởng như bị lãng quên, nhưng đã được điều tra, khởi tố và xét xử công khai, công bằng, khách quan, được dư luận ghi nhận.
Một trong những điểm đáng nói nhất trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng lần này là chỉ đạo không có vùng cấm, không bị bất cứ sức ép và sự can thiệp nào. Điều đó càng chứng tỏ tinh thần “thép” và bản lĩnh vững vàng của Đảng ta trong thực hiện nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm như phòng, chống tham nhũng.
Điều đáng nói hơn, có ý nghĩa hơn là mỗi bước chuyển biến trong phòng, chống “quốc nạn” tham nhũng là một lần nhân lên niềm tin trong nhân dân đối với Đảng ta và chế độ ta. Cách đây 23 năm, tại hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa 7 (tháng 1/1994), Đảng ta đã nhận định, tham nhũng là một trong bốn nguy cơ liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do vậy, khi “vòi bạch tuộc” tham nhũng dần bị cắt bỏ, những “ung nhọt” làm mọt ruỗng bộ máy Đảng, Nhà nước cũng sẽ mất đi và “cơ thể” của Đảng, Nhà nước sẽ trở nên khỏe khoắn, lành mạnh hơn. 
Có công thì thưởng, có tội thì phạt. Đó là phương châm nhất quán trong chính sách khen thưởng, kỷ luật của Đảng và Nhà nước. “Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”. Đó là khoản đầu tiên về nguyên tắc xử lý kỷ luật đã được Bộ Chính trị nêu ra tại “Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” vừa mới ban hành. Nguyên tắc xử lý kỷ luật này không chỉ là lời cảnh tỉnh, cảnh báo đối với những đảng viên có biểu hiện “nhúng chàm” phải sớm tự giác gột rửa, “cải tà quy chính” để tránh rơi vào vòng lao lý; mà còn khẳng định Đảng ta tiếp tục đề cao kỷ cương, tăng cường kỷ luật, siết chặt đội ngũ và sẽ không tha thứ cho bất cứ đảng viên nào cố tình sai phạm, nhất là sa ngã vào con đường thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, gây tác động tiêu cực đến công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. 
Là “con nòi” của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, trong tiến trình lịch sử hơn 87 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, mỗi quyết định sáng suốt, kịp thời của Đảng đều có tác động tích cực đến niềm tin của nhân dân. Từ niềm tin đó, sức mạnh của nhân dân sẽ đủ sức “dời non lấp biển”, sát cánh, đồng lòng với Đảng trên con đường hướng tới những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp mà Đảng đã đề ra. Bằng việc kiên quyết “nói không” với tham nhũng; xử lý kịp thời, thích đáng đối với tất cả các trường hợp cán bộ các cấp sai phạm, Đảng ta đã và đang thể hiện tinh thần của “một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” như Bác Hồ mong muốn.
Qua sự việc này, chúng ta cũng cần bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá khách quan đại đa số cán bộ, đảng viên ta nói chung, đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng, vẫn hăng say miệt mài lao động, đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những việc làm vì dân, vì nước đó vẫn là dòng chủ lưu xuyên suốt trong đời sống xã hội, là ánh sáng soi đường, xua tan hành vi mờ ám, khuất tất của những "con sâu làm rầu nồi canh". Đó cũng là cơ sở để chúng ta nêu cao và phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.

BẮT ÔNG ĐINH LA THĂNG LÀ ĐIỀU TẤT YẾU !

QUỐC TOẢN/ GDVN 9-12-2017

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Xử lý nghiêm minh sẽ có tính giáo dục cao
Sau khi ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị cho thôi Đại biểu Quốc hội, đình chỉ sinh hoạt Đảng; bị khởi tố, bắt giam, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào tối 8/12, Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đây là điều tất yếu, không có gì bất ngờ.
"Với những vi phạm nghiêm trọng có liên quan tới trách nhiệm quản lý, gây thất thoát về kinh tế của ông Đinh La Thăng thì việc khởi tố, bắt tạm giam vị này là chuyện tất yếu. Tôi không bất ngờ khi tiếp nhận thông tin này", ông Thuận chia sẻ.
Liên quan tới trách nhiệm của ông Đinh La Thăng, trước đó, một số chuyên gia kinh tế cũng đánh giá rằng, thời kỳ ông này đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải đã để xảy ra bất cập ở nhiều dự án BOT giao thông, cho đến nay vẫn đang phải mất nhiều thời gian và công sức để xử lý.
Về việc này, theo Luật sư Trần Quốc Thuận nhìn nhận, nếu tiến hành kiểm tra, thì các dự án BOT có thể là một đại án tiếp theo mà ở đó có những dấu không minh bạch liên quan tới trách nhiệm của ông Đinh La Thăng.
"Nhiều dự án BOT hầu như triển khai trong vòng khép kín, có nhiều uẩn khúc, gây bức xúc dư luận.
Muốn làm tới nơi tới chốn thì chúng ta nên mời kiểm toán quốc tế vào làm việc sẽ khách quan hơn", ông Thuận nói.
Trong khi đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 nhận định, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước trong việc chống tham nhũng.
"Tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ráo riết với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ, sự việc sẽ được xử lý một cách nghiêm minh, hợp lòng dân, mang tính răn đe, giáo dục cao", Tướng Thước nhận định.
Nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cũng cho rằng, việc xử lý ông Đinh La Thăng là nền tảng rất quan trọng để Đảng ta tiếp tục xử lý những cán bộ cấp cao khác nếu phát hiện vi phạm. 
"Trên tinh thần và quan điểm chỉ đạo của Đảng, tôi tin rằng, chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh chống vi phạm pháp, đẩy lùi sự suy thoái, tư tưởng, đạo đức của cán bộ", Tướng Thước nhận định.
Công ra công, tội ra tội 
Sâu chuỗi tất cả sự việc liên quan tới trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trước sự thua lỗ, thất thoát tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thì việc xử lý vi phạm của cán bộ này hoàn toàn đúng pháp luật.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra, trong đó có trách nhiệm của ông Đinh La Thăng như sau: "Góp vốn đầu tư vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn.
Nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, tiềm ẩn rủi ro khó thu hồi vốn đầu tư với tổng số tiền rất lớn.
Một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy PVN và các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và các cá nhân liên quan".

Trong thời gian ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, nhiều dự án được triển khai đã lỗ nặng, gây hậu quả vô cùng lớn đối với đất nước, không biết đến khi nào mới có thể khắc phục được.
Nên nhớ rằng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là đơn vị thuộc sở hữu của Nhà nước. Hay cách khác, Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ tại đơn vị này.
Một khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không trả được nợ thì ngoài chuyện vốn nhà nước bị thất thoát, gánh nặng sẽ dồn lên Chính phủ.
Minh chứng rõ nhất là trong suốt một thời gian dài Chính phủ đã phải chỉ đạo quyết liệt để xử lý một số dự án thua lỗ thuộc các đơn vị thành viên của PVN.
Vì vậy, việc khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng và nhiều lãnh đạo khác tại PVN sẽ là bài học cho nhiều cán bộ khác, trước mỗi hành động, việc làm đều phải trả lời được câu hỏi: Việc làm đó có thực sự vì dân không, hay chỉ để phục vụ mục đích cho vài cá nhân? 
DỰ ÁN BOT ĐƯỜNG BỘ: SIÊU LỢI NHUẬN, Ổ THAM NHŨNG
CẢNH ĐIỀN/ DL/ BVN 8-12-2017
 Khi bàn về vấn đề BOT ở Việt Nam, trước tiên chúng ta phải hiểu BOT là gì. Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới: “Phương thức đầu tư BOT là hình thức nhà đầu tư tiến hành đầu tư xây dựng công trình, sau khi hoàn thành sẽ tiến hành kinh doanh khai thác trong một thời gian nhất định đảm bảo thu hồi được vốn và có lợi nhuận hợp lý sau đó chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước”. BOT là viết tắt của Build (xây dựng) - Operate- (vận hành) - Transfer (chuyển giao). Khái niệm này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1984 do Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Turgut Ozal đưa ra tại hội nghị về công cuộc tư nhân hóa các dự án của khu vực công.
Kể từ khi ra đời cho đến nay, mô hình BOT đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công như Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Nhật... nhưng bên cạnh đó cũng không ít nước thất bại như Mexico, Solovia. Vậy tại sao một mô hình có nhiều ưu điểm như BOT có nước áp dụng thành công, có nước thất bại. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có một nguyên nhân quan trọng nhất là sự quản lý yếu kém của nhà nước. Tại Việt Nam, BOT xuất hiện cách đây khoảng 10 năm nhưng đã sớm bộc lộ những bất cập, sai phạm. Chính sự thiếu minh bạch, chất lượng, mức phí là nguồn cơn gây nên những ồn ào, tranh cãi và xung đột trong thời gian vừa qua. Hầu hết các hợp đồng BOT giao thông hiện nay đều có điều khoản bí mật ràng buộc các bên không được tiết lộ thông tin về tài chính, pháp lý hay kỹ thuật của dự án.
Đầu tiên là vấn đề thầu, kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 6/9 cho biết từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã được thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu. 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Và hơn nữa, hầu hết các dự án BOT điều thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn, khoảng cách trạm gần nhau, đặt sai vị trí, giá thu phí cao. BOT Cai Lậy - Tiền Giang là một ví dụ điển hình.
Việc chỉ định thầu nói chung và chỉ định thầu BOT nói riêng là mảnh đất màu mỡ nảy sinh những tiêu cực. Một doanh nghiệp có năng lực, trình độ, tiềm lực tài chính, làm ăn chân chính không dễ gì được chỉ định những gói thầu BOT mà thay vào đó là các doanh nghiệp sân sau của các thế lực chính trị hoặc một quan chức (lớn) nào đó chống lưng.
Báo Thanh Niên số ra ngày 18/8/2017, trong bài viết “ăn chặn tiền dân” có dẫn lời một chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn tư nhân đa ngành uy tín, từng làm khá nhiều dự án BOT giao thông như sau: “không còn hứng thú tham gia làm bất cứ dự án BOT nào nữa kể từ năm 2013, sau khi được “vỗ vai” phải nhường một dự án BOT đã hoàn thành những thủ tục cuối cùng, cho một doanh nghiệp “sắp chết”, vốn đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao”.
Lãnh đạo cấp cao ở đây là ai? Không khó để tìm ra, thường thì thông tin liên quan đến lãnh đạo cao cấp thuộc vào bí mật nên không dễ công bố. Nhưng một dẫn chứng khác cụ thể hơn, đó là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO - Đồng Nai (chủ đầu tư các dự án BOT tỉnh lộ 16, BOT Quốc lộ 91, 91B, BOT Quốc lộ 1 tuyến tránh TP. Biên Hoà, BOT Nút giao 319 và Cao tốc TP. HCM - Long Thành) có cổ phần của con gái Thượng tá Võ Đình Thường (Phó phòng CSGT Đồng Nai) và đặc biệt Cường Thuận IDICO còn có một thành viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Thành - Trung tướng, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Và mới đây có thông tin rằng ông chủ thực sự của BOT Cai Lậy - Tiền Giang là con của một uỷ viên Bộ Chính trị đã nghỉ hưu.
Những sai phạm trong việc đấu thầu, đầu tư, thu phí mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra dù chưa phản ánh đúng thức tế nhưng đủ để cho chúng ta thấy, BOT là siêu lợi nhuận. Có rất nhiều cách để kiếm tiền từ BOT như khai khống đầu tư so với thực tế, cải tạo đường cũ rồi đặt trạm thu phí, đặt trạm sai vị trí để tận thu, tăng phí, kéo dài thời gian hoàn vốn, không minh bạch doanh thu. Ví dụ như:
Năm 2016, Thanh tra Bộ Kế hoạch - Đầu tư phát hiện dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát và dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang đã khai tăng cả ngàn tỷ đồng. Cũng trong năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải thanh tra, kiến nghị giảm trừ trên 2.000 tỷ đồng so với hợp đồng BOT. Tại TP. HCM mới đây Thanh tra Chính phủ kết luận 6 dự án BOT sai phạm hơn 2.000 tỷ đồng.
Dựa án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chủ yếu thực hiện các hạng mục trải thảm lại mặt đường, sơn kẻ vạch đường, làm lại hàng rào lan can và đặt biển báo nhưng lại áp dụng mức thu phí tương đương đường cao tốc. Báo báo của Công ty Cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ doanh thu thu phí chỉ đạt 41 tỉ đồng/tháng (bình quân là gần 1,4 tỉ đồng/ngày) nhưng thực tế, theo quan sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là hơn 50 tỉ đồng/tháng (bình quân đạt trên 1,8 tỉ đồng/ngày).
Dự án BOT Cai Lậy - Tiền Giang làm đường tránh qua thị xã Cai Lậy nhưng lại đặt trạm thu phí trên Quốc lộ.
Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh Tp. Thanh Hóa - Thanh Hoá (Trạm Tào Xuyên) thời gian thu phí hoàn vốn là 27 năm 8 tháng, nhưng chỉ 7 năm 2 tháng đã hoàn vốn và có lãi (sớm hơn dự kiến 20 năm).
Còn một vấn đề nữa của BOT là chất lượng. Câu hỏi đặt ra là, nếu sau khi nhà đầu tư hoàn phí và giao lại công trình cho Nhà nước quản lý nhưng công trình xuống cấp, hư hỏng thì sẽ thế nào? Thực tế là có nhiều đường BOT đang trong giai đoạn thu phí nhưng đã xuống cấp như dự án mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An), dự án BOT đường tránh TP Đồng Hới (Quảng Bình), dự án BOT Quốc lộ 18 đoạn qua thành phố Hạ Long - Uông Bí…
Tóm lại, có thể khẳng định, với điều kiện cơ sở hạ tầng như Việt Nam hiện nay, việc áp phương thức BOT là một chủ trương đúng. Nhưng sự thật là các dự án BOT đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông (cụ thể là đường bộ) đã bị lạm dụng, nói thẳng ra là biến tướng để làm giàu cho một nhóm lợi ích. Thành ra sai cả về về chủ trương, sai về luật pháp. Lợi ích nhóm trong các dự án BOT đường bộ là rõ ràng, và BOT đang trấn lột người dân (lời ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội). Liệu trong thời gian tới, Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ giải quyết thực trạng này như thế nào ? Chúng ta hãy cùng chờ xem.
C.Đ.

XÃ HỘI BẤN LOẠN , LÒNG DÂN KHÔNG YÊN

NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ viet-studies 8-12-2017
  1. Từ Formosa, Đồng Tâm đến BOT Cai Lậy
Nếu chịu khó đọc hết những bài báo, video clip tường thuật và phản ảnh việc các bác tài thể hiện sự phản đối việc thu phí ở trạm BOT ở Cai Lậy, Tiền Giang những ngày qua sẽ thấy xã hội và con người Việt Nam hôm này đang có sự phân hóa và chia rẽ rất sâu sắc. Chỉ mỗi chuyện thu phí trên một đoạn đường thôi nhưng mọi thứ lại lộn tùng phèo cả lên chẳng khác gì một trò hề. Và nếu xâu chuỗi thêm những vụ việc xảy ra gần đây nhất như Formosa hay Đồng Tâm sẽ thấy xã hội và đất nước hiện nay phải nói rằng, trên thực tế xã hội và con người Việt đang ở trong tình cảnh “bình yên giả tạo” vô cùng nguy hiểm. Nói cách khác, đây là những chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy sự khốn cùng và bấn loạn trong nhận thức lẫn hành xử của cả hai bên chính quyền và người dân hiện nay trước những mâu thuẫn, bất đồng và tranh chấp.
Trước hết, về phía chính quyền, như một thông lệ, mỗi khi xảy ra sự cố nào đó thì y như là những người có trách nhiệm cao nhất của đất nước lại ra rả nói về những “bài học kinh nghiệm” được “nghiêm túc” rút ra. Đặc biệt là sự cần thiết phải “đối thoại” giữa chính quyền với nhân dân để tìm sự đồng thuận. Thế nhưng, sau hai sự cố gần nhất là Formosa và Đồng Tâm, đến nay là trường hợp BOT Cai Lậy nhưng không hiểu sao chẳng có ai trong hệ thống chính quyền Nhà nước đứng ra tổ chức “đối thoại” nghiêm túc mọi vấn đề với các tài xế. Có người hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kịp thời ra quyết định không thu phí BOT Cai Lậy trong một tháng để ổn định tình hình tuy vậy, nếu phân tích kỹ sẽ thấy đây vẫn là một quyết định rất chậm trễ. Nên nhớ đây là lần phản đối thứ hai của các bác tài đối với BOT Cai Lậy, và đáng nói hơn lần này máu của người dân đã đổ (vụ một bác tài bị chém phải nhập viện ở Cần Thơ). Nói cách khác, ở phương diện xã hội và pháp luật đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng chứ hoàn toàn không phải chuyện đùa. Qua đây, một lần nữa cho thấy sự chậm chạp và lúng túng trong tư duy và nhận thức của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; chỉ giỏi nói miệng mà không làm nên người dân ngày một bất mãn và mất niềm tin.
Có thể nói, cho đến nay, nhìn bề ngoài về cơ bản liên quan đến sự cố ở Formosa và biến cố ở Đồng Tâm đều được chính quyền Hà Tĩnh và Hà Nội kiểm soát khá nghiêm ngặt và chặt chẽ. Riêng với biến cố ở Đồng Tâm, sự kiểm soát này là sự đánh đổi hình ảnh và uy tín của ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP của chính quyền Hà Nội. Bởi lẽ, sau khi quyết định “bẽ kèo” (liên quan đến tờ cam kết “có một không hai” mà ông đã thỏa thuận không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân ở Đồng Tâm) thì niềm tin của người dân Đồng Tâm dành cho cá nhân ông Chung đã hoàn toàn sụp đổ.
Và với trường hợp BOT Cai Lậy, phải chăng cũng đang có một kịch bản tương tự được tính toán và cần nhắc nhằm giải quyết những chuyện ồn ào trong những ngày qua? Trước hết có thể thấy đó là quyết định tạm dừng thu phí trong vòng 1 đến 2 tháng của người đứng đầu Chính phủ để rà soát và tổng kiểm tra; sau đó là sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ Công an (khi ra lệnh điều tra dấu hiệu kích động gây rối của các “đối tượng xấu”) đã ít nhiều cho thấy điều đó. Đây có thể xem như một màn “song kiếm hợp bích” vừa để xoa dịu, trấn an dư luận, ổn định tình hình trước mắt (đặc biệt các tài xế) nhưng đồng thời cũng sẵn sàng trấn áp để răn đe bất chấp cái nguồn cơn đưa đến sự phản đổi và phẫn nộ của người dân.
Từ thực tiễn về sự cố Formosa và biến cố ở Đồng Tâm cùng rất nhiều sự vụ trước đó nữa cho thấy, rất có thể chính quyền sẽ tiếp tục không chịu thua dân trong vụ này; hoặc nếu có thì cũng chỉ là thua trong tạm thời nhằm mục đích kéo dài thời gian để câu giờ mà thôi. Nếu những người dân Đồng Tâm bị khởi tố (dù tờ cam kết với giấy trắng mực đen in dấu điểm chỉ của ông Nguyễn Đức Chung vẫn còn nguyên) thì sẽ không có gì lạ nếu như vài ngày tới một vài bác tài nào đó bị triệu tập, điều tra và truy cứu. Mà không phải trước đó đã có hai bác tài bị bắt về đồn, một người bị xử phạt và giam bằng (theo các luật sư là sai luật) đó sao? Vậy nên, các bác tài cũng đừng vội mừng trước khi một kịch bản nào đó được chọn sau hơn 1 tháng nữa trừ khi các bác tài bỏ nghề hoặc không còn ngang qua địa phận Cai Lậy nữa.
Tuy vậy, như đã nói ở trên, việc kiểm soát người dân của chính quyền trong các sự vụ trên chỉ là “bề ngoài”, còn thực chất “bên trong” người dân đang thực sự nghĩ gì, muốn gì thì chính quyền khó mà đoán định và biết chắc được. Có thể thấy, vì miếng cơm manh áo, người dân hôm nay đã không còn rụt rè trước những bất công như trước đây nữa. Sự đối phó của họ cũng ngày một tinh vi và “sáng tạo” hơn. Đáng sợ nhất là có không ít người vì cuộc sống bức bách đã không tự kìm chế nên đã bất chấp tất cả thậm chí cả mạng sống của mình…Thế nên, dù thế nào thì cũng chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu như chính quyền không thay đổi và điều chỉnh lại nhận thức và hành vi của mình.
Một chính quyền vì dân thì không thể và không được tùy tiện quy chụp, kết tội người dân bởi sự phẫn nộ của họ vốn có nguồn cơn tự sự tắc trách và vô cảm của mình. Hay một “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” không thể là một Chính phủ chỉ biết kéo dài thời gian trong khi bản chất của sự việc đã rõ hơn ban ngày.
“Tức nước vỡ bờ”, “con giun xéo lắm cùng oằn” đó là quy luật và chân lý muôn thuở. Với những gì đã và đang xảy ra nếu chính quyền cứ tiếp tục lặp đi lặp lại cách hành xử, ứng xử với người dân như hiện nay thì e rằng câu nói “Lật thuyền mới biết sức dân như nước” (“Phúc chu thủy tín dân do thủy”)  của đại thi hào Nguyễn Trãi năm xưa rất có thể sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa?
  1. Từ vấn đề “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” đến chuyện cải tiến chữ viết
Câu chuyện cải tiến chữ viết tiếng Việt gây ồn ào những ngày qua cũng là một bằng chứng cho thấy người Việt hôm nay đang không làm chủ được bản thân nên mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy phô diễn tầm hiểu biết “bách khoa toàn thư” của mình trong thời đại công nghệ số. Nếu như ở các vụ Formosa, Đồng Tâm hay BOT Cai Lậy, sự bấn loạn và khốn cùng trong tư duy và nhận thức của người Việt có nguyên nhân từ sự bất bình đẳng về kinh tế, về quyền lợi vật chất giữa một bên là các nhóm lợi ích thân hữu với một bên là đại bộ phận nhân dân lao động thì sự bấn loạn và khốn cùng trong vụ cải tiến chữ viết Tiếng Việt lại cho thấy nỗi mặc cảm và ảo tưởng của người Việt trong xu thế hội nhập.
Trước hết có thể thấy, nguyên nhân cụ thể và trực tiếp nhất tạo ra cuộc tranh cãi này là do những cá nhân (đầu tiên là các anh chị phóng viên nhà báo phụ trách mảng văn hóa, sau đó là một số “trí thức” trong các lĩnh vực không liên quan) tuy không có chuyên môn về ngôn ngữ học nhưng lại vội vàng và nhất là bất chấp những bài viết của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp lẫn các chuyên gia văn hóa; chưa chi đã tung hô và tán dương ý tưởng của PGS Bùi Hiền; cho đây là những ý tưởng mới rồi tự cho mình cái quyền đứng ra làm “trọng tài” phân xử, lên tiếng phê phán những người không ủng hộ PGS Bùi Hiền bằng những lời lẽ không những ngụy biện mà còn rất trịch thượng…
Thậm chí, nhiều người cho đến nay vẫn cứ “chấp mê bất ngộ” dù rằng các nhà ngôn ngữ học với hiểu biết chuyên sâu đã có nhiều bài phân tích nhằm chỉ ra những điểm bất hợp lý và không có gì mới trong công trình của PGS Bùi Hiền một cách công phu và nghiêm túc. Đáng nói hơn, có người còn đánh tráo khái niệm và suy diễn vô căn cứ khi lái vấn đề sang chuyện “tự do học thuật” hay chuyện tuổi tác của PGS Bùi Hiền để bào chữa và bênh vực cho ông. Trong khi đó, nhìn một cách tổng thể cho đến nay không một chuyên gia ngôn ngữ hay văn hóa nào (trên báo chính thống lẫn mạng xã hội) “ném đá” cá nhân PGS Bùi Hiền. Cũng chẳng có ai cấm không cho PGS Bùi Hiền tiếp tục nghiên cứu. Có chăng những người “ném đá” là những độc giả bình dân đã bình luận, bình phẩm dưới dạng các comment mà thôi. Thế nên, cuối cùng chính những kẻ luôn miệng cho rằng những người phản đối công trình của PGS Bùi Hiền là không có “văn hóa tranh luận”, “văn hóa phản biện” lại vi phạm tất cả những điều ấy!
Thực ra, người Việt, xét về tầm vóc và tư tưởng nói cho cùng là một dân tộc chỉ có thể “dụng thuyết” chứ không có khả năng “lập thuyết”. Ngoài ra, do bị ảnh hưởng và chi phối nặng nề bởi những mặt tiêu cực trong nền “văn hóa tiểu nông” rất lâu đời (vấn đề này đã có nhiều người bàn) đặc biệt là tính chất “ăn xổi ở thì”, tầm nhìn ngắn hạn, chỉ thấy cái lợi trước mắt… vì vậy mà cho đến nay người Việt vẫn chưa có những phát minh, phát kiến vĩ đại nào để đóng góp cho nhân loại (ngoại trừ một phát kiến duy nhất của GS Ngô Bảo Châu được bạn bè quốc tế công nhận vào năm 2010).
Tuy vậy, ở phương diện ngược lại, phải thừa nhận người Việt cũng có một thế mạnh là rất nhạy bén trong vấn đề tiếp thu và thích ứng khá nhanh với những cái mới chứ không phải là dân tộc hay “kỳ thị”, “bảo thủ” trước cái mới như một số người trong khi bênh vực ý tưởng của ông Bùi Hiền suy diễn và khẳng định. (Chê bai một vấn đề nào đó không có nghĩa là kỳ thị cái mới).
Nhìn lại lịch sử sẽ thấy, nếu người Việt là dân tộc kỳ thị cái mới thì chắc chắn sẽ không có chữ quốc ngữ với mẫu tự latinh như hiện nay; nếu kỳ thị cái mới chắc chắn các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… sẽ không phải vất vả vận động, thành lập các phong trào như Duy Tân, Đông Du…để phổ biến, tuyên truyền tri thức mới cho các tầng lớp nhân dân với mục đích lớn lao là khai dân trí, chấn dân khí... trong thời kỳ thuộc Pháp. Tương tự vậy, trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, những năm 30 của thế kỷ trước, nếu kỳ thị cái mới hẳn hôm nay chúng sẽ không có “Thơ mới”; không có sân khấu, không có cải lương, không có điệu nhạc bolero (cũng đang gây tranh cãi)… Hay nói đâu xa, nếu kỳ thị cái mới hẳn là các thế hệ trẻ Việt hôm nay sẽ không bắt chước và thực hành theo các thần tượng của họ là các tài tử, minh tinh nổi tiếng từ Âu sang Á… 
Dẫu vậy, nếu phải nói về sự bảo thủ gây ra sự trì trệ cho đất nước thì cũng phải khẳng định đây là vấn đề có thật. Nhưng sự trì trệ này trên thực tế thuộc về một nhóm người đang nắm trọn quyền lãnh đạo và điều hành đất nước mà thôi. Vì đã mấy chục năm qua dưới sự lãnh đạo của họ đất nước đã không thể cất cánh như kỳ vọng và mong muốn nhưng họ vẫn kiên quyết không thay đổi. Điều này thể hiện rõ nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và giáo dục. Cuộc tranh cãi liên quan đến đề xuất của PGS Bùi Hiền ở phương diện nào đó cũng có nguyên nhân từ chỗ này mà ra.
Cụ thể là, do một thời gian dài bị nhồi nhét bởi những tri thức, kiến thức cũ kỹ, lạc hậu; lại thêm không được phép nghĩ khác, nói khác nên đến khi mở cửa và hội nhập vơi sbạn bè quốc tế tất cả dân chúng gần như đều cũng bị choáng ngợp và bỡ ngỡ. Giờ đây lại thêm sự bùng nổ của công nghệ truyền thông với những tiện ích tối đa trên không gian mạng nên mạnh ai nấy thể hiện bản thân mình. Nói cách khác, sự phản ứng lung tung (cả chê lẫn khen) theo kiểu “tay nhanh hơn não” của không ít người Việt trên mạng xã hội thời gian gần đây là do sự ức chế về mặt tâm lý (bởi trong một thời gian dài họ không được tự do công khai trình bày quan điểm cá nhân trước cộng đồng xã hội). Không gian mạng giờ đây chính là môi trường thuận lợi (nhưng cũng đầy sự cám dỗ) để người Việt tự do “đi tìm cái tôi đã mất của mình” trong mấy chục năm qua!  
Một vấn đề nữa, do sự bảo thủ của những người lãnh đạo, cầm quyền nên những cá nhân thực sự có tài năng và tư tưởng tiến bộ gần như hiếm có cơ hội được đứng trong hàng ngũ của bộ máy điều hành đất nước. Hậu quả là, xã hội và đất nước giờ đây, những kẻ được giao trọng trách liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục nói chung có khi lại là những kẻ vô giáo dục và vô văn hóa nhất. Văn hóa và giáo dục của một dân tộc, một đất nước là vấn đề cực kỳ quan trọng nhưng lại được định hướng, dẫn dắt bởi những kẻ như thế (Những kẻ mà trên thực tế chỉ có mỗi năng lực là tìm cách vẻ vời ra càng nhiều dự án càng tốt để qua đó tham nhũng, kiếm chác nhưng miệng lúc nào cũng nhân danh cải cách và đổi mới) thì hỏi sao không loạn xì ngầu cả lên?     
Nói tóm lại, ở góc nhìn văn hóa, qua cuộc tranh cãi này một lần nữa cho người Việt hôm nay đang thật sự bị bấn loạn trong tư duy và nhận thức. Hay nói như một số người là đang rơi vào vòng xoáy của sự khủng hoảng. Nguyên nhân sâu xa của chuyện này, ngoài vấn đề thuộc về “dân tộc tính” thì có thể nói đây chính là hệ lụy của một nền giáo dục “nhồi sọ” và giáo điều; còn về phương diện văn hóa là do sự thiếu tôn trọng chính kiến của con người cá nhân trong một thời gian dài trước khi có sự bùng nổ của công nghệ thông tin và không gian mạng.
  1. Thay lời kết
Ngày 13/11/2016, khi đến tham dự ngày Đại đoàn kết dân tộc tại xã Phật Tích tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng có phát biểu như sau:
"Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình. Đó không chỉ là sự thay đổi của Tiên Du, Bắc Ninh mà nhìn rộng ra là sự thay đổi của cả nước" (…) "Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?”
Có thể nói, với vai trò và vị trí tối cao của mình, suy cho cùng phát biểu của ông Trọng âu cũng là lẽ đương nhiên và rất bình thường. Vì trách nhiệm của ông là phải nói như thế, không thể nói khác. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trong xã hội hiện nay, nhìn sâu vào bản chất của hàng loạt vấn đề, học theo cách nói của ông Tổng bí thư, tôi buộc phải nói khác ông rằng:
“Nhìn một cách tổng thể, xã hội ta có bao giờ bấn loạn, đồng bao ta có bao không yên như thế này không”?
CT, 8/12/2017
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 8-12-17

VẤN NẠN TĂNG BIÊN CHẾ VÀ BOT: CÙNG MỘT NGUYÊN NHÂN

NGUYỄN MINH NHỊ/ TS 8-12-2017

Biên chế Nhà nước và các BOT Giao thông là hai chủ đề nổi bật trên truyền thông mấy tuần vừa qua. Vấn đề tinh giản biên chế hành chính được nêu lên tại Nghị quyết 16 HĐBT ngày 8-2-1982, nhưng đến nay biên chế ngày càng tăng. Vấn đề các BOT giao thông tuy mới rộ nở trong thời gian 2011 - 2015, nhưng sự “nghiêm trọng” của nó cũng không thua vấn đề “giảm biên chế hành chính”, vì nó cũng chạm trực tiếp đến quyền lợi của dân.


      Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

Sau Nghị quyết 16 HĐBT-1982 “Về việc tinh giản biên chế hành chính”; hằng năm, trong các Nghị quyết, Văn kiện của Đảng và Chính phủ đều đặt ra vấn đề này càng ngày càng quyết liệt vì tính quan trọng và cấp bách của nó. Nhưng tại Hội nghị cán bộ trực tuyến toàn quốc sáng ngày 29-11-2017, người đứng đầu ngành Tổ chức Trung ương Đảng giới thiệu tình hình và công bố những số liệu rúng động: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW- 2015, theo yêu cầu phải giảm mỗi năm 70.000 người, hai năm phải giảm 140.000 đến 150.000 người, nhưng thực tế không giảm được người nào mà lại tăng 96.000 người. Hiện có gần 8 triệu người đang hưởng lương ngân sách, chiếm gần 9% dân số. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Hàng năm trung bình chi thường xuyên của Việt Nam ở mức 68-69% tổng chi ngân sách, có lúc lên đến 72%. Riêng năm 2017 này Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt ngân sách, tiết kiệm hơn cũng chiếm 65%. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy. Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu, tức 160 người nuôi 1 công chức. Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số. Rõ ràng, vấn đề tổ chức-bộ máy- nhân sự-biên chế của cả hệ thống chính trị xưa nay là cực lớn, tư tưởng đơn giản, biện pháp hời hợt là không giảm được mà chính nó sẽ quay lại “giảm” người đi giảm nó! Ba mươi lăm năm chỉ có tăng tổ chức, tăng biên chế, tăng người có chức vụ. có “cấp hàm” – hàm Vụ trưởng, hàm Vụ phó (?), tăng chi cho con người của bộ máy v.v... dẫn đến thiếu tiền để chi đầu tư  xây dựng và trả nợ!

Bộ máy Nhà nước tồn tại, mạnh lên là nhờ tính khoa học và tính cách mạng, trong khi tính tự phát ngày càng chen vào lấn át tính khoa học; và trong hàng ngủ xuất hiện ngày càng nhiều những người thờ ơ - vô cảm, tham nhũng... Và chính những vấn đề tổ chức-cán bộ-biên chế như vậy là một trong những nguyên nhân của tình hình các BOT hiện nay. Theo thống kê, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Giao thông vận tải đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Cái gọi là “bất cập” có lẽ bắt đầu từ việc đầu tư rầm rộ này. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật hiện nay cả nước có 88 trạm thu phí trên tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm thu phí, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm. Có 13 hệ thống thu phí trên các tuyến đường cao tốc, trong đó Bộ GTVT quản lý 12 hệ thống; UBND các tỉnh quản lý một hệ thống. Trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1, có 20 trạm cách nhau khoảng dưới 60km. Thứ trưởng cho rằng, mức thu phí và lộ trình tăng phí của một số đơn vị là điều quan tâm nhất hiện nay (?).

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã dẫn số liệu khảo sát của các tổ chức nghiên cứu kinh tế cho thấy, chi phí logictic (vận chuyển) ở Việt Nam hiện nay là trên 21%, thuộc loại cao nhất trên thế giới. Và chi phí này chủ yếu bị đẩy cao do phí BOT tăng cao trong mấy năm gần đây. Theo kết quả thanh tra, từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện đều không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu mà 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực dẫn đến nhiều bất cập, sai sót. Trong 19 dự án đường bộ, có 13 dự án được giảm thời gian thu phí tổng cộng là 92 năm 3 tháng – tức là tăng thời gian thu quá lố mức “được phép” -  thành ra ăn gian. Rõ ràng các BOT giao thông trở thành những “cục máu đông” gây ách tắc cho nền kinh tế, làm mất lòng dân “giữa đường”, “giữa ban ngày” ai cũng thấy. Các BOT giao thông, sự tù mù bắt đầu từ năm 2011, điển hình là BOT Cai Lậy – Tiền Giang. Theo tài liệu có được, vào ngày 28/10/2013, thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, đã gấp gáp ký cùng lúc ba công văn hỏa tốc gửi HĐND, UBND và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về việc "thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng quốc lộ đoạn tránh qua thị trấn Cai Lậy  theo hình thức BOT" và ngày 19/12/2013 ông lại ký quyết định phê duyệt dự án. Con đường đi từ Bộ về Tỉnh và ngược lại của một dự án ngàn tỷ, có tuổi thọ hơn nửa thế kỷ, trong “cơ chế quan liêu” còn nặng như hiện nay mà cách nhau chỉ 1 tháng 21 ngày, là quá ngắn về thời gian để bàn bạc dân chủ công khai với dân về tính toán khoa học và dự toán thu chi của dự án? Nhưng cũng không ai biết dự án hạch toán ra sao mà là “bí mật”. Ngày 17/8/17, tại cuộc họp báo về BOT giao thông tại Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu: "Trong luật và những văn bản dưới luật đều không có quy định nào yêu cầu công khai hợp đồng BOT. Ngoài ra các hợp đồng BOT đều không đóng dấu mật nhưng không cần thiết phải công khai tất cả". Vậy là, bất cứ có sự cố nào xảy ra, nhân viên nhà nước bao giờ cũng tự cho là làm đúng luật!

Bí mật là chuyện đang bàn tính làm, đang làm; nhưng khi đã thực hiện thì phải công khai cho dân biết để giám sát. Đó là thông lệ văn minh, Nhà nước ta còn yêu cầu dân giám sát chính quyền, hoạt động của cán bộ nữa, nhưng cái gì quan trọng đụng chạm đến quyền dân, tiền dân (ngân sách) mà bí mật như có người tưởng thì dân giám sát cái gì? Những vấn nạn trong biên chế và BOT hiện nay có chung một nguyên nhân: Do thể chế hiện nay còn có nhiều bất cập rất cần sớm sửa đổi.


TỪ 6.700 CÂY XANH Ở HÀ NỘI ĐẾN BOT CAI LẬY: HÌNH ẢNH MỘT CHÍNH QUYỀN 'BA KHÔNG'

TÔ DI/ BVN 9-12-2017

clip_image002
Ảnh trái tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Việt Tường/Zing); Ảnh phải họp chính phủ về BOT Cai Lậy (VGP).
Trong mấy ngày qua, từ trong nhà ra ngoài ngõ, ai ai cũng bàn luận về mâu thuẫn giữa trạm thu phí và các tài xế ở BOT Cai Lậy. Hai năm trước đây, cả nước cũng đã từng hướng về một sự kiện khác, vụ chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội. Cả hai dự án nói trên đều liên quan đến tài sản công, và đều bị người dân phản đối. Nếu ở Cai Lậy là do vị trí đặt trạm thu phí bị cho là bất hợp lý, thì ở Hà Nội là bởi vì quyết định chặt 6.700 cây xanh “không cần hỏi ý dân”.
Dự án BOT Cai Lậy lập lại “đúng quy trình” những sai lầm mà chính quyền Hà Nội đã mắc phải vào hai năm trước.

Không công khai, minh bạch thông tin cho dân

Đa số người dân đều xem cả hai dự án BOT Cai Lậy và chặt cây xanh ở Hà Nội, là những công trình có liên quan trực tiếp đến đời sống của họ. Thế nhưng, chính quyền lại lặng lẽ chuẩn bị việc thi hành mà không thông báo trước, hay tham khảo ý kiến của dân.
Đề án chặt 6.700 cây xanh - tương đương với 1/4 tổng số cây xanh ở Hà Nội - được phê duyệt từ tháng 11/2013. Nhưng phải đến tháng 01/2015, khi hàng trăm cây xà cừ bị đốn hạ trên phố Nguyễn Trãi, thì việc chặt cây mới được người dân biết đến.
Còn trong dự án BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cho biết, Bộ đã hỏi và nhận được sự đồng thuận của địa phương về vị trí đặt trạm thu phí. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến này - theo báo Tuổi Trẻ - chỉ diễn ra trong vỏn vẹn có tám ngày (từ ngày 28/10 - 04/11/2013), đã tính cả ngày ông Nguyễn Văn Thể, khi còn là Thứ trưởng Bộ GTVT, gửi ba công văn hỏa tốc về UBND, HĐND và đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang.
Trong tám ngày đó, địa phương đã lấy ý kiến của các bên liên liên quan như thế nào? Quá trình đó có đảm bảo lợi ích của người dân, nhất là các tài xế - những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ vị trí đặt trạm thu phí - hay không?
Mặt khác, cho đến nay, hợp đồng giữa Bộ GTVT và chủ đầu tư BOT Cai Lậy vẫn chưa được công khai.
Vì sao những dự án liên quan đến tài sản công, sát sườn với lợi ích của nhân dân lại không công khai, minh bạch thông tin? Mà ngược lại, phải đợi tới lúc chúng xuất hiện chình ình trước mặt, thì người dân mới biết?

Không đối thoại với dân

Chính quyền chưa hề có cuộc đối thoại nào với người dân trong cả hai sự kiện này, mà chỉ đưa ra phương pháp giải quyết theo kiểu một chiều quen thuộc, “lắng nghe ý kiến nhân dân”.
Không có một kênh đối thoại chính thức nào được mở ra để tiếp thu ý kiến của dân.
Trong dự án chặt cây xanh ở Hà Nội, các nhóm xã hội dân sự vốn muốn được tiếp cận với các kênh tiếp dân sẵn có. Thế nhưng, vì chúng không hoạt động nên cũng không mang lại tác dụng gì cho họ.
Toàn bộ hệ thống đoàn thể, tuy mang bản chất là đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nhưng trong cả hai sự kiện này lại không hề hoạt động.
Theo báo cáo PAPI 2016, Hà Nội là một trong năm tỉnh/thành ở Việt Nam có chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân ở mức thấp nhất, 4.26/10 điểm. Báo cáo này cũng ghi nhận, là khôngcó tỉnh thành trong số 63 tỉnh thành được đánh giá đạt được 06 điểm trở lên đối với chỉ số giải trình nói trên.
Vì các kênh chính thức không hoạt động, nên các tài xế qua trạm BOT Cai Lậy phải tự cứu lấy mình. Họ phải dùng cách trả tiền lẻ để câu giờ và buộc trạm thu phí phải xả trạm nhằm thu hút sự quan tâm từ báo chí, cộng đồng mạng xã hội, để đưa ý kiến của mình đến chính quyền.
Nó cũng tương tự như hai năm về trước, khi các nhóm dân sự ở Hà Nội đã dùng mạng xã hội để thảo luận và tổ chức các chiến dịch cộng đồng trên Facebook, rồi sau đó xuống đường để bảo vệ cây xanh, v.v.
Thế nhưng, đến lúc người dân bị buộc phải sử dụng các kênh gián tiếp để tiếp cận, thì họ lại bị chính quyền cho là đã có “hành vi bất thường”. Nhiều người tham gia vào hai sự kiện này đã bị buộc phải làm việc với cơ quan an ninh.
Ngay khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định dừng hoạt động thu phí tại trạm BOT Cai Lậy vào tối ngày 04/12/2017, Bộ Công an đã chỉ đạo tỉnh Tiền Giang điều tra, xử lý người gây rối tại khu vực trạm thu phí.

clip_image004
Tài xế Trịnh Hồng Phương bị cảnh sát cơ động tạm giữ khi trả tiền lẻ tại trạm BOT Cai Lậy ngày 30/11/2017. Ảnh: Minh Anh/Zing.
Báo cáo nghiên cứu phong trào bảo vệ 6.700 cây xanh ở Hà Nộicó trích ý kiến của một admin trang 6.700 cây xanh trên Facebook như sau:
“Công an họ làm việc với tôi phải đến năm ngày. Họ làm việc với cả trường, thầy cô của bộ môn. Họ làm việc về phố phường rồi về tận gia đình tôi, thế nên phải ngừng hoạt động một thời gian. Họ nói theo kiểu đe dọa, như kiểu tôi bị lợi dụng, hoặc là đe dọa người ta trả tiền cho tôi”.

Không biết xin lỗi dân

Các tài xế đã phản đối vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy ngay khi trạm này bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 08/2017. Nhưng Bộ GTVT vẫn kiên quyết cho rằng, vị trí đặt trạm là “đúng quy trình, đúng pháp luật” và tiếp tục thu phí.
Tuy nhiên, đến ngày 04/12/2017, báo Tuổi Trẻ đã chỉ ra sai sót của ông Nguyễn Văn Thể, người phê duyệt dự án BOT Cai Lậy khi còn là Thứ trưởng Bộ GTVT.
Cụ thể, dự án BOT Cai Lậy đã làm “nở” ra hợp phần nâng cấp mặt đường, có chiều dài 26,5km qua thị xã Cai Lậy. Hợp phần này vốn không hề có trong chủ trương của Chính phủ về xây dựng tuyến tránh ở Cai Lậy. Chính hợp phần này đã hợp thức hóa việc đặt trạm thu phí ngoài tuyến tránh, dẫn đến “cuộc chiến” lớn giữa các tài xế và trạm thu phí.
Điệp khúc “đúng quy trình, đúng pháp luật” cũng từng xuất hiện trong dự án chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội năm 2015.
Khi có phản ứng của người dân về quyết định chặt cây, ngày 20/03/2015, chính quyền Hà Nội đã họp báo tuyên bố dừng chặt cây, nhưng không thừa nhận sai lầm mà đổ lỗi cho các nhà tài trợ đã nóng vội trong việc thi hành. Tuy nhiên, các nhà tài trợ phủ nhận cáo buộc này ngay lập tức.
Sau đó, Hà Nội đã gửi báo cáo lên Thanh tra Chính phủ ngày 13/04/2015, rồi lên Chính phủ ngày 21/07/2015. Chính quyền Hà Nội vẫn khẳng định, dự án được thực hiện “đúng quy trình, đúng pháp luật”, chỉ có một số lỗi trong việc triển khai, tuyên truyền cho người dân. Và họ đã thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ cấp phòng, còn các cán bộ cấp cao hơn thì bị kiểm điểm.

clip_image006
Người dân nắm tay để bảo vệ cây xanh - phản đối quyết định chặt 6.700 cây xanh của Hà Nội, ngày 22/03/2015. Ảnh: Marianne Brown/VOA.
Trở lại với vấn đề BOT Cai Lậy, hiện nay, vụ việc đã gây ra nhiều điều bất tiện khá lớn, không chỉ đối với hàng nghìn tài xế lưu thông qua trạm mỗi ngày, mà còn là hàng trăm hộ dân sống gần khu vực đặt trạm thu phí. Nhưng vì “đúng quy trình, đúng pháp luật” cho nên không có một lời xin lỗi nào của chính quyền về những bất tiện đã xảy ra.
Liệu người dân sẽ còn phải chịu những bất ổn lớn nào nữa, nếu như Việt Nam vẫn duy trì một chính quyền ba không như thế?
T.D.
__________
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Phong trào bảo vệ 6.700 cây xanh Hà Nội (Lê Quang Bình - Đoàn Thị Thu Hà - Nguyễn Thị Thu Hà - Mai Thanh Tú)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét