Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

20171203. KHÍ THẢI LUYỆN THÉP FORMOSA CÓ AN TOÀN CHO MÔI TRƯỜNG ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
TỪ VIỆC CHO PHÉP XẢ KHÍ THẢI CỦA FORMOSA-NHÌN LẠI LỖI HỆ THỐNG

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 2-12-2017

clip_image001
Formosa Hà Tĩnh
Công luận vẫn còn nhớ ông Nguyễn Văn An nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban tổ chức Trung ương, năm 2010 khi trò chuyện với Tuần Việt Nam - VNN góp ý cho việc chuẩn bị đại hội Đảng khóa XI, ông đã thẳng thắn phân tích xung quanh vấn đề lỗi hệ thống. Người dân thì hiểu thực chất là hệ thống này được thiết kế và thi công dựa trên nguyên lý sai, nên phải được xây dựng lại từ nền móng.
Như vậy, cái lỗi của hệ thống tức lỗi lớn từ thượng tầng kiến trúc đã lộ diện nhưng chủ thể không thừa nhận, nên theo quy luật nó, có cơ hội tồn tại và phát sinh nhiều thứ lỗi khác. Một trong các lỗi đó là lỗi do sự thiếu chặt chẽ hiểu biết đầy đủ một cách hệ thống về chuyên môn thường gặp trong các văn bản của các cơ quan nhà nước khiến dư luận phải phản ứng quyết liệt vì mỗi năm có đến hàng trăm văn bản trái luật (Báo Tuổi trẻ ngày 29/11/2017 “Đầy rẫy văn bản vi phạm luật”). Không chỉ ở lĩnh vực lập quy mà ngay cả lĩnh vực lập pháp cũng sai lầm, điển hình như bộ luật hình sự 2015 đã được Quốc hội thông qua, phải tạm hoãn thi hành vì có đến hàng trăm lỗi phải sửa lại.
Gần đây, công luận lại nói về Bộ TN&MT "đặc cách" cho Formosa xả thải vượt chuẩn "hàm lượng oxy tham chiếu" rồi mang Bộ TNMT ra réo và xỉ vả. Vấn đề Formosa không chỉ là lỗi riêng của Bộ TNMT mà gốc rễ của nó là lỗi hệ thống từ giai đoạn cho phép đầu tư. Vụ bauxite Tây Nguyên cũng vậy, sai lầm từ khâu cho phép đầu tư vì đó là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Trường hợp vụ sửa QCVN 51 gần đây về "hàm lượng oxy tham chiếu" liên quan với Formosa muốn giải thích có lý, có tình thì phải dẫn chiếu các luận cứ khoa học và thực tiễn chặt chẽ để chứng minh ý kiến của Bộ Công thương và Hiệp hội thép cho phép với lò thiêu kết của ngành công nghiệp thép được áp dụng hàm lượng oxy không khí dư (tham chiếu) trong khói thải 15% là đúng đắn.
Luận giải
Thông thường QCVN mới thắt chặt quy định hơn so với QCVN cũ, đằng này QCVN 51:2013 đã quy định tất cả các cơ sở từ 2015 phải áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu là 7%, tức là ngặt nghèo (chặt) hơn rồi. Chưa kể trong dự thảo QCVN 51 (phiên bản 2017) sửa đổi trùng khớp một cách đáng ngờ với lộ trình lắp đặt các công trình xử lý khí thải của Formosa, cho nên cộng đồng dị nghị, phê phán cũng không có gì lạ! Trước đây, tôi đã viết bài phân tích về “Mổ xẻ lỗi thứ 53 của Formosa”.
Bộ TNMT với "truyền thống sai đâu sửa đấy" chạy theo phản biện của dư luận sẽ không có cách giải thích nào thuyết phục vì khi xây dựng các văn bản pháp quy (bao gồm cả các QCVN) đã không cân nhắc nghiêm túc đúng như trách nhiệm đáng ra phải làm, mà chỉ thực hiện theo kiểu “hoàn thành đối phó” lệnh chỉ đạo của cấp trên.
Đứng về góc độ khoa học, không riêng gì QCVN 51 đối với khí thải công nghiệp sản xuất thép mà cả QCVN 22:2009 đối với khí thải công nghiệp nhiệt điện, QCVN 30:2010 về khí thải là đốt chất thải công nghiệp cũng có quy định về nồng độ oxy dư trong khí thải. Nhưng QCVN 19:2009 thì lại không có quy định về nồng độ oxy dư khí thải. Điều này đang thể hiện sự chưa nhất quán về phương pháp xác định phát thải của Bộ TNMT.
Các chất phát thải được đánh giá bao gồm CO; SOx; NOx; bụi; cadmi (Cd); đồng (Cu); chì (Pb); kẽm (Zn); antimoan (Sb); tổng chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC); dioxin/furan được tính theo đơn vị mg/Nm3 nghĩa là số mg chất thải trong 1 m3 tiêu chuẩn của khói thải. Như vậy, cùng một lượng mg phát thải thì nếu khối lượng khói thải lớn hơn ta sẽ có hàm lượng đo được nhỏ đi nếu ta đo bằng thiết bị đo thông thường.
Quá trình cháy nhiên liệu luôn cần không khí để cung cấp oxy cho phản ứng cháy là phản ứng oxy hóa các thành phần cháy được mà chủ yếu là carbon (C) và hydro (H), lưu huỳnh (S) để tạo ra CO2; H2O và SOx. Nếu quá trình cháy là hoàn toàn và tối ưu như lý thuyết thì sản phẩm cháy (khói) sẽ có nồng độ oxy là 0%. Tuy nhiên, quá trình cháy không thể lý tưởng như lý thuyết nên quá trình cháy vẫn cần một lượng không khí thừa dẫn đến hàm lượng oxy trong khói thải lớn hơn 0%.
Hàm lượng oxy khói thải càng lớn thì quá trình cháy càng kém hiệu quả nhưng nó lại có thêm khí để cho nồng độ phát thải giảm đi một lượng đáng kể. Bởi lẽ đó, nhiều nơi người ta có đường bí mật hòa trộn thêm không khí vào phần khói thoát ra để khi đưa thiết bị đo vào ống khói, hàm lượng chất thải đo được sẽ nhỏ hơn hàm lượng phát thải thật. Trong tình hình đó, một số tiêu chuẩn đặt ra nồng độ oxy tham chiếu để quy mọi nồng độ phát thải đo được vào cùng một trị số không khí thừa. Nồng độ oxy tham chiếu càng thấp thì tiêu chuẩn càng khắt khe.

clip_image003
Sơ đồ quá trình thiêu kết
Zone 1: Burning-off lubricants, Zone 2: Sintering, Zone 3: Re-carbonizing, Zone 4: Cooling, G: Gas inlet, S: Smoke and gas outlet.
Nguyên liệu để thiêu kết-quặng, kể cả bùn chứa sắt như bùn đỏ từ nhà máy alumina đi vào từ phía phải qua các khu vực sau:
Zone 1: Tại đây đây các chất dầu mỡ bị đốt khử ở nhiệt độ khoảng 600-700oC. Đây là nhiệt dư thừa từ khí thải của quá trình thiêu kết.
Zone 2: Tại đây xảy ra quá trình thiêu kết ở nhiệt độ tới 1200oC, sắt sẽ chảy và dính thành cục, thành hòn, thành mảnh.
Zone 3: Tái hóa các bon (re-carbonizing) ở nhiệt độ 850oC.
G: Lối khí đốt và cả khí ô xy vào,
S: Khói và khí thải ra.
Kiểm tra công thức tính nồng độ
Trong công thức tính nồng độ thực này sẽ có mặt của thông số "hàm lượng oxy tham chiếu trong khí thải" (tức là nồng độ oxy dư trong khí thải) quy định trong các QCVN tương ứng.
Theo quy định của Thông tư 24/2017/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường, mục V của Phụ lục 6 về tính toán kết quả khi sử dụng thiết bị đo trực tiếp thì:
clip_image005
Trong đó:
Cstd: nồng độ chất ô nhiễm tại giá trị nồng độ ôxy tham chiếu, mg/Nm3
Cm: nồng độ chất ô nhiễm tại giá trị nồng độ ôxy đo được, mg/Nm3
%O2(std): nồng độ oxy tham chiếu cho phép (theo quy định của pháp luật)
%O2(m): nồng độ oxy đo được tại hiện trường.
Theo công thức này thì hàm lượng (nồng độ) oxy tham chiếu càng nhỏ, giá trị nồng độ chất ô nhiễm thực sẽ càng lớn, tức là càng vượt giới hạn quy định trong QCVN.
Để minh chứng, tôi áp dụng tính thử ví dụ cụ thể như sau:
Tiêu chuẩn cho phép với nồng độ NOx của lò thiêu kết là 850 mg/Nm3 theo cột B1 của tiêu chuẩn được áp dụng kể từ ngày 1/1/2015 còn các cơ sở sản xuất thép đầu tư mới sau khi phát hành tiêu chuẩn thì phải áp dụng cột B2, nồng độ cho phép còn thấp hơn.
Nồng độ oxy thực trong khói thải của lò thiêu kết là 5%.
Hàm lượng NOx đo được thực là 1040,363 mg/Nm3.
Với giá trị nồng độ tham chiếu oxy là 7% ta sẽ tính được hàm lượng NOx là 909,5 mg/Nm3, cao hơn tiêu chuẩn 1,07 lần.
Với nồng độ oxy tham chiếu là 15% thì hàm lượng NOx tính toán được chỉ còn là 386,05 mg/Nm3 thấp hơn nhiều tiêu chuẩn cho phép.
Formosa là một doanh nghiệp sản xuất thép rất lớn nên lưu lượng khói thải chắc chắn là cao hơn 100.000 m3/giờ. Trong trường hợp đó hệ số lưu lượng nguồn thải Kp sẽ là con số 0,8 tức là yêu cầu khá chặt chẽ. Tuy nhiên, bằng chiêu nâng nồng độ oxy tham chiếu lên gấp đôi, doanh nghiệp có thể xả thải ra bầu khí quyển của chúng ta một cách thoải mái mà không lo bị cảnh sát môi trường làm khó dễ.
Theo tôi hiểu lỗi của Bộ TNMT ngay từ đầu đã không nghiên cứu cẩn thận khi dự thảo QCVN 51:2017. Nhìn chung, thì tiêu chuẩn sau thường chặt hơn tiêu chuẩn trước, nay vì sự thiếu chặt chẽ chuyên môn văn bản mới lại cho thấy tiêu chuẩn sau nới rộng quá lớn như vậy so với tiêu chuẩn trước thì công luận làm sao không thắc mắc và cơ quan ra văn bản lại phải mất công giải trình, giải thích mà vẫn mất uy tín.
Là một cơ sở sản xuất lớn, lượng phát thải của Formosa cũng rất lớn, con số tuyệt đối về phát thải cũng lớn trong một khu vực quan trọng của đất nước. Ở đây, lượng phát thải vượt tiêu chuẩn của Formosa là SOx và NOx. Các phát thải này là có khả năng tạo thành mưa axit trên diện rộng về lâu dài.
Lời kết
Việc thay đổi nồng độ oxy tham chiếu từ 7% lên 15% tạo ra sự thay đổi rất lớn có thể nhanh chóng biến một doanh nghiệp có phát thải gấp 2,5 lần tiêu chuẩn trở thành phát thải dưới quy chuẩn. QCVN 51 mới với hàm lượng oxy tham chiếu cho công nghiệp thép (trừ lò cốc) là 15% đặc biệt là lò thiêu kết, khi đi vào hoạt động chính thức thì có khả năng phát thải nhiều chất độc hại vượt giới hạn quy định cho phép, không chỉ riêng NOx và SOx.
Dư luận đòi hỏi Bộ TNMT lập hội đồng khoa học đánh giá minh bạch tính hợp lý nồng độ oxy tham chiếu trong quy chuẩn quốc gia, tham khảo quy chuẩn của quốc tế nhằm có được phương pháp tính nhất quán phù hợp đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và những hậu quả lâu dài cho đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt tải lượng phát thải khi Formosa đi vào hoạt động đủ công suất cũng cần được đánh giá lại một cách khách quan và thực tế nhằm xác định và kiểm soát hữu hiệu những tác động lâu dài đối với môi trường khu vực.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN

SỞ TÀI NGUYÊN HÀ TĨNH PHẢN ỨNG BỘ TÀI NGUYÊN VỀ VỤ FORMOSA: NỘI BỘ ĐÁNH NHAU ?

THIỀN LÂM / CALITODAY/ BVN 4-12-2017


Vietnam – Cali Today news – Phải gần hai năm sau khi xảy ra vụ xải thải gây thảm họa môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam, mới xuất hiện một văn bản đầu tiên có vẻ mang tính trung thực từ một cơ quan chức năng: Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Hà Tĩnh – được ký bởi quan chức Phan Lam Sơn – Phó Giám đốc Sở TNMT.
Văn bản trên nhấn mạnh: “Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh thấy rằng Công ty Formosa đang sử dụng các loại nguyên liệu đầu vào như hiện nay nhưng khí thải tại lò thiêu kết có nhiều thời điểm vượt quy chuẩn như đã nêu trên, do đó trường hợp công ty Formosa tái sử dụng các loại bùn, bụi mà chưa đầu tư hệ thống khử Lưu huỳnh, Nitơ, Dioxin (theo báo cáo của Formosa dự kiến đến năm 2020 mới thi công xong), thì việc xử lý khí thải tại xưởng thiêu kết sẽ không đảm bảo theo QCVN 51:2013/BTNMT”.
Ông Phan Lam Sơn cũng nêu: “Gần đây, theo kết quả quan trắc khí thải hàng ngày của Viện Công nghệ Môi trường (đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện giám sát môi trường Dự án Formosa), tại xưởng thiêu kết cho thấy: Tại cột kết quả phân tích có đưa ra 2 giá trị kết quả đo khí thải lò thiêu kết, trong đó một cột kết quả tính toán theo hàm lượng oxy tham chiếu là 7% và một cột kết quả tính toán theo hàm lượng oxy tham chiếu là 15%.
clip_image002
Văn bn ca S TNMT gđi khác hn vi nhng gì Tng cc môi trường B TNMT loan báo. nh: Motthegioi.vn
Nội dung chính trong văn bản trên của Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh là hoàn toàn trái ngược với một thông báo của Tổng cục môi trường của Bộ TNMT, trong đó có đoạn: “Trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với quy chuẩn Việt Nam. Việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là để tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải”.
Tổng cục môi trường được phụ trách bởi quan chức Bùi Cách Tuyến, từng là thứ trưởng Bộ TNMT. Gần đây, báo chí bất chợt phản ánh Formosa được ông Bùi Cách Tuyến đặc cách cho xả khí thải vượt quy chuẩn 2013 mà Việt Nam đã quy định rất chặt chẽ, và hiện thời Tổng cục môi trường đang sửa quy chuẩn 2013 để Formosa hưởng lợi từ nâng thông số phát thải tham chiếu oxy 7% lên 15%.
Ông Bùi Cách Tuyến cũng đang bị một số trang mạng xã hội không định danh và sau đó là một số tờ báo nhà nước phanh phui khu “biệt phủ” của ông ở Quận 9, Sài Gòn mà ông cho con gái mình đứng tên.
Cần nhắc lại, sau khi nổ ra quá nhiều bức xúc của dư luận xã hội, Bộ TNMT đã phải xác định  Formosa Hà Tĩnh vi phạm 53 lỗi, nhưng đã khắc phục 52 lỗi. Riêng lỗi cốt tử là tự động thay đổi công nghệ dập khô sang ướt, phá bỏ cam kết đầu tư ban đầu, thì phải đến năm 2019 hoặc 2020 mới khắc phục xong. Trong khi lỗi cốt tử này còn đang trong vòng lập lờ, mới đây Tổng cục môi trường lại tiếp tục sửa quy chuẩn Việt Nam để ưu ái cho Formosa.
Vụ xả thải khủng khiếp của Formosa bị “hồi tố” vào tháng 11/2017 và quy trách nhiệm cho Bộ TNMT đang dần trở thành một chủ đề nóng bỏng không chỉ trong dư luận xã hội mà còn mang màu sắc “chính trị nội bộ”.
Dấu hỏi rất lớn là tại sao cho đến ngày 6/11/2017, tức sau gần hai năm kể từ khi phát hiện hậu quả vụ xả thải của Formosa, Sở TNMT Hà Tĩnh mới phát đi văn bản gửi Bộ TNMT đề nghị xem xét, chỉ đạo việc Formosa Hà Tĩnh đang xả khí thải vượt ngưỡng QCVN 51:2013, mà không phải là trước đó – khi hàng loạt cuộc biểu tình của giáo dân và ngư dân miền Trung liên tiếp nổ ra đòi hỏi chính quyền phải minh bạch trách nhiệm cơ quan cấp phép xả thải, bao gồm Bộ TNMT và Sở TNMT Hà Tĩnh cũng như giới quan chức lãnh đạo Hà Tĩnh.
Cho tới nay, biển miền Trung đã gần như “chết”, tàu cá của ngư dân nằm treo bất động, không thể đi biển vì chẳng còn cá sạch để đánh bắt, mà có đánh bắt thì cũng chẳng bán được. Đời sống rất nhiều gia đình ngư dân cũng bởi thế đã trở nên khốn đốn, dự trữ cạn dần.
Trong khi đó, nhiều gia đình ngư dân phản ánh họ vẫn chỉ nhận được rất ít hoặc chưa nhận được số tiền bồi thường mà chính phủ đã hứa với họ. Con số 500 triệu USD mà Formosa đã thực chuyển vào tài khoản của Bộ TNMT để bồi thường cho ngư dân Việt Nam – theo một thỏa thuận bí mật giữa Formosa và chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mà không thèm tham khảo ý kến người dân – đã bị bộ này “ngâm” trong một thời gian quá dài mà không thể hiểu khác hơn là Bộ TNMT đã cố ý làm thế để hưởng lãi đến vài ba trăm tỷ đồng từ số tiền “mượn ngư dân” đó.
“Để lâu cứt trâu hóa bùn” – những hậu quả khủng khiếp của nạn xả thải Formosa đã trôi dần vào dĩ vãng, trong khi một trong những nhân vật bị xem là “tội phạm bảo kê cho Formosa” – quan chức Võ Kim Cự, cựu bí thư Hà Tĩnh – có vẻ đã được Tổng bí thư Trọng che chắn để cuối cùng ông Cự không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm hình sự nào.
Vậy tại sao mãi đến lúc này Sở TNMT Hà Tĩnh mới phát văn bản phản đối Bộ TNMT về vụ Formosa?
Sở TNMT lại nằm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, sẽ khó có chuyện sở này tự phát văn bản phản ứng Bộ TNMT mà không được chấp thuận bởi lãnh đạo tỉnh.
Còn có một dấu hiệu “lạ” khác: không biết bằng cách nào, văn bản trên của Sở TNMT Hà Tĩnh đã đến tay nhiều tờ báo nhà nước. Một số tờ báo đã bắt đầu lên tiếng về vụ việc này.
Một dấu hỏi rất lớn nữa đang hình thành: phải chăng các cơ quan chức năng chính quyền chỉ buộc phải làm rõ và đẩy trách nhiệm cho nhau trong bối cảnh cuộc chiến giữa các phe phái trong nội bộ đảng đang có dấu hiệu tái khởi động, còn trước đây khi dân kêu cứu hoặc đòi hỏi làm rõ thì không một cơ quan nào thèm quan tâm?
Một số dư luận cũng một lần nữa đang đề cập đến vai trò và trách nhiệm của ông Hoàng Trung Hải – hiện là ủy viên bộ chính trị, bí thư Hà Nội, từng là phó thủ tướng “phụ trách Formosa”…
Rồi đây, có thể sẽ có vài ba quan chức nào đó bị “lên thớt” do trách nhiệm cấp phép và liên đới với Formosa. Nhưng dân tình thì chẳng có gì đáng vui mừng về chuyện đó: trong thực tế đã có quá nhiều vụ việc chứng minh vụ việc chỉ bị tung tóe khi nội bộ đảng ẩu đả lẫn nhau.
T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét