Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

20161022. BÀN VỀ TƯ TƯỞNG ' KHÔNG THI CỬ, KHÔNG THI ĐUA' CỦA GS HỒ NGỌC ĐẠI

ĐIỂM BÁO MẠNG
GS NGUYỄN TIẾN DŨNG PHẢN BIỆN GS HỒ NGỌC ĐẠI VỀ CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC
NGUYỄN TIẾN DŨNG/ GD 20-10-2016
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng. 
LTS: Sau bài viết "Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại và sự im lặng khó hiểu của giới chuyên môn"Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại về giáo dục từ Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Viện trưởng Viện toán lý thuyết - Viện Toán học Toulouse - Cộng hòa Pháp, Giáo sư Đại Học Toulouse.
Được biết Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng từng là học sinh Việt Nam trẻ nhất đạt Huy chương vàng Toán Quốc tế năm ông 14 tuổi rưỡi. Ông được phong Giáo sư Toán tại Đại học Toulouse năm 32 tuổi. Năm 2015, Chính phủ Pháp phong ông làm Giáo sư ngoại hạng.
Loạt bài phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại về giáo dục đã được Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng viết từ năm 2012, bao gồm 6 phần.
Nay để rộng đường dư luận và góp thêm tiếng nói bàn bạc vấn đề dư luận các nhà giáo, phụ huynh và học sinh Việt Nam đang quan tâm liên quan đến Công nghệ giáo dục và sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng 6 nội dung phản biện của ông.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc lần lượt 6 vấn đề Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Văn phong và nội dung bài viết phản ánh nhận thức, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt. 
GS.Hồ Ngọc Đại là một người cả đời nghiên cứu về giáo dục, nên ắt hẳn phải thâm hiểu hơn tôi nhiều về triết lý giáo dục.
Tuy nhiên, có một số tư tưởng của ông liên quan đến những vấn đề cơ bản của giáo dục làm tôi rất băn khoăn, nên muốn đem ra đây bàn cãi.
Phần 1: Từ trừu tượng đến cụ thể hay là từ cụ thể đến trừu tượng?
Một trong các phương châm của GS.Hồ Ngọc Đại “từ trừu tượng đến cụ thể”. (Phương châm này thể hiện khá rõ trong chương trình lớp 1 “công nghệ giáo dục” về toán và tiếng Việt của Hồ Ngọc Đại, mà tôi sẽ bàn phía dưới). 
Ví dụ, trong bài “Giải pháp phát triển giáo dục: từ góc nhìn nghiệp vụ sư phạm” [1] có đoạn:
"Một. Nguyên tắc phát triển. Môn học thiết kế theo lôgích nội tại của Hệ thống khái niệm khoa học, tôn trọng sự phát triển tự nhiên của Đối tượng, không có sự cưỡng bức từ ngoài. 
Sự phát triển này sẽ là tối ưu, nếu quá trình đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ chung đến riêng, từ đơn giản đến phức tạp…"
“Từ đơn giản đến phức tạp” thì đúng quá rồi, vì phải có các yếu tố đơn giản mới hợp lại thành phức tạp được.
Nhưng tại sao lại “từ trừu tượng đến cụ thể, từ chung đến riêng”?! 
Nhiều khi “khái niệm trừu tượng” chỉ là cái vỏ, có hay không không quan trọng bằng cái ruột bên trong ra sao.Theo tôi thì ngược lại mới đúng, tức là phải đi từ riêng đến chung, đi từ cụ thể đến trừu tượng, mới là quá trình học tự nhiên. 
Khi có “ruột” rồi mới cần “vỏ” để “đóng gói” lại cho “ngăn nắp” chứ toàn vỏ không mà rỗng ruột thì chẳng để làm gì. 
Khi tôi nói chuyện với các SV ngành toán, có nhận thấy rằng nhiều bạn thông minh nhưng hổng kiến thức cơ bản, chính vì học một cách quá trừu tượng mà thiếu ví dụ cụ thể. 
Ví dụ như học giải tích hàm với các không gian rất trừu tượng, nhưng không viết được công thức Parceval cho chuỗi Fourier.
Không phải vô cớ mà Albert Einstein từng nói: Dạy học bằng ví dụ không phải là “một cách dạy học” mà là “cách duy nhất để dạy học”.
Chắc GS.Hồ Ngọc Đại sẽ đồng ý rằng các kiến thức về thần kinh học (neuroscience) giúp ích rất lớn cho các ngành khác như tâm lý học và giáo dục học.
Theo hiểu biết hạn chế của tôi, thì hệ thần kinh gồm có các tế bào thần kinh được nối với nhau bởi các “dây nối” chằng chịt thành một mạng (hình dung tương tự như mạng internet).
Thông tin chứa đựng trong một cụm tế bào thần kinh càng dễ được kích hoạt nếu cụm tế bào đó càng có nhiều dây nối đến các tế bào khác.
Khi con người học một khái niệm hay bất cứ một cái gì đó mới, thì hệ thần kinh ghi nhớ lại khái niệm đó vào trong một cụm tế bào thần kinh, và tạo cầu nối từ cụm tế bào đó đến các tế bào khác.
Để tạo được các cầu nối tức là phải nhận ra được các sự liên quan.
Một  khái niệm trừu tượng khi vào não phải có được những cái gì đó đã có trong não để “bám víu” vào qua các cầu nối, thì mới giữ lại được và dùng được chứ không thì dễ bị quên đi hoặc tốn chỗ vô ích.
Những ví dụ cụ thể dễ hiểu và những khái niệm đã quen thuộc chính là những thứ để khái niệm trừu tượng mới bám vào.
Có cần dạy “toán cao cấp” cho học sinh cấp 1?
GS.Hồ Ngọc Đại tự hào về việc dạy “toán hiện đại, cao cấp” cho học sinh cấp 1 ở trường thực nghiệm. Ví dụ, bài báo “Nhiều phụ huynh chẳng hiểu gì về trường thực nghiệm” [2] có đoạn:
"Trẻ con lớp 1 ở trường Thực nghiệm được học tiếng Việt, toán hiện đại, cao cấp. Hiện đại không có nghĩa là nửa vời mà là tư duy hiện đại, tư duy theo cách làm việc và cũng cần xác định tư duy cái gì, làm việc cái gì là tốt và xứng đáng nhất với trẻ con."
Nói một cách chính xác hơn, thì “toán hiện đại, cao cấp” của GS.Hồ Ngọc Đại chủ yếu là đưa một ngôn ngữ toán học trừu tượng vào cho học sinh cấp 1 học, chứ thực ra không có kiến thức “cao cấp” ở đó. Các từ “hiện đại, cao cấp” ở đây có thể gây cho một số người hiểu nhầm là trẻ em cấp 1 có thể học được toán cao cấp thật. (Có là thần đồng toán học thời nay như Terrence Tao cũng không giỏi đến mức vậy). 
Nếu chúng ta bỏ một cái xe đạp 3 bánh cho trẻ con vào 1 cái vỏ thùng xe máy, thì không vì thế mà xe đạp 3 bánh biến thành xe máy.
Một “kiện hàng” mà “vỏ” quá nặng thì “ruột” bị nhẹ đi.
Tôi e là khi học sinh lớp 1 mất quá nhiều thời gian vào việc “tiêu hóa” ngôn ngữ toán học hình thức, thì thời gian dành cho việc học những khái niệm cơ bản nhất của toán học lại bị giảm đi, dẫn đến hổng kiến thức cơ bản.
Và kết quả môn toán của các học sinh học chương trình thực nghiệm của GS.Hồ Ngọc Đại cũng không lấy gì làm khả quan lắm, như bài báo “Trường thực nghiệm: hóa ra là …” [3] phản ảnh.  
GS Ngô Bảo Châu hay được lấy làm ví dụ về sự thành công của trường thực nghiệm, nhưng có một chi tiết mà báo chí bỏ qua.
Đó là Giáo sư Châu được gia đình cho ra học trường khác sau một thời gian thấy học ở trường thực nghiệm không đạt kết quả tốt về môn toán.
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, luôn cần làm 4 phép tính cộng trừ nhân chia, chứ mấy khi sử dụng các thuật ngữ trừu tượng như “phần bù của tập hợp A trong tập hợp B”.
Trẻ em không dùng ngôn ngữ trừu tượng như là “phần bù của tập hợp A trong tập hợp B” thì không có nghĩa là không biết làm phép toán đó.
Mà chỉ có nghĩa là nó suy luận một cách cụ thể hơn, trực tiếp hơn, không cần phải qua cái “vỏ” trừu tượng hình thức hóa đó.
Ngôn ngữ trừu tượng hình thức trong toán học là cần thiết ở những mức độ nào đó, nhưng lạm dụng nó thì chỉ làm cho mọi thức trở nên rối rắm phức tạp mà không đi vào bản chất vấn đề.  
Ông V.I. Arnold có viết mô tả những người bị “mắc bệnh hình thức” trong toán học đại loại như sau:
Thay vì nói “Vova rửa tay” thì người ta nói “có một tập hợp các trạng thái tay của Vova gồm có các phần tử là …, có một thời điểm T mà trước thời điểm đó tay Vova ở trạng thái bẩn, sau thời điểm đó trở thành trạng thái sạch, v.v.”
(Nghe nói ông Kolmogorov thời thế kỷ 20 cũng mắc sai lầm đưa lý thuyết hình thức về tập hợp vào dạy đại trà cho trẻ nhỏ ở Nga nhưng rồi phải bỏ sau khi bị la ó phản đối?)
Tất nhiên, khi xã hội thay đổi, hiện đại lên, thì việc dạy các môn học cũng cần hiện đại lên theo. Nhưng “hiện đại” và “hình thức” là hai thứ hoàn toàn khác biệt.
Trong thế giới hiện đại, học sinh có thể được trang bị một cái “cặp điện tử” chỉ nặng có 1kg mà vừa viết, vừa vẽ, vừa đọc, v.v. được trên đó thay vì một cái cặp với đống sách vở giấy bút nặng chình chịch.
Nhưng khi học chúng vẫn cần phải đi lên từ những cái cụ thể, quen thuộc rồi mới hiểu được các thứ hình thức trừu tượng. 
Tài liệu tham khảo:
[3]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/truong-thuc-nghiem-hoa-ra-la-1337182214.htm
GS.Nguyễn Tiến Dũng
PHẢN BIỆN TƯ TƯỞNG KHÔNG THI CỬ, KHÔNG THI ĐUA TRONG GIÁO DỤC CỦA
GS HỒ NGỌC ĐẠI
GS NGUYỄN TIẾN DŨNG / GD 22-10-2016
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (ngoài cùng bên phải) cùng gia đình ở Vườn Thực vật New York năm 2014, ảnh do tác giả cung cấp.
LTS: Tiếp theo hai bài viết phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại về tư tưởng Công nghệ giáo dục của ông, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Viện trưởng Viện toán lý thuyết - Viện Toán học Toulouse - Cộng hòa Pháp, Giáo sư Đại Học Toulouse gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phản biên thứ 3 của mình về đề tài này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Không thi cử?!
Một hệ thống thi cử tồi sẽ đem lại rất nhiều hệ quả xấu, như là quá nhiều công sức tiền của đổ vào việc học để thi thay vì học để hiểu biết, thói gian lận, tâm lý căng thẳng chán học, v.v. 
Điều này đúng không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới. 
Trưởng Hội đồng Tư vấn khoa học cho thủ tướng Ấn Độ năm 2011 có nói một câu nổi tiếng là: “India has an examination system but not an education system”. [1]
Tạm dịch:“Ấn Độ có hệ thống thi cử chứ không phải hệ thống giáo dục”, để chỉ trích hệ thống thi cử quá nặng nề của Ấn Độ.
Tuy nhiên, tư tưởng “không thi cử, không chấm điểm” [2] trong giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng không tưởng tương tự như là chủ trương dẹp đồng tiền đi vậy. 
Đồng tiền thật là dơ bẩn, con người ta trở nên xấu xa vì tiền. Thế nhưng nếu dẹp tiền đi, phá hết các nhà băng, thì sao? 
Thì có lẽ xã hội trở về thời kỳ nguyên thủy, chắc ít ai muốn vậy.
Bản thân đồng tiền, hay kiểm tra thi cử, chỉ là những công cụ đảm nhiệm một số chức năng quan trọng cho xã hội. 
Xã hội cần có được công cụ đó để có thể hoạt động bình thường. Bản thân chúng không có gì xấu, chỉ có sự lạm dụng chúng mới là xấu.
1) Nhằm phát hiện các điểm mạnh điểm yếu của từng người, qua đó điều chỉnh việc học tập / giảng dạy cho thích hợp.Nói về chức năng của việc kiểm tra, đánh giá, thi cử (gọi chung lại thành thi cử), nó có 4 chức năng chính sau: [3]
2) Nhằm đánh giá phân loại và đảm bảo chất lượng đầu ra hay đầu vào của các chương trình giáo dục.
3) Nhằm đảm bảo công bằng và hợp lý trong các cuộc tuyển chọn.
4) Nhằm tạo ra sự thi đua phấn đấu.
Cả 4 chức năng đó đều cần thiết, và nếu không có “thi cử” thì vẫn phải “có cái gì đó” đảm bảo 4 chức năng đó, và “cái gì đó” thay thế cho “thi cử” thì dù tên gọi thế nào nhưng thực chất vẫn sẽ là “thi cử”, ở dạng này hay dạng khác.
Bản thân trường thực nghiệm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng không thực hiện được “lý tưởng không thi cử” của ông. (Có thể Giáo sư Hồ Ngọc Đại không cực đoan trong thực tế ở mức như trong lý thuyết của ông). 
Các học sinh cấp 1 ở đó vẫn được chấm điểm theo một hệ thống điểm đơn giản chỉ gồm 4 mức điểm. 
Thực ra, hệ thống chấm điểm đơn giản đó không có gì mới, đã được nhiều nơi trên thế giới dùng từ lâu, và theo tôi là một hệ thống khá tốt. 
Tiểu học ở Pháp cũng chủ yếu chấm điểm theo kiểu chỉ có 3 điểm “đã nắm tốt, đang nắm, chưa nắm được”. 
Còn ở Nga, kể cả đại học cũng chấm điểm theo kiểu đơn giản với 4 mức điểm: giỏi (5), khá (4), trung bình (3), và trượt (2).
Nói theo kiểu toán học, muốn có lời giải tốt cho vấn đề nào đó thì bản thân vấn đề phải được đặt tốt (well-posed problem). 
Nói về thi cử, vấn đề “đặt tốt” không phải là “làm sao xóa bỏ thi cử”, mà là “làm sao có một hệ thống thi cử tốt”. 
Trong một bài viết về "Thế nào là một hệ thống thi cử tốt?" [4], tôi đã có nêu lên 10 tính chất của một hệ thống thi cử tốt:
Đúng mục đích, ảnh hưởng tốt đến cung cách dạy và học, công bằng, trung thực, minh bạch, khách quan, ít sai phạm, có hiệu suất chi phí cao, hiệu quả, và linh hoạt.
Đồng thời cũng liệt kê ra các giải pháp được đưa ra (trên thế giới) để tiến tới đạt được 10 tính chất đó.
Không thi đua?!
Có lẽ Giáo sư Hồ Ngọc Đại sẽ phản đối tôi về tác dụng của chức năng thứ 4 phía trên của thi cử, vì triết lý giáo dục của ông là “không thi đua”. 
Chẳng hạn, trong bài báo “Đừng sỉ nhục trẻ con bằng cách ví von nó với đứa trẻ khác …” ngày 08/04/2012, [5] Giáo sư Hồ Ngọc Đại có nói:
Chúng ta đã vô hình chung sỉ nhục trẻ con bằng việc khen trẻ con quá mức, chê trẻ con thậm tệ hay so sánh đứa trẻ này với đứa trẻ khác."Giáo dục trẻ con trong xã hội hiện đại là không có thi đua, không có khen, chê. Chúng ta gắn trẻ con vào thi đua, vào khen chê trong giáo dục. 
Giáo dục theo kiểu noi gương, thi đua là chuyện tào lao góp phần làm hỏng trẻ em."
Tất nhiên, khen quá mức hay chê thậm tệ, đến mức sỉ nhục học sinh, là những điều xấu. 
Tôi đã từng chứng kiến có đồng nghiệp sỉ nhục học sinh làm bài kiểm tra kém bằng những câu kiểu như: “chị đi học làm gì cho tốn tiền nhà nước”, “anh là một mối nguy hiểm cho xã hội”. 
Những câu xúc phạm đó không giải quyết được cái gì, mà chỉ làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý của học sinh, và cũng làm giảm sự tôn trọng giáo viên trong con mắt học sinh. 
Bản thân những giáo viên như vậy cần được chấn chỉnh về thái độ. 
Tôi hoàn toàn đồng ý với Giáo sư Hồ Ngọc Đại rằng, tôn trọng học sinh là một nguyên tắc cơ bản của giáo dục. 
Học sinh có thể kém về mặt nay hay mặt khác, nhưng vẫn là con người, và mọi người đều có sự thiêng liêng, cần được tôn trọng. 
Có một truyện cười có thật: trong lần thi toán quốc tế (IMO) tổ chức ở Việt Nam năm 2007, có một đoàn đến kiện giám khảo.
Họ kiện không phải là vì giám khảo cho điểm 0 cho bài giải, mà là vì viết gạch dưới số 0 (theo thói quen của nhiều người gạch dưới các điểm). 
Họ nói đại loại: “anh đã cho điểm 0 rồi còn gạch đít nhấn mạnh nó thêm để sỉ nhục tôi”.
Nếu như thái cực “sỉ nhục học sinh” là rất xấu, thì cực đoan ngược lại “không khen chê, không thi đua” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại theo tôi cũng không phải là tốt. 
Bởi vì việc thi đua và khen chê đúng chừng mực rất quan trọng trong việc giúp cho học sinh phấn đấu học tốt hơn.  
Con người ta muốn vươn lên thì phải phấn đấu (một cách có ý thức hay vô ý thức), chứ sự tiến bộ không “từ trên trời rơi xuống”.
Phấn đấu không có nghĩa là phải “khổ sở”, mà ngược lại người ta có thể rất sung sướng hạnh phúc vì được phấn đấu, vì có cơ hội để mà phấn đấu. 
Lấy ví dụ các môn thể thao, như là đá bóng. Không có thi đua phấn đấu, thì lấy đâu ra thể thao. Ai không thích thì không đá bóng, nhưng đã thích đá, là phấn đấu khi đá, kể cả nếu bị thua.
“Thua” vẫn là kết quả tốt nếu “thua trong danh dự”.
Khi người ta tập thể dục, thích tập theo nhóm, ra phòng gym chung để tập thay vì tập ở nhà một mình, vì tập cũng những người khác thì mới nhìn nhau mà thi đua phấn đấu dễ hơn là tập một mình.
Hiếu thắng là môt bản năng sinh tồn của con người.
“Thắng” ở đây không nhất thiết hiểu theo nghĩa tuyệt đối và không nhất thiết phải là thắng người khác, mà cũng có thể là “thắng cái máy tính”, “thắng một vấn đề khó”.
“Thắng” tức là làm được gì đó đem lại sự thỏa mãn về tinh thần.
Phương pháp giáo dục tốt phải tận dụng được tính hiếu thắng của học sinh để làm cho học sinh cố gắng phấn đấu hoc tốt lên qua các biện pháp thi đua hợp lý, chứ không vùi dập tính hiếu thắng này, coi nó như không có. 
Tuy Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói “không thi đua”, nhưng bản thân trường thực nghiệm của ông cũng không bỏ được nó: trên trang web của trường vẫn có một danh sách liệt kê các thành tích, như là thành tích thi học sinh giỏi, đỗ vào trường chuyên, v.v. Nhiều “phong trào thi đua” không có hiệu quả, thậm chí phản tác dụng, vì nó không đi vào thực chất. Nhưng đó là lỗi về mặt tổ chức, chứ không phải là tội của bản thân khái niệm thi đua.
Trong xã hội, “thi đua” hay được gọi là “cạnh tranh”. Cạnh tranh là động lực phát triển xã hội, thúc đẩy con người ta phấn đấu làm mọi thứ tốt hơn. 
Ở Nga thế kỷ 20, vì ít cạnh tranh, nên có cái bàn là giá 7 rúp mà dân ta hay mua mang về Việt Nam, mấy chục năm nó vẫn thế không có cải tiến gì cả. 
Nếu không có cạnh tranh, thì có khi bây giờ tôi cũng không có máy tính cá nhân để mà ngồi viết phản biện Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Hai vế “hợp tác” và “cạnh tranh” đều cần cho xã hội, không thể bỏ đi vế nào.
Nói theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì học sinh cần được học để “sống bình thường”. 
Trong “cuộc sống bình thường” có cả hợp tác lẫn cạnh tranh, thì thiết tưởng học sinh cũng cần được làm quen với cả hai mặt đó.
Kể cả khi đã thành giáo sư, tôi vẫn phải lấy những nhà khoa học lớn làm tấm gương cho mình. Họ làm được thì mình cũng phải làm được, không bằng họ thì ít ra cũng phải bằng được một phần của họ, đó chính là động lực phấn đấu. 
Các tấm gương tốt chính là các “cột mốc” để mà người khác lấy làm điểm tham chiếu cho việc phấn đấu.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại phủ nhận giá trị của các tấm gương, và chủ trương “không cần tấm gương, không so sánh với người khác”, nhưng như vậy thì lấy gì làm “cột mốc” để mà bám víu vào trong quá trình phấn đấu. 
“Tự mình so với mình, cố gắng ngày hôm sau làm tốt hơn ngày hôm trước” theo chủ trương của Giáo sư Hồ Ngọc Đại tất nhiên là tốt. 
Nhưng nếu chỉ tự mình so với mình thôi, mà không cần biết đến bên ngoài ra sao, thì có nguy cơ mắc vào một cái bẫy gọi là “ếch ngồi đáy giếng”.
Ở nước ngoài, người ta đã bàn nhiều về vấn đề làm sao để vẫn có đánh giá so sánh cho học sinh, mà không “sỉ nhục” học sinh. 
Một cách giải quyết là: không cần công bố điểm của từng học sinh trước lớp, nhưng mỗi học sinh vẫn được quyền biết điểm của mình, và những thông tin khác như là điểm cao nhất, thấp nhất, trung bình của lớp. 
Việt Nam cũng có thể học tập các cách như vậy, thay vì chuyển thành cực đoan “không chấm điểm, không so sánh”.
Tài liệu tham khảo:
GS.Nguyễn Tiến Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét