Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

20161004. BÌNH LUẬN VỀ VỤ CÔNG AN ĐÁNH NHÀ BÁO TRÊN CẦU NHẬT TÂN 23/9/2016

ĐIỂM BÁO MẠNG
LUẬN BÀN VỀ CÔNG AN, NHÀ BÁO VÀ DƯ LUẬN XÃ HỘI
ĐĂNG TƯỜNG/CAND/TVN 2-10-2016
Cầu Nhật Tân, Công an cầu Nhật tân, Vung tay trúng má
Hình ảnh như thế này tràn ngập mạng.
Nhiều chiến sĩ với việc bắt bớ tội phạm thường ngày nên tính cách cũng rất hình sự, nóng nảy và khó kiềm chế. Trong khi nhà báo luôn xông pha và nhiều người cũng mắc cái tính gọi là “quyền lực thứ tư”, nói có ngạnh, buộc trời phải cúi. Và khi hai khí phách ấy chạm nhau...
Dư luận đang ngập trong “bão” thông tin về vụ “Công an đánh Nhà báo” ở cầu Nhật Tân. Khi vụ việc đó đang cao trào thì lại thêm clip Công an giật tóc, đuổi người bán hàng rong ở hồ Con Rùa, TP Hồ Chí Minh.
Sự tương tác mạnh mẽ giữa báo chí và mạng xã hội trong hai vụ việc trên đã ảnh hưởng đến hình ảnh người công an trong thực thi công vụ và trong suy nghĩ, tình cảm người dân.
Lên mạng, lên fecebook, blog, diễn đàn…, người đọc hẳn nhiên rơi ngay vào vòng xoáy với muôn trạng hình ảnh, bài viết, lời bình và khi ta đọc nhiều, bị tương tác nhiều bởi thông tin cùng chiều như vậy, nếu ai có viết khác đi hẳn sẽ bị nghi ngờ, bị đặt dấu hỏi. Nhưng nếu bình tâm một chút, nếu xét tính toàn cục, hẳn ta sẽ thấy vỡ lẽ rất nhiều điều, ngẫm rằng hai bên (Công an và Nhà báo) đều cần sự đánh giá khách quan.
Về phía phóng viên, xem kỹ clip cho thấy, phóng viên Quang Thế và một vài người khác không rời khỏi khu vực được yêu cầu, vẫn cố bám trụ. Đoạn clip có lời của người xưng phóng viên một tờ báo khác đã đôi co khi liên tục yêu cầu kiểm tra giấy tờ của… CSHS và dọa tung lên báo nếu không cho vào hiện trường chụp ảnh! Sự đôi co này khiến CSHS nổi cáu và dẫn tới hành động như trên.Trước hết, cần khẳng định, chiến sĩ Công an trong cả hai vụ việc trên có những hành xử không đúng, vi phạm quy trình, nguyên tắc và tác phong công tác. Nếu như CSHS Ngô Quang Hưng và Nguyễn Văn Thuyên đã có hành vi đánh người (dùng chân đá) phóng viên thì trong vụ tại hồ Con Rùa, Thiếu úy Bùi Xuân Hải đã lao vào giật tóc, kéo lê người bán hàng rong. Những sai phạm đó là rõ ràng, lại xảy ra nơi đông người nên rất phản cảm, cần được nghiêm túc nhìn nhận và là bài học chung cho cán bộ, chiến sĩ khi thi hành nhiệm vụ.
Vụ việc xét như vậy thì vi phạm cả hai phía (Công an, Nhà báo) là về quy tắc, hành vi ứng xử. Tức đó là sai phạm về mặt hiện tượng, không phải bản chất. Không vì cú đá của công an hay hành vi đôi co của nhà báo để quy kết thành phẩm chất, đạo đức suy thoái.
Thế nhưng, sự việc đã bị đẩy quá xa, gây hiệu ứng tiêu cực trong dư luận xã hội. Sau khi Công an Hà Nội công bố kết luận, vụ việc một lần nữa lại dậy sóng. Lần này liên quan đến quyết định xử phạt hành chính phóng viên Quang Thế và một số câu từ trong kết luận.
Cụm từ “vung tay vào mặt” trong văn bản kết luận được báo chí, mạng xã hội đưa ra bình phẩm, chế diễu với những khái niệm như “gạt tay trúng má”, “vung tay vào má”... Xem clip và đối chiếu văn bản kết luận cho thấy, cách dùng từ ngữ ở điểm này chưa xác đáng. Song việc lấy câu từ đó để bình chế rồi lan truyền, nhạo báng đến hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ Công an, nhạo báng kết luận của Công an Hà Nội là điều rất không nên.
Vấn đề đặt ra: Giữa Công an và báo chí có gì “lấn cấn” mà từ những vụ việc như thế này, báo chí với sự cộng hưởng mạng xã hội đã thổi bùng dư luận?
Công an và Nhà báo, hai khái niệm này đâu có mâu thuẫn nhau cả trong logic và đời thực. Công việc giữa họ là khác nhau (việc của Công an trong những trường hợp trên là điều tra vụ án, bảo vệ trị an còn việc của nhà báo là mau chóng có tin, có ảnh). Giữa họ giao thoa ở một điểm: cả hai đều cần tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, Công an được tiếp cận, bảo vệ, khám nghiệm hiện trường còn nhà báo thì không có quyền đó.
Công an đến hiện trường là thực thi nhiệm vụ được cơ quan Nhà nước giao và bắt buộc anh phải có mặt. Còn nhà báo đến là động cơ nghề nghiệp, muốn có hình ảnh, thông tin càng cận cảnh càng tốt, để có những bức ảnh, thông tin sát nhất. Nghĩa là xét về pháp lý, công an đến hiện trường được pháp luật quy định còn nhà báo luật không quy định nhiệm vụ này; xét về động cơ, mục đích thì cả Công an, Nhà báo đều không có gì phải bàn.  
Công an chỉ tuân theo luật định khi thừa hành nhiệm vụ và theo cái áp chỉ ấy nên nhiều khi cũng cứng nhắc, chưa kể nhiều chiến sĩ với việc bắt bớ tội phạm thường ngày nên tính cách cũng rất hình sự, nóng nảy và khó kiềm chế. Trong khi nhà báo luôn xông pha và nhiều người cũng mắc cái tính gọi là “quyền lực thứ tư”, nói có ngạnh, buộc trời phải cúi, phật ý là... doạ tung lên báo. Hai cái khí cách ấy mà đụng nhau, chẳng hạ hoả thì rốt cục là như vụ việc này đây: công an tung cú đá, giật máy quay, nhà báo phản đòn bằng... viết bài, tung bài!
Công an có những quyền hạn trong pháp luật hình sự và pháp luật hành chính. Công an chịu sự giám sát của nhân dân, các tổ chức, đoàn thể. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, báo chí thực sự có vai trò phản biện và giám sát một cách nhanh chóng và hữu hiệu đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, trong đó có Công an. Điều này đặt ra tương tác về vai trò, hình ảnh Công an trên dư luận truyền thông.
Nhà báo có thể tạo dư luận, định hướng dư luận và cả chèo lái dư luận. Thế nên Nhà báo bị đánh khác với dư luận về Công an bị đánh (bao nhiêu vụ CSGT bị đánh giữa đường, dư luận không mấy để ý). Còn khi Nhà báo bị xâm hại, bị đánh, Nhà báo khác hẳn nhiên lên tiếng vì đồng nghiệp.
Nhà báo bị người khác đánh, chưa rõ đầu cua tai nheo đã rùm beng rồi (như vụ Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị “3 côn đồ” đánh hồi đầu năm), huống chi nay “bị Công an đánh”! Trong mối quan hệ đó, khi tranh luận về sự đúng sai hay để bảo vệ theo luồng quan điểm của mình, báo chí khởi tạo và chèo lái dư luận, gây nên những “cuồng phong” dữ dội. Người dân, họ không biết bản chất đích thực khi “bão” chỉ cuốn về một hướng. Cái sai của Công an bị đưa ra mổ năm xẻ bảy, còn cái sai của phóng viên chỉ... nằm trên kết luận cơ quan công an.
Việc không hay ấy giờ đây bị thổi lấn át những việc mà Công an đang làm hằng ngày. Cú “đá phóng viên trên cầu” hay “gạt tay trúng má” thì dư luận biết, rất biết và bàn tán, bình chế tràn lan, trong khi hàng trăm cảnh sát luồn rừng, mật phục gần tháng trời để lùng bắt kẻ thủ ác ở Lào Cai, hàng trăm cảnh sát căng mình phong tỏa các ngả đường, buộc kẻ gây thảm án ở Quảng Ninh tra tay vào còng, cái vất vả, gian nan ấy đâu có nhiều người hiểu và sẻ chia!
Cầu Nhật Tân, Công an cầu Nhật tân, Vung tay trúng má
Trong khi việc tốt nêu ra cũng ít người để ý (trong ảnh: CSGT Thuận An, Bình Dương xắn tay lấp ổ voi cho xe đi qua an toàn
Suy ngẫm ra, người mình vốn dĩ có tính tò mò, thích tìm hiểu, bàn luận chuyện xấu của người khác, rộng hơn là chuyện mặt trái của xã hội. Ngược lại, những gương sáng, những điển hình, dù có viết nhiều, đưa nhiều thì người đọc, người xem cũng hờ hững, dễ gạt sang bên. Tâm lý ấy tự khi nào nẩy sinh, chưa dễ gì sửa sang được. Người Công an cũng phải biết điều ấy để ứng xử sao cho phải.Tối 29-9, tức trùng với thời điểm Công an Hà Nội công bố kết luận vụ “Công an và Nhà báo xô xát”, trên mạng xuất hiện tin, ảnh Công an lấp ổ voi giúp tài xế. Nội dung nêu: Suốt nhiều giờ đồng hồ tối 29-9, hàng nghìn người dân cùng cánh tài xế lưu thông trên đường ĐT743 đoạn qua địa bàn khu phố Chiêu Liêu (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) không khỏi xúc động trước hình ảnh nhiều CSGT Công an thị xã Thuận An xắn tay áo, cùng nhau lấy xẻng múc đất đá san lấp những hố sâu và rộng trên mặt đường, giúp người dân cùng các phương tiện lưu thông qua khu vực này an toàn. Song đáng tiếc, những hình ảnh như vậy đã chìm trong cơn bão “gạt tay trúng má”! Hình ảnh đẹp hoàn toàn lép vế trước cuồn cuộn thông tin về mặt xấu.
Nhà báo và Công an, như trên đã nói, hai phạm trù đó không có gì mâu thuẫn nhau. Ngược lại, xét trong công việc, dù khác nhau song giữa hai bên có nhiều điểm để cần sự tương tác, hỗ trợ nhau. Thế nên, đừng vì lý do gì, vì hiện tượng nào không đúng, không đẹp mà băm năm xẻ bảy, xô ngã, phủ nhận cả nền đế vốn là bản chất, thuộc tính.
Xin trích lại lời phát biểu của Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại buổi gặp mặt báo chí nhân Ngày báo chí cách mạng 21-6-2016 vừa qua: “Tôi mong cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên phối hợp tuyên truyền để nhân dân nhận rõ được đầy đủ bản chất và hoạt động của lực lượng CAND, qua đó, tạo sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ và ủng hộ của toàn xã hội đối với các hoạt động của lực lượng CAND, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ lực lượng CAND hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”…
Những điều tôi viết ở đây khi mình vừa là Nhà báo, lại vừa Công an. Thế nên hẳn cái sự sẻ chia vì lẽ ấy mà cũng công bằng.
TheoĐăng Trường/CAND
'GẠT TAY QUÁ MẠNH' LÀ CƯỠNG HÌNH ĐOẠT LÝ
LÊ NGỌC SƠN / BVN 3-10-2016
clip_image002
Hình ảnh phóng viên Quang Thế của Báo Tuổi Trẻ bị “gạt tay vào má”. Ảnh: Minh Chiến
Sự việc hình ảnh, video các phóng viên bị đánh chảy máu mồm và đập máy ảnh nhẽ ra đã là một ví dụ điển hình để đốn chỉnh kỉ luật của lực lượng Công an Hà Nội, bảo vệ uy tín nghề nghiệp và sự chính trực của lực lượng. Tiếc rằng, cách giải thích kiểu “cưỡng hình đoạt lý” của Công an Hà Nội về việc công an chỉ “gạt tay trúng má”, “gạt tay vào máy quay”,... đã không phải là một cách giải thích hợp lý để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Trước hết, tôi cho rằng, để xảy ra vụ xô xát là một việc không đáng có, mà sai phạm có thể đến từ cả hai phía. Tôi cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng, và Công an Hà Nội nhẽ ra có thể đưa ra cách xử lý tốt hơn.
Trong ngôn sử, có truyền lại câu chuyện rằng: có một bạo chúa, mải mê gái gú quên việc triều chính. Tầm sáu giờ chiều mới bắt đầu việc thiết triều. Một viên quan đứng ra khuyên bảo, không nên bắt đầu việc thiết triều khi mặt trời gác núi phía Tây, coi thường việc nước là một đại hoạ.
Bạo chúa tự ái, lên mặt: - Ta không cho rằng mặt trời gác núi phía Tây, đó là lúc mặt trời mọc: Mặt trời mọc ở đằng Tây, lặn ở đằng Đông. Kẻ nào nói ngược, đem trảm. Rồi đem chém tất cả những người cương trực, dám cãi lời. Tự cho mình phán mặt trời mọc ở đằng Tây lặn ở đằng Đông, và bắt buộc mọi người phải tin, là việc của những kẻ thô bạo, cậy quyền, lộng thế.
Việc những bức hình phóng viên bị đánh được lan truyền trên mạng rõ ràng, nhưng Công an Hà Nội “định nghĩa lại” theo ý kiến của người có quyền - về bản chất, chẳng khác nào việc phán “mặt trời mọc ở đằng Tây lặn ở đằng Đông” vậy. Cưỡng hình đoạt lý là một cách làm của những người cậy nắm trong tay quyền thế. Nhưng trong một xã hội dân chủ mà ta đang hướng tới, đây là việc làm để lại những hậu quả khôn lường.
Dưới góc nhìn của một người làm nghiên cứu về quản trị khủng hoảng, tôi cho rằng đây là một cách giải quyết không ổn, để lại những thiệt hại to lớn và vô hình.
Thứ nhất, người dân có thể nghĩ rằng quyền lực thuộc về kẻ mạnh, không tin vào sự công chính bình đẳng cho tất cả mọi người, điều mà mọi nhà nước dân chủ đều tôn thờ như lẽ sống còn. Việc này kéo dài và dồn tích đủ lớn, sẽ bào mòn tính chính danh của quyền lực Nhà nước.
Thứ hai, việc “cưỡng hình đoạt lý” chỉ góp phần dồn tích các ẩn ức xã hội. Những ẩn ức này gia tăng đến một ngưỡng cộng hưởng nào đó, sẽ rất nguy hiểm cho sự an nguy của quốc gia.
Thứ ba, những hành vi bạo lực là hoàn toàn lạc lõng trong một xã hội văn minh, pháp quyền tối thượng. Nuông chiều, bảo vệ cho những hành vi đó không có lợi cho hình ảnh của Công an Hà Nội lẫn sự tiến bộ của đất nước.
Thứ tư, cưng chiều sai phạm của cấp dưới sẽ là cảm hứng của nạn kiêu binh. Những viên công an thuộc cấp sẽ nghĩ rằng dù mình làm sai cũng có cấp trên che đậy. Họ ảo tưởng về quyền lực được nhân dân (mà đại diện cho dân là Nhà nước) giao phó.
Thứ năm, cố “bới lông tìm vết”, nặn cho ra mọi lỗi để gán cho anh phóng viên và phạt bằng được, dễ làm công chúng cho rằng đó là sự nhỏ nhen và sử dụng công quyền tuỳ tiện, như là một sự “dằn mặt” đối với giới báo chí. Điều này, một lần nữa khiến công chúng nghĩ đến sự tuỳ tiện khi sử dụng công lực.
Quyền lực của bất kỳ nhà nước nào tất lẽ đều thuộc về nhân dân. Đó là sự công chính và lẽ trường tồn của mọi nhà nước. Sử dụng quyền lực, vì vậy, cũng phải công chính và đại diện ý chí của người dân. Sử dụng vũ lực thô bạo tuyệt nhiên không phải là mong muốn của người dân nước Việt, và càng không phải là ý chí thực sự của Nhà nước ta.
Tôi còn nhớ, khi còn là một sinh viên báo chí, thầy giáo luôn dạy: “Phải luôn nhớ báo chí là miệng lưỡi của Đảng và Nhà nước”. Ông nhấn mạnh liên tục, và dặn dò khi thi phải có câu này mới được điểm cao. Báo chí là miệng lưỡi, nhưng những ngày này “miệng lưỡi” bị “những cánh tay” rượt đuổi, đánh hộc máu mồm.
Có lẽ, về vai trò thực sự của báo chí, để không phải chỉ là khẩu hiệu suông, cần nghiêm chỉnh xử lý những kẻ kiêu binh thách thức tự do báo chí. Chỉ một khi chúng bị trừng trị đích đáng, sự tôn nghiêm của pháp luật mới được đảm bảo, việc làm hao tổn tính chính danh của quyền lực sẽ được ngăn chặn, mới hạn chế được suy nghĩ rằng trong xã hội mọi công dân đều bình đẳng, nhưng có một số nhóm công dân bình đẳng hơn một số nhóm công dân khác.
Mọi nền tảng của một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật cần xây dựng trên sự khoan dung, trí tuệ, thay vì dung dưỡng sự bạo cường của nhân viên công lực.
Dùng mẹo “cưỡng hình đoạt lý” để xử lý cuộc khủng hoảng, Công an Hà Nội đang đối diện với một cuộc khủng hoảng thứ cấp, mà khó có thể có tên gọi nào khác hơn là: cuộc khủng hoảng niềm tin.
L.N.S.
CÁI ÁC ĐƯỢC DUNG TÚNG 
PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ BVN 2-10-2016
Công cụ bạo lực nhà nước tùy tiện giáng bạo lực xuống dân lành là chỉ dấu, là bằng chứng của một nhà nước suy đồi và một xã hội bất an. Sự suy đồi và bất an càng nghiêm trọng hơn khi con người công cụ nhà nước sử dụng bạo lực với dân không được nghiêm khắc nhìn nhận và ngăn chặn lại được bao che, dung túng.
Nhảy thách lên, toàn thân cong như một cánh cung và dồn toàn bộ sức bật của cánh cung cơ bắp đó vào cú phóng chân đầy uy lực đá thẳng vào mạn sườn một thân hình mảnh mai tay khư khư ôm chiếc túi nhỏ bên người. Khi tiếp cận kẻ hứng đòn vừa tầm tay tấn công, cánh cung cơ bắp lại dồn hết sức mạnh vào nắm đấm thoi thẳng vào mặt nạn nhân. Không kịp chống đỡ và cũng không biết chống đỡ, phải hứng trọn liên tiếp những cú ra đòn của một thế đánh thuần thục, bài bản đầy sức mạnh, máu mồm kẻ lãnh đòn trào ra. Sự việc diễn ra trên cầu Nhật Tân vắt qua sông Hồng lịch sử ngay cửa ngõ đất kinh kì Thăng Long ngàn năm văn vật một ngày thu nắng đẹp 23.9.2016 giữa thời bình yên.
Người tung thế võ hiểm ra đòn là Ngô Quang Hưng, cảnh sát hình sự công an huyện Đông Anh, Hà Nội và người hứng trọn cú đòn độc hộc máu mồn là Trần Quang Thế, phóng viên báo Tuổi Trẻ. Cả hai đều là người Việt Nam, cùng một thế hệ thanh niên, cùng sống trong một thời mà như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.
Công an và nhà báo cùng đến hiện trường làm phận sự của mình, công an điều tra và nhà báo lấy tin về một vụ việc dân sự không phải là an ninh chính trị, không phải là bí mật nhà nước vì thế công an và nhà báo đều bình đẳng, có thể hợp tác, hỗ trợ nhau. Nhưng ỷ thế là quyền lực nhà nước, là công cụ bạo lực con cưng của Đảng cầm quyền tồn tại bằng bạo lực, lại muốn độc quyền khai thác sự việc, công an đã xua đuổi nhà báo và thế võ nghiệp vụ trấn áp tội phạm của công an hình sự đã được phô diễn với nhà báo chỉ biết khư khư giữ túi đồ nghề làm báo.
Công cụ bạo lực nhà nước tùy tiện giáng bạo lực xuống dân lành là chỉ dấu, là bằng chứng của một nhà nước suy đồi và một xã hội bất an. Sự suy đồi và bất an càng nghiêm trọng hơn khi con người công cụ nhà nước sử dụng bạo lực với dân không được nghiêm khắc nhìn nhận và ngăn chặn lại được bao che, dung túng. Người lính công an lao tới trong thế võ độc cước phóng chân đá vào mạn sườn và thoi nắm đấm vào mặt nhà báo được người chỉ huy công an bao che, biện bạch trơ trẽn là “gạt tay trúng má nhà báo”.
Bao che lấy được cho bạo lực mất tính người, bao che lấy được cho cái ác, bất chấp sự thật hiển nhiên trước sự chứng kiến tại chỗ của nhiều người và được ghi hình đưa lên mạng xã hội cho cả xã hội chứng kiến. Bao che bất chấp sự thật hiển nhiên đó là sự phỉ báng lòng trung thực không thể thiếu ở con người chân chính.
Bao che cho bạo lực vô lối là bao che cho cái ác phản con người, phản văn hóa. Bao che cho cái ác là sự vô cảm, không còn lương tâm để bất bình trước cái xấu, cái ác lộng hành.
Bao che cho cấp dưới làm điều tồi tệ đến mức ứng xử côn đồ với dân lành, sự bao che đó đã không còn biết đến danh dự và bổn phận của người công an nhân dân.
Coi chuyện công an vô cớ đánh hộc máu dân lành chỉ là chuyện thường, người vô cớ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với dân chỉ bị khiển trách nhẹ nhàng như thú nhận rằng bạo lực với dân như đã trở thành phương cách hành xử, như đã là qui trình làm việc của công an.
Công an tùy tiện sử dụng bạo lực với dân được bao che, dung túng và dân lành bị công an đánh hộc máu, đánh đến chết diễn ra khắp nơi trên cả nước, kéo dài suốt năm này qua năm khác. Dựa vào bạo lực để tồn tại, Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã quá chăm bẵm, o bế, nuông chiều công an và lực lượng công an đông đúc chưa từng có đã trở thành kiêu binh ngạo nghễ thoải mái dùng bạo lực với dân là nỗi ám ảnh khủng khiếp, nỗi bất an thường trực của người dân và là nỗi bất an của cả xã hội giữa thời yên hàn.
Ôi một thời đại rực rỡ!
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN.
KHI QUYỀN LỰC TỐI THƯỢNG ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG ? 
CAT LINH/ RFA/ BVB 2-10-2016
<<Vụ phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ bị một số cảnh sát mặc thường phục tấn công như phim hành động, gây bất bình trên truyền thông chính thức cũng như mạng xã hội.
Những hình ảnh được báo chí chính thức phổ biến cho thấy công an thường phục phi thân đá và đấm vào đầu gây thương tích cho phóng viên Quang Thế, cũng như giật và làm hư máy ảnh của anh.
Vụ tấn công xảy ra sáng 23/9 khi phóng viên báo Tuổi Trẻ đi tìm hiểu vụ một tài xế tử vong dưới chân cầu Nhật Tân, huyện Đông Anh Hà Nội. Những người tấn công phóng viên Quang Thế đã được Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh xác nhận là cảnh sát hình sự dưới quyền ông.
Sáng nay 24/9 Sở Công an Hà Nội đã giao văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh vụ việc. Trước đó cũng trong buổi sáng Hội Nhà báo Việt Nam đã gửi văn bản tới Công an Hà Nội đề nghị nhanh chóng làm rõ vụ việc để tránh điều gọi là tạo tiền lệ xấu. Ông Phan Hữu Minh Trưởng ban kiểm tra Hộ Nhà báo Việt Nam nói với VnExpress rằng,  hành vi xâm phạm than thể nhà báo, cản trở gây khó dễ cho việc tác nghiệp là trái với Luật Báo chí cũng như quyền hành nghề của nhà báo trên lãnh thổ Việt Nam.>>
*         *         *
Trong thời gian chỉ hơn một tuần, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hai sự việc có liên quan đến lực lượng công an, gây bức xúc dư luận. Sự việc gây thêm nhiều tranh cãi sau khi sự việc kết thúc mà cơ quan có thẩm quyền không đưa ra lời giải thích rõ ràng thoả đáng, thậm chí có những yêu cầu được cho là không hợp lý.
Vì sao lực lượng công an, một lực lượng đóng vai trò giữ tính nghiêm minh pháp lý trong xã hội lại có những hành động mà mọi người đều cho là trái pháp luật?
Dung dưỡng, bao che 
Vụ việc phóng viên Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội bị hành hung khi đến tác nghiệp tại cầu Nhật Tân hôm 23 tháng 9 chưa kịp lắng xuống thì tối ngày 29 tháng 9, ở khu vực Hồ Con Rùa, TP Hồ Chí Minh, dư luận lại dậy sóng trước hành vi một cán bộ công an Phường Quận 3 nắm tóc, kéo lê một người phụ nữ.
Cách xử lý những hành vi sai phạm của lực lượng công an, luôn luôn là dung dưỡng, bao che. Nhiều trường hợp đã quá rõ, ai cũng thấy. - Nhà báo Trương Duy Nhất
Hành vi của người thi hành công vụ ở hai miền Nam, Bắc này không phải là những sự việc đầu tiên được lan truyền trên mạng xã hội. Rất nhiều những vụ việc được chia sẻ rộng rãi từ trước đến nay như công an phường, xã vẫn có thể lôi kéo một người dân nhốt vào trụ sở phường, xã; hoặc một công an khu vực có thể gõ cửa kiểm soát nhà dân vào lúc nửa đêm mà không trình lệnh khám xét; hoặc cảnh sát giao thông chặn người dân lưu thông đường để tra hỏi giấy tờ bất cứ lúc nào…
Tất cả những hình ảnh đó được nhà báo Trương Duy Nhất giải thích rằng do luật pháp Việt Nam quá nặng về nghĩa bảo vệ cho các hành vi của phía công an.
“Cách xử lý những hành vi sai phạm của lực lượng công an, luôn luôn là dung dưỡng, bao che. Nhiều trường hợp đã quá rõ, ai cũng thấy. Như trong cuộc biểu tình năm 2011, một sĩ quan công an đứng trên xe buýt đạp vào mặt người dân.”
“Những hành vi của anh cảnh sát như thế là hành vi côn đồ, phải được xử lý nghiêm. Nhưng kẻ hành hung đó lại không bị kiểm điểm, thậm chí chỉ khiển trách, cảnh cáo thôi. Trong khi đó lại phạt hành chính anh nhà báo kia.”
Một điều đặc biệt mà những người quan tâm đến luật pháp Việt Nam đều nhận thấy, đó là những bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam được giao cho chính lực lượng công an soạn.
Chính vì điều này mà nhà báo tự do Trương Duy Nhất cho rằng luật pháp được xây dựng luôn nặng về ý nghĩa làm sao để cho cơ quan công quyền dễ hành xử hơn, bảo vệ quyền lợi của cơ quan đó chứ không phải tìm cách để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Một nhận định khác từ bác sĩ Đinh Đức Long, nguyên trung tá quân đội Việt Nam cũng có cùng một lập luận:
“Xưa nay (trong pháp luật) bao giờ họ cũng bênh người thi hành pháp luật, cụ thể là cơ quan hành pháp luôn bảo vệ nhau. Thế còn người dân thấp cổ bé họng thì rất khó vì không ai bảo vệ, mặc dù có bằng chứng rành rành nhưng họ vẫn cố tình bóp méo đi.”
Cựu tù nhân công giáo, Trần Minh Nhật đưa ra nhận xét về những người làm luật, có trách nhiệm giữ gìn pháp luật lại chính là những người không biết luật, hoặc là biết mà cố tình làm ngơ:
“Xét ở 1 phạm vi tổng thể thì mình nhận thấy là bức tranh pháp luật ở Việt Nam đa phần là không biết, mà có biết cũng làm ngơ, hoặc ép người ta theo ý của mình. Đây không phải là pháp trị nữa mà là nhân trị, hay đa số trị.” 
Trở lại với sự việc phóng viên Trần Quang Tuấn bị hành hung, đập phá máy ảnh trên cầu Nhật Tân, đại tá Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội trả lời báo chí rằng đó là hành động gạt tay, chân chứ không phải đánh phóng viên. Tuy nhiên, rất nhiều hình ảnh và video lan truyền trên mạng cho thấy sự việc không như lời giải thích của ông Nguyễn Duy Ngọc và càng làm cho dư luận những ngày qua bày tỏ sự bất bình trước hành vi của lực lượng công an. Nhà báo Trương Duy Nhất cho biết:
“Những phản ứng giận dữ trong sự việc đó đa phần trên mạng, chứ còn các toà báo phản ứng rất yếu ớt. Những hành vi với phóng viên như thế phải thuê luật sư khởi tố. Chính cái đó làm cho công an càng thêm lậm quyền và hành vi đó càng ngày càng nhiều hơn. Chưa bao giờ hình ảnh công an tệ đến mức như bây giờ.”
Quyền lực tối thượng? 
Câu chuyện của những người dân bị triệu tập vào đồn công an, trải qua thời gian xét hỏi, giam giữ và cuối cùng là… chết vì một lý do nào đó không còn là những tin tức xa lạ với người dân trong nước. Tuy nhiên, dư luận chưa bao giờ bày tỏ sự đồng tình với những lý do mà phía lực lượng công an đưa ra.
Nói về điều này, bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng:
Họ đã bế tắc hoàn toàn, cố tình bất chấp mọi phán xét dư luận và chà đạp lên hệ thống pháp luật để bao che cho hệ thống hành pháp, cụ thể là công an. - Bác sĩ Đinh Đức Long: “Nó là cái trò hề nực cười. Nó thể hiện rằng họ đã bế tắc hoàn toàn, cố tình bất chấp mọi phán xét dư luận và chà đạp lên hệ thống pháp luật để bao che cho hệ thống hành pháp, cụ thể là công an.” 
Khi một quyền lực, nhất là quyền lực của người cầm dây cương pháp luật, người thi hành công vụ được đặt trong một xã hội thiếu dân chủ thì nghiễm nhiên, quyền lực ấy có sức mạnh đàn áp tất cả dù là tự vệ từ phía người khác. Đó là nhận định của nhà báo Trương Duy Nhất.
“Một đất nước thiếu dân chủ cho nên tạo nên tâm lý người Việt sự sợ hãi quá, nhìn công an là thấy sợ, mà không ý thức được quyền của mình. ngay cả một toà báo cũng không dám đấu tranh. Càng ngày càng tạo cho lực lượng công an trở thành như một lực lượng kiêu binh của chế độ.”
Trần Minh Nhật thì cho rằng sự tồn tại của quyền lực tối thượng ấy một phần là do: “Yếu tố bình đẳng trước pháp luật và đời sống không thực dự hoàn toàn, vì nền tảng dân chủ của mình còn rất thấp.”
“Công an đánh phóng viên không xử lý nghiêm, ngày mai sẽ đánh ai?”, đó là câu nói được dư luận ví von theo lời phát biểu của Bộ trưởng Công an Tô Lâm khi nói về công tác phòng chống tội phạm “Hôm nay cướp bánh mì, ngày mai sẽ cướp gì?”
Một câu hỏi về một quyền lực và công bằng trong xã hội mà chưa có câu trả lời.
Cát Linh/(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét