Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

20161019. BÀN VỀ 'BÁO CÁO VIỆT NAM 2035'

ĐIỂM BÁO MẠNG
VIỆT NAM-GIẤC MƠ 2035
XUÂN DƯƠNG/ GD 19-10-2016
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 (bên trái) và ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB công bố Báo cáo Việt Nam 2035 (Ảnh: Báo Đầu tư).
Báo cáo “Chỉ số hạnh phúc toàn cầu” (Happy Planet Index - HPI) do Quỹ kinh tế mới (New Economics Foundation - NEF,  Anh Quốc) công bố cho thấy Việt Nam xếp thứ 5 trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Theo kết quả nghiên cứu mà InterNations vừa công bố, năm 2016 Việt Nam xếp thứ 11 trong danh sách những điểm đến hấp dẫn nhất đối với người nước ngoài (sinh sống và làm việc), tăng 24 bậc so với năm 2015.
Việt Nam có nguy cơ “đứng đầu” thế giới về ô nhiễm môi trường là nhận định được đăng trên hầu hết phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo Daily Mail, một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Đại học Nottingham cho thấy các cá nhân trong xã hội có mức độ tham nhũng, gian lận chính trị thấp có độ trung thực cao hơn so với các cá nhân ở những nơi tham nhũng và gian lận chính trị giữ địa vị chi phối, độ trung thực của người Việt trong nghiên cứu này xếp hạng “đội sổ”! [1]

Việt Nam trong con mắt người nước ngoài, lúc đứng đầu, lúc đội sổ, tại sao thế?Việt Nam “đội sổ về đóng góp cho nhân loại” là kết quả khảo sát được báo Independent đăng tải, theo đó Iraq, Libya và Việt Nam là ba quốc gia xếp hạng cuối cùng trong danh sách công bố. [2]
Ngày 25/2/2016 Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức công bố “Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035” (dưới đây viết là báo cáo).
Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035” gồm 7 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển:
Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước”.
Báo cáo cũng đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng để Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Một trong những khuyến nghị quan trọng ở trụ cột thứ nhất trong báo cáo là đã chỉ rõ sự méo mó của nền kinh tế thị trường “có định hướng” của Việt Nam, báo cáo viết:
“Do theo đuổi nhiều mục tiêu, trong đó lợi nhuận không phải là ưu tiên, cùng với các ưu đãi méo mó nên các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả.
Thứ nhất, là sự thương mại hóa trong quản trị Nhà nước (Tr. 30); điều này dẫn đến sự hình thành một tầng lớp doanh nhân hoặc nằm trong Nhà nước hoặc có quan hệ chặt chẽ với quan chức Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục giữ vị trí thống lĩnh trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế…” (Tr. 31)
Nhận định trong báo cáo đã được người viết đề cập trong bài viết “Đâu là tế bào gốc của xã hội nhóm lợi ích?” nên sẽ không tiếp tục bàn luận ở đây. [3]
Trong phần trụ cột thứ hai “Công bằng và hòa nhập xã hội”, Báo cáo viết:
“Kết quả thành tựu đạt được trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai và những dấu hiệu gia tăng bất bình đẳng đang bắt đầu nổi lên.
Hướng tới năm 2035, Việt Nam sẽ đối diện với chương trình nghị sự kép: chương trình nghị sự chưa hoàn thành về đảm bảo bình đẳng cơ hội và cần một chương trình nghị sự mới về sự phát triển của tầng lớp trung lưu và dân số đang già đi.
Bất bình đẳng về thu nhập là điều hiển nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng bất bình đẳng về cơ hội là bất công, không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.
Bình đẳng về cơ hội là không phụ thuộc vào hoàn cảnh khi sinh ra và là “sân chơi công bằng” cho mọi người để họ đều có cơ hội như nhau để thành công”.
Khái niệm “bất bình đẳng về cơ hội” trong báo cáo chủ yếu cập đến “nhóm người yếu thế” (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người nhập cư đô thị) mà chưa đề cập một cách toàn diện các đối tượng khác.
Thật ra sự “bất bình đẳng về cơ hội” đã được bày tỏ từ nhiều góc độ khác nhau, trên hầu như tất cả các diễn đàn, từ báo chí đến nghị trường Quốc hội và các văn kiện của Đảng.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài “Con ông cháu cha” và công tác cán bộ ngày 22/8/2016 đã nêu ý kiến:Nhiều câu nói đã trở thành thành ngữ, chẳng hạn “cả họ làm quan”, “đồng chí này là con đồng chí nào”, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét phút thứ 89”, công tác nhân sự kiểu “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ”,…
Câu chuyện “con ông cháu cha” xung quanh công tác cán bộ không phải là mới, nhưng gần đây ồn ào trở lại làm cho quan niệm về số phận của người dân bao lâu nay cho rằng “con quan thì lại làm quan” lại được bàn tán sôi nổi.
Bởi xét từ nhiều góc độ, công tác cán bộ của chúng ta lâu nay vẫn còn không ít bất cập, nhất là tình trạng “chọn người nhà chứ không chọn người tài”.
Có thể cho rằng đây là bổ sung rõ nhất về sự “bất bình đẳng cơ hội” mà báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 không hiểu sao chưa đề cập cặn kẽ.
Người viết cho rằng nhận định “Bất bình đẳng về thu nhập là điều hiển nhiên trong nền kinh tế thị trường” chỉ đúng nếu đó là nền kinh tế thị trường đầy đủ, bị chi phối bởi quy luật cung cầu chứ không phải trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.
Bằng chứng là có vị nguyên Thứ trưởng đã phát biểu: “lương hưu của Thứ trưởng chỉ băng lương hưu ông Trung tá”, trong khi lương của lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước cao hơn rất nhiều so với lương của người đứng đầu Chính phủ!
Một thực tế khác không dễ phủ nhận sự “bất bình đẳng về cơ hội” là cư dân thành thị, những người nghèo, ít tiền, không thuộc “nhóm yếu thế” cũng vẫn khó tiếp cận các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục cao cấp.
Khi báo Tuoitre.vn nêu câu hỏi ​“Tại sao con em nông dân mới phải đi bộ đội?” [4]thì báo Infonet.vn [5] lại nêu ý kiến “Quan chức cho con cháu định cư ở nước ngoài là tấm gương xấu cho xã hội".
Sở dĩ con cháu quan chức có thể định cư ở nước ngoài bởi họ được đưa ra nước ngoài học tập từ bậc phổ thông, Đại học, còn con em công nhân, nông dân chỉ mong chờ một suất học bổng toàn phần.
Người Việt vốn thông minh mà quan chức thì hẳn phải “thông minh” hơn người thường nên con cháu họ học xong định cư ở nước ngoài hầu như không gặp bất kỳ khó khăn to lớn nào.
Vậy đâu là cội nguồn của sự “bất bình đẳng về cơ hội” khi lý tưởng của chúng ta là xây dựng một Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”?
Điều này đã được lý giải trong trụ cột 3: “Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình”.
Có hai nhóm chỉ số mà Việt Nam đạt thành tích khá thấp.
Thứ nhất, chỉ số trọng lượng tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình của chính quyền ở Việt Nam vẫn nằm ở nhóm mười quốc gia thấp nhất, và so với các quốc gia khác thì thứ hạng này từ năm 1996 tới nay lại có xu hướng giảm đi.
Thứ hai, Việt Nam cũng có thứ hạng rất thấp so với các quốc gia thu nhập trung bình thấp và các quốc gia thu nhập trung bình cao về chỉ số chất lượng điều tiết kinh doanh”.
Có thể thấy mấu chốt của sự bất bình đẳng trong xã hội là do “chỉ số trọng lượng tiếng nói của người dân” và “trách nhiệm giải trình của chính quyền” - tức là sự minh bạch - “từ năm 1996 tới nay lại có xu hướng giảm đi” khiến quốc gia nằm trong “nhóm mười quốc gia thấp nhất “.
Khi sự minh bạch giảm xuống và tiếng nói của người dân không còn nhiều “trọng lượng” thì cũng có nghĩa là quyền lực đã chuyển từ phía người dân sang phía khác.
Khi WB và Chính phủ thống nhất nhận định, rằng “chỉ số trọng lượng tiếng nói” của dân liên tục suy giảm suốt 10 năm (tính từ 1996) thì cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân có còn giữ đúng vai trò mà Hiến pháp quy định?
Tiếng nói của cơ quan này tăng hay giảm trong 10 năm qua, nếu tăng thì vì sao “chỉ số trọng lượng tiếng nói của nhân dân” lại giảm?
Trả lời câu hỏi này có thể tìm thấy ngay trong báo cáo (Tr. 97): “Trong cả hai lĩnh vực thượng tôn pháp luật và kiểm soát tham nhũng”, Việt Nam có kết quả “thấp hơn mức của các quốc gia thu nhập trung bình cao và chỉ tương đương hoặc cao hơn một chút so với mức của các quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Vấn đề “thượng tôn pháp luật và kiểm soát tham nhũng” của nước ta được xếp vào loại “trung bình thấp” chứ chưa được loại “trung bình”.Hạng mức tương đối của Việt Nam so với các quốc gia khác về cơ bản không thay đổi trong cả hai nội dung vừa nêu kể từ năm 1996”.
Sự suy giảm suốt 10 năm mà báo cáo đề cập có nguồn gốc từ hiện tượng suy thoái đạo đức một bộ phận cán bộ đảng viên và cần nhấn mạnh rằng đó không phải mới xảy ra trong 10 năm gần đây mà có “lịch sử” một phần tư thế kỷ - từ năm 1992.
Trả lời phỏng vấn Vov.vn ông Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng:
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không phải bây giờ mới đặt ra mà Đảng ta đã đặt ra từ rất sớm khi tiến hành công cuộc đổi mới.
Từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII (6/1992), Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (năm 1999), Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (1/2012) đã đề cập đến vấn đề này”. [6]
Người nước ngoài đánh giá Việt Nam lúc đứng đầu, lúc đội sổ là tùy vào góc nhìn, điều này không phải là nghịch lý.
Quan trọng là người Việt Nam có thực sự cảm thấy mình xứng đáng đứng đầu trong những lĩnh vực mà nước ngoài ca ngợi hay không.
Người nước ngoài thấy Việt Nam là nơi đáng sống vì Tổng thống Mỹ chỉ cần 6 USD là có bữa bún chả ngon lành, đi khắp Thủ đô Hà Nội, chỗ nào cũng thấy quán nhậu hè phố… Thấy người Việt hay cười đó là “chỉ số cảm nhận hạnh phúc” cao.
Việt Nam đang tiệm cận vị trí đứng đầu thế giới về ô nhiễm môi trường bởi công nghệ lạc hậu được cho phép nhập về, bởi khói, bụi, rác thải…, bởi cá chết trắng biển, trắng sông, trắng hồ và cũng còn bởi những kẻ kinh doanh vô lương tâm đang hàng ngày đầu độc người Việt bằng “hàng hóa chất lượng cao” như kết quả khảo sát của Báo Thanh Niên cho thấy, “90% nước mắm có độ đạm cao nhiễm thạch tín vượt ngưỡng cho phép”. [7]
Người ta đánh giá Việt Nam là nước “đội sổ” trong cống hiến cho nhân loại, bởi với đội ngũ Giáo sư, Tiến sĩ vào loại “hùng hậu” nhất Đông Nam Á nhưng chúng ta chưa có công trình khoa học, nghệ thuật nào được thế giới vinh danh ngoại trừ một số di sản thiên nhiên vốn không do con người tạo ra.
Người Việt ngày nay có giấc mơ riêng của mình?
Không phải là không có, nhưng mơ mà không tỉnh dậy bắt tay làm việc thì vẫn chỉ là mơ, đôi khi là mơ giấc mơ của người khác, thậm chí bị ước mơ của người khác làm lóa mắt.
Chúng ta từng mơ đến 2020 nước mình thành một nước công nghiệp, nay thì điều đó không còn là mục tiêu phấn đấu nữa.
Chúng ta đã mất 25 năm để chống suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phậnkhông biết có còn là “không nhỏ” cán bộ, đảng viên, liệu với 20 năm tương lai, chúng ta có khắc phục được?
Và như thế, Việt Nam sẽ thành một nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035 liệu có đúng là giấc mơ của người Việt?
Còn nữa...
Tài liệu tham khảo:
[2] http://www.independent.co.uk/news/uk/home-news/ireland-is-the-best-country-in-the-world-according-to-good-country-index-9557358.html
[3] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Dau-la-te-bao-goc-cua-xa-hoi-nhom-loi-ich-post171210.gd
[4] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141121/tai-sao-con-em-nong-dan-moi-phai-di-bo-doi/674610.html
[5] http://infonet.vn/quan-chuc-cho-con-chau-dinh-cu-o-nuoc-ngoai-la-tam-guong-xau-cho-xa-hoi-post195650.info
[6] http://vov.vn/chinh-tri/dang/dan-biet-ro-can-bo-tot-hay-xau-co-tham-nhung-hay-khong-559346.vov
[7] http://giaoduc.net.vn/Kinh-tế/Phải-công-khai-90-nước-mắm-cao-đạm-nhiễm-thạch-tín-là-của-thương-hiệu-nào-post171560.gđ
   (tiếp theo)
Như đã đề cập trong bài trước, trụ cột thứ 3 “Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình” và có lẽ là vấn đề cần phải tìm hiểu nhiều nhất trong Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035.
Nhà nước, theo quan điểm của học thuyết Mác - Lênin là một tổ chức xã hội đặc biệt của quyền lực chính trị, được giai cấp thống trị thành lập nhằm thực hiện quyền lực chính trị của mình.
Nhà nước vì thế mang bản chất giai cấp, đó là quan điểm hàng trăm năm trước.
Đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, theo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (khoản 2 điều 2).
Như vậy quan điểm “Nhà nước mang bản chất giai cấp” đã có những thay đổi căn bản, Hiến pháp không đề cập đến “quyền lực chính trị của giai cấp thống trị” - tức là vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân - mà là “quyền lực của Nhân dân” với sự liên minh của ba lực lượng công nhân, nông dân, trí thức.
Có thể thấy còn một lực lượng mà vai trò càng ngày càng quan trọng nhưng chưa được đề cập là tầng lớp doanh nhân - đội ngũ này ngày càng đông đảo và đang hình thành khả năng chi phối mọi hoạt động kinh tế nội địa cũng như kinh tế đối ngoại.
Khi nói đến “Nhà nước pháp quyền” tức là nói về quyền lực Nhà nước, không phải những quyền cụ thể của công dân hay quyền con người…Mục tiêu đến 2035 là hoàn thiện một “Nhà nước pháp quyền hiệu quả”. (Tr. 21)
Một “Nhà nước pháp quyền” theo nghĩa phổ quát, được tất cả các thể chế chính trị công nhận là quyền lực nằm trong tay Nhà nước phải được phân định sao cho có sự giám sát để không thể lộng quyền.
Các “quyền” này (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải độc lập với nhau như cái cách mà phương Tây gọi là “Tam quyền phân lập”.Nói cách khác “Nhà nước pháp quyền” phải minh bạch các quy định về quyền của chính mình dựa trên “Luật về quyền” (lập pháp, hành pháp và tư pháp), tuy nhiên cho đến nay chúng ta chưa có “Luật về quyền” ngoại trừ những quy định trong Hiến pháp.
Sự ràng buộc chồng chéo cả ba “quyền” này trong một cơ chế mơ hồ kiểu “Liên ngành” khiến cho nhà nước khó vận hành, khiến cho hiện tượng “cát cứ” có điều kiện nảy sinh và không thể kiểm soát.  
Chính vì thế báo cáo đã nhấn mạnh đến “rào cản thể chế đối với sự phát triển tại Việt Nam” (Tr. 98), theo đó hoạt động của Nhà nước đang rơi vào tình trạng:
Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế; cấu trúc Nhà nước cát cứ và manh mún; còn ít sự kiểm soát và cân bằng - chưa phát huy tiếng nói và sự tham gia của người dân”.
Có vẻ như chúng ta đang nhấn mạnh đến “Nhà nước pháp quyền” trong khi lại chưa có nhận thức chính xác về “Nhà nước pháp trị”.
Có ý kiến cho rằng chúng ta đang thực thi “pháp trị” theo nghĩa là dùng pháp luật để cai trị?
Với Nhà nước pháp quyền thì quyền lực tối thượng thuộc về pháp luật, người dân, quan chức hay các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan quyền lực đều bị pháp luật quản lý.
Trước pháp luật, công dân, quan chức hay cơ quan công quyền đều bình đẳng, tuy nhiên chuyện “quan luôn thắng dân” vẫn là một thực tế diễn ra hàng ngày.
Nếu “pháp trị” được hiểu là sự “cai trị bằng pháp luật” thì pháp luật (lúc này) trở thành công cụ mà chủ thể nắm quyền cai trị sử dụng để điều hành Nhà nước.
Các nước tư bản hiểu “pháp trị” là “pháp luật cai trị” tức là pháp luật giữ địa vị thống trị, như thế “pháp trị” đã tiệm cận với “pháp quyền”.Một khi luật pháp biến thành công cụ cai trị thì khả năng dễ xảy ra là đến một lúc nào đó, sẽ xuất hiện một lực lượng thâu tóm hết quyền lực, đứng trên quyền lực Nhà nước và trở thành độc quyền.
Người viết đồng tình với một ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng đăng trên tạp chí Tia sáng của Bộ Khoa học và Công nghệ:
Với ý nghĩa bình đẳng trước pháp luật, tất cả các công dân đều ngang quyền với Nhà nước. Không thể có chuyện, mọi vi phạm của người dân đều bị trừng trị, còn mọi vi phạm của Nhà nước (hoặc của các quan chức Nhà nước) đều được cho qua.
Không thể có chuyện, cấm người dân đi xe máy để những người đi ô tô có đường đi thông thoáng hơn”. [1]
Làm thế nào để xây dựng một Nhà nước pháp quyền “hiệu quả” khi mà “Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế”?
Câu hỏi này có thể diễn giải cách khác, một khi Nhà nước dành quỹ thời gian và nguồn lực cho hoạt động kinh doanh, buôn bán thì vai trò quản lý của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Nhận thức về điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa”!
Cũng cần phải nói thêm rằng “Chính phủ không dạy Đại học, không buôn tiền, không buôn điện, xăng dầu, ga nấu bếp…” nghĩa là các Đại học, các ngân hàng, các đơn vị kinh tế phải tự chủ, phải kinh doanh dưới sự giám sát của Nhà nước.
Ngân sách Nhà nước và phúc lợi xã hội phải được hình thành chủ yếu từ nguồn thu thuế chứ không phải từ lãi mà các doanh nghiệp Nhà nước mang lại.
Chính vì thương trường là chiến trường nên khi Nhà nước tham gia thương trường thì phần ưu ái sẽ nghiêng về Nhà nước - tức là các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh và phần thiệt sẽ dành cho khu vực tư nhân.
Thế nhưng rủi ro mà Nhà nước gánh chịu lại là rủi ro của toàn dân, đó là nghịch lý không khó nhận ra nhưng lại không dễ khắc phục.
Trong hoàn cảnh đó, núp bóng Nhà nước để kinh doanh là chiến lược được khu vực tư nhân vận dụng triệt để, đó là nguyên nhân hình thành nhóm lợi ích đặc quyền mà người viết đã đặt tên là nhóm lợi ích Quan - Doanh (quan chức - doanh nghiệp) và “quan hệ của nhóm này với Nhà nước gắn với kết quả kinh doanh lại cao bất thường”. (Tr. 99)
Làm sao có được sự bình đẳng trong kinh doanh khi quan chức Nhà nước có vợ, chồng, người thân sở hữu các doanh nghiệp tư nhân?
Việc một quan chức chính quyền cấp tỉnh phản bác ý kiến của lãnh đạo tỉnh khác liên quan đến doanh nghiệp của vợ mình liệu đã phải là minh chứng cho sự đan xen quyền hành pháp (của Nhà nước) và quyền lợi kinh tế của tư nhân?
Khi “Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế” nhưng lại chưa (hoặc không) tuân theo một cách đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường thì lấy gì đảm bảo sự thành công?
Một khi lương Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không bằng lương kế toán doanh nghiệp (Nhà nước) thì có phải chúng ta đang thực hiện đúng khẩu hiệu “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”?
Dựa vào đâu để khẳng định sản phẩm lao động của nhân viên kế toán doanh nghiệp Nhà nước cao hơn sản phẩm lao động của Chủ tịch nước?
Hỏi thế nhưng cũng phải hỏi lại, tại sao chủ trương khoán xe công có từ 10 năm nay vẫn không thành hiện thực, vì sao phải bỏ hàng trăm triệu chạy việc, người ta vẫn lao vào để có một chân công chức, viên chức?
Sự méo mó về điều hành kinh tế kéo theo sự méo mó về ý thức quyền lực bởi, như học thuyết Mác - Lênin khẳng định: “Vật chất quyết định ý thức, ý thức là sự phản ánh đối với vật chất, điều kiện vật chất như thế nào thì ý thức như thế đó”…Vì sao một nguyên Bí thư tỉnh khuyên con trai đang làm Phó Giám đốc một công ty, rằng “tôi thấy xu hướng kinh tế khó khăn nên khuyên con thôi bây giờ quay về hướng Nhà nước”? [2]
Một đất nước “63 tỉnh là 63 nền kinh tế” có phải là nguyên nhân chính dẫn đến nhận định của Chính phủ trong báo cáo: “cấu trúc Nhà nước cát cứ và manh mún”?
Bản thân Chính phủ đã thể hiện sự “cát cứ” của mình qua việc ban hành Nghị định 51/2013/NĐ-CP, theo đó (Phụ lục 2) Kế toán trưởng công ty, tập đoàn do Chính phủ quản lý có mức lương dao động từ 16 đến 29 triệu đồng một tháng, cao hơn mức lương các chức danh lãnh đạo (cao nhất) Đảng, Quốc hội và Nhà nước?
Chính phủ Hoa Kỳ nhiều phen lao đao vì Quốc hội chậm phê duyệt kinh phí hoạt động trong khi “giỏ tiền” tại Việt Nam lại nằm trong tay Chính phủ?
Có phải vì nắm kinh tế nên khi Chính phủ không trình dự thảo luật thì Quốc hội cũng không thể thảo luận dù Quốc hội theo Hiến pháp là cơ quan lập pháp? Thực tế cho thấy Quốc hội chỉ là cơ quan phê duyệt, mọi dự thảo luật đều do Chính phủ soạn thảo.
Xuống đến địa phương, sự “cát cứ và manh mún” có thể thấy trong chuyện chính quyền tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ 8 Phó Giám đốc sở Nông nghiệp dù Thủ tướng đã hai lần có ý kiến chỉ đạo hay thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cho thành phố này tự biên soạn Sách giáo khoa và tổ chức Kỳ thi Quốc gia Tốt nghiệp Trung học Phổ thông riêng trong khi các tỉnh nghèo chẳng tỉnh nào dám đòi hỏi “quyền” như vậy!
Bản thân báo cáo Việt Nam 2035 cũng cho thấy biểu hiện chồng chéo, cát cứ của các bộ phận cấu thành Nhà nước bởi khi cho rằng “chỉ số trọng lượng tiếng nói của người dân giảm sút” thì có nghĩa một cách gián tiếp, Chính phủ cho rằng Quốc hội chưa thể hiện đúng vai trò là cơ quan duyền lực cao nhất của nhân dân.
Lẽ ra những nhận định sau đây:
Quốc hội nên bao gồm chủ yếu là các đại biểu chuyên trách được trợ giúp bởi bộ máy giúp việc được đào tạo bài bản và có năng lực thực sự. Đồng thời, cần có cơ chế giải quyết tình trạng xung đột vai trò, xung đột lợi ích làm giảm khả năng giám sát của mỗi đại biểu Quốc hội và có cơ chế để cử tri truy trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội”.
Hoặc:
Báo cáo 2035 đề cập vấn đề “Tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước”, một trong những “giải trình” cần làm rõ là “tính minh bạch của Nhà nước” hay tính “minh bạch thể chế”.“Quốc hội sẽ bao gồm các đại biểu chuyên trách với trình độ chuyên môn cao và có khả năng tự chủ về thể chế để đại diện cho nhân dân, thực hiện giám sát về hành pháp; phê chuẩn và ban hành các bộ luật có chất lượng”… phải do Đảng hoặc chính Quốc hội đưa ra chứ không phải do Chính phủ góp ý.
Liệu nhận định ngày 13/10/2016 của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry “Cộng sản là một lý thuyết kinh tế, và bạn không thấy một chút hơi thở của Chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam[3] là một nhận định theo “thuyết âm mưu” hay từ ngoài nhìn vào, người ta thấy rõ hơn chúng ta là người trong cuộc?
Ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng (Học viện Chính trị, Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 30/9/2015 đã phản ánh phần nào thực tế này:
Những hạn chế của đổi mới chính trị trong mọi quan hệ với đổi mới kinh tế này đã cản trở quá trình đổi mới kinh tế, thậm chí kìm hãm kinh tế phát triển.
Vấn đề đổi mới chính trị chưa thực sự có hiệu quả một phần do chúng ta chưa làm rõ và phân định dứt khoát chức năng lãnh đạo của Đảng với chức năng quản lý của Nhà nước.
Mặt khác, trong đổi mới chính trị chúng ta mới chỉ tập trung nhấn mạnh ý nghĩa của đổi mới tư duy về chính trị chứ chưa thực sự tiến hành đổi mới ở con người chính trị - chủ thể hoạt động chính trị và cơ chế hoạt động có hiệu quả của hệ thống chính trị”. [4]
Sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu tập trung vào kiểm điểm quy trách nhiệm, khát vọng giành lại vị thế của người Việt từng có trong quá khứ là rất lớn và vì thế người viết đồng tình với quan điểm, rằng để xây dựng một “Nhà nước pháp quyền hiệu quả” cần thực sự tiến hành đổi mới ở “chủ thể hoạt động chính trị” chứ không phải là “tư duy chính trị” bởi tư duy chỉ là sản phẩm của vật chất phát triển cao - bộ não của con người.Khoảng đầu thế kỷ 19, Việt Nam từng là nền kinh tế có quy mô lớn hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia, hoặc Philippine, giờ đây chúng ta tụt hậu hơn họ hàng chục năm.
Sự chuyển động của Chính phủ khi xây dựng báo cảo tổng quan 2035 là một hoạt động đáng ghi nhận, nhưng liệu có thành công nếu Nhà nước vẫn hoạt động như một doanh nghiệp và các nhánh quyền lực vẫn không được phân định rõ ràng, thể chế vẫn theo con đường cát cứ và manh mún?
Tài liệu tham khảo:
[4] http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/lich-su-dang/doc-2930201510101046.html
Xuân Dương


VIỆT NAM-GIÁC MƠ 2035: PHẦN 3- VÌ SAO TỤT HÂU?

XUÂN DƯƠNG/ GD 23-10-2016




Hà Nội - Vẻ đẹp Việt Nam tầm cỡ thế giới (Ảnh: TTXVN).
(GDVN) - Người Việt cần bao lâu để gột rửa sạch những “tập nhiễm xấu” đã di truyền “từ trước đến nay” và bao lâu nữa để bắt kịp nhịp điệu sáng tạo của nhân loại?

Một trong những trăn trở của người viết là “Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035” sau khi công bố, liệu có được chấp thuận (trong thực tế) như một định hướng bắt buộc, một Nghị quyết mà mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội phải tuân thủ hay chỉ là một tham luận thể hiện nguyện vọng hơn là ý chí vươn tới tầm cao nhân loại?
Thực thi những giải pháp trong Báo cáo liệu có thực sự giúp Việt Nam cất cánh sau 20 năm nữa?
Trước khi quay lại với phần cuối trong Báo cáo “Con đường phía trước”, trong bài này người viết sẽ cố tìm câu trả lời cho câu hỏi xuyên suốt và cũng là câu hỏi cần câu trả lời nhất đặt ra đối với Báo cáo: “Vì sao Việt Nam tụt hậu nhiều thập niên so với các nước trong khu vực”?
Nhiều lý do được nêu lên rải rác trong các phần của Báo cáo như thể chế, chính sách, điều kiện khách quan, chủ quan… nhưng đâu là nguyên nhân chính khiến đất nước tụt hậu, dù đường lối được khẳng định là đúng đắn, dù đất nước đã có mấy chục năm sống trong hòa bình?
Khó khăn là ở chỗ diễn giải câu trả lời sao cho vừa “đúng quy trình” vừa dễ hiểu với mọi đối tượng và (một điểm khác không kém phần quan trọng) là nhận được sự đồng tình, không bắt bẻ!Khó khăn ở đây không phải là đặt ra câu hỏi vì nhiều người đã đặt rồi, khó khăn cũng không phải là tìm câu trả lời vì không ít người đã biết câu trả lời.
Việt Nam xếp hạng cuối trong danh sách các quốc gia đóng góp cho nhân loại có thể là một gợi ý cho câu trả lời, [1] nói cách khác sự tụt hậu của Việt Nam là do “người Việt không sáng tạo”.
Xét về tổng thế, “không sáng tạo” bao gồm ba cung bậc: “không biết sáng tạo, không muốn sáng tạo và không dám sáng tạo”.
Trước khi lý giải vì sao nói “người Việt không sáng tạo”, xin nêu vài ví dụ minh họa liên quan đến các lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục:
Sau khi hòa bình lập lại, chúng ta tiến hành cải cách ruộng đất, phương pháp tiến hành và “định mức” địa chủ, tư sản mà các địa phương phải tìm đều phỏng theo mô hình nước ngoài, nhưng sai lầm phải trả giá thì không ai khác, chính là chúng ta phải chịu;
Mô hình tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gọi đúng nghĩa là sự “học mót” một cách không đầy đủ mô hình Chaebol của Hàn Quốc, hậu quả khủng khiếp với nền kinh tế thì không cần bàn luận;
Được cho mấy chục triệu USD là vội vã triển khai mô hình giáo dục VNEN theo kiểu Columbia;
Gần như 100% dàn cảnh (Format) các chương trình truyền hình giải trí (Ai là triệu phú, Thần tượng âm nhạc…) bản quyền là của nước ngoài;
Thiết kế kiến trúc đền, đình, chùa mới xây dựng theo kiểu ngoại lai, đặc biệt là hoành phi, câu đối không phải bằng tiếng Việt không phải là hiếm…
Một vài dẫn chứng cho thấy, sẽ còn một chặng đường khá dài cho đến khi người Việt có được triết lý của riêng mình. Nhận thức của người Việt hiện đại về thế giới (tự nhiên và xã hội) là sự pha trộn tín ngưỡng thờ Mẫu với một ít Phật giáo, Khổng giáo, một ít triết học Mác - Lênin và một ít triết học Tư sản.
Nồi canh lý luận ấy “thơm” bởi có nhiều hương vị nhưng bổ thì không ai dám khẳng định. Vấn đề là tại sao người Việt - vốn thông minh, cần cù, chịu khó - lại “không sáng tạo”?
Để trả lời câu hỏi này cần quay lại một chút với học thuyết tiến hóa của Lamac, đó là khả năng di truyền các đặc tính tập nhiễm - đặc tính thu được trong vòng đời của cá thể.
Theo Lamac “những biến đổi trên cơ thể do tác dụng của ngoại cảnh hoặc do tập quán hoạt động của động vật đều được di truyền và tích lũy qua các thế hệ”.
Lý thuyết của Lamac không loại trừ con người và vì thế việc di truyền các thứ “tập nhiễm” trong xã hội loài người không phải là hiện tượng dị biệt.
Khi một lực lượng khá đông đảo trong đội ngũ Tiến sĩ, Giáo sư, Phó giáo sư - những tinh hoa của đất nước - chưa đạt đến “chuẩn học mót” kiểu Trung Quốc thì những tật xấu như thói kèn cựa, ghen ghét, giả dối… đã kịp “tập nhiễm”, đã kịp di truyền qua nhiều thế hệ.
Cách thức mà nền giáo dục dập khuôn hơn nửa thế kỷ qua là trẻ con nghe giáo viên giảng và làm bài tập theo Sách giáo khoa, không sáng tạo, không tranh biện.
Những người làm việc trong các lĩnh vực lý luận, văn hóa, truyền thông… luôn phải dựa vào ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tất cả các tỉnh, thành, bộ và cơ quan ngang bộ động một tí đều phải “báo cáo Thủ tướng”, công chức trở thành người máy được lập trình chỉ biết vâng lời, nghe lệnh một lần là cứ thế làm việc.
Nói thế không phải là không có ngoại lệ, “Chiến tranh nhân dân” là một sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam thế kỷ 20, giúp đất nước đương đầu thắng lợi trước những kẻ địch hùng mạnh nhất thế giới.
“Khoán 10” là một sáng tạo giúp đất nước thoát nạn đói triền miên, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tiếc rằng đó chỉ là những ví dụ hiếm hoi và không thể giúp đất nước thoát vị trí đội sổ về đóng góp cho nhân loại.
Không sáng tạo bởi vì đa số người Việt không biết sáng tạo thế nào cho phải, bởi vì thay từ “bắp” bằng từ “ngô” là không được phép, là trái quy định, là mất 6 tháng chờ đợi để được phê duyệt; bởi vì muốn thử nghiệm tàu ngầm tự chế thì phải trình ra bằng lái tàu ngầm và giấy chứng nhận đăng kiểm cho con tàu vốn đang thử nghiệm để xin đăng kiểm!
Sử dụng cụm từ “Từ trước đến nay” chắc chắn các chuyên gia đã cân nhắc kỹ lưỡng bởi lẽ nó cho thấy một tiến trình xuyên suốt, kéo dài từ trước đến nay chứ không phải vài chục năm trở lại đây.Trong ba cấp độ của “không sáng tạo”, đáng nói nhất là “không dám sáng tạo” mà nguyên nhân có lẽ là do “chìa khóa để người dân cất lên tiếng nói của mình, qua đó tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước, còn thiếu trầm trọng. Từ trước đến nay, cách thức quản trị Nhà nước chưa khuyến khích sự cởi mở và minh bạch và cũng chưa thực sự tạo điều kiện để người dân bàn luận về các hành động của Nhà nước”. (Tr. 108)
Sự diễn giải cũng không thể “khéo” hơn khi Báo cáo của Chính phủ và WB cho rằng nước Việt  “thiếu trầm trọng chìa khóa” để “người dân cất lên tiếng nói của mình”. Tại sao lại là “chìa khóa” mà không phải là “điều kiện” hay “nguyên tắc” hay một cụm từ nào đó cụ thể hơn?
Thiếu chìa khóa để “người dân cất lên tiếng nói của mình” chính là nguyên nhân trong các nguyên nhân khiến người Việt “không biết sáng tạo, không muốn sáng tạo và không dám sáng tạo”.
Gần một năm đã trôi qua kể từ khi Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 được Chính phủ công bố, liệu đã có những thay đổi, chí ít là trong nhận thức của đội ngũ lý luận và quản lý các cấp?
Thủ tướng vẫn phải liên tục chỉ đạo những vụ việc cỏn con như vụ quán Xin chào, vụ cướp bánh mỳ, vụ nước mắm nhiễm thạch tín… và một bộ phận công chức vẫn hành xử theo thói quen “vung tay chạm má, đá chưa trúng người” như hai anh em ruột là công an thành phố Hạ Long - Quảng Ninh, hay hai cán bộ thanh tra giao thông Hà Nội đánh người ở sân bay Nội Bài…
Trong một thế giới biến động liên tục, nếu chúng ta không biến động theo, nếu cứ giữ những gì đã “tập nhiễm” được “từ trước đến nay” thì sự tụt hậu là điều không thể tránh khỏi.
Trong tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên", Ăngghen cho rằng: “vận động, hiểu theo nghĩa chung nhất, là một phương thức tồn tại của vật chất, là một thuộc tính cố hữu của vật chất”.
Vì vận động là thuộc tính cố hữu của vật chất nên sẽ không có vật chất không vận động và không có vận động không gắn với vật chất, đó là nguyên lý bao trùm vũ trụ và xã hội loài người không thể là ngoại lệ.
Không có sự vận động - chuyển hóa, lượng tinh bột trong quả chuối xanh không thể biến thành đường trong quả chuối chín. Không có sự vận động - chuyển hóa con người mãi mãi chỉ là loài linh trưởng và nhân loại không thể có kỷ nguyên tri thức khi bước sang thiên niên kỷ thứ ba!
Nhân loại, cùng với trái đất và hệ mặt trời không ngừng lang thang trong vũ trụ từ hàng triệu năm qua, hàng tỷ người sinh ra và hàng tỷ người nằm xuống, sự sáng tạo là không ngừng và vô tận.
Sẽ không có con người trưởng thành nếu cứ khư khư ôm lấy tuổi thơ, sẽ không có chiến binh dạn dày trận mạc nếu cứ muốn được cưng chiều như đứa trẻ chập chững, nói gọn lại là cứ… không chịu lớn.
Nếu người Việt được khuyến khích, rằng sáng tạo là chìa khóa để đi đến thành công thì người ta sẽ không sợ sáng tạo, sẽ ham muốn sáng tạo và sự sáng tạo - như khẳng định trong Triết học Mác-Lênin - bao hàm trong nó quy luật phủ định của phủ định.Con người, không ai hai lần tắm trên cùng một dòng sông và con người, cũng không thể ngắm lại bầu trời của đêm hôm trước dù rằng sao Bắc Đẩu vẫn là ngôi sao phương Bắc.
Để không bị tụt hậu, phải khuyến khích sáng tạo, muốn khuyến khích sáng tạo phải hình thành lớp công dân tự do, như cách đề cập trong Báo cáo:
Khi người dân Việt Nam ngày càng trở nên giàu có hơn, họ sẽ mong muốn tham gia thực chất hơn vào nền quản trị quốc gia, mong muốn có sự ảnh hưởng rõ nét hơn trong các chọn lựa chính sách công, và mong muốn có nhiều tự do hơn (về kinh tế, xã hội và chính trị) - điều mà người dân ở các quốc gia phát triển hơn đang có”.
Điều mà người viết lo ngại, là sau khoảng thời gian dài không sáng tạo, người Việt cần bao lâu để gột rửa sạch những “tập nhiễm xấu” đã di truyền “từ trước đến nay” và  bao lâu nữa để bắt kịp nhịp điệu sáng tạo của nhân loại?
Liệu chúng ta có thể hy vọng vào một phép màu, kiểu “thành nhân đãi khù khờ” rằng cứ làm theo những gì ý chí mách bảo, tự khắc chúng ta sẽ bắt kịp các nước, bởi theo quy luật thế nào cũng đến lúc các nước sẽ tụt lại bằng chúng ta?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.independent.co.uk/news/uk/home-news/ireland-is-the-best-country-in-the-world-according-to-good-country-index-9557358.html
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét