Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

20161015. BÌNH LUẬN VỀ 'BÀI THUỐC' CỦA ÔNG VŨ NGỌC HOÀNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
ÔNG VŨ NGỌC HOÀNG BỐC THUỐC CHO ĐẢNG
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 15-10-2016

 Kết quả hình ảnh cho đảng cộng sản việt nam quang vinh

TuanVietNam ngày 12 tháng 10/ 2016 đăng bài của ông Vũ Ngọc Hoàng nhan đề: “Nguyên nhân và giải pháp chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống: Lắng nghe dân và đảng viên không chức quyền nói về suy thoái” . Bài viết nêu được sự việc chân thực, có lập luận chặt chẽ, vạch ra được thực trạng suy thoái của xã hội bắt nguồn từ sự suy thoái đạo đức của cán bộ, từ đó dân mất lòng tin vào lãnh đạo. Bài được đăng làm 2 kỳ.
Trong kỳ 1 ông viết: “Khi lòng tin không còn thì sẽ mất tất cả. Lòng tin của nhân dân là nền tảng chính trị quan trọng nhất của một chế độ, một chính quyền… Lý do đầu tiên, quan trọng nhất, mang tính quyết định, làm cho lòng tin giảm mạnh là sự hư hỏng đạo đức của cán bộ”. Ngoài lý do về lòng tin và đạo đức ông còn cho là do yếu kém về lý luận: ”Bản thân lý luận và công tác lý luận của chúng ta còn quá nhiều lạc hậu và yếu kém… Vài chục năm nay lý luận luôn bị mang tiếng là bảo thủ, giáo điều…”. Ông còn bổ sung: “Một lý do nữa làm mất lòng tin là năng lực lãnh đạo, quản lý còn rất nhiều bất cập so với yêu cầu, không giải quyết nổi các vấn đề của cuộc sống đặt ra”. Rồi ông viết tiếp: “Vậy thủ phạm chính ở đâu? Đáng lưu ý nhất là sự tha hóa quyền lực. Đó là nguyên nhân chính yếu gây nên mọi hư hỏng”.
Bài viết nói chung là tích cực, đã vạch ra cho mọi người thấy nhiều hiện tượng thối nát đang dẫn ĐCS VN tới sự sụp đổ. Những căn cứ và lập luận của ông là hay và chặt chẽ, thí dụ ông cho rằng: “Chính trị là thống thoái, chính trị quy định văn hóa là một luận điểm rất sai lầm, phản khoa học” và đạo đức của cán bộ có ảnh hưởng quyết định đến đạo đức toàn xã hội. Tiếc rằng ông chỉ mới phân tích kỹ các hiện tượng phổ biến, đã lộ rõ ra ngoài, nhiều người đã biết, mà chưa đụng chạm đến bản chất còn ẩn giấu. Việc này giống như thầy thuốc tầm thường, khi khám bệnh chỉ mới kể ra được các triệu chứng bên ngoài mà chưa nói ra được ung nhọt nằm ở trong gan ruột, chưa biết được mầm bệnh được di truyền từ trong máu, trong gène.
Ông Hoàng không biết hoặc biết mà chưa dám viết ra, nguồn gốc của mọi vấn đề như tha hóa quyền lực, tham nhũng, suy thoái đạo đức, lý luận lạc hậu, v.v. mà ông kể ra đều do sự kết hợp chặt chẽ của hai thứ là sự độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê (CNML) và quyền lực vô hạn của Đảng. CNML chứa nhiều độc hại có sức tàn phá xã hội một cách ghê gớm như luận thuyết về đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, công hữu hóa tư liệu sản xuất, v.v. Những độc hại đó phát tác mạnh mẽ khi gặp môi trường thuận lợi là đảng cộng sản đã nắm chắc chính quyền, thực thi chế độ độc tài đảng trị. Quyền lực vô hạn của Đảng đặt mình cao hơn luật pháp, bao trùm mọi hoạt động xã hội. Thực ra quyền lực đó cũng là một phần của CNML, do CNML sinh ra. Nếu ghép chung quyền lực của ĐCS với sự độc hại của CNML vào làm một và gọi chung là CNML thì có thể qui kết những tệ hại kể trên (tha hóa, tham nhũng, suy thoái…) là do sự kết hợp giữa hai nguồn là CNML và một số yếu kém trong truyền thống văn hóa dân tộc (tính ích kỷ, tham lam, dối trá…).
Thử hỏi, một đảng gọi là tiền phong, bao gồm những thành phần ưu tú, trong mấy chục năm cầm quyền không hề ngừng kêu gọi, ra hết nghị quyết này đến nghị quyết khác về làm trong sạch đảng, tiêu tốn nhiều tiền của và công sức để học tập theo Hồ Chí Minh, lại họp hành liên miên để kiểm điểm, đấu tranh, thế mà tình trạng suy thoái ngày càng tăng. Vì sao vậy? Vì cái mầm mống sinh ra nó, cái môi trường nuôi dưỡng nó vẫn còn tồn tại. Nó giống như một đám cỏ gấu, nếu chỉ cắt lá, dù cho cắt sát tận gốc, mà củ và rễ vẫn còn thì nó lại mọc lên cây khác. Dân ta có câu “Nhổ cỏ tận gốc”. Cái gốc CNML vẫn còn được kiên định, quyền lực tuyệt đối của Đảng vẫn được củng cố thì không có cách gì thanh toán được nạn tham nhũng, nạn suy thoái và các nạn khác. Nói rằng cán bộ thoái hóa và biến chất có lẽ chưa thật đúng mà những vấn đề như tham nhũng quyền lực, tha hóa về đạo đức, v.v. là thuộc bản chất của tổ chức cộng sản, chẳng qua trước đây chưa có điều kiện thể hiện ra mà thôi. Hơn nữa cộng sản VN có đặc điểm là thời kỳ đầu chủ yếu là đấu tranh giành độc lập dân tộc, lúc đó lòng yêu nước chiếm ưu thế, những độc hại của CNML chưa có thời cơ, chỉ khi Đảng lãnh đạo xây dựng CNXH thì những độc hại của CNML mới lộ ra và tác oai tác quái.
Ông Hoàng cho rằng: “Bản thân lý luận và công tác lý luận của chúng ta còn quá nhiều lạc hậu và yếu kém… Vài chục năm nay lý luận luôn bị mang tiếng là bảo thủ, giáo điều….”. Xin thưa rằng đó là một lời phê phán rất gượng nhẹ. Phải nói thẳng ra rằng những lý luận theo CNML mà đảng theo đuổi bấy lâu đã trở thành phản động, hoàn toàn không còn phù hợp với xã hội đương đại. Những giáo sư, tiến sĩ, những nhà lý luận của đảng một phần chỉ là những trí thức dổm, đầu óc đã bị xơ cứng. Một phần khác vì muốn giữ sự an toàn của bản thân mà phải viết và nói theo sự chỉ đạo, trở thành bồi bút bất đắc dĩ. Nghe đâu vào những năm cuối thế kỷ 20, trong Đảng đã có một nhóm nghiên cứu đề xuất nên bỏ con đường XHCN và theo con đường Xã hội dân chủ như các nước Bắc Âu, nghiên cứu đó đã bị lên án và dẹp bỏ.
Về năng lực lãnh đạo của cán bộ, ông Hoàng viết: ”năng lực lãnh đạo, quản lý còn rất nhiều bất cập so với yêu cầu, không giải quyết nổi các vấn đề của cuộc sống đặt ra”. Tại sao vậy? Tại vì trong cơ chế độc tài đảng trị, phần lớn cán bộ do “đảng cử dân bầu” và chạy chức chạy quyền thì đa số họ chỉ là một số người vừa tham vừa kém thông minh, lấy đâu ra người tài giỏi. Do sự độc tài toàn trị mà những người có tài năng, số bị nhốt vào tù, số ra nước ngoài hoặc làm cho các công ty nước ngoài, số nữa mũ ni che tai, chờ thời đợi thế. Nếu có ai đó vì may mắn lọt được vào cơ quan lãnh đạo thì cũng nhanh chóng bị vô hiệu hóa. Một trong những tội ác của ĐCS là làm tan rã, thui chột đội ngũ tinh hoa của dân tộc. Cứ kể con số thì chúng ta có hàng vạn tiến sĩ, hàng nghìn giáo sư, xếp bậc cao của khu vực và thế giới nhưng thử hỏi trong số đó có được mấy người có tài năng quản lý xã hội, chưa nói đến tài kinh bang tế thế.
Ông Hoàng viết: “Vậy thủ phạm chính ở đâu? Đáng lưu ý nhất là sự tha hóa quyền lực. Đó là nguyên nhân chính yếu gây nên mọi hư hỏng”. Vâng, sự tha hóa quyền lực. Nhưng ở đâu ra sự tha hóa đó nếu không phải từ nền chuyên chính vô sản theo CNML, từ chế độ độc tài đảng trị?
Khám bệnh xong ông Hoàng bốc thuốc để chữa trị nhằm giúp Đảng trở nên trong sạch, vững mạnh. Trong phần đầu của bài viết, ông nêu ra: “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng phải tranh cử gắn với mở rộng quyền đề cử của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội, cũng như quyền ứng cử của các cá nhân… Đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ qua bầu cử, là vậy. Còn đối với cán bộ chuyên môn thì phải thông qua thi cử công khai và công bằng… Việc xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực là hết sức cần thiết, nhất định không được bỏ qua vụ nào, dù phải động chạm đến bất kỳ ai. Mọi sự bao che hoặc dung túng cho “quan tham” đều là con đường dẫn đến sụp đổ chế độ. … Cho nên phải tập trung nhiều nhất cho việc ngăn chặn đầu vào, giải quyết từ gốc các điều kiện và tác nhân sinh ra tiêu cực, đồng thời xử lý một cách kiên quyết, không dung túng, không khoan nhượng, không thỏa hiệp các vụ tiêu cực đã xảy ra, minh bạch tất cả thông tin cho nhân dân biết để lấy lại lòng tin. ... Trong nhiều trường hợp, việc minh bạch thông tin còn công hiệu hơn kỷ luật, vì cái xấu không còn nơi ẩn nấp“.
Tiếp theo, trong kỳ hai ông tổng kết lại trong 5 nhóm giải pháp quan trọng, chủ yếu: “Kiểm soát quyền lực; tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin; đổi mới cơ chế quản lý; cải cách bộ máy và đổi mới công tác cán bộ; xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực.”, trong đó kiểm soát quyền lực được cho là then chốt.
Ngoài việc kiểm soát quyền lực, các giải pháp khác không có gì mới một cách đột xuất mà đa số ý cũng gần giống với các điều trong nghị quyết của Đảng, đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đến mức nhàm chán. Liệu những giải pháp như vậy có thực hiện được không, ai thực hiện trong khi gốc rễ sinh ra mọi thảm họa vẫn còn đó, trong khi môi trường nuôi dưỡng thảm họa vẫn còn đó. Giải pháp được nêu ra, mới nghe qua thì thấy hay, thực hiện được thì rất tốt, nhưng khốn nổi không thể thực hiện được, không có ai thực hiện, chỉ nói cho vui lỗ tai mà thôi. Vì sao vậy? Vì điều kiện cần và đủ để thực hiện chưa có. Ông Hoàng nhấn mạnh việc kiểm soát quyền lực, thì biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là thực hiện chế độ tam quyền phân lập. Hỏi Đảng có dám thực hiện không? Ông xui Đảng kiểm soát quyền lực thì khác gì lên rừng xui lũ khỉ đừng trèo cây, xui hổ báo, sư tử đừng ăn thịt các động vật hèn yếu. Ông Hoàng nêu tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin, thì từ trước đến nay Đảng vẫn cho hô các khẩu hiệu đó nhưng có thực hiện đâu. Ông Hoàng đã vì lòng tốt mà bốc cho Đảng một thang thuốc nhưng xem ra không chữa được bệnh từ gan ruột vì ông chỉ mới biết được những triệu chứng bên ngoài.
Ngày 13/10, trang Ba Sàm đăng bài của Lê Xuân Hòa: “Thưa ông Vũ Ngọc Hoàng, vấn đề là phải Tam quyền phân lập”. Ông Hòa phân tích mọi nguyên nhân của thoái hóa biến chất bắt nguồn từ điều 4 của Hiến pháp, tạo nên một thế lực “vừa đá bóng, vừa thổi còi, một mình một chợ”. Và để khắc phục thì phải xây dựng một thể chế đa nguyên với Tam quyền phân lập.
Ônh Hoàng cũng nhắc đến: “Cần sớm nghiên cứu kinh nghiệm kiểm soát quyền lực của các mô hình phân quyền ở các nước tiên tiến giữa ba nhánh quyền lực (mà lâu nay ta gọi họ là tam quyền phân lập) nhằm kiểm soát chéo và điều chỉnh lẫn nhau, chống lạm quyền”. Liệu Tổng bí thư và Bộ chính trị có mấy người nghe theo lời khuyên trên đây?
Theo tôi, để Đảng trở nên trong sạch, vẫn giữ được vai trò thì phải có những thay đổi căn bản về nhận thức và tổ chức, tóm tắt trong một số điểm sau:
1- Chuyển đổi từ một đảng làm cách mạng thành một đảng chính trị, viết lại điều lệ.
2- Từ bỏ con đường XHCN, từ bỏ CNML mà đi theo con đường Xã hội dân chủ, kèm theo là đổi tên đảng.
3- Từ bỏ quan điểm Đảng lãnh đạo toàn diện, bỏ điều 4 Hiến pháp, từ bỏ chế độ đảng trị.
4- Tổ chức lại bộ máy, bỏ hết các tổ chức của đảng bao trùm lên các cơ quan chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của Chính phủ.
5- Chấp nhận một chế độ đa nguyên chính trị.
Đối với một số cán bộ và đảng viên, khi họ còn tin cậy và trông chờ vào đường lối hiện tại của Đảng, thì những đề nghị vừa nêu cũng chỉ là một thang thuốc không thể nuốt mà thôi. Thuốc này quá đắng. Nhưng nó là phương thuốc cho những người có lương tri, có tâm huyết tham khảo để chữa được bệnh nan y. Nếu như không có những chuyển biến cơ bản thì con đường đang đợi chờ là sự sụp đổ toàn diện, lúc đó chẳng còn phương thuốc nào cứu được.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN


SỰ TRỘN LẪN KHÁI NIỆM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 17-10-2016


Trong mấy chục năm qua ĐCSVN loay hoay với việc chỉnh đốn đảng, làm cho nó trong sạch, vững mạnh. Mấu chốt của việc này là ra sức chống lại sự tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng và sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Tạm chưa bàn đến những thiếu sót và sai lầm trong việc tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục, về mức độ đúng sai của phương pháp (xin để bài khác), chỉ mới xin bàn một chút về hình thức trình bày. Hai vấn đề trên, tuy rằng đều góp phần làm tan rã đảng, nhưng là hai khái niệm khác nhau, thuộc hai lĩnh vực khác nhau. Thế mà chúng được trộn lẫn và bỏ chung vào cùng một bị, giống như sự nhốt chung vào một phòng những thiên thần và ác quỷ.
Tự diễn biến, tự chuyển hóa là thế nào, gồm những ai. Tôi chưa tìm thấy một định nghĩa thật rõ ràng và khoa học (mặc dầu gõ vào Google nhận được trên 3 triệu kết quả trong chưa đầy 1 giây). Tuy vậy những ý kiến sau đây được chấp nhận rộng rãi. Đó là sự thay đổi từ lập trường, tư tưởng cách mạng vô sản theo Chủ nghĩa Mác Lê (CNML) để xây dựng chế độ XHCN và CSCN, chuyển sang nghi ngờ, sự phủ định nó để đi theo một con đường khác. Trước đây người ta gọi những người có tư tưởng như thế là bọn xét lại. Có một số con đường khác với mức độ tốt xấu không giống nhau. Tuy vậy tuyên giáo của ĐCSVN khẳng định rằng con đường khác đó là con đường tư bản, đế quốc, những người tự diễn biến đã đứng vào hàng ngũ thù địch của đảng, của chế độ, của dân tộc! Sự trình bày của tuyên giáo đã sử dụng lối ngụy biện xảo trá. Tại sao người ta nghi ngờ, phủ định con đường XHCN và muốn tìm con đường khác? Vì người ta đã thấy rõ những tai họa mà con đường XHCN mang lại. Và con đường khác, theo nhiều người mong ước là con đường Xã hội dân chủ của các nước Bắc Âu, là sự chuyển hóa của các nước Đông Âu, là sự dân chủ hóa của Myanma, v.v. chứ có phải duy nhất một con đường tư bản đế quốc như tuyên giáo gán ghép đâu (Hơn nữa khái niệm bè lũ tư bản do đế quốc Mỹ cầm đầu đã tỏ ra sai lầm). Lại nữa, những người tự diễn biến, có thể nói họ đã phản đối CNML nhưng không thể quy cho họ là thù địch của dân tộc. Rồi đây lịch sử sẽ phán xét giữa họ và những người CS kiên trì CNML xem ai là người yêu nước chân chính.

Vậy ai là những người bị tổ chức Đảng cho là xét lại, là tự diễn biến. Đầu tiên chắc phải kể đến Võ Nguyên Giáp, người được Lê Duẩn và Lê Đức Thọ xem là tên xét lại số 1 của VN. Kế đến là những người như Võ Văn Kiệt, Trần Xuân Bách, Trần Độ, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Trọng Vĩnh, Hoàng Minh Chính, Trần Lâm, Vi Đức Hồi và hàng trăm cán bộ cao cấp khác của Đảng, những người đã vào Đảng từ trước 1945, đã có nhiều hy sinh và công lao, huân chương đầy ngực. Tiếp theo là các trí thức, văn nghệ sĩ và những đảng viên dám tự suy nghĩ, không chịu sự tuyên truyền và áp đặt một chiều. Tất cả họ là những người có trí tuệ, có đạo đức, có lương tri, yêu nước, dũng cảm, những con người đáng kính phục. Chống lại họ là chống lại xu hướng tiến bộ. Thử hỏi, các nước trong Liên xô cũ, các nước Đông Âu và Mông Cổ như bây giờ có phải là kết quả của việc tự diễn biến, tự chuyển hóa hay không? Tuyên giáo của đảng cho rằng sự tự diễn biến theo xu thế dân chủ, chống lại độc tài đảng trị là suy thoái về tư tưởng chính trị là một luận điệu vu cáo, vô cùng sai trái.
Suy thoái về đạo đức và lối sống tương đối rõ. Đó là lớp người nhờ có quyền lực mà tham nhũng, mua quan bán tước, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, thủ đoạn, dối trá, vụ lợi, hám danh, ham quyền lực, bè phái cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân, họ hầu như không nghĩ tới quyền lợi của dân tộc, của nhân dân, không quan tâm tới sự thịnh suy của đất nước mà chủ yếu chăm lo cho lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Đó là những người đã mất liêm sĩ.
Cả hai loại trên đều là sản phẩm tất yếu của ĐCS, nhưng khác nhau về lý do phát sinh. Một bên vì thấy được những sai lầm và tác hại, muốn tìm cách khắc phục, khi không thể khắc phục thì ly khai. Bên khác thì lợi dụng được sự độc tài toàn trị của đảng để mưu cầu, để thỏa mãn lợi ích cá nhân. Về bản chất và tính cách họ rất khác nhau. Suy luận sau đây của các nhà lý luận của đảng là sai lầm: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường”.
Thế mà Đảng ghép họ lại với nhau, bỏ chung vào trong một bị, dùng chung một phương pháp để đối phó. Liệu như thế có hợp lý, có hiệu quả hay không? Đúng ra đối với hai loại người trên phải có hai cách đối xử khác nhau, nhưng vì vô minh mà các nhà lý luận của đảng không nhìn thấy, dẫn đến việc trộn lẫn khái niệm một cách ngờ nghệch.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét