Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

20161001. BÀN VỀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TRONG LUẬN ÁN TIẾN SĨ

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÀN VỀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TRONG LUẬN ÁN TIẾN SĨ
NGÔ THẾ BÍNH 
Kết quả hình ảnh cho phương pháp nghiên cứu khoa học
 Đặt vấn đề:  Trong TT số 5/2012/ TT BGD ĐT 15/2/2012 Về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ,  ban hành kèm theo thông tư số 10/2009/ TT BGD ĐT 17/5/2009 của Bộ trưởng Bộ GDĐT [1] thì tại Điều 30 (chương V- Luận án tiên sĩ) đã cụ thể hóa hơn các yêu cầu về chất lượng, nội dung và kết cấu của luận án tiến sĩ (LATS). Sau TT trên, một số trường và cơ sở đào tạo đã chủ động tạo ra quy chế riêng nhưng chủ yếu vẫn bám sát nội dung quy chế của Bộ GDĐT đặc biệt những điều có liên quan đến nội dung và kết cấu luận án.  Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn khó khăn nhất định cho cả NCS lẫn người hướng dẫn về xây dựng nội dung và kết cấu luận văn sao cho đảm bảo những yêu cầu của Quy chế và phù hợp với từng chuyên ngành. Một trong những vấn đề khó khăn nhất là trình bày phương pháp nghiên cứu (PPNC). Trong khi chờ đợi sự sửa đổi quy chế hiện hành theo dự kiến của Bộ GDĐT [2], người viết bài này xin được trao đổi với NCS chuyên ngành Quản lý Kinh tế về: Định nghĩa PPNC, Những yếu tố cấu thành PPNC, Vai trò của PPNC trong LATS, Viết PPNC của LATS . Mong nhận được ý kiến hồi âm và bổ khuyết.
  Định nghĩa của PPNC trong LATS
  Theo từ điển Từ Hán Việt [3] thì phương pháp (方 ) là “lề lối, cách thức phải theo để suy nghĩ hành động nhằm đạt kết quả tốt”. Ta có thể ví dụ: Một người cần di chuyển từ địa điểm A đến địa điểm  B. Người đó có thể chọn một trong 5 con đường và một trong 3 phương tiện : xe buýt, taxi, xe máy. Như vậy phương pháp để người đó đi từ A đến B là tổng thể 2 yếu tố: đường (lề lối) và phương tiện (cách thức) với ít nhất  5x3=15 phương án kết hợp độc lập  mà chủ thể hành động di chuyển có thể lựa chọn.  Trong ví dụ này lề lối và cách thức đều mang tính chất vật thể dễ nhận dạng, nhưng PPNC trong LATS có nghĩa rộng và trìu tượng hơn. Hơn nữa phương pháp không bắt buộc ‘phải theo’ mà có sự lựa chọn của chủ thể ‘suy nghĩ, hành động’ miễn sao ‘đạt kết quả tốt’ trong những điều kiện cụ thể!
   Theo tôi PPNC trong LATS cần được định nghĩa là hệ thống  yếu tố làm cơ sở cho những nhận xét và kết luận khoa học của luận án. Với định nghĩa này các yếu tố không phải là tập hợp lộn xộn mà có quan hệ tương tác phục vụ mục đích chung của luận án. Nhận xét và kết luận khoa học cần được hiểu là giúp ích cho việc tìm kiếm chân lý mới như khái niệm, bản chất, vai trò, quy luật của hiện tượng sự vật …có liên quan đến đề tài luận án.
  Nhân đây cũng cần phân biệt phương pháp và phương pháp luận mà trong luận án NCS hay nhầm lẫn. Phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là hệ thống các quan điểm, các nguyên tắc chỉ đạo con người tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp trong nhận thức và thực tiễn (Theo sách "Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx - Lenin"). Nói cách khác, phương pháp luận là một môn khoa học về phương pháp. Phương pháp luận nghiên cứu là  khoa học phân nhánh chuyên sâu dùng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của con người, trong đó có hoạt động làm LATS. Hiện nay phương pháp luận NCKH đã trở thành môn học bắt buộc dùng cho các lớp sau đại học và đã có nhiều giáo trình, trong đó giáo trình tiêu biểu là của PGS.TS Vũ Cao Đàm [4]-
   Những yếu tố cấu thành PPNC trong LATS
  Không thể nêu ra đầy đủ, chính xác các yếu tố cho mọi chuyên ngành khoa học, người viết xin được nêu ra các yếu tố chủ yếu áp dụng cho chuyên ngành Quản lý Kinh tế:   
  Quan điểm: Đó là ‘chỗ đứng’ để nhận xét và đưa ra  kết luận. Ví dụ khi đánh giá hiệu quả của một dự án, NCS có thể đứng trên quan điểm của nhà đầu tư hoặc nhà nước hoặc cả hai. Chú ý rằng vói định nghĩa trên quan điểm có tính chủ quan, phiến diện, nên không thể tùy tiện đưa ra quan điểm chỉ phản ánh lợi ích nhóm xấu.
  Giả thuyết:  Đó là những giải thích sơ bộ bản chất của hiện tượng sự vật có liên quan đến đề tài luận án, đòi hỏi phải được chứng minh hay phủ định. Có ý kiến cho rằng giả thuyết chỉ cần trong PPNC của LA chuyên ngành KHTN nhưng theo Engels, đã khẳng định trong Biện chứng tự nhiên: "Nghiên cứu nào cũng phải có giả thuyết. Giả thuyết chẳng qua là sự giải thích sơ bộ bản chất của sự vật". Còn Mendeleev thì: ‘Giả thuyết có thể đúng hay sai nhưng dù sai cũng còn tốt hơn không có giả thuyết’[4]. Tôi nghĩ: Giả thuyết trong lĩnh vực quản lý kinh tế hầu như đã có sẵn trong nhiều tài liệu liên quan đến chế độ chính sách của Đảng và Nhà Nước; các công trình đã công bố trước; các giải pháp của doanh nghiệp và các tài liệu kinh nghiệm  khác… Đây là ‘kho’giả thuyết mà NCS có thể tìm kiếm đỡ mất công “mầy mò” tự đề ra giả thuyết. Có những giả thuyết mà việc khẳng định hay phủ định nó có giá trị rất cao về mặt khoa học cũng như thực tiễn. Ví dụ: “Kinh tế nhà nước có vai trò quyết định trong việc giữ vững định hướng XHCN, ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội đất nước” [5]; Cổ phần hóa sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước; Các giải pháp kinh tế có vai trò tích cực hơn các giải pháp giáo dục, hành chính trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm tổn thất tài nguyên; Thang lương công nhân mỏ có hệ số gián cách cao sẽ có tác dụng kích thích tăng năng suất lao động hơn thang lương có hệ số gián cách thấp, v.v…
  Cần phân biệt 2 loại giả thuyết: giả thuyết đề tài và giả thuyết nhiệm vụ. Giả thuyết đề tài là giả thuyết có quan hệ mật thiết đến tiêu đề (tittle) của LA. Ví dụ với đề tài “Nghiên cứu tác động của các giải pháp kinh tế đến giảm tổn thất than tại các mỏ than hầm lò Quảng Ninh”  thì rõ ràng phải có giả thuyết về vai trò của các giải pháp kinh tế, như là xuất phát điểm đặt đề tài nghiên cứu. Giả thuyết nhiệm vụ là giả thuyết dùng làm cơ sở giải quyết những nhiệm vụ cụ thể (mục tiêu nghiên cứu). Ví dụ: Với nhiệm vụ đánh giá tác động của Tiền cấp quyền khai thác đến chống tổn thất tài nguyên phải thống kê được tương quan giữa tỷ lệ tổn thất và giá trị tiền cấp quyền khai thác. Nhưng trong xử lý thống kê đã thường thừa nhận một giả thuyết là số liệu thu được từ các mỏ tại các thời điểm là những đại lượng ngẫu nhiên phân bố xác suất theo quy luật chuẩn (gọi tắt là phân bố chuẩn). Nếu không phải là phân bố chuẩn thì các thuật toán của phân tích tương quan không áp dụng được! Trong trường hợp này giả thuyết về phân phối chuẩn là giả thuyết nhiệm vụ.
  Cũng cần phân biệt giả thuyết và giả thiếtGiả thiết là điều kiện giả định (không thật, lý tưởng, ổn định) để nêu giả thuyết. Ví dụ vởi giả thuyết về vai trò tích cực của các giải pháp kinh tế trong giảm tổn thất than đã phải giả thiết các mỏ nghiên cứu là tương đồng về công nghệ khai thác, quy mô và tổ chức sản xuất.
  Chỉ tiêu: Chỉ tiêu là công cụ lượng hóa khái niệm nào đó phục vụ cho việc phân tích các hiện tượng sự vật có liên quan đến đề tài LA. Cấu trúc của chỉ tiêu gồm: tên gọi chỉ tiêu (vắn tắt khái niệm); Công thức tính; đơn vị tính. Ví dụ: Chỉ tiêu tỷ lệ tổn thất than trong khai thác hầm lò có công thức:
              K=  100 Qm/ Qc ,     %                                                 (1)
Trong đó: Km-  Hệ số tổn thất, %
               Qm – Trữ lượng than trong cân đối bị mất trong quá trình khai thác với công nghệ khai thác nhất định, Tấn
                  Qc – Trữ lượng cân đối, Tấn.
Trong lý thuyết có nhiều chỉ tiêu phản ánh khái niệm “tổn thất” đòi hỏi NCS phải lựa chọn. Ngoài chỉ tiêu phản ánh khái niệm ‘tổn thất’ NCS phải đưa ra những chỉ tiêu phản ánh các nhân tố ảnh hưởng đến tổn thất như điều kiện mỏ-địa chất, công nghệ khai thác, các giải pháp kinh tế, các giải pháp hành chính, các giải pháp giáo dục.
  Thu thập và xử lý dữ liệu: Đây là yếu tố tạo ra ‘vật liệu đầu vào’ của những phân tích, nhận xét và kết luận, bảo đảm tính tin cậy và thuyết phục.  Dữ liệu là những là những thông tin cho trước mang hình thức chữ hay số; gốc hay thứ cấp  mà NCS phải thu thập và xử lý. Thu thập có nhiều cách: đọc tài liệu (trên mạng, trong thư viện); điều tra (khảo sát, phỏng vấn). Xử lý là biến các dữ liệu  thu thập mang tính cá biệt, riêng lẻ thành nhóm theo những tiêu thức nhất định, cho phép nhận xét khái quát mức độ và xu hướng phát triển của hiện tượng và sự vật theo không gian hoặc thời gian. Hình thức của kết quả xử lý là các bảng, biểu đồ hay biểu thức toán học. Chú ý rằng quy luật trong lĩnh vực kinh tế không mang tính chặt chẽ như các lĩnh vực khoa học tự nhiên, nếu kết quả xử lý tốt cũng có thể tạm gọi là quy luật.
 Phương tiện xử lý thông tin hiện đại:  Đây là yếu tố không thể thiếu khi mà khối lượng thông tin phải xử lý trong LATS ngày nay đòi hỏi lớn để cho kết quả tin cậy cao, trong khi quỹ thời gian nghiên cứu có hạn. Sở hữu máy tính hiện nay đối với NCS không còn là vấn đề! Nhưng một LATS  chỉ huy động máy tính giống như ‘máy chữ’ để ‘gõ’ văn bản thì chưa được xếp vào LATS áp dụng phương pháp xử lý thông tin hiện đại. NCS phải giải trình kết quả xử lý dữ liệu về phần mềm có sẵn hoặc tự xây dựng.
Vai trò của PPNC trong LATS
   Theo quy chế đào tạo TS hiện hành của Bộ GDĐT [1] thì “Luận án tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu khoa học sáng tạo của chính nghiên cứu sinh, có đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học hay thực tiễn kinh tế - xã hội.”; ‘ Luận án tiến sĩ có khối lượng không quá 150 trang A4, không kể phụ lục, trong đó có ít nhất 50% số trang trình bày kết quả nghiên cứu và biện luận của riêng nghiên cứu sinh’ – Rõ ràng tính mới, tính độc lập, tính sáng tạo nếu có được không thể tách rời các yếu tố PPNC trong luận án.
  Gần đây trong các cuộc hội thảo LATS tôi thấy  một vài NCS thường đối diện với ‘sự cố’ trùng đề tài theo nghĩa hầu hết các ‘từ khóa’ gần giống với các công trình đã công bố trước mà hiện nay có thể dễ dàng phát hiện trên mạng. Nhưng bản thân NCS không thể biết các công trình đã công bố có mục đích, đối tượng, nhiệm vụ và sử dụng những yếu tố PPNC gì để chững minh cho tính độc lập của LA mình. Do đó hội thảo chỉ tập trung vào sửa đổi câu chữ của đề tài. Tôi nghĩ: Mục đích cuối cùng của đào tạo trình độ tiến sĩ là tạo ra cán bộ có trình độ NCKH nhất định, đủ khả năng nghiên cứu những vấn đề không chỉ đặt ra một lần bởi LATS mà trong hoạt động NCKH tiếp tục về sau. Vì vậy cái cần ‘gặt hái’ nhất đối với NCS chính là PPNC và cơ sở đào tạo cũng nên đòi hỏi NCS ‘không phải là nghiên cứu cái gì mà bằng PPNC nào ?’
  Như trên đã trình bày, PPNC là hệ thống các yếu tố mà NCS có thể chủ động lựa chọn để đạt kết quả tốt  nhất, đồng thời tạo ra tính độc lập sáng tạo. Giả sử một đề tài được cho là trùng lặp chỉ cần có 2 trong số 5 yếu tố đã trình bày trên thì ít nhất sẽ có 10 phương án PPNC độc lập, tính theo công thức sau:
                                  C52 = 5!/ 2! (5-2)!  =10 phương án                                               (2)
Cũng cần chú ý rằng tính độc lập sáng tạo của LATS đ ươc cụ thể hóa bằng quy định trên 50% số trang chỉ mang tính hình thức và ngày nay có thể dùng những phần mêm kiểm soát 'đạo văn' để phát hiện (Ví dụ: Plagiarisma), nhưng tôi không tin phần mềm đó có thể đánh giá được tính độc lập sáng tạo về PPNC của LATS.

Viết PPNC trong LATS theo quy chế của Bộ GDĐT:

Theo [1] thì PPNC không cần nêu ở phần mở đầu, đồng thời đòi hỏi được trình bày tại phần tổng quan về vấn đề nghiên cứu, cũng như được trình bày tại phần nội dung của LATS (trong cơ sở lý luận ). Điều này gây ra lúng túng cho NCS . Theo tôi PPNC trong mỗi chỗ có chức năng riêng:

- PPNC tại phần mở đầu có chức năng giới thiệu chung cho luận án, được trình bày vắn tắt. Tuy không yêu cầu nhưng nên trình bày;

- PPNC trong phần tổng quan có chức năng là đối tượng của NCS trong bình luận PPNC các công trình nghiên cứu có trước, giúp ích cho việc lựa chọn PPNC của NCS;

- PPNC trong phần nội dung LA có chức năng cơ sở cho các nhận xét, kết luận mà NCS đã lựa chọn. Vì vậy để hợp lý nên trình bày PPNC trong nội dung (chương) Cơ sở lý luận của đề tài.

Tài liệu tham khảo:

1. Thông tư 05/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ

2. Sẽ sửa Quy chế đào tạo tiến sỹ - 27-04-2016 | Giáo dục | Báo điện tử ...

3. Lại Cao Nguyện (2006)-Từ điển Từ Hán Việt. NXB KHXH

4. Book - Vu Cao Dam - Phuong phap luan NCKH ... - e-Learning System

5.  Đảng CSVN (2001)- Nghị quyết hội nghị lần thứ ba Ban CHTƯ ĐẢNG khóa IX về tiếp tục sắp sếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét