Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

20160828. THƯ GIÃN VỚI CHUYỆN KHEN-CHÊ

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHEN QUÁ HÓA... CHỬI !
THÁI HỮU TÌNH/ BVN 28-7-2016
Kết quả hình ảnh cho nâng bi
Tôi có hai ông bạn rất vui tính, hay pha trò, chỉ phải cái tật “đảng tính đầy mình” bất di bất dịch, chẳng biết thật hay giả nhưng cứ mở miệng là phải nói đúng lập trường, đặc biệt đối với ông TBT tối cao của đảng thì chỉ một mực tôn vinh và kính phục. Hai ông rất tương đắc, thế mà có hôm tranh luận xung đột, tôi tưởng suýt nữa họ “choảng” nhau…
Ông Khoái đặt tờ báo xuống bàn, vỗ đùi đánh đét rồi ngả người trên ghế xích-đu, lắc lư cái đầu:
- Hay, hay! Hay tuyệt cú mèo! Dân chủ đến thế là cùng! Có thế chứ! Tài, tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư ông cụ Tổng!
Ông Thà cũng đang chăm chú đọc một tài liệu (chắc là một bản tin nội bộ sau Đại hội chứ gì), nghe thấy ông bạn “chửi” đích danh TBT liền đứng phắt dậy, chỉ mặt và sừng sộ:
- Ông điên à, sao hôm nay bỗng dưng ăn nói phản động thế, nhiễm tư tưởng của đám biểu tình rồi hả?
- Phản động cái con khỉ, tôi sướng quá thì có. Không phải câu chửi mà là câu thán phục. Đây ông xem, cụ Tổng nói quá đúng, “Dân chủ đến thế là cùng” tức là dân chủ cực điểm rồi, không thể dân chủ cao hơn được nữa, cao hơn nữa thì chết. Đột nhiên tôi nhớ nhân vật Hoàng của Nam Cao phải vỗ đùi bái phục Tào Tháo “Tài đến thế là cùng, tiên sư anh Tào Tháo”, một câu khen để đời. Ông không biết à: khi sự kính phục, sự khoái trá đã đến mức vô cùng tận thì mọi ngôn ngữ thông thường đều bất lực hết, chỉ có phát cuồng lên bật thành câu chửi mới bộc lộ hết cái xúc cảm của sự kính phục. Thế mới là văn học ông ạ, đấy cũng là cái nguyên lý “cùng tắc biến” trong ngôn ngữ. Khen quá hóa… chửi, mà Chửi chính là Khen, có câu khen nào tuyệt vời hơn câu chửi dưới ngòi bút Nam Cao?
Ông Thà được bạn giảng giải một chút về “lý thuyết văn học” như vậy chắc đã hiểu ra, nên vừa tủm tỉm cười vừa tấm tắc phụ họa:
- Ừ tài thật, vừa mới hôm nào lấy phiếu tín nhiệm ở Trung ương, ông ấy xếp thứ 8 mà nay đánh bật được hai lão thứ nhất thứ nhì thì có giỏi không? Ổng tuyên bố chống kẻ hám quyền và phải loại trừ người quá tuổi, nói thế ai cũng tưởng ông tự loại mình ra thế mà kết cục ngược lại thì có tài không? “Nghệ thuật lãnh đạo” như thế phải công nhận là siêu.
Ông Khoái bổ sung:
- Mà phải công nhận, ông ấy nói câu nào là trúng câu ấy, chỉ bọn ngu không hiểu nên phản đối thôi. Ví dụ trong khi ai cũng bảo mất biển mất nước đến nơi thì ông khẳng định “Tình hình biển đông không có gì mới”? Thoạt nghe tưởng vô lý, nhưng đúng quá đi chứ, có mất nước, bị Bắc thuộc lần nữa thì cũng có gì mới nào, Bắc thuộc lặp đi lặp lại ba bốn lần, dài cả nghìn năm rồi chứ mới nỗi gì? Chí lý, thậm chí lý! Nói câu ấy là đã nhìn rõ cái sự Bắc thuộc nó chắc như đinh đóng cột rồi, quả là viễn kiến, là tiên tri như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vậy.
Ông Thà có vẻ rất ưng ý sự đánh giá ấy nên gật đầu lia lịa:
- Ừ, ừ, khen TBT nhà mình thì cứ khen cả ngày!
T.H.T.
Tác giả gửi BVN
 ĐÔI LỜI CÙNG BÁC THÁI BÁ TÂN
VÕ VĂN TẠO/ BVN 28-8-2016

Đôi lời cùng bác Thái Bá Tân

Bác Thái Bá Tân lâu nay được nhiều người chơi fb, trong đó có tôi, mến mộ qua những vần thơ 5 chữ giản dị, hóm hỉnh phê phán thế sự. Mấy hôm nay, bỗng rộ lên tranh cãi về một stt bác mới viết. Không ít người chụp mũ, thóa mạ nặng nề đại loại bác "nâng bi Trọng lú", "nịnh thối đảng", "sớm đánh, tối đầu", "ăn cây nào, rào cây ấy", "được CS ưu ái cho du học, chịu ơn CS"...
Thiết nghĩ, những nhận xét đó thật không công bằng với bác, nếu không nói là có phần cực đoan, hồ đồ.
Thế nhưng, đọc stt của bác, tôi cũng xin có đôi lời cùng bác:
1. Bác tin ông Trọng là người liêm khiết.
Vâng, tôi và nhiều người khác cũng chưa nghe thông tin ông Trọng tham nhũng tiền bạc hay có tài sản khủng bất minh.
Tuy nhiên, là người học hành chữ nghĩa (dù học Mác Lê), hẳn ông Trọng dư biết: tự do tư tưởng, tự do quan điểm chính trị là quyền cơ bản, tối thượng, thiêng liêng và tự nhiên của mỗi con người trong xã hội. Một đảng chủ trương độc tài về chính trị, là đảng đó đã cướp đoạt quyền tự do ấy của cả xã hội. Chắc chắn ông Trọng dư biết độc tài cai trị là cái gốc đẻ ra mọi tha hóa, xấu xa, trong đó có tham nhũng vật chất. Chỉ có tự do tư tưởng, đa nguyên chính trị, đa đảng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, chấp nhận đối lập, lá phiếu của dân chúng có quyền lực thực sự thì mới giảm thiểu lạm quyền, tha hóa, tham nhũng, coi dân như cỏ rác, như bầy bò để vắt sữa.
Tham nhũng vật chất là vơ vét của cải thiên hạ về tay cá nhân, phe cánh. Tham nhũng chính trị là vơ vét quyền lực xã hội về tay cá nhân, phe nhóm. Tác hại của tham nhũng chính trị, quyền lực khủng khiếp hơn tham nhũng vật chất.
2. Bác tin lãnh đạo nước ta không bán nước cho Tàu.
Tôi cũng tin như bác. Vì bán nước (thành khu tự trị hay tỉnh của Tàu) thì đang ở vị trí nguyên thủ quốc gia (vua một cõi), họ đâu muốn thành tỉnh trưởng (hàng thần lơ láo)?
Nhưng cái tình huống cuối thập niên 1980, Liên Xô và Đông Âu từ bỏ CS, họ sợ tự do dân chủ lan đến VN, mà muối mặt, trơ trẽn và nhục nhã chủ động cầu cạnh thằng bành trướng từ nghìn đời nay, mới trước đó có 2 năm thảm sát 64 bộ đội ta trong vụ xâm lấn Trường Sa - Gạc Ma, cách đó có 1 năm, đang tâm điều xe tăng chà nát hàng nghìn sinh viên đòi dân chủ và minh bạch một cách ôn hòa ở Thiên An Môn, thì cái dã tâm ngai vua tập thể trên hết đã bộc lộ quá rõ ràng. Nhận định của ông Nguyễn Cơ Thạch về Hội nghị Thành Đô 9-1990: "Một thời kỳ Bắc thuộc mới đầy nguy hiểm" ngày càng được thực tế VN minh chứng.
Tôi tin họ không trắng trợn thỏa thuận, ký kết đến 2020, VN thành khu tự trị thuộc Tàu, nhưng chắc chắn những gì họ đã bàn bạc, thỏa thuận và thực thi từ Thành Đô đến nay đã và đang làm VN ngày càng suy yếu trong tương quan lực lượng với Tàu, tạo cơ hội Tàu ngày càng lấn lướt chủ quyền của VN, và nguy cơ VN bị thôn tính từng phần, xâm lược ngày càng rõ nét. Lợi ích quốc gia ngày càng bị Tàu cướp đoạt, lòng dân ngày càng hoang mang. 
Nếu họ vì đất nước, vì nhân dân, đã không bỏ lỡ mọi cơ hội Hoa Kỳ và các cường quốc văn minh muốn tăng cường hợp tác.
3. “Bất chấp tham nhũng và sự bất tài của một số lãnh đạo”, bác tin “đất nước ta sẽ phát triển về kinh tế, và dần dần sẽ đổi mới hơn nữa và tiến bộ hơn về chính trị".
Tôi cũng tin như bác, vì đó là quy luật mà họ không thể cưỡng lại. Nhưng lực cản từ họ làm chậm lại rất nhiều đà tiến của đất nước.
4. Bác tin con người Việt Nam ta về cơ bản vẫn tốt chứ không hoàn toàn u ám như nhiều bác mô tả.
Tôi không nghĩ như bác. Tôi cho rằng, chừng nào CS còn cai trị thì thói giả dối, tuyên truyền bịp bợm, ngu dân còn thống trị, và chỉ làm cho người VN càng tệ hại mà thôi. Cứ so sánh đạo đức, lối sống, triết lý giáo dục miền Bắc trước và sau 1954, miền Nam và cả nước trước và sau 1975 là thấy rõ ngay.
5. Bác: "không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi. Tất nhiên vẫn muốn tốt hơn nữa. Tôi thấy bộ máy chính phủ vận hành được. Bác thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Bác Thăng năng nổ và dám nói, dám làm".
Ý này thì bác sai rõ rồi. Tôi cho rằng không gì khôi hài, trơ trẽn và ngụy biện hơn lập luận ấy của đảng. "Đổi mới" là gì? Nếu chẳng phải là suốt mấy thập niên đảng từng rập khuôn áp đặt khốc liệt mô hình quản lý duy ý chí kinh tế - xã hội ngu xuẩn của Stalin, kìm hãm, triệt tiêu sức sản xuất như trói nền kinh tế xã hội lại. Rồi thấy nguy cơ khủng hoảng tột cùng, đảng mới nới bớt cho kinh tế phát triển một phần tự nhiên như nó vốn vận hành (kinh tế thị trường) và lu loa đó là công ơn của đảng?
Bác hãy nhìn sang Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaixia, Indonesia... để thấy, đầu thập niên 1960, họ kém xa ta đó.
Cái nhìn của bác về Thủ tướng Phúc dường như không được mấy người tán thành, chí ít trong vụ cá chết. Formosa tái phạm biết bao lần, có thấy đóng cửa đâu? Bác Thăng chỉ được cái lăng xăng, la lớn, đánh bóng tào lao. Nếu bác rành lịch sử tiến thân kiểu "công công" của bác Thăng, bác đã chẳng lạc quan vậy. Về lời nói và hứa hẹn, ông Phúc và ông Thăng cộng lại, chưa bằng ông X.
6. Bác: "tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy. Tóm lại, về đại cục mà nói, tôi thấy tình hình không phải xấu đi mà đang tốt lên, trừ vụ nợ công và thâm hụt ngân sách mà tôi không rõ lắm".
Vâng, tôi cũng tin dân chủ tự do thực sự sẽ có với nước ta. Có điều, nó sẽ có ngay trong một thời gian rất nhanh, nếu chóp bu CS, vì quyền lợi nhân dân và đất nước, từ bỏ quyền lợi vị kỷ của họ. Hiện nay, họ không từ thủ đoạn xấu xa, đê tiện, tội lỗi nào để làm chậm quá trình ấy ngày nào hay ngày ấy, cốt vơ vét thêm nữa cho bản thân, dòng tộc, vây cánh.
Hài lòng với những gì đã và đang có không phải suy nghĩ chung của đa số dân nghèo lam lũ thấp cổ bé họng và trí thức chân chính.
Nợ công, thâm hụt ngân sách thì chính báo chí quốc doanh cũng cho cả nước rõ rồi. Đại cục chẳng tốt lên đâu.
Đảng đang cố duy trì quyền lực độc tôn cai trị bằng mọi giá. Tôi chẳng thấy gì sáng sủa sau Đại hội 12, vì một số nhân vật kỹ trị, có học, còn chút lương tâm thì bị gạt ra rìa, hoặc bố trí ở vị trí hữu danh vô thực. Trong khi đó, các vị trí chủ chốt lại tràn ngập giới bảo thủ, hắc ám, quân phiệt. Một vài doanh nghiệp sân sau của ê kíp cũ bị sờ gáy, nhưng dường như những con cá mập mafia bự nhất vẫn nhởn nhơ. Dư luận cho rằng, chúng sẽ nhanh chóng thích nghi với ê kíp mới.
Thưa bác Thái Bá Tân, tôi suy nghĩ như vậy, có quá bi quan?
V.V.T.
-------------------------------------
Đây là status của bác Thái Bá Tân:
Đôi lời
Bực mình một bác vừa rồi bảo tôi nâng bi bác Trọng và chế độ. 
Nói rõ thế này nhé.
Cuộc sống đa dạng, con người cũng đa dạng, không ai, không cái gì xấu cả hoặc tốt cả. Cách đánh giá cũng da dạng như vậy. Bất chấp nguy hiểm cho bản thân, tôi lên tiếng phản biện, có khi nặng lời. Nhưng cái gì tôi tin là đúng thì tôi khen. Chưa nói chuyện đúng sai, nhưng đó là quan điểm và quyền của tôi. Không đồng ý thì thôi, sao phải thóa mạ? Nhiều bác lề trái đôi khi nói thái quá, tôi đọc đấy, biết đấy và im lặng. Đó là thái độ tôn trọng người khác. 
Nhân tiện:
1. Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết. Làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác.
2. Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu.
3. Bất chấp tham nhũng và sự bất tài của một số lãnh đạo, tôi tin đất nước ta sẽ phát triển về kinh tế, và dần dần sẽ đổi mới hơn nữa và tiến bộ hơn về chính trị. Hình ảnh “chìm tàu” tôi nhắc đến chỉ là một kiểu phúng dụ, nói quá, của văn chương. Mà ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy.
4. Tôi tin con người Việt Nam ta về cơ bản vẫn tốt chứ không hoàn toàn u ám như nhiều bác mô tả.
5. Tôi không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi. Tất nhiên vẫn muốn tốt hơn nữa. Tôi thấy bộ máy chính phủ vận hành được. Bác thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Bác Thăng năng nổ và dám nói, dám làm.
6. Tôi tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy. Tóm lại, về đại cục mà nói, tôi thấy tình hình không phải xấu đi mà đang tốt lên, trừ vụ nợ công và thâm hụt ngân sách mà tôi không rõ lắm.
Tôi nghĩ như thế đấy. Và chính niềm tin này đã tiếp sức cho tôi trong việc phản biện và thơ phú giúp lớp trẻ sống có ích, có ý nghĩa cho mình và cho đất nước.
Tôi yêu Việt Nam. Tôi cũng yêu cả các bác. Không yêu, đã chẳng thèm nói, chẳng thèm dạy học và chẳng thèm viết.
Hơi thật thà quá. Xin lỗi.
T.B.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét