Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

20160804. BÀN VỀ SỰ THẤT BẠI CỦA CÁC TẬP ĐOÀN KINH TẾ NHÀ NƯỚC

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHI NHỮNG QUẢ ĐẤM THÉP BIẾN THÀNH QUẢ ĐÂM NHỒI BÔNG
PHẠM NHẬT BÌNH/ BVB 4-8-2016
“Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” là mục tiêu được nhắc đi nhắc lại trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN khoá 11 và 12, kéo dài trong mười năm gần đây nhất.
Nó cũng được các nhà làm kinh tế đảng phân tích, thảo luận rất nhiều trên các diễn đàn nhằm tìm ra con đường tối ưu nhất để đạt tới mục tiêu. Đó là một ước vọng, một giấc mơ tốt đẹp của hầu hết những đất nước chậm phát triển, muốn sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu để hòa nhập vào thế giới văn minh, giàu mạnh.

Nhưng ngược với những gì tốt đẹp của một giấc mơ, dù được thúc đẩy bởi nhiều nguồn tài trợ lớn lao trên thế giới suốt nhiều năm, nền kinh tế Việt Nam chẳng những không chịu phát triển mà còn có những chỉ dấu thất bại thật rõ ràng.

Báo Tiền Phong, trực thuộc Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM, đã phải lên tiếng than thở về tình trạng sa sút của khối doanh nghiệp quốc doanh trong thời gian qua mà họ gọi là một thảm trạng. Báo Thanh Niên cho rằng, thay vì là sức mạnh và “bệ đỡ” cho các thành phần kinh tế khác, doanh nghiệp nhà nước trở thành một gánh nặng tiêu biểu cho lối làm ăn làm nghèo đất nước.
Balao-2-c0197
Ảnh: Internet


Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế một thời được đặt trong vị trí “chủ đạo” đầu tàu, những quả đấm thép tiến vào nền công nghiệp nặng giờ đây đang vật vã và chìm đắm trong nợ nần không lối thoát.
Những quả đấm thép ấy ngày nay quả thật không còn… thép nữa. Toàn bộ sức mạnh kỳ vọng vào nó nhanh chóng biến thành những quả đấm bông gòn.

Nhìn suốt thời gian hơn 30 năm của cuộc đổi mới, có thể thấy những lý do căn bản nhất khiến đổi mới sa vào thất bại sau những thành công khiêm tốn bước đầu.

Thứ nhất, giấc mơ đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 của đảng cầm quyền về căn bản không có gì sai. Đây là một nỗ lực cần thiết để đưa đất nước tiến lên sau những năm dài tụt hậu vì những chính sách phát triển tạp nhạp trong khuôn khổ của chủ thuyết Mác-Lênin. Nhưng giấc mơ này ngay từ đầu đã mang mầm mống của môt quái thai kinh tế. Quan điểm kinh tế thị trường đã bị gắn liền với định hướng xã hội chủ nghĩa không tưởng.

Từ đó chính sách đổi mới của Việt Nam đã xây dựng trên một con đường phát triển sai lầm vì cố uốn nắn kinh tế thị trường, thực chất là kinh tế tư bản, vào trong ý thức hệ Mác-Lê. Giới lãnh đạo CSVN muốn làm chuyện phi thường, đem hai quan điểm kinh tế đối chọi nhau nhốt chung một cổ xe hai ngựa chạy ngược chiều.

Họ tin rằng có thể dùng sức phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường để xây dựng xã hội chủ nghĩa thành công. Trong lúc thị trường tự do là động lực của phát triển và thịnh vượng trên khắp thế giới, định hướng xã hội chủ nghĩa chính là sức trì kéo cổ xe kinh tế Việt Nam đi thụt lùi.

Để ngăn ngừa sự vượt trội, lấn áp của các thành phần kinh tế khác, đảng CSVN luôn nhắc nhở và đề cao việc duy trình hệ thống quốc doanh làm chính. Quốc doanh là chủ đạo trở thành một câu kinh nhật tụng của các nhà vạch chính sách kinh tế của đảng.

Do đó, thay vì tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển đồng đều và công bằng, mở rộng giao thương với thế giới bên ngoài thì quốc doanh lại là nơi đẻ ra các nhóm lợi ích và nạn tham nhũng. Chúng biến công cuộc kinh doanh với vốn nhà nước thành nơi trục lợi cá nhân, bòn rút tài nguyên, tiền bạc của các phe nhóm trong đảng. Kinh doanh theo lối lời giả lỗ thật, các nhà quản lý bất tài đua nhau đưa ra những báo cáo lạc quan hàng năm để tiếp tục vay nợ và vung tay hoang phí.

Thứ hai, để thực hiện mơ ước của mình, đảng CSVN chọn mô hình phát triển kinh tế của Trung Cộng, một quốc gia có thể chế chính trị tương đồng. Dựa theo người bạn láng giềng, từ đầu thập niên 90 trở đi Việt Nam ào ạt lập ra những tập đoàn kinh tế và tổng công ty trực thuộc nhà nước.
sau nhiều năm tai tiếng vì thua lỗ và thất bại trong đầu tư, kinh doanh và quản trị.
Sau nhiều năm tai tiếng vì thua lỗ và thất bại trong đầu tư, kinh doanh và quản trị, Tập đoàn Vinashin ngưng hoạt động ngày 31-10-2013.


Trong không khí hào hứng và tin tưởng vào sự thành công nắm chắc trong tay, những mô hình kinh tế mới mẻ ấy được xưng tụng là những quả đấm thép góp phần đưa xã hội chủ nghĩa đến thành công. Từ khai thác dầu khí, khai thác quặng mõ đến giao thông, xây dựng công nghiệp mà trong đó công nghiệp đóng tàu biển của Vinashin được tôn vinh trong tương lai sẽ đứng hàng thứ tư trên thế giới.
Nhưng thực tế đã đưa ra những câu trả lời ngược lại. Khi những tập đoàn kinh tế, những tổng công ty đồ sộ về hình thức ấy đi vào hoạt động đã để lộ ra những khuyết điểm chết người.

Trí tuệ và khả năng chuyên môn của những người thực hiện các “quả đấm thép” quá thấp và thiển cận. Được giao quyền hành quá lớn nên các tập đoàn kinh tế tha hồ kinh doanh bừa bãi. Sẵn ngân sách nhà nước, họ vất tiền đầu tư vô tội vạ vào đủ mọi ngành nghề từ kinh doanh xăng dầu, phân bón, địa ốc thậm chí nấu rượu nuôi heo.

Do bắt chước thiên hạ mà khả năng không có hay quá kém mà lại còn tham lam, nên cuối cùng các tập đoàn kinh tế biến thành nơi vỡ nợ quốc gia hàng ngàn tỷ đồng mà không có công trình nào ra công trình nào. Nhìn vào những con số của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố liên quan đến tình hình sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2014-2015, nhiều đơn vị quốc doanh đã thua lỗ nặng nề. Chẳng những thế, có đơn vị đang nợ từ hàng chục đến hàng trăm lần vốn sở hữu.

Thứ ba, do bất tài, những cán bộ lãnh đạo các tập đoàn kinh tế trở thành những con sâu làm ung thối đất nước và đưa nền kinh tế đến bờ vực phá sản. Chỉ sau một vài năm hoạt động, chẳng những họ phá tiêu vốn liếng ban đầu mà còn gây ra vô số cái gọi là “nợ xấu”. Điều ngược đời là những cán bộ làm sai, làm hỏng nhưng họ vẫn an toàn và hùng hồn tiến thân càng lúc càng cao, nhờ núp duới cái gọi là “đúng quy trình”.

Chính cái gọi là đúng quy trình do đảng lập ra như lá bùa hộ mệnh để mọi loại cán bộ bất tài dù có làm thiệt hại quốc gia vẫn có chỗ núp thật tốt nên không hề bị kỹ luật hay tù tội.

Ông Võ Kim Cự
Ông Võ Kim Cự

Sau khi vụ Formosa vỡ lở, bí thư tỉnh ủy trước đây của Hà Tĩnh Võ Kim Cự vẫn biện bạch cho rằng mình ký cấp phép hoạt động cho Formosa thời hạn 70 năm là đúng quy định. Hay Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ngang nhiên ký giấy bổ nhiệm con trai vẫn bào chữa là đúng quy trình. Và còn nhiều hành động làm thiệt hại tính mạng tài sản người dân vẫn an toàn nhờ vào lá bùa “đúng quy trình”.
Chính vì “đúng quy trình” mà đa số cán bộ các cấp lãnh đạo ở tổng công ty dù làm bậy chỗ này vẫn được cất nhắc lên những chức vụ cao hơn ở chỗ khác, mà lại có thể béo bở hơn. Vì họ được phe nhóm trong đảng tận tình bao che nên không có bất cứ thứ luật pháp nào có thể rớ tới.

Cái gọi là những cú đấm thép thực chất chỉ là chiêu bài để cho một đám quan lại ngu xuẩn tìm cách đục khoét, tẩu tán tài sản đất nước vào tay của cá nhân một cách an toàn vì có “đúng quy trình” bảo vệ.

Giờ đây thảm trạng của nền kinh tế như lưỡi gươm bén treo trên số phận Việt Nam, nơi mà núi nợ công ngày càng cao, khiến mỗi người Việt Nam đang mang số nợ trên 1.000 đô-la chưa biết đến đời nào mới trả nổi.

Và sự thịnh vượng mà lãnh đạo đảng cộng sản kỳ vọng vào những quả đấm thép chỉ là ảo tưởng vì nó được lãnh đạo để thành những quả đấm không có thép, hay chỉ là những quả đấm nhồi bông.

Phạm Nhật Bình/(CTM

KHI NHỮNG 'QUẢ ĐẤM' KHÔNG CÒN ... THÉP
 
KHÁNH HUYỀN, HỮU VIỆT /TP  28&29-7-2016
 
Khi những “quả đấm” không còn... thép
Công ty mẹ COMA hiện có số nợ gấp 12 lần vốn chủ sở hữu.
 

TP - Không phủ nhận vị trí đầu tàu và đóng góp cho nền kinh tế của khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong những năm qua. Nhưng thay vì củng cố sức mạnh và trở thành bệ đỡ cho các thành phần kinh tế khác, nhiều DNNN đang teo tóp.
 
 
Bài 1: Nguy cơ mất trắng hàng ngàn tỷ đồng
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố số liệu liên quan tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2014 tại 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước (tổng cộng 234 doanh nghiệp). Mổ xẻ hoạt động của các DNNN này cho thấy, nhiều đơn vị có kết quả kinh doanh thua lỗ nặng, thậm chí âm vốn chủ sở hữu tới vài chục cho đến cả trăm lần.
 
Lỗ khủng khiếp
Trong một lần trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (khi đó là Trưởng Ban kinh tế Trung ương) từng chia sẻ bản thân ông luôn đánh giá cao vai trò đầu tàu kinh tế của khối DNNN; đặc biệt là những tập đoàn, tổng công ty năng động, biết làm ăn kinh doanh hiệu quả trong thời kỳ đổi mới. Đó là những gương sáng: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, ông Huệ cũng lưu ý không phải tất cả DNNN đều hoạt động hiệu quả.
Trở lại kết quả mới đây, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tình hình tài chính, các hoạt động liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại 234 DN thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm 2014 cho thấy, có 33/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh có lãi. Trong đó đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với lợi nhuận sau thuế năm 2014 hơn 43.800 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC 5.289 tỷ đồng, Mobifone gần 5.100 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam gần 4.400 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hơn 2.500 tỷ đồng…
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, 5/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ, mà đứng đầu là Vinalines với số lỗ khủng lên đến gần 3.500 tỷ đồng. Riêng con số này đã gấp nhiều lần số lỗ của 4 đơn vị khác cộng lại. Ngoài ra, còn các đơn vị khác lỗ như Tổng công ty 15 là 471 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) lỗ 131 tỷ đồng... 33 doanh nghiệp còn lại có lãi và bảo toàn được vốn.
Đặc biệt, hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng... dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. Tính đến cuối năm 2015, Chính phủ đã phải bảo lãnh vay vốn hơn 26 tỷ USD cho các doanh nghiệp thuộc khối này.
Nợ khó đòi vô số kể
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra những bất cập khác của các tập đoàn, tổng công ty trong sử dụng vốn kém hiệu quả. Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt, dẫn đến thất thu, quá hạn, nợ khó đòi. Một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng chưa đúng quy định, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi...
Theo Báo cáo Kiểm toán, dẫn đầu trong số doanh nghiệp có nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao là các công ty thuộc Vinalines như Công ty Công nghiệp tàu thủy Cà Mau (154 lần), Công ty Phát triển Hàng hải (55 lần), Cảng Năm Căn (17 lần), Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô (40 lần), Cảng Cái Lân (27 lần)... Công ty mẹ COMA có số nợ gấp 12 lần vốn chủ sở hữu...
Đơn cử, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có khoản nợ khó đòi lên tới hơn 376 tỷ đồng (chiếm 25,7%), Văn phòng Tổng công ty Vinataba, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9, COMA 18, COMAEL,... có số nợ khó đòi lên tới vài chục tỷ đồng mỗi đơn vị. Mobifone có khoản nợ khó đòi 312 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng 65,8 tỷ đồng, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia 53,8 tỷ đồng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc 49,8 tỷ đồng. Bên cạnh một số đơn vị đầu tư tài chính có hiệu quả, nhiều nơi vẫn góp vốn vào doanh nghiệp có tình trạng tài chính xấu, nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể như Vận tải Viễn dương Vinashin, Vận tải Biển Đông, Vận tải Biển Bắc, Vận tải Dầu khí Việt Nam, Xi măng Hạ Long...
Điểm danh một số tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, tại Vinalines, 51 đơn vị có vốn đầu tư của công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả thấp. Còn tại Tập đoàn Dầu khí, khoản đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank nay đã mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông (Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng). Hay như Tổng công ty Dầu Việt Nam, năm 2014 cũng phải trích lập dự phòng 1.915 tỷ đồng đối với 14 doanh nghiệp có lỗ lũy kế...
Nhận xét về hiệu quả hoạt động của khối DNNN, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hải, Phó Trưởng khoa Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn: DNNN hiện chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP. “Đây là một con số vô cùng khiêm tốn, chúng ta cần suy ngẫm”, ông Hải nói.
(còn tiếp)
Khánh Huyền - L. Hữu Việt

Bài 2: Những cỗ máy yếu, vì sao? 

TP - Từng được Chính phủ kỳ vọng là “những quả đấm thép” với đỉnh điểm đóng góp gần 40% GDP (năm 2008), khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang tụt lại, vị trí bánh lái nền kinh tế bị lung lay. Tại cơ chế hay do con người chưa đủ tài, đủ lực?
 
DNNN độc quyền - ngồi không cũng làm được
Cuối năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo tổng thể cập nhật tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Theo đó, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty đạt 250.857 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2013.
 
Căn cứ thực tế, bộ này nhận xét: Kết quả hoạt động của một số đơn vị chưa cao, có tập đoàn, tổng công ty báo cáo hoạt động của công ty mẹ có lãi, nhưng báo cáo hợp nhất vẫn bị lỗ và lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất đến thời điểm hết năm tài chính 2014 còn cao hơn thời điểm hết năm tài chính 2013.
Xi măng Hạ Long, một đơn vị đang nợ nần âm vốn cả ngàn tỷ.

Theo Bộ Tài chính, năm 2015 tổng giá trị tài sản của DN 100% sở hữu nhà nước là 3,105 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu nhà nước là 1,233  triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê vào năm 2014, DNNN chỉ tạo ra 24% doanh thu, dưới 20% giá trị sản xuất công nghiệp...
Lần giở lại một báo cáo tại Quốc hội kỳ trước đây, theo tính toán, xét về hiệu quả đầu tư, vai trò kinh tế của khu vực DNNN đang ngày càng suy giảm. Giai đoạn 2000 - 2006, khu vực kinh tế nhà nước đầu tư 7,2 đồng mới tạo ra được 1 đồng GDP, những năm 2007 - 2012 phải đầu tư tới 9,3 đồng mới tạo ra được 1 đồng.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn rất thấp và ngày càng giảm. Năm 2007, tỷ suất này của các DNNN khoảng 2,6%, nhưng đến năm 2012 giảm xuống chỉ còn 1%. Trong khi đó, tỷ lệ trả lãi vay bình quân cả trong và ngoài nước khoảng 4-5% nên nhiều DNNN khó có thể trả nợ. Điều này khiến áp lực nợ công ngày càng tăng.
Đến lúc phải thay đổi?
Trò chuyện với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị một DNNN đang nằm trong “Top” nộp ngân sách nhiều ngàn tỷ những năm qua chia sẻ: “Chúng tôi rất hiểu cái hay, cái dở của DNNN là như thế nào và vì sao vậy. Trên thực tế đúng là DNNN rất được Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện, thậm chí, có những DNNN độc quyền thì nói thật ngồi không, họ cũng có lợi nhuận. Tuy nhiên, muốn DNNN hoạt động tốt điều chúng tôi cần hơn là cơ chế thì lại không có”.
“Hiện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, nếu quản lý tốt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức 17% - 20%. Nếu có cơ quan quản lý hiệu quả 1,3 triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN, tương ứng tỷ suất lợi nhuận đạt 17% thì mỗi năm có thể thu về 200.000 tỷ đồng lợi nhuận từ các DNNN”. 
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội
Vị này đơn cử việc thu hút lao động hay nhân tài. Bây giờ, DNNN muốn tuyển thêm người thì bị Nghị định 52 về sử dụng lao động khống chế. Muốn xin thêm người, chúng tôi phải xin đủ chữ ký các cấp, bộ ngành. Hay cứ động đến phê duyệt đầu tư dự án, nếu so sánh với quy trình của doanh nghiệp tập đoàn tư nhân có lẽ dài hơn rất nhiều lần. Vì thế, nhiều khi cơ hội đã đi qua từ lâu dự án mới được phê duyệt. Một điểm nữa là hễ động làm gì thì tâm lý của nhiều lãnh đạo DNNN đều sợ bị dính đến pháp luật.Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, không nói đến nhà nước hay tư nhân quan trọng nhất của một doanh nghiệp là phải có người đứng đầu giỏi. “Ưu ái DNNN là tốt nhưng họ cũng cần cơ chế chuyển động xứng đáng. Cái chúng ta cần, đó là phải có cơ chế để tuyển chọn những người đủ tầm lãnh đạo DNNN. Tôi nghĩ muốn có lãnh đạo giỏi ngay kể cả DNNN cũng cần chọn lọc dựa trên tố chất, năng lực chứ không phải do “nhân tạo”, ông Hưng nói.
Khánh Huyền - L.Hữu Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét