Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

20160824. BÌNH LUẬN VỀ CÔNG BỐ HIỆN TRẠNG BIỂN MIỀN TRUNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGỤY BIỆN VỀ THÉP VÀ CÁ
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 24-8-2016
clip_image001
Trước đây Chu Xuân Phàm láo xược đưa ra lời thách thức “Dân miền Trung chọn sắt thép hay tôm cá”. Câu đó đã bị lên án mạnh mẽ vì sự xấc láo. Ngoài ra nó còn ngụy biện trắng trợn. Thế mà ngày 22 tháng 8 nhiều báo chí đưa tin về lời tuyên bố của ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và biển an toàn”(1).
Ngụy biện của Chu Xuân Phàm được Trần Hồng Hà nhắc lại (không biết vì vô tình hay cố ý) nằm ở chỗ đánh tráo khái niệm. Đó là chủ ngữ của hành động chọn trong câu của ông Phàm và chủ ngữ của vị ngữ có trong câu của Bộ trưởng.
Tôm, cá, biển là đúng của Việt Nam, nhưng theo luật pháp thì đó là của toàn dân do những người trong chính quyền quyết định, muốn cho ai thì cho, muốn làm gì thì làm, chứ người dân Miền Trung có được phép làm chủ đâu. Nhưng thôi, cứ công nhận tôm cá đánh bắt được là thuộc quyền sở hữu của ngư dân sau khi đóng thuế.
Tập đoàn Formosa thuê đất trong 70 năm để sản xuất thép. Tổng giá tiền thuê khoảng 90 tỷ đồng. Số tiền ấy đúng là Miền Trung được hưởng, tuy chưa biết số tiền ấy là nhiều hay ít, mang lại lợi hay hại, ai được hưởng bao nhiêu... Còn thép sản xuất ra là của ai, có phải của nhân dân không. Nhân dân Miền Trung có quyền gì trong việc sử dụng thép ấy. Không có quyền gì cả. Toàn bộ thép là của Formosa. Thế thì tại sao lại đánh tráo khái niệm là dân chọn thép hay cá. Dân chẳng có quyền gì trong việc chọn hay không chọn thép.
Câu: Miền Trung có cả thép và cá… là một ngụy biện dưới 2 dạng. Dạng 1- Khi cho rằng vị ngữ CÓ là bao gồm cả quyền sở hữu thì Miền Trung không có quyền đó. Thép là tài sản của Formosa, Miền Trung, dù là dân hay quan cũng không có quyền gì. Dạng 2- Khi cho rằng vị ngữ CÓ là để chỉ trạng thái, rằng trên mảnh đất Miền Trung có tồn tại sản phẩm thép, không cần biết của ai. Lúc này là cách dùng chữ lập lờ để đánh lừa sự nhận thức. Như vậy là trên đất Miền Trung có thép nhưng cả quan và dân Miền Trung chỉ có quyền nhìn thấy nó mà không có quyền dùng nó. Thế là có mà không có . Ngụy biện đến thế là cùng.
Trước đây nghe câu của Chu Xuân Phàm, một số người chỉ mới vạch ra sự láo xược mà bỏ qua sự ngụy biện, tôi định viết vài lời nhưng rồi cho qua. Nay nghe tuyên bố của ông Bộ trưởng mà không giữ im lặng được. Chỉ còn điều băn khoăn, không biết ông Bộ trưởng có tự nhận biết được sự ngụy biện của mình hay không.
Vài lời thô thiển, nếu có chỗ nào chưa chính xác, mong nhận được sự chỉ giáo của các bậc cao minh, tốt nhất là nhận được lời phản biện của ông Bộ trưởng.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
(1) Cũng tuyên bố này, xin xem thêm xã luận củaBauxite Việt Nam đúng trong ngày ông Trần Hồng Hà vừa phát biểu xong chưa ráo mép: “Phần còn thiếu trong bản báo cáo” (http://boxitvn.blogspot.com/2016/08/phan-con-thieu-trong-ban-bao-cao.html)
PHẦN CÒN THIẾU TRONG BÁO CÁO
BVN 24-8-2016
Bauxite Việt Nam
Ngày hôm nay, 22 tháng 8 năm 2016, các báo và trang mạng xã hội đều giật tít cực kỳ ấn tượng. Tít như thế này: Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Miền trung sẽ có cả thép, cả cá và biển an toàn.
Lời khẳng định của ngài Bộ trưởng như để mắng lại – dầu chỉ là mắng vuốt đuôi sau gần 5 tháng – ông Trưởng đại diện Formosa Chu Xuân Phàm, người từng có lúc hách dịch thách thức cả cái nước Nam này “chọn cá hay chọn thép”. Bây giờ thì đã có người tử tế hẳn hoi xác định, “cả cá và cả thép”. Vâng, ông Bộ trưởng nói ngon lành lắmNgười dân Miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn”.
Thôi thì, cũng có thể thông cảm với tình cảm mùi mẫn chắc là có phần chân thành của ông Trần Hồng Hà: “Tôi luôn nhận thức được việc công bố biển sạch là rất quan trọng và cần thiết đáp ứng mong mỏi của người dân được biết môi trường biển đã sạch chưa? Vùng biển nào sạch? Vùng biển nào chưa sạch? Nuôi trồng hải sản được chưa? Hải sản an toàn chưa? để đảm bảo hoạt động sản xuất, đánh bắt, sinh kế trở lại bình thường. Tại Hội nghị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng và nhiệm vụ được giao sẽ công bố báo cáo về đánh giá chất lượng môi trường biển trong và sau sự cố. Tôi đề nghị các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngay sau hội nghị này tiến hành các bước theo quy định công bố đầy đủ thông tin đáp ứng nguyện vọng chính đáng nêu trên của người dân”(1).
Đó dù sao cũng là điểm tích cực. Bản báo cáo (không đăng toàn văn mà chỉ được các báo chế biến lại và loan tải) cũng cho biết đôi ba điều mà nếu đúng là sự thực (chất phenol và cyanure ngày càng loãng đi, san hô bớt chết trắng, v.v…) thì cũng tạm thở phào. Dĩ nhiên, nếu có công bố thêm về phương pháp nghiên cứu, những số liệu thu được thật đầy đủ, chính xác, và nhất là đừng có phô ra những điều mâu thuẫn lủng củng hơi khó hiểu như trong các bản báo cáo khảo nghiệm của những vị mang danh nhà khoa học này nọ ngay trong hội nghị khiến người ta chợt nhớ đến lời ông Thiệu – đừng có tin CS nói – thì sự thở phào càng thêm phào.
Duy có một điều còn thiếu – và thậm thiếu – tại hội nghị này khiến bạn đọc chưa thể thở phào được: ấy là thiếu hẳn những nghiên cứu xã hội học liên quan đến người dân. Tình hình người dân hiện thời ra sao? Những ngư dân (không kể những thành phần “ăn theo” ngư dân) đi biển gần bờ và xa bờ hiện sống trong tình trạng thiếu hay đủ, còn lo lắng hay đã tạm bớt lo, và họ tiên lượng cuộc đời sẽ thế nào? Cũng còn thiếu hẳn sự đánh giá trung thực về bản chất và hành vi của Formosa Hà Tĩnh, khi mà, sau vụ việc thải chất độc làm cá chết và biển chết, dân chúng Việt Nam còn phát hiện được ở rất nhiều nơi những bãi chôn lấp chất thải cố ý che giấu tai mắt người Việt cũng như các cấp chính quyền Việt Nam? Vậy những bãi chất thải đó độc hại đến đâu và sự độc hại của chúng có tác động ra sao đến toàn bộ cuộc sống của đất nước chúng ta? Những bãi chất thải chôn cất giấu giếm đó có làm thay đổi cách nhìn “hữu hảo” giữa các ông chủ hưởng lợi thực tế từ Formosa với chính cụm nhà máy đang ngự trị ở Vũng Áng hay không, thay đổi đến đâu, hay là các vị vẫn bằng chân như vại ngồi chờ những quả bom môi trường sẽ lại phát nổ tại vùng biển này không chỉ một lần tới mà có thể còn hai, ba lần? Vân vân... Nhiều nữa! Nhưng cuối cùng có vấn dề này mà các ngài hình như vẫn cố tình né tránh: thực chất tâm trạng của nhân dân Việt Nam từ mấp mé ải Nam Quan đến mũi Cà Mau là như thế nào đối với cái của nợ Formosa?
Ngài Bộ trưởng sao không hề nhắc gì đến những điều nói trên? Ngài quên đi là do tình thực, ngây thơ, hay do “phép đảng” bắt ngài phải ngậm miệng? Chỉ thấy ngài lại hồn nhiên “tái bản” cái việc mà các quan chức Hà Tĩnh và một vài tỉnh lân cận đã từng phải khổ công biểu diễn: ngài cùng các quan chức có mặt, ngay sau cuộc họp đã “đội mưa” ra tắm biển ở Quảng Trị, và tắm xong lại còn ghé vào nhà hàng ăn hải sản:
“Trưa 22/8, bất chấp trời miền Trung có mưa to, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã xuống tắm ở bãi biển Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Sau đó, Đoàn công tác của Bộ trưởng đã thưởng thức hải sản ở bãi biển Cửa Việt.
"Đến thời điểm này, thấy biển đẹp không, tắm biển thích không? Các nhà khoa học nói biển miền Trung an toàn. Việc thực hiện nghiên cứu rất bài bản, có nhiều phản biện. Tại sao mình không tắm biển", Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ vớiVnExpress”(2).
Diễn như thế thì kể cũng oai thật, nhưng cũng là... nhảm thật. Chẳng lẽ nói như Nguyễn Công Hoan, chỉ có mỗi một tấn tuồng cũ mèm mà cứ phải thay đào kép và lặp đi lặp lại thế thôi sao? Bởi thế, tuy ở trên chúng tôi có nói, phát biểu của ngài Bộ trưởng có những điểm tích cực, song “có những điểm” không có nghĩa tất cả đều tích cực. Chẳng cần phải xuống biển nhúng nước và lên bờ nếm cá cho nó nhàm chán, “biết rồi, khổ lắm, làm mãi”(3) làm gì. Ngài hãy cứ bắt đám cận vệ của ngài – chắc là rất đông vì biên chế hiện đang cực kỳ quá tải – đi điều tra xã hội học một cách thực sự cầu thị mà xem. Chúng tôi dám chắc sau cuộc họp long trọng do ngài chủ trì, kể cả sau khi ngài đã tắm biển và ăn cá, dân chúng vẫn không thể nào gật đầu theo ngài được. Tất cả mọi người dân, xin nói chắc như thế, trừ những kẻ đã được “phục sẵn” và được giao những “vai” chuyên làm theo lệnh của các ngài thì không kể. Lòng tin đã mất đi làm sao lấy lại được một cách dễ dàng như thế, khi mà những kẻ đã làm mất nó không quyết tâm khôi phục bằng chính hành độngtìm đến dân và chọn dân làm thước đo cho mọi cuộc kiểm nghiệm – đó mới là sự trải lòng chân thành.
Lại nhớ đến vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Khởi đầu, sau những tin tức không hay như chuyện gã họ Nông ngang nhiên ký vào hai văn bản do Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào dỗ dành, một vài nhà chính trị có tầm viễn kiến như Võ Nguyên Giáp... đã lên tiếng một cách tâm huyết với đảng của mình; còn trí thức trong nước và ngoài nước hàng mấy ngàn người cũng đã thẳng thắn và chân thành kịp thời góp ý với Quốc hội, với Chính phủ Việt Nam, phân tích đủ các mặt lợi hại để các vị biết mà dừng ngay lại... Vậy mà, sau hàng loạt kiến nghị liên tiếp trong quý II năm 2009, mỗi kiến nghị có đến hàng mấy ngàn người ký, tất cả các vị chức sắc chóp bu thuở ấy đều “đồng lòng” với nhau ở một thái độ ứng xử: bịt tai từ chối hoàn toàn trí thức và nhân dân. Vậy có khác gì cách làm hôm nay, nói loanh quanh đủ chuyện rồi vẫn không hề động đến DÂN không? Cũng là Bộ Tài nguyên và Môi trường đấy thôi, dạo đó cũng đã rất “bài bản” cử ngay những người chuyên trách đi “khảo sát”, và cũng đã khảo ra được những bản báo cáo dềnh dang rất dài, đưa đọc trong các buổi họp báo như buổi họp hôm nay do ngài chủ trì đấy. Bản khảo sát cũng chẳng thiếu một mặt nào, trình tự, lớp lang và khoa học lắm, nào phân tích, so sánh về công nghệ, về giá cả, nào dự đoán mức sống của người dân Tây Nguyên sau khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ được nâng cao bao nhiêu bậc, nào quy trình hoàn thổ cho đất đỏ ở Tân Rai và Nhân Cơ cũng như nhiều nơi khác... sẽ diễn ra thuận lợi và “đúng quy trình” ra sao. Nghe bùi tai khôn kể. Tiếc thay, có một điều quan trọng bậc nhất thì các ngài lại đã cố tình bỏ qua không thèm khảo: đó là ý kiến – là tổng hợp kinh nghiệm, tri thức, quan điểm của dân chúng, là LÒNG DÂN. Không những phớt lờ không thèm đếm xỉa đến lòng dân mà hễ những ai quyết liệt phản đối dự án, lên tiếng mạnh mẽ trên các diễn đàn, các ngài còn dùng bộ máy chức năng để làm khó dễ, vu cho họ là thù địch, thẩm vấn họ suốt ngày này tháng khác, nhất quyết dập tắt tiếng nói của họ bằng được.
Thì nay, sau 7 năm thí điểm dự án theo lệnh ĐCS, không biết trong thâm tâm ngài Bộ trưởng có dám chịu thừa nhận không nhỉ, kết quả nhãn tiền đang bày ra lấp ló: một núi nợ chưa biết bấu víu vào đâu để trả đang lù lù hiện dần trước mắt, và một quả bom tấn về môi trường đã kích hoạt sẽ có nguy cơ giáng xuống đất nước Việt Nam còn ghê gớm hơn nhiều quả bom Formosa(4). Không biết đến lúc ấy, ông Trần Hồng Hà sẽ đem gia đình con cái chạy đi đâu? Hay là ông sẽ cứ ở lại họp báo tiếp về việc “Tây Nguyên sẽ có cả alumin và cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gỗ quý..., sẽ giữ lại được nền văn hóa độc đáo bậc nhất, dân chúng Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ sẽ được sống vui sống khỏe, trong một môi trường sạch sẽ an toàn”?
BVN
(3) Mượn một câu nói nổi tiếng của các nhà dân chủ thời Nhân văn - Giai phẩm.
DÂN KHÔNG TIN VÌ ĐÂY LÀ NHỮNG PHÁT NGÔN NGAY TỪ ĐÀU ĐÃ TỪ CHỐI SỰ PHẢN BIỆN
NGUYỄN ANH TUẤN/ BVN 24-8-2016
clip_image005
Vấn đề then chốt nhất trong thảm họa cá chết vẫn là: Niềm tin của người dân chưa được khơi thông thì thị trường hải sản vẫn bị tắc nghẽn. Dân chưa ăn cá thì tàu thuyền cứ phải nằm bờ kéo theo hàng chục vạn người thất nghiệp và những thứ tồi tệ khác đến sau.
Lẽ ra, với tình cảnh này thì sự kiện công bố hiện trạng biển miền Trung sáng nay của Bộ Tài nguyên Môi trường phải được người dân nín thở chờ đợi. Và khi kết quả công bố là biển đã sạch với các số liệu chứng minh đi kèm thì lẽ ra dân tình phải thở phào nhẹ nhõm mới phải.
Song, mọi thứ lại không diễn ra như vậy. Vì sao thế?
Khủng hoảng niềm tin. Nhiều người không còn tin vào những kết luận từ phía Chính phủ nữa.
Bộ TN-MT, ngay cả khi có thể rất giỏi về chuyên môn đi chẳng nữa, thì thời gian vừa qua đã tỏ ra rất kém về truyền thông.
Họ cứ nghĩ rằng hôm nay công bố kết quả như vậy, hệ thống tuyên truyền đưa tin thì dân chúng sẽ vỗ tay rào rào hoan nghênh.
Muốn người ta tin vào KẾT QUẢ thì QUÁ TRÌNH đưa đến kết quả đó phải khách quan, trung thực và minh bạch.
Ở đây có ít nhất 3 vấn đề trong quá trình dẫn đến kết luận BIỂN ĐÃ SẠCH vừa qua:
(1) Các cơ quan môi trường Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế và ít nhất là 2 Chính phủ Hoa Kỳ và Đài Loan đã có lời đề nghị giúp đỡ Việt Nam về mặt chuyên môn trong tìm kiếm nguyên nhân và xử lý hậu quả thảm họa môi trường này. Vì sao không được chấp thuận?
(2) Để trấn an dư luận có thời điểm Bộ TN-MT đã mời các đoàn chuyên gia của Nhật, Đức, Israel vào cuộc. Kết quả khảo sát của các đoàn ấy thế nào, sao không thấy công khai?
(3) Đối với những cơ quan đứng sau kết luận này bao gồm Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, “tính khách quan, trung thực về mặt khoa học” hay “chức năng thực hiện những nhiệm vụ chính trị” là ưu tiên cao hơn của họ, khi mà những người đứng đầu các cơ quan này đều là đảng viên, không được phép nói và làm trái nghị quyết, dù chỉ là nghị quyết của cấp ủy đảng cơ sở của họ? Liệu có xung đột lợi ích không?
Đó là chưa kể cũng chính Bộ TN-MT là nơi ban đầu đã đưa ra nguyên nhân thủy triều đỏ cho thảm họa cá chết, để sau đó lại bác bỏ nó. Phủ nhận nghi vấn Formosa là thủ phạm, rồi cuối cùng lại kết luận tập đoàn này gây ra thảm họa.
Tóm lại, thiếu tự do học thuật, thiếu các viện nghiên cứu độc lập tách rời khỏi sinh hoạt đảng phái trong khi các tổ chức xã hội dân sự và báo chí bị kềm kẹp, thật không dễ để những kết luận của Chính phủ lấy được lòng tin của người dân, nhất lại là trong các vấn đề chuyên môn khoa học, xa lạ với đa số mọi người.
Càng ôm bằng hết vào mình, nào là trường đại học, viện nghiên cứu, báo chí và cả các tổ chức xã hội, trớ trêu thay, Chính phủ lại càng đơn độc trong mỗi phát ngôn của mình.
Bởi đấy là những phát ngôn ngay từ đầu đã chối từ sự phản biện.
N.A.T.
(*) Đầu đề do BVN thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét