Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

20160808. BÀN VỀ 'HỌC THÊM, DẠY THÊM'

ĐIỂM BÁO MẠNG
 4 NGUYÊN NHÂN GÂY NGỘ NHÂN HỌC THÊM LÀ NHU CẦU CẦN THIẾT
NGUYỄN CAO / GD 7-8-2016
Vì sao không cấm được tình trạng dạy thêm, học thêm? (Ảnh: anninhthudo.vn).
Chuyện học thêm đã xuất hiện ở nước ta khoảng gần 20 năm qua nhưng đến nay vẫn là một đề tài tranh luận sôi nổi trên báo chí.
Người thì lên án, người thì ủng hộ nhưng cuối cùng chuyện học thêm vẫn tồn tại và nhu cầu của người học vẫn nhiều, nhất là ở các thành phố lớn.
Vì sao chuyện học thêm vẫn có đất sống và tồn tại được? Đó là nhu cầu của các gia đình và của các em học sinh.Nhiều trung tâm gia sư được cấp phép, nhiều giáo viên và cả các em sinh viên vẫn coi việc dạy thêm, đi gia sư là một việc làm chân chính và là một nguồn thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình mình.
Có cung thì ắt có cầu, trong nền kinh tế thị trường thì bất cứ ngành nghề nào trong xã hội nếu có cơ hội thì họ đều làm thêm, vì sao lại cứ nặng nề với việc học dạy thêm của giáo viên, xem dạy thêm là lỗi của giáo viên.
Nhiều người sẽ lấy lí do có nhiều em không học thêm vẫn đỗ Đại học, thậm chí nhiều em còn có điểm cao và đỗ Thủ khoa nhưng thử hỏi có mấy em được như vậy.
Hiện nay, cả nước ta có tới khoảng 22 triệu học sinh, phần lớn những em học khá, giỏi vẫn phải học thêm dù ở trường, nhà thầy cô, trung tâm gia sư hay thuê gia sư kèm học tại nhà.
Vậy có cấm học thêm được hay không?
Đâu là nguyên nhân khiến năm học nào cũng nói cấm mà tình trạng dạy thêm, học thêm không giảm?
Trong nhà trường thì cấp trên giao chỉ tiêu chất lượng, tổ chức rất nhiều cuộc thi: thi học sinh giỏi ở cuối cấp; thi toán trên mạng; thi văn hay, chữ tốt; thi tiếng Anh qua mạng; thi hùng biện…Thứ nhất là xã hội chúng ta luôn coi trọng thành tích, coi trọng bằng cấp và tư tưởng không muốn thua kém người khác.
Mỗi cuộc thi kết thúc lại nhìn vào những trường có thành tích cao để ca ngợi, trường có thành tích thấp để nhắc nhở, phản bác, đánh giá.
Trong tuyển dụng, bổ nhiệm thì coi trọng bằng cấp, học vị.
Đối với các dòng họ, gia đình thì luôn có tư tưởng “con gà tức nhau tiếng gáy” không muốn con cháu mình thua kém người khác nên luôn đốc thúc, kèm cặp và đầu tư con em mình phải hơn người khác hoặc chí ít cũng phải bằng.
Chính từ những tư tưởng này đã dẫn đến nguyên nhân tình trạng học thêm tràn lan hiện nay.
Thứ hai là sách giáo khoa hiện hành ở tất cả các cấp học của chúng ta quá nặng lí thuyết và mang tính hàn lâm.
Nhất là mỗi khi thao giảng, dự giờ thì người này góp ý, người kia chê bai, muốn mở rộng kiến thức cho học trò thì bị góp ý là kiến thức cao quá, học sinh trung bình, yếu kém không tiếp thu được, giáo viên chưa chú trọng đến học sinh yếu kém.Với thời gian trên lớp thì lượng kiến thức nhiều, thầy cô cũng chỉ cố gắng giảng dạy hết những đơn vị kiến thức cơ bản và giải một vài bài tập đại khái rồi lo hoàn thành các thủ tục hành chính mà thôi.
Và, có rất nhiều những thủ tục nhiêu khê khác mà giáo viên rất khó tự ý truyền đạt những kiến thức ngoài sách giáo khoa cho học trò.
Thứ ba là vì cấp trên giao chỉ tiêu đầu năm, cuối năm; khi thi thì đảo lộn lớp và xếp theo số báo danh nên giáo viên nào cũng sợ lớp mình có điểm số thấp hơn lớp khác đành phải tìm cách để dạy thêm cho học sinh mình nếu không lại bị phê bình lên, xuống, cắt thi đua, đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ thấp.
Mà trong một tập thể, người ta cũng rất ngại mình bị đánh giá thấp.
Hơn nữa, như trên đã nói với rất nhiều cuộc thi mà ngành Giáo dục đang tổ chức thì việc dạy thêm để học sinh đạt giải và khẳng định “thương hiệu” của mỗi giáo viên là vấn đề ai cũng phải hướng tới.
Thứ tư là nhu cầu của phụ huynh cho con em học thêm là có thật.
Mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, điều kiện kinh tế gia đình được nâng lên thì ai cũng hướng tới một tương lai tốt đẹp cho con em mình, ai cũng muốn đầu tư cho dù là tốn kém, cho dù là cha mẹ có vất vả hơn nhưng mục đích của cha mẹ nào không phải là con cái thành đạt và trưởng thành sau này.
Hơn nữa, một bộ phận cán bộ công chức Nhà nước đi làm cả ngày không có người trông nom con cái thì việc chi mỗi tháng vài trăm ngàn gửi thầy cô kèm cặp dù sao vẫn tốt hơn để con mình ở nhà một mình để chơi các trò chơi vô bổ khác.
Thứ năm là nếu thầy cô không tổ chức dạy thêm cho các em ở trường hay ở nhà thì một bộ phận phụ huynh vẫn cho con em mình đến các trung tâm gia sư để học thê
Khi đã mở trung tâm thì các chủ  trung tâm này tìm cách quảng cáo và lôi kéo học sinh đến với trung tâm của mình mới tồn tại được.Hiện nay, ở các thị xã, thành phố đều có các trung tâm gia sư và được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Muốn chấm dứt được tình trạng dạy thêm, học thêm không có cách cách nào khả quan hơn là cần giảm tải chương trình sách giáo khoa, giảm các kì thi học sinh giỏi, quản lí tốt các hoạt động vui chơi giải trí và tổ chức nhiều các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Ngoài ra cần loại bỏ bệnh thành tích và cả sự háo danh của các cấp lãnh đạo, quản lí nhà trường, của giáo viên và các bậc cha mẹ học sinh.
Nếu làm được như vậy thì mới trả lại được tuổi thơ, sự hồn nhiên cho học trò.
Nguyễn Cao

BỘ TRƯỞNG NHẠ ƠI, NỀN GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ  SẼ ĐI VỀ ĐÂU NẾU TA TIẾP TỤC VNEN  
NHÓM TG VIỆT CƯỜNG /GD 7-8-2016

Bộ trưởng Nhạ đánh giá: Bỏ tất cả VNEN là cực đoan (Ảnh: vietnamnet.vn).

Chúng tôi rất băn khoăn khi nghe lời khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong buổi làm việc với tỉnh Nghệ An hôm 02/8/2016 rằng:
“Một số địa phương có ý bỏ VNEN. Nhưng sau ba năm làm thí điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết đây là mô hình tốt, rút kinh nghiệm để áp dụng trên nhiều địa phương khác nhau.
Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN, nhưng không áp đặt. Các địa phương có thể áp dụng một phần, còn bỏ tất cả là cực đoan.
... Sắp tới, Bộ có hướng dẫn sẽ không yêu cầu áp dụng đại trà mô hình VNEN vào các trường. Sau ba năm triển khai thí điểm có nhiều điểm sáng và nhiều cái hay thì khái quát lại, tổng kết lại và giới thiệu các địa phương tham khảo”.
Chúng tôi cho rằng quyết định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hơi vội vàng, thiếu cơ sở khoa học và rất có thể dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của học sinh Việt Nam và sự phát triển tốt đẹp của nền giáo dục nước nhà.
Thứ nhất, theo Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) do OECD khởi xướng được thực hiện từ năm 2000, ba năm một lần, dành cho học sinh ở độ tuổi 15 – độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc ở các quốc gia, năm 2012 đã công bố một kết quả bất ngờ: môn Toán – Việt Nam đứng thứ 17/65 nước, môn Đọc hiểu – Việt Nam đứng thứ 19/65, ở lĩnh vực Khoa học – Việt Nam đứng thứ 8/65.Chúng tôi xin được phản biện quan điểm của Bộ trưởng từ một góc nhìn khác – góc nhìn về chất lượng giáo dục hiện nay của học sinh Việt Nam:
Kết quả ấy là một căn cứ đáng tin cậy cho việc đánh giá thực trạng giáo dục phổ thông ở Việt Nam, khiến cho không ít người Việt Nam tin tưởng và tự hào về những chính sách giáo dục của chúng ta, về trình độ, năng lực giáo dục và tâm huyết của đội ngũ các thầy cô giáo cũng như hiệu quả của công tác quản lý giáo dục ở trường phổ thông.“Điểm số của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với dự đoán của nhiều người, thậm chí ngang bằng với các quốc gia phát triển như Phần Lan, Thụy Sĩ và vượt trội hơn Colombia và Peru” (Theo Skye/Tri Thức trẻ).
Kết quả ấy còn là cơ sở khoa học để Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các mô hình giáo dục phù hợp, tổng kết và đánh giá thực tiễn giáo dục từ nhiều năm trước để phát huy những thành tựu đã đạt được và tiếp tục cải tiến, đổi mới phương pháp giáo dục nhằm đạt tới kết quả và hiệu quả cao hơn.
Cũng theo Skye/Trí Thức trẻ: 
“Hiện tượng Việt Nam còn là một bí ẩn đối với nhiều người. Nếu nắm được “công thức” để tạo ra một nền giáo dục phát triển như vậy, các nước khác có thể lấy Việt Nam làm bài học để tạo nên kỳ tích cho nền giáo dục của quốc gia mình”.
“Kỳ tích” bởi vì so với các nước tham gia PISA, Việt Nam xếp thứ 69/70 về GDP bình quân đầu người và xếp thứ 70/70 về HDI.
Thứ hai, qua việc tổng kết thành tích, các cuộc thi Olympic cho học sinh phổ thông tất cả các môn như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngoại ngữ… nhiều năm qua tất cả mọi người đều nhận thấy kết quả thi của đoàn học sinh Việt Nam luôn xuất sắc, thường ở tốp đầu trong nhiều quốc gia tham dự, có rất nhiều huy chương vàng, bạc, đồng; nhiều em còn đạt điểm thi cao nhất.
Điều đó chứng tỏ giáo dục phổ thông của chúng ta đang đúng hướng, chất lượng giáo dục phổ thông ở Việt Nam rất đáng ngưỡng mộ.
Tất nhiên, ở lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập, cần phải tiếp tục cải tiến, đổi mới nhưng thành tích của các đoàn học sinh Việt Nam trong các cuộc thi quốc tế là điều không thể phủ nhận.
Có khá nhiều ý kiến trên báo chí không mấy lạc quan về thành tích thi quốc tế của học sinh Việt Nam, cho rằng đó là sản phẩm của chính sách “nuôi gà chọi” .Đây cũng là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo có những quyết sách phù hợp, lựa chọn đúng những mô hình dạy học nhằm phát huy hơn nữa thành tựu đã đạt được.
Điều này hoàn toàn sai lầm vì chính sách “nuôi gà chọi” ấy được thực hiện ở hầu hết mọi quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển, có GDP cao gấp nhiều lần nước ta.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Phương trong bài báo Thành công của học sinh Việt đánh đố giới khoa học Đứctrên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam số ra ngày 21/5/2016 cho biết ở Cộng hòa Liên bang Đức, người ta luyện học sinh giỏi để đi thi các cấp từ khi còn nhỏ:
“Ở Đức, học sinh giỏi tham gia thi Toán Quốc tế khởi đầu từ lớp 7.
Bước vào lớp 4, học sinh có thể tham gia thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh, diễn ra ba vòng, vòng trường mọi học sinh đều tham gia, vòng loại thành phố, vòng chung kết tỉnh.
Sang lớp 5, học sinh giỏi được cho tham gia vô số kỳ thi Toán mang tên khác nhau cấp thành phố, tỉnh và tiểu bang.
Những học sinh đoạt giải nhất lớp 5, lớp 6 cộng thêm kết quả học tập xuất sắc được chọn vào nhóm bồi dưỡng, mang tên “Tuổi trẻ luyện toán”.
Các tài năng này được các tiểu bang chọn lọc và bồi dưỡng từ lớp 6. Toàn nước Đức chọn được 100 em giỏi toán nhất, đưa vào chương trình bồi dưỡng năng khiếu từ xa theo các chuyên đề…
Trong 100 em được tuyển chọn từ năm lớp 7 của 16 tiểu bang, có 30 em tiếp tục bị loại. Cứ loại lần lượt như vậy đến lớp 10 sẽ chỉ còn 30 em học sinh giỏi nhất toàn liên bang được giữ lại đội tuyển tham gia các kỳ thi giải quốc tế”.
Ở nhiều nước khác cũng vậy, việc “nuôi gà chọi” họ còn làm sớm hơn ta, được đầu tư nhiều tiền của, thời gian hơn ta.
Bởi vậy, việc học sinh Việt Nam liên tục đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế đã chứng tỏ nền giáo dục nước ta đã có bề dày thành tựu và đang đi đúng hướng.
Một lớp học truyền thống - học sinh ngồi hướng về phía bảng! (Ảnh: nld.com.vn).

Chúng ta đều biết mô hình VNEN khởi nguồn từ Colombia những năm 1995-2000 để dạy học sinh trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.Từ hai vấn đề trên, chúng tôi băn khoăn về quyết định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN”.
Sau hơn ba năm triển khai mô hình trường học mới VNEN tại Việt Nam (từ năm học 2012-2013), cả nước có 54 tỉnh, thành triển khai mô hình này với 2.365 trường Tiểu học và hơn 1000 trường Trung học Cơ sở.
Dự án triển khai thí điểm VNEN ở Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ Toàn cầu về giáo dục của Liên Hợp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD, khoảng 2 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi chỉ băn khoăn là theo đánh giá của PISA năm 2012, kết quả giáo dục của học sinh Việt Nam: “Vượt trội hơn Colombia và Peru”, vậy mà không hiểu sao Bộ Giáo dục và Đào tạo ở nước ta lại đi chọn một mô hình dạy học thấp kém hơn nước mình nhiều lần để áp dụng?Chúng tôi không nhắc lại những yếu kém, bất cập và sai phạm trong hơn 3 năm thực hiện dự án này vì báo chí đã có hàng trăm bài đề cập đến.
Phải chăng mô hình VNEN được Liên hợp quốc tài trợ không hoàn lại cho nên các nhà quản lý giáo dục ở nước ta cứ nhắm mắt làm bừa, giải ngân cho xong, bất chấp hậu quả?
Nếu đúng như vậy thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có thói quen đem giáo viên, học sinh và hệ thống nhà trường ra làm chuột bạch” như nhiều ý kiến đã nói đến đúng là “căn bệnh mãn tính” rồi.
Tất nhiên, đó là hậu quả để lại của những người tiền nhiệm.
Photo sách VNEN phát cho phụ huynh ở tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: cand.com.vn).
Nhóm nghiên cứu chúng tôi đưa ra một giả định: năm 2015, PISA sẽ công bố các số liệu đánh giá về học sinh Việt Nam, nếu chúng ta tụt hạng, các chỉ tiêu chất lượng về Toán, Đọc hiểu, Khoa học đều sút kém, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ăn nói như thế nào trước Đảng, trước Nhân dân?Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới đảm nhiệm chức vụ, chúng tôi không hiểu vì sao lại quyết định “tiếp tục thực hiện VNEN”, và còn cho rằng: “đây là mô hình tốt, rút kinh nghiệm để áp dụng trên nhiều địa phương khác nhau”.
Ấy là còn chưa nói đến những hệ lụy và bất cập của Thông tư 30 mà đến tận hôm nay, đầu tháng 8 rồi, cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới rồi, mà Bộ vẫn chưa có văn bản sửa đổi, cải tiến chính thức nào, mới chỉ lên tiếng sửa đổi mà thôi.
Chúng tôi cũng mong rằng các tỉnh, thành ở nước ta hãy dũng cảm như tỉnh Hà Tĩnh, quyết định dừng ngay “Cái VNEN”  - sản phẩm từ năm 2000 của xứ sở Colombia.Chúng tôi cho rằng Bộ trưởng nên cân nhắc khi quyết định “tiếp tục thực hiện VNEN”, đặc biệt là khi đã tiêu hết tiền tài trợ.
Bởi vì, trên thế giới này, từ xưa đến nay, chẳng có quốc gia nào lại đi lấy một cái sản phẩm giáo dục thấp kém hơn nước mình để áp dụng đại trà trên phạm vi cả nước của mình.
Tâm thư là quan điểm, nhận thức, góc nhìn, cách hành văn của riêng nhóm tác giả.
Nhóm tác giả Việt Cường

THÀNH CÔNG CỦA HỌC SINH VIỆT ĐÁNH ĐỐ GIỚI KHOA HỌC ĐỨC

TS NGUYỄN SĨ PHƯƠNG/ GD 21-5-2016
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Cộng hòa liên bang Đức, năm học 2013 - 2014, có tới 64,4%  học sinh Việt theo học trường chuyên Gymnasium (chỉ chiêu sinh những học sinh khá giỏi; sau khi tốt nghiệp sẽ vào thẳng đại học), trong khi chỉ có 47,2% học sinh bản địa học tại ngôi trường này. Con số này gấp 4 lần so với số lượng học sinh Ý, Thổ Nhĩ Kỳ (14%) học tại đây và Việt Nam đứng đầu mọi sắc tộc nhập cư. 

Số liệu cách đây 5 năm tính theo từng tiểu bang, có nhiều tiểu bang mà tỷ lệ học sinh Việt lập kỷ lục chưa từng có từ xưa tới nay như bang Brandenburg tỷ lệ học sinh Việt vào trường chuyên lên tới 75%.

Giải học bổng Hertie-Stiftung, trao cho những học sinh nhập cư học trường chuyên từ lớp 7 đạt điểm khá giỏi, và có nhiều đóng góp hoạt động xã hội, mỗi năm toàn nước Đức có chừng 200 em trong danh sách đó có hơn 20 học sinh người Việt, chiếm tỷ lệ 10/100. 

Trong khi theo thống kê tới ngày 31/12/2015, tổng số người mang quốc tịch Việt ở Đức chỉ ở mức 87.214 người trong tổng số 9.107.893 triệu người quốc tịch nước ngoài, tức chỉ đạt 10/1000. 

Tính ra, tỷ lệ học sinh Việt giành giải gấp 10 lần các sắc tộc khác. Hầu như bất kỳ niên học nào, đều không thiếu tin nóng về gương mặt học sinh Việt đứng đầu các cuộc thi vô địch thành phố, tiểu bang, liên bang, quốc tế. 

Sự kiện học sinh Việt luôn đứng đầu nước Đức trở thành “hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt” làm giới nghiên cứu Đức nhiều năm nay phải “đau đầu” và loay hoay đi tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao có sự khác biệt thành tích học tập giữa con cái các sắc dân? Dựa trên nguyên lý nào? 
Thanh Mai, lúc 8 tuổi, nhận chứng chỉ vô địch vòng thi chung kết toán lớp 4 toàn tỉnh Unterfranken, Đức, năm 2011 (Ảnh nhân vật cung cấp)
Công trình lớn gần đây nhất được trường Đại học Chemnitz thực hiện năm vừa qua, khảo cứu 720 mẫu gia đình Đức, Việt và Thổ Nhĩ Kỳ chọn lựa theo nguyên tắc ngẫu nhiên. Từ kết quả thống kê, họ đi tìm luận chứng nhưng tất cả đều mâu thuẫn với kết quả thu được. 

Trước hết, đối chiếu với nguyên lý cổ điển cho rằng nguồn gốc thành công giáo dục bắt nguồn từ mô hình “nền tảng gia đình”. 

Theo mô hình này, gia đình thu nhập càng lớn, quan hệ xã hội càng rộng, cha mẹ học thức càng cao, thì con cái học ở trường càng thành công. Nếu luận điểm này đúng, thì lẽ ra học sinh Việt nói chung phải như học sinh Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thực tế học sinh Việt giỏi hơn gấp 4 lần nếu căn cứ theo tỷ lệ học sinh vào trường chuyên, gấp 10 lần nếu căn cứ vào giải học bổng Hertie-Stiftung. 

Sau khi nguyên lý “nền tảng gia đình” không được thực chứng, bị loại trừ, các nhà nghiên cứu lại đi tìm lời giải khác thay thế. Họ đưa ra luận đề có thể do “cách thức giáo dục”. Theo đó, gia đình nghiêm khắc, độc đoán trong giáo dục con cái, đồng nghĩa với thành công. 

Nhiều kết quả khảo cứu khác cũng cho thấy giáo dục trong gia đình người Việt nghiêm khắc hơn so với Đức nên con cái họ thành công hơn là tất nhiên. 

Nhưng kết quả công trình khảo cứu từng mẫu gia đình đã không xác chứng luận đề trên, không phải cứ gia đình nào càng nghiêm khắc thì con cái họ càng thành công. Mối quan hệ trên không hề mang tính nhân quả mà chỉ hoàn toàn ngẫu nhiên. 

Ở bình diện xét chung toàn sắc tộc, luận đề trên còn mâu thuẫn, không ít sắc tộc rất nghiêm khắc, thậm chí cực đoan như các sắc tộc theo đạo hồi, kiểu “đặt đâu ngồi đấy”, nhưng kết quả con cái họ còn thua xa học sinh Việt.

Các nhà nghiên cứu lại đi tìm một cách giải thích khác, dựa trên luận đề Nho giáo, đặc thù người Việt. Theo Nho giáo, giá trị con người nằm ở học thức; học giỏi thì cha mẹ được vinh hiển. 

Nhưng luận đề đó cũng bị thực tế bác bỏ. Cả hai nhóm nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đều đánh giá cao học đường, cho đó là nền tảng để tiến thân, danh phận trong xã hội. 

Nhưng học sinh Thổ Nhĩ Kỳ thành công kém xa học sinh Việt. Ngay cả so với học sinh Trung Quốc vốn được sinh ra từ cội nguồn của Nho giáo, cũng cho kết quả tương tự, học sinh Việt vượt xa.

Thay đổi góc nhìn

Đáng tiếc mọi luận đề các nhà nghiên cứu đưa ra đều không giải đáp thỏa đáng bí ẩn thành công học sinh Việt. Rút cuộc họ đưa ra kết luận bỏ ngỏ giả định, có lẽ các công trình mới tập trung nghiên cứu vai trò cha mẹ, ít đề cập tới chính con cái, và mối quan hệ tương hỗ 2 bên. 

Thay đổi góc nhìn có thể hy vọng giúp tìm được lời giải thoả đáng, như phản ứng nhanh chóng của cha mẹ người Việt trước kết quả học tập của con cái khác với các sắc tộc khác. 

Trong khi cha mẹ người Đức không suy nghĩ gì khi con bị điểm kém 4 (kém nhất là 5), thì một số gia đình Việt đã bắt con học thêm khi mới chỉ được điểm khá 2, chưa đạt được điểm giỏi 1. 

Mặt khác, đối với học sinh Việt, học thức còn do đòi hỏi bắt buộc của hoà nhập. Càng có học thức càng dễ giải quyết khi gặp các tình huống bất thuận khác nhau trong cuộc sống luôn có thể xảy bất cứ lúc nào đối với dân nhập cư. 

Ngoài ra, bằng cấp là vé vào cửa thị trường lao động mà ở Đức điều này rất quan trọng nên người nhập cư hiểu rõ điều này hơn ai hết. 

Về động cơ, họ là những người luôn muốn thăng tiến, kỳ vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong nước, nếu không họ đã không rời nước ra đi. Học thức là lá bài duy nhất họ có thể xòe ra. 

Tuy nhiên lý do hòa nhập vẫn bị bác bỏ, bởi nó đúng với mọi sắc dân nhập cư nên không thể dùng để lý giải riêng hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt được. 

Đòi hỏi “con phải hơn hẳn bố mẹ”

Trong khi các nhà khoa học loay hoay tìm kiếm nguyên lý cực kỳ khó khăn, thì hầu hết các bậc cha mẹ Việt xem lý do thành công con cái họ rất đơn giản. 

Cách mấy năm trước, tên một học sinh Việt tên Vũ Kim Hoàn, sinh năm 1994, xuất hiện trên khắp các trang báo Đức khiến chủ đề “hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt ở Đức” lại sôi sục. 
Lúc đó Vũ Kim Hoàn đang học lớp 10 trường chuyên Dresden. Lúc 4 tuổi, Hoàn cùng mẹ và chị gái (hơn Hoàn 7 tuổi) sang Đức đoàn tụ với bố (nguyên là lao động hợp tác thời Đông Đức). 

Không hề biết một từ tiếng Đức, bé Hoàn vào nhà trẻ, suốt ngày chơi với chúng bạn bất đồng ngôn ngữ, chỉ xì xồ, chỉ trỏ; tình cảnh bắt buộc này lại bất ngờ tạo cơ hội cho Hoàn tự động hòa nhập xã hội Đức từ tấm bé.  

Hoàn cảnh Vũ Kim Hoàn có thể lý giải phần nào cho hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt xuất phát từ đòi hỏi hòa nhập, như một thách thức sống còn. 

Kết quả, cả bốn năm tại trường chuyên, Hoàn là thành viên tích cực đa năng của các câu lạc bộ học ngoại khóa. 

Ngay từ lớp 3, Hoàn luôn được bầu làm lớp trưởng. Kết thúc 4 năm học cấp học cơ sở, tổng kết tất cả các môn học đều đạt điểm giỏi 1. 

Trúng tuyển trường chuyên phân ban ngoại ngữ, tới lớp 6, Hoàn tham gia cuộc thi Olympic ngoại ngữ toàn liên bang đoạt giải nhì đồng đội. 

Sang lớp 7, Hoàn học thêm tiếng Ý, rồi từ lớp 8 học tiếp tiếng Tây Ban Nha. Từ lớp 9, Hoàn được bầu làm lớp trưởng, khoá trưởng toàn trường và uỷ viên hội đồng các lớp trưởng, tổ chức nhiều chương trình giúp đỡ học sinh lớp dưới, các buổi hội thảo cho lớp trưởng. 
Vân Anh dẫn đầu lớp, đứng thứ 12 tiểu bang, đứng thứ 57 toàn nước Đức tại cuộc thi Olympia tiếng Anh The Big Challenge 2009 toàn châu Âu.  Sang lớp 10, Hoàn thi viết tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, và tiếng Anh, giành vị trí số 1 trong tổng số 120 thí sinh.

Thời gian đối với Hoàn hiếm quý như vàng, bởi tập trung đầu tư hết cho học tập, hoạt động xã hội. Còn bố mẹ Hoàn thì bươn chải công việc kinh doanh, mải miết từ sáng tới tối, tạo hết mọi điều kiện cuộc sống và thời gian cho Hoàn không phải lo nghĩ gì tới công việc gia đình đã được cha mẹ bảo đảm chỉ với một đòi hỏi: “con phải hơn hẳn bố mẹ“. 

Trở thành “niềm tự hào của trường”

Lý do thành công của Hoàn cũng đúng với trường hợp nữ sinh Trần Vân Anh, sinh năm 1997. Cách đây 7 năm, trong buổi tổng kết chia tay chuyển cấp cho học sinh lớp 6, cô hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở đã không nén được xúc động khi trao chứng chỉ cho Vân Anh: “Em là niềm tự hào của toàn trường. Nhà trường cảm ơn em rất nhiều...”. 

Trong bản nhận xét, đề nghị chuyển cấp em qua trường chuyên, cô giáo chủ nhiệm đánh giá, Vân Anh luôn vui vẻ, hòa nhã, sẵn sàng giúp đỡ, nghị lực lớn, suy nghĩ kết luận logic, trình bày khúc chiết cụ thể. 

Điểm tổng cả 6 năm, tới 12 môn, đều đạt điểm giỏi sát tuyệt đối 1,1-1,2. 
Sáu năm làm cán sự bộ môn, 2 năm cuối làm lớp trưởng.

Sang cuộc thi Đọc sách tiếng Đức, lớn nhất toàn nước Đức, tổ chức định kỳ hàng năm, thu hút 700.000 học sinh tham gia mỗi năm, do hiệp hội sách tổ chức và Tổng thống Đức bảo trợ, Vân Anh giành giải Nhì toàn khu vực. 

Bố mẹ Vân Anh cũng sang Đức lao động hợp tác từ năm 1988, mở cửa hàng kinh doanh quần áo tại tiểu bang Brandenburg hàng chục năm nay, suốt ngày ngập ngụa công việc, vừa hiếm thời gian, vừa không đủ kiến thức tiếng Đức kèm cặp con.
Nhưng với mong mỏi tột cùng của cả gia đình, “con phải hơn hẳn bố mẹ”, như một “khế ước” ngầm giữa họ đã thúc đẩy Vân Anh trở thành niềm tự hào của nhà trường Đức.

“Nghiện học hơn chơi”


Hiện tượng Thanh Mai ở tiểu bang Beyern gắn liền với tài năng khi mới lên 2 tuổi đã biết ghép vần, làm tính số tới 10. 

Lên 3 tuổi, bé đã học tiếng Anh trong nhà trẻ. Lên 5 tuổi vào lớp 1, với kết quả xuất sắc toàn diện, Thanh Mai được đặc cách bỏ qua lớp 2 nhảy cóc lên lớp 3. Năm nào cũng đứng đầu lớp, liên tục làm lớp trưởng. 

Năm 2011, Thanh Mai 8 tuổi đoạt giải vô địch Olympia vòng thi chung kết toán lớp 4 toàn tỉnh Unterfranken, tiểu bang Bayern vượt qua 24 thí sinh từ 12 thành phố, đạt tổng số điểm 18/20 cao nhất trong mọi kỳ thi vô địch xưa nay.
Cả bốn năm tại trường chuyên, Vũ Kim Hoàn là thành viên tích cực đa năng của các câu lạc bộ học ngoại khóa. (Ảnh nhân vật cung cấp) 
Thanh Mai tại buổi trao chứng chỉ vô địch học sinh giỏi toán mang tên Moby Deutschland Olympiade năm 2016 (Ảnh nhân vật cung cấp)
Các vòng loại trước đó, Thanh Mai luôn dẫn đầu, vòng 1 vượt qua hơn 7.800 em của 207 trường tiểu học toàn tỉnh tham gia. Vòng loại 2 vượt qua 80 em đứng đầu của 40 trường tham gia. 

Tới năm 2013, học lớp 5, tại kỳ thi Olympiade toán toàn tỉnh, cùng anh ruột Phạm Nam đoạt giải nhì 27,5/30 điểm, Thanh Mai tiếp tục đoạt giải nhất chung kết với số điểm 28,5/30. 

Tham gia cuộc thi thể thao trí tuệ “Bridge” (một dạng chơi cờ bằng con bài), Thanh Mai đứng thứ 3 thành phố. 

Vào lớp 6, tại kỳ thi Olympiade Toán toàn tỉnh, Thanh Mai đạt điểm tuyệt đối 30/30 còn Nam đạt 29,5/ 30 điểm. Cả Thanh Mai và anh trai đều đoạt giải nhất toán mang tên “Känguru für Mathe”. 

Tại cuộc thi tin học quốc tế, Thanh Mai giành giải nhì, Nam giải ba. Thanh Mai đoạt tiếp hai giải nhất thành phố trong cuộc thi tiếng Anh Big Challenge, và cuộc thi học sinh giỏi tiếng Pháp.

Bố Thanh Mai sang Đức du học năm 1987, rồi làm luận án tiến sĩ, hiện là chủ một công ty sản xuất phần mềm về lĩnh vực tự động hoá, bán ra thị trường thế giới. 

Mẹ Thanh Mai tốt nghiệp thạc sỹ kinh tế, chuyên tư vấn trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chia sẻ bí quyết, ngoài giờ học trên lớp, các con chỉ làm bài tập về nhà và tìm kiếm các chương trình tự học trên Internet, hoàn toàn không học thêm hay phụ đạo ở đâu. 

Phụ huynh này đưa ra lời khuyên, khi còn nhỏ hãy để chúng làm quen với những chương trình tự học của Vtech, hoặc trên www.toggolino.de, www.physikfuerkids.de, hay www.legakids.net. 

Khi chúng lớn hơn chút, cho chúng đến với những chương trình cao hơn như www.toggo-cleverclub.de, www-de.scoyo.com. Khi đã vào Gymnasium, hãy để chúng xem truyền hình với các chương trình như Kika-Nachrichten, Wissen macht Ah, Pur Plus hoặc Galieo là những chương trình ứng dụng khoa học thực tế rất tốt. 

Bố mẹ không nên kèm cặp, chỉ tác động vào tâm lý giúp chúng luôn có chí tiến thủ, bảo đảm tốt tiền đề vật chất ăn, ở, sức khỏe, cho chúng tập trung vào học hành. 

Cái khó là làm sao kích thích được chúng ham học. Ngay cả ép các con học thêm nếu không kích thích được chúng say mê, thì có khi lại phản tác dụng, làm chúng thêm mệt mỏi. 

Các trường chuyên đều có trang Web riêng cho biết rõ chương trình học tập trong năm. Một khi đã say mê, chúng sẽ hào hứng, cứ theo chương trình đó truy tìm tư liệu trên Google để chuẩn bị trước, nhờ đó cha mẹ không còn phải thúc giục chúng nữa. 

Lúc chúng đã say mê thì cũng như người nghiện rượu, thuốc lá vậy, sẽ “nghiện học hơn chơi”. Hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt bắt nguồn từ những “luận đề” đơn giản như vậy của người mẹ!

“Lò luyện” học sinh tài năng

Ở Đức, học sinh giỏi tham gia thi toán quốc tế khởi đầu từ lớp 7. Bước vào lớp 4, học sinh có thể tham gia thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh, diễn ra ba vòng, vòng trường mọi học sinh đều tham gia, vòng loại thành phố, vòng chung kết tỉnh. 

Sang lớp 5, học sinh giỏi được cho tham gia vô số kỳ thi toán mang tên khác nhau cấp thành phố, tỉnh và tiểu bang. Những học sinh đoạt giải nhất lớp 5, lớp 6 cộng thêm kết quả học tập xuất sắc được chọn vào nhóm bồi dưỡng, mang tên “tuổi trẻ luyện toán”. 
Tài năng Thanh Mai được dịp phát triển qua lò luyện này. Khoá học 2014 - 2015, tiểu bang Bayern chọn 30 học sinh giỏi lớp 6 vào nhóm bồi dưỡng, trong số đó có Thanh Mai, 10 tuổi. 

Khoá bồi dưỡng toán đầu tiên, kéo dài 5 ngày tổng hợp chương trình toán của cả một niên học. Học sinh được kiểm tra trắc nghiệm, học và làm các bài thi. Kết thúc khoá, 18 trong số 30 học giỏi bị loại.
12 học sinh còn lại tiếp tục vào vòng trong, trong đó có Thanh Mai. Số học sinh này bị loại tiếp ở các cuộc thi toán trong năm, còn 11 học sinh giỏi, Thanh Mai vẫn giữ vị trí hàng đầu.

Tương tự, 15 tiểu bang còn lại cũng chọn được từ 5 đến 11 học sinh tùy theo tiểu bang đó nhỏ hay lớn. Kết quả toàn nước Đức chọn được 100 em học sinh giỏi toán nhất, đưa vào chương trình bồi dưỡng năng khiếu từ xa theo các chuyên đề. 

Mỗi năm các em nhận được 6 chuyên đề vào các tháng 4, 5, 6,7, 9 và 10. Cứ 10 học sinh có một giáo viên phụ trách. Các em tự giải bài từng chuyên đề và được chấm điểm.
Kết quả, từ tháng 4 -10 năm ngoái, Thanh Mai đạt được tổng số điểm hầu hết tuyệt đối. 

Những học sinh đạt điểm khá giỏi từ 6 chuyên đề, ở tiểu bang Bayern được mời tham gia khoá bồi dưỡng toán dành cho học sinh trình độ lớp 8. Kết thúc, 8 em có điểm số cao nhất được chọn vào đội tuyển quốc gia, trong đó có Thanh Mai, 11 tuổi.

Với cách chọn trên, trong 100 em được tuyển chọn từ năm lớp 7 của 16 tiểu bang, có 30 em tiếp tục bị loại. Cứ loại lần lượt như vậy đến lớp 10 sẽ chỉ con 30 em học sinh giỏi nhất toàn liên bang được giữ lại đội tuyển tham gia các kỳ thi giải quốc tế.

Năm nay bước sang tuổi 12, Thanh Mai đoạt chức vô địch bộ môn toán toàn tiểu bang Bayern, đứng thứ hai kỳ thì vật lý toàn Liên bang. 

Tháng trước được chọn tham gia kỳ thi học sinh giỏi toán mang tên Moby Deutschland Olympiade tại Passau và kỳ thi vô địch toán toàn Liên bang khối lớp 9 năm nay. 

Hiện Thanh Mai được nhà trường chọn gửi vào Đại học Tổng hợp Würzburg học chương trình bồi dưỡng dành cho “Tài năng toán học trẻ từ lớp 9”.

Bồi dưỡng tinh thần đồng đội 

Học sinh năng khiếu ở Đức, ngoài khuyến khích tham gia thi học sinh giỏi nhằm bồi dưỡng tài năng cá nhân, còn được khuyến khích bồi dưỡng cả tinh thần đồng đội, làm việc tập thể.
Giải thưởng lập trình trò chơi người máy (Robotikerfolge bei der First Lego League - FLL) được tổ chức hàng năm ở Đức nằm trong triết lý giáo dục trên. 

Các trường tham gia thi đấu chọn đội tuyển tương tự như thi học sinh giỏi. Các đội được giao nhiệm vụ phải giải quyết những đề tài cụ thể từng năm. đề thi năm nay là “Con đường giải quyết vấn nạn rác thải”, bằng cách tái chế thành phân bón.
Nhóm lắp ráp có 6 em. Nhóm lập trình vốn đóng vai trò hoạch định quyết định thắng thua có 2 em. Đội thi đấu “Robot Force 1” của trường chuyên DHG, nơi Phạm Nam (anh trai Thanh Mai)  theo học, có 8 học sinh tài năng tuyển chọn từ lớp 8 đến lớp 10, chia thành 2 nhóm.

Phạm Nam lớp 8 là một trong 2 em đó. Nam lập trình phần Robotik đi gom đồ phế thải, bạn kia lập trình Robotik chuyển chúng đến địa điểm đã định và bốc dỡ.
Chương trình sau khi lập được nhóm lắp ráp đưa vào người máy thực hiện. Chúng có nhiệm vụ thu gom, phân chia, xử lý rác thải và chuyên chở phân bón được chế biến từ rác thải đến những địa điểm nhất định. 

Kết quả trường DHG của Phạm Nam giành cúp vô địch lập trình cho người máy thể loại “trò chơi người máy Robot Force 1” và đứng thứ hai thể loại trò chơi người máy “Robot Force 2” niên khóa 2015 - 2016.

Rõ ràng, khái niệm “giáo dục” được định nghĩa là sự tác động qua lại giữa thầy và trò trong một môi trường xã hội, kinh tế, gia đình, nhất định.
Hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt mới xuất hiện ở Đức và Mỹ, chưa xảy ra trong nước hay bình diện thế giới, thực ra không nằm ngoài nguyên lý trên. 

Ngoài tố chất học sinh và thực tế gia đình họ quyết định, phải có hệ thống giáo dục thích ứng vốn đóng vai trò nền tảng trực tiếp, tức điều kiện cần, nếu không những tài năng như Kim Hoàn, Vân Anh, Phạm Nam, Thanh Mai sẽ cũng chỉ nằm trong tiềm năng; không thể xuất hiện “hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt”!
Tiến sỹ Nguyễn Sỹ PhươnG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét