Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

20160427. NHẬN DIỆN NHỮNG LUẬN ÁN TIẾN SĨ KÉM CHẤT LƯỢNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHÓ GIÁO SƯ BÀY CÁCH NHẬN DIỆN LUẬN  VĂN TIẾN SĨ KÉM CHẤT LƯỢNG
VƯƠNG XUÂN TÌNH/LĐ 25-4-2016
PGS.TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học.

Vấn đề chất lượng đào tạo sau đại học ở nước ta, đặc biệt là bậc tiến sĩ đang được xã hội rất quan tâm kể từ sau hàng loạt các thông tin về chất lượng tiến sĩ thời gian qua. Vì vậy, PGS.TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã nêu lên một vài yếu tố dễ nhận ra với một luận án tiến sĩ kém chất lượng của khoa học xã hội, và cũng theo đó là một hội đồng chấm luận án kém chuẩn mực. Với cách này, những người không có chuyên môn sâu về các lĩnh vực của khoa học xã hội vẫn có thể đánh giá được, qua đó góp phần giám sát để nâng cao chất lượng của các luận án tiến sĩ ở nước ta. 
Lỗi trình bày
Đặc điểm dễ nhận diện đầu tiên của một luận án kém chất lượng là lỗi trình bày. PGS Vương Xuân Tình giải thích, một nghiên cứu sinh năng lực kém thường kém ngay ở cách trình bày. “Tôi dám chắc có nhiều nghiên cứu sinh rất kém về văn phạm, và nếu muốn có luận án, hầu như phải nhờ người khác sửa văn. Nhưng người khác sửa đâu xuể! Có thể ai đó lý sự rằng, văn phong là chuyện vặt; song ngược lại, nếu tiến sĩ mà viết câu văn không nên, có đáng tiến sĩ không?”, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học đặt câu hỏi. Theo PGS, một số lỗi trình bày thường mắc trong trình bày luận án có thể như:  Nhiều lỗi sai chính tả và lỗi đánh máy; câu sai hoặc kém chuẩn mực (câu cụt, tối nghĩa, ngô nghê, lòng thòng, rằng thì là mà); các đoạn văn (paragragh) không có cấu trúc, ý nọ nhằng ý kia, lộn tùng phèo…
Ông kể, cách đây chưa lâu, có đồng nghiệp phàn nàn với ông rằng vừa phản biện một luận án bảo vệ cấp cơ sở, có trang tới 30 lỗi. Với những luận án như vậy, sau 2-3 tháng được chỉnh sửa theo quy định, khó có thể hết lỗi, nên “hở sườn” là chắc.
Lỗi lôgic
Lỗi này thường mắc với phần tiêu đề, mục tiêu luận án một đằng, nội dung một nẻo. “Cách đây cũng chưa lâu, có đồng nghiệp phàn nàn với tôi rằng, đã từng đọc một luận án bảo vệ cấp cơ sở, trong ruột luận án chỉ có 7 trang phù hợp với tiêu đề”, ông Tình chia sẻ.
Bên cạnh đó, biểu hiện lỗi logic còn ở mục tiêu, nhiệm vụ một đằng nhưng kết luận một nẻo; tiêu đề ở mục lục và tiêu đề ở nội dung không giống nhau; ý của phần sau đá ý phần trước; tiêu đề, nội dung của bản tóm tắt khác bản chính văn...
Đạo văn
Đạo văn là lỗi thường gặp ở những luận án kém chất lượng. Lỗi này cũng không khó phát hiện. PGS cho biết, có thể truy tìm bằng các biểu hiện như: Sử dụng cấu trúc, lấy ý, lấy tài liệu của những luận án đã bảo vệ thành công hoặc những công trình có nhiều liên quan, song không trích dẫn hoặc trích dẫn mập mờ, không minh bạch. Bạn đọc còn có thể tìm ra nguyên đoạn viết của tác giả những công trình kể trên song chỉ thay số liệu, thay địa chỉ để biến thành sản phẩm của  nghiên cứu sinh.
Nếu muốn tìm những công trình nghiên cứu sinh dễ đạo văn, bạn có thể xem tên những công trình có liên quan mật thiết với luận án ở phần Tài liệu tham khảo của luận án.
Hội đồng kém chuẩn mực
Thông tư 05 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2012 quy định rõ thành viên Hội đồng thẩm định phải am hiểu về đề tài và lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh; có công trình công bố về lĩnh vực của đề tài luận án trong 3 năm tính đến ngày thành lập hội đồng. Tuy nhiên, việc thành lập hội đồng có thể tùy tiện theo kiểu “cơ cấu”, cánh hẩu, đãi đằng; để “giao lưu”, “mặt trận” với nhau… Bởi thế, như PGS chia sẻ, không ít tình trạng một người ngồi quá nhiều hội đồng; lĩnh vực nào cũng ngồi; chẳng có chuyên môn cũng ngồi; về hưu hàng chục năm không có nghiên cứu, viết lách gì nữa cũng ngồi; làm quan chức ở trên vẫn lộn về ngồi…
Để tìm hội đồng như vậy cũng không khó. Người quan tâm có thể tìm qua hồ sơ luận án lưu tại Thư viện Quốc gia; qua lưu trữ ở Phòng Đào tạo của cơ sở đào tạo (với Hội đồng bảo vệ cấp cơ sở và bảo vệ chuyên đề).
Từ các hội đồng này, nếu thấy tần suất của “nhà” khoa học nào đó xuất hiện quá nhiều, có thể đặt câu hỏi: Ông/ bà ấy làm việc ở đâu ? Đương chức hay về hưu ? Chuyên môn sâu về lĩnh vực gì ?...; và sẽ tìm ra nhiều yếu tố thiếu chuẩn mực, thậm chí cả “nhóm lợi ích”. 
KHÔNG THỂ 'BÌNH DÂN HÓA'LUẬN ÁN TIẾN SĨ
QUÝ HIÊN, MỸ QUYÊN /TN 26-4-2016
Không thể 'bình dân hóa' luận án tiến sĩ: Khi quyền uy lấn át học thuật
“Thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quan hệ...”
Theo một giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chất lượng đào tạo tiến sĩ ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) hiện nay chịu tác động ghê gớm từ môi trường học thuật “chật hẹp”. “So sánh với quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ của ta với một số nước trong khu vực thì thấy ở ta quy định như thế là khá chặt chẽ. Nhưng chặt lại thành hở vì việc bảo vệ thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ giữa thầy và trò nên quy trình chỉ là hình thức. Nền KHXH của ta còn mỏng, tinh thần học thuật chưa cao, trong giới lại quen biết nhau hết nên rất dễ đụng chạm. Ngay cả người phản biện kín nhiều khi cũng không dám mạnh tay vì biết đâu lại động phải trò của thầy hoặc bạn mình”, giảng viên này cho biết.
PGS Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng phàn nàn trong quá trình bà tham gia phản biện hoặc ở trong các hội đồng bảo vệ luận án, khi có góp ý mạnh mẽ về một công trình kém chất lượng thì thường được nhận lời góp ý gần xa của các đồng nghiệp là sao khắt khe thế! Thậm chí, có lần bà tham gia phản biện kín một luận án tiến sĩ và nhận xét không đồng ý thông qua. Về sau, khi trở thành đồng nghiệp của nhau, trong một lần gặp gỡ và trao đổi công việc, nghiên cứu sinh tỏ ý trách “hồi ấy cô đã không ủng hộ em”.



Không thể 'bình dân hóa' luận án tiến sĩ: Khi quyền uy lấn át học thuật - ảnh 2

Không thể 'bình dân hóa' luận án tiến sĩ

Việc đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học xã hội gây xôn xao dư luận, một lần nữa lại rộ lên mối băn khoăn lâu nay: Thế nào là một đề tài xứng tầm luận án tiến sĩ?
Bà Bình tâm sự: “Tôi buồn cho nền nghiên cứu của nước mình thiếu tinh thần học thuật, đã đẻ ra một cái quy trình tưởng rất chặt chẽ nhưng hóa ra lỏng lẻo, tưởng kín nhưng lại... hở”.
Về vấn đề này, một nghiên cứu sinh ngành lịch sử cũng than phiền: “Kín nhưng ai cũng biết cả, thậm chí trước khi bảo vệ còn biết cả câu hỏi phản biện. Ở nước ngoài, danh dự người thầy rất lớn, nên dù quyền uy của họ rất lớn nhưng họ rất có ý thức tiết chế để đặt tiêu chí khoa học lên hàng đầu. Ông giám đốc Học viện KHXH nói một câu có tính chân lý trong khoa học, chúng tôi phải tin ở chuyên gia vì nếu không tin ở các chuyên gia thì tin ở ai! Nhưng nó đúng trong môi trường tự do học thuật. Còn ở ta, bao giờ tự do học thuật được bảo hộ thì tự giới học thuật sẽ giải quyết được vấn đề này. Khi đó vì danh dự của giới học thuật, buộc các chuyên gia sẽ phải kiểm soát phê phán lẫn nhau. Còn ở ta quyền uy lấn át hết học thuật”.
Trước thực trạng này, PGS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, nói: “Áp lực của nền giáo dục ĐH của chúng ta là chỉ tiêu 2 vạn tiến sĩ trong 10 năm. Điều này làm nảy sinh quan điểm dễ dãi trong đào tạo tiến sĩ”.
Đào tạo theo kiểu tại chức
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ở VN nghiên cứu sinh hiện được đào tạo theo hình thức tại chức là chính, nghĩa là chỉ trừ thời gian học 3 chuyên đề tiến sĩ và một số lần gặp gỡ người hướng dẫn, nghiên cứu sinh chủ yếu ngồi tại địa phương để làm đề tài. Lẽ ra, họ phải vừa làm việc vừa nghiên cứu tại cơ sở đào tạo. Ông Thuyết nhìn nhận việc đào tạo tiến sĩ ở VN hiện nay chú trọng số lượng mà không chú trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng.
PGS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, chia sẻ: “Nói đến mục tiêu, thì ở các nước phát triển, người ta học tiến sĩ hay trở thành giáo sư đa số đều vì đam mê, vì khao khát nghiên cứu và truyền đạt khoa học chứ không phải để thăng quan tiến chức hay kiếm tiền. Chính vì cả người học và người hướng dẫn làm việc vì đam mê của mình nên họ học hành và đào tạo rất nghiêm túc và chất lượng”.
PGS Nguyễn Văn Thuận cho biết thêm: “Ở các nước phát triển, một người muốn hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ thì phải nằm trong nhóm giáo sư dự khuyết, phó giáo sư hoặc giáo sư. Trong khi ở VN thì quy trình này ngược lại, một người muốn được phong chức danh GS hoặc PGS, thì phải hướng dẫn được bao nhiêu tiến sĩ. Vì thế, nhiều nơi tiến sĩ hướng dẫn nghiên cứu sinh thì không thể có chất lượng”.
Lỗi lớn nhất là không chịu hội nhập quốc tế
Theo PGS Lê Bảo Long, Viện Khoa học quốc gia thuộc ĐH Quecbec (Canada), giới hàn lâm ai cũng biết tầm quan trọng của việc khẳng định uy tín của các cơ sở đào tạo và giá trị nghiên cứu khoa học qua việc đăng tải các công trình khoa học trên các tạp chí hàng đầu hay sách in từ các NXB quốc tế có uy tín. “Điều này đặc biệt quan trọng khi VN đang ngày càng tham gia sâu rộng vào các sân chơi như TPP hay phải giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như chủ quyền trên Biển Đông, các vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng ta nên có các nghiên cứu trong các ngành KHXH đạt tầm vóc toàn cầu để dẫn dắt quá trình hoạch định chính sách và phát triển của VN”, PGS Long chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phạm Hiệp, Trường ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan nhận xét: "Học viện KHXH là cơ quan có đến hàng trăm GS, PGS, rất nhiều tiến sĩ, quy mô đào tạo hơn 1.000 nghiên cứu sinh mà cả năm 2015 chỉ có 3 bài báo đăng ở tạp chí SSCI và AHCI”



Quý Hiên - Mỹ Quyên
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI PHẠM QUY TRONG ĐÀO TẠO TIẾN SĨ
VĂN CHUNG/ VNN 26-4-2016
lò đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ tại VN, Học viện Khoa học xã hội, Bộ GD-ĐT, quy chế đào tạo tiến sĩ
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng. (Ảnh: Văn Chung).
Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết một số sai sót trong đào tạo tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội khi trao đổi với VietNamNet chiều 26/4.
Trả lời VietNamNet trong chiều 26/4, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Việc Học viện Khoa học Xã hội không công bố toàn văn luận án tiến sỹ của nghiên cứu sinh trước khi bảo vệ trên website của đơn vị này là vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 36 của Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ.
Cụ thể, điểm b, khoản 2, Điều 36, quy định: “Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định các điều kiện tổ chức cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án, đảm bảo nguyên tắc: Thời gian, địa điểm bảo vệ luận án, tên đề tài luận án của nghiên cứu sinh đã được công bố công khai, rộng rãi trên trang web của cơ sở đào tạo, trang web của Bộ GD-ĐT, trên bảng tin của cơ sở đào tạo và của đơn vị chuyên môn, trên báo địa phương hoặc trung ương, trước ngày bảo vệ ít nhất 10 ngày để những người quan tâm có thời gian tìm hiểu luận án và tham dự phiên bảo vệ (trừ các luận án bảo vệ mật)."Trong quy chế, Bộ GD-ĐT đã quy định quy trình đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ. Trong đó có việc cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót…
Cũng theo bà Phụng, Học viện Khoa học Xã hội được thành lập trên cơ sở hợp nhất 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Chỉ tiêu của Học viện là tổng chỉ tiêu của 17 viện nên tổng thể lớn hơn các đơn vị khác nhưng tính trung bình mỗi viện nghiên cứu thì không lớn.
Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước về GD-ĐT, quản lý chất lượng thông qua việc quy định các điều kiện (đăng ký mở ngành; số lượng và trình độ giảng viên…), tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ.
Một trong các quy định đó là cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo là để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót… góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo.
lò đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ tại VN, Học viện Khoa học xã hội, Bộ GD-ĐT, quy chế đào tạo tiến sĩ
Buổi họp báo của Học viện Khoa học xã hội về những vấn đề liên quan đến đào tạo tiến sĩ của học viện. (Ảnh: Lê Văn).

Các cơ sở đào tạo kém chất lượng có thể sẽ phải đình chỉ tuyển sinh, không cho phép thành lập hội đồng đánh giá luận án theo quy định của quy chế.Bộ GD-ĐT cũng tiến hành thẩm định xác suất đối với khoảng gần 10% luận án của các cơ sở đào tạo. Khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc có ý kiến phản ánh không tốt về nội dung và chất lượng luận án cụ thể nào đó thì Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định.
Sẽ ban hành quy chế đào tạo tiến sỹ mới
Bà Phụng cho biết, hiện Bộ GD-ĐT đang soạn thảo Quy chế đào tạo tiến sỹ mới thay thế quy chế hiện hành. Quy chế mới sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đào tạo sẽ là yếu tố quyết định quyền tự chủ của cơ sở đào tạo.
Theo đó, cơ sở đào tạo chất lượng cao sẽ được tự chủ ở mức cao và ngược lại.
Bộ cũng sẽ nghiên cứu đưa vào quy chế mới những điều khoản để tăng cường kiểm tra, trách nhiệm giải trình của cơ sở trong quá trình đào tạo tiến sỹ.
Các cơ sở đào tạo cũng sẽ phải công khai thông tin về thành tích nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh đã và đang hướng dẫn… của những tiến sỹ đang làm việc tại cơ sở.
  • Văn Chung (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét