Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

20160416. NGHĨ VỀ CHÍNH PHỦ MỚI

ĐIỂM BÁO MẠNG
TÂN CHÍNH PHỦ, XIN CHÀO !
NGUYỄN KHẮC MAI/ BVB 13-4-2016
  Các vị nói “nặng lòng…” thì hãy biết làm gì để sớm ‘trút những gánh nặng’ đó đi chứ! Chẳng lẽ ôm gánh nặng đến hết nhiệm kỳ lại nói: “Trách nhiệm đến thế là cùng”,hoặc nói: (đại loại) hết khóa, nghỉ, “ráng làm người tử tế”…vv. Hãy nặng lòng với Dân, với Nước, chớ nên nặng về tham muốn quyền lực, bổng lộc, tiền của, nặng túi tham, chớ nặng bảo thủ, giáo điều, ngu tín, ngu trung…
Mặc dầu không thật ưng ý lắm với cái cách xuất hiện của Quý vị, nhưng tôi không có cách nào khác là gởi lời chào tới các vị.
Sáng nay đọc báo, thấy ảnh của tân Thủ tướng và hai mốt tân Bộ trưởng, mặt mày ai nấy đều rạng rỡ, tươi cười, hớn hở. Ông Thủ tướng có nụ cười ‘rất đặc biệt’, có thể cười đến thế là cùng. Tôi cũng cảm nhận được các vị thật vui mừng, gây ‘ấn tượng’ là nụ cười của Thủ tướng quả thật thấy hả hê lắm. Ít thấy ánh mắt của suy tư, lo lắng. Điều ấy khiến người ta có cảm giác các vị rất tự tin. Kèm theo những phát biểu ban đầu, hứa thì có mà hẹn lại không rõ. Những người có trọng trách phải hẹn với quốc dân những cái mốc đi tới. Chúng tôi chờ đợi một chương trình hành động tổng thể của 5 năm tới, tức là nhiệm kỳ của quý vị. Xin quý vị chớ dẫm theo lối mòn của các khóa chính phủ trước. Họ bước vào Chính phủ không phải với tư cách của những chính khách, rất chủ động, là chính mình,chứ không phải là một viên chức để chịu sai phái, bị giật dây. Không thấy ai trong thành viên các chính phủ trước đáng mặt là tư lệnh là tổng công trình sư của lĩnh vực, của cái ngành mà họ đứng đầu, thậm chí có Bộ bị cấp dưới, bị dân cho là không phải Bộ trưởng điều hành mà là các vụ. Thật ra, các vị đều là những viên chức hành chính, người thì từ bí thư tĩnh, kẻ thì từ văn phòng nào đấy. Cũng có người được đôn lên từ cấp thứ của cái nghành ấy. Nhưng cái tố chất tư lệnh, chiến lược gia của một lĩnh vực thì chưa thấy có dấu hiệu đã từng bộc lộ.Vì thế trọng trách của quý vị càng nặng nề.Về trọng lượng nặng nề của trách nhiệm ,tôi sẽ xin thưa đôi điều.
Chữ tân mà tôi dùng với nghìa là mới, Tàu họ đọc là “xin”. Chữ xin thì Việt mình lại có nghĩa trong xin-cho. Nếu chính phủ mới tiếp tục tư tưởng và phương thức xin- cho, thì sẽ không có đổi mới đổi cũ gì hết. Làm sao để trong nhiệm kỳ này dân sẽ không còn thân phận kẻ ăn xin, các doanh nhân, các trí thức, cả các chính khách , ba cột trụ, ba chân kiềng của xã hội thoát khỏi thân phận kẻ ăn xin ngay trên quê hương, ngay trong các nghành nghề của mình. Cải tiến cải lùi gì không biết phải nâng thân phận của người dân lên hàng chủ.
Như vậy vai trò, chức trách, tư duy chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu cụ thể, mục tiêu tổng quát của cả Chính phủ của từng nghành là phải được suy tính cân nhắc cẩn thận. Tôi hy vọng cái Quốc hội mới nếu biết thực thi cái thên chức của mình, họ sẽ làm theo ý nguyện của quốc dân (điều mà từ trước tới nay các khóa quốc hội chưa dám làm, họ vẫn tiếp tục cung cách gật gù của một thời, đáng tiếc là “cách mạng” lại duy trì cái lạc hậu, cái cũ đúng ra là phải cất vào spam lịch sử!). Nghĩa là Thủ tướng phải trình một chương trình có tầm chiến lược chứ không chỉ là mấy lời hứa mà không rõ hẹn (ví dụ, ai mà tin những lời hứa chống tham nhũng). Phải có một tư duy chiến lược đặt nó trong một tổng thể của những cải cách chính trị, thay đổi thể chế, cải cách kinh tế, cải cách nền hành chính.cải cách v…v. Chính phủ là hành pháp, nhưng nền hành chính của chúng ta đã đi từ “ hành dân hành nhau là chính” đến chỗ “độc ác với dân”. Điều khôi hài là những chữ này do những vị có trọng trách phát ngôn trên những diễn đàn sang trọng, tôn nghiêm. Tôi nghĩ rằng nếu giả dụ cái Quốc hội mới nó cũng chỉ gật gù theo lệnh đảng rồi bấm nút thông qua cho hợp thức, thì quý vị hãy vì trọng trách thiêng liêng của mình với dân với nước, với xã hội mà hãy chuẩn bị cho thật nghiêm túc một chương trình hành đông với tư duy chiến lươc. Rồi đem trình với quốc dân với xã hội thu thập cho hết ý kiến của trí thức, khẳng định lấy những vấn đề then chốt nhất mà làm. Tôi rất thú vị hai chữ “thành tín” mà Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc tới khi họp chính phủ. Có điều ông cũng hứa hẹn mà không làm được. Đúng, nếu thành tâm, tin vào dân, tin vào chính mình, đừng tin vào giáo điều, đừng tin vào những giá trị bị đánh tráo, đừng làm việc bằng cái đầu của người khác,đừng cả tin vào tà thuyết, những cái gọi là lý thuyết, chủ nghĩa mà không thể chứng minh…Một tinh thần, một năng lực “thành tín” mới, sẽ là phẩm chất quan trọng để mỗi vị có thể thành công ghi lại dấu ấn của nhiệm kỳ.
Như vậy Quý vị có thể căn cứ cái gọi là “đường lối, quan điểm của đảng”, lại phải căn cứ thực tế của đất nước của xã hội của ý nguyện người dân, đặc biệt phải có hiểu biết chắc chắn quy luật phát triển của nhân loại tiến bộ…mà định ra chương trình hành động. Phải dựa vào chuyên gia nhất là chuyên gia độc lập, vì họ sẽ khách quan hơn là đám trí thức gia nô chỉ uốn éo theo chiều hướng của lãnh đạo để giữ ghế và tiến thân, họ dễ đánh mất mình và đánh tráo khái niệm khiến cho quy luật không hiện ra rõ, chỉ nhìn thấy cái bóng của sự thât, nhất là rất dễ thành tích chủ nghĩa và hình thức. Chúng tôi “tín thành “nêu một mong ước tốt đẹp như vậy để quý Tân Chính phủ tham khảo.
Tôi nhắc lại một triết lý về chính phủ của Đông kinh nghĩa thục để quý vị rõ: “Chính phủ chẳng qua là người dân nắm chính quyền”(Xem Văn minh tân học sách”. Các vị nên luôn nhớ mình cũng chỉ là người dân. Cái tâm thức này là của thời dân chủ, của nền dân chủ, dân quyền. Nó không hề có trong xã hội quân chủ phong kiến lạc hậu.Nếu quý vị không ý thức rõ điều này, dẫu quý vị có xưng là ủy viên nọ ủy viên kia thì nhân cách của quý vị vẫn chỉ là nhân cách của những ông quan, bà quan phong kiến tập quyền và độc quyền mà thôi. Điều này rất quan trọng, vì từ khi Hồ Chí Minh than thở về các ông quan bà quan cách mạng tới nay ,vấn đề vẫn y xì chưa có thay đổi gì đáng kể. Hãy đặt mình trong xã hội, trong lòng dân tộc, không chỉ sẵn sàng lắng nghe mà còn phải biết sẵn sàng chịu sự phê phán, thậm chí thưa kiện các vị ra tòa. Đừng làm như vị thủ trưởng tiền nhiệm của quý vị, khi có người thưa kiện lập tức sai công an bắt bỏ tù người ta.Trong cái thể chế và thiết chế do đảng cộng sản đặt ra thật khó để có nhân cách dân chủ, làm người dân chủ. Tân Chính phủ hãy ráng nêu gương về vấn đề này. Bởi chỉ như thế tính chinh danh, chính nghĩa của quý vị mới định hình được, còn không chỉ là hư danh, hình thức. Một Chính phủ biết đặt mình dưới luật pháp,biết tôn trọng dân chủ , dân quyền mới xứng đáng là “Chính”, nếu không sẽ là “tà”.
 Bởi thế, tân Chính phủ hãy thử thách mình, bằng một việc trước tiên để thể hiện cái danh nghĩa “Chính “ của mình, yêu cầu Chủ tịch nước ra sắc lệnh thả hết mọi tù nhân lương tâm, ra lệnh từ nay công an không được đối xử tàn ác với dân dẫu ở trong nhà tạm giam hay người biểu tình ngoài đường phố. Việc này có ý nghĩa như quẹt vàng vào hòn đá thử để biết thật hay giả. Người dân sẽ tin rằng một chính quyền nhân văn, nhân ái, biết tôn trong con người, biết khuôn mình theo luật, ắt họ có “Tâm” và điều họ nói, việc họ làm có thể là khả tín.
Việc rất quan trọng, trước mắt, mà cũng là sự thử thách, chính quyền có văn minh, văn hóa hay không. Đó là, với tư cách hành pháp mà tổ chức quản lý cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân mới:
Một là, ra lệnh ngừng ngay việc đấu tố những người ứng cử độc lập. Một chính phủ dân chủ phải coi việc nhiều công dân ra tự ứng cử là niềm vinh dự, là dấu chỉ của tiến hóa. Nếu người dân của những năm 45,46 không thét vang” Tiến lên Nền Dân chủ cộng hòa” thì làm gì mà quý vị được ngồi vào ngôi cao như hiện nay. Chớ có  ăn quả mà đái vào mồ của người trồng cây! Cả việc lấy ý kiến đại biểu dân phố (không thể coi là đại diện cử tri. Ai, luật nào cho họ cái quyền như vậy?), cả những hội nghị gọi là hiệp thương, có điều luật nào cho phép họ nhân danh cử tri để bác bỏ quyền tự ứng cử của công dân. Chỉ có tòa án phán quyết rằng một ai đó là “điên”, là kẻ đang phạm tội, họ mới bị tước quyền ứng cử. Mọi ý kiến khác dẫu là của cái gọi là đại diện cử tri hay của ủy ban hiệp thương chỉ có giá trị của một phía đưa ra để toàn thể cử tri tham khảo. Một chính phủ không biết tổ chức cho các ứng cử viên được bình đẳng, có diễn đàn để trình bày chính kiến của mình, chính phủ đó vẫn còn trong trạng thái quê mùa mông muội  đáng xấu hổ.
Hai là, nhân đây, chúng tôi cũng muốn thưa với quý vị về lời thề thốt “chống tham nhũng” của Tân thủ tướng. Tôi nhớ vị tiền nhiệm cũng từng quyết liệt thề như thế, còn mạnh mẻ nói nếu không chống được sẽ từ chức. Tham nhũng đã trở thành “nội xâm” lại còn biến hóa có cả phép tàng hình đến nỗi nhiều nơi báo cáo cả năm không tìm thấy dấu vết tham nhũng, có nghĩa nó đang trở nên cao cường hơn. Thật là “Phật cao một trượng, ma cao mười trượng!”.Nếu Tân thủ tướng có quyết tâm, ngoài việc của chính mình hãy tôn trọng ý nguyện của nhân dân lập “Ủy ban Nhân dân chống Tham nhũng”. Đó mới thật sự như con đại bàng biết bay bằng hai cánh. Sự thành công của những Chính phủ văn minh chính là biết cùng và biết dựa vào nhân dân vào xã hội dân sự để quản trị đất nước. Ủy ban này sẽ bày mẹo cho chính phủ biết tạo ra những công cụ hữu hiệu, văn minh, dân chủ, khoa học, hệ thống. Cách làm của tbt Nguyễn Phú Trọng chẳng ăn khớp gì với luật chơi văn minh tiến bộ vì thế đã rõ là vô hiệu. Hãy bàn với xã hội để thấy “chống tham nhũng đến thế là cùng”.
Lời chào cũng đã dài, tôi xin chốt lại bằng một chữ “nặng”. Nếu quý vị thật sự “nặng lòng với non sông, Đất Nước, nặng lòng vì hạnh phúc của nhân dân, nặng lòng với chức trách cao cả của mình”, tôi nghĩ chúng ta sẽ chuyển hóa chữ “XIN-Tân” với dấu nặng, để thành “XỊN”. Một Chính phủ xịn còn gì cao quý hơn, tốt đẹp hơn, vẻ vang hơn.
Tôi thành tâm mong quý vị đau đáu với chữ nặng. Các vị phát biểu kiểu ‘mật rót lỗ tai’ ra vẻ tâm tư, cấn cái, suy nghĩ đầy trách nhiệm, nhưng cái chính là nói phải thực lòng, đừng mị dân nữa, nghe quá quen rồi. Các vị nói “nặng lòng…” thì hãy biết làm gì để sớm ‘trút những gánh nặng’ đó đi chứ! Chẳng lẽ ôm gánh nặng đến hết nhiệm kỳ lại nói: “Trách nhiệm đến thế là cùng”, hoặc nói: (đại loại) hết khóa, nghỉ, “ráng làm người tử tế”…vv. Hãy nặng lòng với Dân, với Nước, chớ nên nặng về tham muốn quyền lực, bổng lộc, tiền của, nặng túi tham, chớ nặng bảo thủ, giáo điều, ngu tín, ngu trung…
Công nhiều vì làm tốt gánh nặng trọng trách Quốc gia. Tội nặng vì tiếp tục kéo dài thảm cảnh tụt hậu , suy đồi,và đánh mất danh dự và chủ quyền của dân tộc.
Tân Chính Phủ, xin chào!
NKM (Tác giả gửi BVB)
NẾU KHÔNG CÓ RƯỢU MỚI
HUY ĐỨC/FB Truong Huy San (Oshin HuyDuc) / BVN 15/4/2016
Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có “đổi mới II” trong nhiệm kỳ cuối của ông
Con số cơ cấu 35-40% đại biểu chuyên trách trong Quốc hội khóa tới là một bước đi đúng. Nhưng việc những người như Nguyễn Quang A, Nguyễn Cảnh Bình... bị loại bỏ bằng những công cụ hết sức võ biền cho thấy Đảng vẫn chỉ muốn, ngay cả những người tự ứng cử, cũng phải chắc chắn là người của họ.
Cho dù cách hành xử đó là “truyền thống” hay chỉ từ các mệnh lệnh địa phương, để hệ thống ứng xử như vậy, cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chưa chuẩn bị tâm thế và chưa có bước đi quan trọng nào được coi là cải cách.
Khi ông Nguyễn Tấn Dũng bị loại bỏ, số người vui chẳng nhiều hơn bao nhiêu số người bị hụt hẫng. Không ai nghĩ Nguyễn Tấn Dũng là một nhà lãnh đạo anh minh nhưng nhiều người hy vọng nếu ông Dũng toàn quyền, ông sẽ giải tán hoặc làm cho Đảng này sụp đổ.
Không có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy ông Dũng sẽ làm điều đó ngoài những bài viết vu vơ trên những trang mạng nặc danh.
Chỉ vì quá chán ngán cái thể chế đã kìm hãm sự phát triển của dân tộc này suốt hơn 70 năm người ta sẵn sàng đặt niềm tin vào một con người đang trục lợi nhiều nhất từ thể chế cả về châu báu và chức tước.

Không có ai đáng trách

Khát vọng thoát Cộng lớn đến nỗi làm lú lẫn không chỉ những cái nicks vô danh mà còn cả với nhiều trí thức.
Là người đứng đầu một Đảng đang cầm quyền nếu ông Nguyễn Phú Trọng không nhận thức đầy đủ khát vọng này của những người dân có học, để thúc đẩy cải cách chính trị, thì chiến thắng của ông trước Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị coi là chiến thắng của một người tham vọng quyền lực chứ không phải của một người vì đất nước.
Năm nay, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là người chủ trì những hoạt động kỷ niệm 30 năm đổi mới. Đừng cắt lát miếng nạc từ năm 1986 mà hãy quay về khúc xương khởi đầu từ khi Hồ Chí Minh mang chủ nghĩa Marx-Lenin đến Việt Nam. Để thấy, đổi mới đơn giản chỉ là một tiến trình Đảng gỡ bỏ dần dần những gông cùm mà Đảng từng áp đặt.
Từ “Chính sách kinh tế nhiều thành phần” đến “Kinh tế thị trường” là một bước tiến chưa đủ nhưng khá dài. Và khi, Đại hội XI bãi bỏ nguyên tắc “sở hữu công là chủ yếu”, thì các “đặc trưng của chủ nghĩa xã hội” ghi trong Cương lĩnh không còn dấu hiệu nào của chủ nghĩa cộng sản theo mô hình mà Marx và các cộng sự của ông thiết lập trong Tuyên ngôn Cộng sản.
Hiến pháp 1992, tuy còn dùng dằng giữa “hai con đường” đã vẽ cho Việt Nam một nền cộng hòa trên giấy. Ngay cả những tổng bí thư bị coi là bảo thủ nhất như Đỗ Mười hay Lê Khả Phiêu, sau Hiến pháp 1992, cũng đã phải chuyển dần từ một chế độ Đảng trực trị sang một chế độ Đảng cầm quyền thông qua Nhà nước.

Việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị

Sinh thời, Nguyễn Bá Thanh là một người rất được công chúng tung hô nhưng nếu những người am hiểu nhà nước pháp quyền biết cách ông Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh ngồi sau cánh gà các phiên tòa “lãnh đạo án” như thế nào chắc chắn họ sẽ vô cùng thất vọng.
Chống tham nhũng bằng Ban Nội chính thay vì gỡ bỏ “vòng kim cô nội chính” cho các cơ quan tư pháp, để họ tiến hành tố tụng theo các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, thì không chóng thì chày sẽ có Ba X tân thời thay cho Ba X cũ.
Dân chủ đơn giản chỉ là một phương thức cầm quyền theo nguyên tắc không để ai có quyền lực tuyệt đối. Dân chủ không phải là đích đến mà là một phương tiện được lựa chọn để tránh sự tha hóa tuyệt đối của những người cầm quyền. Dân chủ không phải là một cây gậy thần để quốc gia nào cầm nó trong tay cũng trở nên thịnh vượng. Nhưng, chưa có phương thức quản trị quốc gia nào ít rủi ro hơn dân chủ.

Vấn đề là đi tới dân chủ như thế nào

Những người kỳ vọng Nguyễn Tấn Dũng “giải tán Đảng” không chỉ là những nhà dân chủ nôn nóng mà còn là những người suy nghĩ đơn giản. Họ chờ đợi dân chủ theo cách của Đại Lãn. Họ nghĩ có ai đó sẽ dọn sẵn mâm cỗ dân chủ cho mình mà không thấy rằng dân chủ là một hành trình của chính mình.
Không thể có dân chủ trong một thể chế độc tài Đảng trị. Nhưng, nếu như độc tài sụp đổ sau một đêm chúng ta có thể có đa đảng ngay thì tự do chính trị mà ta có đó chỉ mới là một tiền đề cần nhưng chưa đủ.
Chúng ta có thể buộc các nhà cộng sản phải chịu trách nhiệm về những gì đã làm trong quá khứ. Nhưng tôi không nghĩ là con đường đi đến dân chủ dứt khoát phải loại bỏ những người cộng sản đang nắm quyền. Thay vì đẩy họ về phía đối địch, dân chúng cần tạo áp lực đủ để họ thay đổi và nhận thức được rằng, dân chủ hóa là một tiến trình kiến tạo tương lai cho chính cả những người cộng sản.
Trong lộ trình đó, cần phải có những bước đi vững chắc để sao cho “nền cộng hòa trên giấy” hiện nay từng bước có thể vận hành. Hãy để Quốc hội tập dượt vai trò giám sát của mình và chuẩn bị để các cơ quan tư pháp thoát dần ra khỏi tình trạng bị địa phương cát cứ. Trước mắt, không để nhánh quyền lực nào, cơ quan nào nắm giữ quá nhiều quyền lực, mũi đột phá cần được chọn ngay là Bộ Công an.
Giờ đây, tuy đứng vị trí cao hơn nhưng chắc chắn sẽ có khi đại tướng Trần Đại Quang cảm thấy mình lơ lửng. Bộ Công an hiện đang có đủ quyền để biến, thậm chí, cả những người trong bộ tứ trở thành con tin. Do quyền lực của Bộ bao trùm lên các cơ quan tố tụng, không dễ để chống tham nhũng, rất khó để tránh oan sai.
Đây là lúc Tổng bí thư có thể đánh thức vai trò đồng minh từ ông Quang để tách Bộ Công an thành các cơ quan độc lập: Tình báo; Phản gián; Cảnh sát quốc gia - Cảnh sát địa phương - Cảnh sát giao thông; trả Trại giam về cho Tư pháp; lập Cơ quan Điều tra quốc gia.
Chức năng, nhiệm vụ của tình báo và phản gián không có gì tương thích với lực lượng cảnh sát. Đừng để lực lượng tình báo - phản gián tham gia quá sâu vào các cuộc chơi chính trị nội bộ mà sự “màu mỡ” của nó rất dễ làm họ sao nhãng nhiệm vụ chính là cảnh giác thù ngoài.
Cần có một Tư lệnh cảnh sát quốc gia để duy trì sự thống nhất quyền lực trung ương nhưng việc gìn giữ an ninh trật tự chủ yếu do cảnh sát địa phương đảm trách. Cảnh sát công lộ cũng nên là một lực lượng độc lập (vì điều tra không cùng một nhà họ sẽ không dám nhận mãi lộ phổ biến như hiện nay).
Nếu để điều tra trong Bộ Công an rất khó chống tiêu cực trong các cơ quan cảnh sát. Nên lập cơ quan điều tra quốc gia. Cảnh sát địa phương có thể điều tra các vụ án, trộm cướp... nhưng đã là án liên quan đến chức vụ, quyền hạn, liên quan đến tham nhũng phải do cơ quan điều tra quốc gia tiến hành [Tòa cũng lập thành tòa sơ thẩm, phúc thẩm... bố trí ở các khu vực; địa phương có tòa nhưng chỉ xử hình sự thường].
Điều mà nền kinh tế cần Chính phủ làm ngay là chấm dứt sự can thiệp bằng các công cụ hành chánh vào các quan hệ kinh tế, dân sự của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên ra ngay một quyết định yêu cầu các bộ ngưng ban hành các điều kiện kinh doanh mới (giấy phép con). Đồng thời, yêu cầu Tổ thi hành luật doanh nghiệp phối hợp với VCCI đưa ra một danh sách các giấy phép (trong số hơn 6000 giấy phép con ban hành dưới thời Nguyễn Tấn Dũng) có dấu hiệu lạm quyền, đình chỉ thi hành chúng cho đến khi Chính phủ có thời gian rà soát lại.
Để làm được việc này, Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc phải đủ dũng cảm để từ bỏ các bổng lộc mang lại do sự lạm quyền (hành chánh hóa các quan hệ dân sự, kinh tế) bằng cách tách ngay chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ. Lập các vụ tham mưu chính sách bên cạnh các cục thực thi chính sách. Quan chức nào, vụ nào đã tham gia vào tiến trình ban hành chính sách thì không được dính vào quy trình thi hành (cấp phép, thanh tra, giám sát...).
Nếu chưa đủ sự ủng hộ chính trị để tư nhân hóa đất đai, Chính phủ cần sửa luật để đảm bảo đối xử với quyền sử dụng đất của người dân như quyền về tài sản. Bãi bỏ các điều luật cho phép chính quyền thu hồi đất (không thể dùng quyền hành chính để can thiệp vào quyền về tài sản). Chỉ khi thật cần thiết, chính quyền mới áp dụng quyền trưng mua, trưng dụng.
Mặc dù, đã từng có nhiều đại biểu ăn nói rất được lòng dân, nhưng Quốc hội không chỉ là một diễn đàn. Kể từ sau Hiến pháp 1959, lịch sử Quốc hội Việt Nam chỉ ghi nhận hai sự kiện đại biểu thực thi quyền: 1985, bà Đào Thị Biểu, đoàn Cửu Long, đòi quy trách nhiệm những người quyết định chính sách Giá-Lương-Tiền; 2010, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đòi lập Ủy ban điều tra độc lập, đình chỉ chức vụ và điều tra ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tham nhũng sẽ không lúc nhúc như hiện nay, Chính phủ sẽ không thao túng như thời Nguyễn Tấn Dũng nếu có nhiều đại biểu như Nguyễn Minh Thuyết, Đào Thị Biểu...; Những người như Đào Ngọc Dung sẽ khó trở thành bộ trưởng nếu tuần trước ông ta phải điều trần ở các ủy ban cho báo chí tham gia và nếu Bộ Chính trị không chỉ muốn Quốc hội hợp thức hóa quyết định của mình mà còn là nơi giúp loại bỏ những người tai tiếng.
Muốn như thế, không chỉ nâng số đại biểu chuyên trách lên 35 hay 40% mà phải mở cửa cho 15-20% những người thực sự tự ứng cử vào trong Quốc hội.
Cần bãi bỏ ngay quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc để các nhân viên trong một bộ bỏ phiếu tín nhiệm cho bộ trưởng là một việc làm lố bịch [bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước dân, chính sách của ông nếu có lợi cho dân có thể làm cho nhân viên khó chịu].
Để tổ dân phố bỏ phiếu quyết định một người có thể trở thành ứng cử viên đại biểu quốc hội hay không lại càng phản khoa học và phi dân chủ. Tử tế với nơi mình sống là cần thiết, nhưng đánh giá họ là phải dựa trên khả năng tham gia của họ trong các chính sách ở tầm quốc gia chứ không chỉ chuyện cản con mèo ăn vụng cá nhà hàng xóm.
Hoặc Đảng cứ nắm toàn quyền Đảng cử. Hoặc sửa luật, để theo đó, ứng cử viên gồm những người có thể do đảng chính trị đề cử hoặc tự ứng cử (nếu thu thập đủ số chữ ký bằng một tỷ lệ luật định trên số cử tri).
Dân trí đã thay đổi, quan trí cũng phải theo; đừng tiếp diễn các trò hề dân chủ nữa.
Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông (ít nhất là cho đến nay). Nhưng, quản trị quốc gia (trong đó có chống tham nhũng) phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào “tấm gương đạo đức” của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.
Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có “đổi mới II” trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.
H.Đ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét