Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

20160418. BÀN VỀ HẠCH TOÁN KINH TẾ NỘI BỘ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TKV

ĐIỂM BÁO MẠNG
  NHÌN LẠI CƠ CHẾ  HẠCH TOÁN KINH TẾ NỘI BỘ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NGÀNH THAN-KHOÁNG SẢN VIỆT NAM
 NGÔ THẾ BÍNH/ NTB 18-4-2016
Kết quả hình ảnh cho hạch toán kinh tế nội bộ
Đặt vấn đề
 Hạch toán kinh tế (HTKT) ra đời đầu tiên vào những năm 20 của thế kỷ trước tại Liên Xô theo đề xuất của B.I. Lê nin với thuật ngữ Nga là хозpасчётtính toán kiểu người chủ. Thuật ngữ đó toát lên tư tưởng chủ đạo của HTKT như một cơ chế quản lý xóa bỏ vai trò bao cấp của Nhà Nước, đồng thời đề cao vai trò làm chủ tập thể người lao động trong quản lý doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà Nước. Trong từ điển Từ Hán-Việt [1], HTKT được định nghĩa là “phương thức kinh doanh có tính toán lỗ-lãi”, định nghĩa đó thoạt nhìn có vẻ trái với bản năng tất yếu của mọi doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, nhưng nó gắn với thực trạng nền kinh tế được quản lý tập trung bao cấp của Liên Xô và khi các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. HTKT của Liên Xô  dựa vào những tiền đề  khách quan sau [2,3]:
- Nhà nước có kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội làm cơ sở lập kế hoạch cho từng doanh nghiệp.
- Tiền tệ ổn định và hệ thống giá cả hợp lý làm cơ sở cho việc tính đúng sự lãng phí hay tiết kiệm.
  Nguyên tắc vận hành của cơ chế HTKT theo B.I Lê Nin và Việt Nam cũng áp dụng gồm [2,3]:
-Bảo đảm quyển tự chủ điều hành kinh doanh;
- Bảo đảm lấy thu bù chi và có lãi;
- Doanh nghiệp được được khuyến khích bằng lợi ích vật chất và chịu trách nhiệm vật chất về kết quả hoạt động kinh doanh;
- Thực hiện giám đốc mọi hoạt động kinh doanh bằng đồng tiền.
  Ở Việt Nam chính thức áp dụng chế độ hạch toán kinh  tế kể từ  năm 1957 [2] và đến năm 1987 cùng với sự  ra đời Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban CHTƯĐCSVN khóa VI, rồi Quyết định số 217- HĐBT ngày 14/11/1987,  HTKT được nhắc lại với cái tên “chế độ hạch toán  kinh doanh  XHCN “-  Từ khi HTKT “xâm nhập”vào Việt Nam, tình hình có lúc thăng, có lúc trầm nhưng nhìn chung HTKT đã chứng tỏ là một cơ chế quản lý kinh tế thích hợp cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và mang lại những hiệu quả nhất định. Cần phân biệt 2 khái niệm “cơ chế hạch toán kinh tế nhà nước” (HTKTNN)” và “cơ chế hạch toán kinh tế nội bộ” (HTKTNB). HTKTNN là cơ chế được tạo ra bởi Nhà Nước, quy định những mối quan hệ giữa Nhà Nước và các doanh nhiệp nhà nước trong việc thực hiện những nguyên tắc HTKT, còn HTKTNB là cơ chế mang tính vận dụng nguyên tắc cơ chế HTKTNN, quy định các mối quan hệ giữa giám đốc doanh nghiệp và các bộ phận doanh nghiệp, cũng như giữa các bộ phận đó với nhau.  Kể từ khi nền kinh tế nước ta bước vào thực hiện cơ chế thị trường (1990), tuy không có văn bản pháp quy nào nói đến HTKTNN nhưng nó vẫn tồn tại như một tất yếu và HTKTNB cũng vậy. Tập đoàn công nghiệpThan-Khoáng sản Việt Nam (TKV) tuy không đề ra quy chế HTKTNB song ngay từ khi thành lập (1986) đã ra nhiều quy chế về “khoán chi phí” để cho các công ty thành viên áp dụng. Khoa Kinh tế-Quản trị kinh doanh Tường Đại Học Mỏ-Địa Chất trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu  [4,5,6,7,8,9,10,11,12,13,14] xoay quanh chủ đề HTKTNB. Tuy nhiên nhìn lại những kết quả  đã đạt được, chúng tôi thấy có những vấn đề cần được nghiên cứu, nhằm hoàn thiện HTKTNB đối với các doanh nghiệp TKV.
Những vấn đề cần nghiên cứu để hoàn thiện HTKTNB trong các doanh nghiệp TKV:
1) Vấn đề thuật ngữ: Chúng tôi cho rằng khoa học giống như dòng chảy, có cội nguồn, có tính kế thừa, có tính liên tục và có cả phân nhánh. Thuật ngữ giống như “viên gạch” của khoa học cũng không ngoại lệ. Chấp nhận điều đó sẽ giúp ta kế thừa những thành tựu khoa học của người đi trước. Thuật ngữ có thể thay đổi theo quốc gia, nhưng nội hàm của nó cần được thống nhất chừng nào chưa có thay đổi bản chất hiện tượng, sự vật mà nó biểu thị. Luật Kết toán (2003)[17] có đưa ra 2 thuật ngữ: Kế toán tài chính (Finalcial Accounting) và Kế toán quản trị (Managerment Accounting)- Theo định nghĩa ở Điều 4, thì Kế toán quản trị có những nét tương đồng với HTKT và định nghĩa của các tác giả Anh,Pháp, Mỹ. Ngay cả các thuật ngữ  đi kèm với HTKT như: chế độ (regime), phương thức (method) hay cơ chế (mechanism)  cũng không thống nhất. Điều đó chỉ ra sự cần thiết những công trình nghiên cứu nghiêm túc và sâu sắc ngay cả vấn đề thuật ngữ và khái niệm của HTKT.  Trong khi chở đợi, tiêu đề bài viết này  sử dụng thuật ngữ “Cơ chế hạch toán kinh tế nội bộ” với quan điểm bảo lưu những nguyên tắc của HTKT được các nhà kinh tế Liên Xô trước đây đề xuất. (Các thuật ngữ tiếng Anh nêu trên do chúng tôi chú thích)
2) Làm rõ tiền đề khách quan hiện nay của HTKTNB: Tiền đề trước đây của  HTKT theo lý luận của các nhà kinh tế Liên Xô nêu ra ở trên được cho là khách quan thực ra chỉ là giả định vì cho rằng Nhà Nước là nhân tố bảo đảm vững chắc đề tạo ra sự phát triển KT-XH theo một kế hoạch cân đối hợp lý; giá cả luôn luôn ổn định…mặc dù có khoảng thời gian đúng như vậy. Những ai đã từng sống ở Liên Xô vào những năm 60-80 thế kỷ trước hẳn rất ấn tượng với nhiều hàng hóa được khắc ghi trên từng sản phẩm và ít thay đổi. Nhưng điều đó hoàn toàn là bất khả trong một nền kinh tế thị trường lại có sự hội nhập sâu với thị trường quốc tế. Kề từ khi nước ta thực hiện nền kinh tế thị trường, kế hoạch phát triển kinh tế của nhà nước dần dần không còn mang tính pháp lệnh với chi tiết nhiều chỉ tiêu đến từng doanh nghiệp. Trái lại, kế hoạch nhà nước mang tính định hướng chung cho vùng hoặc ngành. Đồng tiền luôn không ổn định, chủ yếu là mất giá do nhiều nguyên nhân … Bởi vậy tiền đề khách quan  của HTKTNB ngày nay phải là sự hiện hữu nền kinh tế thị trường với các quy luật vốn có. Muốn thích ứng với tiền đề này mỗi doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch sao cho bám sát nhu cầu của thị trường, giá cả thị trường, cũng như chính năng lực của bản thân doanh nghiệp.  Đây là một thách thức không nhỏ đối với cán bộ quản lý, mà trách nhiệm hàng đầu thuộc về Công ty TNHHMTV Vinacomin, đơn vị có chức năng xây dựng quy hoạch phát triển và phối hợp kế hoạch giữa các đơn vị thành viên (chi nhánh) và Công ty có cổ phần chi phối. Hiện nay TKV vẫn nơi cần đến HTKTNB nhất vì các doanh nghiệp vẫn thuộc sở hữu nhà nước hay nhà nước chiếm cổ phần chi phối ở mức cao, những “tàn tích” của phương thức kinh doanh bao cấp vẫn còn nhiều, ảnh hưởng của nhân tố khách quan gây “bất ổn định” cho hoạt động sản xuất và quản lý khá lớn.
3)  HTKTNB phải là cơ chế quản lý có tính hệ thống: Không rõ lý do gì trong các doanh nghiệp TKV thuật ngữ “HTKTNB” được thay bằng thuật ngữ “Khoán chi phí”? Tuy chỉ là thuật ngữ nhưng ít nhiều cho thấy tính hệ thống của HTKTNB chưa được coi trọng. Lý thuyết và thực tiễn  đã chỉ ra: để bảo đảm HTKTNB có kết quả thiết thực, cần có sự kết hợp đồng bộ hàng loạt những thành tố: kế hoạch-định mức-khoán- đo lường- thống kê- kiểm tra- phân tích–phân phối lương, thưởng- thông tin- phối hợp... Rõ ràng “Khoán”chỉ là một thành tố mang tính thủ tục hợp đồng giao kèo giữa chủ thể và đối tượng hạch toán. Có thể nói tất cả các thành tố nêu trên đều còn những bất cập nhất định tùy thuộc từng nơi, ảnh hưởng xấu đến tác dụng của HTKTNB, chúng tôi sẽ đề cập ở những điểm sau.
4) Lựa chọn đối tượng và chủ thể trong HTKTNB. Đối tượng  trong HTKTNB được hiểu là cá nhân, tổ sản xuất, công trường/phân xưởng/ Phòng Ban…Chủ thể trong HTKTNB là người lãnh đạo có nhiệm vụ giao cho đối tượng trực tiếp dưới quyền các chỉ tiêu hạch toán. Tùy theo cách kết hợp mà tạo ra các Cấp HTKTNB . Do đặc điểm công nghệ và tổ chức sản xuất trong các doanh nghiệp khai thác than TKV cấp HTKTNB chủ yếu vẫn là Cấp phân xưởng (hay tương đương), trong đó chủ thể là Giám đốc doanh nghiệp còn đối tượng là Quản đốc phân xưởng và tập thể người lao động trong phân xưởng. Trước mắt đây là sự lựa chọn hợp lý, phù hợp với đối tượng hạch toán về điều kiện quản lý như nhân sự, không gian, trang thiết bị…Nhưng khi dây chuyền sản xuất được chuyên môn hóa cao nhờ đổi mới công nghệ thì đối tượng càng gần tới tổ đội hay cá nhân càng tốt. Trong cấp hạch toán hiện có Phòng ban quản lý, phục vụ quản lý còn là khoảng trống về HTKTNB. Việc tái cấu trúc quản lý TKV gần đây cũng có những thay đổi sáo trộn  nhất định về chức năng, nhiệm vụ của các phòng ban quản lý, cũng cần được chú ý xem xét.
 5) Củng cố công tác định mức: Tiền đề của HTKTNB  vẫn là hệ thống mức kinh tế-kỹ thuật [3], vi đó là những đại lượng quy định hao phí lao động vật tư cho phép lớn nhất để tạo ra đơn vị sản phẩm. Hệ thống đó là cơ sở để tính toán các chỉ tiêu kế hoạch, chỉ tiêu khoán cho các phân xưởng. Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường công tác định mức không còn thuộc chức năng quản lý nhà nước, mà là của doanh nghiệp (tự làm hay thuê tư vấn ). Các doanh nghiệp còn thiếu năng lực trong xây dựng, kiểm tra, đánh giá chất lượng của mức, điều chỉnh mức. Tính kinh nghiệm, tính ước lượng để xây dựng mức nhất là mức lao động còn khá cao. Hiện tượng phản ánh hao phí lao động của từng công việc qua hệ thống “điểm” không có liên hệ với mức lao động mang tính phổ biến ở các doanh nghiệp. Hệ thống  mức cũng còn thiếu những hệ số tính đổi từ điều kiện thực tế khách quan so với điều kiện chuẩn.  Đơn giá hạch toán vẫn vênh tương đối lớn cả 2 hướng so với giá thị trường, làm méo mó phân tích tiết kiệm hay lãng phí, ảnh hưởng đến phân phối thu nhập công bằng.
6) Lựa chọn phạm vi chỉ  tiêu HTKTNB: Cần phân biệt chỉ tiêu kế hoạch và chỉ tiêu hạch toán (thường gắn với thời gian tháng). Với cấp phân xưởng các chỉ tiêu có thể tương đối toàn diện sao cho tương thích với kế hoạch chung của doanh nghiệp. Nhưng các chỉ tiêu hạch toán không nhất thiết toàn diện như chỉ tiêu kế hoạch, tuân theo nguyên tắc [3][4]: i/ Giao những chỉ tiêu phân xưởng có thể quản được (theo dõi, thống kê, phân tích, tác động được); ii/ Hỗ trợ bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch còn lại; iii/ Hỗ trợ cho nghiệp vụ phân phối thu nhập công bằng, hợp lý. 
 Để bảo đảm nguyên tắc giám đốc mọi hoạt động bằng tiền, không thể thiếu chỉ tiêu chi phí bằng tiền. Nhưng điều đó không có nghĩa tính đủ mọi loại chi phí. Trong các doanh nghiệp tổ chức Khoán chi phí (HTKTNB) còn có  xu hướng đưa chi phí khấu hao vào chỉ tiêu hạch toán, theo chúng tôi còn mang tính hình thức. Nên chăng  đưa chi phí khấu hao như một tham số của phân phối thu nhập?
7) Hoàn thiện công thức phân phối thu nhập phân xưởng: Có 2 loại công thức: công thức phân phối từ thu nhập chung của doanh nghiệp cho phân xưởng và công thức phân phối lại thu nhập chung của phân xưởng cho các thành viên phân xưởng.  Theo tính chất nguồn thu nhập mỗi loại công thức trên lại chia ra công thức phân phối tiền lương và công thức phân phối tiền thưởng. Các công thức đó đều có các thông tin “đầu vào” như: tổng nguồn, đơn giá, khối lượng công việc hoàn thành; hệ số tính thêm về hụt/vượt kế hoạch, về an toàn lao động, về chất lượng công việc, về vai trò của bộ phận; khoản bồi thường cho đơn vị hợp tác nội bộ v.v…Việc xây dựng công thức phải đảm bảo nguyên tắc: i/ Đối tượng hạch toán có đủ, kịp thời thông tin để tính toán; ii/ Các hệ số tính thêm phải có căn cứ khoa học, không trùng lặp;iii/ Các công thức phải rõ ràng, công khai trên Quy chế HTKTNB và định kỳ xem xét sửa đổi;  Hiện nay việc đưa các hệ số tính thêm còn thiếu căn cứ khoa học, chưa khuyến khích đầy đủ người lao động trực tiếp, chưa tác động mạnh đến chất lượng công tác và bảo đảm an toàn và vệ sinh công nghiệp, chưa khuyến khích lao động trẻ năng động sáng tạo…
8) Tận dụng những thành tựu công nghệ thông tin hiện đại: Một thành tố quan trọng của HTKTNB là thông tin, với yêu cầu chuyển tải chính xác, kịp thời, đúng nhu cầu của các phần tử chủ thể cũng như đối tượng hạch toán. Việc tận dụng công nghệ thông tin hiện đại trong HTKTNB cần đạt được những mục tiêu cụ thể là: i/ Sơ đồ dòng thông tin hợp lý; ii/ Góp phần giảm hao phí lao động sử dụng, xử lý thông tin và giảm thủ tục giấy tờ; iii/ Giải quyết tốt hơn những nhiệm vụ như đo lường, thống kê, lưu trữ, truyền tải, phân tích của cả chủ thể và đối tượng quản lý.
 Theo chúng tôi, hiện nay còn thiếu những phần mềm chuyên, dễ dùng cho nhân viên kinh tế phân xưởng và quản đốc phân xưởng. Chưa đề ra việc giải quyết những nhiệm vụ của phân tích kết quả thực hiện chỉ tiêu khoán đảm bảo lượng hóa nhanh, chính xác  mức độ, xu hướng biến động của các hao phí tiết kiệm và tổn thất, tác động của các nguyên nhân tiết kiệm hoặc tổn thất, giúp ích cho lựa chọn giái pháp khắc phục tốt nhất. Đây là những vấn đề cần có sự phối hợp nghiên cứu của các chuyên gia công nghệ thông tin với chủ thể và đối tượng HTKTNB.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]- Lại Cao Nguyện (2007)- Tự điển Từ Hán Việt-NXB Khoa Học Xã Hội
[2]- Đỗ Văn Sửu (1973)- Sổ tay hạch toán kinh tế xí nghiệp công nghiệp-NXB Lao Động
[3]-Lê Như Bách (1979)-Hạch toán kinh tế nội bộ xí nghiệp-NXB Lao Động,
[4]- Ngô Thế Bính và nnk (1987)- Báo cáo nghiên cứu các biện pháp tăng cường hạch toán kinh tế nội bộ mỏ Đèo Nai, Đại học Mỏ-Địa Chất
[5]- Ngô Thế Binh và nnk (1988)- Báo cáo nghiên cứu  đề tài Khoán Gọn cho phân xưởng tại mỏ than Núi Hồng, Đại học Mỏ Địa Chất
[6]- Ngô Thế Bính (1990)- Một số đề nghị về phương pháp xác định hệ số phân phối lại thu nhập xí nghiệp cho người lao động trong cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN- Tuyển tập các công trình khoa học Đại Học Mỏ-Địa chất, Tập XIV, 1990.
[7]- Ngô Thế Bính (1991)- Bàn về công thức phân phối lương thưởng cho các phân xưởng trong các xí nghiệp ngành than-Tạp chí Năng Lượng, No 3/1991
[8]- Ngô Thế Bính (1986)- Đôi điều suy nghĩ về công tác quản lý giá thành than. Than Việt Nam-No1+2/1996
[9]- Ngô Thế Bính, Phạm Trung Dũng (1997)-Lựa chọn hệ số phân phối tiền lương cho người lao động quản lý–Than Việt Nam, No6/1997
[10]-Ngô Thế Bính (1997)- Đơn giá tiền lương cho 1000 đồng doanh thu: vấn đề cần nghiên cứu. Tạp chí Công nghiệp mỏ, No 3/1997.
[11] Đặng Huy Thái và nnk (2009), Hoàn thiện công tác khoán chi phí phân xưởng tại Công ty cổ phần than Hà Lầm - TKV, Đề tài phục vụ sản xuất, Hà Nội.
[12] Nguyễn Văn Bưởi và nnk (2011), Nghiên cứu hoàn thiện công tác khoán quản yếu tố tiền lương tại Công ty cổ phần than Hà Lầm - Vinacomin, Đề tài phục vụ sản xuất, Hà Nội.
[13] Đặng Huy Thái và nnk (2013), Hoàn thiện quản trị chi phí theo phương pháp hạch toán chi phí phân xưởng của Công ty cổ phần than Hà Lầm - Vinacomin, Đề tài phục vụ sản xuất, Hà Nội.
[14] Nguyễn Văn Bưởi và nnk (2013), Hoàn thiện công tác khoán quản trị chi phí phân xưởng tại Công ty xây dựng mỏ Hầm Lò II - TKV, Đề tài phục vụ sản xuất, Hà Nội.
[15] Nguyễn Ngọc Khánh và nnk (2014), Nâng cao chất lượng công tác quản trị chi phí tại Công ty cổ phần than Hà Tu - Vinacomin, Đề tài phục vụ sản xuất, Hà Nội.
[16] Nguyễn Duy Lạc và nnk (2015), Tăng cường công tác quản trị chi phí kinh doanh tại Công ty khai thác khoáng sản - Tổng công ty Đông Bắc, Đề tài phục vụ sản xuất, Hà Nội.
[17]Quốc Hội nước CHXHCN VN (2003), Luật Kế toán, NXB ChínhTrị Quốc Gia, Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét