Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

20150425. CHUYỆN CHƯA HẾT VỀ 'LÒ SẢN XUẤT TIẾN SĨ'

ĐIỂM BÁO MẠNG
THẬT NGUY HIỂM CHO ĐẤT NƯỚC KHI CÓ NHIỀU 'TIẾN SĨ VUI VẺ'
PV VĂN CHUNG/ VNN 25-4-2016
Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời
Ông Phan Quang Thế: Văn hóa kiểu nhân văn “vạn cái lý không bằng tý cái tình” đã xoay ngòi bút của các thành viên trong hội đồng.
 “Nếu chỉ dựa trên những giá trị ảo, đất nước sẽ trống rỗng, không khác mấy thị trường chứng khoán” - PGS.TS Phan Quang Thế, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ (ĐH Thái Nguyên) nêu ý kiến khi trao đổi với VietNamNet.
Thưa ông, hẳn là đã từng ngồi tại các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, ông có quan sát gì?
Trong điều kiện đào tạo tiến sĩ ở ta như hiện nay, chất lượng của các luận án tiến sĩ đang phụ thuộc vào hai yếu tố: một là thầy hướng dẫn. Hai là hội đồng đánh giá.
Quy trình đào tạo tiến sĩ rất chặt, không ai có thể nói sai cả. Nhưng việc tổ chức bảo vệ thì hoàn toàn phụ thuộc tâm trạng người ngồi hội đồng. Có thực tế ở VN là quan niệm “như thế cố gắng lắm rồi, bỏ qua được”.Nếu người thầy hướng dẫn luận án theo số lượng, chỉ để đủ tiêu chuẩn công nhận GS, PGS... hay vì những quyền lợi khác thì luận án sẽ khó có chất lượng cao.
Có lần làm chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án, tôi đã nói “cái này không được”, nhưng bậc thầy của mình lại nói nghiên cứu sinh khổ nọ, khổ kia; chả lẽ lại gây khó khăn cho họ? Rồi có luận án đọc tên đã sai hoàn toàn, tôi viết thư cho hiệu trưởng trường họ đang công tác thì họ trả lời vòng vèo. Xong rồi lại ổn hết.
Bảo vệ thạc sỹ, tiến sỹ cứ hội đồng quyết là qua, mà đa số các hội đồng đều quyết, bởi vì chỉ cần một câu tặc lưỡi của một thầy “thế này là cố gắng lắm rồi”.
Rồi văn hóa kiểu nhân văn “vạn cái lý không bằng tý cái tình” đã xoay ngòi bút của các thành viên trong hội đồng. Vô tình từng ngày, từng giờ nhiều hội đồng đã và đang làm hỏng cả một sự nghiệp, một nền văn hóa hiếu học của dân tộc. Thầy, cô trung thực thì cho là khó tính, không có tình người, xa lánh, không mời hoặc có mời thì cũng nhìn như người ngoài hành tinh.
Nói thế không phải không có những hội đồng rất nghiêm túc nhưng những hội đồng như thế đã là thiểu số từ lâu rồi.
Đội ngũ thạc sỹ, tiến sỹ này lại bổ sung vào đội ngũ giảng viên đại học và cứ thế giá trị ảo trong đội ngũ sẽ tăng dần đến một ngày không biết phần thật còn lại bao nhiêu nữa?
Vậy theo ông, làm sao để hết những câu chuyện xuề xòa, cả nể cho qua như vậy?
Tôi chỉ có 1 đề nghị: anh có luận án, có điểm mới gì thì chỉ ra, công bố công khai, ai đọc sẽ biết ngay.
Tôi nói thật nếu yêu cầu phải có 2-3 bài báo đăng tạp chí quốc tế mấy người liệu có được?
Tôi biết có người chỉ 2-3 bài báo trong nước vẫn được vui vẻ cho bảo vệ, xong xuôi hết.
Chỉ cần mấy trang tóm tắt đó được công khai thôi, dư luận, giới khoa học có thể bình luận, đánh giá. Đề tài, nội dung vớ vẩn là lộ ra ngay.
Đây không phải là đề xuất gì mới mà là điều tôi đã nói ở nhiều nơi, nhiều hội thảo rồi.
Vậy tại sao thực trạng như ông vừa nói vẫn diễn ra?
Giáo dục là một bộ phận của xã hội. Có thực tế là trong xã hội chúng ta giá trị thật đang mất đi nhanh, thay vào đó là giá trị ảo lại được cư xử như giá trị thật.
Tôi có 2 con gái học thạc sĩ, tiến sĩ vất vả bên Mỹ, trở về VN lương vẫn ngang bằng người làm nhàn hạ. Các con như “gà công nghiệp”, không thể cất nhắc vào chức nọ chức kia nên rốt cuộc lại là “quân” của các tiến sĩ vui vẻ trong nước.
Một trong những lý do khiến nhiều tiến sĩ đi đào tạo ở nước ngoài không muốn về nước làm việc, theo tôi, là do không chỉ chế độ dành cho họ không khác gì tiến sĩ đào tạo trong nước, mà còn phải làm cấp dưới của mấy ông tiến sĩ trong nước, tiếng Anh còn không thạo, kém hơn họ đủ thứ… Thử hỏi, họ chịu sao nổi?
Trong khi họ khó mon men được đến các chức vụ vì kém đứt khoản “quan hệ”, còn bị khó chịu, ghen ghét vì giỏi hơn.
Hệ lụy của những giá trị ảo thay thế cho giá trị thật như ông nói sẽ đi tới đâu?
Nếu xã hội chỉ nằm trên giá trị ảo thì đất nước trống rỗng, không khác mấy thị trường chứng khoán.
Một tiến sĩ năng lực trình độ không là tiến sĩ lại đi dạy tiếp cho sinh viên, hướng dẫn người khác rồi sẽ làm cả đất nước không phải thật, nền kinh tế cứ ngày càng suy kém.
Bạn hãy xem ai có nhà to nhất nước mình, nhiều tiến nhất có phải họ là nhà khoa học chân chính không? Tài năng của họ đến đâu? Chắc chỉ 10-20% trong số đó là thật.
Họ toàn nhờ cái ảo, kiếm tiền thật đấy chứ?
Ở VN mình, có bằng tiến sĩ được cất nhắc các chức vụ, ví dụ không là tiến sĩ thì không được là trưởng khoa, trưởng bộ môn. Có bằng cấp, đi ra ngoài mọi người tưởng là ghê gớm.
Có cách nào thoát khỏi thực trạng đau xót đó, thưa ông?
Cần tìm được người chân chính lãnh đạo, nhưng rất khó vì giờ quá nhiều người không chân chính.
Như tôi cải cách Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) để trở thành trường mà năng lực ngoại ngữ của sinh viên, giảng viên sẽ thuộc trường tốp đầu cả nước. Thế nhưng tôi đã phải chịu những sức ép không chân chính rất lớn. Cứ động chạm lợi ích là phản đối, không cần biết việc đó tốt cho dân nước hay sinh viên.
Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ), ở Việt Nam đang có hơn 24.000 tiến sĩ. Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê (năm 2015) có khoảng 15.000 tiến sĩ (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư) công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng.
Văn Chung(thực hiện)
HAI CHUYỆN ĐỂ NGỎ SAU CUỘC HỌP BÁO VỀ 'LÒ SẢN XUẤT TIẾN SĨ'
PGS LÊ BẢO LONG/ VNN 24-4-2014
lò sản xuất tiến sĩ, công bố quốc tế, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội giải thích tại buổi họp báo. Ảnh: Lê Văn
 Câu chuyện đào tạo TS của Học viện Khoa học Xã hội (GASS), thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) làm xôn xao cộng đồng mạng và báo chí mấy ngày qua vừa tạm “lắng xuống” với cuộc họp báo ngày 22/4.
Những tranh cãi không hồi kết
Công bằng mà nói, lãnh VASS đã tổ chức họp báo khá chuyên nghiệp và cởi mở. Họ nêu ra các vấn đề đã được chuẩn bị trước cũng như sẵn sàng trả lời các câu hỏi của phóng viên ngay tại hiện trường.
Bốn điểm cộng chia đều cho tất cả các bên liên quan trong câu chuyện này vì sự phản ứng nhanh nhẹn và khá hợp lý của họ: cộng đồng mạng, các nhà báo, Bộ GD-ĐTvà chính GASS.
Chuyện tranh luận về “tầm vóc” và “sự quan trọng” của các vấn đề nghiên cứu (cho nghiên cứu TS hay khi tác giả gửi báo đăng trên các tạp chí khoa học) là chuyện xảy ra thường xuyên của giới hàn lâm. Chuyện các đề tài tiến sĩ (TS) trong ngành khoa học xã hội ở Việt Nam có tên khá “bình dân” đã thỉnh thoảng bị “soi” bởi cộng đồng mạng trong thời gian qua. Câu chuyện thực sự gây ngạc nhiên và tạo ra sự quan tâm lớn khi cộng đồng mạng đưa ra các thống kê về số lượng lớn luận văn TS được hoàn thành trong thời gian ngắn và có nhiều tên đề tài dường như gợi ý các vấn đề được nghiên cứu chưa xứng tầm luận văn TS.
Kể cả khi đã đồng ý với nhau về sự quan trọng của vấn đền ghiên cứu thì kết quả và khám phá khoa học thế nào là đủ “tầm” luôn là chuyện gây tranh cãi và câu trả lời dù thế nào cũng do các cá nhân (hội đồng chấm luận văn hay các biên tập viên (editor) của tạp chí khoa học) quyết định và tất nhiên là không thể tránh khỏi sai sót và tranh cãi nếu có.
Vì thế, các tranh luận về tầm quan trọng của các đề tài luận văn TS (được đề cập trên mạng và báo chí) sẽlà chuyện không có hồi kết. 
Điều này đặc biệt khó vì các hội đồng chấm luận văn đã theo đúng “quy trình” như đã được trình bày từ lãnh đạo GASS. Tôi cũng tin rằng các GS/TS của viện đủ hiểu biết và tuân thủ các quy trình đấy. Vấn đề thứ 2 liên quan đến chất lượng các luận văn TS cũng không đơn giản hơn, khi các hội đồng chấm luận văn gồm các GS nhiều kinh nghiệm.
Hai vấn đề để ngỏ
Tuy nhiên, tôi muốn bàn một chút về nội dung cuộc họp báo. Các câu hỏi về quy trình đào tạo, nhìn chung lãnh đạo VASS và GASS đã trả lời thỏa đáng. 
Tôi chỉ đặc biệt quan tâm 2 câu hỏi gần cuối cuộc đối thoại do nhà báo Thanh Niên và một nhà báo khác từ VietNamNet. 
Câu hỏi từ báo Thanh Niên liên quan đến chuyện các GS (đặc biệt từ các ĐH có uy tín) thường có quỹ nghiên cứu để hỗ trợ NCS TS, nhằm tìm kiếm ứng viên tốt nhất thay vì mong đợi tiền học phí từ NCS; trong khi câu hỏi từVietNamNet liên quan đến công bố quốc tế.
Cả 2 câu hỏi đều gây ra ít nhiều “lúng túng” cho lãnh đạo viện. 
Một ý khá thú vị được đề cập liên quan đến chuyện viện thường trích các chương của các luận văn để làm thành các đềtài khoa học (nhằm có thêm kinh phí nghiên cứu!).
Câu trả lời về công bố quốc tế cũng gây tranh cãi vì thông tin viện có 400 công bố quốc tế trong 5 năm gần đây (không rõ các công bố đăng trên tạp chí quốc tế nào trừ khi viện cung cấp danh sách các công bố này để cộng đồng có thêm phản biện).
Đi vào vấn đề chuyên môn, các phản hồi về 2 luận văn được đề cập nhiều trên mạng và báo chí (“Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã” và "Hành vi nịnh trong tiếng Việt") đều khẳng định tính “khoa học” và “thực tiễn” cao của cả 2 đề tài. 
Mặt khác một đề tài được hướng dẫn bởi một GS “đầu ngành” được đề cập là một trong "4 tứ trụ" của chuyên ngành. Trong các tranh luận có tính khoa học thế này thì các luận chứng khoa học nên được đề cao thay vì tập trung vào chuyện đối tượng là một “nhà khoa học lớn”.
Như đã nói ở trên, cả chuyện đề tài và chất lượng các luận văn TS đã hoàn thành sẽ là vấn đề khó có hồi kết khi đem ra tranh luận hay “hậu kiểm”.
Tôi chỉ muốn đề cập đền một đặc trưng của nghiên cứu khoa học: Các kết quả khoa học tốt thường “không có biên giới” vì nó thường là các khám phá ra các quy luật có tính phổ quát. 
Chuyện đưa các nghiên cứu trong ngành KHXH của VN về “gần với cuộc sống”,“không viển vông” như được đề cập từ các lãnh đạo viện là các ý dễ gây tranh cãi. Chỉ e rằng khi các vấn đề nghiên cứu (đặc biệt ở mức TS), khi được “bình dân hóa” quá mức để phù hợp (và “hữu ích”?) với tình hình và hoàn cảnh của VN(như các vấn đề liên quan đến tổ chức phường xã) thì sẽ khó dẫn đến các quy luật phổ quát giúp các công trình khoa học có giá trị.
Vấn đề thứ hai liên quan đến công bố quốc tế. Giới hàn lâm ai cũng biết (lãnh đạo GASS cũng thừa nhận) tầm quan trọng của việc khẳng định uy tín của các cơ sở đào tạo và giá trị của các nghiên cứu khoa học qua việc đăng tải các công trình khoa học trên các tạp chí hàng đầu hay sách in từ các nhà xuất bản quốc tế có uy tín.
Vì thế, dù quá trình khám phá và đăng tải các kết quả nghiên cứu trong ngành KHXH trên các tạp chí có uy tín thường chậm và khó khăn hơn so với các ngành KHTN, không nên lấy đó làm lý do để từ chối hay trì hoãn cho việc tham gia tích cực vào các hoạt động hàn lâm thời toàn cầu hóa như công bố quốc tế.
Điều này đặc biệt quan trọng khi VN đang ngày càng tham gia sâu rộng vào các sân chơi lớn như TPP hay phải giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như chủ quyền trên Biển Đông, hay các vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng ta nên có các nghiên cứu trong các ngành KHXH đạt tầm vóc toàn cầu để dẫn dắt quá trình hoạch định chính sách và phát triển của VN.
Một chuyện nữa: Nên chăng có chính sách phù hợp để các nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo bài bản từ phương Tây và có hiểu biết tốt về các thành tựu KHXH của nhân loại, tham gia nhiều hơn và có chỗ đứng trong nước để họ có thể phát huy khả năng trong sân chơi nghiên cứu KHXH?
Điều đó sẽ giúp phát huy thế mạnh tương trợ của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu (kinh nghiệm, quan hệ và sức trẻ và sáng tạo), sử dụng hiệu quả các quỹ nghiên cứu khoa học và giúp chúng ta hội nhập nhanh hơn với cộng đồng KHXH toàn cầu.
PGS Lê Bảo Long (Canada)
MỘT CÁI TẶC LƯỠI, MỘT TIẾN SĨ DỞM RA ĐỜI 
PV  V.HÀ&T.HÀ/ TTO 24/4/2016
Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời
TTO - Diễn đàn tuần này xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về hiện trạng đào tạo tiến sĩ ở nước ta sau câu chuyện đào tạo tiến sĩ tại Học viện khoa học xã hội đang được dư luận quan tâm.


Bắt đầu từ ý kiến của PGS.TS Phan Quang Thế, hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ (ĐH Thái Nguyên):
Đào tạo tiến sĩ ở VN hiện nay không thể đánh giá được vì chất lượng không đồng đều, có những luận án tiến sĩ rất tốt, có giá trị nhưng phần nhiều luận án rất dở, yếu kém, không có đóng góp gì về mặt giá trị khoa học.
Theo tôi, trong điều kiện đào tạo tiến sĩ ở ta như hiện nay, chất lượng của các luận án tiến sĩ đang phụ thuộc vào hai yếu tố: một là thầy hướng dẫn. Hai là hội đồng đánh giá.
Nếu người thầy hướng dẫn luận án theo số lượng, chỉ để đủ tiêu chuẩn phong GS, PGS... hay vì những quyền lợi khác thì luận án sẽ khó có chất lượng cao.
Thầy không chỉ giỏi mà phải có tâm huyết mới đào tạo ra tiến sĩ tử tế. Việc chọn hội đồng đánh giá hiện nay chủ yếu theo quan hệ, theo cảm hứng. Về nguyên tắc, chẳng có ai sai quy định. Nhưng cái tâm, trách nhiệm của mỗi người thầy trong hội đồng mang tính quyết định mà chẳng có quy định nào để đo đếm được.
Nguy hiểm nhất trong đào tạo tiến sĩ hiện nay là những hội đồng đánh giá “vui vẻ”, “thoải mái” vì đấy là khâu “kiểm duyệt”, đánh giá quan trọng nhất, quyết định có trao học vị tiến sĩ cho nghiên cứu sinh với đề tài nghiên cứu đó hay không.
Trước mắt, có thể áp dụng một giải pháp. Đó là yêu cầu bắt buộc phải công bố rộng rãi trên mạng, trên các tạp chí khoa học những điểm mới của từng luận án tiến sĩ, thay vì công bố thông tin chung chung như hiện nay.
Khi công khai những điểm mới như vậy, dư luận, giới khoa học có thể bình luận, đánh giá. Đề tài, nội dung vớ vẩn là lộ ra ngay. Yêu cầu công bố cả luận án cũng tốt, nhưng sẽ ít người có điều kiện tìm đọc hết kỹ lưỡng.
Chỉ cần yêu cầu công bố điểm mới của luận án, sẽ đánh giá được chất lượng luận án, chất lượng hướng dẫn và cả chất lượng hội đồng, tạo ra sức ép nhất định để có chất lượng tốt hơn. Chứ hướng dẫn, hội đồng đánh giá toàn GS, PGS cả, không chê được bằng cấp, trình độ, chỉ không đo đếm được cái tâm và trách nhiệm. Kẽ hở là ở đó: một cái tặc lưỡi của thầy là có thể một tiến sĩ dỏm ra đời.
Điều này diễn ra không chỉ ở các cơ quan quản lý mà ngay cả trong các trường ĐH, không chỉ các trường công mà cả trường tư. Tôi đã chứng kiến nhiều tiến sĩ ngay sau khi nhận bằng là nghĩ ngay đến việc phải có một vị trí mới, phải có chỗ nào đó tốt hơn...Chất lượng đào tạo tiến sĩ thấp còn vì hiện nay có xu hướng làm tiến sĩ không phải để làm khoa học, giảng dạy mà để có chức vụ. Làm tiến sĩ là muốn có thêm điều kiện để có vị trí, tiếng nói tốt hơn, chứ không phải để làm khoa học, để cống hiến.
Học tiến sĩ đang là một con đường để có cơ hội làm sếp, để có thêm đồng ra đồng vào, để tranh đấu cho những quyền lợi cá nhân...
Phần lớn tiến sĩ đào tạo trong nước kém ngoại ngữ. Như thế làm sao có thể đọc sách, tìm tòi tài liệu, nghiên cứu...
Đừng có đổ lỗi cho đất nước nghèo hay còn thiếu trang thiết bị, máy móc, tài liệu. Trường tôi đang có một số thiết bị hiện đại cũng không thua kém các trường ĐH ở Mỹ nhưng hầu như đắp chiếu vì không có người có đủ khả năng, ngoại ngữ để sử dụng, các tiến sĩ đào tạo trong nước vừa không đủ trình độ ngoại ngữ, vừa không đủ say mê, nhiệt tình để tìm tòi nghiên cứu, khai thác hết giá trị của máy móc, phương tiện.
Trường tôi là một trường có thể tự hào về trình độ tiếng Anh của đội ngũ giảng viên so với mặt bằng chung trong nước hiện nay. Trường sẵn sàng đầu tư kinh phí cho giảng viên đi Mỹ thực tập, nghiên cứu nhưng số đăng ký đi được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường có liên kết với đối tác Hàn Quốc để cử giảng viên sang trao đổi, cử đi được một đợt, đến đợt sau họ “lờ” đi, không nói gì.
Đó là các tiến sĩ cả. Nhưng sự thật hiển hiện là tiến sĩ đào tạo trong nước của ta không ra được biển khơi, chỉ loanh quanh trong ao làng được thôi.
Một trong những lý do khiến nhiều tiến sĩ đi đào tạo ở nước ngoài không muốn về nước làm việc, theo tôi, là do không chỉ chế độ dành cho họ không khác gì tiến sĩ đào tạo trong nước, mà còn phải làm cấp dưới của mấy ông tiến sĩ trong nước, tiếng Anh còn không thạo, kém hơn họ đủ thứ... thì họ chịu sao nổi? Trong khi họ khó mon men được đến các chức vụ vì kém đứt khoản “quan hệ”, còn bị khó chịu, ghen ghét vì giỏi hơn.
Không cần đào tạo nhiều
Tỉ lệ tiến sĩ đào tạo trong nước những năm gần đây tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học làm “thật” rất ít, ra được những bài báo quốc tế rất ít.
Quan điểm của tôi là không cần phải đào tạo tiến sĩ trong nước nhiều như hiện nay. Tôi không ủng hộ đào tạo tiến sĩ một cách ồ ạt đáp ứng những quy định về tuyển dụng, sử dụng đòi hỏi phải có bằng tiến sĩ.
Có được người nào “ngon” người ấy còn có giá trị hơn. Chứ cứ ra lò hàng loạt, tốt dở lẫn lộn, mà dở nhiều hơn tốt, không sử dụng được thì thậm chí còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển vì những người có học vị tiến sĩ dở mà lên lãnh đạo người giỏi, làm cho họ không phát huy được năng lực.
Tôi ngồi dự giờ giảng của một số tiến sĩ mà lo ngại. Phải siết chặt lại, không cần đào tạo nhiều, đào tạo những gì cần một cách có chất lượng, khắt khe, chặt chẽ.
Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng (vụ trưởng Vụ GD đại học, Bộ GD-ĐT):Ảnh: N.H.
Bất an ở cả hệ thống
Cảm giác bất an đối với chất lượng đào tạo tiến sĩ là ở cả hệ thống chứ không phải riêng việc đào tạo của Học viện khoa học xã hội. Nhưng khi đưa ra một chính sách đảm bảo chất lượng mà nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được ngay, nếu dừng tuyển sinh thì chính sách đó không khả thi.
Bởi vậy, phải nghiên cứu để đưa ra các quy định theo hướng nâng dần yêu cầu đảm bảo chất lượng để hệ thống chấp nhận được và điều chỉnh. Việc nâng cao “chuẩn” đào tạo luôn là mong muốn của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn phải quản lý ở mức tối thiểu đảm bảo chất lượng để các trường phấn đấu, cạnh tranh phát triển.
Nói về quy trình quản lý của Bộ GD-ĐT đối với một đề tài tiến sĩ sẽ gồm các bước: cơ sở đào tạo trình bày về hướng cần thiết nghiên cứu, xác định đề tài này có cần thiết hay không. Bước tiếp theo, phải có đề cương nghiên cứu được thẩm định ở mặt chuyên môn.
Sau đó là nghiên cứu từng phần nhỏ (chuyên đề tiến sĩ) cũng phải được chấm và thẩm định. Ngoài ra, các bài báo khoa học cũng là một điều kiện cần thiết. Tiếp theo, luận án phải được bảo vệ ở cấp bộ môn, khi nào thấy đạt thì luận án ra cấp trường. Ở cấp trường phải có hai người thẩm định kín. Nếu được chấp thuận thì mới thành lập hội đồng cấp trường.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết:
Một cái tặc lưỡi, một tiến sĩ dỏm ra đời
Cần siết lại kỷ cương đào tạo nghiên cứu sinh
Theo tôi, xem xét số lượng không quan trọng bằng chất lượng đào tạo, chất lượng các luận án tiến sĩ. Nhưng có tình trạng một GS, PGS không chỉ hướng dẫn ở một cơ sở đào tạo, có thể một chỗ thì không vượt quá quy định nhưng ở nhiều nơi khác nhau thì sao?
Những thông tin, số liệu này có được tổng hợp, công bố công khai, minh bạch chưa? Với vai trò cơ quan quản lý, Bộ GD-ĐT có nắm được thông tin số liệu này không để làm căn cứ đối chiếu, đánh giá việc thực hiện đào tạo của học viện có vượt quá năng lực hay không?
Bên cạnh việc kiểm tra các điều kiện của cơ sở đào tạo, bộ nên kiểm tra nội dung các luận án. Để đánh giá được chất lượng đào tạo, phải xem chất lượng luận án.
Theo tôi, đối với các luận án tiến sĩ, nên quy định bắt buộc phải đưa toàn văn nội dung luận án để những người quan tâm có thể tham khảo, đánh giá. Việc đưa công khai nội dung các luận án tiến sĩ lên mạng sẽ tạo điều kiện để các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá chất lượng luận án, đánh giá xem có xứng đáng, đủ tầm là một luận án tiến sĩ không. Đồng thời cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng “đạo văn”.
Hiện nay cái dở nhất trong đào tạo tiến sĩ của chúng ta là đào tạo theo hình thức “tại chức”. Nghiên cứu sinh vẫn làm việc ở cơ quan, vẫn công tác ở các địa phương, chỉ định kỳ gặp gỡ thầy hướng dẫn. Việc nghiên cứu sinh không làm việc trong môi trường học thuật, cả quá trình đào tạo chỉ là viết xong một luận án thì giá trị khoa học của những luận án tiến sĩ khó có thể cao được.
Người làm tiến sĩ cần phải thường xuyên làm việc tại cơ sở đào tạo, tham gia nghiên cứu khoa học, làm trợ giảng, thường xuyên tham gia các thảo luận liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình, sống trong không gian học thuật...
Ngoài ra, còn có thực tế là các buổi bảo vệ luận án phần lớn nặng nề, thủ tục dài dòng, ít tranh luận khoa học. Cách bảo vệ, hướng dẫn luận án tiến sĩ ở một số ngành lạc hậu, có tình trạng nể nang, khó đánh giá chính xác chất lượng luận án.
Ở một số lĩnh vực, nhiều người làm luận án tiến sĩ chưa đủ tầm làm nghiên cứu khoa học. Không phải cứ người làm chuyên môn tốt là có thể làm tiến sĩ nếu thiếu khả năng nghiên cứu. Chính vì thế có không ít luận án tiến sĩ nhàn nhạt, thậm chí là yếu kém, không phù hợp để coi là một nghiên cứu khoa học.
Theo tôi, đã đến lúc cần siết lại kỷ cương đào tạo nghiên cứu sinh, không được chạy theo xu hướng mở rộng chỉ tiêu, trong đó nhiều cơ sở đào tạo muốn có nhiều chỉ tiêu tiến sĩ chỉ để được cấp nhiều kinh phí đào tạo.
V.HÀ - T.Hà ghi

LẠM PHÁT ĐÀO TẠO TIẾN SĨ: NHỮNG TIẾN SĨ TRONG CUỘC NÓI GÌ?
TP 24-4-2016
NCS Nguyễn Thị Hà (ôm hoa) đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ với 7/7 thành viên hội đồng nhất trí thông qua. Ảnh: Trang web của Học viện Khoa học Xã hội
NCS Nguyễn Thị Hà (ôm hoa) đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ với 7/7 thành viên hội đồng nhất trí thông qua. Ảnh: Trang web của Học viện Khoa học Xã hội
TP - Học viện Khoa học Xã hội, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam được mệnh danh là “lò đào tạo tiến sỹ” với chỉ tiêu đào tạo 350 tiến sỹ/ năm. Một số luận án tiến sỹ mới được bảo vệ của Học viện này đang làm nóng dư luận vì bị cho là không xứng tầm, thậm chí vô bổ.

Chúng tôi đã gặp gỡ một số người trong cuộc và ghi nhận được nhiều chuyện bi hài đằng sau tấm bằng tiến sỹ.
Học tiến sỹ để làm gì?
Thời gian này, điện thoại của các vị lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội thường xuyên bị tắt hoặc từ chối không nghe các số máy lạ. Một số GS TS chuyên ngành nhấc máy thì một mực không bình luận vì: Tôi về hưu rồi, tôi không quan tâm tới những chuyện linh tinh trên báo hay trên mạng. Mà với những người không có chuyên môn thì tôi cũng chẳng muốn tốn lời làm gì. (?!)
Một số người hiện là giảng viên đại học, có người đang công tác trong Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Họ đều sở hữu tấm bằng Tiến sỹ dăm năm nay. Là bạn bè, họ mới dám chia sẻ chân tình, nhưng nhất định không đồng ý nêu họ tên và tên trường của họ lên báo.
Một cô bạn là giảng viên một trường đại học cho biết: “Học Tiến sỹ là bắt buộc. Càng học nhiều càng thất vọng vì giáo dục. Chuẩn bị tuyển sinh cao học khóa mới ở trường tớ đây, lắm chuyện hài. Ông chồng tớ thì kết luận, học lắm nhưng chả làm được gì nhiều cho đời, được mỗi cái đẹp điếu văn”.
Trên mạng xã hội, có khá nhiều người lên tiếng chia sẻ về vấn đề này. Anh Lê Ngọc Sơn, hiện đang là giảng viên và đang làm luận án Tiến sỹ tại Đại học Công nghệ Ilenau (trường top đầu của CHLB Đức) viết trên facebook của mình: “Đọc tên một số đề tài không khỏi ngao ngán cho nền khoa học nước nhà. Năm 2012 tôi từ bỏ theo tiến sĩ ngành kinh tế/ quản trị ở một cơ sở đào tạo trong nước. Đó là quyết định đúng đắn.”
Anh Sơn cho biết, anh vốn có bằng tốt nghiệp Thạc sỹ loại giỏi do một trường đại học có tiếng của Thụy Điển cấp, nên anh dự tính tiếp tục làm nghiên cứu sinh để mở mang thêm kiến thức. Tuy nhiên, tại buổi bảo vệ đề cương nghiên cứu sinh, Chủ tịch Hội đồng thẳng thừng tuyên bố: "Kể cả trong nghiên cứu khoa học, thế giới có cách phân loại của thế giới, Việt Nam có cách phân loại của VN. Bạn đừng bảo Tây mà đã ngon. Bạn hiểu rồi chứ!?". Sững sờ trước “lời phán” của Chủ tịch Hội đồng vì quan điểm cực đoan đầy tinh thần phi học thuật đó, anh Sơn đã quyết định không tiếp tục theo làm tiến sỹ ở đây nữa. Sau đó, Lê Ngọc Sơn đã nhận được nhiều lời mời tham gia chương trình tiến sĩ tại nhiều đại học tại Anh, Mỹ, Đức, Nhật. Và năm 2014, anh quyết định nhận học bổng toàn phần theo đuổi nghiên cứu bậc tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Truyền thông và Quản trị Khủng hoảng tại Đại học Ilmenau. Không lâu sau đó, anh được mời làm giảng viên tại trường.
Lạm phát đào tạo tiến sỹ: Những tiến sỹ trong cuộc nói gì? - ảnh 1

Lê Ngọc Sơn hiện đang làm luận án Tiến sỹ tại Đức.

Câu chuyện của anh Sơn đã nhận được nhiều chia sẻ của bạn bè. Một bạn viết: “May mà đó là lúc bảo vệ đề cương chứ lúc bảo vệ luận án mà làm như vậy kể như CÔNG DÃ TRÀNG mấy năm trời. Tôi cũng không gan như bạn vì vẫn có suy nghĩ "qua sông lụy đò" cho được việc”. Bạn khác bình luận: “Tính khoa học, tính tiên tiến, tính thực tiễn đều không bằng tính thầy! Kinh khủng lắm!”.
Một bạn có nick Thanh Nguyen viết: “Chuyện Sơn kể, tớ gặp tương tự rồi, dĩ nhiên không đến nỗi như vậy, vì họ cũng có 1 vài góp ý có ích, nhưng là sự áp đặt sai lầm trong suy nghĩ về mặt phương pháp. Mình sợ cái học hàm, học vị đang lấn át cả tinh thần khoa học khi mà cái đúng của nghiên cứu KH được đo bằng vị trí công tác, kinh nghiệm lâu năm của người thầy và học hàm học vị của họ chứ không phải là qua khả năng chuyên môn của họ, và khả năng nghiên cứu KH qua những công trình, những bài viết KH mà họ đóng góp cho nền học thuật VN và quốc tế.”
PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Bây giờ các trường ĐH, viện nghiên cứu xứ ta bằng mọi cách chiêu sinh NCS, miễn có người dự tuyển; vào rồi kiểu gì cũng bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. Chủ tịch Hội đồng không cần có chuyên môn cùng chuyên ngành với NCS, miễn là có chức vụ! Thành viên hội đồng nào bỏ phiếu chống thì bị nhìn bằng nửa con mắt. Cho nên không ai bẻ nạng chống trời được; biết mà đành chịu.”
Bạn Mai Nguyen viết: “Đào tạo TS bây giờ như làm kinh doanh. Nhiều GV hướng dẫn ngoài cái đề tài TS của chính mình (TS trong nước) chẳng nghiên cứu gì mà cũng hướng dẫn”.
Tiến sỹ Việt, tiếng Anh kém tệ hại
Khi tìm kiếm luận án "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch ủy ban nhân dân xã" để hiểu rõ hơn về vấn đề đang tranh luận, chúng tôi chỉ tìm thấy những thông tin tóm tắt về những đóng góp mới của luận án này đăng trên trang web của Học viện Khoa học xã hội bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Khi đọc phần dịch tiếng Anh phần tóm tắt này, những người am hiểu tiếng Anh đều phải thốt lên:  Tiếng Anh quá dở.  TS Trần Vinh Dự viết: “Dở không thể chấp nhận được! Dở tệ hại! Dở đến nỗi có khi còn thua cả google translate (phần mềm dịch tự động của google - NV).”
Anh Trần Huy Phương, nguyên giảng viên khoa tiếng Anh, trường Đại học Hà Nội (tiền thân là Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), một tác giả trong nhóm biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh từ lớp 6-9 mà học sinh Việt Nam đang học, nhận xét: “Tiếng Anh chuối chuối. Đọc phần dịch tiếng Anh thấy như  dùng "Google translate" các cụm từ rồi ghép vào.”
Chưa nói gì đến câu cú, ngữ pháp, cách hành văn tiếng Anh, chỉ cần  đọc cái tiêu đề của luận án này được dịch sang tiếng Anh, một người có bằng A tiếng Anh (chứng chỉ tiếng Anh thấp nhất) hay một học sinh cấp 2 cũng nhận ra không bao giờ có hai từ “of” (có nghĩa là “của”) đi liền nhau trong đoạn “The information of of new contribution of the thesis” (phần dịch của “Trang thông tin những đóng góp mới của luận án”).
Trong khi đó, trong thông báo tuyển sinh trình độ Tiến sỹ mà Học viện Khoa học Xã hội ban hành ngày 18/12/2015, một trong bốn điều kiện dự tuyển là trình độ ngoại ngữ (Qui định ở mục III. Điều kiện dự tuyển, phần d).
Chúng tôi tìm thấy trên trang web của Học viện Khoa học Xã hội thông tin tóm tắt về luận án tiến sỹ "Câu bị động tiếng Anh và các phương thức dịch sang tiếng Việt" đang gây tranh cãi. Một số người am hiểu tiếng Anh đều nhận định, đây là vấn đề quá nhỏ để có thể làm luận án tiến sỹ. Mới đọc phần tóm tắt luận án, có người đã chỉ ra một số điều bất cập của luận án này. Đó là người hướng dẫn đề tài  là một PGS TS rất có uy tín trong ngành ngôn ngữ học. Đọc hồ sơ của vị PGS TS này thấy ông có rất nhiều công trình nghiên cứu lớn về ngôn ngữ học, nhưng chỉ có Bằng C tiếng Anh và tiếng Nga (1989) do trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội cấp.
Một số giảng viên tiếng Anh tại Việt Nam đều cho rằng, bằng C tiếng Anh được cấp ở Việt Nam thì chưa chắc đã đọc thông viết thạo tiếng Anh, chứ chưa nói gì đến việc có thể hướng dẫn luận văn về đề tài tiếng Anh. Một nhà nghiên cứu người Việt ở châu Âu đặt vấn đề: Với cái bằng C tiếng Anh này (cứ coi là "thực học" đi), thì khả năng thực hành chỉ tương đương một em học sinh cấp 3 các nước Pháp, Đức, Bỉ. Với năng lực ngôn ngữ tiếng Anh như thế, làm sao để đủ sức khám phá Anh ngữ học (để mà bàn về câu bị động tiếng Anh)?
Một giáo sư có tiếng ngậm ngùi phát biểu trên mạng, trong khi làm tiến sĩ về khoa học tự nhiên và công nghệ ngày càng khó, nhiều nơi còn đòi hỏi có công bố quốc tế thì khoa học xã hội và nhân văn càng ngày càng dễ dãi, lạm phát. Nếu làm tiến sĩ như thế này chỉ để nghiên cứu khoa học thuần túy thì chỉ lãng phí tiền của, nhưng để trở thành quan chức lãnh đạo thì sẽ là thảm họa cho đất nước.
Tiến sĩ ngại dùng danh xưng tiến sĩ
Khi được hỏi về các luận văn tiến sỹ gây tranh cãi hiện nay cũng như vấn nạn lạm phát sau đại học tại Việt Nam, nguyên Chủ tịch trường cao đẳng Việt- Mỹ (Broward College Vietnam) tại TP.HCM - ông Trần Vinh Dự, tốt nghiệp tiến sỹ từ Đại học Texas - Austin (Hoa Kỳ) không ngần ngại trả lời: “Từ nhiều năm nay tôi và một số bạn bè hiếm khi dùng danh xưng tiến sĩ khi nói về bản thân mình. Chúng tôi cảm thấy ngại. Vì lại phải giải thích làm tiến sĩ ở đâu, trường nào, ngành gì. Còn nếu không giải thích thì như các bạn biết rồi, ở VN nhiều khi nó như cái trò hề, bị giễu cợt vì nó giả nhiều quá, tào lao quá, rẻ rúng quá”.
Ông Trần Vinh Dự cũng cho biết: “Dân Việt Nam mình mua bằng tiến sỹ Mỹ ở các trường rởm nhiều lắm”. Rồi ông giải thích: Ở Mỹ, họ quản lý bằng kiểm định chất lượng. Nhưng một số hiệp hội kiểm định thuộc loại “đểu” (chứ không phải giả) thường chỉ kiểm định các chương trình online hoặc mấy trường nhỏ mới thành lập. Còn bọn giả 100% là bọn không có kiểm định gì cả, hoặc tự phịa ra mấy tổ chức kiểm định của họ để bán bằng. Các trường này được gọi là diploma mills (cơ sở sản xuất bằng giả).
TS Trần Vinh Dự cho biết, ở Mỹ các trường tự quyết, tùy trường, tùy khả năng. Các trường lớn luôn quan tâm nghiên cứu sinh tốt nghiệp có xin được việc không. Có nhiều trường, nếu chưa xin được việc là họ chưa cho tốt nghiệp. Ở Mỹ, không có tình trạng người đi làm rồi mà đi học tiến sỹ. “Chắc chỉ có ở Việt Nam mới có tiến sỹ tại chức (vừa đi học, vừa đi làm)”, Trần Vinh Dự nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét