Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

20160423. THỰC HƯ CHUYỆN "LÒ SẢN XUẤT TIẾN SĨ" ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÓ PHẢI TIẾN SĨ ĐANG ÀO ẠT "RA LÒ"?
NGÂN ANH/VNN 21/4/2016
tiến sĩ, thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Mới đây, trên mạng xã hội có lan truyền “phép tính” ra kết quả “chỉ 1 ngày 1 tiếng 15 phút ra một tiến sĩ”.
Theo thông tin được công bố trên website chính thức của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, từ ngày 1/1 đến 11/4, cơ sở này đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 50 học viên các ngành Tâm lý học, Ngôn ngữ học, Nhân học, Khảo cổ học...
Được biết, trong năm 2016, Học viện Khoa học Xã hội được phân chỉ tiêu đào tạo 1.600 thạc sỹ và 250 tiến sĩ (đợt đầu).Thông tin này đang được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Có người làm phép tính cơ học để đưa ra kết quả như “Trung bình 1 tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thìcứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút có một tiến sĩ ra lò”…
Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án các nghiên cứu sinh đến hạn bảo vệ”.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói: “Thường thì thời gian đào tạo tiến sĩ là 3 năm. Đây là đợt bảo vệ luận án tiến sĩ thường kỳ. Và đợt này có 44 mã ngành, nên Viện tổ chức bảo vệ cùng một thời điểm. Trong đợt này mỗi mã ngành chỉ có 1, 2 luận án được bảo vệ. Có ngành còn không có người nào”.
Nói về quy trình đào tạo tiến sĩ, ông Thắng cho biết theo quy định thời gian đào tạo từ 3 – 4 năm.
Trước hết phải thông qua đề cương, học viên học các môn học bổ trợ để hoàn chỉnh khung chương trình. Tiếp đó phải bảo vệ 3 chuyên đề cấp cơ sở, hoàn thành luận án, bảo vệ cấp cơ sở. Sau khi nhận được ý kiến từ hội đồng sẽ phải sửa chữa, hoàn chỉnh theo yêu cầu của hội đồng rồi mới bảo vệ chính thức. “Cứ hỏi nghiên cứu sinh làm tiến sĩ vất vả, gian khổ hay không thì biết”.  
Về một số đề tài tiến sĩ “lạ tai” được bảo vệ trong thời gian qua như “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”, “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”, “Câu bị động trong Tiếng Anh và các phương thức dịch sang Tiếng Việt”... GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ “Đó là do quan niệm của mọi người lâu nay vẫn cho rằng luận án tiến sĩ làm về những thứ cao siêu, trên trời chứ không mang hơi thở cuộc sống. Hiện nay, luận án tiến sĩ đã đi vào với những đề thiết thực với cuộc sống như vậy, thì lại có ý kiến này khác…”.
Năm 2011, Bộ GD-ĐT đã rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng và đã dừng tuyển sinh của 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ và cảnh báo 38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo khác do thiếu giảng viên cơ hữu.
Năm 2012, Bộ GD-ĐT chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo không khắc phụ được tình trạng thiếu giảng viên.
Từ năm 2012, Bộ GDĐT đã sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ, quy định việc thẩm định hồ sơ, luận án để đảm bảo và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
  • Ngân Anh
BỘ GIÁO DỤC PHẢN HỒI THÔNG TIN "LÒ SẢN XUẤT TIẾN SĨ"
PV VĂN CHUNG/ VNN 21-4-2016
lò sản xuất tiến sĩ,
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT)
 "Số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ trong một khoảng thời gian không phải là yếu tố phản ánh chất lượng đào tạo".
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet sáng nay (21/4) xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm về hiện tượng nhiều tiến sĩ bảo vệ thành công đề tài trong khoảng thời gian ngắn.
Từ năm 2011 đến nay, điều kiện để cho phép các cơ sở đạo tạo trình độ TS ở nước ta được quy định và thực hiện theo Điều 3, Thông tư 38/2010/TT-BGDĐT ngày 22/12/2010 của Bộ GD - ĐT. Xin bà cho biết quan điểm của Bộ GD-ĐT trong việc cấp phép cho các cơ sở giáo dục, đào tạo trong đào tạo tiến sĩ ở nước ta?
Đây là điều kiện cần thiết tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ TS; gồm các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm đào tạo. 
Thực tế những năm qua, Bộ GD - ĐT thực hiện đúng theo quy định này trong việc cấp phép đào tạo cũng như kiểm tra, xử lý sai phạm. 
Năm 2011, Bộ đã rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng và đã dừng tuyển sinh của 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ và cảnh báo 38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo khác do thiếu giảng viên cơ hữu. 
Năm 2012, Bộ chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo không khắc phụ được tình trạng thiếu giảng viên. 
Từ năm 2012, Bộ GD - ĐT đã sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo trình độ TS, quy định việc thẩm định hồ sơ, luận án để đảm bảo và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở. 
Điều đó đã thể hiện khá rõ nét quan điểm của Bộ GD - ĐT: Một mặt đảm bảo quyền tự chủ của các nhà trường trong hoạt động đào tạo, Bộ không can thiệp về mặt chuyên môn nhưng mặt khác luôn kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo.
 Theo thông tin được công bố trên website chính thức của Học viện Khoa học Xã hội, từ ngày 1/1 đến 11/4, cơ sở này đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 50 học viên.Có người làm phép tính cơ học để đưa ra kết quả như “Trung bình 1 tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thì cứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút có một tiến sĩ ra lò”…Điều này nên được nhìn nhận như thế nào?
Việc xác định chỉ tiêu, qui trình tổ chức đào tạo, bảo vệ luận án tiến sĩ phải tuân thủ đúng các qui định hiện hành. 
Để đảm bảo chất lượng tối thiểu, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo Thông tư 32/2015 của Bộ GD - ĐT (trước đây là Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT) và một số quy định khác về thời lượng và thời gian đào tạo trình độ TS; tiêu chuẩn giảng viên hướng dẫn, thành viên hội đồng chấm luận án, quy trình bảo vệ,v.v...
Hàng năm, Học viện KHXH xác định chỉ tiêu và báo cáo Bộ GD - ĐT theo quy định. Trong 3 năm gần đây, học viện xác định và tuyển sinh vào khoảng 350 NCS/năm.
Học viện KHXH được thành lập năm 2010 trên cơ sở tổ chức lại 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo trình độ TS. 
Như vậy, việc thành lập học viện không phải hình thành một cơ sở đào tạo mới mà là hợp nhất bộ phận quản lý đào tạo của các viện thuộc VASS với mong muốn công tác quản lý đào tạo được chuyên nghiệp và tiết kiệm hơn. 
Chỉ tiêu của học viện hiện nay là tổng chỉ tiêu của 17 viện nghiên cứu, nếu tính bình quân thì số chỉ tiêu của mỗi cơ sở đào tạo không phải là quá lớn. 
Theo qui định hiện hành, Bộ GD - ĐT sẽ thực hiện hậu kiểm, xử lý những đơn vị xác định chỉ tiêu không đúng qui định.
Việc cho phép học viện đào tạo một lượng lớn tiến sĩ trong thời gian như vậy có đảm bảo chất lượng?
Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu đào tạo trình độ TS lớn hay nhỏ phụ thuộc chủ yếu vào số giảng viên cơ hữu có trình độ TS, chức danh GS, PGS… 
Hiện nay, theo báo cáo của học viện, đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ TS của cả VASS là 380, trong đó có 175 người có chức danh GS, PGS. Như vậy, chỉ tiêu do học viện xác định vẫn trong phạm vi quy định, không vi phạm lỗi vượt quá chỉ tiêu.
Còn về đánh giá chất lượng, chủ yếu thuộc thẩm quyền của chuyên môn (người hướng dẫn, các hội đồng chấm, người phản biện độc lập, người thẩm định). 
Điều đó phần lớn phụ thuộc vào tính quy chuẩn tương đối của ngành KHXH nhưng một phần cũng phụ thuộc vào mức độ yêu cầu, trách nhiệm của tập thể hướng dẫn và hội đồng chấm luận án. 
Nhà nước chỉ có thể quản lý chất lượng thông qua việc quy định các điều kiện, tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện… còn chất lượng chuyên môn phải do các nhà khoa học, các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ đảm bảo.
Bộ đã qui định các cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót. 
Trong 4 năm gần đây, để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD - ĐT tổ chức thẩm định chất lượng của khoảng gần 10% luận án của các cơ sở đào tạo. Qua thống kê, chưa có luận án nào của Học viện KHXH không đạt yêu cầu chất lượng. 
Luận án tiến sĩ phải làm trong nhiều năm. Số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ trong một khoảng thời gian không phải là yếu tố phản ánh chất lượng đào tạo. 
Xin cảm ơn bà!
  • Văn Chung (Thực hiện)
ĐÀO TẠO 350 TIẾN SĨ/NĂM-SỐ LƯỢNG CÓ ĐI KÈM CHẤT LƯỢNG ?
  TP 23-4-2016
Ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc học viện Khoa học xã hội (người đứng) đang trả lời báo chí tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 22/4. Ảnh: Hoa Ban.
Ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc học viện Khoa học xã hội (người đứng) đang trả lời báo chí tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 22/4. Ảnh: Hoa Ban.
TP - Dư luận vừa qua xôn xao về số lượng tiến sĩ được đào tạo hàng năm tại Học viện Khoa học xã hội cũng như nội dung các đề tài tiến sĩ tại Học viện này. Sáng 22/4, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về sự việc.

Trung bình mỗi ngày cho “ra lò” gần 1 tiến sĩ
Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm đối với Học viện Khoa học xã hội thời gian qua là chỉ tiêu đào tạo của đơn vị này lên 350 tiến sĩ (TS)/năm.  Tuy nhiên, Giám đốc Học viện GS Võ  Khánh Vinh cho biết, đào tạo nhiều hay ít phụ thuộc vào nhiều căn cứ, vào quy định của Bộ GD&ĐT, năng lực của học viện và nhu cầu xã hội.  Hiện học viện có 20 khoa, đào tạo 36 ngành TS. 
Theo ông Vinh, chỉ tiêu hàng năm của học viện là 350, chia đều cho 36 ngành thì mỗi ngành có chưa đầy 10 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, hàng năm số ứng tuyển so với số chỉ tiêu thường nhiều gấp đôi, vì vậy học viện có cơ sở để tuyển chọn được những người tốt nhất.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo lớn như vậy, học viện có 412 cán bộ cơ hữu gồm 19 GS, 175 PGS, số còn lại là TS, trong đó có nhiều TS đã từng học tại học viện. Ngoài ra, học viện còn có khoảng 2.000 GS, PGS, TS thỉnh giảng và hướng dẫn. “Tôi khẳng định với 350 chỉ tiêu/năm, chúng tôi vẫn còn dư năng lực”, GS Vinh nói.  
Mặt khác, ông Vinh cho biết mỗi năm học viện có khoảng 10% nghiên cứu sinh không được bảo vệ. Trong số 90% được bảo vệ, thì cũng có khoảng 20% bảo vệ quá hạn. Ông Vinh cho biết thêm, trong 784 tiến sĩ đã ra trường số lượng những người làm công tác nghiên cứu trong viện hàn lâm chiếm khoảng 10%. 
“Nịnh” và “giao tiếp của chủ tịch xã” thành luận án TS
Liên quan đến hai đề tài khiến dư luận xôn xao là Hành vi nịnh trong tiếng Việt và Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã, lãnh đạo các Viện liên quan cũng đã có trao đổi cụ thể với báo chí. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, đề tài nghiên cứu về hành vi nịnh trong tiếng Việt là đề tài tốt. Hành vi này có những đặt trưng riêng cho nhân loại, có những đặc trưng riêng cho văn hóa. Nghiên cứu trong từng bối cảnh cụ thể và có sự so sánh để thấy sự khác biệt. 
Không nên đánh giá nịnh theo nghĩa dung tục theo cách hiểu xã hội mà cần quan sát theo góc độ xã hội học. Hành vi nịnh của người Việt có cái chung và cái riêng góp phần vào ngôn ngữ thế giới. Cũng theo ông Hiệp, chất lượng của đề án khá tốt. “Tôi đang đề nghị chị Huệ làm sách. Đề tài có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội, để ngăn trừ nịnh phải biết và hiểu. Nếu nghi ngờ chất lượng xin Bộ hậu kiểm” – ông Hiệp khẳng định.
Còn đề tài Đặc điểm giao tiếp với người dân của chủ tịch xã, ông Vũ Dũng, Viện trưởng Viện tâm lý học khẳng định: Đây là đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất tốt. Ông Dũng viện dẫn, hiện nay, Việt Nam có 11.164 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương có bấy nhiêu chủ tịch xã. “Số lượng cán bộ đơn vị cấp cơ sở lớn như vậy có đáng để nghiên cứu không? Còn tại sao lại là chủ tịch xã mà không huyện, tỉnh, trung ương? Bởi vì xã là cấp chính quyền cuối cùng, gần dân nhất, trực tiếp với dân, triển khai chủ trương chính sách đến với dân. Chủ trương đến được với dân không là nhờ cấp xã. Trong thời gian gần đây mọi người nói đến một số hạn chế của cán bộ cơ sở như quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu... Những hành vi này không nói cảm tính được mà phải có nghiên cứu thực chứng” – ông Dũng chia sẻ.
Năm học 2014-2015, cả nước có trên 1 vạn nghiên cứu sinh TS
Theo PGS. TS Lê Hữu Lập, nếu Bộ GD&ĐT sử dụng công cụ là Thông tư 32 và Thông tư 57 để kiểm soát cũng như nâng cao chất lượng đào tạo thì sẽ thất bại. Vì chỉ 3 tiêu chí như thế các trường có thể dễ dàng lách luật để đào tạo. Các trường tự xác định chỉ tiêu rồi đưa lên Bộ GD&ĐT, còn hậu kiểm được hay không thì không phải trường nào thanh tra Bộ cũng “với” tới.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2014 – 2015, tổng quy mô đào tạo tiến sĩ là 10.352 nghiên cứu sinh, trong đó, đồng bằng sông Hồng là 7.214 nghiên cứu sinh. Đơn vị đào tạo nhiều là ĐH Quốc gia Hà Nội 1.118, trong đó Nhân văn là 510, ĐH Bách khoa Hà Nội 524, Kinh tế quốc dân 570, ĐH Sư phạm Hà Nội 722, Học viện Khoa học xã hội là 1.211.
Luận án TS về “Nịnh” và “Giao tiếp của chủ tịch xã”:
Dư luận nghi ngờ, học viện nói thành công
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện KHXH cho biết: Những đề tài này nghe với ta có vẻ lạ nhưng với quốc tế, khi giải trình ra thì rất thiết thực. Học viện có một chủ trương, đào tạo, nghiên cứu, thực tiễn phải gắn liền với nhau.  Tôi cũng mong rằng, thời gian tới, nếu có điều kiện thì có thể cho xuất bản một số đề tài để xã hội hiểu những vấn đề rất thiết thực.
Vậy tại sao dư luận phản ứng?
Tôi nghĩ là do dư luận chưa hiểu hết học viện, chưa hiểu hết những vấn đề bên trong.  Nhưng dư luận ở đây là số đông hay số ít? Tôi cũng là nhà báo, cũng là tổng biên tập nên cứ có dư luận là chúng ta phải giải trình.
Vậy hai đề tài nói trên là do học viên đưa lên hay do học viện đề xuất?
Do học viên lựa chọn trên định hướng chung. Hai đề tài đó được thực hiện trong ngữ cảnh khó, đó là mới nhưng rất thành công về nội dung.
Sự thành công của một đề án là dựa vào nội dung thành công hay áp dụng thực tiễn thành công, thưa ông?
Câu này không thể trả lời hoặc A, hoặc B. Mà là cả logic thực tiễn, trước mắt phải có lý thuyết đã.
Cảm ơn ông!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét