Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

20160221. TỆ NẠN MUA BÁN BẰNG CẤP VÀ ĐẠO VĂN

ĐIỂM BÁO MẠNG
TỆ NẠN MUA BÁN BẰNG CẤP Ở VIỆT NAM
NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 20/2/2016
Kết quả hình ảnh cho mua bán bằng cấp
Năm 2010, hai tác giả Pháp Philippe Papin và Laurent Passicousset có viết một cuốn sách (1) có tựa đề là "Vivre avec les Vietnamiens" (có nghĩa là "Sống với người Việt"). Phải công nhận là sau khi đọc qua những trang (dịch), tác giả rất am hiểu về người Việt, có khi còn am hiểu hơn các chính người Việt. Đọc những sách loại này không chỉ có hiệu quả biết người ngoài nghĩ gì về người Việt, mà nó còn giúp chúng chúng ta hiểu về chúng ta hơn. Tác giả dành ra một chương viết về nạn tham nhũng trong học thuật và giáo dục, cụ thể là chuyện mua bán bằng cấp. Đọc rất ... nhức nhối.
Ở Việt Nam, trong những câu chuyện "trà dư tửu hậu" thường thường dẫn về chuyện tham nhũng, kể cả chuyện mua chức và mua bằng cấp. Người ta nói cụ thể giá của mỗi loại bằng cử nhân, cao học hay tiến sĩ là bao nhiêu, thậm chí còn có khác biệt giữa miền Nam và miền Bắc. Mấy người từ miền Nam thường trả giá cao hơn (vì mấy người nhận tiền nghĩ rằng dân miền Nam làm ra tiền nhiều hơn). Dĩ nhiên, chỉ là những chuyện [nói theo tiếng Anh là] anecdote, chứ chẳng có chứng cứ có hệ thống nào cả. Mà, trớ trêu một điều là ở Việt Nam thì anecdote phần lớn lại là chuyện thật.
Trong trích đoạn dưới đây, Philippe Papin và Laurent Passicousset viết khá cụ thể về việc mua bán chức quyền ra sao. Người ta mua luôn cả chức đại biểu Quốc hội, và cũng có trả giá đàng hoàng. Một chức vụ trung bình ở Bộ Ngoại giao là 15000 EUR. Còn trang giáo dục thì hai tác giả này cho biết một chức vụ giáo viên trung học cấp tỉnh tốn khoảng 3000 EUR. Riêng cái giá một bằng tiến sĩ kinh tế là 12000 EUR (4000 cho người viết hay dịch mướn, 8000 cho ông thầy hướng dẫn luận án dỏm). Không thấy hai tác giả này nói trong các lĩnh vực khác như tướng tá trong quân đội có nạn mua bán hay không. Nhưng với "phong trào" này thì chắc việc mua bán chức quyền xảy ra ở khắp các ngành và các cấp (3).
Dĩ nhiên, không phải ai cũng mua bán bằng cấp; trong thực tế, tôi biết vẫn có những người học hành tử tế và họ không tham dự vào các thương vụ giáo dục. Nhưng trong một xã hội mà ngay cả cái đền thiêng giáo dục còn bị đồng tiền chi phối và biến thành một thương trường thì những người sống đàng hoàng cũng bị mang tiếng oan. Đúng như một bạn đọc hôm qua viết cho tôi "Trong thế giới người gù, thì người thẳng lưng bị coi là dị dạng."
====
(1) http://www.amazon.fr/Vivre-avec-vietnamiens-Laurent-Passicousset/dp/2809803358
Một số chương của cuốn sách được dịch sang tiếng Việt và đăng nhiều kì trên trang Ba Sàm: 
(2) https://anhbasam.wordpress.com/2011/09/09/340-s%E1%BB%91ng-v%E1%BB%9Bi-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-1/
(3) https://anhbasam.wordpress.com/2015/02/10/3371-bao-nguoi-cao-tuoi-ban-ve-thi-truong-sao-va-vach/
Trích từ https://anhbasam.wordpress.com/2011/09/26/377-song-voi-nguoi-viet-5/
Các yếu tố làm tình hình thêm trầm trọng : phân quyền và mua quan bán chức
[...]
Hơn nữa, tham nhũng đã mở rộng ra đến cả việc tuyển chọn công chức : phải chi một khoản lớn mới có được một chân trong bộ máy Nhà nước. Nói cách khác, một số vị trí là hoàn toàn do mua bán. Điều này không phải bí mật Nhà nước : ở Việt Nam ai cũng nói tới hiện tượng này và các báo miền Nam, bao giờ cũng táo bạo hơn, còn đăng những bức biếm hoạ xuất sắc về đề tài này. Một bức trong số đó cho thấy một chánh văn phòng gạt bỏ những hồ sơ xin việc ghi chữ “năng lực và bằng cấp” mà chỉ lấy hồ sơ chứa đầy đô la ; một bức khác vẽ một chiếc ghế ở tít trên cao một cầu thang làm bằng các phong bì chồng lên nhau.
Thông lệ này phổ biến nhanh chóng và từ đầu năm 2009 đến giờ, người ta nói về đề tài này khá thoải mái. Báo chí, lấy cớ ca ngợi các hình phạt do nhà chức trách ban ra, tha hồ kể chi tiết các trường hợp mua quan bán chức. Dần dà, độc giả hiểu ra rằng tính chất mua bán đã hằn sâu trong cả bộ máy Nhà nước, từ trên xuống dưới. Các nhà chức trách không thể không hành động. Hồi mùa thu 2010, một đại biểu quốc hội đã đặt câu hỏi về vấn đề này (nếu không được cho phép thì ông đã không thể liều mạng như vậy). Ngay trước hôm ông phát biểu, nguyên phó trưởng ban Tổ chức Đảng đầy quyền uy đã lên án tính chất mua bán đang gạt bỏ các nhân tài. Hai ngày sau, Bộ trưởng bộ Công Thương công khai chỉ trích căn bệnh mua quan bán chức đang “di căn”. Chính quyền chính thức công nhận hiện tượng này. Dưới sức ép dư luận, người ta bắt đầu nghe thấy nói về việc công khai tài sản mà các Bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng nhân dân phải làm trước khi nhậm chức, nhưng trên thực tế họ không bao giờ làm.
Việc mua quan bán chức này không hẳn là mới. Nó tồn tại từ giữa thập niên 1990. Người ta biết chuyện ông bộ trưởng nọ vừa mới được bổ nhiệm đã phải đợi 6 tháng để có đủ tiền trả cho cái ghế của mình trước khi được ngồi vào đó. Gần đây hơn, năm 2007, một nữ chủ doanh nghiệp một thành phố lớn phía Bắc đã đề xuất chi 80 ngàn EUR để được một chân đại biểu quốc hội : ít quá, nếu so với những đề xuất khác, nên bà này đã bị loại từ vòng sơ tuyển do Mặt trận tổ quốc tổ chức, mà lọt qua vòng này thì coi như được bầu. Trái lại, năm 2009, cũng khoản tiền ấy đã đủ để mua chức phó giám đốc một doanh nghiệp lớn của Nhà nước mà chúng tôi tránh không nói tên. Năm 2010, nghe nói ngay cả Ban chấp hành trung ương Đảng cũng không thoát khỏi hiện tượng này…
Khu vực đại học đặc biệt bại hoại từ năm 2009 khi Nhà nước triển khai đề án đào tạo hơn 2 vạn công chức trở thành tiến sĩ. Năm 2010, giá một luận án kinh tế là 12 000 EUR : 4.000 cho sinh viên viết thuê cho tiến sĩ tương lai (nếu cần thì dịch từ một khóa luận Liên xô từ đời nảo đời nào), 8.000 cho ông thầy hướng dẫn luận án rởm, thế là viên công chức nhà ta có được tấm bằng danh giá (dù sẽ chóng mất giá thôi) hanh thông quan lộ. Chúng ta hãy xem số tiền đó khủng khiếp đến mức nào : 8.000 EUR là ba năm dạy học của một giáo sư Việt Nam đổi lấy một con dấu. Để so sánh, có thể tưởng tượng một giáo sư Pháp nhận một vali 100 000 EUR miễn thuế…
Từ năm 2005, tệ mua quan bán chức lan nhanh đến cả những vị trí bình thường. Một nữ hiệu trưởng, một trưởng phòng bưu điện, một nhân viên địa chính, một công an hay một lái xe đều phải trả những khoản tiền lớn mới được nhận vào làm. Một vị trí trung bình ở bộ Ngoại giao, ít bổng lộc, được thương lượng với giá 15 000 EUR, nếu là vị trí có thể được cử sang các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thì còn cao hơn nhiều. Một chân công nhân doanh nghiệp Nhà nước ở Hà Nội có giá từ 600 đến 800 EUR. Một chân giáo viên tỉnh lỵ giá trung bình 3 000 EUR.
Chúng ta cùng lấy một thí dụ cụ thể : cô gái tên Phương chấp nhận nói chuyện với chúng tôi vì chúng tôi quen gia đình cô. Năm nay (2010), Phương 23 tuổi, tốt nghiệp marketing và tài chính tháng 6/2009. Cô mong tìm được việc làm trong cơ quan Nhà nước, ổn định hơn, có nhiều phúc lợi xã hội, được tổ chức cho đi nghỉ mát, giờ làm thoải mái hơn, và, cô nói với một sự ngây thơ đáng ngưỡng mộ : “có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn trong tương lai vì ngân hàng quốc doanh kiểm soát tất cả”. Không do dự, tháng 1/2010, cô mua một chân nhân viên thường trong một ngân hàng quốc doanh ở Hà Nội, với khoản tiền còm là 16 000 EUR, cô trả bằng tờ xanh đô la Mỹ. Cô kể chúng tôi nghe điều này với giọng vô cùng tự nhiên, như thể đương nhiên là phải thế.
Khi cô kể chuyện gia đình cô bàn bạc quyết định chuyện mua chỗ làm như thế nào (vì bố mẹ cô mới là người trả tiền chứ cô chẳng có xu nào), chúng tôi hiểu là vấn đề không phải là việc mua chỗ làm ấy, mà là việc đầu tư vào đấy có tốt không, có hiệu quả không, chỗ ấy có đảm bảo không. Nếu bỏ ra 16 000 EUR, thì bao lâu mới thu lại được ? Liệu vài năm sau con bé có bị đuổi vì một lý do trời ơi nào đấy để dành chỗ cho một đứa khác cũng chấp nhận trả tiền không ?
Còn về đường đi của đồng tiền, chúng tôi không biết chính xác số tiền trong phong bì được chia chác như thế nào, dù đương nhiên là nó sẽ được chia nhỏ cho tất cả mọi mắt xích trong “đường dây tuyển dụng”, một đường dây dài và lên rất cao. Trái lại, chúng tôi biết đích xác một phó giám đốc chi nhánh quận của một ngân hàng quốc doanh ở Hà Nội kiếm được 40 ngàn EUR hối lộ mỗi năm, chủ yếu là từ các món quà nhỏ anh ta nhận được để dựng hồ sơ vay vốn ưu đãi. Dù Phương không phải là phó giám đốc, nhưng nhẩm nhanh thì cũng thấy số đầu tư ban đầu của cô sẽ chóng hoàn vốn thôi, cùng lắm cũng chỉ 2 năm. Cô chỉ có mỗi việc là làm sao đừng để bị sa thải trong hai năm ấy, nếu không thì mất hết. Nên thể nào cô cũng ngoan với các sếp, rất ngoan. Chu trình tham nhũng tạo ra kỷ luật…
Dù sao, trong khu vực công (khu vực tư có vẻ ít bị ảnh hưởng hơn), thường là một người mang nợ mới được đi làm. Để hoàn vốn, làm sao mà không rơi vào vòng xoáy tham nhũng cho được ? Một khi đã mua được chỗ làm rồi thì phải làm sao kiếm lại đủ số tiền ấy, trả cho bố mẹ, và trong nhiều trường hợp (không phải của Phương) thì còn phải trả nợ những người mình đã vay. Khách quan mà nói, làm sao tránh khỏi cám dỗ kiếm tiền bù lại số mình đã bỏ ra bằng cách tuyển cấp phó theo đúng cách ngày xưa mình đã được tuyển ? Bán dịch vụ của mình với giá cao ? Phổ biến thông lệ hối lộ để kiếm lại tiền một cách nhanh nhất ? Theo hệ thống, nạn hối lộ lây truyền ra khắp nơi, đến tất cả mọi người : vòng tròn đã khép kín.
Đầu tiên là tìm cách lấy lại tiền ; sau đó thành nếp rồi thì chuyển sang giai đoạn kiếm lời. Về chủ đề này, chúng tôi cảm thấy có một sự mỉa mai chua chát và đau khổ, rất đau khổ, trong những lời lẽ chán chường của một người bạn bác sĩ : “Suy cho cùng thì đây là một hệ thống tốt để tự gây tê sự liêm khiết của bản thân : giai đoạn lo kiếm đủ tiền bù lại số đã bỏ ra làm ta tỉnh táo mà làm quen dần với giai đoạn sau khi ta sẽ thu lời.” Việc hoàn vốn trở thành bước đệm để đến với nạn hối lộ trên diện rộng hơn. Tuy nhiên, không phải ai mua chỗ làm cũng nằm trong hoàn cảnh này. Một tỉ lệ lớn con em cán bộ và công chức cao cấp ở tỉnh lấy tiền của bố mẹ mà mua chỗ làm ở thành phố ; họ chẳng phải lo kiếm tiền trả lại gì cả, chỉ việc ngoan ngoãn mà phát đạt, mà ăn ở tiện nghi tại căn hộ gia đình đã đầu tư cho.
Lạm dụng quyền lực địa phương, bán chức bán quyền và tham ô lặt vặt hàng ngày : thách thức là to lớn và muôn hình muôn trạng. Việt Nam, một trong những nước thụ hưởng nhiều nhất viện trợ phát triển và hợp tác quốc tế, nằm trong một vùng cực kỳ cạnh tranh, ngay bên cạnh người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc, hiểu rằng mình cần vượt qua bằng được thách thức này nếu không muốn làm xấu hình ảnh đất nước. Hơn cả những lời tuyên bố đức hạnh chả mấy người thấy lọt tai, lối thoát chính là ở chỗ phải xây dựng một hệ thống thu thuế hiệu quả và phát triển các giao dịch ngân hàng thay cho giao dịch bằng tiền mặt. Những thử nghiệm đầu tiên đã đem lại kết quả tích cực, thu được nhiều thuế hơn và kết thúc xì-căng-đan biển thủ tiền lương đã kéo dài suốt bao lâu. Một chương trình áp dụng rộng rãi thuế thu nhập đang được triển khai, có thể thấy phía sau các xe taxi ở thành phố Hồ Chí Minh đều có dán tờ tuyên truyền động viên các gia đình khai thuế. Trong lĩnh vực thương mại cũng vậy, việc chuẩn hóa và tự động hóa các thủ tục đã giúp mang lại cho nền kinh tế chính thống một phần những hoạt động trước đây không được khai báo.
ĐẠO VĂN TRONG LUẬN ÁN TIẾN SĨ Y KHOA Ở ĐỨC
NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 15/2/2016

Hôm nọ, tôi đọc một bài báo nói về tình trạng đạo văn trong các luận án tiến sĩ y khoa ở Đức (1) mà thấy sốc. Rất sốc. Đức là một cường quốc khoa học, và có một nền giáo dục tiên tiến hàng đầu trên thế giới, vậy mà những gì xảy ra làm cho đồng nghiệp ở nước ngoài đánh giá thấp bằng tiến sĩ y khoa của Đức.
Trong báo cáo có tựa đề "Case Study: Plagiarism in Medical Dissertations in Germany" (1), tác giả Deborah Weber-Wulff cho biết rằng các luận án tiến sĩ y khoa của Đức không được giới hàn lâm đánh giá cao. Nhiều luận án rất ngắn, dữ liệu đơn giản, tác giả thường sử dụng những phương pháp phân tích thống kê sơ đẳng. Các giáo sư hướng dẫn thường rất bận rộn với nghiên cứu và bệnh nhân, nên họ thường khuyên trò kiểu "xem tôi đã công bố gì trước đây, và cứ theo thế mà làm," từ đó trò hiểu [lầm] rằng những gì thầy làm là một loại "template", và trò chỉ cần thay thế dữ liệu mới vào đó là thành một "nghiên cứu". Xem ra tình trạng này giống luận án tiến sĩ y khoa bên Việt Nam quá!
Luận án tiến sĩ y khoa ở Đức ngày nay đã trở thành ... đại chúng. Trong số các trường đại học được phép đào tạo tiến sĩ, số sinh viên theo học ngành y, nha và y sinh chỉ chiếm 6% tổng số sinh viên (157,166 trên 2,698,910). Nhưng trong tổng số bằng cấp tiến sĩ các trường này cấp trong niên học 2014-2015, có đến 26% tiến sĩ ngành y (7326 trên 28147). Một số bằng tiến sĩ được cấp khá tuỳ tiện. Chẳng hạn như ĐH Münster cấp bằng tiến sĩ y khoa cho ứng viên qua các bài báo được công bố trên các tập san khoa học, dù ứng viên không phải là tác giả chính! Do đó, các đồng nghiệp các ngành khoa học xã hội, kĩ thuật, và khoa học tự nhiên không xem luận án tiến sĩ y khoa là một nghiên cứu thật sự.
Chẳng những luận án đơn giản, mà trong đó còn chứa khá nhiều đạo văn. Tình trạng đạo văn trong các luận án tiến sĩ ở Đức đã trở thành một vấn nạn, và một nhóm nhà khoa học đã thành lập một nhóm trực tuyến gọi là VroniPlag Wiki vào năm 2011 để điều tra và hệ thống hoá những trường hợp đạo văn trong luận án tiến sĩ. Cho đến nay (10/2015), nhóm VroniPlag Wiki đã phát hiện 152 trường hợp đạo văn trong nhiều lĩnh vực khoa học.
Cho đến nay (10/2015), nhóm VroniPlag Wiki đã phát hiện đạo văn trong 152 trường hợp; trong số này có 53 luận án tiến sĩ ngành y, 6 luận án cấp habilitation (có thể xem như là "tiến sĩ khoa học"), 25 luận án ngành nha, và 3 luận án ngành thú y. Một số luận án này đã được nộp cho các đại học Tây Ban Nha (2 luận án) và Ý (1 luận án) để lấy bằng tiến sĩ y khoa. Hai trường đại học có nhiều luận án đạo văn nhất là ĐH Münster với 23 luận án, và ĐH Charité ở Berlin với 33 trường hợp đạo văn.
Có những trường hợp đạo văn hết sức ... trắng trợn. Chẳng hạn như một luận án 85 trang đệ trình cho ĐH Heidelberg vào năm 2002 (nhưng bảo vệ năm 2006), mà trong đó tác giả lấy 3/4 những câu chữ trong luận án của thầy công bố vào năm 1995, còn dữ liệu thì lấy từ một luận án của một ứng viên khác cũng do người thầy hướng dẫn vào năm 1998. Điều thú vị là ngay cả luận án của người thầy cũng đạo văn từ một người thầy! Có 3 luận án đạo văn 100% từ luận án khác, và ngay cả dữ liệu cũng giả tạo.
Các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi họ phát hiện rằng nguồn đạo văn thường là từ những người trong cùng nhóm nghiên cứu hoặc cùng trường. Một số thì lấy từ sách giáo khoa căn bản, với những kiến thức kinh điển. Ngạc nhiên hơn, một số luận án đạo văn bằng cách lấy dữ liệu và câu chữ 100% từ ... wikipedia! Có trường hợp đạo văn dây chuyền. Nói cách khác, tác giả A đạo văn từ tác giả B, tác giả B đạo văn từ tác giả C, và tác giả C đạo văn từ tác giả D! Đó là trường hợp một luận án nha khoa.
Có vài trường hợp tự đạo văn. Chẳng hạn như trường hợp một luận án y khoa đệ trình cho Đại học Mainz vào năm 2009 về làm lành vết thương. Điều đặc biệt là tác giả đã có 2 bằng tiến sĩ, một từ Mainz năm 2004 và một từ Frankfurt năm 2008, cùng một chủ đề. Hơn 15 trang trong các luận án này lấy từ một luận án đệ trình cho ĐH Gießen năm 2003.
Đọc qua những thông tin trong báo cáo của tác giả Weber-Wulff, tôi có cảm giác rằng luận án tiến sĩ y khoa bên Đức có vẻ giống như, thậm chí kém hơn, luận án tiến sĩ y khoa ở Việt Nam. Ngoại trừ một số ít đạt tiêu chuẩn, nhiều luận án tiến sĩ y khoa ở Việt Nam cũng thường đơn giản về nội dung y học, sơ sài trong khoa học, và rất khó có cơ may công bố quốc tế. Nhưng có lẽ luận án tiến sĩ y khoa Việt Nam có phẩm chất tốt hơn các luận án mà tác giả Weber-Wulff mô tả trong báo cáo, vì các nghiên cứu sinh Việt Nam có thực hiện nghiên cứu.
===
http://www.coe.int/t/DG4/EDUCATION/etined/Case-Study-Weber-Wulff-20151101.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét