Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

20160207. BÀN VỀ LỘ TRÌNH CẢI CÁCH CHO VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
Theo hoa đào vào miền Nam ăn Tết
ĐƯỢC NHƯ MIẾN ĐIỆN, CẦN CÓ BẢN LĨNH, CHÍ QUYẾT,CÓ TÂM, CÓ TẦM
Bài của NGUYỄN HỒNG HẢI/ BVB 6/1/2016
Qua một thời gian theo dõi diễn biến các hoạt động chính trị tại Việt Nam. Tôi có nhận định trong tương lai cải cách thể chế chính trị tại Việt Nam có thể giống với Miến Điện về phương pháp nhưng sẽ khác nhau về lộ trình đạt tới đích. Sau đây là những phân tích và lý giải của tôi về vấn đề này.
Sự thay đổi từ một chính quyền này sang một chính quyền khác có hai phương pháp cơ bản.
            Cách mạng và chính quyền tự thay đổi dưới áp lực và đòi hỏi của người dân. Đổi với Việt Nam thì phương pháp tự thay đổi phù hợp hơn phương pháp cách mạng vì một số lý do.
Lý do thứ nhất là Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh khác nhau. Người dân có nhu cầu sống một cuộc sống hòa bình và ổn định. Nếu một cuộc cách mạng xảy ra mà dân chúng chưa biết rõ một cách chắc chắn liệu tương lai một chính quyền mới có thực sự tốt đẹp hơn hay đất nước rơi vào bất ổn định thì tất cả những kêu gọi người dân tham gia một cuộc cách mạng lật đổ chính quyền hiện tại giường như khó thuyết phục.
Lý do thứ hai là trong các tổ chức và hoạt động đối lập tại Việt Nam thì xu hướng tạo áp lực để chính quyền tự cải cách, tự thay đổi thu hút nhiều người quan tâm và tham gia hơn là xu hướng kêu gọi một cuộc cách mạng lật đổ xảy ra tại Việt Nam.
Lý do thứ ba: là trong giới lãnh đạo tại Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể về mặt nhận thức. Không ai còn bị ràng buộc bởi lý thuyết cộng sản lỗi thời. Và họ cũng thoải mái hơn khi phát biểu hay đề cập tới việc cải cách thế chế chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền. Vấn đề thực hiện được hay không giờ chỉ còn là làm sao giải quyết được yếu tố lợi ích cá nhân và dung hòa với lợi ích xã hội.
Như vậy về phương pháp để thay đổi cải cách thể chế ở Việt Nam thì cũng có thể giống như ở Miến Điện tức là chính quyền tự thay đổi. Tuy nhiên, về lộ trình sẽ có sự khác biệt vì hiện tại ở Việt Nam không có cả hai yếu tố là : Bà Suu Kyi và ông Thein Sein.
Yếu tố ông Thein Sein : Khác với Miến Điện tại Việt Nam không có ai là người có quyền lực tuyệt đối. Quyền quyết định cao nhất vẫn là một tập thể những con người thuộc bộ chính trị. Do vậy, muốn thay đổi thế chế cần cả một tập thể nhất trí điều này cũng là một khó khăn. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là quyết tâm của người đứng đầu thực tâm muốn thay đổi. Bởi tổng thống Miến Điện tuy có quyền lực khá lớn nhưng muốn cải cách thì ông cũng phải có những hành động thanh trừng các đổi thủ cản đường cải cách và đưa những người có tư tưởng đổi mới, ủng hộ vào thay thế. Do vậy, ông vừa phải là người có quyết tâm muốn thay đổi và phải là người khôn ngoan để vẫn giữ vững được vị trí lãnh đạo của mình.
Yếu tố Suu Kyi: Bà là người hội đủ cả tâm và tầm. Nên mới là con người thu hút được đông đảo quần chúng đi theo.
Về cái tâm: Bà thực tâm đấu tranh vì một đất nước Miến Điện tốt đẹp hơn. Do vậy, tất cả những hành động, tất cả các tổ chức làm lợi cho nhân dân cho đất nước bà đều ủng hộ và sẵn sàng bắt tay kể cả với chính quyền nếu họ có những thay đổi có lợi cho nhân dân. Tất cả những hành động và tổ chức làm hại tới nhân dân và đất nước đều bị phản đối, không nhất thiết đó là chính quyền hay một tổ chức nào khác. Chính vị vậy người dân Miến Điện hiểu rằng bà đấu tranh cho quyền lợi của họ chứ không phải là người muốn đấu tranh để dành quyền lực cho bản thân. Bà sẵn sàng trao quyền lãnh đạo đất nước cho người khác cùng với lý tưởng của mình và chỉ là người thủ lĩnh trong đấu tranh cho nhân dân.
Về cái tầm: Đã là người lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo đối lập với một chính quyền độc tài phải có rất nhiều yếu tố. Trong đó, trước hết là khả năng diễn thuyết và thuyết phục người khác theo mình. Có kiến thức rộng lớn từ chính trị, pháp luật, kinh tế, ngoại giao… để có thể lắng nghe mọi tầng lớp nhân dân và chọn ra những phương pháp, con đường đấu tranh phù hợp thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân đi theo. Ở bà Suu Kyi có hội tụ đủ những yếu tố của người lãnh đạo đối lập nêu trên.
Tóm lại, để cải cách thể chế chính trị như tại Miến Điện xảy ra phải có cả yếu tố thay đổi từ phía chính quyền và sự đấu tranh đủ mạnh của phía đối lập. Để từ đó hai bên sẽ có những bắt tay và cùng đi theo một con đường chung, có lộ trình phù hợp có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Tiếp theo tôi muốn phân tích hai yếu tố này tại Việt Nam để có thể thấy một lộ trình cải cách ở Việt Nam sẽ có sự khác biệt với Miến Điện.
Về yếu tố người lãnh đạo chính quyền: Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam cũng đã từng có một thế hệ lãnh đạo thực tâm muốn tốt đẹp cho nhân dân đất nước, nhưng do họ đã bị mê hoặc bởi chủ thuyết cộng sản sai lầm nên đã đưa đất nước đi theo con đường này. Chủ thuyết này không chỉ làm say đắm nhân dân và lãnh đạo của Việt Nam, mà còn rất nhiều đất nước trên thế giới và bản thân ông Max người sáng tạo ra nó cũng với ước mơ tốt đẹp cho nhân loại. Chỉ có điều mô hình ông ta đưa ra là không tưởng và về sau đã bị lợi dụng để biến thành một mô hình quản lý cho một số nước độc tài. Do vậy, nhiều người khi chê bai chế độ cộng sản lại thường ví ông Max như “ quỷ dữ”. Sau cải cách năm 1986 và sự sụp đổ của một loạt các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới thì phần lớn giới lãnh đạo Việt Nam đã nhận biết mô hình cộng sản là không tưởng. Sau đó Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế chính trị giống Trung quốc. Thời kỳ sau này người ta ví là thời đại kim tiền. Tức là có tiền mới có quyền lực và có quyền lực là sẽ có tiền. Do vậy, thế hệ lãnh đạo sau này cũng bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền này. Tất nhiên trong số ít những người lãnh đạo vẫn xuất hiện một số gương mặt vừa biết lo cho mình và vừa có tâm muốn tốt đẹp cho đất nước như ông Võ Văn Kiệt và Nguyễn Bá Thanh… Tuy Việt Nam chưa xuất hiện người lãnh đạo vừa có quyền lực, vừa thực tâm muốn cải cách triệt để, và vừa khôn ngoan để có thể thực hiện cải cách. Nhưng đã xuất nhiều người lãnh đạo Việt Nam muốn có những cải cách một cách từ từ và có lộ trình. Do vậy, những chủ đề liên quan tới cách cách thể chế được trao đổi và phát biểu thoải mái và công khai hơn trên mạng, báo chí, thâm chí trong các phát biểu của giới lãnh đạo.
Về yếu tố đấu tranh đối lập: Không thể phủ nhận vài năm gần đây đã xuất hiện rất nhiều các tổ chức và cá nhân đấu tranh chính trị đối lập. Đây cũng là xu thế tất yếu của phát triển xã hội. Chúng ta thử điểm qua một số nhóm đối lập và phương pháp đấu tranh khác nhau.
Một số tổ chức đối lập chống cộng “quyết liệt”: Với các tổ chức này thì cho rằng cộng sản là không bao giờ thay đổi, bất kể ai là cộng sản đều xấu và họ đều chống. Phần lớn thành viên là những anh, chị sống ở nước ngoài từng tham gia vào chế độ VNCH và có những nỗi đau mất mát từ quá khứ nên họ không thể đội trời chung với cộng sản. Do vậy, nên mới có những cuộc biểu tình chống báo đất Việt vì đã từng phát hành sách “ bên thắng cuộc” của Huy Đức, hoặc ngay cả ông Bùi Tín sang Mỹ diễn thuyết cũng bị “ đấu tố” vì cả hai người này cũng đã từng phục vụ trong lực lượng quân đội của Việt cộng. Hoặc Đàm Vĩnh Hưng sang hát tại Mỹ cũng bị xịt hơi cay vào mặt vì là đảng viên mặc dù không biết anh ta có hát bài nào ca ngợi đảng cộng sản tại Mỹ hay không. Với phương pháp chống cộng như vậy khó lòng thu hút được sự quan tâm của người dân trong nước đặc biệt là giới trẻ. Vì cái mà thế hệ trẻ quan tâm là hiện tại và tương lai chứ không còn quan tâm nhiều những thắng thua trong quá khứ. Hơn nữa, đảng cộng sản là một tổ chức có nhiều người tham gia, có người tốt, có người xấu, có người cấp tiến, có người bào thủ. Trong số vài triệu đảng viên lại còn có rất nhiều những người thân và họ hàng của họ không phải đảng viên. Nên việc chống cộng cực đoan không thuyết phục được đông đảo người dân tham gia.
Một số tổ chức không chống cộng cực đoan nhưng mục tiêu đấu tranh là giải thể chế độ cộng sản. Với các tổ chức này, cũng phần lớn là ở hải ngoại thì ủng hộ tất cả những người đấu tranh dân chủ, miễn là họ có lợi cho công cuộc đấu tranh giải thể chế độ cộng sản. Tuy nhiên, khi mục tiêu chính là giải thể chế độ cộng sản thì họ lại khó thuyết phục được người dân đi theo vì cái mà phần lớn người dân quan tâm là những vấn đề cuộc sống hàng ngày của họ. Những khái niệm như dân chủ, công bằng là những khái niệm rất trừu tượng, chưa cụ thể với họ. Nên mục đích cũng như con đường để thuyết phục người dân đi theo là không rõ ràng vì chưa tác động trực tiếp tới lợi ích cụ thể hàng ngày của người dân.
Một số nhóm, tổ chức hoạt động với mục tiêu tác động tới chính quyền để họ thay đổi theo hướng tốt đẹp cho đất nước và xã hội. Họ đưa ra nhưng kiến nghị tích cực gửi tới chính quyền, phản đối các việc làm sai trái tổn hại tới đất nước. Đây là những nhóm tri thức, các vị lão lãnh cách mạng, những quan chức về hưu. Hoạt động của họ được đông đảo người dân trong nước quan tâm và hướng ứng hơn. Cá nhân tôi cũng luôn giành sự tôn trọng cho những hoạt động này. Vì tôi biết họ thực tâm đấu tranh cho đất nước tốt đẹp hơn chứ không phải vì muốn giành quyền lực chính trị. Bởi trước đây họ cũng đã từng là những người làm những việc quan trọng cho chính quyền hoặc đang là những người có vị thế đáng nể trong xã hội hoặc trên thế giới. Tất nhiên, cũng chỉ mấy năm gần đây mới xuất hiện hoạt động của những nhóm nhân sỹ trí thức này. Do vậy, hoạt động chủ yếu tập trung vào những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước và liên quan chủ yếu tới vấn đề chính trị.
Hình thành một số tổ chức xã hội dân sự: Trong vài năm gần đây đã xuất hiện các tổ chức này. Mục tiêu hoạt động là tập trung vào những vấn đề thiết thực và sát sườn của đời sống nhân dân mà không chỉ gói gọn vào mục tiêu chính trị. Chúng ta biết rằng trong một xã hội có rất nhiều vấn đề quản lý xã hội mà chính quyền chưa thể làm được hoặc làm chưa tốt. Các tổ chức xã hội dân sự này cùng tham gia vào việc bù đắp những khoảng trống nêu trên. Ví dụ tôi đã từng nghe nói các hoạt động đưa thư viện sách tự quản về cho các trường học tại các vùng nông thôn, khi mà khả năng tiếp cận sách của các em là hạn chế. Hoặc một số nhóm luật sư có thể tư vấn miến phí cho những người dân không có điều kiện và hiểu biết về pháp luật trong những sự việc liên quan tới tranh chấp đất đai… Tôi có đọc một bài viết của anh Hà Huy Sơn về kêu gọi thành lập một mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự. Do bài viết tương đối ngắn nên tôi cũng chưa rõ được phương hướng liên kết và phát triển các tổ chức này ra sao. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng đây là một hoạt động hay và thiết thực. Có khả năng thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Như vậy, gộp lại tất cả những tổ chức, nhóm hoạt động đối lập thì phương pháp đấu tranh để gây áp lực lên chính quyền để họ thay đổi là phương pháp chủ yếu diễn ra ở ViệtNam. Cùng với sự thay đổi nhận thức và xuất nhiều ngày càng nhiều người lãnh đạo có mong muốn thay đổi sẽ là điều kiện để Việt nam thay đổi theo phương pháp của Miến Điện nhưng với một lộ trình khác biệt.
Đổi với những người lãnh đạo chính quyền có lẽ họ muốn sự thay đổi một cách từ từ và trước mắt vẫn phải giữ sự ổn định trong lãnh đạo của Đảng. Tăng dần tính dân chủ, tính cạnh tranh trong đảng, và nới rộng dần các yếu tố ngoài đảng. Vừa đáp ứng được yếu tố ổn định lãnh đạo lại vừa đảm bảo cải cách quản lý sao cho có lợi cho xã hội, gần dân và hợp lòng dân hơn. Tôi đã từng có một số đề xuất trong bài viết Cải cách thế chế chính trị tại Việt Nam cần diễn ra như thế nào. Những đề xuất về lộ trình ban đầu vẫn cần phù hợp với nguyên tắc nêu trên.
Về phía đấu tranh đối lập, theo tôi ngoài việc tập trung chủ yếu tới các vấn đề chính trị cần tập trung cả vấn đề dân sự và dân sinh. Ví dụ: Nếu có một bản kiến nghị của 72 nhân sỹ trí thức gửi lãnh đạo đất nước đề nghị cắt chức một bộ trưởng nào đó vì đã không quản lý nổi ngành này gây cho người dân hoang mang khi trẻ em phải đi tiêm vác xin, khám chữa bệnh có thể bị chết, hoặc không công bố dịch cho dân chúng để phòng tránh thì chắc có hàng ngàn, hàng vạn người tham gia cùng ký tên. Và nó dễ được chấp nhận hơn rất nhiều so với kiến nghị thay đổi cả một thế chế. Và khi một người bộ trưởng bị cắt chức sẽ buộc những người khác làm việc phải có trách nhiệm hơn. Nếu không bị cắt chức thì người thủ tướng trực tiếp lãnh đạo sẽ mất uy tín chính trị vì đã bao che và làm ngơ. Do đó gián tiếp tác động tới hành vi của thủ tướng để ông phải quản lý chặt chẽ hơn các vị bộ trưởng. Hiện tại có rất nhiều vấn đề về dân sự, và dân sinh liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân nhưng chưa có những áp lực đủ mạnh để những người quản lý phải thay đổi. Ví dụ như việc người dân Việt Nam buộc phải ăn những thực phẩm độc hại hàng ngày, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của người dân còn lớn hơn những cuộc chiến tranh trên thế giới… tất cả những vấn đề này cần được quan tâm và đấu tranh thậm chí còn mạnh mẽ hơn những vấn đề liên quan tới chính trị.
Trên đây, chỉ là những ý kiến cá nhân của riêng tôi. Tôi vẫn hy vọng một sự thay đổi theo hướng từ từ, có lộ trình và có mục đích diễn ra ở Việt Nam. Có sự thay đổi cả từ phía chính quyền và từ phía đối lập để cùng đi tới một con đường chung có lợi cho Việt Nam.
Nguyễn Hồng Hải/ (Dân Luận)
VÌ SAO NGUYỄN TẤN DŨNG THẤT BẠI ?
Bài của LÊ VĨNH/ CTM/ BVB 6/1/2016
Tuy chưa có một cuộc khảo sát tường tận nào nhưng có thể nói, trong mấy chóp bu lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) thì có lẽ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là người duy nhất biết về tác động của truyền thông, đặc biệt là truyền thông ngoại quốc trên các vấn đề. Trong mấy năm vừa qua, năm nào ông Nguyễn Tấn Dũng cũng thuê một vài trang mạng ngoại quốc để đăng bài bằng Anh Ngữ tâng bốc ông. Ông cũng là người kêu gọi nội các của ông phải lưu tâm đến sự tác động của mạng xã hội.
Với khả năng đó, có nhiều phần là ông Nguyễn Tấn Dũng đã ít nhiều tận dụng dư luận quốc tế và dư luận Việt Nam để tác động vào cuộc “đấu vật” giữa ông và ông Nguyễn Phú Trọng để giành chiếc ghế Tổng Bí Thư. Đây là điều hoàn toàn đúng đối với bất cứ một lãnh tụ nào, nhưng với trường hợp đặc biệt của ĐCSVN thì sự tác động đó đã đưa đến sự thảm bại của chính ông Dũng.
Truyền thông ngoại quốc và ông Nguyễn Tấn Dũng
Đối với các lãnh tụ, truyền thông ngoại quốc thường để ý đến “charisma”, tạm dịch là sức thu hút, hoặc niềm tin của vị lãnh tụ đối với quần chúng. Ở phương diện này, nếu so với sự lù đù, ăn nói bảo thủ hoặc vớ vẩn của ông Nguyễn Phú Trọng, hay với cách ăn nói mang tính chất “đánh trống bỏ dùi” của ông Trương Tấn Sang, thì rõ ràng ông Nguyễn Tấn Dũng ăn đứt hai ông kia.
Không những thế, trong cương vị thủ tướng, tức người đứng đầu ngành hành pháp, ông Nguyễn Tấn Dũng có nhiều cơ hội đi công du, tiếp xúc với truyền thông ngoại quốc hơn những vị lãnh đạo khác. Bên cạnh đó, có thể là do được các phụ tá “gà” cho, hoặc chính do đặc tính xảo ngôn của mình, ông Dũng đã phát ngôn được một số câu rất hợp tai với truyền thông quốc tế cũng như dư luận. Chẳng hạn như “tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược” ở Hội Nghi Đối Thoại Shangri-La (2013), hay “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông” ở Phillipines (2014).
Ngoài ra, đối với trong nước thì những tuyên bố hay ho, chắc nịch, khách quan thì khó ai phủ nhận được, như một số điểm trong “thông điệp đầu năm 2014 của Thủ Tướng” cũng làm nức lòng những người khó tính nhất. Hiển nhiên những tuyên bố đó đã được truyền thông ngoại quốc tiếp nhận một cách thiện cảm.
Xin được trích lại vài điểm sau đây: “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh”, “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”, “Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch”, “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh”, “Đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới”, v.v….
Không thể phủ nhận được là những tuyên bố như vừa kể đã tạo được tác động rất lớn đối với truyền thông ngoại quốc (ngoại trừ tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc) cũng như dư luận dân chúng Việt Nam.
Chỉ có một điều quan trọng, nhưng hay vuột khỏi trí nhớ nhiều người (kể cả truyền thông ngoại quốc) là, với nguyên tắc “tập trung dân chủ”, phải làm theo quyết định chung của mười mấy ông bà “vua tập thể” trong Bộ Chính Trị mà hầu hết đều mang đầu óc thủ cựu (nếu có tư tưởng tiến bộ thì không thể vào cơ chế này được), sợ mất đảng hơn mất nước, cũng như sợ đất nước tiến bộ người dân sẽ đòi hỏi lắm thứ mà đảng không thể cho để vuột tầm tay được; thì dù ai có tài thánh cũng chẳng thể thi thố gì được trong cái cơ chế đó. Huống hồ là ông Nguyễn Tấn Dũng học hành thì lem nhem, kiến thức lõm bõm, nên ông ta cũng như những người khác trong đảng thực ra chỉ thi hành, nói năng những gì được đảng phân công và cho phép.
Đại Hội 12 và tác động của truyền thông
Với những điều vừa trình bày ở trên, khi đến gần cuộc đua trong Đại Hội Đảng, ông Nguyễn Tấn Dũng nghiễm nhiên trở thành người có uy tín nhất trong ba ông lãnh đạo đảng đối với truyền thông ngoại quốc. Dù chẳng có một bằng cớ nào chứng thực điều này, nhưng bỗng dưng Ông Nguyễn Tấn Dũng có bộ mặt chống Trung Quốc rất sáng sủa và thân thiện đối với kinh tế thị trường.
Hiển nhiên nhận thức này đã tạo tác động không nhỏ đối với dư luận Việt Nam, đặc biệt là với tâm lý “cái gì của tây cũng tốt hơn, hay hơn”. (Ngay cả sau khi Đại Hội 12 đã kết thúc thì truyền thông ngoại quốc vẫn cho là phe bảo thủ thân Trung Quốc đã thắng, phe thân Tây Phương và thân doanh nghiệp đã thua.).
Vô số việc làm “vì Tàu và cho Tàu” của Nguyễn Tấn Dũng như “Bauxite Tây Nguyên”, cho thuê rừng đầu nguồn, cho người Trung Quốc được sở hữu đất đai nhà cửa tại những nơi xung yếu như cạnh sân bay bến cảng Việt Nam, cho người lao động Trung Quốc được vào Việt Nam tràn lan, cho thương lái Trung Quốc được trực tiếp vào Việt Nam thu gom hàng hoá đầu cơ lũng đoạn kinh tế Việt Nam, bán rẻ tài nguyên khoáng sản, mấy “quả đấm thép vỡ nợ”, v.v….. tất cả đều bị tâm lý không thích Trung Quốc che khuất, khi ông Nguyễn Tấn Dũng được so sánh với ông Nguyễn Phú Trọng, người được cho là thân Trung Quốc.
Vì các lý do trên và cũng nhờ biết khai thác truyền thông cho cuộc chạy đua giành ghế trong Đại Hội 12, lần đầu tiên người ta đã thấy các phe nhóm trong đảng dùng báo chí và các trang mạng ngoài lề để củng cố cho vị thế của ông Nguyễn Tấn Dũng, tấn công ông Nguyễn Phú Trọng hoặc ngược lại. Tuy nhiên về tổng thể thì phải nói là dường như phe bênh vực ông Nguyễn Phú Trọng không có gì nhiều.
Trong khi đó thì người ta thấy vô số trang mạng ủng hộ ông Dũng. Những “nhà báo nổi tiếng”, “trí thức nổi tiếng”… trang facebook của họ có cả trăm ngàn “fan”. Một tiếng nói của họ ủng hộ ông Dũng là có cả ngàn, chục ngàn người hưởng ứng. Trang blog Nguyễn Tấn Dũng “làm mưa làm gió” trên mặt trận truyền thông, có hàng ngàn người truy cập cùng một lúc. Trong khi trang của ông Nguyễn Phú Trọng hầu như chẳng mấy ai để ý.
Có thể nói rằng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã rất thành công trên mặt trận truyền thông trong cuộc chạy đua giành ghế trong Đại Hội 12, và đây cũng chính là một trong những điều khiến ông thất bại trong cuộc giành ghế này. Tại sao?
Tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng thất bại?
Về lý do này thì đã có nhiều phân tích rất xác đáng, nhưng ít ai để ý đến tác động của truyền thông đối với quần chúng (không được bỏ phiếu) và đại biểu đảng (có quyền bỏ phiếu).
Cần phải nhớ lại mục tiêu bầu lãnh đạo đảng trong Đại Hội Đảng CSVN lần này thì mới thấy được một nghịch lý: Ông Nguyễn Tấn Dũng thất bại vì ông ta biết vận dụng truyền thông.
Từ nhiều tháng trước ông Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đi nhắc lại tiêu chuẩn bầu chọn lãnh đạo đảng. Quan trọng nhất trong các tiêu chuẩn đó là “bảo vệ Đảng”. Đây là tiêu chuẩn được đặt lên trước việc “bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa”, cuối cùng mới đến “bảo vệ nhân dân”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra một lô một lốc những tiêu chuẩn khác cho việc bầu chọn lãnh đạo đảng, phù hợp với tiêu chuẩn quan trọng nhất vừa nêu ở trên, mà dường như chỉ có một mình ông ta mới hội đủ.
Ông Trọng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội (người Bắc), được nuôi dưỡng thuần tuý trong cái nôi Cộng Sản. Ông học tập dưới mái trường XHCN, học văn chương “cách mạng” ở đại học, học tiến sĩ ngành Xây Dựng Đảng ở Liên xô từ năm 80 là cái nôi của thành trì Cộng Sản. Nếu so với các Tổng Bí Thư khác từ Trần Phú, Lê Duẩn cho đến Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh…thì ông Trọng là người học hành, lý luận về Chủ Nghĩa Cộng Sản nhiều nhất, đầy đủ nhất. Ngay cả so với ông Hồ Chí Minh thì tiêu chuẩn này của ông Nguyễn Phú Trọng cũng cao hơn, vì ông Hồ đã sống ở các nước bản, chỉ được “giác ngộ” cộng sản sau này.
Qua các chức vụ trong đảng như Tổng Biên Tập Tạp Chí CS, Chủ Tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, Bí Thư Hà Nội, Chủ Tịch Quốc Hội, Tổng Bí Thư Đảng, thì người ta thấy rằng con đường tiến lên Chủ Nghĩa Cộng Sản là con đường dành riêng cho ông Trọng.
Câu nói “Đến hết thế kỷ 21 không biết có xây dựng CNXH được hay không?” tuy bị chế diễu, nhưng có lẽ đó là câu nói thật lòng của ông ta. Ở một phương diện khác, câu đó cũng cho thấy “viễn kiến” của một lãnh tụ Cộng Sản.
Năm nay ông Trọng đã hơn 70 tuổi, vài năm hay một hai thập niên nữa ông chết, xuống âm phủ chắc ông tiếp tục xây dựng XHCN ở dưới đó (nếu có cõi âm ty).
Đối với các đại biểu đảng được tham dự và bỏ phiếu trong Đại Hội 12, là những người được các cơ quan đảng lựa chọn từ trên xuống, thì ngoài sự so sánh về tiêu chuẩn lãnh đạo đảng như đã đề cập ở trên, chính những gì được loan truyền trên truyền thông tây phương và dư luận quần chúng càng khiến họ quyết tâm bảo vệ đảng hơn. Bởi vì bất cứ sự thay đổi quan trọng nào cũng có thể làm họ bị mất đi những quyền và lợi họ đang thụ hưởng nhờ đảng, kể cả cái sổ hưu. Do đó, xét cho cùng thì từ sự lựa chọn đại biểu đảng ở cấp cơ sở cho đến các tiêu chuẩn được đặt ra, đến các quy định bầu chọn trong Đại Hội, truyền thông ngoại quốc và dư luận xã hội trên các trang mạng không thể tạo được tác động nào, ngoài tác động ngược là dư luận quần chúng quá mạnh, mà đảng lãnh đạo thì không thể yếu hơn quần chúng được.
                                                                   ***
Tóm lại, ít nhiều thì cũng phải thừa nhận ông Nguyễn Tấn Dũng quả là đã tạo nên và vận dụng được sự tác động giữa truyền thông quốc tế và dư luận trong nước để khuynh loát nội bộ đảng và châm thêm vào đà tấn công phe ông Nguyễn Phú Trọng.
Hẳn nhiên những nhà bình luận nổi tiếng như Carl Thayer, Jonathan London luôn luôn có những ảnh hưởng rất lớn đối với truyền thông và dư luận. Đây là một lợi thế của ông Nguyễn Tấn Dũng nếu Việt Nam là một quốc gia bình thường như những quốc gia khác, trong đó người dân có quyền bầu chọn người lãnh đạo một cách công minh.
Tiếc rằng Việt Nam không phải là nước bình thường. Chính vì sự không bình thường đó mà Việt Nam là nước “không chịu phát triển”.
Lê Vĩnh/(CTM)
CÓ HAY KHÔNG ÂM MƯU ĐẢO CHÍNH CỦA PHÙNG QUANG THANH ?
Bài của BÙI QUANG VƠM/ ABS/ BVB 6/1/2016
Phải nói rằng, lúc đầu, việc Trần Đại Quang được Bộ chính trị đảng giới thiệu và trung ương 14 nhất trí đề cử vào vị trí Chủ tịch nước làm dư luận hết sức bất ngờ. Nhiều người nghĩ, bà Tòng Thị Phóng, uỷ viên bộ chính trị hai nhiệm kỳ, nếu không làm chủ tịch Quốc Hội, thì phù hợp nhất cho bà là vị tri Chủ tịch nước. Không lẽ để bà này làm gì cho hết nhiệm kỳ cuối cùng, trong khi chẳng có gì bị cho là sai lầm. Vả lại, từ trước tới nay, Quân đội và Công an là đại diện của công cụ bạo lực, thường không nắm ngôi đứng đầu đảng và đứng đầu nhà nước, chỉ để giữ bộ mặt dân chủ và thể diện ngoại giao. Người ta buộc phải suy luận rằng, Trần Đại Quang chắc vừa lập công trạng gì rất lớn liên quan tới vận mệnh sinh tồn của chế độ. Suy luận tưởng chỉ đơn thuần là cảm tính này có lẽ lại đúng.
Theo tập quán tuyên dương công trạng trong nội bộ đảng từ trước đến nay, công đầu là công cứu giá, tức cứu nguy chế độ thường được hưởng ngôi Chủ tịch nước. Ông Lê Đức Anh đột ngột lên Chủ tịch nước vì có công giải vây cho chế độ, bằng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, tránh cho chế độ một nguy cơ sụp đổ do kiệt quệ, cuối những 80. Điều này khớp với tin tức bị tiết lộ và đồn đoán về vụ âm mưu đảo chính của Phùng Quang Thanh mà Trần Đại Quang là người phát giác và trực tiếp tổ chức chiến dịch dẹp loạn. Cũng theo tin rò rỉ và dư luận, âm mưu đảo chính là có thật.
Sự hình thành âm mưu có thể bắt nguồn từ chuyến đi có quy mô khác thường của Bộ quốc phòng Việt Nam thăm Trung Quốc, từ ngày 16 đến 18 tháng 10 năm 2014, do chính Phùng Quang Thanh dẫn đầu cùng 16 sĩ quan cao cấp khác, trong đó có 12 người mang quân hàm cấp tướng (6 trung tướng, 6 thiếu tướng), 1 người mang quân hàm đại tá, lần lượt đến từ Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Không quân, Hải quân, Biên phòng, Thông tin và  Quân khu 2. 
Trong cuộc hội đàm ngày 17/10 với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, hai bộ trưởng đã đạt được được “Đồng thuận nguyên tắc 3 điểm”, trong đó điểm thứ hai là “quân đội hai nước tăng cường đoàn kết, cung cấp bảo đảm vững chắc củng cố vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản hai nước, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Sau đó, ngày 18/10, một việc cũng rất khác thường là việc ký kết Bản ghi nhớ kỹ thuật về việc thiết lập đường dây điện thoại nối thẳng bảo mật giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
Trước đó, cùng ngày 16 tháng 10 năm 2014, khi đoàn ông Thanh sang Trung Quốc, tại Milan, Italia, bên lề hội nghị cấp cao ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Nhưng tin tức không nói gì về nội dung trao đổi.
Ngày 13/02/2015 trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, ông John Kerry đã nhắc lại lời mời của Tổng thống OBAMA mời TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ trong năm 2015.
Ngày 17/03/2015, Trần Đại Quang thăm Mỹ chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ ngày 6-10/07/2015 của Nguyễn Phú Trọng. 
Gần hai tháng sau, ngày 13/5/2015, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius xuất hiện lần đầu tiên trên đài phát thanh Việt Nam (VOV) chính thức tuyên bố Hoa Kỳ sẽ đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với những nghi thức cấp cao nhất.
Hai ngày sau đó, ngày 15/5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại biên giới Lào Cai một cách long trọng nhân dịp tổ chức buổi Tọa đàm hữu nghị quốc phòng Biên giới Việt Nam- Trung Quốc lần thứ hai. Tại cuộc tọa đàm này có một chi tiết rất nhiều hàm ý là việc Thường Vạn Toàn tận tay trao tặng Phùng Quang Thanh chiếc bình sứ Trung Quốc, như một thông điệp “hãy giữ lấy bình quý”.
Rất có thể bằng cách nào đó, tình báo Trung Quốc đã nắm được nội dung chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, trong đó có việc nâng quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện, và những cam kết đặc biệt về quan hệ Quốc phòng, mà Trung Nam Hải coi là mối nguy hiểm như một sự phản bội chủ nghĩa. Có khả năng Trung Quốc tạo dựng một tài liệu tình báo và gây áp lực cho Phùng Quang Thanh chuẩn bị cuộc đảo chính, không cần biết có thành công, nhưng ít nhất cũng đe dọa cảnh cáo sự tồn vong của chế độ nếu thân Mỹ.
Những thông tin mật loại này, có thể bị mạng lưới đặc tình của Trần Đại Quang phát giác. Và những động tác chuẩn bị chiến dịch, có thể bị mạng lưới an ninh chính trị quân đội nằm trong tay Bí thư TW đảng, Tổng cục trưởng tổng cục chính trị Ngô Xuân Lịch phát hiện.
Âm mưu có thể được dự kiến kế hoạch thực hiện vào thời gian Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ.
Nhưng ngay từ ngày 19/06/2015 Phùng Quang Thanh đã phải sang thăm Pháp. Không biết có lời mời của chính phủ Pháp hay không, nhưng báo chí Pháp trong thời gian này, không hề có dòng tin nào. Bức ảnh gặp Bộ trưởng M. Le Drian cũng chỉ thấy trên các báo của Việt Nam. Báo Việt Nam cũng không hề nói chuyến thăm này bắt đầu ngày nào và kết thúc ngày nào.
Căn cứ vào một phóng sự video của TTXVA được quay tại bệnh viện George Pompidou, thì Phùng Quang Thanh nhập viện ngày 20/06, một ngày sau khi gặp Bộ quốc phòng Pháp và xuất viện ngày 10/07, đúng ngày kết thúc chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng. Như vậy, Phùng Quang Thanh có lẽ đã bị “treo” từ trước và suốt thời gian chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, theo kế hoạch định trước của Bộ Chính trị. 
Trước chuyến thăm Mỹ ba ngày, ngày 03/07/2015, cùng một lúc, Tư lệnh và Chính uỷ bộ tư lệnh thủ đô, trung tướng tư lệnh Phí Quốc Tuấn và trung tướng chính uỷ Lê Hùng Mạnh nhận quyết định của “thủ tưởng cơ quan”, bàn giao tức khắc cho thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh – Phó Tư lệnh và thiếu tướng Nguyễn Thế Kết – Phó Chính Ủy, và nghỉ chờ về hưu. Lễ bàn giao do Ngô Xuân Lịch chủ trì điều khiển.
Báo tuổi trẻ đưa tin cả con và cháu của Phùng Quang Thanh đều sang Pháp đón Phùng Quang Thanh về nước, nhưng trong bản tin tường thuật ngắn tại sân bay Nội Bài, thì chỉ tả lại Phùng Quang Thanh “có vẻ khoẻ mạnh, tươi cười, tự đi và không có người dìu”, kèm theo bức ảnh chụp mờ từ xa, không hề có mặt “con và cháu” trong đám người xúm quanh. Trong khi đó, tin vỉa hè nói rằng cả Phùng Quang Hải và bà vợ ông Thanh đều “bị trúng đạn, và đều tử vong”.
Có thể suy đoán rằng, thông qua mật vụ và đặc tình, Bộ chính trị chắc đã khẳng định âm mưu đảo chính của Phùng Quang Thanh là có thật. Một kế hoạch nhằm dập tắt âm mưu đã được cấp bách thảo luận trong số những uỷ viên quan trọng nhất. Trong số này chắc không có Nguyễn Tấn Dũng, bởi dù không có bằng chứng đồng mưu, nhưng chính ông Dũng là người bổ nhiệm các ông Phí Quốc Tuấn và ông Lê Hùng Mạnh. Và đúng ngày 1/07/2015, tại hội nghị tổng kết thi đua toàn quân, ông Dũng nói Quân đội trước hết phải trung thành với Tổ quốc.
Trong những ý kiến xử Phùng Quang Thanh chắc có ý kiến đòi xử tử hình, nhưng không đựơc chấp nhận, nên tư tưởng này bị các phần tử thù ghét họ Phùng lợi dụng mượn gió bẻ măng, tự tuyên xử tử hình cho Phùng Quang Thanh, và có ý định tự tổ chức ám sát, ngay trong thời gian ông Thanh nằm viện. Những người thực hiện ý đồ này chính là những người tuồn tin cho Hãng tin Đức DPA nhằm mục đích tung hoả mù, tạo không khí thật thật, giả giả, gây nhiễu loạn để lợi dụng cơ hội thực hiện mưu đồ ám sát. Nhưng công việc đã không thành. Chắc chắn phải là người trong cuộc, có bằng chứng đủ sức thuyết phục mới được hãng tin này đưa lên mặt báo. Trong những người theo ông Thanh sang Pháp, không thể không có tai mắt của ông Lịch, thậm chí là người mà ông Thanh không thể nghi ngờ.
Phùng Quang Thanh chắc chắn sau khi rời bệnmh viện, đã được đưa về, và giam lỏng tại trụ sở bộ Tổng tham mưu. 
Ngày 16 -18 tháng 7, ông Trương Cao Lệ, Phó thủ tướng và là thành viên ban Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung quốc viếng thăm Việt Nam.
Hai ngày sau, ngày 20/7/2015, Tướng Võ Văn Tuấn, phó Tham mưu trưởng quân đội CSVN đã công bố Tướng Thanh về nước ngày 25/7, đồng nghĩa với việc cho Tướng Thanh tái xuất hiện trở lại nhưng chỉ trong khuôn viên Bộ quốc phòng, không được về nhà, sau cả tháng chữa bệnh ở nước ngoài.
Những chuyện đưa đón lộn xộn sau này, chỉ là chuyện dàn dựng, và báo Tuổi trẻ được chỉ định làm con rối đầu đàn. 
Thư ký riêng của ông cho biết vì lý do chưa hoàn toàn hồi phục, ôngThanh sẽ tránh gặp đông người, ồn ào, dễ gây căng thẳng có hại cho sức khoẻ. Nhưng lần ra khỏi khuôn viên Bộ Tổng tham mưu, từ sau ngày về nước lại là tối liên hoan “Khát vọng đoàn tụ”. Tại sao lại là khát vọng đoàn tụ. Ai khát vọng, và đoàn tụ với ai. Bản nhạc mở màn lại là bản nhạc “Ca Ngợi tổ quốc” nổi tiếng của Trung Quốc.  Đêm liên hoan này đã được chuẩn bị từ trước. Nghĩa là chuẩn bị cho việc ăn mừng đảo chính thành công. Ông Quang, ông Lịch và ông Trọng vẫn lịch sự cho diễn, nhưng ông chủ của đêm diễn bây giờ được đưa đến từ phòng giam dưới hầm Bộ Tổng tham mưu. Sự xuất hiện này của ông cho biết là ông đã thú nhận để đổi lấy toàn mạng cho riêng ông và giữ được “bình” cho chế độ.
Cho đến Đại hội đảng XII, người ta vẫn cho ông lên ngồi chủ tịch đoàn. Ông phải làm tốt vai diễn để chứng thực cho sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ đảng. Ông phải thể hiện lòng trung thành để đổi lấy cái mạng sống của ông.
Thằng con trai của ông, đại tá Phùng Quang Hải biệt vô âm tín từ ngày ông bị cho đi chữa bệnh, không biết thực còn sống hay đã chết. Cái tổng công ty 319 của nó và của ông bây giờ chưa thấy ai gì tới triển vọng, tương lai ra sao cả.
Câu chuyện này có thật không? Khi nào người Việt có dân chủ, tức là khi nào Cộng sản đi, thì mọi việc khắc rõ.
BQV/basam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét