Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

20160209. BÀN VỀ LOÀI KHỈ VÀ NGUỒN GỐC CON NGƯỜI

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÂN TẾT BÍNH THÂN: BÀN VỀ CON KHỈ VÀ NGUỒN GỐC CON NGƯỜI
GS NGUYỄN VĂN TUẤN/BT 8/1/2016
Càng ngày chúng ta càng có nhiều bằng chứng khoa học có tính thuyết phục cao cho thấy khỉ, mà cụ thể là tinh tinh, và con người hiện đại có liên quan nhau. Nói một cách thẳng thắn hơn: bạn đọc và tôi là bà con của khỉ.

Có thể nói rằng trong 12 con vật được dùng làm biểu tượng cho chu kì 12 năm, khỉ là con vật quan trọng nhất, thông minh nhất, và gần gũi nhất với con người. Từ điển Tiếng Việt giải thích rằng khỉ là “thú cao cấp gần với người, biết leo trèo, bàn chân bàn tay có thể cầm nắm được”. Quả thật, trong tất cả động vật, khỉ là loài động vật giống con người nhất. Khỉ được đề cập ở đây bao gồm những động vật như ape (mà chúng ta thường gọi là “khỉ không đuôi”), tinh tinh (chimpazee), vượn (gibbon), khỉ đột (gorilla), và đười ươi (orang-utan). Cùng với vượn, tinh tinh, đười ươi và con người, khỉ được các nhà động vật học xếp vào loại động vật linh trưởng cao nhất trong các loài vật có vú.

Câu văn khỉ là động vật "cao cấp" gần với người là có lí. Qua rất nhiều nghiên cứu khoa học, ngày nay chúng ta có thể nói rằng tất cả chúng ta – dù là người da vàng, da đen, da đỏ, hay da trắng hay khỉ đều có chung một nguồn gốc chung.

Trong lĩnh vực nghiên cứu về nguồn gốc con người hiện đại, những tranh luận ngày càng càng trở nên gay gắt, về hai giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất gọi là Giả thuyết Phi châu (“Out of Africa hypothesis”), và giả thuyết thứ hai gọi là Giả thuyết Nhiều vùng(Multiregional hypothesis).

Charles Darwin là người đề xướng một giả thuyết được xem là cổ điển, và ngày nay được biết đến qua cụm từ Giả thuyết Phi châu. Darwin là người đầu tiên lí giải rằng loài tinh tinh là những người anh em họ gần nhất của con người hiện đại. Bởi vì tinh tinh chỉ sinh sống ở Phi châu, cho nên con người hiện đại có nguồn gốc từ Phi châu. Giả thuyết này còn lí giải rằng con người hiện đại tiến hóa ở Phi châu và từ đó tản mát định cư khắp thế giới.

Theo thuyết này, tổ tiên con người và tổ tiên loài tinh tinh tách rời khoảng 5 triệu năm trước. Khoảng 2,5 triệu năm sau đó, con người phát triển thành giống người Homo habilis. Giống người Homo habilis có khả năng làm những dụng cụ thô sơ bằng đá, và có hai chân. Dung lượng não của Homo habilis cao hơn loài tinh tinh, nhưng thấp hơn so với con người hiện đại. Khoảng 2 triệu năm trước, Homo habilis tiến hóa thành loài Homo erectus (loài người đi đứng thẳng lưng), và chính giống người này tản mát khỏi Phi châu và đi khắp thế giới. Đến khoảng 500.000 năm trước Homo erectus tiến hóa thành Homo Sapiens (loài người thông minh). Người Homo Sapiens có dung lượng và hình dạng não giống với con người hiện đại ngày nay. Nói một cách ngắn gọn, Giả thuyết Phi châu phát biểu rằng con người hiện đại chỉ có mặt khoảng 100.000 đến 200.000 năm trở lại đây, và tất cả đều xuất phát từ Phi châu. Darwin còn tiên đoán rằng hài cốt của con người hiện đại sẽ được phát hiện ở Phi châu.

Một giả thuyết “kình địch” khác là Giả thuyết Nhiều vùng lí giải rằng con người hiện đại tiến hóa trong nhiều địa bàng trên thế giới từ các loài vật tiền thân có tên là Homo erectus (tức người đứng thẳng) khoảng 1 đến 2 triệu năm trước đây. Theo trường phái này, các sắc dân tiến hóa theo một chiều hướng song song nhau đến thời kì hiện đại cùng một thời gian. Bởi vì các sắc dân sống cô lập với nhau, họ phát triển những đặc tính cơ thể và sinh lí riêng cho từng vùng, mà ngày nay chúng ta ghi nhận là những khác biệt mang tính “chủng tộc”. Giả thuyết Nhiều vùng tiên đoán rằng các thạch cốt của con người hiện đại sẽ được phát hiện khắp các vùng thuộc Thế giới Cổ (Old World) và độ tuổi của chúng cũng sẽ tương đương nhau. Giả thuyết Nhiều vùng còn tiên đoán rằng các sắc dân cổ sẽ có nhiều đặc tính cơ thể như xương chẳng hạn mang tính liên tục và giống với các sắc dân hiện đại trong vùng. Chẳng hạn như, theo Giả thuyết Nhiều vùng, giống người Neandertals, một sắc dân cổ ở Âu châu, sẽ có nhiều đặc tính di truyền giống như người Âu châu hiện nay.

Kết quả của nhiều nghiên cứu quan trọng về di truyền học trong thời gian gần đây có vẻ nhất quán với Giả thuyết Phi châu hơn. Hiện nay, có 4 nhóm bằng chứng độc lập “yểm trợ” cho Giả thuyết Phi châu.

1. Mối liên hệ huyết thống giữa khỉ và con người

Trong bất cứ gen nào hay dãy DNA nào được khảo sát, con người và tinh tinh có cấu trúc gen và DNA giống nhau hơn là giữa tinh tinh với khỉ đột. Nếu so sánh DNA của con người và DNA của tinh tinh, sự trùng hợp lên đến 98.4%, tức chỉ khác biệt 1.6%. Phân tích chuỗi DNA trong hệ thống máu globin, mức độ trùng hợp giữa con người hiện đại và tinh tinh là 98.76%, tức chỉ khác biệt trên dưới 1%. Những khác biệt về chuỗi DNA và đột biến này giúp cho các nhà khoa học ước tính được thời gian mà con người và khỉ tách rời ra thành hai nhóm độc lập.

Tuy nhiên, con người có 23 cặp nhiễm sắc thể (chromosomes), còn tinh tinh (và ngay cả khỉ đột, đười ươi) có đến 24 cặp nhiễm sắc thể. Nghiên cứu kĩ cho thấy hai cặp nhiễm sắc thể trong tinh tinh nhập thành nhiễm sắc thể số 2 trong con người. Không ai biết tại sao có sự khác biệt nhỏ này, nhưng nó có thể là yếu tố quyết định sự khác biệt giữa con người và loài tinh tinh mà chúng ta thấy ngày nay. Thời điểm mà con người và loài tinh tinh trở nên độc lập nhau (tức khoảng 5 triệu năm về trước) cũng phù hợp với những dữ kiện khảo cổ nhân chủng học. Năm 1995, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học California tại Berkely và đồng nghiệp ở Ethiopia công bố một công trình nghiên cứu cho thấy, qua phân tích sọ và xương đùi phát hiện ở Ethiopia, con người và loài tinh tinh bắt đầu tách riêng ra khoảng 4,3 triệu năm về trước.

2. Bà Eve

Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Maryland do Nhà nghiên cứu Sarah Tishkoff dẫn đầu công bố một phân tích di truyền học trên hơn 600 người Tanzania (hiện đang sống) trong 14 bộ lạc thuộc 4 nhóm ngôn ngữ khác nhau. Họ phân tích phân bố của các mảng DNA nhỏ có tên là mitochondrial DNA (hay còn gọi tắt là mtDNA). Đây là một phương pháp phân tích đáng tin cậy nhất và chính xác nhất để truy tìm nguồn gốc con người, bởi vì các mảng DNA nhỏ này chỉ hiện diện trong buồng trứng, và vì thế chỉ di truyền trong giống cái. Tỉ lệ đột biến (tức những biến đổi mtDNA) là một thước đo khoảng thời gian từ khi có con người trên trái đất. Chủ nhân của mảng mtDNA (dĩ nhiên là một phụ nữ) thường được gọi là Bà Eve. Cố nhiên, vào thời đó có thể có nhiều phụ nữ cũng có thể là chủ nhân hay có cùng mảng mtDNA với Bà Eve, nhưng theo thói quen, người ta gọi Bà Eve cho gọn.

Nếu tỉ lệ đột biến mtDNA không thay đổi theo thời gian (một giả định được xem là đáng tin cậy), và bằng một phương pháp thống kê học, các nhà khoa học có thể ước đoán rằng tổ tiên lâu đời nhất của con người hiện đại khai sinh khoảng 170.000 năm về trước. Nên nhớ rằng chỉ “có thể” thôi. Nhưng điều quan trọng là ước tính này nhất quán với bằng chứng từ các thạch cốt.

3. "Trưởng lão" Idaltu

Một nhóm nghiên cứu liên quốc gia gồm Tim White và F. Clark Howell thuộc Đại học California tại Berkeley, và một nhóm nghiên cứu do Berhane Asfaw thuộc Rift Valley Research Service ở Addis Ababa, công bố khám phá liên quan đến 3 sọ người hóa thạch trong vùng Herto Bouri của Ethiopia. Một điểm đáng chú ý nhất của 3 sọ người đó là tất cả đều là phái nam; trong đó có một sọ có lẽ của một em bé 6 hay 7 tuổi. Ngoại trừ một vài trường hợp mất răng, và vài thiệt hại phần trái của sọ, những sọ hóa thạch này đều có đầy đủ đặc tính của con người hiện đại. Dùng phương pháp quang tuyến isotope, các nhà nghiên cứu ước tính ba sọ người này có độ tuổi từ 154.000 đến 160.000 năm. Nói một cách khác ba người này sống trong khoảng thời gian kể trên.

Khi các nhà nghiên cứu rửa sạch và ráp nối những mảnh sọ với nhau, họ có thể cho ra một câu chuyện hoàn chỉnh. Cũng giống như con người hiện đại, những chủ nhân của 3 sọ này có khuôn mặt nhỏ, hơi dài. Dung lượng sọ của một người có mã số BOU-VP-16/1 là 1.450 cm3, tức là rộng hơn dung lượng của một con người hiện đại. Mặc dù sọ của người Herto (một sắc dân Phi châu) lớn và dài hơn con người hiện đại, các nhà nghiên cứu cho rằng người Herto có lẽ là một giống người thông minh hiện nay, Homo sapiens, đầu tiên vừa được phát hiện, tức là tổ tiên trực tiếp của chúng ta ngày nay. Cũng như nhóm nghiên cứu Đại học Maryland, qua 3 sọ người này, Tim White và đồng nghiệp ông ta kết luận rằng nguồn gốc của con người hiện đại quả bắt nguồn từ Phi châu.

Bởi vì sọ người Herto vừa được phát hiện không đồng dạng với các hài cốt con người cổ xưa từ bất cứ một vùng nào trên thế giới, các nhà nghiên cứu phải xếp 3 sọ người này vào một nhóm mới và đặt tên là Homo sapiens idaltu. Chữ idaltu xuất phát từ tiếng Afar ở Ethiopia, và có nghĩa là “trưởng lão.”

4. Giống người Neandertals

Năm 1997, Svante Paabo thuộc Viện nghiên cứu nhân chủng học tiến hóa (Max Planck Institute for Evolutionary Anthropology) tại Leipzig, Đức, là người đầu tiên chiết mtDNA từ giống dân Neandertal. Công trình nghiên cứu này được đánh giá là công phu, độc đáo, là “tour de force” về phương pháp nghiên cứu trong tiến hóa học. Mảng mtDNA của giống dân Neandertal được so sánh với mtDNA của 2.000 người hiện đang sống vòng quanh thế giới. Kết quả cho thấy, tính trung bình, tỉ lệ đột biến giữa các nhóm dân số trên thế giới khác nhau khoảng 27 (trong tổng số 379 đột biến được nghiên cứu). Ngoài ra, mtDNA của giống dân Neandertals không đồng dạng với mtDNA của người Âu châu. Nói cách khác, qua bằng chứng di truyền học, giống dân Neandertals không phải là tổ tiên của người Âu châu ngày nay. Đây là một khám phá quan trọng, vì nó loại bỏ vai trò của người Neadertals trong việc suy luận về nguồn gốc con người hiện đại. Đó là một khám phá đánh một “đòn chí tử” vào Giả thuyết Nhiều vùng.

Nói một cách khác, mtDNA của người Âu châu đang sống hiện nay cũng chính là mtDNA của người Cro-Magnons, và do đó, giống dân Neandertals không phải là một giống người nằm trong quá trình tiến hóa từ Homo erectus sang người Homo sapiens hiện đại. Giống dân Neandertals không phải là tổ tiên của người Âu châu hiện đại.

Tản mát ra khỏi Phi châu

Nếu tổ tiên con người hiện đại xuất phát từ Phi châu, thì một câu hỏi được đặt ra là sau đó họ đi đâu, vào lúc nào? Bằng chứng khảo cổ học cho chúng ta nhiều thời điểm mà con người di dân ra khỏi Phi châu, và những thời điểm này có thể đối chiếu với bằng chứng di truyền học để cho ra một câu chuyện di dân tương đối hoàn chỉnh. “Bằng chứng di truyền” ở đây là những phân bố DNA và gen trong các sắc dân hiện đại trên khắp 5 châu. Qua những phân bố DNA và gen, chúng ta có thể ước tính những khoảng cách di truyền giữa các sắc dân [8]. Khoảng cách di truyền càng gần có nghĩa là hai sắc dân càng giống nhau. Kết quả phân tích này có thể tóm gọn bằng thời điểm định cư như sau:

Phi châu – Á châu: 100,000 năm 
Á châu – Úc châu: 55,000 năm
Á châu – Âu châu: 43,000 năm
Âu châu – Mĩ châu: 15,000 - 50,000 năm

Theo kết quả phân tích khoảng cách di truyền giữa các sắc dân và các hiện vật cổ, chúng ta có thể khẳng định rằng con người hiện đại di dân ra khỏi Phi châu và đến Á châu vào khoảng 100.000 năm trước đây. Có thể trong đợt di dân đầu tiên họ đến vùng Trung Đông, nhưng không thể định cư được vì thời tiết khắc nghiệt, sau đó có thể họ phải làm thêm một hành trình thứ hai từ Trung Đông đến tận vùng Đông Nam Á châu. Cũng có thể họ đi thẳng từ Đông Phi châu, dọc theo đường biển Ả Rập ngày nay băng ngang qua Ấn Độ, và đến định cư ở Đông Nam Á.

Từ Đông Nam Á, họ lại di cư một lần nữa: nhóm một đi về hướng nam ra Úc châu và Tân Guinea; nhóm hai đi về hướng bắc đến Trung Quốc và Nhật Bản, và cuộc di dân này xảy ra vào khoảng 55.000 năm trước đây. Điều này cũng phù hợp với các dữ kiện di truyền gần đây cho thấy người Trung Hoa ngày nay, nhất là người Trung Hoa ở phía nam Trung Quốc rất gần và có tổ tiên ở vùng Đông Nam Á châu. Ngoài ra, gần đây, một nghiên cứu mtDNA [tuy chưa đầy đủ] còn cho thấy người Việt có thể là một dân tộc cổ nhất trong vùng Đông Nam Á.

Cuộc định cư ở Âu châu có lẽ xuất phát từ ngả Tây Á châu và Bắc Phi châu, vào khoảng 43.000 năm về trước. Thời điểm di dân từ Đông Bắc Á châu vào Mĩ châu là khó đoán nhất. Dựa vào bằng chứng khảo cổ, giới khảo cổ học cho rằng cuộc di dân đó xảy ra vào khoảng 15.000 đến 50.000 năm trước đây, nhưng đây chỉ là một ước tính rất “thô”, và sự nhất quán với bằng chứng về khoảng cách di truyền không mấy cao.

Nói tóm lại, một số nghiên cứu quan trọng gần đây cho thấy con người hiện đại như chúng ta có nguồn gốc từ Phi châu, cụ thể là Đông Phi châu. Từ Phi châu, tổ tiên chúng ta di cư đến Á châu (nhất là Đông Nam Á), và từ Á châu họ tản mát đi khắp 4 châu còn lại, kể cả các hòn đảo vùng nam Thái Bình dương. Tất nhiên, đây chỉ là câu chuyện mới được phát họa, nhiều chi tiết vẫn còn trong vòng nghiên cứu thêm. Một trong những chi tiết mà chúng ta cần tìm hiểu thêm là mối liên hệ giữa người Việt hiện nay và các dân tộc trong vùng Đông Nam Á châu.

Tổ tiên gần nhất của chúng ta xuất phát từ đâu, họ đến Việt Nam bằng cách nào, vẫn còn là những vấn đề khoa học “nóng”, đòi hỏi nhiều nghiên cứu về di truyền học, khảo cổ học, và ngôn ngữ học. Tuy nhiên, với sự tiến bộ phi thường về khoa học di truyền và công nghệ sinh học trong khoảng mười năm qua trở lại đây, tôi tin rằng việc nghiên cứu quá trình lịch sử di truyền của người Việt chúng ta sẽ đem lại nhiều kết quả thích thú và làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc tổ tiên của chúng ta. Có một điều khá chắc chắn mà tôi muốn nói ở đây là người Việt không xuất phát từ người Trung Hoa; ngược lại, người Trung Hoa rất có thể có nguồn gốc từ người Bách Việt ở Đông Nam Á.

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA TỤC LÌ XÌ NGÀY TẾT

Khám phá/ VNN 9/2/2016

nguon goc va y nghia cua tuc li xi ngay tet - 1

Xưa nay, chúng ta vẫn quen với việc lì xì mỗi dịp Tết về. Vậy, ý nghĩa của tục lì xì này bắt nguồn từ đâu?
Tết vui, Tết sum vầy, Tết là phải có bánh chưng, bát Tét. Nhưng Tết cũng không thể thiếu chuyện mừng tuổi cho nhau, chúc nhau may mắn, sức khỏe, giàu có, sung túc. Từ trẻ con, người già, thậm chí là những người trung tuổi đều được nhận phong bao lì xì thể hiện sự may mắn.
Người Việt bao đời nay vẫn giữ nguyên phong tục truyền thống ấy và nhất nhất không thể nào quên mỗi dịp đi chơi, gặp gỡ người khác khi xuân về.
Sự tích kể rằng, phong tục lì xì ngày Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.
Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy.
Cứ giao thừa hoặc mùng 1 là cả nhà sum vầy. Con cháu mừng tuổi ông bà trước rồi tới lượt ông bà lì xì lại con cháu để may mắn cả năm. (ảnh minh họa)
Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Thấy việc lấy tiền bọc trong bao đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ em mạnh khỏe an lành nên cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em, còn gọi là tiền lì xì và nó dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì ngày Tết.
Cũng từ đây, phong tục này du nhập vào Việt Nam và trở thành một phong tục truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến. Chỉ cần là Tết, trẻ con, người già sẽ luôn là những người nhận được tiền lì xì đầu tiên. Phong bao lì xì thường là màu đỏ, là màu của may mắn, kèm theo tiền lì xì ở bên trong và những lời chúc. Tất cả đều thề hiện sự may mắn, mang lộc tới nhà và sức khỏe dồi dào. Với trẻ con thì ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn. Với người già thì khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi. May mắn đầu năm để cả năm được vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc. Người ta có thể lì xì cho nhau từ ngay lúc giao thừa cho tới tận ngày mùng 9-10, thậm chí kéo dài hơn nữa.
Người Việt mình theo phong tục, cứ giao thừa hoặc mùng 1 là cả nhà sum vầy. Con cháu mừng tuổi ông bà trước rồi tới lượt ông bà lì xì lại con cháu để may mắn cả năm. Những người tới chơi cũng được nhận lì xì từ chủ nhà hoặc ngược lại. Số tiền bên trong ít nhiều không quan trọng, quan trọng là lấy hên, là mang ý nghĩa may mắn.
Cho tới nay, chuyện lì xì ngày Tết vẫn là một phong tục không thể thiếu được trong mỗi gia đình. Nhìn cảnh ông bà, bố mẹ, con cháu lì xì cho nhau, vui vẻ, ấm cúng mới đúng mới thuần phong mỹ tục của gia đình và Tết Việt.
Theo Khám phá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét