Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

20160205.BÀN VỀ KỶ CƯƠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
 CÁI GỌI LÀ KỶ CƯƠNG CỦA TỔNG TRỌNG
Bài của NGUYỄN HƯNG QUỐC/ĐVO/ BVB 4/1/2016
Ông Nguyễn Phú Trọng bỏ lá phiếu đầu tiên bầu Trung ương khóa 12 tại Hà Nội, ngày 26/1/2016.
Sau khi Đại hội đảng lần thứ XII bế mạc, Nguyễn Phú Trọng có một cuộc họp báo ngắn, 30 phút, trong đó, ông thú nhận là chính ông cũng bị bất ngờ trước việc ông được tái đề cử và cuối cùng, tái đắc cử chức tổng bí thư với (“gần như”) 100% phiếu bầu. Quan trọng hơn, khi trả lời các câu hỏi của phóng viên, ông khẳng định hai ý:
Thứ nhất, tất cả các cuộc bầu cử trong đại hội đều đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn, và đặc biệt, rất dân chủ. Ông nhắc lại lời nhận định của ai đó trong đại hội: “Đại hội này dân chủ đến thế là cùng.”
Thứ hai, cuối buổi họp báo, ông nhấn mạnh: “Hiện nay, bao nhiêu đoàn thể, tổ chức chính trị ra đời, nhưng vẫn phải có kỷ cương. Đất nước không có kỷ cương thì rối loạn, mất ổn định, như vậy Việt Nam không thể phát triển.”
Trước hết, về chuyện dân chủ, có thể Nguyễn Phú Trọng nghĩ và tin như thế thật. Có điều cái nghĩ và niềm tin của ông về dân chủ khác hẳn với chúng ta. Đó mới chính là vấn đề.
Với Nguyễn Phú Trọng, dường như cứ hễ có người cầm lá phiếu bỏ vào thùng là có dân chủ. Khi những lá phiếu ấy là phiếu kín, gắn liền với quyết định của người bầu, ngay cả khi nó trái với ý định của cấp trên, tính chất dân chủ lại càng rõ nét. Nhưng đó chỉ là hình thức, một trong những hình thức của dân chủ. Không thể đồng nhất việc bỏ phiếu và dân chủ. Có vô số những cuộc bỏ phiếu mà vẫn không có dân chủ. Như các cuộc bỏ phiếu trong các kỳ đại hội đảng, chẳng hạn.
Biểu hiện phi dân chủ đầu tiên trong các cuộc bầu cử ở đại hội đảng là: đó chỉ là những cuộc bầu cử trong nội bộ 1.510 đại biểu của đảng cộng sản chứ không phải của dân chúng. Những đại biểu ấy đều là đảng viên, được chính quyền trung ương hoặc địa phương chọn. Những đại biểu ấy bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. Ở đây chúng ta thấy rõ hai điều: Một, dân chúng hoàn toàn bị loại trừ. Từ đầu đến cuối, dân chúng hoàn toàn không có tiếng nói nào cả. Hai, ngay cả 4,5 triệu đảng viên trong cả nước cũng bị loại trừ: Các đại biểu được lựa chọn từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên.
Biểu hiện phi dân chủ thứ hai là ở quy chế bầu cử trong đại hội. Tất cả các ứng cử viên cho mỗi chức danh đều được Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương chỉ định. Không có ai được tự ứng cử. Các đại biểu tham dự đại hội có thể đề cử nhưng người được đề cử phải xin rút, sau đó, đại hội sẽ bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý với việc rút tên ấy. Tất cả các đại biểu đều hiểu rõ người được đề cử ấy trái với ý muốn của Bộ Chính trị, do đó, luôn luôn bỏ phiếu đồng ý, và hậu quả là tất cả những người được đề cử trong đại hội đều bị loại. Như vậy, chúng ta thấy rất rõ, dù được quyền bỏ phiếu, tất cả các đại biểu đều phải tuân lệnh của Bộ Chính trị. Như vậy, cái gọi là tự do bỏ phiếu ấy chỉ là chuyện hình thức. Đó không phải là dân chủ.
Biểu hiện thứ ba của tính chất phi dân chủ nằm ở tiêu chuẩn bầu cử. Thường, dưới chế độ dân chủ, khi bầu giới lãnh đạo, người ta căn cứ trên tài năng và tài năng ấy được thấy rõ nhất qua hai khía cạnh: khả năng hoạch định chính sách và khả năng thực hiện chính sách. Ở Việt Nam, tất cả những người được đảng đề cử đều không có cơ hội trình bày các chính sách của mình bởi lẽ đơn giản là không có ai có thể có chính sách riêng cả. Hậu quả là mọi lá phiếu, ngay cả khi được tự do lựa chọn, cũng chỉ căn cứ trên quan hệ xã hội hay quan hệ chính trị là chính. Đó không phải là một sự lựa chọn dân chủ.
Tuy nhiên, điều cần làm sáng tỏ là nhận định thứ hai của Nguyễn Phú Trọng:“Không có kỷ cương thì rối loạn”.
Nhận định ấy, thật ra, không có gì mới lạ. Ở đâu cũng thế. Ngay ở phương Tây, dưới các chế độ dân chủ, người ta cũng đều nghĩ thế. Tự bản chất, mọi sự rối loạn đều xuất phát, trước hết, từ sự thiếu kỷ cương. Vấn đề ở đây là: thế nào là kỷ cương?
Ở Tây phương, nói đến kỷ cương là nói, trước hết, đến luật pháp. Một xã hội kỷ cương là một xã hội thượng tôn luật pháp, ở đó, mọi người, từ dân chúng đến giới lãnh đạo, đều phải làm việc và hành xử đúng theo quy định của luật pháp. Không có người nào, tuyệt đối không có người nào, kể cả những người lãnh đạo cao nhất, được quyền đứng bên ngoài hay bên trên luật pháp. Với Nguyễn Phú Trọng, cái gọi là kỷ cương ấy chỉ có nghĩa đơn giản là mọi người phải chấp nhận sự lãnh đạo độc tôn và tuyệt đối của đảng Cộng sản.
Khi đề cao kỷ cương, Nguyễn Phú Trọng chỉ muốn nhấn mạnh một số điểm: Một, Việt Nam là một đất nước độc đảng; hai, với tính chất độc đảng ấy, Việt Nam không công nhận bất cứ hình thức đối lập nào, kể cả hình thức đối lập nhẹ nhàng và hoà bình nhất là sự phản biện của giới trí thức; ba, Việt Nam cũng không thừa nhận sự tồn tại của xã hội dân sự vốn, tự bản chất, thoát ra ngoài sự lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản. Nói cách khác, với Nguyễn Phú Trọng, kỷ cương là đặt mọi sự dưới sự kiềm chế và kiểm soát khe khắt của đảng của ông.
Với cách hiểu như thế, khái niệm kỷ cương hoàn toàn trái ngược với khái niệm dân chủ vốn đề cao sự đa nguyên và sự phân tán quyền lực. Có thể nói, theo cách hiểu ấy, xã hội càng kỷ cương bao nhiêu, nó lại càng mất dân chủ bấy nhiêu.
Chỉ trong một cuộc họp báo kéo dài 30 phút, Nguyễn Phú Trọng đã tự mâu thuẫn với chính ông khi, một mặt, khoe khoang tính chất dân chủ của chế độ, mặt khác, lại đề cao cái gọi là kỷ cương với cách hiểu là nhất nhất đều phải tuân theo sự lãnh đạo của đảng. Vậy mà ông có vẻ kiêu hãnh về “trình độ lý luận” của mình ghê lắm (khi ông cho tổng bí thư phải là người miền Bắc và có… lý luận!)
Chán !
Nguyễn Hưng Quốc/ĐVO
THÔNG BÁO TỪ BỎ ĐẢNG
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 3/2/2016
Tôi là Nguyễn Đình Cống, sinh năm 1937. Tôi vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1985, tại đảng bộ Đại học Xây dựng, lúc 48 tuổi và đã được phong chức danh Phó giáo sư, tiến sĩ, hiện nay là Giáo sư. Tôi vào Đảng với nguyện vọng đóng góp trí tuệ và công sức làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Thế nhưng càng ngày tôi càng nhận ra rằng Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) có nhiều độc hại, rằng Chủ nghĩa cộng sản chỉ là ảo tưởng, rằng thể chế hiện tại của Việt Nam là sự độc tài toàn trị của Đảng. Tôi đã viết nhiều bài phân tích sai lầm của Mác, viết nhiều thư gửi tổ chức Đảng góp ý kiến về việc từ bỏ CNML và thay đổi thể chế, viết ý kiến đóng góp cho Đại hội 12 với hy vọng đại hội sẽ có chuyển biến tốt về phía dân chủ. Thế nhưng ĐH 12 vẫn kiên trì CNML và đường lối chính trị cũ. Tôi thấy không còn lý do để tiếp tục ở trong Đảng, cũng là để tỏ thái độ dứt khoát với CNML và sự độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy tôi thông báo từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 03 tháng 02 năm 2016. Yêu cầu tổ chức Đảng xóa tên tôi khỏi danh sách.
N. Đ. C.
Tác giả gửi BVN.
TỔNG TRỌNG CÓ CÒN SỢ 'VỠ BÌNH'?

Bài NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVB 5/2/2016

Đảng CSVN có chống được THAM NHŨNG?
          Tham nhũng là căn bệnh trầm kha, hiện nó đang hoành hành và làm xói mòn xã hội Việt Nam cũng như chính Đảng Cộng sản cầm quyền! Cái CƠ CHẾ chính trị ở Việt Nam vừa là gốc rễ vừa là căn nguyên sinh ra mọi tật  bệnh tham nhũng!  Và oái oăn thay - song cũng là lẽ thường tình - tất cả bọn tham nhũng, từ những con sâu đơn lẻ cho đến cả bầy sâu tập thể, cho dù đã lộ hay chưa bị lộ, lại là những kẻ hăng hái và tích cực nhất trong việc bảo vệ và giữ cho bằng được cái BÌNH - tức cái CƠ CHẾ đã sản sinh ra chúng – không bị ai ném vỡ!
Nạn tham nhũng ở nước ta bắt đầu xuất hiện từ giữa những năm 1980’s, khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới (được khởi đầu sau Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12/1986), nhưng nó nảy nở và bùng phát mạnh mẽ trong suốt thập niên 1990’s ( trùng với nhiệm kỳ của Đại Hội VII và Đại Hội VIII ) và nó trở thành cao trào trong cả 10 năm sau đó (từ năm 2000 – 2010, vào thời điểm ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư 2 khoá liền). Riêng trong khoảng 4 - 5 năm gần đây, THAM NHŨNG đã trở thành quốc nạn! 
         Cứ định kỳ 5 năm, ĐCSVN lại tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc một lần. Từ năm 1991 đến nay, đúng tròn 25 năm, ĐCSVN đã trải qua 6 kỳ Đại hội Đảng - từ Đại hội VII tháng 6/1991 đến Đại hội XII tháng 1/2016 vừa qua - và Đảng cũng đã lần lượt kinh qua 4 đời Tổng Bí thư thay nhau cầm quyền (Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và nay là Nguyễn Phú Trọng), nhưng nạn THAM NHŨNG không hề chấm dứt, nó vẫn còn đấy, như một căn bệnh thời đại, thách thức toàn thể dân tộc và xã hội Việt Nam!
           Xưa nay, đã như một ước lệ, trước mỗi kỳ Đại hội, ĐCSVN luôn nêu lên những “nguy cơ” có khả năng đe doạ sự tồn vong của mình, trong đó Đảng nêu bật THAM NHŨNG là một trong các “nguy cơ” hàng đầu, và không quên nêu cao quyết tâm và đề ra các biện pháp phòng chống và ngăn chặn chúng! Song cho đến nay, Đảng coi THAM NHŨNG chỉ  là “nguy cơ”, chứ đâu có thừa nhận nó là một hiểm hoạ hiển nhiên cho chính cuộc sống của mình?  Thực tiễn, từ đầu những năm 2000’s đến nay, THAM NHŨNG đã trở thành CĂN BỆNH UNG THƯ ác tính, đã và đang di căn khắp cơ thể của Đảng rồi!  Vâng, nó đâu còn là nguy cơ nữa, mà nó đã và đang là giặc nội xâm, hàng ngày hàng giờ đang tàn phá đất nước và xã hội Việt Nam ta! Bọn tham nhũng là những con chuột to nhỏ, lớn bé, nhung nhúc cả bầy đàn đang ngập tràn khắp cơ thể của Đảng, không trừ một ngõ ngách nào mà nó không hiện diện!  Ngày nay bọn tham nhũng không chỉ là bầy đàn bé nhỏ nữa, mà đã lớn mạnh, trở thành “tập đoàn” chuột bọ tham nhũng có “thương hiệu” cả rồi!
         Trước tình hình đất nước như trên, người viết bài này xin đề nghị với 4 ngài: 3 cựu và 1 đương kim Tổng Bí thư đáng kính của ĐCSVN quang vinh - tuy các vị tuổi đã cao nhưng đầu óc chắc vẫn còn sáng suốt và minh mẫn - trả lời và giải thích cho nhân dân Việt Nam mấy câu hỏi sau đây:
   -  Tại sao Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cứ càng kêu gào diệt trừ THAM NHŨNG thì tệ nạn này ngày một lớn mạnh hơn, lại phát triển nhanh rộng hơn, đến nay đã trở thành quốc nạn?
   -  Ai là kẻ phải chịu trách nhiệm về quốc nạn này? Có phải là Đảng cầm quyền ?
   - Và Đảng Cộng sản Việt Nam liệu có chống được quốc nạn này và diệt được bọn chuột bọ tham nhũng để cứu dân không?   
        Người dân và đông đảo đảng viên ĐCSVN gọi tham nhũng là quốc nạn, và thực tế nó đã là quốc nạn. Thủ phạm của quốc nạn này là những đảng viên gạo cội của Đảng từ cấp cơ sở cho đến cấp Trung ương, chứ không phải là những người dân. Song gánh chịu quốc nạn tham nhũng này lại là toàn bộ 92 triệu người dân Việt Nam, là những người gò lưng đóng thuế cho ngân sách quốc gia để cho bọn chuột bọ tham nhũng chui sâu trong Đảng chia nhau xà xẻo!
        Người dân nói chung (kể cả rất nhiều đảng viên tâm huyết) quả quyết rằng 100% bọn chuột, bọ tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền! Dân thường không thể tham nhũng, vì ai muốn làm điều đó đâu có dễ?  Một thực tế là tuyệt đại đa số những vụ tham nhũng bị lôi ra ánh sáng từ trước đến nay là do người dân và báo chí phát hiện, phanh phui ra. Chứ các vụ do các cơ quan chuyên trách của Đảng và Nhà nước như Kiểm tra, Thanh tra hoặc các cơ quan điều tra của Công an hay Viện Kiểm sát lôi ra thì rất ít, có thể đếm được trên đầu ngón tay!  Do vậy, người dân xin được nêu thêm một nghi ngờ nữa:
         -Nguyên nhân vì sao các cơ quan chuyên trách của Đảng và Nhà nước lại   kém cỏi như vậy?
       Nhưng nguy hiểm nhất, nguy hiểm đến tột cùng là trong khoảng 3 - 4 năm gần đây, nạn THAM NHŨNG không chỉ xảy ra trong lĩnh vực vật chất như trước đây nữa mà nó đã bắt đầu thâm nhập và lan sang các lĩnh vực nhạy cảm và cực kỳ nguy hiểm như: đạo đức, quyền lực, tổ chức nhân sự, chính sách và đặc biệt là cả chính trị nữa!  Người ta gọi THAM NHŨNG đã nguy hiểm, song THAM NHŨNG QUYỀN LỰC, đặc biệt là THAM NHŨNG CHÍNH TRỊ còn nguy hiểm hơn gấp bội phần! Vậy Đảng có thấy tình trạng tham nhũng dạng mới này đang hoành hành ngay tại trung tâm thần kinh tối quan trọng mà Đảng đang một mình độc chiếm và nắm giữ không? Bây giờ bọn tham nhũng không chỉ là những con sâu, con chuột đơn lẻ như trước đây nữa mà nay nó đã liên kết với nhau và phát triển mạnh gấp nhiều lần trước đây, và trở thành những đàn chuột, bày sâu, thậm chí thành “tập đoàn” sâu, chuột tham nhũng rồi!
         Cách đây 5 năm, sau Đại hội XI, ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư. Nhiều người, trong đó có bản thân tôi, thắp lên đôi chút hy vọng khi thấy ông ta nêu quyết tâm và tiến hành một vài biện pháp phòng, chống tham nhũng, chẳng hạn như:  Đề ra NQTƯ 4, tái lập Ban Nội chính Trung ương đặc trách công việc này, thu gom Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng từ bên Chính phủ về bên Đảng, đặt Ban này trực thuộc Bộ Chính trị do đích thân ông ta làm Trưởng Ban. Và quả ông Nguyễn Phú Trọng có làm được một số việc, nhưng dần dần tôi thấy cái quyết tâm chống tham nhũng trong ông mờ nhạt đi và yếu kém dần!  Đặc biệt, qua những phát biểu về phòng, chống tham nhũng của ông, tôi cảm thấy thêm lo và thất vọng nhiều! Trong khi tham nhũng trở thành quốc nạn, là bệnh ung thư ác tính đang di căn tàn phá đất nước, thì TBT Nguyễn Phú Trọng lại không cho là như vậy. Phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội chiều 27/9/2013, ông Trọng nói tham nhũng “như ngứa ghẻ, phải gãi, rất khó chịu!”. Hơn một năm sau, vào tháng 10/2014, cũng trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình ở Hà Nội, đề cập đến công cuộc chống tham nhũng, ông Trọng đưa ra một nội hàm khó hiểu: “Đánh chuột nhưng đừng để vỡ BÌNH!” Đây quả là một thông điệp vui, một tín hiệu mừng cho bọn tham nhũng, nhất là bọn tham nhũng chưa bị lộ! Nhưng lại là một thông điệp buồn, một tín hiệu xấu, gây thất vọng cho người dân!  Nay, sau Đại hội XII, ông Trọng lại “không ngờ được tín nhiệm cao, gần như 100% phiếu tuyệt đối “bầu ông ở lại chức vụ TBT thêm một nhiệm kỳ nữa”! Người tiền nhiệm của ông Trọng là ông Nông Đức Mạnh đã để lại một di sản quá nặng nề cho người kế nhiệm! Không rõ, ông Trọng sẽ xoay sở sao đây?  Với tư cách là một công dân có tuổi, người viết bài này xin được đề đạt và kiến nghị với Đảng và với ông Nguyễn Phú Trọng 2 điểm sau đây:
       1/. Ông Trọng, với cương vị là TBT của Đảng, nên và cần đưa ra một kế hoạch cụ thể (chương trình nghị sự) của  Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII nói chung và TBT nói riêng về Chương trình phòng chống và diệt trừ tham nhũng, để toàn dân giám sát và chung tay thực hiện! Kế hoạch càng cụ thể càng tốt. Tôi tin là toàn dân sẽ sát cánh và ủng hộ TBT và BCHTW Đảng.
       2/. Để tăng tính hiệu quả và chứng tỏ sự nghiêm túc và quyết tâm của Đảng, trong chương trình nghị sự của mình, TBT cần vạch ra lộ trình cụ thể từng giai đoạn một, và nên đưa ra cam kết là trong vòng 2 hoặc 3 năm, nếu không ngăn chặn và diệt trừ được tham nhũng, TBT sẽ từ chức để nhường trọng trách cho người khác trẻ hơn, có năng lực và quyết tâm hơn thay thế ông thực hiện sứ mạng lịch sử này.
         Nếu thực hiện được việc ngăn chặn rồi tiến tới diệt trừ tận gốc quốc nạn tham nhũng, cho dù phải đập vỡ cái BÌNH mang danh là bình quý song lại là nơi mà bọn chuột bọ tham nhũng lợi dụng ẩn náu trong đó, Đảng còn luyến tiếc chi mà không dám làm ngay?  Hãy vì lợi ích của dân và của đất nước, phải dũng cảm tiến lên, cùng toàn dân xây dựng lại đất nước Việt Namđàng hoàng hơn, to đẹp hơn! Lúc đó ta sẽ tìm sắm một cái BÌNH khác quý hơn, có giá trị hơn, sạch sẽ hơn mà không bọn chuột bọ nào dám bén bảng đến gần! 
       Hà Nội, ngày kỷ niệm thành lập Đảng, 3/2/2016.
  1. Đ.Q (Tác giả gửi BVB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét