Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

20160216. BÀN VỀ NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG CỦA VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG-CUỘC CHIẾN SỐNG CÒN
TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVB 15/2/2016
Không phải chỉ các nhà khoa học đoạt giải Nobel mới hiểu và chứng minh một cách định lượng rằng năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng nhất đánh giá sức mạnh của bất kỳ một nền kinh tế nào mà ngay cả mấy người khai sinh ra lý thuyết về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản như Mác, Anghen, hay Lenin cũng đã tốn nhiều giấy mực để chứng minh điều đó.
Vậy mà chúng ta, những kẻ dường như tôn thờ chủ thuyết Mác-Lê và quyết phấn đấu cho một nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” xem ra nói thì nhiều mà làm chẳng được mấy để đưa nền kinh tế thoát khỏi vũng lầy “năng suất lao động thấp” so với phần còn lại của thế giới.
Có rất nhiều nguyên nhân biện minh cho thực trạng tệ hại này. Việc mổ xẻ, phân tích các nguyên nhân đó nhất là các nguyên nhân chủ quan là rất cần thiết để chúng ta có thể lột xác trên con đường hội nhập để tranh thủ những cơ hội một đi không trở lại.
Tình hình chung
Thực tế, chỉ so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động ở nước ta chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 1/15 so với Singapore. Ở Việt nam hễ nói đến năng suất lao động, nhiều chuyên gia thường đánh giá phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, sử dụng công nghệ cao, tăng trưởng xanh và đổi mới quản trị (thể chế).
Khó khăn lớn nhất là thống kê về lao động trong từng khu vực thể chế như các loại doanh nghiệp nhà nước, các công ty dịch vụ độc quyền nhà nước (sự nghiệp), các hoạt động hành chính vẫn không được công bố rõ ràng, chính xác nên khó lòng tính toán và đánh giá đúng về năng xuất lao động ở Việt Nam. Nguồn của Niên giám thống kê thì tù mù, dường như chỉ thoả mãn cho các mong muốn chính trị nên dựa vào đó thì chỉ có phán đoán sai. 
Tỷ lệ thất nghiệp cũng mơ hồ, không rõ ràng vì ngay cả định nghĩa của ILO cũng không phù hợp với một nước đang phát triển như Việt Nam. Thí dụ chỉ tự làm 1 giờ trong tuần điều tra là coi như có việc làm là  không hợp lý khi mà nông dân chỉ cần vác cuốc ra đồng 1 giờ là được coi không thất nghiệp.
Ở Việt nam dân số vàng vào năm 2007 nhưng chỉ đến năm 2011 đã giao thoa, đến 2030 sẽ cân bằng già trẻ. Đến năm 2035 Việt nam thuộc loại dân số già. Nhật Bản còn khốn khổ về dân số già, chắc đến lượt Việt Nam thì khó khăn chưa biết đến như thế nào!
Giảm tỷ lệ dân ở tuổi lao động sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế vì kinh tế phát triển dựa vào hai nhân tố: tăng dân số hoặc tăng năng suất lao động.                       
>>  Năng suất lao động Việt Nam thấp nhất Châu Á    
Vì sao năng sut lao động Vit Nam thp?
Để đánh giá chính xác năng suất lao động thấp phải khảo sát nghiên cứu một cách định lượng thì mới có thể biết rõ đâu là nguyên nhân chính và từ đó mới đưa ra được chính sách. Tuy vậy, năng suất nói chung bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
Th nht là tri thức và tay nghề của lao động. Giáo dục nói chung có thể nâng tri thức nhưng tay nghề thì cần giáo dục nghề nghiệp. Cái này thì Việt Nam thiếu, các trường dạy nghềthay vì được phát triển thì biến thành các đại học dạy tri thức chung. Vì vậy mà có nạn thừa thầy, thiếu thợ, mà nhiều nơi, thầy cũng không ra thầy, thợ không ra thợ. 
Th hai là công cụ, nói chung là máy móc và kỹ thuật tiên tiến. Cái này Việt Nam cũng thiếu vì Việt Nam chủ yếu nhập công cụ, máy móc lạc hậu từ Trung Quốc, sử dụng nhiều nguyên nhiên liệu và lao động và lại hay hỏng hóc nên giá thành đắt. Ngay mới đây, vụ mua 600 toa xe do Trung Quốc đào thải thì làm sao có được năng suất lao động cao?. Hàn Quốc chủyếu nhập kỹ thuật và đòi chuyển giao công nghệ và hạn chế FDI để nắm được công nghệ. Trung Quốc cũng theo học như Hàn Quốc nhưng mở rộng cho FDI vào một số ngành nghề. Việt Nam thì chủ yếu dựa vào FDI mà trung gian thực hiện (thắng thầu hay quản lý) là Trung Quốc. 
Th ba là thể chế ảnh hưởng có tính chất quyết định đến năng suất lao động. Trung Quốc và Việt nam dựa vào doanh nghiệp nhà nước, còn Hàn Quốc dựa vào tư nhân. Hệ thống quản trị ở nước ta vừa yếu kém, vừa tham nhũng có tính phổ biến.
Th tư là chính sách với công nhân cũng là yếu tố quyết định liên quan đến năng suất lao động. Trả lương quá thấp thì chỉ thu hút được lao động không chuyên. Xung đột với quản lý và đình công làm giảm sản lượng và tăng giá thành. Số lượng đình công ở Việt Nam ngày càng nhiều.
Giải pháp
Trong qúa trình hội nhập và nhập hội, tác động rất lớn đến năng suất lao động.  Việt Nam không thể là một kẻ lập dị trong một thế giới văn minh phát triển. Muốn vậy, vẫn là muôn thuở, phải luôn tự " nhìn lại mình và vượt lên chính mình ". Hội nhập là thay đổi sao cho dân tộc không còn tách rời với cộng đồng thế giới, và cộng đồng này cũng không thể hờ hững với Việt Nam . 
Năng suất lao động là do các yếu tố như  điều kiện tự nhiên và mô hình thể chế đem lại. Về mô hình thể chế thì quá rõ khi so sánh trước và sau chính sách Đổi mới. Hiện trạng ngày nay bộ máy cồng kềnh gồm Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội ngốn đến 35% thu ngân sách là rào cản tăng năng suất lao động. Chỉ có cải cách thể chế để tạo động lực cho nền kinh tế mới nâng cao được năng suất lao động.
Nếu “mổ xẻ” theo công thức tính năng suất lao động là tỷ lệ giữa GDP với số lao động thì suốt 30 năm đổi mới, Việt Nam mới chỉ giảm được con số 70% lao động nông nghiệp xuống 46% như hiện nay. Trong khi đó, các nước tiên tiến số lao động nông nghiệp chỉ khoảng 5%. Như vậy, số nông nhàn ở Việt nam quá lớn, giải pháp phải làm sao rút xuống con số lao đông nông nghiệp chỉ khoảng 16% trong vòng 10 - 15 năm tới.
Năng suất lao động ở nông nghiệp nói chung là rất thấp vì số lao động dư thừa. Cho nên muốn tăng năng suất lao động của xã hội nói chung thì phải mở rộng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Và khi tính năng suất lao động thì phải loại trừ hoạt động hành chính và sự nghiệp (vì không thể tính bằng cách lấy GDP chia cho số lao động hay giờ lao động được).
Để có năng suất lao động cao, phải chú ý đúng mức tới trình độ đội ngũ lao động tríthức và các chủ đầu tư vì họ là người hoạch định và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách.
Lỗ hổng hiện nay là doanh nghiệp nhà nước vẫn còn khoảng 1000 đang phấn đấu giảm xuống khoảng 400 doanh nghiệp và đảy mạnh doanh nghiệp tư nhân lên con số hơn 500 nghìn. Nan giải còn đến 55 nghìn đơn vị sự nghiệp (2 triệu người) ăn lương nhà nước. Trong khí đó hệ thống bảo hiểm y tế mới đạt khoảng 75% (chỉ có 10% là tự nguyện) cho nên nhà nước vẫn phải hỗ trợ đặc biệt cho các hộ nghèo vv…
Bộ máy hưởng lương nhà nước quá lớn, chồng chéo chức năng nhiệm vụ, không chỉ là gánh nặng về ngân sách, mà còn, trong rất nhiều trường hợp, còn là đi ngược lại sự phát triển, cản trở phát triển.
Muốn có năng suất lao động cao, không còn cách nào khác là phải thay đổi nhận thức và thể chế xã hội, kết hợp thay đổi thói quen văn hoá "làng chài" có từ nghìn năm của người Việt đang càn trở sự phát triển.
Thay cho lời kết
Năng suất lao động là cái nút bấm quyết định làm bật dậy toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Để cái nút bấm này làm được chức năng của nó, phải có một hệ thống và một mạng liên kết từ chỗ thiết kế cho cái nút bấm này ra đời và đưa nó vận hành được trong cuộc sống.
Chính các yếu tố chủ quan nội tại làm cho năng suất lao động ở Việt Nam rất thấp và ngày càng bị các nước có cùng xuất phát điểm bỏ xa. Đó là thể chế chính trị và kinh tế hiện nay làm cho số đông doanh nghiệp chọn con đường làm giàu dựa chủ yếu vào các mối quan hệ thông qua các nhóm lợi ích bất chính, không có động lực và thiếu điều kiện để phát triển bằng nâng cao trình độ công nghệ và quản lý (là những yếu tố quyết định tăng năng suất lao động). Điều này được thể hiện trong câu nói của dân gian : nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, còn trí tuệ ở cuối cùng. 
Chỉ còn khoảng 20 năm nữa là chúng ta hết những thuận lợi của “cơ cấu dân số vàng”, chúng ta cũng sẽ mất luôn những ưu đãi do việc ký kết những hiệp định kinh tế mang lại. Và nếu không có đột phá về chính trị và kinh tế, về cơ cấu, phương thức lao động mà trước hết là phải thủ tiêu triệt để tệ tham nhũng, cơ hội của các nhóm lợi ích để tạo động lực cho tăng năng suất lao động thì khẩu hiệu ‘nhanh chóng công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại” mà Đại hội Đảng khóa 12 đưa ra, mãi mãi chỉ là “khẩu hiệu”, hay nói cách khác Việt nam là nước không chịu phát triển.
TVT (Tác giả gửi BVB)
TUYỆT VỌNG VÀ BẤT LỰC
NGUYỄN HƯNG QUỐC/ BVB 15/2/2016
Tuần rồi, tôi gặp một số người quen từ Việt Nam sang Úc chơi. Hầu hết đều là người miền Nam và thuộc giới khoa bảng, có bằng cấp cao và hiện giảng dạy tại các trường đại học lớn ở Việt Nam. Lúc chuyện trò, chẳng hiểu sao, câu chuyện lại hướng về Đại hội đảng lần thứ XII vừa mới kết thúc.
Mặc kệ?
Điều khiến tôi ngạc nhiên vô cùng là không ai có vẻ hiểu biết gì về đại hội ấy. Người ta biết rất lờ mờ về kết quả bầu cử; về chuyện ai đi ai ở lại; về chuyện trong Bộ Chính trị hay Ban Chấp hành Trung ương có bao nhiêu người; và hoàn toàn không biết gì về những cuộc đấu đá giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng. Với chút ngượng nghịu, họ thú nhận là họ không biết gì nhiều. Rồi, cũng với chút ngượng nghịu, họ phân bua: Họ không để ý theo dõi. Không đợi tôi hỏi, họ phân bua tiếp: Ông nào lên, ông nào xuống thì Việt Nam cũng vẫn thế. Không có gì thay đổi cả. Biết vậy thì quan tâm để làm gì? Thì giờ, người ta để dành cho việc kiếm sống. Rảnh, thì rủ bạn bè ra quán, nhậu. Vậy thôi.
Chưa hết, người ta còn thanh minh thêm: Không phải chỉ có họ, mà ngay cả các đảng viên ở Sài Gòn cũng vậy, cũng chả tha thiết gì đến chuyện chính trị. Rồi họ đọc cho tôi nghe một câu ca dao mới nói về tính cách của người “Nam kỳ”:
Nam kỳ ăn nhậu lai rai
Nghị quyết đọc hoài chẳng nhớ một câu.
Thú thực, tôi đã nghe những lời phân trần như vậy khá nhiều lần. Và lần nào cũng ngạc nhiên. Bởi nó khác hẳn kinh nghiệm thường ngày của tôi tại Úc. Ở Tây phương, người ta hay khuyên không nên nói đến chuyện chính trị vốn là yếu tố rất dễ gây ra bất đồng. Nhưng đó là lời khuyên giành cho những người lạ, ở chỗ sơ giao. Trên thực tế, trong khoa tôi dạy, giữa các đồng nghiệp, chúng tôi vẫn rất hay nói đến chuyện chính trị. Người ta ít khi trình bày lộ liễu chủ kiến của mình nhưng qua sự phân tích, hầu như ai cũng chứng tỏ là họ rất hiểu biết về các biến động trong sinh hoạt chính trị tại Úc cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ. Sự hiểu biết ấy trở thành một dấu chỉ của khái niệm trí thức.
Sẽ rất đơn giản nếu chúng ta quy việc thiếu quan tâm đến chính trị của người Việt Nam như một biểu hiện của chứng vô cảm. Đành là đúng. Sống trong một quốc gia mà người ta không hề để ý đến các biến cố quan trọng có sức ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước và tương lai của dân tộc, nếu không gọi là vô cảm thì là cái gì? Nhưng vấn đề là: tại sao người ta vô cảm như vậy? Câu trả lời đầu tiên là chính sách tuyên truyền cho tất cả hãy để cho “nhà nước lo” ở Việt Nam. Hậu quả của chính sách tuyên truyền ấy là mọi người xem chuyện đất nước thuộc trách nhiệm của ai đó, không dính líu gì đến mình. Không quan tâm đến đất nước, người ta cũng chả thèm để ý đến các sinh hoạt chính trị như đại hội đảng hay các cuộc hội nghị trung ương.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vô cảm ấy, tôi nghĩ còn có một tâm lý khác: tuyệt vọng.
Đảng cộng sản, trong giai đoạn giành chính quyền, để thu phục nhân tâm, lúc nào cũng vẽ ra bao nhiêu hy vọng cho dân chúng, từ hy vọng về độc lập cho đất nước đến hy vọng về tự do và no ấm, hay xa và lớn hơn nữa, về một thiên đường xã hội chủ nghĩa, nơi mọi người đều bình đẳng với nhau. Giành được chính quyền rồi, trong những giai đoạn chiến tranh hay kinh tế khó khăn, người ta lại vẽ nên những hy vọng khác, về thống nhất và về thịnh vượng. Tuy nhiên, sau năm 1975, tất cả những gì người dân chứng kiến và kinh nghiệm đều chỉ là sự áp bức và sự khốn cùng. Chỉ có giai đoạn gọi là đổi mới, những tia hy vọng ấy mới sáng lên trong lòng dân chúng. Nhưng chỉ được vài năm. Sau đó, tuy đời sống của người dân khá lên một chút, nhưng kinh tế đất nước vẫn ì ạch trì trệ với số các đại công ty bị phá sản càng lúc càng nhiều và đặc biệt, nợ công càng lúc càng chồng chất.  Giáo dục và đạo đức càng ngày càng suy đồi. Cán bộ thì tham nhũng. Đi đâu cũng gặp tham nhũng. Những lời hứa hẹn diệt trừ tham nhũng cứ như những lời nói đùa. Những lời hứa hẹn cải cách này nọ chỉ là những lời hứa hẹn hão. Dân chúng, từ lâu, biết rõ điều đó, nên họ đúc kết thành ca dao: “Sửa sai thì lại sửa sai / Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai.” Sống trong hoàn cảnh như thế, kéo dài cả hơn nửa thế kỷ, dần dần người ta đâm ra tuyệt vọng. Không ai còn tin là đảng cầm quyền sẽ thực sự thay đổi hoặc có một chính sách nào thực sự có hiệu quả để đất nước được phú cường và dân chủ cũng như nhân quyền được tôn trọng.
Bên cạnh sự tuyệt vọng ấy là cảm giác bất lực.
Ở đâu quyền lực chính trị cũng chỉ nằm trong tay một số người. Tuy nhiên, ở các quốc gia dân chủ, những người bị trị ít nhất cũng có một số quyền lực nhất định. Ở việc bầu cử. Ở việc lên tiếng phê phán hoặc thậm chí, xuống đường phản đối một số chính sách họ cho là sai lầm. Giới lãnh đạo không thể không quan tâm trước những sự phê phán và những sự phản đối ấy bởi, nếu không, họ có thể bị thất cử ở kỳ bỏ phiếu kế tiếp. Ở Việt Nam, ngược lại. Dân chúng hoàn toàn không có quyền bỏ phiếu cho những người lãnh đạo đất nước: Đó là công việc trong nội bộ đảng của họ. Dân chúng chỉ được quyền bầu các đại biểu Quốc hội, tuy nhiên, ở đây lại có hai điều đáng chú ý: Một, tất cả những đại biểu ấy đều do đảng lựa chọn và đề cử; hai, thắng cử rồi, các đại biểu ấy đều làm việc và bỏ phiếu theo chỉ thị của đảng chứ không phải theo nguyện vọng của cử tri. Còn việc phê phán và phản đối của dân chúng đối với các chính sách của đảng và của chính phủ thì hoàn toàn bị cấm đoán. Dân chúng, do đó, dù biết các chính sách của nhà nước là sai lầm và nguy hại, cũng không có cách gì ngăn chận được. Họ hoàn toàn bị bất lực.
Cảm giác tuyệt vọng và bất lực ấy được thấy rõ nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ai cũng biết Trung Quốc đã từng chiếm hải đảo Việt Nam và đang âm mưu lấn chiếm cả vùng biển của Việt Nam. Và ai cũng biết, trước các nguy cơ lấn chiếm ấy của Trung Quốc, phản ứng của chính quyền Việt Nam rất yếu ớt và không có hiệu quả. Biết vậy, nhưng người ta không làm gì được. Xuống đường biểu tình chống đối Trung Quốc thì bị đánh đập, bắt bớ, tù đày. Sợ hãi và mệt mỏi, người ta đành buông xuôi.
Sự tuyệt vọng, bất lực và buông xuôi ấy rõ ràng là một tai hoạ cho đất nước. Việt Nam không thể thay đổi, không thể mạnh hơn và không thể bảo vệ được chủ quyền của mình trên biển đảo nếu dân chúng đều mặc kệ như thế.
Tuy nhiên, oái oăm là chính quyền lại muốn nuôi dưỡng cái tinh thần mặc kệ ấy .
(blog/VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét