Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

20141228. VÌ SAO GIÁ NHIỀU MẶT HÀNG KHÔNG GIẢM THEO GIÁ XĂNG DẦU ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
XĂNG DẦU GIẢM 9 LẦN: VÌ SAO GIÁ CƯỚC VẬN TẢI CHƯA GIẢM ?
Bài pv của BÍCH QUYÊN  TBKTSG 26/12/2014

Từ tháng 7-2014 đến nay, giá xăng dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm tới 9 lần, nhưng giá cước các loại hình vận tải hầu như vẫn giữ nguyên. Trong khi đó, trước đây mỗi lần xăng dầu tăng giá lại thêm một lần cước vận tải tăng. Vì sao giá cước vận tải lại không giảm tương ứng với giảm giá xăng dầu? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, về vấn đề này.
***
***
* Phóng viên: Thưa ông, có vẻ như các chủ doanh nghiệp (DN) vận tải rất nhạy cảm khi giá xăng dầu tăng nhưng lại không có động tĩnh gì mỗi khi giá xăng dầu giảm?
* Ông NGUYỄN VĂN THANH: Vì sao các DN vẫn chần chừ chưa giảm giá cước vận tải, tôi cho rằng đó là do giá xăng dầu thay đổi quá nhiều, mỗi lần giảm lại nhỏ giọt. Nếu cứ mỗi lần tăng - giảm giá xăng dầu là một lần tính toán lại giá cước thì không DN nào làm được. Cái kiểu tăng - giảm giá xăng dầu nhỏ giọt như thế này rất khó điều chỉnh. Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị phải bình ổn giá xăng dầu, không giữ được 1 năm thì giữ 6 tháng, công khai minh bạch. Việc này phải do Quỹ bình ổn giá xăng dầu chịu trách nhiệm.

* Nhưng khi giá xăng dầu chiếm tới 40% - 50% chi phí sản xuất thì không lý do gì giá xăng dầu đã giảm tới 9 lần mà cước vận tải lại giữ nguyên?

* Không phải không giảm mà là chưa giảm. Như tôi đã nói ở trên, giá cước vận tải cần nhiều thủ tục kê khai, công bố, việc này cũng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp giá xăng dầu tăng liên tục. Còn giá xăng dầu giảm thì đương nhiên các DN phải tính toán lại biến động đầu vào để giảm. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, các DN có sự cạnh tranh, vậy nên người dân có quyền tẩy chay những DN nào xây dựng giá quá cao, dịch vụ không tương xứng.

* Nhưng nếu DN nào cũng tăng giá cước vận tải thì người dân làm gì có sự lựa chọn nào?

* Tôi khẳng định mỗi khi tăng giá xăng dầu thì chính lực lượng xe ôm, xe “cóc”, xe “dù” sẽ tăng giá đầu tiên, còn những DN hoạt động quy củ, có đăng ký bến bãi, có cơ quan quản lý thì khó có thể tăng giá tùy tiện. Tuy nhiên, có thể ở một số địa phương, cơ quan quản lý giá là sở tài chính, cơ quan quản lý DN vận tải là sở GTVT vẫn chưa quản lý được hết giá cước vận tải các DN. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý cần phải nắm được khi giá xăng dầu tăng có DN nào kê khai giá tăng hay không, và bây giờ không giảm xuống thì buộc anh ta phải giảm xuống, còn đơn vị nào trước chưa tăng thì họ không thể giảm được. Cái này các cơ quan quản lý nhà nước phải có câu trả lời cho người dân và can thiệp để các DN thực hiện giá cước đúng quy định.
* Theo ông, có cách nào quản lý giá cước vận tải chặt chẽ hơn nhưng vẫn đảm bảo linh hoạt theo cơ chế thị trường để tránh thiệt thòi cho cả người dân và DN?
* Tôi cho rằng so với trước đây, việc quản lý giá cước vận tải cũng đã thay đổi theo hướng năng động hơn nhưng dù sao việc này cũng vẫn phức tạp hơn nhiều so với quản lý giá xăng dầu. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu chỉ có một vài đầu mối nhưng vận tải có đến hàng ngàn, chục ngàn đầu mối, ở khắp các địa phương trên cả nước. Kiểm soát giá cước vận tải của số lượng DN vận tải khổng lồ này không đơn giản. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường giám sát chặt chẽ các DN về quản lý vận tải, giá cước vận tải, tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước, phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm.

* Vậy theo ông, thời điểm này giá cước vận tải có thể giảm sâu?

* Cộng 8 lần giảm giá xăng dầu trước đây thì giá xăng dầu đã giảm so với đầu năm 2014 khoảng 12%. Với tổng mức giảm này, cộng thêm lần giảm giá tương đối sâu của ngày 7-11 vừa qua, đã đến lúc các DN buộc phải tính toán lại để giảm giá cước vận tải. Mức giảm thế nào thì tùy sự tính toán của DN nhưng theo tôi, giá cước taxi, giá cước vận tải hành khách có thể giảm 5% - 7%. Chắc chắn trong vài ngày tới, các DN sẽ lần lượt công bố mức giá mới sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết.
* Xin cảm ơn ông!
BÍCH QUYÊN (thực hiện)

XĂNG GIẢM GIÁ: RAU CỦ, THỰC PHẨM GIỮ NGUYÊN
Bài của D. TUẤN trên TT 28/12/2014
TT - Dù giá xăng giảm liên tục trong thời gian gần đây, nhưng khảo sát tại nhiều chợ tại TP.HCM cho thấy nhiều loại thực phẩm, rau củ vẫn không giảm giá bán lẻ.
***
***
Tại chợ dân sinh trên đường Phạm Văn Bạch (P.15, Q.Tân Bình), có tới hơn 20 quầy kinh doanh mặt hàng rau xanh, nhưng khi hỏi đến việc giá xăng giảm có khiến giá rau giảm không, phần lớn tiểu thương ở đây đều ngơ ngác: vẫn như cũ.
Trong khi đó, đây là nhóm hàng tăng mạnh nhất mỗi khi giá xăng bán lẻ tăng. Cụ thể, giá xà lách Đà Lạt loại ngon được bán 25.000 đồng/kg khoảng nửa tháng trước, đến nay mức giá này vẫn ổn định, không tăng giảm. Cải xanh, cải ngọt dao động 15.000-18.000 đồng/kg.
Tại chợ Tân Định (Q.1,) ghi nhận cách đây đúng một tháng cho thấy bầu, bí được bán 12.000 đồng/kg, cải xoong Đà Lạt 30.000 đồng/kg thì nay mức giá này vẫn không có gì thay đổi.
Ngoại trừ cà chua giảm giá do nguồn cung lớn, giảm từ 3.000-5.000 đồng/kg, hiện còn dưới 10.000 đồng/kg hay khoai tây đang vào cuối vụ, giá tăng thêm 5.000 đồng/kg.
Tại nhiều chợ, tiểu thương cũng khẳng định giá thực phẩm không giảm, thậm chí mưa nhiều còn tăng giá lên.
Tương tự, nhóm hàng thịt tươi sống như thịt heo, thịt bò, thịt gà cũng không cho thấy có sự biến động giảm do tác động từ giá xăng. Thịt heo phổ biến quanh mức 85.000-95.000 đồng/kg, riêng ba rọi ở mức 120.000 đồng/kg...
Thịt gà công nghiệp ở mức 60.000-85.000 đồng/kg, gà ta từ 120.000-130.000 đồng/kg. Đây là mức giá ổn định nhất suốt nhiều tháng qua.
Lý giải việc giá rau củ hầu như không giảm khi giá xăng giảm, nhiều tiểu thương cho hay những mặt hàng này chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố như thời vụ, thời tiết, sức mua... nên chưa giảm được.
Chẳng hạn các loại rau có lá sẽ tăng giá trong thời gian tới vì ảnh hưởng mưa nhiều hay khoai tây sẽ tăng giá cao dần do khan hàng, hết vụ. Đối với nhóm thực phẩm tươi sống, các tiểu thương cũng cho rằng vận chuyển tác động không nhiều lên cơ cấu giá.
 
D.TUẤN
***
Ông TRẦN VĂN HIẾU (thứ trưởng Bộ Tài chính): 
"Xử lý nghiêm doanh nghiệp chậm giảm giá cước"
Bộ Tài chính vừa có công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ôtô. Trong đó, đề nghị Bộ GTVT, UBND các địa phương chỉ đạo sở GTVT phối hợp với sở tài chính, cơ quan thuế tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước tại địa phương.
Đối với các đơn vị chưa thực hiện kê khai giảm giá cước, cơ quan chức năng phải có văn bản yêu cầu phải tính toán lại giá thành vận tải, kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu.
Đặc biệt, cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm nếu cố tình trục lợi, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo đó, các doanh nghiệp vận tải không thực hiện kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động của giá nhiên liệu sẽ bị xử phạt từ 5-30 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, Nhà nước sẽ tịch thu số tiền mà doanh nghiệp có được do không giảm giá cước vận tải vào ngân sách nhà nước.
Với đợt giảm giá xăng dầu đầu tuần này, các đơn vị đã kê khai giảm giá cước phải tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải để kê khai lại theo đúng quy định.
L.THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét