Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

20141205. XOAY QUANH VẤN ĐỀ CHỐNG THAM NHŨNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
ÔNG PHẠM THẾ DUYỆT: ĐỪNG SỢ CHUYỆN ĐÁNH CHUỘT VỠ BÌNH
Bài pv của PHONG NGUYỆT/ GDVN/Quechoa 5/12/2014
 
Ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ảnh: TT)
***
NTB- Hoan nghênh anh Phạm Thế Duyệt đã nêu ý kiến mà mọi người mong đợi, trong đó có tôi (đồng môn một thời của anh)
Ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu quan điểm sau hàng loạt tuyên bố mới đây của Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa đưa ra hàng loạt tuyên bố đáng chú ý về việc chống tham nhũng trong thời gian tới.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của mình về các phát ngôn này.
 
Mới đây, tại buổi tiếp xúc giữa tổ đại biểu Quốc hội số 1 – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với cử tri Q.4, TP.HCM để báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: “Các vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ cấp cao sẽ được giải quyết tuần tự, công bố công khai trên báo chí”. Trong bối cảnh hiện nay, ông có bình luận gì về phát biểu trên của Chủ tịch nước? 
 
Chủ tịch nước đã phát biểu như thế nhất định là phải có cơ sở để cho nhân dân tin. Cá nhân tôi cũng rất tin tưởng vào tuyên bố trên và tôi cho rằng việc này không thể chậm trễ, nhất là trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (sẽ được tổ chức vào quý I-2016 tới). Cần tránh tình trạng lúc bấy giờ có nhiều việc này, việc khác lại cho rằng vì thời gian có hạn nên chưa xác minh, chưa đánh giá được vị cán bộ cấp cao nào đó có tham nhũng, tiêu cực hay không.
 
Từ trước tới nay chúng ta thường hay băn khoăn trước những tuyên bố như vậy bởi nói thật là chúng ta làm chưa được bao nhiêu. Có thể ví von rằng trong việc chống tham nhũng, xưa nay chúng ta mới chỉ tắm từ vai, từ lưng tắm xuống nên người dân khó tin. Còn hiện tại, chúng ta đã và đang chống tham nhũng với những người có sai phạm ở bất kỳ vị trí nào nên người dân đã có sự tin tưởng hơn trước. Đó là điều tốt.
 
Và tôi tin rằng tới đây, Trung ương sẽ chỉ đạo theo tinh thần ấy. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cũng là việc nhằm khắc phục cái ta thường gọi là giặc nội xâm. Nên nhớ giặc nội xâm nhiều khi còn nguy hơn cả ngoại xâm. Nếu xử lý triệt để được chuyện này sẽ giúp củng cố niềm tin của dân với Đảng. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế phức tạp như hiện nay, chỉ khi có niềm tin, người dân mới thực hiện tốt mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước đề ra.
 
Ai cũng mong cấp trên – các lãnh đạo cấp cao không tham nhũng, tiêu cực, nhưng qua hàng loạt vụ án lớn như vừa qua chẳng hạn vụ ông Trần Văn Truyền – Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, người ta đã rút ra được nhiều bài học sâu sắc. Một trong số đó là: Trong việc quản lý cán bộ, lãnh đạo các cấp đều có cơ quan để theo dõi, kiểm tra, quản lý cán bộ, nhưng từ dưới trở lên, chỗ nào cũng thấy các anh ấy có mắc khuyết điểm, nhưng bây giờ mới tìm ra được.
 
Phải khẳng định thêm rằng, những người đã gánh vác công việc của Đảng, của Nhà nước dù có công bao nhiêu, nhưng nếu có những khuyết điểm như thế thì cũng trở thành đối lập với nhận thức, đòi hỏi của nhân dân và người dân tất nhiên không thể chấp nhận chuyện đó.
 
Theo ông, vì sao việc thu hồi tài sản do tham nhũng còn thấp?
 
Nói thẳng là vạch ra tham nhũng đã khó nên thu hồi chậm trễ là chuyện dễ hiểu. Hơn nữa, nếu vụ nào người ta cũng làm đến nơi đến chốn thì sẽ có kinh nghiệm hơn. Còn việc vì sao không thu hồi tài sản tham nhũng thì là do ý thức chỉ đạo không kiên quyết của những người có trách nhiệm. Lẽ ra sai đến đâu thì phải giải quyết ngay tới đó, họ lấy của dân bao nhiêu thì phải trả lại bấy nhiêu. Riêng với việc tham nhũng, phải làm rất rõ ràng chứ xử qua loa là không được.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh rằng tham nhũng đã thành bè cánh, bao che cho nhau. Ông có nghĩ vậy không? 
***
Vụ thu hồi nhà, đất của ông Trần Văn Truyền - Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã tăng thêm niềm tin của Dân vào Đảng (Ảnh: TT)
***
Đảng cũng đã đánh giá là có lợi ích nhóm. Điều đó cũng thể hiện có chuyện người này câu kết với người kia – tức là bè cánh, có sự bao che trên – dưới. Tình trạng này có phổ biến hay không thì chưa dám nói, nhưng qua một số vụ án lớn ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, điều đó đã được thể hiện rõ.
 
Rõ ràng, tham nhũng đã làm thiệt hại ghê gớm về mặt uy tín cho Đảng, về kinh tế cho đất nước, gây mất lòng tin trong nhân dân. Theo ông, chúng ta có nên mở chiến dịch “săn tham nhũng” để lấy lại niềm tin trong nhân dân như đề xuất của nhiều cử tri TP. HCM với Chủ tịch nước không?
 
Ngày còn giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi từng nói rằng, Mặt trận nên coi việc chống tham nhũng, việc tiêu diệt loại giặc nội xâm này là một chương trình lớn, một cuộc vận động lớn của toàn Đảng, toàn Dân.
 
Nếu có một cuộc vận động như thế, gộp sức mạnh của toàn Đảng, toàn Dân, chắc chắn việc chống tham nhũng sẽ mang lại kết quả tốt hơn đúng như lời Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
 
Cần phải có một cuộc vận động như thế để mọi người ra tay, đừng sợ chuyện đánh chuột vỡ bình. 
 
Theo ông, chúng ta có nên bắt đầu chiến dịch này bằng việc công khai, minh bạch tài sản của cán bộ? 
 
Giờ mới bắt đầu từ chuyện đó là quá muộn. Từ trước đến nay chúng ta cũng đã làm, nhưng toàn làm qua loa, đại khái nên không có kết quả như mong đợi. Ngay cả với những người đã về hưu, nếu có những thiếu sót, khuyết điểm mà bây giờ mới tìm ra được, cũng cần phải xem xét, xử lý. Không nên bao che cho họ, dù rằng chúng ta phải có cách làm sao cho phù hợp.
 
Để người dân ra sức chung tay vào chiến dịch này, một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để bảo vệ được những người quyết liệt chống tham nhũng thưa ông?
 
Pháp luật đã quy định khá đầy đủ về việc này rồi. Theo tôi, sở dĩ người dân còn chưa dám mạnh dạn nói là bởi chỉ đạo của chúng ta chưa tốt. Hơn nữa, khi tiếng nói chống tham nhũng còn chưa rõ, người ta cũng ngại.
 
Đã đến lúc cần tập trung vận động nhân dân thi đua yêu nước, bảo vệ Tổ quốc mà một trong số những nhiệm vụ cần hướng tới là tập trung chống tham nhũng, quan liêu, xa dân…Tôi rất trăn trở điều này: các cơ quan giám sát không nên để đến khi dân tố cáo, báo chí phản ánh mới biết có cán bộ tham nhũng bởi điều đó chứng tỏ tổ chức của chúng ta yếu.
 
Thế còn nhiệm vụ giải quyết tận gốc đặc quyền, đặc lợi thì sao thưa ông? 
 
Đặc quyền, đặc lợi là một mặt khác của tham nhũng mà không người dân nào chấp nhận được. Tôi nghĩ cùng với chống tham nhũng, những quy định, chính sách nào mang tính đặc quyền, đặc lợi cho cán bộ cần phải bị bãi bỏ.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
....................... 
Tên bài của Quê Choa, tên gốc: Tôi tin lời Chủ tịch nước
 
***
BẮC KINH "ĐẢ HỔ DIỆT RUỒI": THAM NHŨNG NGÀY CÀNG TRẦM TRỌNG
 
Bài của THỤY MY/ RFI/ Quechoa 5/12/2014
***
 
 
***
Trung Quốc được xem là nước thụt lùi nhiều nhất trong bảng xếp hạng về tham nhũng do tổ chức Transparency International (Minh bạch Quốc tế) công bố hôm nay 03/12/2014, cho dù Tập Cận Bình luôn rêu rao chiến dịch chống tham nhũng mà theo dư luận thì chủ yếu nhằm loại trừ các đối thủ chính trị.  Tổ chức chống tham nhũng có trụ sở tại Berlin, Đức hàng năm vẫn công bố bảng xếp hạng, trong đó 175 quốc gia được cho điểm từ 0 đối với các nước mà nạn tham nhũng hoành hành nhiều nhất, đến 100 điểm cho các nước minh bạch nhất. Trong năm 2014, hơn phân nửa số nước có số điểm dưới 50, trong đó Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ bị mất từ 4 đến 5 điểm.
 
Cho dù Tập Cận Bình tung ra chiến dịch chống tham nhũng « đả hổ diệt ruồi » để thanh lọc hàng ngũ cán bộ đảng Cộng sản, được tuyên truyền rầm rộ, năm nay Trung Quốc chỉ được có 36 điểm, đứng hàng thứ 100. Như vậy Bắc Kinh đã bị sụt đến 20 bậc so với bảng xếp hạng năm 2013.
 
Về Trung Quốc, Transparency International nhấn mạnh : « Nhiều chính khách cấp cao và một số quan chức cấp thấp hơn đã bị bắt vì tội tham nhũng (…), cách thức truy tố cần phải minh bạch hơn. Trung Quốc cần phải cởi mở hơn trong việc cho tra cứu thông tin, và bảo vệ chặt chẽ hơn những người tố cáo – mà cho đến nay, họ chỉ được bảo vệ trên giấy tờ ».
 
Báo cáo viết tiếp : « Chính quyền Trung Quốc cũng đã nhìn nhận sự cần thiết phải theo dõi dấu vết của các quan tham giấu tiền bạc có được do tham nhũng ở nước ngoài. Các tài liệu bị tiết lộ vào tháng 1/2014 cho thấy có khoảng 22.000 khách hàng của các ngân hàng ngoại quốc là người ở Hoa lục và Hồng Kông, trong đó có nhiều nhân vật lãnh đạo Trung Quốc ».
 
Tổ chức Minh bạch Quốc tế nói thêm, sự thụt lùi này của Bắc Kinh cũng phản ánh nhận xét mới đây của Transparency về tính minh bạch của doanh nghiệp, trong đó 8 công ty Trung Quốc được xem xét chỉ đạt điểm dưới 3 trong thang điểm 10.
 
Bên cạnh việc vạch mặt chỉ tên Trung Quốc, tổ chức này còn nêu ví dụ Thổ Nhĩ Kỳ, đứng thứ 64 năm nay, đã mất 5 điểm và sụt 11 bậc. Ankara bị ảnh hưởng xì-căng-đan tham nhũng làm rung chuyển chính phủ của ông Recep Tayyip Erdogan cách đây một năm.
 
Các quốc gia bị cho là tham nhũng nhất là Somalia, Bắc Triều Tiên, Soudan, Afghanistan. Đan Mạch đứng đầu trong số các nước minh bạch nhất, tiếp theo là New Zealand, Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy. Riêng Việt Nam vẫn giữ nguyên số điểm 31 như các năm 2012 và 2013, được xếp hạng 119.
 
Bên cạnh đó, Minh bạch Quốc tế cũng đòi hỏi các tập đoàn đa quốc gia trong lãnh vực ngân hàng và các thị trường tài chính lớn trên thế giới nỗ lực chống lại nạn rửa tiền.
 
 
 ***
MƯỜI DẤU HIỆU CHO THẤY BÓNG DÁNG SỤP ĐỔ CỦA MỘT THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ
Bài của DƯƠNG HOÀI LINH/ Dân Luận/ Viet-Studies 4/12/2014
1/ Tham nhũng như một bầy sâu tha hồ đục khoét
Tháng 1- 2012, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành NQTW4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nhận định: ”Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp - suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống…”
Trong vòng 25 năm qua, bọn sâu bọ tham nhũng ngày một đông, ngày mỗi mạnh và đã trở thành bầy đàn! Nó như căn bệnh ung thư đã di căn tới nhiều bộ phận của cơ thể. Nếu Đảng không quyết tâm diệt trừ tận gốc bọn sâu bọ tham nhũng của Đảng thì chính bọn này, một ngày nào đó không xa sẽ là thủ phạm “giết sống” Đảng Cộng sản Viêt Nam!
2/ Nợ công chồng chất, có thể dẫn đến vỡ nợ bất cứ lúc nào
Nếu Việt Nam vỡ nợ sẽ dẫn đến tình trạng như sau:
- Thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ và điểm tín dụng xuống cấp thê thảm.
- Mọi cơ chế tài chánh sẽ phải đóng cửa. Tiền mất giá, lạm phát leo thang, trái phiếu và đồng nội tệ sẽ chỉ còn là mớ giấy lộn. Tiền gởi trong ngân hàng sẽ “bốc hơi” vì mất giá trị.
- Mọi chương trình do chính phủ tài trợ đều ngưng hoạt động (y tế, cảnh sát, an ninh, quốc phòng, giáo dục, cầu, đường, năng lượng v... v... ). Quỹ hưu trí tan vỡ, nhà thương, trường học ngưng hoạt động.
- Các thương vụ đóng cửa và nạn thất nghiệp tràn lan. Mọi mặt hàng khan hiếm kể cả nhu yếu phẩm. Giá cả tăng vọt. Đời sống của người dân sẽ bị đảo lộn hoàn toàn.
- Nội loạn sẽ xảy ra và không có người để duy trì trật tự công cộng. Nạn đói và cướp bóc sẽ xảy ra. Hiện tượng vô kỷ luật, vô trật tự, vô tổ chức sẽ hoành hành
- Kẻ giàu có sẽ cuỗm tiền bạc quốc gia và trốn ra ngoại quốc
3/ Công lý, luật pháp không còn, thi hành án tử với người vô tội
- Công lý đôla thể hiện rất rõ trong các vụ án hình sự và trong các vụ án chính trị. Có lẽ chỉ có tại Viêt Nam (và các nước độc tài cộng sản), mới có chuyện “chạy án”, nghĩa là đút tiền cho công an điều tra, kiểm sát công tố và cho cả quan tòa xét xử.
- Công lý côn đồ biểu hiện qua lời phát biểu mà những kẻ có quyền (công an, đảng viên, cán bộ) thường hay nói khi đi cướp đất đai tài sản của dân hay trấn áp những ai có vấn đề với chế độ: “Luật là tao! Tao là luật! Miệng tao là luật!”.
- Dùng tang vật mua ở… chợ để kết án tử hình. Những người cầm cán cân công lý lại xác định “thiếu sót” đó là không lớn, không giám định được vẫn tuyên phạt án tử hình với Hồ Duy Hải.
4/ Kỷ cương phép nước bị coi thường. Dân oan bị cướp đất, cướp nhà ngày càng đầy rẫy
- Cấp ủy Đảng, chính quyền, nơi người dân đặt niềm tin vào chế độ, nhưng lại không thực hiện đúng nghị quyết Đảng, làm sai chủ trương, sai chính sách, sai pháp luật, gây mất dân chủ, làm xói mòn và đi đến mất niềm tin.
- Nhân dân bị tước đi quyền dân chủ, không còn được thực thi và phát huy vai trò giám sát, hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức.
- Đảng viên cộng sản đang nắm quyền cai trị ở các cấp, từ trung ương xuống đến địa phương đã tiến hành cướp bóc trắng trợn, lộ liễu, không còn e dè giấu giếm. Đảng cộng sản Việt Nam đã lộ nguyên hình là một đảng cướp. Số dân oan bị cướp đất, cướp nhà, ruộng vườn.. càng ngày càng tăng.
− Rút ruột các công trình công cộng khiến cho các công trình này kém chất lượng.
− Chặn bớt tiền viện trợ của các quốc gia tiên tiến cho người dân trong nước, chặn bớt tiền cứu trợ các nạn nhân thiên tai…
− Quy hoạch các khu đất để ép người dân trong đó phải dời đi nơi khác với giá đền bù rẻ mạt, để rồi sau đó họ xây nên những trung tâm buôn bán, các khách sạn hay khu giải trí để kinh doanh làm giàu.
5/ Kinh tế sa sút trầm trọng, thu không đủ để bù chi
- Thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong khoảng hơn một thập kỉ qua và có mức độ ngày càng gia tăng. Để bù đắp bội chi Việt Nam buộc phải vay trong nước và vay nước ngoài. Do số nợ vay được sử dụng vào những mục đích không sinh lợi nên toàn bộ số chi trả nợ gốc phải trông vào phát hành nợ mới.
- Đầu tư công lớn, dàn trải và kém hiệu quả.
- Tình trạng nợ công sẽ có những tác động tiêu cực đến xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam
- Tương lai kinh tế Việt Nam là một bức tranh ảm đạm: Nợ xấu tiếp tục tăng cao. Lạm phát sẽ làm đồng tiền tiếp tục mất giá. Giá điện, than, xăng dầu, gas, nước... tăng nhanh sẽ làm giá của hàng hóa tăng theo, trong khi không tìm ra nguồn ngân sách để tăng lương cũng là vấn đề khiến đời sống người dân trở nên khốn đốn.
- Phát biểu của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ ra nhiều điều: “Phải cân bằng thu – chi. Thu lấy mà chi, chứ bây giờ cứ phát hành trái phiếu lu bù, vay lu bù để chi thì chết thôi”. “Thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết, chi đầu tư các đồng chí hãm lại, rồi cứ vay nợ ào ào. Như vậy thì làm sao phát triển được đất nước, rồi trả nợ không được thì sụp đổ”. “Cứ ăn hết lấy gì mà tiêu, ăn hết mà không có tiền chi lương thì tôi không hiểu thế nào”.
6/ Trí thức, người lao động, cán bộ hưu trí bất mãn, bất hợp tác với chế độ ngày càng nhiều
- Tại Việt Nam, mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc biểu thị phản ứng, phản kháng của các cá nhân và tập thể nông dân, so với con số hàng trăm ngàn cuộc ở Trung Quốc. Cũng cho tới nay, ước tính tầng lớp dân oan đất đai ở Việt Nam phải lên đến ít nhất 3- 4 triệu người - tương đương với số lượng đảng viên trong đảng cầm quyền. Đặc thù tâm lý trong xã hội Việt Nam là lòng dân càng bất mãn thì phản ứng của người dân càng lúc càng trở nên thiếu kềm chế.
- Đảng đang đối phó với một xã hội thông tin ngày càng rộng mở và người dân ngày càng tỉnh táo trước các thông tin khi có nhiều tin tức và ý kiến khác nhau lan truyền trên mạng làm ảnh hưởng đến sự tuyên truyền của truyền thông Nhà nước.
- Sự khủng hoảng lòng tin trong tầng lớp trí thức Việt Nam đã lên đến mức cao nhất. Đa số đều nhận định: "Nếu không có "cách mạng" thì ngày nay Việt Nam đã tốt hơn như thế nào? Ba mươi năm chiến tranh, số người chết không kể xiết, thiệt hại và đau thương vô cùng lớn – tất cả chỉ để đem đến kết cục là một chế độ kinh tế Marxist không khả thi do một Đảng cộng sản suy đồi và tàn bạo lãnh đạo.
7/ Quân đội, công an chia rẽ trầm trọng với nhân dân, tha hồ vơ vét cho riêng bản thân, bỏ mặc an nguy đất nước
- Lực lượng Công an bị dân khinh thường, hễ có dịp là đánh vì “chỉ biết còn Đảng còn mình”. Lực lượng Quân đội từ khi sửa lời Bác Hồ nêu lên hàng đầu “Quân đội ta trung với nước” thành “Quân đội ta trung với Đảng” thì dân cũng dần dần quay lưng. Một vài nơi, Công an và Quân đội đã cầm súng chống lại nhân dân, như ở Tiên Lãng, Văn Giang.
- Báo Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân có nhiều bài lớn tiếng mạt sát “một bộ phận” xã hội nhưng thực chất một bộ phận xã hội đó lại là đa số nhân dân.
- Đảng Cộng sản Việt Nam đã chia rẽ nát vụn dân tộc bởi những hố đào sâu trong tư tưởng, tổ chức, quy kết “thành phần giai cấp” như “con dân với con lãnh đạo”, “đảng viên với không đảng viên”, “trong nước và có yếu tố nước ngoài”, sự chia rẽ đến mức mơ hồ quy chụp “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến” làm cho xã hội vô cùng ngột ngạt. Người Việt sống trên đất nước Việt Nam độc lập mà bức bối hơn ngày xưa sống dưới chế độ thực dân phong kiến.
- Không chỉ chia rẽ với nhân dân, quân đội và công an còn tự chia rẻ với nhau biểu hiện qua việc ganh nhau trong việc phong tướng, tranh nhau làm kinh tế, tranh nhau tham nhũng, tranh nhau bán chức, bán quyền...
8/ Sức dân không được nuôi dưỡng, trái lại ngày càng bị bóc lột thậm tệ
- Khoan sức dân chính là nuôi dưỡng nguồn lực, vì nhân dân vừa là người sản xuất vừa là người tiêu dùng của cải. Thế nhưng chính quyền luôn đặt ra nhiều thứ thuế và phí: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế nhà đất, thuế trước bạ, thuế môn bài và hàng trăm thứ phí khác. Chẳng hạn"Học phí, Viện phí, Án phí, Thủy lợi phí, Cước phí, Phí dự thi, dự tuyển., Phí trông giữ xe ở các bãi giữ xe, Phí lưu hành xe, Phí giới thiệu, tư vấn việc làm. Phí xây dựng, Phí đo đạc, lập bản đồ địa chính, Phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng), Phí chợ, Phí sử dụng đường bộ, Phí qua cầu, Phí qua đò, qua phà, Phí sử dụng cảng, nhà ga, Phí cấp tên miền địa chỉ sử dụng Internet, Phí bưu chính viễn thông, Phí xác minh giấy tờ, tài liệu, Phí giám định y khoa., Phí kiểm dịch y tế, Phí kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, Phí bảo vệ môi trường, Phí vệ sinh, Phí cấp mã số, mã vạch, Phí bảo lãnh, thanh toán, Phí giám định tư pháp...
9/ Nội bộ chính quyền bị can thiệp bởi ngoại bang
- Trước sự xâm lấn, xâm lược trắng trợn của Trung Quốc chính quyền Việt nam đối phó về ngoại giao không nhạy bén, không dứt khoát, không rõ ràng và có vẻ hời hợt theo kiểu ‘anh em’ mà không coi là ‘kẻ thù, vẫn cứ vuốt ve, nhún nhường, nhịn nhục. - Không có chiến lược lâu dài kể cả về mặt ngoại giao, quốc phòng; và không có một đối sách rõ ràng với kẻ thù truyền kiếp của dân tộc
10/ Đất đai, tài nguyên quốc gia bị xâm lấn bởi các yếu tố nước ngoài
- Trung Quốc thực hiện chiến lược xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. Đó là chiến lược nhất quán, ăn sâu vào máu thịt, não trạng của những thế hệ lãnh đạo Trung Quốc. Chiến lược ấy được tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng, nhằm nuốt dần đất đai, sông biển Việt Nam. Chiến lược ấy cũng còn nhằm bào mòn sức mạnh, hút dần dinh dưỡng, làm cho Việt Nam rối loạn, yếu dần và chia rẽ.
- Người Trung Quốc đang có mặt trên khắp lãnh thổ Việt nam, nắm giữ mạch máu của nền kinh tế, chiếm giữ các vị trí chiến lược xung yếu nhất. Các đô thị, nhà máy của Trung Quốc cũng mọc lên khắp nước. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường. Các công ty của Trung Quốc cũng đang độc chiếm việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho Việt nam.
KẾT LUẬN:
Với mười dấu hiệu nói trên, việc thay đổi thể chế chính trị Việt Nam trong tương lai là điều tất yếu. Nhưng kịch bản của sự thay đổi đó vẫn là điều khó dự đoán. Bạo lực, đổ máu hay hòa bình, êm thấm đều tùy thuộc vào thái độ của lãnh đạo Việt Nam. Nhưng có một điều chắc chắn là không thể có một Gorbachev ở Việt Nam. Và rất có thể một cuộc "cách mạng dân tộc" sẽ dễ xảy ra hơn là một cuộc "cách mạng dân chủ", nếu như kinh tế và chính trị của Trung Quốc không sụp đổ trước Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét