Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

20141226. ẢNH HƯỞNG CỦA HẠ GIÁ DẦU ĐẾN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ VIỆC LÀM Ở VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGÂN SÁCH VIỆT NAM 'BỐC HƠI' MẠNH VÌ TỤT GIÁ DẦU
Bài trên VOA 24/12/2014
***
Các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng ngân sách của Việt Nam sẽ thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng vì giá dầu trên thế giới sụt giảm.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được truyền hình nhà nước trích lời cho biết rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm từ 0,8 - 1,2% vì biến động của giá dầu.
Ông Vinh nói rằng dù thế, người tiêu dùng và các ngành sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh tán đồng quan điểm này. Ông nhận định với VOA Việt Ngữ rằng giá dầu giảm “có hai tác dụng trái ngược nhau đối với nền kinh tế Việt Nam”. Ông nói:
“Một mặt thì chính phủ Việt Nam rất quan ngại đối với việc giá dầu giảm thì sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu mà giá dầu giảm thì nguồn thu ngân sách có thể giảm tới 20 nghìn tỷ đồng Việt Nam, tương đương độ một tỷ hoặc hơn một tỷ đôla. Cái mặt ngược lại là giá dầu giảm thì đóng góp cho việc làm giảm lạm phát, làm giảm chỉ số giá cả và làm cho người tiêu dùng được lợi, cụ thể là những người sử dụng ôtô, xe máy, cước phí vận tải sẽ giảm”.
Theo báo chí trong nước, xuất khẩu dầu thô ở Việt Nam đóng góp từ 10 – 30% cho ngân sách nên giá dầu giảm sẽ tạo áp lực cho nguồn thu này vào năm sau.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 Việt Nam đã khai thác hơn 15 triệu tấn dầu thô, và tính từ đầu năm cho tới nay, đã xuất khẩu được hơn 8 triệu tấn với tổng giá trị gần 7 tỷ đôla.
Tin cho hay, chi phí khai thác dầu thô ở Việt Nam hiện ở mức từ 30 tới 70 đôla một thùng nên với giá dầu thô trêm thế giới dưới 60 đôla một thùng hiện nay thì theo giới quan sát, việc khai thác dầu có thể đang bị lỗ.
Tuy nhiên, tiến sỹ Doanh cho rằng “không nên nói rằng dầu giảm thì toàn bộ dầu khai thác của Việt Nam thua lỗ”.
Kinh tế gia này cho rằng ngoài vấn đề giá dầu, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với một vấn đề khó khăn nổi trội là cải cách thể chế. Ông Doanh nói với VOA Việt Ngữ:
“Hiện nay tòa án chưa được độc lập, và chưa hoạt động theo đúng luật pháp, mà theo kết luận, theo chỉ thị của ai đó. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt là hai vụ án Bầu Kiên và Huyền Như. Nếu như không có một nền tư pháp độc lập, và hoạt động theo đúng tinh thần của một nhà nước pháp quyền thì cũng không có tự do kinh doanh và điều đó làm nản lòng rất nhiều nhà kinh doanh đã thành đạt của Việt Nam. Gần đây có hiện tượng rất nhiều nhà kinh doanh thành đạt của Việt Nam đã bán doanh nghiệp của mình cho doanh nghiệp nước ngoài, và họ dùng tiền đó làm cái gì đó thì chưa rõ. Đấy là một tín hiệu rất không hay cho nền kinh tế Việt Nam”.
Mới đây, các Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công thương cùng Ngân hàng Nhà nước đã lần đầu tiên họp bàn với nhau để bàn về quy chế phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô.
Báo chí trong nước đưa tin, các bộ này đã đặc biệt lưu ý tới vấn đề theo dõi tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu dầu.
***
ĐỒNG RÚP SỤT GIÁ, KHÁCH DU LỊCH NGA ÍT ĐẾN VIỆT NAM
Bài trên VOA 23/12/2014
Du khách nước ngoài đi bộ dọc bãi biển ở Đà Nẵng.
Du khách nước ngoài đi bộ dọc bãi biển ở Đà Nẵng.
Một quan chức của tỉnh Khánh Hòa, một điểm đến ưa thích của nhiều du khách Nga, cho biết việc đồng rúp của Nga sụt giá so với đồng đôla đang tác động không nhỏ tới địa phương này.
Tin cho hay, tình trạng hủy chuyến của khách Nga xảy ra ngày càng nhiều do họ không thể mua tour với mức giá cũ.
Các chuyến bay chở khách du lịch từ Nga sang nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa cũng giảm tần suất.
Ông Trần Ngọc Quyền, chuyên viên phòng nghiệp vụ du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch Khánh Hòa, cho VOA Việt Ngữ biết rằng các nhà hàng, khách sạn ở tỉnh này đang gặp nhiều khó khăn.
“Mùa này là mùa cao điểm của khách Nga. Từ nay cho tới tháng  Tư năm sau là mùa cao điểm, nhưng do tình hình bất ổn, lệnh bao vây và trừng phạt của Mỹ và Châu Âu nên làm cho đồng rúp của Nga mất giá, cho nên là lượng khách đến rất là hạn chế. Trước đây, bình quân những tháng cao điểm cuối năm như thế này thì Khánh Hòa đón phải từ 25 đến 30 nghìn lượt khách. Giờ một số hãng báo giảm rất nhiều. Các đơn vị lữ hành đưa khách Nga cũng như các cơ quan quản lý du lịch đang tổ chức các buổi họp để mà tháo gỡ khó khăn thị trường này”.
Tin cho hay, việc lượng khách Nga giảm cũng tác động đến chính đời sống, thu nhập của người lao động, và một số công ty kinh doanh du lịch đã cắt giảm nhân sự, giảm lương, thưởng.
Không chỉ người Việt ở trong nước mà kiều bào ở Nga cũng bị tác động nhiều bởi sự trượt giá của đồng rúp.
Một số các doanh nhân Việt hiện đang kinh doanh ở Nga cho VOA Việt Ngữ biết rằng việc làm ăn, buôn bán hiện “rất  ảm đạm”, trong bối cảnh kinh tế nước sở tại lâm vào tình thế khó khăn.
Đồng nội tệ của Nga đã giảm hơn 86 phần trăm kể từ tháng Giêng năm nay, mặc dù ngân hàng trung ương đã tung hàng tỉ đôla can thiệp thị trường nhằm kiềm chế sự trượt giá của đồng rúp.

GIÁ DẦU VÀ TỶ GIÁ
Bài của LƯU HẢO trên TBKTSG 26/12/2014
TBKTSG) - Cuối tuần rồi tỷ giá trên thị trường tự do vọt lên 21.500-21.550 đồng/đô la Mỹ, cao hơn tỷ giá niêm yết của các ngân hàng và vượt trần. Một số điểm thu đổi ngoại tệ cho biết số người hỏi mua nhiều hơn hỏi bán.
Khi giá dầu thô thế giới rớt, ít ai nghĩ xa xôi nó lại ít nhiều tác động đến tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định cán cân thanh toán tổng thể năm 2014 vẫn thặng dư khoảng 10 tỉ đô la Mỹ. Vừa rồi, NHNN lại bán ra hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Với số lượng đã mua vào khá lớn từ đầu năm, cơ quan quản lý ngành ngân hàng bán thêm 1 tỉ đô la Mỹ nữa nếu cần cũng không phải là chuyện không thể.
Tuy nhiên, khi giá dầu về dưới 60 đô la Mỹ/thùng và thông tin từ cuộc họp báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được các phương tiện truyền thông chuyển tải đến dư luận, đã thấy một sự quan tâm sát sao hơn dành cho tỷ giá.
Lần đầu tiên dư luận chính thức được biết giá thành khai thác dầu của Việt Nam khoảng 30-70 đô la Mỹ/thùng và số thu ngân sách sẽ hụt 1.000-1.200 tỉ đồng nếu giá dầu giảm 1 đô la Mỹ/thùng. Theo dự kiến, năm nay xuất khẩu dầu thô sẽ đóng góp cho ngân sách 93.000 tỉ đồng trên cơ sở giá dầu bình quân năm 2015 được Quốc hội thông qua ở mức 100 đô la Mỹ/thùng. Tính cụ thể, giá dầu hiện đã giảm hơn 40 đô la Mỹ/thùng so với giá Quốc hội biểu quyết và sẽ làm ngân sách thất thu 40.000-45.000 tỉ đồng (trên 2 tỉ đô la Mỹ) trong trường hợp chúng ta không cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu.
Bộ Tài chính đang và có thể sẽ tăng tiếp thuế nhập khẩu xăng dầu, cùng với truy thu nợ đọng thuế để bù đắp nguồn thu. Song 2 tỉ đô la Mỹ dự kiến thiếu kia do giá dầu giảm chưa có nguồn nào bù vào. NHNN tính rằng sự thiếu hụt đó sẽ làm thặng dư cán cân thanh toán tổng thể năm tới ở mức khoảng 8 tỉ đô la Mỹ, nghĩa là vẫn thặng dư nhưng ở mức ít hơn năm nay.
NHNN cũng nói thẳng áp lực đối với tỷ giá hiện nay là có, không đơn thuần chỉ còn là vấn đề tâm lý thị trường hay đầu cơ kiếm lời của một số tổ chức kinh doanh tiền tệ như vài tháng trước. Áp lực này, NHNN hoàn toàn có thể giải quyết được, vì nó không quá lớn so với quy mô hiện hành của quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Điều chỉnh tỷ giá, theo dự đoán của giới ngân hàng, chắc chắn sẽ diễn ra với mức độ dưới 1%, có thể là 0,5%, trong vòng 2-4 tháng tới, nhưng chưa phải bây giờ. Sự điều chỉnh mang tính chu kỳ hàng năm nhằm hỗ trợ xuất khẩu hơn là xuất phát từ áp lực tỷ giá.
Mọi thứ đã rõ ràng như thế, còn gì băn khoăn với tỷ giá nữa?
Sự băn khoăn nằm ở giá dầu. Ngay cả các tổ chức kinh nghiệm và sừng sỏ nhất trên thị trường tài chính quốc tế cũng không biết chính xác giá dầu sẽ đi về đâu. Khi giá càng xuống thấp, những dự báo về mức giá thấp hơn càng nhiều.
Với Việt Nam, nỗi e ngại đến từ hai điểm. Thứ nhất, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và PetroVietnam rà soát lại, những mỏ dầu có giá thành khai thác 70 đô la Mỹ/thùng sẽ tạm ngưng. Ở mức giá hiện tại, chỉ những mỏ có giá thành khai thác dưới 50 đô la Mỹ/thùng mới mang lại hiệu quả và đáng để đầu tư.
Có nên tăng sản lượng khai thác ở các mỏ có giá thành thấp để bù vào sản lượng? Có lẽ là không. Bộ Tài chính cho biết chúng ta không nhất thiết cứ phải khai thác và xuất khẩu ở mức giá hiện nay vì trữ lượng của ta không phải vô tận. Chúng ta hoàn toàn có thể giữ trữ lượng và chỉ khai thác khi giá dầu tăng trở lại.
Có thể hiểu nếu giá dầu đứng ở mức thấp và còn giảm, khả năng cắt giảm sản lượng và số lượng xuất khẩu sẽ xảy ra. Lúc đó nguồn thu ngoại tệ từ dầu thô sẽ giảm không chỉ ở con số 2 tỉ đô la Mỹ, mà có thể lớn hơn nhiều. Áp lực cho tỷ giá sẽ dày thêm.
Thứ hai là sự mạnh lên ngày càng rõ nét của đồng đô la Mỹ. Liệu vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, kim ngạch nhập khẩu, giải ngân ODA, kiều hối... có chịu tác động của sự mạnh lên thấy rõ này? Trước mắt nguồn kiều hối từ Đông Âu có thể không còn dồi dào như năm ngoái, năm kia do đồng rúp Nga mất giá và cuộc mưu sinh của Việt kiều tại đây gặp trở ngại. Trong khi đó, số nợ nước ngoài cả gốc và lãi mà Chính phủ phải trả cho năm 2015 cũng nhiều hơn trước.
Việc hạ áp lực lên tỷ giá và định hướng thị trường lúc này do NHNN quyết định. Nâng lãi suất huy động đồng nội tệ lên một chút, chẳng hạn 0,5%/năm, là tạo lãnh địa cho tỷ giá “xả hơi”. Nhưng trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu, sức mua còn mỏng, nâng lãi suất là con dao hai lưỡi. Cân nhắc một cách kỹ lưỡng tỷ giá - thanh khoản ngân hàng - lãi suất tiền đồng liên ngân hàng để bơm/hút tiền giờ đây là công việc đòi hỏi “tay nghề” cao. So với những cơn sốt nóng, lạnh của tỷ giá thời kỳ 2008-2011, thử thách hiện tại không phải quá gay cấn để vượt qua. Liệu NHNN có làm được?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét