Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

20141220. BÀN VỀ ỨNG PHÓ CỦA VIỆT NAM VỚI GIÁ DẦU GIẢM

ĐIỂM BÁO MẠNG
VIỆT NAM ĐANG CHI 30-70 USD KHAI THÁC MỖI THÙNG DẦU
*
Bài của VŨ ANH trên VNEconomy 17/12/2014
***
Việt Nam đang chi 30-70 USD khai thác mỗi thùng dầu
***
4 bộ bàn tính tác động giá dầu đến kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh giá dầu thô thế giới giảm mạnh...Tác động của giá dầu đến khai thác dầu thô và tăng trưởng kinh tế là vấn đề quan trọng được đề cập trong phiên họp của 4 bộ.
Ngày 17/12, một thông cáo được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước cho biết phiên họp lần thứ nhất nhằm triển khai “Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô” của cơ quan này với ba bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương đã được tổ chức.
Bản thông cáo nêu khá cụ thể về mục tiêu và nguyên tắc phối hợp giữa bốn cơ quan nói trên, song không đề cập nội dung được bàn thảo tại phiên họp đầu tiên này.
Tuy nhiên, một nguồn tin của VnEconomy cho biết, một số nội dung phối hợp điều hành vĩ mô trong quý 1/2015 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu và đề nghị ba bộ còn lại thảo luận thêm.
Dự báo mới là giả định
Tác động của giá dầu đến khai thác dầu thô và tăng trưởng kinh tế là vấn đề quan trọng được đề cập trong phiên họp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 Việt Nam khai thác được trên 15 triệu tấn dầu thô. Chi phí khai thác dầu thô ở Việt Nam dao động từ mức 30 đến 70 USD/thùng.
Câu hỏi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra là: mức giá dầu thô nêu trên ảnh hưởng như thế nào đến sản lượng khai thác trong thời gian tới và cơ cấu lại các mỏ?
Việc cần bàn và cần làm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là rà soát ảnh hưởng của giá dầu hiện tại đến hiệu quả của các mỏ dầu khí đang khai thác, đề xuất các phương án giảm thiểu rủi ro, lựa chọn phương án hợp lý.
Với cơ cấu về tỷ trọng khai khoáng chiếm khoảng 11% GDP, trong đó dầu thô chiếm khoảng 70-80%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giả định nếu ngành khai thác dầu phải cắt giảm 30% sản lượng thì sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, tăng trưởng GDP có thể suy giảm từ 0,8 điểm phần trăm đến 1,2%.
Còn theo mô hình dự báo, nếu giá xăng dầu trong nước giảm 10% thì chi phí sản xuất giảm 0,57%, CPI giảm 0,55%, kinh tế tăng thêm 0,91%.
Tuy nhiên, những dự báo trên đều là giả định, cần có sự phối hợp của các bộ ngành để xem xét thêm các yếu tố tác động xung quanh giá dầu lên tăng trưởng kinh tế, vẫn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngân sách có thể giảm nhiều
Với tỷ lệ khoảng 11-12% tổng thu ngân sách nhà nước từ dầu thô, giá dầu thô theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là có ảnh hưởng lớn đến ngân sách cả về xuất khẩu và nhập khẩu.
Năm 2015, dự toán thu ngân sách từ dầu thô là 93 nghìn tỷ đồng với giá dự toán dầu thô là 100 USD/thùng.
Nêu tính toán sơ bộ: nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, nếu giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống còn khoảng bình quân 70 USD/thùng trong năm 2015, thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỷ đồng.
Dĩ nhiên, nếu giá dầu giảm xuống bình quân 60 USD/thùng thì ngân sách sẽ giảm nhiều hơn nữa.
Trong vai trò chủ trì phối hợp liên ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ phối hợp tính toán tác động của giá dầu thô đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, và có phương án để bù đắp lại các khoản thiếu hụt nêu trên.
Quan điểm của Bộ là ngoài việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, cần tính toán điều phối lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh xăng dầu…
Bên cạnh giá dầu và tác động của nó, phiên họp còn đề cập một số nội dung quan trọng khác trong điều hành kinh tế vĩ mô, VnEconomy sẽ phản ánh ở bài viết sau.
***
DẤU HỎI LỚN CHO XUẤT KHẨU DẦU THÔ VIỆT NAM
*
Bài của PHƯƠNG LINH trên VNExpress 19/12/2014
Giá thế giới xuống dưới 55 USD, trong khi chi phí khai thác bình quân mỗi thùng dầu ở Việt Nam là 50 USD, thậm chí tới 70 USD một thùng.
Theo số liệu từ BP được Bloomberg dẫn lại, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng dầu thô cao thứ hai ở khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc với 4,4 tỷ thùng (tương đương gần 630 triệu tấn). Với mỏ "vàng đen" này, mỗi năm xuất khẩu dầu thô đóng góp quan trọng cho thu ngân sách quốc gia. Do đó, giá dầu giảm hơn 40% từ tháng 7 tới nay khiến nhà điều hành không thể "ngồi im".
***
khai-thac-dau-tho-1159-1418974555.jpg
Chi phí khai thác một thùng dầu của Việt Nam khoảng 30 - 70 USD.
***
"Khi thị trường thế giới có biến động, Việt Nam cần có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhất để xử lý tình huống sao cho giảm thiểu tác hại tới trong nước và chọn được những giải pháp tối ưu nhất để phát triển", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn VTV sau cuộc họp.Đầu tuần này, lần đầu tiên 4 Bộ gồm: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công thương và Ngân hàng Nhà nước đã họp với nhau để bàn về quy chế phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó việc theo dõi tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu dầu được đặc biệt lưu ý trong bối cảnh giá thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng đến kinh tế, ngân sách của quốc gia.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết chi phí khai thác một thùng dầu của Việt Nam khoảng 30-70 USD. Con số này gần sát với báo cáo của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) công bố ngày 9/12 khi cho hay điểm hoàn vốn sản xuất dầu của Tập đoàn Dầu khí (PVN) khoảng 50 USD một thùng, so với mức 65 - 75 USD một thùng của các đối tác.
Với giá thành trên, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lãi khi bán dầu thô với giá trên 70 USD một thùng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 12, cả nước đã xuất khẩu được 8,7 triệu tấn dầu thô, tổng giá trị hơn 6,9 tỷ USD. Tính bình quân, giá xuất khẩu mỗi thùng dầu đạt 113 USD một thùng, cao hơn mức bình quân 50 USD nói trên.
Tuy nhiên, với sự lao dốc của giá dầu thế giới, giá xuất khẩu dầu thô thực tế từ tháng 7 đến nay cũng giảm mạnh và trong nửa đầu tháng 12, mức giá xuất khẩu bình quân chỉ còn 73 USD một thùng. Có thể thấy, biên lợi nhuận từ dầu xuất khẩu thô ngày càng thu hẹp. Nếu giá tiếp tục giảm, khả năng hoạt động xuất khẩu dầu thô sẽ không còn lãi. Lý do là trong nửa đầu tháng 12, giá thế giới dao động từ 56-79 USD một thùng, song đến nay đã rớt về gần 54 USD một thùng.
***
xuat-khau-dau-JPG-9459-1418974555.jpg
Tình hình xuất khẩu dầu thô các tháng trong năm 2014. Nguồn: Tổng cục Hải quan
***
Với ngân sách, năm 2015, nguồn thu được xây dựng trên cơ sở dự toán giá dầu ở mức 100 USD một thùng, cao hơn mức dự toán năm nay là 98 USD một thùng. Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, cứ mỗi USD giá dầu giảm, thu ngân sách nguy cơ hụt khoảng 1.000 tỷ đồng.Mỗi động thái của giá dầu đều đang được các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ, như vị tư lệnh ngành Kế hoạch & Đầu tư khẳng định giá dầu không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng, thu ngân sách mà còn tác động nhiều mặt. "Nếu giá dầu tiếp tục giảm, sản xuất sẽ không còn có lãi, hoặc có lãi nhưng không đáng kể. Nếu giảm khoảng 30% tổng sản lượng khai thác theo kế hoạch hiện nay thì tăng trưởng GDP có thể giảm từ 0,8-1,2 điểm phần trăm", Bộ trưởng Vinh cho biết.
PVN hiện chưa phát ngôn về kế hoạch khai thác dưới ảnh hưởng của diễn biến giá dầu. Tính từ đầu năm, sản lượng khai thác dầu thô giữ ổn định, thậm chí còn tăng vọt trong tháng 11, thời điểm giá dầu thô thế giới xuống dưới 80 USD một thùng. Đến ngày 9/12, PVN cho biết đã cán mốc sản lượng khai thác 16,2 triệu tấn dầu và lên kế hoạch vượt chỉ tiêu trên 1 triệu tấn.
***
khai-thac-dau-JPG-4832-1418974556.jpg
Sản lượng khai thác dầu thô từ đầu năm 2014 đến nay. Nguồn: Bộ Công Thương
***
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết quan điểm cơ quan này là không phải do giá dầu thô giảm mà kiến nghị tăng sản lượng khai thác để bù đắp, bởi những mỏ có chi phí cao thì không nên khai thác mạnh mà chờ khi giá tăng trở lại. Trong tình huống năm 2015 giá dầu tiếp tục thấp, Bộ Tài chính cũng không điều chỉnh thu chi ngân sách hoặc tăng vay mà sẽ có biện pháp để đảm bảo cân đối.Ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN đánh giá nếu giá dầu thô về dưới mức 70 USD một thùng, thu ngân sách sẽ giảm khoảng 28.000-29.000 tỷ đồng. "Tuy nhiên, con số trên chỉ là nguồn thu trực tiếp từ các hoạt động sản xuất dầu thô, còn các nguồn khác như nhập khẩu dầu sản phẩm do đang hưởng lợi từ giá thấp nên đảm bảo cân bằng nguồn thu, không đến mức thiếu hụt", ông Sơn khẳng định.
Phương Linh
***
 GIÁ DẦU LAO DỐC: ỨNG PHÓ RA SAO?
*
Bài của TÔ HÀ trên NLĐ 18/12/2014
Với tốc độ lao dốc của giá dầu thô thế giới, Việt Nam sẽ phải tăng sản lượng khai thác để bù vào phần hụt thu ngân sách hoặc giảm sản lượng để không lãng phí tài nguyên
Chiều 18-12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết bộ này chưa có đề xuất nào về sự điều chỉnh sản lượng khai thác dầu mỏ. Tất cả các kịch bản đều đang được cân nhắc, gồm tăng sản lượng xuất khẩu dầu thô để không làm hụt thu ngân sách; giảm sản lượng xuất khẩu để giảm lỗ hoặc vẫn giữ nguyên sản lượng khai thác và có giải pháp khác bù hụt thu ngân sách.
Tăng khai thác lúc giá thấp khiến nền kinh tế thiệt hại
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết có 2 cách ứng phó. Một là tăng dự trữ dầu thô để chờ giá cao mới xuất khẩu, việc này Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện. Hai là tăng cường nghiên cứu dự báo diễn biến cung cầu và giá dầu thô thế giới để điều chỉnh sản lượng khai thác, không giữ nguyên sản lượng khai thác nhất định trong nhiều năm.
***
Vận hành hệ thống khai thác dầu khí tại mỏ Cá Ngừ Vàng, nằm trong lô 09.2 thuộc bồn trũng Cửu Long Ảnh: HÀ THÁI
Vận hành hệ thống khai thác dầu khí tại mỏ Cá Ngừ Vàng, nằm trong lô 09.2 thuộc bồn trũng Cửu Long Ảnh: HÀ THÁI
***
Theo thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 14-15 triệu tấn dầu thô. Nếu giá dầu thô biến động mạnh, các cơ quan tham mưu sẽ trình Chính phủ phương án đối phó. Với tốc độ lao dốc của giá dầu thô thế giới như hiện nay, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là sẽ tăng sản lượng khai thác để bù phần hụt thu ngân sách nhà nước theo dự toán hay giảm sản lượng để không bị lãng phí tài nguyên.
“Các kịch bản vẫn đang được bàn thảo và Bộ Công Thương chưa có quyết định điều chỉnh. Quan trọng nhất là phải tính toán đến sức chịu đựng của ngân sách. Nếu Chính phủ quyết định điều chỉnh sản lượng, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các doanh nghiệp dầu khí điều chỉnh về mặt kỹ thuật, nhân công…” - ông Hải nói.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết không kiến nghị tăng sản lượng khai thác để bù cho hụt thu ngân sách vì tăng sản lượng trong giai đoạn giá thấp sẽ thiệt hại cho nền kinh tế. Tỉ trọng thu dầu thô trong ngân sách nhà nước chiếm 10,2%. Nếu giá dầu thô giảm xuống 70-75 USD/thùng, ngân sách hụt thu khoảng 3% nhưng Bộ Tài chính vẫn bảo đảm cân đối ngân sách, không điều chỉnh thu chi và cũng không tăng vay nợ.
GDP có thể mất đến 1,2%
Thông tin mới nhất được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh  cho biết là dầu thô của Việt Nam đang được xuất khẩu với giá 55-60 USD/thùng, chi phí khai thác là 30-70 USD/thùng. Nếu năm 2015, giá dầu giảm xuống mức bình quân 70 USD/thùng thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỉ đồng trong trường hợp vẫn giữ sản lượng khai thác xuất khẩu khoảng 15 triệu tấn/năm như năm 2014.
Bộ KH-ĐT cũng đặt vấn đề nếu giá dầu thô giảm đến mức thấp hơn giá thành khai thác, sản xuất dầu không có lãi thì phải tính toán các kịch bản tiếp tục giữ sản lượng khai thác như bình thường hay giảm. Giả sử giảm 30% sản lượng, tăng trưởng GDP năm 2015 có thể suy giảm tới 0,8%-1,2%. Đây là bài toán khó và phải được quyết định thống nhất theo cơ chế phối hợp liên ngành giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ: KH-ĐT, Tài chính, Công Thương. Bộ KH-ĐT cũng đề nghị các bộ liên quan tính toán bên cạnh việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết, cần tính cả việc điều phối lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh xăng dầu.
Tìm nguồn thu dự phòng khác
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - TS Nguyễn Đức Kiên - cho rằng đây là vấn đề rất mới, chưa thể đánh giá được phương án nào tốt nhất cho nền kinh tế Việt Nam. “Cần thêm một thời gian nữa để có đủ dữ liệu. Giữ nguyên sản lượng khai thác mà giá dầu thô hồi phục sớm thì ngân sách đỡ hụt thu” - ông Kiên nói.
“Giá dầu lao dốc nhanh và giữ xu hướng đi xuống trong thời gian dài như vậy là hiếm có, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đưa ra phương án hợp lý nhất, giảm thiểu rủi ro và không gây sốc cho nền kinh tế” - TS Lê Đăng Doanh bình luận và cho biết mỗi kịch bản đều có mặt tác động tiêu cực và tích cực song quyết định cuối cùng phải bảo đảm hài hòa lợi ích chung của nền kinh tế. Trước hết, giảm ngay sản lượng khai thác tại các mỏ có chi phí đắt, giá bán thấp hơn giá thành. Mỏ đang có lãi cần duy trì mức khai thác vừa phải để có nguồn thu, tránh thay đổi đột ngột không có lợi cho nền kinh tế. Khả năng tăng sản lượng khai thác khó thực hiện vì nguồn tài nguyên này không vô tận và về kỹ thuật cũng không dễ dàng. Phải tìm ngay cách đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh để trong trường hợp phải cắt giảm sản lượng dầu thô xuất khẩu sẽ có nguồn thu khác bù lại. Bài học của nhiều nền kinh tế cho thấy không nên dựa quá nhiều vào một nguồn thu.
Tô Hà
***
GIÁ DẦU GIẢM; KHÔNG CÓ CHUYỆN BÁN DƯỚI GIÁ KHAI THÁC 
Thực hiện BÍCH NGỌC trên Đất Việt 19/12/2014
***
(Doanh nghiệp) - Hiện công nghệ khai thác dầu của chúng ta rất tiên tiến, lại khai thác chủ yếu tập trung ở mức 100m nước trở lại nên chi phí không cao.
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) khẳng định rằng không có chuyện chi phí khai thác dầu thô dao động quá lớn (từ 30-70 USD/thùng) và cũng không thể bán dưới giá thành khai thác.
PV:- Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch đầu tư, chi phí khai thác dầu thô tại Việt Nam đang giao động ở mức 30-70 USD/thùng. Thưa ông, khoảng giao động khá lớn như trên có là điều bình thường? Ông đánh giá như thế nào chi phí khai thác của Việt Nam so với các nước khai thác dầu trên thế giới?
GS.TKSH Hồ Sĩ Thoảng: - Là người từng làm trong ngành nhiều năm tôi hiểu rõ chi phí cho việc khai thác một thùng dầu thô không nhiều như Bộ Kế hoạch đầu tư nói.
Ở đây nói 30-70 USD/thùng chỉ là áng chừng còn thực tế chi phí không cao như vậy. Không có chuyện chi phí cao đến mức bán dưới giá thành.
Việt Nam từ lâu mặt hàng dầu thô cũng là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đem lại giá trị rất cao trong kim ngạch xuất khẩu cho nên nhiều năm qua Nhà nước cùng với các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư thích đáng cho hoạt động khai thác và xây dựng các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam.
Hiện công nghệ khai thác dầu của chúng ta rất tiên tiến không kém gì các nước khác, lại khai thác chủ yếu tập trung ở mức 100m nước trở lại nên chi phí không cao.
Ngoài ra các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất để có thể hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm so với dầu thô của các đối thủ cạnh tranh như các nước Châu Phi hay Trung Đông cũng được đặt ra.
Đây được xác định là một giải pháp rất quan trọng tạo chỗ đứng cho các doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh trước sự biến động tăng hay giảm của giá dầu cho nên có thể khẳng định không có chuyện bù lỗ cho hoạt động khai thác dầu khí.
***
Khi giá dầu thô giảm chắc chắn ngân sách hụt thu nhưng người dân có lợi vì giá xăng giảm
Khi giá dầu thô giảm chắc chắn ngân sách hụt thu nhưng người dân có lợi vì giá xăng giảm
***
GS.TKSH Hồ Sĩ Thoảng: - Như tôi đã nói ở trên chi phí cho khai thác dầu ở Việt Nam đã được tính toán cân đối và không có chuyện phải bán dưới giá thành khai thác.PV:- Với chi phí khai thác như vậy, lại đặt trong bối cảnh giá dầu thế giới đang giảm sâu, dưới mức 60 USD/thùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt vấn đề cân nhắc sản lượng khai thác và cơ cấu lại các mỏ. Ông bình luận như thế nào về nhận định của Bộ Kế hoạch Đầu tư? Liệu đây có phải là tín hiệu về việc cân nhắc dừng khai thác các mỏ dầu, giữ tài nguyên cho tương lai?
Chỉ có điều khi giá dầu giảm thì ngân sách thất thu.
Tuy nhiên, ngay cả khi giá dầu thô xuống đến 50USD/thùng thì chúng ta cũng vẫn chưa lỗ. Bởi cách đây hơn 20 năm giá dầu thô xuống rất thấp nhưng hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô khi đó vẫn ổn.
Đã có lúc như năm 1986, giá dầu rơi xuống đến dưới 10 USD một thùng do sản xuất dư thừa và do một số nước trong OPEC giảm giá dầu cho nên việc tính toán để chủ động với giá dầu trồi, sụt cũng đã được đặt ra.
Chuyện giá dầu giảm khác xa so với tính toán có phần ảnh hưởng đến thu ngân sách, song nếu để nói tới việc dừng hay cơ cấu lại các mỏ thì đây thực sự là câu chuyện lớn.
Tôi cho rằng không thể vì giá hạ thấp một chút mà nghĩ đến chuyện ngừng sản xuất hay giảm sản lượng. Vấn đề này của nhà nước, tính toán tăng, giảm hay dừng lại là bài toán nhà nước sẽ đặt ra bởi đây là chủ thể nắm nguồn thu chính từ hoạt động này.
Có một điều rõ ràng khi giá dầu thấp thì kéo theo nhiều hệ lụy như tôi đã nói là nguồn thu ngân sách hạn chế và kéo theo thu nhập thấp nhưng chắc chắn không thể ngừng việc khai thác được.
PV:- Các mỏ dầu đang khai thác của Việt Nam hiện nay đều là liên doanh với đối tác nước ngoài. Điều này có gây khó khăn cho Việt Nam nếu muốn giảm hay dừng khai thác hay không? Nếu chi phí khai thác cao như vậy có gây thiệt hại gì cho đối tác nước ngoài đầu tư tại Việt Nam hay không và vì sao?
GS.TKSH Hồ Sĩ Thoảng: - Đúng là câu chuyện này sẽ có ảnh hưởng, khó khăn và Việt Nam muốn làm gì thì cũng phải bàn bạc với các đối tác (từ chuyện tăng, giảm hay ngừng) đều phải được tính toán kỹ và có sự thống nhất.
Lúc này các Bộ phải ngồi lại cùng Chính phủ phân tích một cách kỹ lưỡng chứ không riêng bộ nào, hay cá nhân nào có thể nói chuyện dừng hay tiếp tục.
PV:- Đã có nhiều nhận định, giá dầu thế giới thấp ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách vì xuất khẩu dầu thô chiếm tỷ trọng khá cao trong GDP. Tuy nhiên, nếu xét cả yếu tố chi phí khai thác, phần tham gia của nước ngoài, chi phí vận chuyển… thì phần Việt Nam thu về có thực sự cao như nhiều công bố và phần hụt thu có lớn như chúng ta đang lo ngại? Và nếu vậy, việc khai thác dầu thô thực sự đang mang lợi cho ai?
GS.TKSH Hồ Sĩ Thoảng: - Như tôi đã phân tích, việc giá dầu giảm thì chỉ có nhà nước thu được ít hơn cho ngân sách. Nhưng nhìn ở góc độ tỉ lệ thu vì đây là tài nguyên nên phần nhà nước thu là rất lớn.
Do đó giá bán thấp thì nhà nước mất tiền còn tôi khẳng định là không lỗ. Tôi cho rằng việc giá dầu thô giảm cũng không ảnh hưởng ghê gớm vì lượng xuất chỉ có 16 triệu tấn/năm, trong khi đó mỗi năm chúng ta nhập tới hơn 10 triệu tấn xăng dầu.
Cho nên có thể khẳng định một lần nữa, khi giá dầu thế giới giảm, nếu tính chung thì nguồn thu  của nhà nước có giảm nhưng không phải ghê gớm, ngược lại người dân và doanh nghiệp lại có lợi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
  • Bích Ngọc (thực hiện)
 ***
BIẾN KHÓ KHĂN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI
Bài của NGUYỄN KHANH trên TT 19/12/2014
Diễn biến giá dầu thế giới đang tác động mạnh mẽ tới kinh tế trong nước. Khó khăn nhiều nhưng cơ hội cũng không thiếu. Theo các chuyên gia, nếu có những quyết sách đúng đắn và kịp thời, chúng ta có thể biến khó khăn thành cơ hội.
Đó không hề là lý thuyết suông mà đang diễn ra trên thực tế.
Nếu giá dầu thô sụt giảm đặt ra thách thức lớn cho ngân sách vì bị thất thu thì ngược lại chúng ta cũng có được cơ hội nhập khẩu xăng dầu rẻ hơn để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sống của người dân. Quan trọng hơn, xuất khẩu dầu thô không có lợi, các doanh nghiệp buộc phải giảm sản lượng khai thác, nên sẽ thúc đẩy quá trình cải cách nguồn thu diễn ra nhanh hơn. Ngân sách thay vì phụ thuộc vào giá dầu một cách thiếu bền vững sẽ tìm nguồn thu thay thế ổn định hơn. Thực ra đây là vấn đề chúng ta muốn làm nhiều năm nay, nhưng chưa đủ động lực và quyết tâm để thực hiện nhưng giờ thì không còn đường lùi...
Đó là chưa kể, chúng ta cũng có thể thực hiện dự trữ dầu thô với chi phí thấp như nhiều nước đã làm.
Tương tự, nếu cuộc chiến giá dầu khiến kinh tế Nga rơi vào suy thoái, đồng rúp mất giá mạnh, người Nga chẳng còn tâm trí đâu để đi du lịch, khiến Mũi Né và các điểm du lịch “chuyên” khách Nga lao đao, thì không ít công ty trong nước cũng tranh thủ cơ hội này để mở văn phòng tại Nga. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh, cho biết không có thời điểm nào mở văn phòng, tuyển nhân lực với giá rẻ nhất, chất lượng tốt nhất... bằng khi khủng hoảng. Tập đoàn này cũng vừa hoàn tất việc mở văn phòng tại Nga và bắt đầu triển khai hoạt động vào đầu năm tới.
Cũng như trong vấn đề hội nhập, việc ký kết các hiệp định thương mại đa phương, song phương luôn được kỳ vọng mở ra những thị trường tiềm năng với các đối tác giàu có. Nhưng hàng rào thuế quan vừa được giảm xuống, hàng rào phi thuế quan đã được họ dựng lên để bảo vệ hàng hóa trong nước. Trong khi ở chiều ngược lại, chúng ta hầu như bỏ ngỏ cho hàng ngoại tràn vào chèn lấp hàng nội. Ở nhiều lĩnh vực, hàng Việt thua ngay trên sân nhà. Thế là, cái cơ hội mà chúng ta kỳ vọng đã trở thành thách thức.
Tại thời điểm này, nhiều ý kiến đang kỳ vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng được ký kết vào đầu năm 2015 như một “cứu giúp” cho nền kinh tế. Nhưng chúng ta không thể quên rằng, cơ hội của ta lớn thế nào ở thị trường xuất khẩu thì thách thức tại thị trường nội địa cũng tỷ lệ thuận. Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về mọi mặt thì những ngành hàng thế mạnh của VN được dự báo sẽ dễ bị tổn thương. Tương tự như việc ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Với nguồn lực, công nghệ, kỹ thuật, quản trị có hạn, chúng ta rất cần nguồn vốn ngoại để phát triển kinh tế nên ưu đãi là cần thiết. Nhưng chính sách ưu đãi áp dụng kéo dài nhiều năm mà không thanh lọc cho phù hợp với định hướng phát triển cũng như sự thay đổi của nền kinh tế đã khiến doanh nghiệp nội bị thua thiệt khi cạnh tranh. Biết đâu sau mỗi dự án FDI được cấp phép lại chẳng có một vài doanh nghiệp vừa và nhỏ VN phải từ bỏ thị trường?
Nói vậy để thấy, vấn đề cuối cùng vẫn tùy thuộc vào việc chúng ta chọn thách thức hay chọn cơ hội để từ đó có những quyết sách để thực hiện.
Nguyên Khanh

 DẦU GIẢM 1 USD , TẠO RA BAO NHIÊU VIỆC LÀM?
Bài của GS TS TRẦN NGỌC THƠ trên TTO 19/12/2014
TT - Giá dầu thế giới vẫn nằm ở mức thấp kỷ lục. Đã có một số ý kiến lo lắng ngân sách của VN sẽ bị ảnh hưởng và đề xuất tăng thuế nhập khẩu xăng hay cắt giảm sản lượng khai thác...
    ***
 Giá xăng giảm sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế bởi kéo nhiều nhóm mặt hàng giảm theo - Ảnh: Hữu Khoa
Giá xăng giảm sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế bởi kéo nhiều nhóm mặt hàng giảm theo - Ảnh: Hữu Khoa
***

Tuổi Trẻ
 xin giới thiệu góc nhìn của GS.TS Trần Ngọc Thơ - trưởng khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM.Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn chưa có cơ quan nào trả lời thấu đáo là khi dầu giảm 1 USD, nền kinh tế sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm, GDP tăng bao nhiêu?
Giải quyết bài toán giá xăng dầu giảm cần phải đặt trong bài toán tổng thể và dài hạn, chứ không nên loay hoay với các phương án trong ngắn hạn là tăng thuế nhập khẩu xăng dầu hoặc giảm khai thác dầu thô trong nước.
Với tình hình như hiện nay, giá dầu thế giới dự báo còn giảm nữa, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu tăng thuế nhập khẩu xăng có khi lại dẫn đến một mối lo khác lớn hơn nhiều, tất cả gánh nặng lại trút lên vai người dân và nền kinh tế. Còn giảm khai thác dầu trong nước cho xuất khẩu là chuyện đương nhiên vì vấn đề cân bằng cung cầu xăng dầu chung trên toàn thế giới.
Khi đề xuất giải pháp tăng thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính chỉ mới thiên hoàn toàn về bù đắp thất thu ngân sách do giá xăng dầu xuất khẩu giảm.
Vừa qua, Bộ Tài chính đưa ra công luận thông tin nếu giá dầu bình quân trong năm giảm 1 USD sẽ làm thất thu ngân sách 1.000 tỉ đồng và từ đó như ngầm mặc định hướng đến giải pháp tăng thuế nhập khẩu xăng dầu với nhiều hệ lụy chung cho cả nền kinh tế, mặc dù có thể giải quyết nỗi đau tạm thời trước mắt.
Theo tôi, đáng lý ra thông tin quan trọng nhất mà Bộ Tài chính phải công bố là nếu 1 USD giá dầu giảm đi sẽ làm tăng trưởng bao nhiêu phần trăm GDP, giảm bao nhiêu phần trăm lạm phát và giảm bao nhiêu phần trăm thất nghiệp trong một vài năm sắp đến?
Nếu có được những thông tin này hoặc các tổ chức nghiên cứu có uy tín đưa ra, xem như giải pháp tăng thuế nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn không khả thi do chỉ mới tính đến giải pháp trước mắt. Vì vậy, với các đề xuất vội vã chỉ hướng đến các mục tiêu ngắn hạn ngay trong lúc này cần phải được loại trừ bởi chỉ có thể giải quyết được nỗi đau trước mắt.
Để có thể truyền dẫn việc giảm giá xăng dầu trên thế giới và tạo ra tăng trưởng, giảm lạm phát và thất nghiệp, thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước phải tiệm cận với giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, đây là điều mà các cơ quan chức năng chưa nói đến trong các giải pháp của mình.
Nếu giá xăng dầu trong nước vẫn còn được độc quyền bởi một số doanh nghiệp nhà nước và điều hành theo cách không minh bạch như bức xúc của dư luận trong thời gian qua, với việc giá xăng dầu trong nước chỉ giảm nhỏ giọt, sẽ khó có chuyện nền kinh tế được hưởng lợi chung mà ngược lại lợi ích từ việc giảm giá xăng dầu thế giới sẽ rơi vào “túi” một nhóm doanh nghiệp độc quyền.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy giá xăng dầu chỉ truyền dẫn vào nền kinh tế để tạo ra tăng trưởng ổn định khi giá xăng dầu phải dựa trên cơ sở thị trường.
Tự do hóa thị trường xăng dầu cần phải được đặt ra ngay trong lúc này và thời điểm này chính là cơ hội tốt nhất khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục và còn có khả năng giảm tiếp. Như vậy điều kiện để giá xăng dầu truyền dẫn đem lại lợi ích tối đa nhất cho nền kinh tế là kết thúc độc quyền kinh doanh xăng dầu chứ không phải là bài toán tăng thuế.
Tất nhiên cũng sẽ có người đặt câu hỏi ngược lại, vậy nếu sau này giá xăng dầu tăng lên sẽ làm giảm tăng trưởng thì sao? Kết quả này là điều đương nhiên. Tuy nhiên, cần phải lưu ý là nếu giá xăng dầu thế giới trong tương lai có tăng rồi cũng sẽ giảm theo cơ chế thị trường.
Lúc bấy giờ doanh nghiệp và người dân sẽ dựa trên các thông tin tự do này để gia giảm kế hoạch kinh doanh của mình phù hợp với từng chu kỳ kinh tế và từng diễn biến của cú sốc giá xăng dầu thế giới.
Còn hiện tại giá xăng dầu trong nước lên xuống như thế nào trong tương lai hoàn toàn nằm trong chủ đích của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền, cách xa với giá xăng dầu thế giới, sẽ rất khó cho người dân và doanh nghiệp lên kế hoạch cho chính mình?
Ngay khi viết bài này, tình cờ một người nông dân ở Bến Tre đặt câu hỏi với tác giả: cách đây nhiều năm khi giá xăng dầu thế giới khoảng 80 USD/thùng, giá xăng trong nước trên dưới 10.000 đồng/lít, nay giá xăng thế giới giảm còn khoảng 55 USD/thùng thì đáng lý giá xăng trong nước cũng phải trở về với giá trước đây chứ?
Đây là câu hỏi khá hay xin chuyển đến các cơ quan chức năng để thấy giải quyết bài toán giá xăng dầu phải dựa trên những bức xúc của người dân và lợi ích toàn cục của nền kinh tế, chứ không chỉ cứ chăm chăm vào bài toán ngân sách và độc quyền.
GS.TS TRẦN NGỌC THƠ (trưởng khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM)


Xăng trong nước chưa giảm theo thế giới
Chiều 18-12 trên thị trường châu Á, giá dầu hồi phục nhẹ với việc tăng 0,03 USD/thùng, tương đương 0,05%, lên mức 56,5 USD/thùng, theo số liệu từ Bloomberg. Riêng giá nhập khẩu xăng A92 từ Singapore về VN đang ở mức 64,79 USD/thùng, tương đương 8.657,41 đồng/lít.
Với mức giá nhập đó, cộng các khoản thuế, phí, giá cơ sở đang ở mức 18.000 đồng/lít. So sánh với giá bán lẻ hiện 19.930 đồng/lít, doanh nghiệp đầu mối đang lãi khoảng 1.930 đồng/lít.
Như vậy, tính từ lần giảm gần nhất hôm 6-12, giá cơ sở VN giảm được gần 10% trong khi giá bán lẻ vẫn giữ nguyên. Trong cùng thời gian, giá dầu thế giới giảm 14,19% và giá xăng nhập từ Singapore giảm gần 14%, theo Bloomberg.
Theo ông Đặng Văn Hoài - phó phòng kinh doanh xăng dầu Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu Petrolimex 2, hiện thuế nhập khẩu xăng đang ở mức 27%, diesel ở mức 23%.
HỒNG QUÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét