Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

20141203. XOAY QUANH VẤN ĐỀ GIÁ DẦU THẾ GIỚI GIÀM MẠNH

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIÁ DẦU GIẢM MẠNH, VIỆT NAM ẢNH HƯỞNG GÌ ?
Bài pv của MẶC LÂM/ RFA/ Quechoa 3/12/2014

Một nhà máy lọc dầu tại Hamburg, Đức chụp hôm 10/7/2014
***
 Giá dầu thế giới giảm mạnh trong vài tuần qua khiến cho các nước sản xuất dầu điêu đứng. Tuy nhiên đối với Việt Nam, việc giảm giá dầu nếu có biện pháp thích nghi thì đây là cơ hội tốt để tăng trưởng kinh tế do hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu rớt giá. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương để tìm hiểu thêm về vấn đề này
VN hưởng lợi?
Mặc Lâm: Thưa TS với việc giá dầu thế giới liên tục giảm trong mấy tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ tài chính nghiên cứu để có phương án đối phó với nó, theo TS việc giá dầu hạ có đáng lo cho nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Giá dầu giảm thì làm giảm nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu bởi vì Bộ tài chính hiện nay vẫn dự toán giá dầu là 100 đô la một thùng và dự toán đó đã được trình lên quốc hội cho dự toán ngân sách năm 2015. Giá dầu hiện nay đã giảm xuống mức 72 đô la một thùng và thậm chí có thể còn giảm hơn nữa cho nên thâm hụt ngân sách từ giá dầu sẽ rất đáng kể. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính phải có phương án giải quyết là điều cần thiết.
Mặc khác Việt Nam nhập khẩu xăng và nhiều sản phẩm khác được sản xuất từ dầu lửa như chất dẻo, sợi tổng hợp hay phân bón, thuốc trừ sâu và một loạt các sản phẩm khác. Hiện nay chưa có phương án tính toán nếu giá dầu hạ thì các sản phẩm kia cũng giảm và như vậy tức là phần Việt Nam được lợi từ giá dầu giảm do các nguồn nhập khẩu đó hiện nay chưa được trình ra trước Hội nghị chính phủ ngày hôm qua. Tôi cũng chưa thấy báo chí thông tin nhưng tôi nghĩ rằng phần được lợi là đáng kể bởi nó sẽ dẫn đến việc ổn định chỉ số lạm phát và dẫn đến giảm chi phí về vận tải, mà vận tải đường bộ tại Việt Nam là rất đáng kể.

Từ đấy thì giá các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu cũng giảm và nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội này có thể khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường sản xuất một cách có hiệu quả với nhiều doanh nghiệp mới tham gia thì tôi nghĩ rằng nguồn thu ngân sách từ các doanh nghiệp sản xuất ra có hiệu quả hơn có thể sẽ bù đắp lại được một phần thiệt hại do giá dầu giảm kia.
Tuy nhiên cần phải có phương án tính toán một cách đầy đủ theo mô hình kinh tế hợp với định lượng thì mới có thể lượng định được mặt được và mất của việc giảm giá dầu này đối với nền kinh tế Việt Nam như thế nào.
Mặc Lâm: Với những hình ảnh mà TS vừa đưa ra VN rõ ràng có thể hưởng lợi với giá nhập khẩu rẻ vì giá dầu hạ, tuy nhiên các ngành xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng đặc biệt là mặt hàng thủy sản xuất sang Nga, liệu mối lợi từ nhập khẩu có bù đắp nổi với thiệt hại do xuất khẩu rớt giá hay không thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Đương nhiên việc giá dầu giảm sẽ tác động đến thị trường thế giới và nước Nga hiện nay đang chịu tác động nặng nề vì giá dầu. Người ta đã ước tính giá dầu giảm sẽ làm cho nước Nga thiệt hại từ 100 tới 150 tỷ đô la. Nếu cộng thêm những tác động từ lệnh trừng phạt và cấm vận khác của các nước châu Âu thì nền kinh tế nước Nga có thể sẽ gặp khó khăn và vì thế nhập khẩu của Nga sẽ bị ảnh hưởng.
Nhưng giá dầu giảm thì nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng và kéo kinh tế châu Á tăng trưởng theo. Điều này các nhà kinh tế học đã tính toán ra rồi vì vậy Việt Nam cần phải tìm cách chuyển thị trường và có phản ứng năng động, nhanh nhạy để có thể tránh được các thiệt hại từ các thị trường bị thiệt hại nhiều do giá dầu và chuyển sang các thị trường mà nền kinh tế có thể hồi phục và tăng trưởng nhờ giá dầu giảm này.
Khó khăn gì?
Mặc Lâm: Riêng về nợ xấu của các tập đoàn tổng công ty cho thấy là rất đáng quan ngại, nhất là tập đoàn dầu khí Việt Nam với món nợ xấu gần 10 ngàn tỉ đồng. Liệu số nợ này có tăng thêm mối khó khăn do giá dầu giảm mạnh như hiện nay hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam bị nợ xấu thì đã có lâu rồi và gần đây thì Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã chịu thiệt hại từ việc đầu tư vào khai thác dầu ở Venezuela và do đồng tiền của Venezuela bị mất giá rất nặng nề cho nên dầu khí Việt Nam phải bỏ công trình đó và chịu thiệt hại đáng kể. Ngoài ra còn có các nguồn gốc khác nữa.
Tôi nghĩ rằng vấn đề nợ của Tập đòan dầu khí Việt Nam cần phải giải quyết bằng các biện pháp trước mắt và điều cơ bản hơn là cần những bước cải thiện cách quản trị doanh nghiệp. Phải tìm ra những lỗ hổng những mặt kém hiệu quả và nguyên nhân dẫn đến thua lỗ đó
Mặc Lâm: Thưa TS nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng giá dầu như hiện nay chưa phải là mức cuối mà có thể nó sẽ rớt tới đáy như thời kỳ khủng hoảng trước đây vào năm 2009 là 45 USD một barrel. Theo ông nếu tiên đoán này trở thành hiện thực thì Việt Nam sẽ ra sao?
TS Lê Đăng Doanh: Hiện nay chưa biết được là giá dầu sẽ giảm như thế nào và đến đâu. Người ta dự báo trước mắt là giá dầu sẽ giảm đến 60 đô la một thùng và tôi nghĩ đấy là viễn cảnh mà chưa có ai dự đoán được. Thế nhưng liệu giá dầu có giảm tiếp sau đó hay không thì có lẽ cần được tính toán theo nhiều phương án và tôi nghĩ tính toán theo các phương án đó là công việc của Viện Nghiên cứu Việt Nam cần phải tiến hành và đưa cho chính phủ xem xét. Việc giảm quá đáng đến 45 đô la một thùng có thể ảnh hưởng đến công nghệ dùng áp lực thủy lực để khai thác dầu từ đá phiến của Hoa Kỳ bởi vì chi phí cho công nghệ này tương đối cao và cao hơn chi phí bơm dầu đang phổ biến thí dụ như tại Ả rập Saudi chẳng hạn, họ có thể chịu được một cái giá rẻ hơn. Đây là bài toán có những tác động khác nhau để có thể có những dự báo hiện thực rằng giá dầu sẽ hạ đến đâu.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
***
BI KỊCH ĐANG ĐẾN VỚI ĐỒNG RUP NGA
Bài của DIỆP VŨ / VnEconomy/ Quechoa 2/12/2014
***
Rất hiếm khi đồng tiền của một quốc gia lớn lại mất giá thảm hại như những gì đang diễn ra đối với đồng Rúp..
Nếu hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp để cứu tỷ giá, thì động thái này được coi là sự thừa nhận rằng, đồng Rúp đang giảm giá tới mức đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính Nga.
***
Đồng Rúp của Nga hôm qua (1/12) đã có phiên mất giá mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở nước này năm 1998. Trong phiên giao dịch, có thời điểm đồng tiền này mất giá khoảng 9% so với đồng USD trước khi chốt phiên ở mức giảm khoảng 4%.
Trao đổi với hãng tin Reuters, một số nhà giao dịch cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nga có thể đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn không cho đồng nội tệ giảm giá sâu hơn.“Chắc là Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp”, một nhà giao dịch nói.  “Có lẽ họ đã phải chi hàng tỷ USD để cứu tỷ giá phiên này”, nhà phân tích Tim Ash thuộc ngân hàng Standard Bank phát biểu với tờ Telegraph.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga không bình luận gì về vấn đề này.
Vào cuối ngày giao dịch, tỷ giá đồng Rúp giảm 3,9% so với đồng USD, còn 52,45 Rúp đổi 1 USD và giảm 3,8% so với đồng Euro, còn 65,39 Rúp “ăn” 1 USD.
Thị trường chứng khoán Nga cũng giảm điểm mạnh, với chỉ số RTS tính bằng đồng USD giảm 3,1%, còn 944 điểm. Trước đó, có lúc chỉ số này rớt xuống 930 điểm, thấp nhất trong 5 năm.
Giá dầu giảm sâu được cho là một nguyên nhân khiến đồng Rúp Nga mất giá mạnh. Giá dầu thô Brent hôm qua tại thị trường London đã chạm mức đáy của 5 năm, với 69,6 USD/thùng. Giá dầu  duy trì đà giảm mạnh sau khi Trung Quốc công bố thống kê kém khả quan và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tuần trước tuyên bố giữ nguyên sản lượng khai thác.
Vào cuối phiên giao dịch, giá dầu phục hồi mạnh, với giá dầu Brent tăng 3% và giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York tăng 4%. Tuy vậy, sự phục hồi này không giúp đồng Rúp thoát một ngày rớt giá thảm.
Các chuyên gia cho rằng, cú sốc từ quyết định của OPEC đồng nghĩa với việc thị trường đang phản ánh khả năng dầu thô sẽ “rẻ bèo” trong một thời gian kéo dài. Dự báo này dẫn tới việc đánh giá lại giá trị tài sản Nga.
Dầu thô và khí đốt đóng góp khoảng 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Nga và một nửa nguồn thu ngân sách liên bang của nước này. Những con số này cho thấy nền kinh tế Nga và giá tài sản của nước này phụ thuộc nhiều vào giá năng lượng toàn cầu.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, đồng Rúp đã giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng là 50 Rúp đổi 1 USD. Cho tới gần đây, hầu như ít ai có thể tưởng tượng đồng tiền này lại mất giá tới vậy. Từ giữa năm tới nay, đồng Rúp đã mất giá khoảng 1/3.
“Đồng Rúp chỉ có thể được hỗ trợ nếu giá dầu ổn định trở lại. Các yếu tố khác không có nhiều ý nghĩa quan trọng”, nhà giao dịch Igor Zenlentsov thuộc ngân hàng Globex Bank nhận định trong một báo cáo. Theo nhà giao dịch này, với mức giá dầu như hiện tại, đồng Rúp có thể giảm giá tới mức 53-55 Rúp đổi 1 USD.
Hôm 10/11, Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định thả nổi đồng Rúp thay vì đưa ra một biên độ giao dịch cho tỷ giá đồng nội tệ. Kể từ đó, Ngân hàng Trung ương Nga chưa có động thái can thiệp nào tiếp theo vào thị trường ngoại hối mà chỉ nói là sẽ can thiệp nếu sự mất giá của đồng Rúp đe dọa sự ổn định tài chính.
Bởi vậy, nếu hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp để cứu tỷ giá, thì động thái này được coi là sự thừa nhận rằng, đồng Rúp đang giảm giá tới mức đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính Nga.
Tờ Telegraph cho rằng, rất hiếm khi đồng tiền của một quốc gia lớn lại mất giá thảm hại như những gì đang diễn ra đối với đồng Rúp, và sự sụt giá này rất có thể sẽ dẫn tới việc Nga phải tung các biện pháp kiểm soát vốn.
“Tình hình đã trở nên mất trật tự. Chẳng có ai mua đồng Rúp. Chúng tôi biết là những nhân vật thân cận với Tổng thống Vladimir Putin đều đang muốn có biện pháp kiểm soát dòng vốn, và chúng tôi không thể loại trừ khả năng này”, ông Lars Christensen thuộc ngân hàng Danske Bank nhận xét.
“Các vấn đề vốn đối với Nga đang tăng mạnh. Chúng tôi cho ràng Nga đang có nguy cơ phải đương đầu với các vấn đề trong hệ thống”, ông Christensen nói thêm.
Hiện một số ngân hàng Nga đã bắt đầu áp hạn chế rút ngoại tệ ở ngưỡng 10.000 USD.
Cách đây 10 hôm, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói, các biện pháp kiểm soát vốn sẽ không được áp dụng. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra với đồng Rúp, các chuyên gia cho rằng, khả năng Moscow tung biện pháp kiểm soát vốn là hoàn toàn có thể.
***
HÀNG TRĂM DỰ ÁN KHAI THÁC DẦU KHÍ NGUY CƠ ĐÌNH TRỆ
Bài của HÀ THU trên VNN 6/12/2014
800 dự án khai thác với số vốn đầu tư lên đến hơn 500 tỷ USD đang chờ xem xét tính khả thi trong bối cảnh giá dầu đang giảm mạnh xuống dưới giá thành.
Những mỏ dầu phát hiện một thập kỷ trước đang bắt đầu cạn kiệt. Các hãng khai thác phải cố gắng tiếp cận nơi xa xôi và khắc nghiệt hơn. Cùng với đó, chi phí sản xuất cũng tăng đáng kể, khi mà nguyên liệu thô và công nghệ mới cũng ngày càng đắt đỏ.
Triển vọng khai thác dầu càng trở nên mờ mịt, do giá đã giảm tới 40% trong 5 tháng qua, xuống quanh 70 USD một thùng. Trên toàn cầu, khoảng 800 dự án khai thác với năng suất 60 tỷ thùng và tổng mức đầu tư 500 tỷ USD đang chờ các công ty ra quyết định cuối cùng vào năm tới. Theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), một phần ba trong số dự án này khó có khả năng được thông qua khi giới phân tích dự đoán giá bình quân năm sau chỉ đạt 82,5 USD.
"Với giá 70 USD một thùng, một nửa số dầu sản xuất được sẽ gặp rủi ro", Per Magnus Nysveen - Giám đốc phân tích tại Rystad Energy nhận xét.
***
oil-5536-1417842553.jpg
Nhiều dự án khai thác dầu có chi phí lên tới hàng chục tỷ USD. Ảnh: Bloomberg
***
Dự án North Sea Rosebank của đại gia dầu mỏ Chevron cũng có tương lai rất u ám, giới phân tích cho biết. "Dự án này còn không đáng làm nếu giá dầu ở mốc 100 USD mỗi thùng. Vì thế, với mức giá hiện tại, khả năng cao là họ sẽ không thực hiện", Bertrand Hodée – nhà nghiên cứu tại Raymond James cho biết.Khoảng một phần ba các dự án sẽ được quyết định số phận vào năm sau có thiết kế theo công nghệ mới - fracking (đưa hỗn hợp nước, cát và hóa chất vào đá phiến để ép dầu). Trong số đó, một nửa nằm ở Canada và Venezuela.
Chi phí khai thác nơi đây vào khoảng 10 tỷ USD, trữ lượng đạt khoảng 300 triệu thùng. Hodée cho biết bất kỳ dự án khai thác ngoài khơi nào có chi phí trên 30 USD mỗi thùng đều sẽ phải được cân nhắc trong bối cảnh giá dầu hiện tại.
Và kể cả nếu giá lên 120 USD, lời lãi của một số dự án cũng vẫn còn phải nghi ngờ, do chi phí khai thác tăng cao những năm gần đây. Rosebank của Chevron đã bị trì hoãn vài năm qua. Trên Reuters, hãng cho biết vẫn đang đánh giá về tiềm lực kinh tế của dự án và còn quá sớm để kết luận.
Công ty Statoil của Na Uy tuần này cũng đã hoãn một dự án cho đến tháng 10 năm sau. Họ dự định đầu tư 5,74 tỷ USD vào mỏ dầu Snorre ở biển Na Uy.
Các mỏ dầu mới cần 4-5 năm để khai thác và tiêu tốn hàng tỷ USD trước khi sản xuất được mẻ đầu tiên. Vì vậy, bất kỳ sự cắt giảm sản lượng nào cũng đều có hại với các công ty quốc tế vốn đang đau đầu tìm cách thay thế nguồn dự trữ đang cạn kiệt. Nó cũng sẽ khiến nguồn cung bị thắt chặt cho đến cuối thập kỷ.
Các dự án ở Canada, vốn cần nhiều tiền đầu tư và công nghệ khai thác phức tạp, có khả năng bị dừng cao nhất. Total gần đây đã quyết định hoãn dự án Joslyn ở Alberta (Canada) có chi phí dự kiến 11 tỷ USD.
Dự án khí hóa lỏng của Shell tại nước này cũng đang chịu sức ép do nguồn cung tăng cao và giá giảm. Theo Citi, Shell chỉ hòa vốn khi giá dầu lên 80 USD một thùng.
Kể cả ở Vịnh Mexico - một trong những khu vực khai thác hấp dẫn nhất thế giới, các dự án cũng đang gặp nhiều khó khăn. BP năm ngoái đã ngừng giai đoạn 2 của dự án khai thác nước sâu Mad Dog tại đây, sau khi chi phí vận hành lên tới 20 tỷ USD. "BP từng rất lạc quan về khả năng phục hồi sản xuất, nhưng giờ có lẽ họ lại quyết định hoãn thôi", Iain Reid - nhà phân tích tại BMO Capital Markets cho biết.
Giếng dầu Johan Castberg của Statoil dự định hoạt động năm 2015. Nhưng với chi phí ước tính 16-19 tỷ USD, việc này cũng khó có khả năng thành hiện thực, Hodée nhận xét. Trong khi đó, chi phí khai thác mỏ Johan Sverdrup của hãng đã được dự kiến lên tới 32,5 tỷ USD.
Hà Thu

***
KỊCH BẢN NÀO CHO VIỆT NAM KHI GIÁ DẦU GIẢM CHÓNG MẶT?
Bài của NGUYÊN THẢO trên VNEconomy 11/12/2014
Việc giảm giá dầu thô sẽ làm giảm giá bán xăng dầu ở Việt Nam, và theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì điều này sẽ có lợi cho dân...
Kịch bản nào cho Việt Nam khi giá dầu giảm chóng mặt?
***
Đây chính là cơ hội rất tốt để các mặt hàng sử dụng xăng dầu giảm chi phí nhằm phục hồi sản xuất, có tăng trưởng, có tiền chi vào hoạt động khác, qua đó nền kinh tế vĩ mô sẽ ổn định và lạm phát sẽ được kiềm chế.
Bên cạnh lạm phát thấp ngoài dự đoán thì giá dầu thô giảm mạnh cũng là một vấn đề không nhỏ của kinh tế Việt Nam, không chỉ trong ngắn hạn.
Vậy vấn đề này sẽ được xử lý ra sao? Câu trả lời cho câu hỏi đó sẽ là một trong những trọng tâm của phiên họp đầu tiên sau khi có quy chế phối hợp của 4 bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính và Công Thương, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tuần sau.
 
Giảm “vừa” thì giúp tăng GDP
Dự toán ngân sách của năm 2015 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua được xây dựng với giá dầu 100 USD/thùng.
Nhưng ngay từ đầu tháng 11 của năm 2014, giá dầu thô đã giảm xuống mức còn trên 70 USD/thùng. Trao đổi với VnEconomy khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, nếu ở mức 75 USD/thùng thì lãi là rất ít.
Đầu tháng 12, giá dầu thô vẫn tiếp tục giảm xuống dưới 70 USD/thùng, và theo dự báo của một số cơ quan chuyên môn trong nước thì còn có thể giảm sâu xuống còn 40 USD/thùng.
Việc giảm giá dầu thô sẽ làm giảm giá bán xăng dầu ở Việt Nam, và theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì điều này sẽ có lợi cho dân.
Giả thiết giá bán xăng dầu không giảm cùng với xu hướng giảm giá dầu thô mà chỉ giảm ở mức 10% và 20% do Chính phủ tăng thuế nhập khẩu xăng dầu thì tác động đến giá sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng như thế nào?
Trong quá trình chuẩn bị cho phiên họp nói trên, một cơ quan chuyên môn ước tính, nếu giá bán xăng dầu giảm 10% thì giá sản xuất giảm 0,57%, CPI giảm 0,55% và tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng thêm 0,91% GDP.
Còn nếu giá bán xăng dầu giảm 20% thì giá sản xuất giảm 1,14%, CPI giảm 1,1% và GDP tăng thêm 1,82%.
Nhưng, với phương án giá dầu thô giảm đến mức thấp hơn giá thành và giả định ngành khai thác dầu phải cắt giảm 30% sản lượng, thì khi đó tăng trưởng GDP lại bị giảm khoảng 2,04 điểm phần trăm tăng trưởng, cơ quan này ước tính.

Hụt đáng kể ngân sách 2015
Trong tác động đến thu ngân sách, một số tính toán khác cho thấy, ở góc độ xuất khẩu, nguồn thu từ dầu thô đến từ thuế tài nguyên, phân chia lợi nhuận theo hợp đồng hợp tác liên doanh của các công ty dầu khí và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bình quân mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 14 triệu tấn dầu thô. Mỗi tấn tương đương 7 thùng, như vậy sản lượng xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 100 triệu thùng.
Theo tính toán, nếu giá dầu thô giảm 1 USD (1% giá dự tính), ngân sách sẽ hụt thu trên 1.000 tỷ đồng, như vậy việc giá dầu thô giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống còn 65 USD/thùng hiện nay thì ngân sách hụt thu 35.000 tỷ đồng so với dự toán.
Còn nếu xuống mức 40 USD/thùng như một số dự báo thì thì ngân sách hụt thu khoảng 55.000 tỷ đồng.
Ở góc độ nhập khẩu, khoản thu ngân sách đến từ thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu và hàng loạt phí nằm trong mỗi lít xăng dầu. Khoản thu này đã được tính toán đạt khoảng 11.000-15.000 tỷ đồng/năm. Khi giá dầu thô giảm một nửa cũng đồng nghĩa với việc thu thuế chỉ còn một nửa giá trị.
Như vậy, với mức giá dầu thô hiện nay, các khoản thu này sẽ làm ngân sách giảm thêm 5.500 tỷ đồng; còn nếu giá xuống 40 USD/thùng thì ngân sách giảm thêm 7.500 tỷ đồng.
Như vậy, tính chung cả hụt thu về giá xuất khẩu và thuế nhập khẩu, thì giảm thu ngân sách với giá dầu thô hiện nay là 40.000 tỷ đồng; còn nếu giá xuống 40 USD/thùng thì ngân sách giảm 62.500 tỷ đồng.
Đến nay, thu ngân sách năm 2014 đã bằng dự toán, nên diễn biến giá dầu thô không ảnh hưởng đáng kể đến thu chi ngân sách năm nay. Tuy nhiên, đối với năm 2015, việc giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách, theo lo ngại của nhiều chuyên gia và cả cơ quan điểu hành.
Một số phương án cũng đã được dự kiến để ứng xử với tình trạng giá dầu thô giảm. Như tìm nguồn thu bổ sung và tính toán cân đối lại ngân sách. Thậm chí, nếu khó khăn thì phải tính đến khả năng vay mượn hoặc phát hành trái phiếu bù lại.
Bên cạnh đó cũng có thể tính đến tăng sản lượng khai thác dầu hoặc giảm sản lượng chờ giá, nhưng thực tế là rất khó tăng sản lượng khai thác, vì các mỏ của Việt Nam đều đã khai thác đến công suất thiết kế. Còn giảm sản lượng đợi giá lên thì ngân sách vẫn có nguy cơ hụt thu vì sản lượng xuất khẩu dầu thô giảm.
Tăng các khoản thu ngân sách khác và cơ cấu lại chi để bảo đảm không tăng thâm hụt ngân sách cũng là phương án được dự kiến.

Lợi ích nằm ở lâu dài
Một số chuyên gia cho rằng, về dài hạn, việc giảm giá dầu thô là một trong những điều kiện để Việt Nam buộc phải tính toán lại căn bản chi tiêu ngân sách. Chiến lược chung là sẽ phải chuyển sang hệ thống ngân sách cứng, mạnh mẽ, quyết liệt thay cho ngân sách mềm - mà nói như đại biểu Trần Du Lịch là “mềm đến tùy tiện” như hiện nay.
Phân tích từ một số cơ quan chuyên môn cũng chỉ ra rằng, giá dầu thô giảm có thể gây khó khăn cho ngân sách, nhưng đó chỉ là ngắn hạn, còn lợi ích đối với nền kinh tế thì lớn hơn rất nhiều khi mọi thành phần kinh tế khác đều có lợi.
Đây chính là cơ hội rất tốt để các mặt hàng sử dụng xăng dầu giảm chi phí nhằm phục hồi sản xuất, có tăng trưởng, có tiền chi vào hoạt động khác, qua đó nền kinh tế vĩ mô sẽ ổn định và lạm phát sẽ được kiềm chế.
Trao đối với VnEconomy hồi đầu tháng 11/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ đang xây dựng kịch bản ứng phó với diễn biến phức tạp của giá dầu thô thế giới.
Và rất có thể những kịch bản này sẽ được thông tin rộng rãi hơn sau cuộc họp của bộ này với các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, như đã nói ở trên.
 
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét