Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

20160301. HUYỀN THOẠI VÀ VÔ DANH

ĐIỂM BÁO MẠNG
HUYỀN THOẠI VÀ VÔ DANH
TUẤN KHANH/ BVN 29/2/2016
clip_image001
Nhà ga Kami-Shirataki, Nhật, sẽ đóng cửa vào tháng Ba này, và mở ra một ký ức văn minh hết sức ấm áp cho nước Nhật cũng như cho thế giới. Nhà ga nhỏ nằm ở thị trấn Engaru, thuộc vùng nông thôn của Hokkaido, đã đột nhiên lừng danh từ 3 năm nay với việc duy trì phục vụ cho một hành khách duy nhất, là một nữ sinh đi học hàng ngày.
Câu chuyện Cơ quan Đường sắt Nhật Bản họp và quyết định duy trì hoạt động đầy thua lỗ này với mục đích là giúp cho một nữ sinh không gặp khó khăn trên đường đến trường trở thành huyền thoại trong thế giới hiện đại, vốn đang nghèo khó sự chia sẻ và lòng bác ái. Nhìn về nhiều phía, nước Nhật quả là đầy huyền thoại, và con người ở đất nước này cũng rất thông minh để biết cách tạo nên những huyền thoại lưu danh hậu thế.
Những câu chuyện như vậy trên trên giới thật hiếm hoi. Một phần vì đức năng đủ để tạo nên truyền kỳ không dễ, một phần khác là không phải những câu chuyện nào cũng được nhân gian biết đến. Chuyện nhà ga Kami-Shirataki làm tôi nhớ đến người lái đò ở Cồn Sơn, Cần Thơ. Vùng đất miền Tây lặng lẽ và hiền lành này nếu được ai đó viết lại, cũng là một chuyện truyền kỳ đáng ngưỡng mộ trong cuộc sống này.
Để đi đến vùng cây trái xanh tươi cây trái Cồn Sơn, phải đi qua một con sông. Phương tiện duy nhất nối hai bờ là chiếc đò của chị Bé. Người phụ nữ có nước da ngăm đen, dáng người cục mịch nhưng khoẻ mạnh này mỗi ngày lái hàng chục chuyến đò miễn phí cho dân chúng ở Cồn Sơn, từ 5g sáng cho đến 9 giờ tối. Rất nhiều chuyến, chị chỉ chở một học sinh, thậm chí chỉ một con vịt được gửi qua bên kia bờ.
Chị Bé trên dưới 40 tuổi. Cũng không ai biết nhiều về chị, dù chị nhẳn mặt mọi người. Học trò xuống đò ra phố trốn học đi chơi, thế nào cũng bị chị gọi méc. Người đi làm công nhật bỏ bữa không đi, chị đã lo hỏi có bệnh không. Công việc của chị gần gũi đến mức ít ai nhớ người phụ nữ rất hay mắc cỡ, luôn im lặng này, đã tự mình dựng nên một con đò, rồi sống một cuộc đời miệt mài với những chuyến đưa đò không cần lấy lại với dân chúng. Từ năm chị Bé 15 tuổi, khi nhận ra qua con sông là chuyện khó của nhiều người, chị gom góp của cải và âm thầm chọn cho mình cuộc đời đưa đò như vậy.
Đêm hôm, nhà ai có sinh nở, chỉ cần ở bên bờ ới chị một tiếng, đã nghe tiếng máy nổ xình xịch chạy tới. Chị Bé không có ngày nghỉ, đến mức bệnh đang nằm liệt, nghe người gọi cần xuống đò, chị cũng lồm cồm ngồi dậy làm công việc của mình không một tiếng cằn nhằn.
Tên thật của chị là Nguyễn Hoàng Dịch Thuỷ. Cái tên đẹp và ý nghĩa như công việc ngày thường của chị. Ở Nhật, người ta giữ lại một nhà ga cuối cho một học sinh. Ở Việt Nam, người phụ nữ vô danh ở miền Tây xô vạt một con sông để chắt chiu một ngôi làng, 49 gia đình với già trẻ lớn bé không họ hàng thân thích gì với chị cả.
Có lúc thắc mắc, tôi hỏi những người chung quanh rằng rồi chị Bé sẽ sống bằng gì với sự cho đi thanh thản như vậy. Người thì nói rằng chị có chỗ giữ xe cho dăm ba khách du lịch, một cái tiệm tạp hoá con. Rồi mấy năm gần đây khi khách du lịch lác đác tìm đến, chị được chút ít tiền đưa đò cho khách. Tiền kiếm được thêm, chị Bé lo chuyện bị phạt vì đưa khách sang sông mà không có áp phao nên dồn mua đủ loại phao, áo… chất đầy trên đò.
Tháng ba này nhà ga Kami-Shirataki dự trù sẽ đóng cửa vì cô nữ sinh tốt nghiệp và vào đại học, sẽ ở lại trên thành phố lớn. Còn con đò Dịch Thuỷ ở miền Tây thì vẫn ngược xuôi, không hẹn ngày nghỉ. Phật dạy rằng gánh nặng lớn nhất trong đời người là yêu thương. Người đàn bà miền quê đó lặng lẽ mang hết những gánh nặng đó trong đời, với nụ cười chai sạm hết sức hồn nhiên. Con đò như đời người, như một công án thiền mênh mông, không màng lời giải.
Có những con người Việt Nam như vậy, như Bồ Tát đời thường, vẫn sống, vẫn đứng giữa mọi người trong từng ngày thường. Họ như những tia sáng le lói soi vào tim người, làm dịu đi những nan đề của đời khiến nhân gian sôi sùng sục học cách đáp trả, học cách bắt lấy thật nhanh danh lợi. Tiếc là họ luôn lẩn khuất trong cuộc sống đang vằn vện hào quang ảo tưởng.
Trong bài “Hai người gian dối trong cuộc chiến 1979” mà báo Petro Times đưa trong ngày 17/2, tác giả có nhắc về hai nhân vật không có thật đã tung hoành trong trí tưởng tượng của nhiều thế hệ Việt Nam là Lê Văn Tám và Nguyễn Văn Bé. Hai nhân vật được dựng lên với nhiều chi tiết vô lý, thậm chí được đưa vào học thuộc lòng trong sách giáo khoa.
Phải chi câu chuyện thấm đẫm tình người như nhà ga Kami-Shirataki hay con đò Dịch Thuỷ ở miền Tây được thay vào cho những nhân vật nói trên, biết đâu sự dữ dội giả tạo ấy trong sách giáo khoa sẽ nhường chỗ cho lòng bác ái và tình thương, cho nhiều thế hệ về sau?
Tôi coi bản video ghi lại lễ hội cướp phết ở làng Hiền Quan, Phú Thọ, bắc Việt Nam trong những ngày tháng Giêng, đầy những cảnh tranh cướp đánh nhau kinh sợ, e còn hơn cả những cảnh trong bộ phim giả tưởng Bụi Đời Chợ Lớn. Những cảnh chém heo lìa đôi oai phong lẫm liệt đến rợn người. Người Việt thật sự chỉ được học sức mạnh của các anh hùng, bao gồm cả những anh hùng bịa đặt? Người Việt chỉ được dạy khao khát sức mạnh như bom và xăng. Một ngày nào đó, liệu chúng ta có còn cơ hội để học về những con người bình thường – những con người không âm mưu danh lợi hay quyền thế, không chà đạp nhau mà chỉ muốn cho đi với sự bao dung như một con đò vô danh?
T. K.
KHÔNG PHẢI CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM
PHẠM THỊ HOÀI/BVN 27/2/2016
clip_image001
Lên Tuk-Tuk ở Thái là chấp nhận giá đi đằng giá, đường đi đằng đường - NGUỒN ZMETRAVEL.COM
Trên toàn thế giới du khách đều có thể bị lừa gạt và chặt chém: Ở thánh địa Thiên chúa Vatican và thánh địa Do Thái Jerusalem, ở đất nước chùa chiền Thái Lan và xứ sở Phật giáo Ấn Độ, ở Ai Cập Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo, ở Machu Picchu của Đế chế Inca và Angkor của Đế chế Khmer, ở nước Nga hậu cộng sản và Cuba cộng sản cuối mùa, ở thân vương quốc triệu phú Monaco nhỏ xíu và nước cộng hòa nghèo đói khổng lồ Congo, ở thiên đường tuyết trắng St. Moritz và chốn thần tiên biển biếc Maldives, ở New York và London, Amsterdam và Hamburg, Istanbul và Athens, Praha và Budapest, Bắc Kinh và Hong Kong..., thậm chí ở Singaporemệnh danh The Fine City, nơi mọi động thái của con người có thể làm phiền con người đều bị phạt, từ đem sầu riêng vào taxi và tàu xe công cộng trở đi (500 SGD). Trước vụ một người Việt mua điện thoại iPhone bị lừa ở khu mua sắm Sim Lim, sáu người Mỹ đã bị một quán ở Newton Hawker Centre chém 239 SGD cho 8 con tôm sú.
Không thể kể hết những nỗi đoạn trường của du khách ở thời đại du lịch đại chúng toàn cầu này: Một tài xế taxi chém 400 euro của một khách Mexico cho đoạn đường 10 km ở Berlin, giá thông thường chưa đầy 20 euro. Cũng tài xế taxi, Hong Kong, chém 8000 HKD của một khách Thụy Sĩ cho đoạn 30 km từ sân bay về Kowloon, giá thông thường 300 HKD. Lên Tuk-Tuk ở Thái là chấp nhận giá đi đằng giá, đường đi đằng đường. Đi taxi ở Ấn Độ là chơi xổ số, vận may của bạn là một phần mấy triệu. Ở Praha, bạn có thể nâng vận may ấy lên hai lần nhưng nỗi bực thì nhảy vọt hai nghìn phần trăm. Ở Rome, trước khi lên taxi bạn nên đặt tay lên Kinh Thánh cầu nguyện. Cũng ở thành phố bất tử này, một cửa hàng kem gần Quảng trường Tây Ban Nha chém 60 Euro cho 4 cây kem ốc của một gia đình du khách Anh và một nhà hàng ở Quảng trường Navona chém 695 Euro cho một bữa ăn trưa của một cặp du khách Nhật. Thủ đô nước Ý nói chung gợi nhớ đến đặc sản Ý: mafia, cũng như Paris xứng đáng với phát minh của người Pháp: nó là trọn vẹn một cỗ máy chém vĩ đại.
clip_image002
Hóa đơn 11 Euro cho một chai nước Evian 1/3 lít ở Paris và 695 Euro cho một bữa trưa ở Rome.
Tất cả những gì về nạn chặt chém mà người Việt đang bị giật mình và ám ảnh, phẫn nộ và bức xúc, bị choáng, bị sốc nặng, phải nản lòng, phải cắn răng, phải nghẹn, phải ứa nước mắt, phải ôm cục tức, phải khóc ngất và khóc thét đều đã được thế giới này sáng tạo, phát triển và tinh luyện từ lâu lắm. Người Việt, những người đến muộn và còn rất ít kinh nghiệm trong ngạch kinh doanh khao khát hương xa này, không thể coi mình là tác giả đầu tiên.
Không phải chỉ có ở Việt Nam. Trước chúng ta, xe dù và mafia taxi, chèo kéo đeo bám và kì kèo dọa dẫm, hét giá, ép giá và đội giá, ăn bớt và phụ thu, treo đầu dê bán thịt chó, ém để chém (tàu hết vé, chùa đóng cửa, khách sạn cháy phòng), xin đểu, nhầm tiền thối, nhảy đồng hồ, câu đường, ép mua quà lưu niệm và nữ trang rởm, chụp ảnh vòi tiền, gài bẫy cô nhi, giăng lưới em gái nhà lành, khám tiền miễn phí kê toa cắt cổ, cò mồi, bắt nạt và bắt chẹt, hăm dọa, rạch túi, hành hung, trấn lột..., không có gì xa lạ với lòng tham của con người mà chưa được thử nghiệm trên thế giới. Và lòng tham luôn giàu sáng kiến hơn sự tử tế. Bao giờ cũng thế, sự đểu giả thì xông xáo bạo dạn, sự lương thiện thì rụt rè; sự bất tài thường xấn xổ, tài năng lớn thường ngại ngùng; cái Ác chẳng cần ai bảo vệ, cái Thiện chưa đi một bước đã tổn thương. Ai còn mong đòi bản quyền những chiêu chặt chém vô đối cho người Việt, hãy bỏ chút thời gian xem loạt phóng sự Scam City của kênh truyền hình National Geographic. Những thành phố được chiếu cố ở đó theo thứ tự thực hiện là Buenos Aires, Praha, Rio de Janeiro, Barcelona, Rome, Delhi, Istanbul, Bankok, Las Vegas, Marrakech, New Orleans, Mexico City, New York City, Amsterdam, Jerusalem, Mumbai, Paris, London, Bogota và Hong Kong. Thượng Hải với chiêu nữ sinh viên rủ đi uống trà; Manila với chiêu rơi điện thoại, rơi máy ảnh, rơi đủ thứ bắt đền; Phukhet với chiêu đánh dằn mặt còn chưa đến lượt; vậy Đà Nẵng với suất cơm hải sản 200,000 đồng sẽ phải chờ lâu, dù trên một số diễn đàn du lịch quốc tế Việt Nam đã được định nghĩa là đất nước của những số không bất ngờ trên hóa đơn, tất nhiên không phải ở đầu, mà ở cuối số tiền báo giá.
clip_image003
Người điều khiển xe kéo tại London “chém” khách du lịch 206 bảng cho chuyến đi 'ba phút'- NGUỒN METRO.CO.UK
Tôi đã tưởng Nhật Bản là ngoại lệ duy nhất. Tôi từng xem một bộ phim, cả tên lẫn nội dung nay đều quên, chỉ nhớ duy nhất một câu nói trong một tình huống: nhân vật nữ, một cô gái - không phải người Nhật - đòi chia tay với nhân vật nam, một người Nhật. Cô trách anh nói dối. Chàng trai Nhật chìa ra một bộ mặt sửng sốt vô hạn và chỉ biết lắp bắp: Không, không thể có chuyện đó, anh không nói dối, vì anh là người Nhật, em hiểu không, vì anh là người Nhật.
Giữa phim ảnh và đời thực tất nhiên có một khoảng cách, ít nhất bằng đoạn từ màn hình chiếu bóng xuống hàng ghế đầu trong rạp. Chính sách thông tin của cả Tập đoàn Điện lực TEPCO lẫn nhiều cơ quan nhà nước và cả hệ thống truyền thông chủ lưu ở Nhật trong đại họa hạt nhân ở Fukushima khó có thể gọi là thành thực. Người Nhật cũng có thể nói dối, ở trình độ chết người. Nếu cứ theo phim hình sự Bắc Âu thì trong mỗi chiếc tủ Ikea mà ta tự tay lấy từ trong kho ra khuân về nhà và tự tay lắp ghép đều có một xác chết, song tôi vẫn bị sốc vì lập luận quá sức giản dị của chàng trai Nhật trong bộ phim vừa kể. Ấn tượng từ hai tuần ở Nhật càng khiến tôi tin rằng đất nước ấy luôn là một ngoại lệ. Song ngoài TEPCO Nhật còn có Kabukicho, với những pha cắt cổ khách làng chơi không khác ở khu đèn đỏ Reeperbahn khét tiếng của Hamburg.
clip_image004
Loạt phóng sự Scam City của kênh truyền hình National Geographic, phóng viên Conor Woodman - NGUỒN POPTOWER.COM
Có lẽ chỉ còn Bắc Triều Tiên và Vương quốc Bhutan. Một nơi thì bạn muốn chìa cổ ra để chém cũng không được, kể cả khi đã húi đầu cạo gáy theo styleChính Ân. Một nơi thì ra chỉ tiêu, mỗi ngày bạn phải chi bao nhiêu để dân bản địa duy trì Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia. Tối thiểu mỗi ngày 200 dollar, và mỗi bước chân du khách đều do chính quyền kẻ mực.
*
Không phải chỉ người Việt mơ làm giàu, song giấc mơ Việt hoang đường hơn những giấc mơ ở nơi khác. Xuất phát từ một số không tròn hơn số không thông thường, hành trình từ không đến có của chúng ta nhuộm màu siêu thực. Là người đến muộn, chúng ta phải chạy nước rút. Phải cuống cuồng mọc cho bằng hết những ung nhọt của du lịch đại chúng khắp thế giới, cho đến khi cơ thể không còn chỗ nào lành. Như chúng ta đã học khóa cấp tốc về chủ nghĩa tư bản, để sống bản tóm tắt kinh dị của nó cho đến khi có lịch lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không muốn, không thể và không biết đợi, trong khi tất cả những gì tốt lành bền vững đều cần rất nhiều thời gian.
Tôi không thấy nạn lừa gạt chặt chém du khách ở Việt Nam là cái gì quá khác thường. Người Việt lừa gạt chặt chém mọi lúc mọi nơi và trong mọi lĩnh vực, cớ sao ngành du lịch phải làm một ngoại lệ? Chính quyền thì tham nhũng và kém hiệu quả, dân chúng thì lầm than và mông muội, luật pháp thì bát nháo, luân lý thì chao đảo, văn hóa thì nhộn nhạo, ngôn ngữ thì thô bỉ phũ phàng, con người thì hành hạ nhau và là nạn nhân lý tưởng của nhau, thời của nước đục thả câu, một đất nước như thế ắt phải có một ngành du lịch như thế.
Trên toàn thế giới du khách đều có thể bị lừa gạt và chặt chém, song ở Việt Nam họ tất yếu bị lừa gạt và chặt chém.
clip_image006
clip_image007
clip_image009
Nạn lường gạt, chặt chém đã trở thành bản sắc quốc gia? - NGUỒN WWW.TAYBACHOTEL.COM
22/1/2016
P.T.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét