Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

20160303. XUNG QUANH VẤN ĐỀ HIỆU QUẢ LỌC DẦU DUNG QUẤT

ĐIỂM BÁO MẠNG 
LỌC DẦU DUNG QUẤT : NGUY CƠ DỪNG SẢN XUẤT
HÀ DUY/ Vef 22/2/2016
Dung Quất, lọc dầu, PVN, Công Thương, thuế xăng dầu, ASEAN
ảnh (theo PVoil)
 Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại tiếp tục phải đối mặt nguy cơ dừng sản xuất, do không cạnh tranh nổi với xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN dù đã giảm giá bán.
Đây là nội dung đáng chú ý trong một văn bản Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa gửi đến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ.
Theo PVN, hiện nay việc ký kết hợp đồng dài hạn tiêu thụ sản phẩm xăng dầu năm 2016 của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR- đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi) với khách hàng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với sản phẩm dầu diesel, nhiên liệu phản lực Jet A-1.
Tình hình này đã buộc PVN phải giảm giá bán cho khách hàng dù giải pháp này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thế nhưng, mức giá bán đối với dầu diesel, Jet A1 của nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn không thể cạnh tranh so với nguồn hàng nhập khẩu từ ASEAN.Nguyên nhân là kể từ 1/1/2016 thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu dieselvà Jet A1 từ các nước ASEAN là 0%. Trong khi đó, thuế suất áp dụng với dầu dieselvà Jet A1 của lọc dầu Dung Quất vẫn là 10%. Như vậy giá bán sản phẩm dầu diesel của Dung Quất chịu thuế cao hơn 10% so với hàng cùng chủng loại nhập từ ASEAN.
Do vậy, tất cả các doanh nghiệp đầu mối lớn chỉ ký hợp đồng với thời hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng mua dầu của lọc dầu Dung Quất. Đây là động thái nhằm chờ đợi việc giảm thuế của Chính phủ, Bộ Tài chính, khi có kết quả các doanh nghiệp đầu mối mới đàm phán tiếp với BSR.
PVN thừa nhận việc khách hàng giảm khối lượng cam kết tiêu thụ và chỉ cam kết tiêu thụ sản phẩm trong ngắn hạn gây rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn “rủi ro lớn cho nhà máy” trong việc lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch mua dầu thô, xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm cũng như mục tiêu đảm bảo an toàn vận hành của nhà máy.
Trong khi đó, dầu diesel, Jet A1 là sản phẩm chính của nhà máy lọc dầu Dung Quất, chiếm gần 50% tổng lượng sản phẩm của toàn nhà máy.
“Nếu mặt hàng diesel không tiêu thụ được thì nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ không thể duy trì công suất ổn định, bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới” – PVN bày tỏ quan ngại.
Vì thế, PVN đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với dầu diesel, Jet A1 nhằm đảm bảo sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ ASEAN, giúp cho BSR có thể ký hợp đồng dài hạn với khách hàng để ổn định sản xuất, đảm bảo mục tiêu an toàn và hiệu quả vận hành liên tục của nhà máy.
Thực tế, suốt trong năm 2015, nhà máy lọc dầu Dung Quất nhiều lần phải đối mặt với nguy cơ “ế” hàng, thậm chí lâm cảnh không còn chỗ chứa hàng tồn kho. PVN đã liên tục xin Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu.
Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với xăng, dầu nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu mặt hàng xăng đã giảm về mức tương đương trong ASEAN là 20%, còn mặt hàng dầu diesel đã giảm từ 30% xuống còn 20%, rồi 10%.
Hà Duy
HIỆU QUẢ LỌC DẦU DUNG QUẤT: 7 NĂM NHÌN LẠI 
TBKTSG/ VNN / 24/2/2016
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dung Quất, dự án hóa dầu, xăng dầu
Cho dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhận nhiều ưu đãi nhưng Tập đoàn Dầu khí vẫn đau đầu vì bù lỗ từ cho Dung Quất từ lợi nhuận thu được qua các dự án khác.
Kể từ khi đi vào vận hành thương mại (2-2009) đến nay là tròn 7 năm, Nhà máy lọc dầu Dung Quất - dự án lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam - luôn bị đặt câu hỏi: hiệu quả kinh tế của dự án thế nào? Bởi trong suốt thời gian qua, việc giải quyết các ưu đãi luôn mang tính sống còn cho dự án.
Đối với một dự án lọc dầu, thông thường thì giá dầu thô (nguyên liệu) và giá xăng dầu (sản phẩm) là các yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế. Do vậy người dân không hiểu được tại sao giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh, khiến giá xăng dầu thành phẩm cũng giảm theo thì tại dự án Dung Quất, sản phẩm được sản xuất ra từ nguồn dầu thô trong nước (mỏ Bạch Hổ) lại không cạnh tranh được với giá xăng dầu nhập khẩu.
Vấn đề là ở chỗ, ngay từ khi được phê duyệt và đi vào vận hành thương mại (từ tháng 2/2009), dự án lọc dầu Dung Quất đã không vận hành theo cơ chế thị trường.
Từ năm 2009 đến nay Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhận được hàng loạt ưu đãi rất lớn: thời gian khấu hao dự án là 20 năm (dài hơn thời gian 15 năm nêu trong Báo cáo nghiên cứu khả thi), được hưởng mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán đối với xăng, dầu là 7%, LPG là 5% và sản phẩm hóa dầu là 3%.
Như vậy có nghĩa là nếu thị trường có lên, có xuống, doanh nghiệp dầu khí nào lỗ thì lỗ chứ với chừng ấy ưu đãi, Dung Quất vẫn có khả năng cân đối tài chính.Ngoài ra, dự án còn được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 30 năm, thấp hơn nhiều so với mức thuế mà các doanh nghiệp trong khu kinh tế Dung Quất được hưởng, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, để cho Dung Quất có lãi tính đến hết năm 2015 (năm 2015 lãi gần 6.000 tỉ đồng) thì khoản lãi này phải xuất phát từ ưu đãi, từ cơ chế cấp bù thuế, cộng vào giá bán cho dự án mà từ trong các văn bản của Chính phủ là “cơ chế điều tiết nguồn thu”. Kể cả trong trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu xuống thấp dưới 7% thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn phải cấp bù số chênh lệch này.
Tính từ năm 2010 đến nay, Dung Quất có năm lỗ, năm lãi (đỉnh cao là năm 2013 lãi 3.000 tỉ đồng), theo Báo cáo của PVN năm 2015. Nhưng nếu tính chung từ năm 2010-2014, nhà máy vẫn lỗ trên 1.000 tỉ đồng. Còn nếu tính sòng phẳng, loại trừ trợ giá bằng thuế ra khỏi giá sản phẩm thì cũng từ năm 2010-2014, Dung Quất lỗ lên tới 27.600 tỉ đồng. Điều đó có nghĩa là PVN cấp bù chừng đó tiền cho Dung Quất. Và số tiền cấp bù cho Dung Quất được hạch toán vào lợi nhuận trước thuế của PVN.
Vì thế, nhiều khi PVN công bố lợi nhuận trước thuế hàng năm là vậy song thực chất khoản lợi nhuận đó không về ngân sách đầy đủ mà chỉ mang tính hạch toán sổ sách kế toán.
Như vậy, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành từ những năm giá dầu thế giới cao, cộng với hàng loạt ưu đãi mà còn thua lỗ thì khi giá thế giới giảm sâu, cơ chế ưu đãi vẫn tồn tại nhưng bị thị trường (ở đây là lộ trình thực hiện các FTA) “vô hiệu hóa”, việc thua lỗ thực tế còn lộ ra rõ hơn.
Ngay cả trong thời điểm giá bán tốt, Dung Quất là một dự án không được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Với 13 năm đầu tư, bị chậm đưa vào sử dụng 9 năm so với tính toán ban đầu, Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã không còn chính xác và các biến động thị trường khiến nó càng xa những tính toán ban đầu hơn.
Trong bài viết “Phân tích các yếu tố tác động đến hiệu quả dự án lọc- hóa dầu của PetroVietnam” do nhóm tác giả Hoàng Thị Đào, Ngô Thị Mai Hạnh, Cù Thị Lan (Viện dầu khí Việt Nam công bố tháng 7-2014, có nêu nhận định: “ Dự án có hiệu quả thấp chủ yếu do nhà máy chậm đi vào vận hành”. Việc chậm vận hành đã đưa tổng vốn đầu tư dự án từ 2,5 tỉ đô la (2005) lên 3,05 tỉ đô la (2009).
Ngay tại thời điểm lập Báo cáo kết thúc dự án (10-2010) mà Chính phủ trình ra Quốc hội, các thông số tài chính liên quan đến dự án như tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 5,87% hay 7,66% như báo cáo ban đầu của Chính phủ cũng có nhiều điểm không chính xác và sau đó phải báo cáo lại với Quốc hội con số thấp hơn (5,87%). Giá trị quyết toán vốn đầu tư thực tế là bao nhiêu, đã được công bố chính thức sau 8 năm đi vào vận hành hay chưa và có thực là giảm được 8.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được phê duyệt hay không, tổng thu nộp ngân sách không tính các khoản thu điều tiết thế nào, chi phí dự án đến nay ra sao… là những câu hỏi cần được làm rõ.
Tại thời điểm cách đây 6 năm (10-2010), khi quyết toán, Quốc hội và Chính phủ còn nợ lại người dân những câu hỏi về hiệu quả dự án này do thời điểm đó thời gian đi vào vận hành quá ngắn, mới chỉ vài tháng. Sau chừng ấy năm, với rất nhiều cơ chế ưu đãi và bao tiêu sản phẩm cho nhà máy, nếu nguy cơ nhà máy tạm dừng hoạt động vì lý do thua lỗ là sự thật thì câu hỏi về hiệu quả kinh tế dự án có được trả lời một cách đầy đủ?
(Theo TBKTSG)
NỖI SỢ DUNG QUẤT, MÓN NỢ LỌC DẦU
PHẠM HUYỀN / Vef 3/3/2016
Nếu hạ thấp thuế nhập khẩu xăng dầu Việt Nam như lọc dầu Dung Quất mong muốn thì Nhà nước sẽ phải bù giá cho nhà máy lọc dầu này và Nghi Sơn trong tương lai lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng nếu không hạ thuế, dân thiệt, những công trình tỷ USD này lại doạ đóng cửa.
Ế hàng hay thất thu hàng ngàn tỷ
Cơn lốc khủng hoảng giá dầu dường như chẳng liên quan gì đến sự kêu cứu của nhà máy lọc dầu Dung Quất suốt hai tuần qua về nguy cơ đóng cửa.
Có một khoảng trống không hề dễ hiểu ở câu chuyện này, đó là vì sao, một sản phẩm sản xuất trong nước như Dung Quất lại phải chịu thuế nhập khẩu?. Vì sao, xăng dầu Dung Quất lại không được thuế ưu đãi như xăng dầu ASEAN theo biểu thuế ATIGA, khi mà Việt Nam cũng chính là thành viên khối ASEAN?
Vì sao, Bộ Tài chính lại để xảy ra tình trạng chênh lệch thuế suất lớn như vậy, với nghịch lý xăng dầu "nội" đã chịu thuế nhập khẩu lại chịu mức cao, xăng dầu "ngoại" thuế thấp?
Theo biểu thuế hiện nay, thuế nhập khẩu xăng Dung Quất là 20%, cao hơn 10% xăng nhập từ Hàn Quốc. Thuế dầu diezen, madut Dung Quất là 10% trong khi dầu từ ASEAN và Hàn Quốc là 0%.
Ông Trần Minh Hà, Phó Tổng giám đốc Saigon Petro bày tỏ: "Hàng Dung Quất chắc chắn không cạnh tranh nổi với xăng dầu ASEAN hay Hàn Quốc. Thuế như vậy là điểm khó hiểu nhất".
lọc dầu, Dung Quất, Nghi Sơn, Bộ Tài chính, Công Thương, PVN, đóng cửa
Nhà máy lọc dầu Dung Quất 
Tuy nhiên, sự khó hiểu của ông Trần Minh Hà có lẽ chỉ là lời nói vui. Bởi bất cứ nhà kinh doanh xăng dầu nào cũng đều biết cơ chế tài chính đặc thù đối với nhà máy lọc dầu Dung Quất theo Quyết định 925/2012 của Chính phủ.SaigonPetro cũng như Petrolimex, chỉ dám nhập dầu Dung Quất với hợp đồng 6 tháng để nghe ngóng tin chính sách thuế.
Theo đó, việc áp thuế cho xăng dầu Dung Quất còn liên quan đến cơ chế ưu đãi nhà máy này cũng như nguồn thu điều tiết về ngân sách Trung ương.
Quyết định 925 cho phép, lọc dầu Dung Quất được giữ lại mức giá trị bằng 7% thuế nhập khẩu trên giá bán tại nhà máy đối với các mặt hàng xăng dầu. Nếu thuế nhập khẩu được ban hành cao hơn 7% thì phần chênh lệch cao hơn này được nộp về ngân sách, nếu thấp hơn 7% thì Nhà nước, thông qua Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) để bù giá cho nhà máy này.
Hiện nay, trong 20% giá trị thuế nhập khẩu thì xăng Dung Quất chỉ phải nộp 13% chênh lệch thuế nhập khẩu về ngân sách Nhà nước. Trong 10% giá trị tính thuế nhập khẩu dầu diezen, Dung Quất chỉ phải nộp 3% về ngân sách. 
Nhà nước đã gián tiếp trợ giá cho xăng dầu Dung Quất. Nhưng khi các lộ trình giảm thuế theo cam kết trong ASEAN, Hàn Quốc được thực thi thì mục đích trợ giá này đã phản tác dụng, đặc biệt là với mặt hàng dầu. Thương nhân đầu mối theo cơ chế thị trường, không có trách nhiệm trong việc phải bao tiêu xăng dầu Dung Quất nên đổ xô đi nhập hàng ngoại hưởng thuế thấp hơn là điều dễ hiểu.
Hai kịch bản xấu xảy ra là ế hàng, lọc dầu Dung Quất phải ngừng sản xuất, ngân sách và bản thân Dung Quất cũng chẳng có nguồn lợi nào để điều tiết.
Thứ hai là để "cứu" Dung Quất, Bộ Tài chính có thể phải giảm thuế MFN ngang bằng thuế từ ASEAN và Hàn Quốc và thấp xa mức 7% thì Nhà nước sẽ phải bù giá hàng nghìn tỷ đồng cho chính nhà máy này.
Giả dụ, dầu diezen hiện có thuế là 10%, nếu hạ đến 0%, Nhà nướcsẽ  phải tốn hơn 3.000 tỷ đồng để bù cho nhà máy này giai đoạn 2016-2018.
Bộ Tài chính đã ước tính riêng nguồn thu trực tiếp từ thuế dầu diezen này sẽ giảm mất 6.000 tỷ đồng nếu giảm thuế như vậy.
Lỗ hổng ưu đãi lọc dầu
Chia sẻ với VietnamNet, ông Cao Quốc Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Dung Quất kêu khó nhưng hiện nay, vấn đề này đang được Chính phủ bàn rất kỹ. Các biện pháp giải quyết cho Dung Quất cũng sẽ tính tới tương lai cho Nghi Sơn khi nhà máy này có cơ chế tài chính tương tự sẽ vận hành thương mại từ năm 2017.
lọc dầu, Dung Quất, Nghi Sơn, Bộ Tài chính, Công Thương, PVN, đóng cửa
Hệ thống thiết bị phản ứng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ảnh: theo nangluong)
Nói cách khác, dường như Bộ Tài chính sẽ chỉ còn một lựa chọn duy nhất là giảm thuế,  cắn rằng bù giá bởi đây là công trình trọng điểm với vốn đầu tư 3 tỷ USD, không dễ mà để "mặc cho chết" như TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam bình luận. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ giải quyết ổn thoả chính sách thuế để đảm bảo, lọc dầu Dung Quất không đóng cửa. Năm 2015, nhà máy này sau nhiều lần kêu cứu thì vẫn có lãi tới hơn 5.000 tỷ đồng.
Đối với lọc dầu Nghi Sơn, dự kiến vận hành từ năm 2017 và được ưu đãi trong 10 năm, nếu hạ thuế dầu về 0%, gánh nợ bù giá này ước tính lên đến khoảng 65.000 tỷ đồng. PVN  đưa ra bài toán này với phương án dầu thô là 75 USD/thùng.
Ở tình huống nào, ngân sách cũng thất thu nặng, người tiêu dùng thì vẫn phải chịu giá cả áp dụng chung theo mức thuế cao. Điều này càng tồi tệ hơn khi năm 2016, ngân sách đang cực kỳ khó khăn bởi giá dầu loanh quanh 30-35 USD/thùng và ước tính, hụt tới 46.000-56.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ cần yêu cầu Petrolimex phải mua xăng dầu Dung Quất. Năm 2015, PVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo một cơ chế đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong nước rồi mới cấp qouta nhập khẩu.
Bài toán về hiệu quả đầu tư các nhà máy lọc dầu đang khiến cơ quan chính sách ở tình thế trở đi mắc núi trở lại mắc sông khi các cơ chế tài chính đặc thù dường như chưa được tính toán đầy đủ dưới tác động của hội nhập.
Phạm Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét