Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

20160302. TỰ BẠCH CỦA GS NGUYỄN ĐÌNH CỐNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÌN LẠI CUỘC ĐỜI ĐI THEO ĐẢNG
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVB 1/3/2016
Giáo sư Nguyễn Đình Cống
ĐẶT VẤN ĐỀ
Tôi sinh năm 1937. Nhìn lại cuộc đời 80 năm qua có liên quan đến cộng sản ( CS )tôi tạm chia thành 5 giai đoạn. 1- lúc còn nhỏ ( trước 1945 ) thỉnh thoảng nghe nói về CS, được tiếp xúc với một số đảng viên bí mật đến vận động cha tôi làm cách mạng, tôi biết và có cảm tình với CS từ đó.  2- Từ 10 đến 30 tuổi, được nghe tuyên truyền, được học và hoàn toàn tin tưởng vào CS, vào Chủ ngĩa Mác Lênin ( CNML). 3- Từ 30 đến 50 tuổi, khi đã thấy nhiều, biết nhiều, đặc biệt là qua chiêm nghiệm thực tế tôi có một số nghi ngờ về sự đúng đắn của CNML và CS. 4- Từ 50 đến 70 tuổi tôi thấy sợ vì nhiều người bị bắt bớ tù đày, bị thủ tiêu chỉ vì nói ra cái sai của CNML, hoặc bị Đảng CS nghi ngờ, vu oan giá họa. 5- Từ 70 tuổi trở đi, dần dần tôi vượt qua sự sợ hãi và dám công bố một số nhận thức, vạch ra cái sai lầm, độc hại của CNML. Tóm tắt 5 giai đoạn  là : BIẾT, TIN, NGHI, SỢ, VƯỢT.
Sau khi tuyên bố ra Đảng ( tháng 2-2016) tôi nhận được nhiều bình luận, có đồng tình, ủng hộ, có phê phán, thắc mắc, có cả chửi rủa, mạt sát. Tạm bỏ qua những lời đồng tình, ủng hộ với sự thông cảm chân thành, quên đi  những lời chửi rủa, mạt sát mang đầy vu khống. Tôi chỉ xin đề cập đến những lời phê phán, những thắc mắc. Những điều này mới nghe qua thì thấy có lý, chứng tỏ người viết có suy nghĩ. Tuy vậy nó có thể đúng với người này, trong trường hợp này nhưng lại không đúng với người khác, trong trường hợp khác mà chỉ khi suy nghĩ sâu sắc, khi có chiêm nghiệm rộng rãi mới nhận ra được. Xin tóm tắt thành các vấn đề sau :
2-Khi vào Đảng đã thề trung thành trọn đời đối với Đảng, với  CNML, nay quay lại phê phán CNML và từ bỏ Đảng, như vậy là phản bội lời thề.1-Lúc trẻ đã mất công phấn đấu để xin vào Đảng, đến già tại sao lại dở chứng. Mà muốn ra thì lặng lẽ xin ra, việc gì phải công khai , phải chăng là muốn nổi tiếng.
3-Nhờ có công ơn Đảng mới được đi học, được phong giáo sư tiến sĩ, về nghỉ có lương hưu, từ bỏ Đảng là việc làm của kẻ ngu dốt , vô ơn. Mục tiêu của Đảng là xây dựng đất nước hòa bình, tự do, dân chủ, hạnh phúc, văn minh. Ra Đảng phải chăng là chống lại mục tiêu cao đẹp đó.  Biết bao nhiêu người theo Đảng, hy sinh xương máu để đem lại độc lập, thống  nhất, việc từ bỏ Đảng là phản bội lại ông cha, là không thực hiện “uống nước nhớ nguồn”.
4- Chủ nghĩa không sai, Đảng không sai, xã hội có một số tệ nạn chỉ là do một số cán bộ thoái hóa biến chất, tại sao không dám trực diện đấu tranh với họ mà lại làm một việc dại dột là chống Đảng.
5- Tự cho là một trí thức chân chính sao không cống hiến hết mình mà lại từ bỏ Đảng.Việc ra Đảng chỉ  làm mất uy tín, bị nhiều người phỉ nhổ. Có giỏi thì lập ra tổ chức để đấu tranh, vận động và dẫn đầu biểu tình chứ chỉ “ làm anh hùng bàn phím” thì là đồ mạt hạng.
6-Ông đã 80 tuổi, nên  an hưởng tuổi già bên cháu chắt, vui với chim cá, cây cảnh, dây vào chính trị làm gì. Nếu không thích chế độ Xã hội chủ nghĩa do ĐCS lãnh đạo thì cuốn xéo ra nước ngoài mà ở.  
Tôi sẽ lần lượt kiểm điểm từng vấn đề, xem rằng đó là việc tự nhìn lại cuộc đời đối với Đảng CSVN. Nghĩ rằng khá nhiều bạn cùng hoàn cảnh cũng có quan điểm tương tự nên xin  dùng chủ ngữ “ chúng tôi” trong một số chỗ, để ngụ ý  có một số người  cùng nghĩ và làm như vậy chứ không phải chỉ một mình tôi.
VẤN ĐỀ 1. Phấn đấu vào Đảng và thông báo ra Đảng.
Ngược  với nhiều đảng viên khác, chúng tôi vào Đảng không nhằm đạt được quyền lợi cá nhân nào đó và   không có việc phấn đấu để vào Đảng. Chúng tôi  phấn đấu với mục tiêu trở thành người yêu nước chân chính, có trình độ cao về nhiều mặt, có đạo đức, có lý tưởng tốt đẹp. Mục tiêu đó cao hơn nhiều  so với tiêu chuẩn đảng viên. Khi tổ chức Đảng thấy cần kết nạp chúng tôi thì kết nạp mà không thì thôi. Chính vì lẽ đó mà nhiều trí thức thế hệ chúng tôi vào Đảng lúc đã là U50. Thời gian trước 1980 ( khoảng chừng) Đảng rất hạn chế kết nạp các trí thức trình độ cao, có dính dáng đến thánh phần thù địch giai cấp. Việc đó làm cho lực lượng Đảng ở các trường đại học không tương xứng với  đội ngũ cán bộ khoa học và nhiệm vụ lãnh đạo công tác đào tạo. Từ 1980 về sau Đảng mới quan tâm hơn đến  việc thu hút trí thức, mở rộng việc kết nạp những người xuất thân từ các thành phần bậc cao ( trong cải cách xã hội, ông bà, bố mẹ bị qui là địa chủ, phú nông, tư sản, quan lại ). Khi vào Đảng mọi người làm đơn xin,  đối với chúng tôi đó chỉ là một thủ tục, chứ không phải là xin một quyền lợi, một vinh dự. Chúng tôi vào Đảng là để làm việc tốt hơn chứ không phải để có quyền lợi nhiều hơn, không nhằm đạt danh vọng hoặc vinh dự cao hơn. Đó là điều khác biệt với  một số đông đảng viên khác. Điều này người ngoài ít khi nhận thấy. Những kẻ cơ hội xin vào Đảng để tìm quyền lợi hoặc danh vọng cũng như những người quen với suy nghĩ nông cạn không thể hiểu được điều đơn giản có thật vừa trình bày.
Vào Đảng để được làm việc tốt hơn, đến khi thấy vai trò đảng viên không còn tác dụng cho công việc, lại thấy quan điểm của Đảng và  của cá nhân khác nhau ( kiên trì hay từ bỏ CNML) thì việc ra Đảng là chuyện bình thường, không vi phạm đạo đức, không phải là  tội lỗi.
 Đã có nhiều đảng viên khi nghỉ hưu  đã lặng lẽ bỏ Đảng bằng nhiều cách. Đầu tiên tôi cũng định chọn cách lặng lẽ, nhưng thời gian vừa qua, khi tôi công bố một số bài phê phán CNML thì có nhiều bạn góp ý, cho rằng tôi  chỉ là một thằng hèn khi một mặt phê phán CNML, mặt khác vẫn đeo bám  Đảng, các bạn  khuyên tôi nên từ bỏ càng sớm càng tốt. Trước đó chính tôi cũng tự thấy như vậy. Tôi công khai việc làm là có phần trả lời góp ý đó và  tin là nhờ vậy mà các bài viết của tôi có tác dụng hơn. Tôi biết có nhiều  đảng viên cũng đang phân vân giữa  việc ở lại và ra vì chưa lường trước được hậu quả công việc. Tôi đã vượt qua sự đắn đo, sự sợ hãi, làm một phép thử để các bạn tham khảo. Tôi không làm đơn xin mà viết thông báo vì nghĩ rằng đơn xin là bị động, phải chờ đợi sự xét duyệt. Đã  xin thì phải chịu sự lệ thuộc,  có thể được cho hoặc không . Hơn nữa tôi không muốn làm mất thì giờ của một số cán bộ Đảng phải họp để thảo luận và xét. Thông báo chủ động hơn, tiết kiệm thời gian hơn, hiệu quả hơn. Còn muốn nổi tiếng ư ?.  Không ! Tôi biết trước rằng khi công khai việc này sẽ nhận được không ít sự bất đồng, trách móc, phê phán, chửi rủa. Tôi phải chiến thắng sự sợ hãi và tâm lý an phận mới dám làm .
VẤN ĐỀ 2-Lời thề khi vào Đảng
Trong lễ kết nạp, đảng viên mới phải tuyên thệ. Lời thề thường gồm 4 nội dung : 1- Trung thành tuyệt đối với Đảng, với lý tưởng  CS. 2- Học tập thấm nhuần, làm theo tư tưởng, đường lối của CNML, xem đó là kim chỉ nam. 3-Làm tốt mọi nhiệm vụ đảng viên. 4- Có liên hệ và công tác quần chúng tốt.
 Đối với nhiều người khác thì lời thề ấy thường được soạn theo mẫu do Chi ủy hướng dẫn.  Tôi biết trong nhiều trường hợp người ta đọc lời thề chỉ là làm cho đủ thủ tục hình thức , còn trong thâm tâm họ nghĩ khác. Khi vào Đảng tôi đã 48 tuổi và là phó giáo sư, tiến sĩ, trưởng bộ môn. Tôi không muốn  làm kiểu sáo vẹt  mà phải trung thực, vì vậy tôi tự soạn ra lời thề cũng gồm 4 nội dung, điều 3 và 4 gần gần như theo mẫu, còn điều 1 và 2 đã sửa theo cách khác. Xin chép lại : Điều 1- Xin thề tuyệt đối trung thành với lý tưởng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho đất nước hòa bình, độc lập thống nhất, xây dựng xã hội tự do dân chủ, công bằng, vì sự phát triển của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Điều 2- Xin thề không ngừng học tập để nâng cao trình độ mọi mặt, nghiên cứu sâu sắc CNML, Chủ nhĩa cộng sản và con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
Bây giờ xem lại tôi thấy đã không vi phạm, không phản bội lời thề ở chỗ nào hết. Tôi thể tuyệt đối trung thành với lý tưởng và sự nghiệp tốt đẹp chứ không thề trung thành với Đảng, bây giờ tôi vẫn trung thành với lý tưởng và sự nghiệp đó. Tôi thề nghiên cứu sâu sắc CNML, CNCS, con đường CNXH chứ không thề trung thành với những điều ấy. Chính nhờ nghiên cứu sâu sắc mà tôi phát hiện ra những sai lầm, những độc hại trong đó, thấy rồi tôi tìm cách nói lại với mọi người. Những ai cho rằng tôi đã phản bội lời thề vì họ tưởng nhầm tôi cũng đã đọc lời thề theo kiểu sáo vẹt như  nhiều người khác. Mà nếu có ai đó khi được kết nạp có thề trung thành với Đảng, với CNML, bây giờ họ thấy đã bị nhầm, họ ra Đảng thì đồng thời họ có quyền xóa bỏ lời thề đã đọc, việc đó không có gì sai trái.
VẤN ĐỀ 3- Mục tiêu của Đảng, công ơn Đảng, uống nước nhớ nguồn
Đảng tuyên truyền rằng “ Mục tiêu là xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, dân chủ, công bằng, giàu mạnh, văn minh”. Đối chiếu vào thực tế thì thấy đó là mong ước của nhiều đảng viên, cũng là một phần mục tiêu của Đảng khi mà quyền lợi của dân tộc và của Đảng là thống nhất. Mà oái oăm thay, quyền lợi của Đảng, đặc biệt là quyền lợi của các nhóm lợi ích bậc cao trong Đảng có nhiều khi mâu thuẩn với quyền lợi dân tộc. Mục tiêu cao hơn của Đảng, mục tiêu chủ yếu là bảo vệ Đảng bằng bất kỳ giá nào, là kiên trì CNML, là giữ vững nền độc tài toàn trị. Còn mục tiêu của nhiều cán bộ từ thấp đến cao là lo thu hồi vốn bỏ ra khi chạy chức chạy quyền và làm giàu cá nhân, là lo bảo vệ lợi ích nhóm. Như vậy mục tiêu xây dựng đất nước như trên chủ yếu là để tuyên truyền, lôi kéo nhân dân đi theo. Đảng cũng bắt buộc phải nêu khẩu hiệu “ Đặt quyền lợi dân tộc lên trên”, nhưng đó chỉ là thủ đoạn tuyên truyền. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng “VN là đất nước không chịu phát triển”, rằng để phát triển đất nước thì việc đầu tiên là phải cải cách thể chế chính trị. Như vậy, việc chúng tôi vạch ra những sai lầm của CNML, của thể chế và ra khỏi Đảng không phải nhằm chống lại mục tiêu tốt đẹp xây dựng đất nước mà là  chống lại những cản trở để thực hiện mục tiêu đó, chống lại sự tuyên truyền ngụy biện, chống lại sự nô dịch về tư tưởng và thông tin.
Về công ơn Đảng. Một thực tế của lịch sử là ĐCS đã độc quyền lãnh đạo và quản lý đất nước trong thời gian qua, nhưng dân tộc được hay bị cái sự ấy thì xin tạm gác lại. Chỉ xin bàn đến vấn đề đối với từng cá nhân. Rõ ràng là có một số người nhờ có Đảng mà đã thoát cảnh lầm than, trở nên ông này bà nọ. Nhưng không phải toàn bộ dân VN đều như thế. Rõ ràng là Đảng đã lãnh đạo để có chiến thắng 30 tháng 4, nhưng nói về nó Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt có câu  để đời: “ Triệu người vui và triệu người buồn”. Trong cải cách ruộng đất, nhiều bần cố nông vui mừng được chia quả thực, họ rất nhớ công ơn Đảng. Trong khi có hàng vạn phú nông, địa chủ, nhân sĩ trí thức, kể cả nhiều người có công với cách mạng và kháng chiến chống Pháp bị sát hại, bị “đạp đầu xuống bùn đen vạn kiếp”. Những nhà tư sản bị tịch thu tài sản, bị đuổi đến vùng kinh tế mới, những thuyền nhân  mà không ít bỏ xác giữa biển , những người  của Việt Nam cộng hòa bị bắt vào các trại cải tạo, những dân oan…. Những người vừa kể không bao giờ  nhờ công ơn Đảng. Mà tất cả họ đều là người Việt.
Về các giáo sư tiến sĩ ( GSTS). Có rất nhiều người Việt trở thành GSTS, kể cả nhà khoa học lớn mà không nhờ gì đến công ơn ĐCSVN, thậm chí một số còn tích cực chống lại chủ thuyết CS, họ đang làm việc có hiệu quả khắp nơi trên thế giới. Một số trí thức lớn như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của v.v… đã phục vụ đắc lực cho ĐCS thì cũng không phải nhờ Đảng họ mới có tri thức và khả năng cần thiết.
Có khá nhiều GSTS được đào tạo từ dưới chính thể của ĐCSVN. Loại trừ một số GSTS dổm, chạy được học vị, học hàm nhờ vào mưu mô, thế lực hoặc tiền bạc thì cũng có một số trở thành GSTS thứ thiệt, có trình độ là nhờ công ơn Đảng. Số người này nếu không có Đảng nâng đỡ thì chưa chắc đã học xong phổ thông chứ nói gì đến GSTS. Nhưng một số khác thì không phải như vậy.
Đảng bắt đầu mở rộng đào tạo trí thức bậc cao vào khoảng từ 1960 trở đi bằng cách gửi người sang các nước XHCN. Bắt đầu chỉ chọn  các đảng viên hoặc người  xuất thân từ công nông, nhưng không đủ, bắt buộc phải mở rộng cho các thành phần khác. Khi cử người đi học thì mục tiêu của Đảng không phải là ban ơn cho một ai đó mà là đào tạo cán bộ để phục vụ Đảng.Trước khi ra nước ngoài chúng tôi được học chính trị, được chỉnh huấn, được cán bộ Đảng căn dặn rất kỹ càng là đi học cũng là một nhiệm vụ quan trọng do Đảng giao, phải học tốt để về phục vụ Đảng. Như vậy việc được đi học không phải là chịu sự ban ơn, đành rằng mỗi chúng tôi đều biết ơn trong việc cụ thể này. Việc được phong giáo sư cũng chủ yếu không phải là nhờ  sự ban ơn của Đảng, mà chủ yếu là do sự nổ lực hoạt động khoa học của cá nhân, ai đã từng nhận danh hiệu này một cách chính đáng đều  biết rõ như vậy.
 Kể cả khi bạn thực sự nhờ công ơn Đảng mới có được học vị, học hàm xứng đáng thì đức tính trung thực và lòng tự trọng không cho phép bạn làm ngơ trước những sai lầm của CNML, không cho phép bạn tự biến mình thành kẻ chỉ biết phục tùng , cúi đầu phụ họa, chỉ biết ca ngợi một chiều để giữ được miếng cơm manh áo và sự yên ổn tạm thời cho bản thân và gia đình.
Về “ uống nước nhớ nguồn” tôi đã viết và công bố bài “Những ai đã phản bội ông cha” chứng minh rằng chính  một số ông cha chúng ta đã chọn sai con đường theo CNML, nay chúng ta phải sửa sai, và bọn người  thực sự phản bội sự hy sinh xương máu của ông cha chính là những kẻ đang củng cố sự độc quyền toàn trị và bọn lợi ích nhóm đang cố duy trì chế độ lỗi thời để tham nhũng, để vinh thân phì gia. Về đóng góp xương máu thì gia đình tôi có 5 liệt sĩ là cha tôi và 4 người con cháu của ông. Gần đây tôi đã xây dựng được nhà thờ để thờ tự các liệt sĩ và tổ tiên. Nói rằng việc làm của chúng tôi là sự phản bội ông cha, không thực hiện việc uống nước nhớ nguồn là không đúng, là vu cáo.
VẤN ĐỀ 4- Đảng không sai, chỉ có cá nhân sai.
Một số  người cho rằng CNML luôn đúng, Đảng không sai, chỉ có một số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất làm sai. Thì đấy , ngay như chuyện tham nhũng hoặc mất dân chủ, Đảng luôn kêu gọi chống lại, thế mà nó vẫn phát triển, chỉ là do cán bộ không thực hiện mà thôi. Những người nghĩ và tin như vậy thực ra đã  được nghe tuyên truyền chỉ từ một nguồn, đã bị nhồi sọ bởi những lập luận ngụy biện. Chúng tôi hồi trẻ vẫn tin  như  thế, nhưng rồi dần dần, được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin khác nhau và đặc biệt chiêm nghiệm từ cuộc sống thực tế, tự suy nghĩ sâu sắc một cách khoa học mới nhận ra không phải như vậy. Phần lớn những điều tốt đẹp mà Đảng nói tới chủ yếu chỉ là tuyên truyền ngụy biện, còn sự toàn trị của Đảng hàng ngày hàng giờ sinh ra và nuôi dưỡng các tệ nạn đủ thứ. Câu nói “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi xanh tươi” hoặc “Chớ cả tin vào lời người ta nói, hãy xét xem việc họ làm” đã được lịch sử nhân loại kiểm nghiệm, đúng cho mọi lý thuyết, cho mọi người, mọi tổ chức, không riêng gì cho CS.
Về các bài viết và việc làm của tôi, một số người cho là tôi cố ý chống lại ai đó ( lãnh đạo chẳng hạn), chống Đảng , chống CNML. Tự trong thâm tâm tôi không muốn chống ai cả mà chủ yếu là muốn cung cấp thông tin nhằm thức tỉnh những ai muốn tìm hiểu các quan điểm khác nhau. Còn đối với những người chỉ biết tin theo một nguồn, chỉ cố giữ chặt một quan điểm thì làm sao lay chuyển họ được. Kể ra tìm cho kỹ thì cũng có lúc tôi chống đối nhưng không chống ai cả mà là chống lại những quan điểm, những việc làm mà tôi cho là sai quy luật, là có hại cho dân tộc và nhân loại.
VẤN ĐỀ 5-Bàn về cống hiến
Đối với mỗi người  cống hiến quan trọng nhất là trong việc phát triển đất nước và nhân loại. Tùy hoàn cảnh, tùy thời gian mà việc cống hiến này sẽ là tốt hơn khi ta ở trong hoặc ngoài Đảng. Trước đây thấy rằng vào Đảng sẽ có khả năng công tác tốt hơn nên chúng tôi gia nhập khi Đảng yêu cầu. Bây giờ thấy sự ra khỏi Đảng sẽ có tác dụng tốt hơn cho sự phát triển nền dân chủ của đất nước nên chúng tôi ra. Như vậy việc ra Đảng đã không làm giảm mà về khía cạnh nào đó còn làm tăng sự cống hiến, tất nhiên đó là cống hiến cho dân tộc chứ không phải là cống hiến, là hy sinh  để bảo vệ những sai lầm của Đảng.
Riêng bản thân tôi, tự kiểm điểm trong cả cuộc đời cho đến bây giờ tôi đã làm việc hết sức mình để đóng góp vào sự phát triển của đất nước và đạt nhiều thành tích đáng kể, bạn bè, học trò của tôi, lãnh đạo những đơn vị và địa phương quản lý tôi đều biết rõ, tôi xin không kể ra vì đây không phải là nơi báo cáo thành tích.
Trong việc đấu tranh cho nền dân chủ, mỗi người tùy hoàn cảnh mà chọn cho mình công việc thich hợp. Việc lập tổ chức này khác, việc dẫn đầu biểu tình hoặc đi vận động việc nọ việc kia đã có nhiều người thich hợp hơn. Tôi, một giáo sư 80 tuổi, tôi chọn công việc thích hợp và không kém phần quan trọng là viết bài để thức tỉnh những ai còn ngộ nhận, những ai muốn tìm hiểu sự thật. Để làm việc đó  cần trí tuệ và lòng dũng cảm,  công việc cũng khá khó khăn,  và làm được sẽ có lợi cho phong trào. Nếu làm như vậy mà có bị ai đó chê bai, trách móc, coi thường thì tôi cũng chấp nhận mà không có gì phải tự ái, không việc gì phải xấu hổ.
VẤN ĐỀ 6- Tuổi già và sự an nhàn
Tuổi gìa muốn được an nhàn, đó là tâm lý chung cần được tôn trọng. Nhưng  có một số người già vẫn còn sức lực và trí tuệ, đặc biệt là vẫn còn nhiệt tình hoạt động giúp ích cho đời . Trong hoạt động vì độc lập tự do của đất nước, vì  dân chủ và hạnh phúc của nhân dân nhiều chiến sĩ cách mạng thề phấn đấu đến hơi thở cuối cùng, nguyện trọn đời phục vụ nhân dân. Những người già như vậy càng nên được tôn trọng hơn chứ không nên tìm cách dè bỉu hoặc ngăn cản. Hồ Chí Minh có một số câu thơ : Năm 1947 Người viết  tặng 3 cụ ở Cao Bằng : Tuổi cao chí khí càng cao. Múa gươm giết giặc ào ào gió thu….Năm 1960 Người viết : Càng già càng dẻo lại càng dai. Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai…
Tôi xin cám ơn những lời khuyên nên giữ an nhàn, đừng dây vào chính trị. Trong những lời khuyên đó có  những  tấm lòng tốt,  lo cho sức khỏe và sự an nguy của tôi. Nhưng tôi không theo được  vì tôi chưa muốn, chưa thể dẹp bỏ nguồn trí tuệ tìm kiếm chân lý, chưa dập tắt được ngọn lửa nhiệt tình muốn cống hiến  cho xã hội tốt đẹp hơn. Tôi cũng nhận thấy trong một số lời khuyên có ẩn nấp  sự sợ hãi. Ngoài những thứ sợ thông thường của kiếp người như sợ chết, sợ ốm đau, bệnh tật, tai nạn, sợ đói khổ, chia ly v.v… thì  Đảng CS đã tạo ra và duy trì được nhiều nỗi sợ nữa cho nhân dân, cho đảng viên, cho cả các cán bộ cao cấp. Người ta sợ bị sát hại, bị đàn áp, tù đầy, sợ bị mang tiếng phản bội, phản động, mang tội chống Đảng, chống chế độ, sợ bị vi phạm kỷ luật và những điều cấm, sợ bị mọi người xa lánh, sợ bị mất miếng cơm manh áo, sợ bị ảnh hưởng đến lý lịch và đời sống của con cháu…Sợ quá làm cho người ta trở nên hèn kém, mang nặng tâm lý nô lệ. Sợ quá làm người ta trở thành kẻ dối trá. Tôi đã sợ hãi như thế trong hơn 20 năm, một thời gian quá dài, nay đã phần nào vượt qua được.
Một số bạn xui tôi ra nước ngoài mà ở. Sao lại xui dại nhau thế, hay đấy là lời thách thức, một ý muốn xua đuổi . Tôi biết nhiều ngoại ngữ, lại có nhiều con cháu đang định cư tại nước ngoài, việc ra đó để sống nốt quảng đời còn lại đối với tôi là không có gì khó nhưng tôi không muốn. Tôi muốn và cần ở lại trong nước vì nhiều lý do chứ không chỉ cầu mong sự an nhàn của tuổi già.
LỜI KẾT
Tôi viết là nhằm trao đổi với những người bạn có thiện chí, muốn thực tâm tìm hiểu sự việc  chứ không phải để tranh luận với những người  chỉ biết mạt sát, chửi rủa một cách vô căn cứ. Kể ra để giải đáp được rõ hơn một vài thắc mắc thì cần viết mỗi vấn đề thành một tiểu luận với chứng minh chặt chẽ và nhiều dẫn chứng sinh động, tôi cũng có thể làm việc đó, nhưng xét ra cũng đã có nhiều người làm. Bài đã quá dài, xin tạm dừng, mong được thông cảm.
N.Đ.C (Tác giả gửi BVB)

TỰ THUẬT VỀ VIỆC VÀO ĐẢNG CS
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 6/3/2016
Vừa qua tôi thông báo từ bỏ Đảng. Điều này gây ra những dư luận khác nhau. Sau khi công bố bài “Nhìn lại cuộc đời đối với Đảng cộng sản”, tôi thấy cần viết rõ thêm vài sự kiện. Tự xét thấy việc vào ĐCS của mình có vài chỗ đáng được bình luận hoặc tham khảo nên tôi viết ra, mong làm rõ một số chuyện để rộng đường xem xét.
Thời còn sinh hoạt trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Thanh niên Lao động ( trước và sau 1956) nhiều đoàn viên đặt mục tiêu phấn đấu trở thành đảng viên, họ xem đó là một vinh dự rất lớn, là nhiệm vụ cao đẹp. Đó là do họ đã tin theo đúng tuyên truyền của Đảng. Riêng một số khác, trong đó có tôi, không đặt mục tiêu như vậy. Chúng tôi cũng phấn đấu nhưng để trở thành cán bộ khoa học giỏi chuyên môn, có đạo đức và phương pháp tốt, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Đến lúc đó Đảng có kết nạp hay không là tùy Đảng. Chúng tôi, một số trí thức trẻ, không những tích cực làm công tác chuyên môn và học tập nâng cao trình độ, mà còn hăng hái tham gia công tác đoàn thể, xã hội và chiến đấu. Thời kỳ năm 1960-1968 có nhiều giai đoạn tôi hoàn thành công việc gấp 2, gấp 3 lần định mức mà không nhận tiền làm thêm giờ, để hưởng ứng phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba vì đồng bào Miền Nam ruột thịt”.
Nhưng khi nhiều trí thức trẻ càng hoàn thiện trình độ và nhân cách thì sự xa rời giữa Đảng với họ càng tăng lên. Đó là vì Đảng muốn quần chúng trí thức phải thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo về công tác và sự phấn đấu tu dưỡng tư tưởng, để tỏ ra phục tùng và trung thành với Đảng mà thực chất là với bí thư chi bộ (mà các bí thư này có một số thường thua kém nhiều mặt ), còn trí thức thì đề cao sự tự trọng, không chịu được sự luồn cúi, nịnh hót. Thế là một số trí thức bị quy kết là kiêu ngạo, xa rời Đảng, là chỉ có “chuyên” mà kém “hồng”, trong lúc tiêu chuẩn cho cán bộ khoa học là vừa hồng, vừa chuyên, mà hồng quan trọng hơn…
Được biết, vào khoảng năm 1961, sau khi 5 trường Đại học đầu tiên cung cấp cho đất nước vài ngàn trí thức trẻ thì Tổ chức và Tuyên giáo của Trung ương Đảng giật mình vì trong số đó thành phần công nông chiếm tỷ lệ thấp, một số khá đông xuất thân từ tầng lớp trên. Đặc biệt cán bộ giảng dạy của các trường đại học, phần đông xuất thân từ thành phần tư sản, địa chủ. Khi chọn lựa các sinh viên tốt nghiệp giữ lại làm cán bộ giảng dạy, các ông Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Hoàng Xuân Tùy… quan tâm nhiều đến trình độ chuyên môn mà hơi coi nhẹ thành phần xã hội. Thế thì làm sao bảo đảm tính giai cấp vô sản trong trí thức. Nghe nói có chỉ thị mật chia trí thức làm các loại: Loại 1- Cốt cán, được tiếp tục đào tạo cả về chính trị và chuyên môn. Loại 2- Được sử dụng và đào tạo tiếp về chuyên môn. Loại 3- Được sử dụng, không đào tạo tiếp, nhưng khuyến khích họ tự nâng cao trình độ. Loại 4- Chỉ sử dụng vào nơi không quan trọng hoặc tìm cách loại bỏ. Tôi may mắn được ở vào giữa loại 3 và loại 2 vì gia đình có công với cách mạng, con liệt sĩ và rất tích cực trong công tác.
Gần như tất cả các người loại 1 và phần lớn loại 2 được cho đi các nước XHCN làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án Phó tiến sĩ, về nước giữ các chức vụ chủ chốt về chuyên môn. Ở các trường đại học, trí thức loại 1 được làm lãnh đạo trường và khoa, loại 2 chủ yếu được giao nhiệm vụ trưởng bộ môn. Trước năm 1980 phần lớn các trưởng bộ môn là ngoài đảng. Riêng khoa nơi tôi công tác, có 6 bộ môn thì cả 6 trưởng bộ môn đều ngoài đảng. Những Phó tiến sĩ dần dần được phong Phó giáo sư rồi Giáo sư, và như vậy phần lớn các PGS và GS cũng ở ngoài đảng. Họ không được kết nạp vì theo ý chi bộ, họ chưa đạt tiêu chuẩn đảng viên, một số vướng vào lý lịch, số khác bị cho là chuyên môn thuần túy mà thiếu “hồng”. Theo Chi bộ đảng thì hồng là thuộc về chính trị, là cái gì cũng xin ý kiến và nghe theo Đảng, là luôn gần gủi các đảng viên để được góp ý, được chỉ bảo, được giáo dục. Nếu không như thế thì bị quy kết là thiếu ý thức, là tự cao tự đại, là xa rời Đảng và quần chúng. Thế là chưa đạt tiêu chuẩn (điều kiện đủ) để trở thành đảng viên.
Trong một lần Đại hội Công đoàn trường vào năm 1980, tôi phát biểu ý kiến như sau: “Đề nghị Công đoàn đóng góp xây dựng Đảng bộ. Tôi cho rằng trong trường đại học, để cho Đảng có đủ sức lãnh đạo công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học thì nên tăng cường kết nạp các giáo sư, BCH công đoàn nên giới thiệu các anh chị đó cho Đảng vì họ đã quá tuổi thanh niên”. (Nếu còn tuổi thanh niên thì do Đoàn Thanh niên giới thiệu). Tối hôm đó tôi được anh bạn Nguyễn Mậu Bành đến chơi và trao đổi ý kiến. Anh Bành là trí thức loại 1, đang là ủy viên thường vụ đảng ủy trường (sau này là Chủ tich Công đoàn ngành giáo dục). Xin tóm lược cuộc trao đổi theo trí nhớ. Anh Bành cho biết thường vụ đảng ủy đã được phản ảnh ý kiến của tôi, cử anh đến gặp để trao đổi rồi về báo cáo lại cho đảng ủy. 
Tôi nói: Nếu đảng ủy muốn biết ý kiến thì khi nào các anh họp, cho gọi, tôi sẽ đến trình bày trong 15 đến 30 phút, còn bây giờ anh nghe rồi về nói lại, sợ có chỗ không nhất quán. 
Anh Bành đồng ý sẽ về nói lại ý của tôi và khi nào đảngy ủy họp sẽ cho mời đến trình bày. Tuy vậy anh bảo, giữa chỗ bạn bè cứ nói cho anh nghe một vài ý kiến.
Tôi nói, việc kết nạp đảng viên từ trước đến nay phần lớn sai về phương pháp. Đảng tuyên truyền quá nhiều về vinh dự và quyền lợi đảng viên làm cho nhiều người có động cơ lệch lạc khi phấn đấu vào đảng, tổ chức đảng quá coi nặng điều kiện đủ mà bỏ qua hoặc coi nhẹ điều kiện cần nên nhiều kẻ cơ hội được dịp vào đảng (mà nhiều người gọi là chui vào). Người cơ hội thể hiện dưới 2 dạng. Dạng 1- Trước khi vào Đảng và trong thời kỳ dự bị họ phấn đấu rất tích cực, sau khi được chính thức họ không tích cực nữa. Dạng 2- Sau khi vào Đảng họ tìm mọi cách tiến thân, leo lên các chức vụ cao, không phải bằng năng lực thực sự mà bằng cách dựa vào ô dù, dùng các thủ đoạn chạy chức chạy quyền, thủ đoạn “đội trên đạp dưới” . Đúng ra khi định kết nạp ai Đảng nên thảo luận trước hết về điều kiện cần, sau mới xét xem điều kiện đủ. Nếu Đảng thấy cần kết nạp người A cho một công việc nào đấy mà người này còn thiếu một vài điều kiện đủ, hoặc họ không muốn vào Đảng thì nên chủ động tuyên truyền, vận động họ vào và tìm cách giúp họ đạt tiêu chuẩn. Thông thường nhiều chi bộ không làm như vậy. Trong thời gian qua ở trường kết nạp được một số đảng viên là công nhân, cấp dưỡng, bộ đội phục viên mà ít kết nạp được các tiến sĩ, giáo sư là vì nguyên nhân đó.
Không rõ lời góp ý của tôi có tác dụng gì không, nhưng từ đó trở đi tôi thấy Đảng bộ trường đã kết nạp được một số đáng kể các giáo sư, tiến sĩ. Chắc là Đảng ủy đã được cấp trên cho phép mở rộng việc kết nạp các trí thức bậc cao.
Riêng việc tôi vào Đảng cũng gặp một số oái oăm. Lúc còn ngoài đảng tôi vẫn được tín nhiệm trong công tác chuyên môn và đoàn thể. Về chuyên môn tôi là tiến sĩ, phó giáo sư, trưởng bộ môn. Về đoàn thể, nhiều năm tôi được bầu làm Phó chủ tịch công đoàn (Chủ tịch phải là một Đảng ủy viên), trưởng ban đại diện công nhân viên chức, nhiều lần ngồi chủ tịch đoàn trong các đại hội công đoàn và hội nghị công nhân viên chức. Vì thế khi Đảng ủy thông báo hỏi ý kiến rộng rãi có nên kết nạp tôi không thì nhiều người quá ngạc nhiên vì họ tưởng nhầm tôi đã là một đảng viên kỳ cựu. Riêng khi biểu quyết ở chi bộ thì không suôn sẻ. Hai đảng viên giới thiệu tôi, là bí thư chi bộ Hoàng Như Tầng và phó chủ nhiệm khoa, bí thư liên chi bộ, đảng ủy viên Nguyễn Văn Tấn. Hai anh này có phẩm chất tốt nhưng trong việc giới thiệu tôi các anh hơi chủ quan, cho rằng với cương vị của các anh, với phẩm chất và uy tín của tôi thì việc thông qua chi bộ sẽ dễ dàng thôi. Không ngờ trong cuộc họp chi bộ để xét kết nạp có vài đảng viên đưa ra hết thắc mắc này đến thắc mắc khác. Biểu quyết không đạt 100%, phải dừng lại để điều tra thêm. Sau cuộc họp anh Tầng gặp tôi. Tôi giải thích rõ ràng, các thắc mắc chỉ dựa vào một phần nhỏ sự thật rồi suy luận, có thể là nhầm lẫn, cũng có thể là ngụy biện. Tôi đề nghị trong cuộc họp sau để tôi tham dự, ai có thắc mắc gì tôi sẽ giải đáp ngay. Nhưng theo nguyên tắc không được làm như vậy. Cuộc họp sau, những thắc mắc lần trước được giải đáp, lại phát sinh các thắc mắc mới, vẫn chưa thông qua được 100%. Sau cuộc họp anh Tầng lại gặp tôi, than phiền về thái độ của những người thắc mắc và đề nghị tôi tìm cách khắc phục. Tôi đề nghị, nếu không được dự họp thì tôi ngồi ở nhà gần đó. Khi có thắc mắc gì không ai giải đáp được thì anh đến gặp tôi để nghe giải đáp rồi về cuộc họp nói lại. Đây đã là lần thứ ba, mà dân ta hay tin là “bất quá tam”. Đề nghị không được chấp nhận. Tôi buộc lòng phải nhờ anh Tầng trao đổi riêng với một số đảng viên ý kiến sau: Ai có thắc mắc gì thì nên viết ra giấy cho bằng hết, chi bộ đưa trước cho tôi để tôi trả lời, không nên cứ mỗi cuộc họp lại đưa ra vài điều thiếu căn cứ, không biết đến bao giờ cho hết. Tôi công tác ở trường đã 25 năm, như thế nào thì nhiều người biết rõ. Năm nay tôi đã 48 tuổi, không còn trẻ nữa. Tôi vào Đảng là để cùng các đảng viên làm tốt công việc chứ không vì lợi ích cá nhân. Nếu lần này mà vẫn còn thắc mắc, không thông qua được thì tôi sẽ rút đơn. Sau khi tôi và các đồng chí nêu thắc mắc đều về hưu, tôi sẽ đến gặp từng người tại nhà riêng hỏi tại sao họ ngăn cản tôi vào Đảng, nếu họ xét thấy đủ lý do chính đáng thì giữ nguyên ý kiến, còn không thì biểu quyết đi cho được 100% như yêu cầu. Kết quả lần thứ 3 mới thông qua được.
Một lần đi nghỉ mát, tôi được xếp ở chung phòng với Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chọn. Anh kể: Trong nhiều năm ở cương vị thường vụ đảng ủy, xét kết nạp nhiều chục đảng viên, chưa có lần nào phải xét lâu và gay cấn như trường hợp của tôi. Tôi nói: Chắc là do anh Trà, trưởng phòng tổ chức, ủy viên thường vụ, gây ra chứ gì. Bề ngoài tôi với anh ấy là bạn bè nhưng trong công tác có nhiều việc chống đối nhau. Trong cương vị trưởng bộ môn, trưởng ban thường trực công nhân viên chức và phó chủ tịch công đoàn tôi đã vài lần tranh luận với anh và lần nào anh cũng không thắng được tôi, không áp đặt được tôi, nói nôm na là chịu thua về lý lẽ, vì vậy anh không ưa gì tôi.
Sau này nghĩ về sự trung thực của mình, một người ngoài Đảng dám tranh luận với trưởng phòng tổ chức và không chịu sự áp đặt, tôi cũng hơi giật mình. Rất may là tôi ở trong môi trường Đại học, gặp được nhiều hiệu trưởng, bí thư đảng ủy có trình độ cao về nhân văn, lại có đội ngũ các thầy giáo hậu thuẩn chứ ở nơi khác chắc là khó giữ được cương vị công tác.
Tại sao lúc trẻ tôi không phấn đấu vào Đảng, đến gần 50 tuổi mới vào? Như đã viết, mục tiêu tôi vào là để làm việc tốt hơn. Nếu tôi chỉ tập trung toàn lực vào khoa học thì có lẽ chẳng vào làm gì. Số là từ khoảng 40 tuổi trở đi, khi nhận thấy việc lãnh đạo của Đảng, việc quản lý xã hội có nhiều điều bất cập, tôi bỏ công tìm hiểu các vấn đề về lãnh đạo và quản lý. Càng tìm hiểu tôi càng say sưa và tự phát hiện mình có năng khiếu. Với bộ môn, tôi đã lãnh đạo, xây dựng thành đơn vị xuất sắc, được thưởng huân chương Lao động. Với khoa và trường tôi suy nghĩ và đóng góp nhiều ý kiến đổi mới, cải tiến mà tôi cho là quan trọng. Nhưng những ý kiến như vậy thường bị xếp xó hoặc bị lợi dụng. Lịch sử và thực tế cho thấy, khi bạn có ý tưởng hoặc kế hoạch tốt đẹp cho tập thể, muốn thực hiện được thì tốt nhất bạn phải có cương vị thích hợp hoặc có được “minh chủ” chịu nghe bạn. Không có được một trong 2 thứ đó thì rất khó để thực thi ý tưởng. Tôi đang có nhiều ý tưởng nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo mà ở cương vị trưởng bộ môn không đủ quyền hạn thực hiện, chỉ có quyền góp ý lên trên. Muốn thực hiện được phải có chức vụ tối thiểu là chủ nhiệm khoa. Mà chủ nhiệm khoa phải là đảng viên. Vì thế mà tôi làm đơn xin vào Đảng, mặc dầu vào thời gian này tôi đã phần nào thấy được một số độc hại của CNML và một số sai lầm của Đảng, nhưng vẫn phải chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng như một điều tất yếu. Hơn nữa ở trong trường nhiều đảng viên trí thức là những người ưu tú, cùng sinh hoạt với những người đó cũng là việc nên làm. Kết quả tôi vào Đảng, làm chủ nhiệm khoa, có nhiều đóng góp tích cực cho đào tạo và nghiên cứu khoa học. Sau khi về hưu, với cương vị đảng viên tôi cũng đã có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương.
Tôi biết mục tiêu vào Đảng của nhiều trí thức cũng giống như tôi và con đường cũng khá gập ghềnh nên viết ra để trao đổi. Đó là thời gian trước đây. Đến bây giờ, sau khi ở trong Đảng 30 năm, tình hình đã khác nhiều. Càng ngày tôi càng thấy rõ tác hại của CNML. Để thực hiện ý tưởng phê phán nó được tốt hơn tôi thấy nên ra Đảng và tôi đã làm như thế.
N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét