Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

20160330. BÀN VỀ "RÁNG LÀM NGƯỜI TỬ TẾ"

ĐIỂM BÁO MẠNG
HIẾN KẾ CHO NGÀI THỦ TƯỚNG LÀM NGƯỜI TỬ TẾ
LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 30-3-2016
Vậy là chỉ còn vài ngày nữa thôi ngài chính thức rời chính trường, rời quyền lực. Phải mất khá lâu đấy để ngài và các cộng sự của ngài có thể quen được với cái sự thật đáo để này, cái khoảng trống mênh mông này trước khi ngài tự khuyên ngài và các cộng sự về vườn của ngài: Ráng làm người tử tế.
Gã có lần nghe nhà văn Trần Công Tấn một người có mối quan hệ với không ít chính khách hàng đầu quốc gia kể rằng, khi còn quyền lực mỗi lần ngài Lê Đức Thọ vào Sài Gòn là kìn kịt quan chức xếp hàng tới chào. Nhưng khi hết quyền thì một lần bác nhà văn tới thăm ngẩn tò te vì sự vắng vẻ đến rợn người.
Gã nghe nhạc sĩ Trần Hoàn kể, ngài Hoàng Tùng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (cái chức của chú Võ Văn Thưởng bây giờ), hàng năm tết lịch biếu ngập nhà, đến mức người nhà phải đem cho và đem ra sân Hàng Đẫy bán cũng không hết. Ấy vậy mà vừa nghỉ, tết ông nhạc sĩ đương chức bộ trưởng bộ Văn hóa Trần Hoàn đến thăm thì ôi thôi thôi chả có tấm lịch biếu nào sất, ông bộ trưởng phải xúi các đơn vị dưới quyền của mình đem tặng lịch để ngài cựu trưởng ban khỏi tủi thân.
***
Còn bây giờ, gã xin dùng tài mọn của mình được hiến kế cho sự nghiệp “Ráng làm người tử tế” của ngài thành hiện thực, như sau:
1. Lập Qũy “Ráng làm người tử tế”.
Với cương vị của ngài sau 20 năm nắm quyền lực chính phủ, ngài thừa biết rất nhiều dòng tiền của nhân dân bị thất thoát đi đâu và vào túi ai. Ngài vận động những ai đó ấy tham gia làm thành viên của Qũy cùng những tùy lương tâm, tùy nhân quả, tùy để đức lại cho cháu con mà gửi lại phần nào Qũy “Ráng làm người tử tế” những tiền bạc, tài sản không phải của mình mà mình đã nhỡ chiếm đoạt.
Gã nghĩ, số tiền này sẽ không nhỏ. Xin ngài hãy dùng số tiền đó làm những việc tử tế như giúp đỡ những người dân oan sai bị tước đoạt quyền sống tử tế, giúp xây trường học tử tế cho trẻ vùng sâu vùng xa, giúp cho những trẻ nghèo bữa cơm có thịt, ngày rét có áo ấm, giầy ấm, v.v.
2. Luôn đứng bên những người dân oan thấp cổ bé họng để dùng ảnh hưởng truyền thông của mình và ảnh hưởng chằng chịt các mối quan hệ với người có quyền của mình để bảo vệ họ.
3. Luôn có mặt và hậu thuẫn cho các hoạt động yêu nước chống ngoại xâm của quần chúng.
4. Tập trung giúp cho con trai của ngài là Nguyễn Thanh Nghị, bí thư tỉnh ủy Kiên Giang lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho thật tốt, đưa đời sống người dân Kiên Giang thật sự tự do, giàu có, hạnh phúc.
***
Thưa ngài còn đương là đương kim thủ tướng, nếu ngài đọc được những dòng này của gã, mong ngài nhận ra được từ trong sâu thẳm của những hiến kế này là sự chân thành chứ không hề mỉa mai.
Gã như bao người dân lành đất nước này mong lắm lắm các ngài ơi đất nước có thêm nhiều người tử tế dù xuất phát họ là ai, ở đâu. Một dân tộc chỉ có thể là dân tộc tử tế nếu có nhiều người dân tử tế và những kẻ không tử tế luôn phải hãi sợ trước những người tử tế chứ không phải ngược lại.
Còn nếu ngài có buồn tình quê hỏi gã là ai, thì gã xin nhắc lại cho ngài một kỷ niệm ngài đã từng gặp gã.
Đó là một ngày biển Rạch Giá động. Gã từ cảng Hòn Chông, Hà Tiên về Rạch Giá, tới gặp ngài khi đó là chủ tịch tỉnh Kiên Giang kiêm trưởng ban phòng chống buôn lậu tỉnh. Ngài đang họp thường vụ tỉnh ủy. Gã đã trình bày sự thật khi chụp được hình bằng chứng tại cảng Hòn Chông những chiếc ô tô buôn lậu từ một chiếc tàu cắm cờ Singapore. Gã đã bị viên thuyền trưởng người Singapore phản ứng đòi lấy lại phim chụp vì bảo rằng gã không được quyền chụp hình tàu của ông ta. Gã trình thẻ nhà báo và nói rằng gã chụp toàn cảnh cảng Hòn Chông mà nước gã chủ quyền, trong đó có chiếc tàu đang neo đậu chứ không chụp riêng chiếc tàu.
Khi nghe gã nói thế, ngài đã nói nguyên văn câu như thế này, gã không thể quên:
- Sự thực trước tình hình khó khăn kinh tế này, tỉnh chúng tôi không buôn lậu thì lấy gì mà sống?
Gã đã lặng người đi trước câu nói ấy của ngài.
Đến bây giờ khi nhắc lại gã vẫn không hết cảm giác rùng mình. Nhưng gã nhận ra ở ngài toát lên một cái gì không uốn éo vòng vo mà rất thẳng. Lúc này vang lên trong gã câu nói của triết gia Hoa Kỳ Emerson: Cho dù hoàn cảnh có lừa lọc thế nào, hãy luôn thành thật với chính mình.
Ở thời điểm ấy ngài đã ghi được điểm với gã - sự thành thật.
Gã nói ở thời điểm ấy chứ không hề nói 20 năm sau khi ngài ở trên đỉnh cao quyền lực, vì 20 năm sau ấy gã không có điều kiện và cơ hội để tiếp xúc với ngài nên không thể biết sự thành thật có còn trong ngài nữa không.
Nhưng cái kỷ niệm ấy của gã trong một ngày biển Rạch Giá động dù sao cũng cho gã một niềm tin rằng lời chia tay trước quyền lực “Ráng làm người tử tế” của ngài là một lời đầy tâm trạng sâu nặng có cay đắng và quan trọng nhất là rất thật.
Chân thật chính là cánh cửa quan trọng nhất mở ra thế giới mới, an lành - thế giới của những con người tử tế.
L.T.V.
Nguồn: https://www.facebook.com/notes/lưu-trọng-văn/hiến-kế-cho-ngài-thủ-tướng-làm-người-tử-tế/1596599370665294
***
Và Bauxite Việt Nam xin mời bạn đọc suy ngẫm thêm một ý kiến từ một góc nhìn khác của nhà báo Trương Duy Nhất:
ÔNG DŨNG VÀ KHÁT VỌNG TỬ TẾ
clip_image002
Hôm nghe câu “ráng làm người tử tế” của ông Dũng trong buổi chia tay Chính phủ, tôi không tin ông lắm. Thiên hạ cũng vậy. Thấy dân tình sục sôi chửi, hơn là chia sẻ, cảm thông.
Nhưng hôm nay. Nghe ông tiếp tục nói về việc bổ nhiệm bác sĩ làm dự án, thì tôi tin ông. Rất có thể, khi đã về vườn rồi thì ông đã biết tự ngẫm, và có… khát vọng tử tế thật!
VOV dẫn nguồn ông nói:
“Không thể lấy thầy giáo, bác sĩ ở các nhà trường, bệnh viện đi làm ban quản lý dự án vì họ đâu có chuyên môn. Bệnh viện mà cứ lấy bác sĩ, cán bộ y tế đi làm ban quản lý dự án là hại anh em. Giáo dục mà trường nào lấy thầy giáo đi làm ban quản lý dự án thì còn khổ anh em nữa”.
Nói thế. Chẳng phải ông đã biết nhìn sự thể từ… chính ông sao? Xuất thân ngành y. Từ một “thằng y tá”, ông ngồi ghế Thủ tướng suốt 9 năm 10 tháng. Kể cả hai nhiệm kỳ Phó Thủ tướng, thì ông có đến gần 20 năm điều hành chính phủ.
Dù chỉ là một “thằng y tá”. Nhưng ông vẫn là Chủ tịch ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục – đào tạo, đồng thời là Chủ tịch hội đồng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Vậy nên. Rất có thể, ông đang biết ngẫm từ mình, và có khát vọng tử tế thật. Tôi tin thế.
Công tác nhân sự. Từ nay. Nên theo lời khuyên của ông, phải sửa theo hướng… tử tế hơn.
Đúng như ông nói. Anh em họ không có chuyên môn. Một “thằng” bác sĩ mà tống nó đi làm ban quản lý dự án thì không chỉ làm khổ anh em, mà còn có nguy cơ tiếp tục biến chúng thành một thế hệ X mới, một lũ X mới tiếp tục ăn tàn phá hoại, tan nát quốc gia.
Bác sĩ còn vậy. Huống chi một thằng y tá.
T.D.N.
HÓA RA KHI ĐƯƠNG CHỨC CÁC VỊ CHẲNG TỬ TẾ GÌ !?
BÙI VĂN BỒNG /BVB 30-3-2016
 “Chợ chiều. Hoàng hôn nhiệm kỳ. Thời gian vét. Cuối chặng. Chân dốc. Đoạn kết…” – đó là những cách dùng từ mà người ta thường ví von khi sắp hạ màn vở “Quan trường” gần suốt cuộc đời họ. "Con chim sắp chết tiếng kêu thương, người sắp chết lời nói phải". Nhưng ở đây, sắp hết ‘lộc quan trường’, không sợ, khỏi dè chừng ý tứ gì nữa,  mới nói ra những ‘lời phải’.
Hết nhiệm kỳ, sắp nghỉ, về làm dân như bao người khác, người ta thường mạnh dạn tung ra nhiều khái niệm mà lâu nay giấu kín. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, vậy coi như cái “nhất thời” sắp kết cục, về với “vạn đại”. Nhưng mới đây, từ bên chính phủ cho đến nghị trường Quốc hội, người ta nhắn nhe, khuyên nhau: “Về nghỉ, hãy làm người tử tế”. Thế hóa ra, khi đương chức người ta đã sống không tử tế? Ít thấy khi đương chức khuyên nhau: “Hãy sống cho tử tế, hãy làm việc cho tử tế”, bởi thực tế ít ai tử tế. Và chắc là họ cũng tự biết nghĩ: “Mình có tử tế đâu mà khuyên anh ta tử tế!”. 
                              >> Con người và sự tử tế   
            Do không tử tế, khi còn nhỏ và tuổi mới lớn học hành đã không tử tế. Cho nên chưa hết cấp 2 hoặc chưa hết tiểu học đã “đi theo cách mạng”, làm mọi việc: liên lạc, nấu bếp, nhặt củi, chăn bò, y tá …Rồi phấn đấu để có thành tích, vào Đoàn, rồi vào Đảng, phải luôn luôn tiến bộ (hoặc tỏ ra tiến bộ). Thành tích luôn luôn tạo ra sức bật, cho nên phải làm nhiệt tình, để có nhiều thành tích phải nỗ lực, phải nhiệt tình. Nhưng chưa đủ, dẫu nhiều thành tích, dẫu hăng hái chưa chắc tiến bộ nhanh, dễ gì làm lãnh đạo. Hiếm lắm. Vậy, phải biết nịnh, biết chiều cán bộ phụ trách trực tiếp, “được lòng chỉ huy, được tất cả”. Họp hành không phát biểu, ‘mười bốn cũng ừ mười tư cũng gật’, dại gì phê bình để mất lòng cấp trên, rồi ban chấp hành, cấp ủy thêm ghét, không được coi là ‘nguồn’, không được cất bước, không được quan tâm, có khi còn bị đì, bị trù úm, ghét bỏ. Những "phần tử" này thường mặc định cho mình cách sống cơ hội, thực dụng, vụ lợi, trí trá, rằng "Dễ mình dễ ta", rằng "Đấu tranh tránh đâu"... Những "phần tử' này lấy đâu ra chính kiến, bản lĩnh, dũng khí? Coi như “im lặng là vàng”, làm việc ất ơ, lơ mơ gặp chăng hay chớ, công việc bê trễ, nhút nhát không dám quyết đoán, sợ sai. Con rùa nhờ có tài rụt cổ thì lại có tật đi chậm!
            Riết rồi nên quen, sự khôn lỏi trong lối sống, cách sống, nếp sống hình thành cái lối “mồm mép đỡ chân tay”. Cái anh làm quần quật, thực sự hăng hái, nhiệt tình, có trách nhiệm, chẳng hay ho gì, mệt. Làm giỏi, làm hay nhưng thường phê phán chỉ huy, góp ý chi bộ thì cứ lính trơn hoài, đâu dễ được  lòng chỉ huy mà mong được cử đi học chính trị, được cất nhắc này, kia. Không cần học, không cần tu luyện nâng cao năng lực, không quan trọng cả phẩm chất đạo đức, cứ biết nịnh nọt, ton hót, ngon ngọt, kể cả chạy chọt, miễn là vào được 'nguồn phát triển' thì kiểu gì cũng 'chơi'!  Sự không tử tế cũng vì thế mà trở thành ‘nghệ thuật tiến thân’. 
          Nịnh hót, quà cáp, chiều ý, thậm chí biết tuyên truyền lấp liếm khuyết điểm cho thủ trưởng, khen thủ trưởng, lại lên nhanh. Ít học, lúc đầu không bằng ‘đồ tép riu’, nhưng do các ‘thủ thuật sống’ như vậy, cứ lên vòn vọt. Xã, lên huyện, lên tỉnh, lên bộ, lên Trung ương, rất thuận đường thăng quan tiến chức ‘bổng lộc thênh thang đường hoạn lộ’. 
             Nhưng cái lối sống cơ hội thực dụng này thường có hai mặt. Trước mặt thủ  trưởng đương quyền thì ca ngợi lên mây, khi thủ trưởng hết quyền thì 'đá phắt', chê bai đủ điều, khỏi vòng cong đuôi, lôi chuyện xấu của thủ trưởng cũ ra tố cáo, làm quà nịnh thủ trưởng mới. Thế có tử tế không? Với đồng chí đồng đội còn không tử tế, thì với dân lấy đâu ra sự đối xử tử tế? Cho nên, phá nát bộ máy, hệ thống nhanh nhất là bọn cơ hội chính trị, lũ 'cá nhân chủ nghĩa', sống chỉ biết thực dụng.
            Tất nhiên, để được vậy phải mồm mép đỡ chân tay, phải biết lợi dụng, che giấu để không lộ cái dốt, cái trình độ chỉ i-tờ, rồi khi cần bằng cấp thì chạy bằng, khi cần ‘bôi trơn’ thì chạy tiền, khi cần nhiều phiếu bầu thì đi vận động, lấy lòng cho khéo, đâu cần nhậu, cần chi phải tự biết cách. Có chức lại phải có tiền, để ‘tiền gọi chức, chức sinh ra tiền’. Tiền nào của ấy, những chức danh, cương vị ký cót dễ sinh lợi cho cá nhân, dễ hốt tiền lại phải lo mà 'chạy tiền', miễn là ngồi đúng ghế, lấy sau bù trước. Có ghế rồi phải biết tận dụng mọi cơ hội 'lấy thu bù chi', còn tích lũy thêm nhiều để có vốn lớn 'tái chạy chọt mở rộng'.
            Đi lên bằng thủ đoạn, biết tận dụng mọi cơ  hội, chớp thời cơ mà tiến tới, khi chức quyền ở vị thế có thể hái ra tiền (bằng chữ ký, bằng các thủ đoạn lừa lọc, tráo trở cũng không quản ngại, mà cần dấn tới, có lợi là bất chấp, làm cho kỳ được, ...), thì trước hết phải biết hài lòng cấp trên, phải tạo ra nhóm lợi ích để che chắn, bảo kê cho nhau. Bệnh thành tích cũng từ đó mà ra, thành tích cũng là thứ vốn rất cần để tiến thân, 'đánh bóng' để lên lương, lên cấp chức. Đó là cái nôi sinh ra mọi báo cáo láo dối trên lừa dưới, mị dân.
           Lòng tham sinh ra tội ác, sinh ra đủ thứ thủ đoạn, sinh ra nhiễu nhương đời sống xã hội, kìm hãm sự phát triển tiến bộ, văn minh của xã hội. Lòng tham không có giới hạn, chức quyền càng lớn lòng tham càng dày. Do lòng tham, việc gì không mang lợi ích cho bản thân, gia đình, phe nhóm của mình thì không làm. Cho nên, có chức, có danh mà bỏ bê nhiệm vụ chức trách, chiêu tập chung quanh những 'đám' đệ tử nịnh nọt, ton hót, gian dối, và cũng tham như mình. Khốn một nỗi là trong đảng số lãnh đạo như vậy không ít, đã thành "Bộ phận lớn - không nhỏ"như Nghị quyết Hội nghị TW 4, khóa 11, đã đánh giá, suy thoái, biến chất, tham nhũng, vi phạm pháp luật và coi thường dân chủ, hống hách, quan liêu, cửa quyền, lấy thủ đoạn làm 'phương pháp sống'.
             "Kỷ luật hết lấy ai mà làm việc"; "không tham nhũng, lấy tiền đâu chạy chức" - Nguyễn Sinh Hùng.
            Cuộc đời của những quan tham thời nay mang danh  “đi theo đảng làm cách mạng", hô khẩu hiệu "Vì dân, vì nước" là thế, gọi là tử tế sao được? Dù sao, từ những suy tư và nỗi lòng, các vị khuyên nhau chân tình vậy cũng đáng khích lệ, đã không tử tế, nay phải sống tử tế (nhé!). "Các đồng chí phải ráng làm người tử tế", phải 'ráng' kia đấy, nhưng khó, già cả rồi, tre già khó uốn, cái tật thường lớn hơn cái tuổi!
BVB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét