Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

20150828. BÀN VỀ PHÒNG CHỐNG "TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA"

ĐIỂM BÁO MẠNG
LÀM GÌ ĐỂ ĐẢNG THẬT SỰ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH, PHÒNG CHỐNG "TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA"
Bài của PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC/ TCCS 27/8/2015
TCCS - Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đang là vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Cách mạng là sự biến đổi sâu sắc, triệt để, toàn diện đối với một đất nước, xã hội và do đó cũng là quá trình tôi luyện, lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc nhất đối với những người cách mạng. Trong cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến cứu nước trước đây, có biết bao người đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đức hy sinh, trung thành với Đảng, với cách mạng và Tổ quốc, nhưng cũng có những người không vượt qua được gian khổ, thử thách, không vượt qua được chính mình, đã thoái lui hoặc đầu hàng, phản bội, làm tay sai cho địch chống lại cách mạng và dân tộc. Đó là một thực tế nghiệt ngã trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng.

Khác với cách mạng dân tộc dân chủ, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng cầm quyền và mỗi cán bộ, đảng viên lại phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới mà nếu không đủ bản lĩnh, ý chí và nghị lực cũng không dễ vượt qua. Sự ham muốn bản năng về vật chất, địa vị và quyền lực cùng những tác động, cám dỗ khác có thể đẩy con người tới những nhận thức và hành vi xấu, có hại cho Đảng, cho đất nước và dân tộc. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó thật sự là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đó cũng là điều kiện, là “mảnh đất tốt” để các thế lực thù địch tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng đó cần nhận diện rõ hơn sự suy thoái của bộ phận cán bộ, đảng viên, xác định rõ hơn nguyên nhân và đề ra những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân. Theo thống kê gần đây, trong 3 năm, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật bằng các hình thức trên 54.000 đảng viên (năm 2012 kỷ luật 16.000; năm 2013 kỷ luật hơn 21.000; năm 2014 kỷ luật hơn 17.000); xóa tên, cho ra khỏi Đảng hàng nghìn trường hợp khác, trong đó có nhiều đảng viên phải truy tố trước pháp luật, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng(1). Con số đó đã thể hiện quyết tâm, cố gắng của toàn Đảng trong việc xây dựng Đảng thật trong sạch như mong muốn của Bác Hồ và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”(2). Trong Di chúc, Người căn dặn phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Thực sự, phấn đấu để Đảng ta mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu là vấn đề luôn đặt ra cho công tác xây dựng Đảng. Đó cũng là ý chí, tâm nguyện của nhiều thế hệ đảng viên cộng sản chân chính suốt hơn 85 năm qua. V.I. Lê-nin từng cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối và xa rời quần chúng nhân dân của đảng cộng sản cầm quyền, chỉ rõ những kẻ thù của người cộng sản, đó là tính kiêu ngạo, sự dốt nát và nạn hối lộ (tham nhũng). Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sự thoái hóa, biến chất, hư hỏng trong Đảng là “giặc nội xâm”, không mang gươm, súng nhưng vô cùng nguy hại.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng là một thực thể, một tổ chức gồm những đảng viên đã được rèn luyện, thử thách, được giáo dục và đào tạo phấn đấu cho lý tưởng và mục tiêu cao cả của cách mạng, của đất nước và dân tộc. Để cho Đảng thật sự mạnh mẽ, trong sạch, kinh nghiệm của lịch sử Đảng ta cho thấy cần chú trọng xây dựng tổ chức đảng và giáo dục, rèn luyện đảng viên theo những nguyên tắc, yêu cầu và chuẩn mực nghiêm ngặt của Đảng. Phải luôn luôn ghi nhớ điều Bác Hồ đặt lên hàng đầu về tư cách của Đảng chân chính cách mạng. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(3).
Để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, phòng, chống được “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phải chú trọng những vấn đề cơ bản và bức thiết hiện nay.
Một là, đề cao lý tưởng, mục tiêu cách mạng, nắm vững ngọn cờ tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển lý luận cách mạng Việt Nam, nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng.
Cần thấy rõ một thực tế là hiện nay không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý đã không chỉ phai nhạt lý tưởng, mà còn thiếu niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa. Quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bắt đầu từ mất niềm tin, mất phương hướng, từ bỏ lý tưởng, mục tiêu cách mạng, vứt bỏ vũ khí tư tưởng, lý luận, sẵn sàng “trở cờ” phản bội, đưa đất nước đi theo hướng khác. Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại trong cả nhận thức và hành động. Những vấn đề còn chưa rõ về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự điều chỉnh, những thế mạnh của chủ nghĩa tư bản hiện đại trong quá trình toàn cầu hóa có ảnh hưởng thường xuyên tới nhận thức của cán bộ, đảng viên. Thực tiễn đổi mới đã không ngừng làm sáng tỏ nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều đó cần được quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, ở tất cả các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhằm củng cố niềm tin vào con đường đúng đắn mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Xây dựng Đảng bao giờ cũng bắt đầu từ trang bị lý luận, hệ tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng Đảng không có lý luận cũng giống như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam, giống như người nhắm mắt mà đi. Lý luận trang bị cho cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn quy luật khách quan và phương pháp luận khoa học để hành động tự giác, hợp quy luật trong lãnh đạo, quản lý. Nhiều vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam cần được tổng kết cơ bản và sâu sắc để hướng dẫn thực tiễn. Đảng phải thật sự là một Đảng ở tầm cao lý luận, trí tuệ. Hiện nay, việc giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế, thiếu chiều sâu và tính thuyết phục, do đó hiệu quả chưa cao. Các bộ môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng chưa được coi trọng. Hệ thống trường Đảng đã có những đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo, trang bị lý luận, song vẫn chưa gắn bó thật sự với thực tiễn và yêu cầu của cuộc sống. Việc bồi dưỡng lý luận chưa được thực hiện thường xuyên, định kỳ với tổ chức đảng và cấp ủy.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phê bình cán bộ, đảng viên về những biểu hiện coi thường lý luận, coi khinh lý luận và bệnh lý luận suông, không giúp ích gì cho thực tiễn. Hiện nay, tình trạng đó trong Đảng vẫn là một khuyết điểm lớn, vì vậy, trình độ lý luận, trí tuệ của cán bộ, đảng viên còn thấp. Việc học tập, nghiên cứu lý luận chưa được cán bộ, đảng viên coi trọng. Còn nặng về kinh nghiệm thực tế, ít chú trọng tổng kết thực tiễn, tổng kết lý luận. Lười học tập, lười suy nghĩ, tự bằng lòng với kiến thức đã có cũng là biểu hiện của sự suy thoái. Kém lý luận, trình độ trí tuệ thấp thì không thể có tầm nhìn xa, không thể tư duy chiến lược, khó có thể làm tròn vai trò tiền phong lãnh đạo. V.I. Lê-nin đòi hỏi những người cộng sản phải tự biết làm giàu trí tuệ của mình bằng kho tàng những tri thức mà nhân loại đã tạo ra.
Hai là, không ngừng bổ sung, phát triển, bảo đảm tính khoa học, hiện thực của Cương lĩnh, đường lối, nâng cao bản lĩnh chính trị, chú trọng bảo vệ chính trị nội bộ.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trước hết là nhờ có Cương lĩnh, đường lối đúng đắn, phản ánh đúng quy luật phát triển của thực tiễn Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng, lý luận vững chắc, đáp ứng lợi ích, khát vọng của nhân dân và dân tộc. Sai lầm về đường lối sẽ dẫn đến thất bại. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để phá hoại Cương lĩnh, đường lối của Đảng, đòi Đảng phải thay đổi Cương lĩnh, đường lối, đòi phải thay đổi Hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, cổ vũ cho đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập, đòi “phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang”. Đó là những âm mưu, thủ đoạn mà kẻ địch đã thực hiện trong suốt nhiều năm qua, nhất là từ khi diễn ra công cuộc đổi mới và hiện nay diễn ra quyết liệt, tinh vi hơn nhằm thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó chính là quá trình tha hóa trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự “tự chuyển hóa” đó làm cho Đảng và bản thân người cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức quyền, không còn giữ được bản chất cách mạng, lý tưởng và phẩm chất. Tình trạng đó kéo dài và nghiêm trọng sẽ làm mất đi uy tín, danh dự của Đảng, mất đi niềm tin của nhân dân, dẫn đến tình trạng Đảng bị suy yếu, mất vai trò lãnh đạo và tan rã. Thực tế đã cho thấy có đảng cộng sản thật kiên cường đánh bại mọi thế lực đế quốc, phát-xít, nhưng lại tự tan rã nhanh chóng khi sự tha hóa trong nội bộ đã làm mất khả năng đề kháng. Có những cán bộ, đảng viên là anh hùng, là tấm gương trong đấu tranh cách mạng, kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhưng lại trở thành tội phạm khi lợi dụng chức quyền để tham nhũng, xâm hại đến lợi ích của đất nước, của dân tộc.
Vượt qua những cám dỗ về vật chất và tham vọng quyền lực là không dễ dàng. Vì thế, đòi hỏi sự tu dưỡng, rèn luyện, ý chí và nghị lực của mỗi người kết hợp với sự nghiêm minh của pháp luật. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, hầu hết cán bộ, đảng viên làm việc trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, nắm vững các chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Trung ương tới cơ sở. Thực tế đã có sự gắn kết giữa những người “cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước” với những người nắm quyền lực chính trị, hình thành “lợi ích nhóm và “nhóm lợi ích”, làm tổn hại đến sự phát triển kinh tế, làm nghèo đất nước và thao túng quyền lực làm suy giảm sức mạnh của Đảng và Nhà nước. “Lợi ích nhóm và “nhóm lợi ích” là mầm mống cục bộ, bè phái, là biểu hiện của sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không thể xem thường.
Trong tình hình hiện nay, phải rất coi trọng việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bản lĩnh chính trị là tuyệt đối trung thành với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích quốc gia, dân tộc. Bản lĩnh chính trị là nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, bình tĩnh, chủ động đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức; sáng suốt trong nhận định, đánh giá tình hình trong nước, quốc tế, không bị lôi kéo, kích động; thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém trong Đảng và hệ thống chính trị, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhưng cũng không hoang mang, bi quan, chán nản hay mất niềm tin vào chính mình.
Kinh nghiệm của Đảng ta và bài học về sự thất bại của các đảng cộng sản cầm quyền trên thế giới cho thấy vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ có tầm quan trọng đặc biệt. Trong lịch sử, Đảng ta có nhiều kinh nghiệm về chống kẻ địch ở trong tổ chức đảng để phá hoại nội bộ cách mạng. Đảng cũng có kinh nghiệm trong nhận biết, phát hiện, xử lý những kẻ phản bội và kiên quyết loại bỏ những kẻ cơ hội, thoái hóa ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Kinh nghiệm đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Hiện nay, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, một trong những việc cần làm ngay là nhận rõ những kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chuyên quyền, độc đoán, phe cánh, “lợi ích nhóm”, mị dân và kiên quyết loại trừ những đối tượng này ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XI (ngày 7-5-2015): “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, “lợi ích nhóm”, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình, để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị, không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm, ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc, bản thân và vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính, có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”(4).
Ba là, chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng đối với mọi cán bộ, đảng viên, nhất là với những cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Khi chuẩn bị thành lập Đảng (năm 1927), Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu tư cách của người cách mạng với 23 điểm. Trong quá trình lãnh đạo, Hồ Chí Minh và Đảng đã đặc biệt chú trọng giáo dục, rèn luyện cho cán bộ, đảng viên những chuẩn mực đạo đức cách mạng, coi đạo đức là gốc. Ngay khi trở thành Đảng cầm quyền (năm 1945), trong nội bộ Đảng và chính quyền nhà nước đã xuất hiện những hành vi của cán bộ, đảng viên trái với mục tiêu, đạo đức cách mạng. Đó là những hành vi trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là những lầm lỗi của những người lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng”, cần phải kiên quyết sửa chữa.
Sau 70 năm cầm quyền, có biết bao tấm gương về đạo đức cách mạng trong sáng của cán bộ, đảng viên, của các nhà lãnh đạo tiêu biểu, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng hiện nay, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn là điều nhức nhối, đáng buồn, ảnh hưởng đến sức chiến đấu của Đảng và niềm tin của nhân dân. Từ sự suy thoái về đạo đức, lối sống đến sự tha hóa về chính trị là một thực tế. Các thế lực thù địch lợi dụng những cán bộ thoái hóa về đạo đức để lôi kéo, cám dỗ, đưa họ rời xa con đường phấn đấu, rời bỏ trách nhiệm chính trị và mục tiêu phục vụ. Khi cán bộ, đảng viên mắc vào lỗi lầm về đạo đức thì không còn đủ tâm trí và sự tỉnh táo để phân biệt đúng, sai, thiện, ác, trung thực và dối trá. Sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo đó diễn ra thật đáng lo ngại.
Cần thiết phải nhận diện rõ hơn những suy thoái về đạo đức, lối sống. Trước hết là sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, chạy theo danh lợi, tiền tài, dẫn đến tìm mọi cách để tham nhũng, vì lợi ích của cá nhân và gia đình mình; vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, lợi dụng chức quyền, vị trí, điều kiện công tác để thu lợi bất chính. Tham nhũng lớn và tham nhũng vặt vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả, làm băng hoại đạo đức trong Đảng và xã hội. Thứ hai là quan liêu, xa dân, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao và thiếu ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhũng nhiễu dân, vô cảm trước những khó khăn trong cuộc sống của người dân. Thứ ba là không giữ gìn, rèn luyện phẩm chất, tư cách của người cộng sản, không chịu nghiên cứu học hỏi, luôn bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, ý thức tổ chức kỷ luật kém, nhưng lại có nhiều tham vọng quyền lực, xu nịnh, vận động cá nhân vì lợi ích riêng; khi có được chức quyền lại mắc vào độc đoán, chuyên quyền, phe cánh, trù dập những người thẳng thắn đấu tranh phê bình; nói không đi đôi với làm; không có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau. Thứ tư là sa vào ăn chơi, hưởng lạc, xa hoa, vi phạm chế độ, chính sách, lãng phí của công, có lối sống trái với những chuẩn mực đạo đức của dân tộc.
Để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cần đến những chủ trương, giải pháp hành động mạnh mẽ, đồng bộ. Cần kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường giáo dục đạo đức trong Đảng và trong xã hội với tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Phải bắt đầu “tu thân”, phải học làm người rồi mới làm cán bộ như Bác Hồ đã dạy. Tăng cường kỷ luật, pháp luật, sự công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đào tạo, bố trí và quản lý cán bộ, bảo đảm lựa chọn đúng được người có đức, có tài vào bộ máy và cơ quan lãnh đạo các cấp; tạo môi trường xã hội, thể chế kinh tế lành mạnh, văn minh, khoa học, để cán bộ, công chức không có điều kiện sa vào những tiêu cực, vi phạm đạo đức. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách sâu sắc, thiết thực. Tập trung chống chủ nghĩa quan liêu có hiệu quả. Theo V.I. Lê-nin, chủ nghĩa quan liêu chính là chủ nghĩa địa vị: “Chủ nghĩa quan liêu, tức là đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích của tư tưởng danh vị, tức là hết sức chú trọng tới địa vị mà không đếm xỉa đến công tác; tức là tranh giành nhau để được bổ tuyển khi mà đáng lẽ phải đấu tranh cho những tư tưởng”(5).
Bốn là, giữ gìn, củng cố đoàn kết, thống nhất vững chắc trong Đảng, chống những biểu hiện cục bộ, địa phương, phe cánh, “lợi ích nhóm”.
Đoàn kết, thống nhất vừa là truyền thống quý báu của Đảng, vừa là nguyên tắc xây dựng Đảng và yêu cầu bức thiết để tăng cường sức chiến đấu của Đảng. Đó cũng là hạt nhân để đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình như Bác Hồ đã căn dặn. V.I. Lê-nin cho rằng, nếu Đảng không đoàn kết, dẫn đến chia rẽ, phe phái thì sẽ sụp đổ. Người nhấn mạnh: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ “nếu” này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”(6).
Chỉ có thể đoàn kết, thống nhất vững chắc dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhận thức một cách sâu sắc bản chất cách mạng, khoa học của lý luận, tư tưởng ấy để vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam, để định hướng đúng, hành động tự giác với một niềm tin không thể lay chuyển, mới có sự đoàn kết, thống nhất. Mọi nhận thức hời hợt, chắp vá, cắt xén sẽ dẫn đến hoài nghi, lạc bước, cộng với sự vu cáo, xuyên tạc về tư tưởng sẽ gây nên sự bất ổn về tư tưởng và lý luận. Bài học về thất bại của các đảng cộng sản cầm quyền ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bắt đầu từ tư tưởng, lý luận vẫn còn như một sự cảnh tỉnh. Vì vậy, hiện nay, Đảng cần hết sức chú trọng công tác và mặt trận tư tưởng, lý luận. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải dựa trên Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành và quyết tâm hành động để hiện thực hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Mọi hành vi nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng phải bị phê phán, loại trừ để bảo đảm sự thống nhất trong Đảng về chính trị. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải dựa trên việc thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, dựa trên những quy định của Điều lệ Đảng. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải dựa trên tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, có lý, có tình và tình cảm thương yêu đồng chí.
Sự phá hoại của thế lực thù địch bên ngoài là một thực tế cần hết sức cảnh giác. Nhưng, điều đáng lo ngại hơn là sự tha hóa, suy thoái từ trong nội bộ. Đó là đòn đánh từ trong ra bởi những phần tử hư hỏng, hủ bại làm suy yếu Đảng, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một trong những nhiệm vụ bức thiết hiện nay là ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái, tự bảo vệ để hoàn thành vai trò lãnh đạo và trách nhiệm cầm quyền của Đảng./.
--------------------------------------------
(1) Theo http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30257&cn_id=697938
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 415
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 289
(4) Theo http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Tieu-diem/2015/33273/Phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-be-mac-Hoi-nghi-lan-thu.aspx
(5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, t. 8, tr. 424
(6) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 42, tr. 311
Nguyễn Trọng Phúc  PGS, TS. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

CĂN BỆNH HIỂM NGHÈO CỦA ĐẢNG KHÔNG CHỮA TRỊ ĐƯỢC ĐÂU! TRỪ KHI...
Bài của MẠNH TRÍ /BVN 3/9/2015

 

(Trao đổi với tác giả PGS TS Nguyễn Trọng Phúc về bài viết trên tạp chí Cộng sản số 874, tháng 8/2015)
Rất ngẫu nhiên là tôi và anh Minh Ấm đều cùng đã đọc các bài viết đăng tải trên tạp chí Cộng sản số mới nhất (tháng 8/2015). Trong những bài viết mà chúng tôi cùng lưu tâm thì có bài Làm gì để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của tác giả Nguyễn Trọng Phúc, là bài rất “có vấn đề”, cần được trao đổi cho rõ về sự đúng - sai, thật - giả, hay - dở! Hai chúng tôi đã trao đổi với nhau về sự “có vấn đề” của bài viết đó như sau:
- Anh thấy bài viết đó có giá trị gì về mặt lý luận và thực tiễn, trong bối cảnh Đảng (CSVN) đang cố sức chữa chạy cái bệnh tha hóa, hư hỏng, cố sức hà hơi tiếp sức để tăng thêm cái gọi là “sức chiến đấu” cho nó, trước thềm Đại hội XII sắp tới?
- Bài viết này, cùng với nhiều bài viết khác nữa trên các báo “lề Đảng”, chỉ là cái trò “chiến tranh tâm lý” rẻ tiền, nhằm tranh thủ “lên dây cót” tinh thần cho cán bộ đảng viên đang rất phân tâm, cho dân chúng đang mất hết niềm tin vào Đảng lãnh đạo. Cho nên các tác giả toàn “nói lấy được”, bất chấp tính khoa học, tính thực tiễn, bất chấp đòi hỏi về sự trung thực, về sự hồi tâm, thức tỉnh mà nhân dân đã đặt ra cho Đảng trong thời điểm lịch sử này! Có lẽ tác giả không cần để ý đến hiệu quả thực tiễn của bài mình viết ra thì phải?
- Có thể coi tác giả Phúc là một “thầy thuốc” đã kê đơn trị bệnh cho Đảng của mình đấy. Trong bài viết này, “thầy thuốc” Phúc có kê ra bốn “toa thuốc” để điều trị “căn bệnh hiểm nghèo” cho Đảng. Đó là căn bệnh “tha hóa toàn diện”! Chúng ta hãy cùng thẩm định lại các “toa thuốc” ấy xem có đáng tin để đặc trị cho Đảng (CSVN) không nhé!
- Nhưng đương nhiên chúng ta phải chú ý rằng, giữa chúng ta và nhân dân với bọn họ (Đảng và bồi bút của Đảng) vẫn luôn có một khoảng cách về ý thức hệ, về quan điểm, về phương pháp tiếp cận (mà nguồn gốc sâu xa là lợi ích khác nhau). Do đó chúng ta cần biết khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và các giá trị văn hóa phổ quát của thế giới hiện đại, lấy đó làm điểm tựa về cả mặt tri thức và cả mặt phương pháp luận, để mà tranh luận, phản biện!
- “Thầy” Phúc đã kê “toa thuốc” thứ nhất cho Đảng của mình như sau: “Đề cao lý tưởng, mục tiêu cách mạng, nắm vững ngọn cờ tư tưởng là chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển lý luận cách mạng Việt Nam, nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng”!
Xin được hỏi ngay tác giả Phúc: Bạn đọc cần phải hiểu nội hàm của các khái niệm mà ông đã nêu ra như thế nào cho đúng với ý Đảng? Lý tưởng gì? Những mục tiêu của cách mạng gồm những nội dung nào? Ngọn cờ tư tưởng ấy hơi nhiều, vậy cái nội dung cốt lõi là gì? ...
- Và tôi cũng xin được nói ngay với tác giả: Vì lâu nay Đảng vẫn luôn nói Đảng là của nhân dân, đại diện cho lợi ích của nhân dân, do đó muốn bàn thảo những vấn đề nói trên – những vấn đề liên quan đến lợi ích của nhân dân và sự tồn vong, phát triển của đất nước – thì tất phải theo cách hiểu của nhân dân.
- Tôi xin được diễn đạt một cách dân dã theo cách hiểu đó như sau:
Lý tưởng cần được đề cao là: Đất nước độc lập, nhân dân hạnh phúc!
Mục tiêu cần đạt tới là: Nước mạnh, dân giàu, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh! (như các vị vẫn nói luôn mồm, nhưng không làm đúng như vậy!).
Ngọn cờ tư tưởng cần nắm vững là: Lấy Dân làm gốcĐại đoàn kếttoàn dân tộc!
Lý luận cần phát triển là: Phát triển bền vững, trong đó phát triển Con Người là trung tâm!
Trình độ trí tuệ của Đảng cần nâng cao: Chủ yếu và trước hết là phải nắm thật vững các quy luật phát triển của đời sống (tự nhiên, xã hội và con người); phải luôn coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý!
Dân không nghe những cách diễn đạt dài dòng và khác lạ của các vị đâu, vì chúng rất mù mờ, xa vời và không thiết thực, không đúng!
- Thế thì tất cả những thứ “chất dinh dưỡng” nói trên, Đảng đều chưa có thật (mà mới có trên giấy, trên đầu lưỡi), nên Đảng của các vị lâm trọng bệnh là phải. “Toa thuốc” được kê ra được tạm coi là chuẩn so với “y lý” (nếu được hiểu đúng như cách hiểu của dân), nhưng không sát với “cơ địa” và thể trạng của “con bệnh”, do đó không thể mang lại hiệu quả! “Con bệnh” sẽ không nuốt nổi “thuốc” này, vì hiện nay toàn thân đã ở mức suy nhược, lại luôn dị ứng với các thứ “thuốc” mạnh, nên bệnh không thể thuyên giảm, và chắc chắn không thể chữa khỏi với “toa thuốc” thứ nhất này!
- Muốn chữa khỏi trọng bệnh của Đảng theo định hướng của “toa thuốc” thứ nhất này thì chỉ có một thứ thuốc “đặc trị” khác, đó là: Phải thay đổi từ bản chất của Đảng, khôi phục lại bản chất ban đầu của Đảng thời Cụ Hồ, làm cho Đảng từ chỉ là đại diện cho lợi ích một thiểu số như hiện nay, thành Đảng của Dân tộc, của Nhân dân. Bắt đầu là sự thay đổi Cương lĩnh, lấy mục đích hoạt động là “Vì Dân, vì Nước” (thật lòng), trong đó điểm thay đổi trước hết và quan trọng nhất là từ bỏ tham vọng nắm độc quyền cai trị đất nước, tự chuyển hóa thành một tổ chức chính trị tiến bộ trong xã hội, bình đẳng với các tổ chức chính trị khác, cùng hợp tác tham gia xây dựng đất nước. Từ đó phải thay đổi tiếp về điều lệ, về nhân sự, về tổ chức, về cơ chế hoạt động, ...
- Chữa theo cách này thì chắc chắn Đảng (CSVN) vẫn tồn tại, với sắc diện khác, nhưng khỏi hẳn bệnh, khỏe mạnh, cường tráng. Và điều quan trọng hơn cả, là đất nước được bình yên và phát triển tốt đẹp lên, bền vững hơn!
- Nhưng liệu toàn Đảng có đồng lòng không, chứ riêng lãnh đạo Đảng thì chắc chắn là KHÔNG, họ sẽ chống lại quyết liệt, vì họ sẽ mất hết độc quyền cai trị dân, đi kèm là các lợi ích riêng khá lớn cũng sẽ không còn!
- Bây giờ chúng ta thử xem tiếp “toa thuốc” thứ hai của “thầy” Phúc: “Không ngừng bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối, bảo đảm tính khoa học, hiện thực của Cương lĩnh, đường lối, nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng, chú trọng bảo vệ chính trị nội bộ”!
Đây là một “toa thuốc” rất phổ biến, dùng cho những “ca bệnhthông thường, như “cảm cúm” sơ sơ, “hắt hơi, sổ mũi”,... và thường là mang lại hiệu quả khá nhanh và rõ. Và đó cũng là đúng, là phù hợp với quy luật phát triển của các tổ chức chính trị tiến bộ trong các thể chế xã hội dân chủ của thế giới hiện đại. Nhưng ở đây, Đảng (CSVN) có còn là một tổ chức chính trị tiến bộ nữa đâu, Đảng đã lâm vào “trọng bệnh” tha hóa toàn diện rồi, mà “con bệnh” lại rất khó tính, dùng “toa thuốc” này không thể mang lại kết quả. Hơn nữa, sự thường xuyên tự chăm sóc như trên, nếu làm một cách hình thức thì chẳng qua chỉ là sự trang điểm phấn son bên ngoài mà thôi, trong khi cái “gốc” không chịu chỉnh sửa, không chịu thay đổi, thì không thể tiếp nhận tốt sự chăm sóc, tức là “thuốc có uống vào cũng bằng không”, bệnh không thể khỏi được!
- Đến “toa thuốc” thứ ba: “Chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng đối với mọi cán bộ, đảng viên, nhất là với những cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Vừa đọc lên chúng ta đã thấy ngay là “toa thuốc” này cũng không thể sử dụng được cho “con bệnh” Đảng (CSVN) hiện nay. Bởi chính các đối tượng cán bộ, đảng viên ở các cương vị lãnh đạo, quản lý các cấp là thủ phạm gây ra “trọng bệnh” cho Đảng, chính họ là các “vi rút” gây bệnh. Các “vi rút” này hoàn toàn dị ứng với đạo đức cách mạng, và chúng đã “nhờn” với” thuốc” này từ lâu lắm rồi mà! Và thật ra đối với những tổ chức chính trị tiến bộ, luôn có sức đề kháng với những cái xấu về đạo đức thì mới áp dụng “toa thuốc” này được. Chứ Đảng (CSVN) không ở trong diện “con bệnh” có thể chữa trị được bằng “toa thuốc” này. Chắc là tác giả phải nói cho đủ các khía cạnh của một bài viết thôi, không có giá trị thực tiễn!
- Còn “toa thuốc” cuối cùng: “Giữ gìn, củng cố đoàn kết thống nhất trong Đảng, chống những biểu hiện cục bộ, địa phương, phe cánh,lợi ích nhóm””.
Đây chẳng qua cũng chỉ là một “toa thuốc” phụ, một thứ “thuốc” bổ sung nhằm hỗ trợ cho việc chữa trị bằng các thứ “thuốc” chính đã nêu ở trên. Vì thật ra thì đây chỉ là cái “toa thuốc” kê ra cho những triệu chứng, những biểu hiện thông thường, dễ thấy của cái “trọng bệnh” tha hóa toàn diện đang khá nặng ở Đảng (CSVN)! Có thêm “toa thuốc” này cũng chẳng xoay chuyển được bệnh tình của Đảng. Chỉ cần nhìn ngay vào cái tệ không đoàn kết thống nhất trong Đảng đã thấy là họ không dám nuốt “thuốc” này đâu. Đấy, cứ quan sát từ bây giờ và đợi đấy mà xem các “trò diễn, các màn kịch” đấu đá nhau để tranh giành quyền lực mỗi dịp mở Đại hội, giữa các phe nhóm, các “nhóm lợi ích”! Tuy không phải là một triệu chứng nặng nhất, không là một cái huyệt yếu nhất, nhưng nó là hậu quả tất yếu từ cái triệu chứng gốc đã nêu ở phần bàn về “toa thuốc” thứ nhất. Triệu chứng gốc đã không chữa được thì nói chi đến triệu chứng phụ?
- Tóm lại, xem cả bốn “toa thuốc” , trong đó “toa thuốc” thứ nhất là “đầu vị” đấy, thì có thể nói rõ cho “con bệnh” Đảng, và toàn thể thân nhân của “con bệnh” được biết: Bệnh đã nặng lắm rồi, mà thuốc thì không hợp, không đủ mạnh, và cách chữa trị thì lại cứ vẫn như cũ, nên quả là “thầy” Phúc này không thể cứu được “con bệnh” Đảng của mình nữa đâu. Bây giờ chỉ còn một cách cuối cùng là....!
- Đúng, đúng rồi, bởi như ban đầu anh đã nói “Trừ khi...”! Chắc đây là cách cuối cùng, đó là cách gì vậy anh? “Giải phẫu” hay “Xạ trị”, hay... “Cho vào nhà lạnh”...?
- Nhưng hình như ở trên tôi đã có nói lướt qua rồi thì phải? Theo tôi thì Trừ khi, ... chính con bệnh phải tự chữa lấy, phải “Tự chuyển hóa”, “Tự diễn biến”, tức là dùng “Nội Lực” của mình, bằng Ý chí của mình, Nghị lực của mình mà vượt qua “căn bệnh” thôi. Tự làm cho mình khỏi bệnh, trở thành khỏe mạnh. Và thật ra cách chữa này cũng rất đúng với quy luật phát triển của mọi hoạt động thực tiễn. Bất cứ hoạt động thực tiễn nào muốn phát triển tiến bộ đều phải tự điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp với môi trường hoạt động luôn thay đổi. Con người muốn tiến bộ cũng phải biết tự điều chỉnh, biết luôn tự sửa mình, loại trừ cái xấu, cái ác,... Đảng chẳng qua cũng chỉ là một tập hợp người, nên muốn tốt lên, khỏe lên cũng không thể làm khác. Do đó “Tự chuyển hóa”, “Tự diễn biến” là một quy luật của phát triển, là công việc phải làm thường xuyên, đâu có phải là hành vi phá hoại, xấu xa mà Đảng phải phòng với chống? Mà ở trên tôi cũng đã nêu tương đối cụ thể rồi đó: Đảng phải thay đổi từ bản chất để trở thành Đảng của Dân tộc, của Nhân dân! Chính Đảng mới tự làm được việc này, không ai làm thay được, kể cả các “thế lực thù địch”!
- Tôi đã hiểu rõ hơn ý kiến của anh rồi. Như vậy là bài viết của tác giả Phúc đã có nhiều khiếm khuyết không thể bỏ qua, với tư cách là một bài nghiên cứu khoa học của giới chính trị! Đúng là trong bài viết toàn sặc một “mùi” giáo điều, bảo thủ, áp đặt, bóp méo thực tiễn,... với thái độ “nói lấy được”, coi thường bạn đọc! Anh thử ngẫm mà xem, đến bây giờ mà vẫn cứ khăng khăng “tuyệt đối hóa” lý luận Mác Lênin, vẫn đề cao chủ thuyết chủ nghĩa xã hội sai lầm và đã thất bại cùng với mô hình chưa có thật hoặc đang ở dạng “đầu Ngô, mình Sở” của nó, vẫn dựng đứng lên về cái chuyện chọn lựa của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng (CSVN) và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (mà thực chất là dùng quyền lực để áp đặt với dân), vẫn bịa chuyện và bốc phét về thành tựu phát triển và giữ nước do Đảng lãnh đạo, vẫn ca ngợi không biết ngượng mồm về sự ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, đi cùng với niềm tin “son sắt” của nhân dân đối với Đảng, ...!
- Bài viết này chỉ có thể đọc để tham khảo trong bối cảnh lịch sử là vai trò của Đảng (CSVN) đang lên, đang trên đà thăng hoa, với bản chất còn tốt đẹp, với những đóng góp tích cực và đích thực của họ cho đất nước. Nhưng thực tiễn lại không phải là như vậy, không còn là như vậy, không đúng như họ đang cố tưởng tượng ra, cố tô hồng, mà đã hoàn toàn ngược lại rồi! Bài viết này quả là không thể thuyết phục với bạn đọc, nhất là với người có chữ nghĩa, vì lý luận không chuẩn xác, thực tiễn không đáng tin cậy, về thực chất chỉ là một thứ Ngụy Biện! Bài viết này ra mắt bạn đọc ở thời điểm này là rất vô đạo, vô duyên, vô nghĩa, vô tác dụng,... chỉ là một việc làm “bông phèng”, một trò cười cho thiên hạ, vì nó càng tạo thêm sự phản cảm cho người đọc về cái Tâm đen và cái Đầu “bã đậu” quá tệ của bọn họ mà thôi!
- Thế là Tiếng nói của Đảng không cứu được Đảng, không bảo vệ được thể chế chính trị của Đảng, dù chỉ với phạm vi công luận! Ôi, cái đỉnh cao lý luận chính trị của Trung ương Đảng (CSVN)! Ta xin ngả mũ chào mi!
Tháng 8 năm 2015
M. T.
Tác giả gửi BVN.

CHỐNG CỘNG SẢN VÀ CHỐNG ĐẢNG CỘNG SẢN CÓ KHÁC GÌ NHAU ?
Bài của THIỆN TÙNG/ BVN 6/9/2015
Cần phải giải mã hiện tượng: nhiều Đảng Cộng sản vẫn đang tồn tại ở nhiều nước, nhưng cớ sao chỉ có một số nước dân chúng chống Đảng Cộng sản, như ở Việt Nam chẳng hạn?
Đảng Cộng sản cũng như bao đảng phái khác, là bộ phận trong cộng đồng dân tộc, tên của chúng chẳng qua chỉ là một danh xưng, như cái mác của một thương hiệu, vậy thì mắc mớ gì dân chúng phải nhọc công chống chúng?
“Chống Cộng sản” không đồng nghĩa với “chống Đảng Cộng sản”. Chống Cộng sản là chống hành vi (đường lối, chính sách...), còn chống Đảng Cộng sản là chống về tổ chức. Ở Việt Nam, cho đến giờ này, người ta nhiều lắm chỉ dùng hình thức phản biện bất bạo động chống lại hành vi sai trái của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là việc tiếp tục áp dụng học thuyết Mác Lê Mao lỗi thời và áp đặt thể chế độc tài đảng trị.
Thử nghĩ lại xem: trong chiến tranh, Đảng Lao Động Việt Nam đưa ra đường lối “Cách mạng Dân tộc Dân chủ” và chính sách “Người cày có ruộng”... phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, họ sẵn sàng “đầu tư” sức người sức của vào những cuộc kháng chiến đầy máu và nước mắt. Sau khi kết thúc chiến tranh, tại Đại hội 4 (năm 1976), Đảng Lao Động Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thiết lập thể chế độc tài Đảng Cộng sản trị trên toàn cõi Việt Nam, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa về mọi mặt. Từ đó, người dân bắt đầu tỏ thái độ không hài lòng, từng bước lên tiếng chống lại hành vi của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy rõ ràng, người ta chống đường lối, chủ trương, chính sách... của thể chế chính trị độc tài toàn trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng đại diện cho thể chế chính trị bất hảo ấy.
Đến nay, cũng còn không ít người ngụy biện hay cạn suy cho rằng, dưới sự lãnh đạo “anh minh, tài tình” của Đảng, đất nước Việt Nam được xây dựng đàng hoàng, to đẹp hơn; đời sống nhân dân cũng đỡ khổ hơn những năm tháng sau chiến tranh – đúng có to đẹp, đàng hoàng hơn, đời sống có khá hơn nhưng không phải do sự lãnh đạo “tài tình” của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chịu khó nghĩ lại xem: Nếu không có những người quên mình “xé rào”, dấn thân đấu tranh đòi cải tổ thể chế, bị liệt vào tội “những phần tử xét lại chống Đảng” thì đất nước ta hiện nay chắc không khác gì Bắc Triều Tiên? Nhờ những “con thiêu thân” ấy mà Đảng mới thức tỉnh một bước, chấp nhận chuyển đổi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa từ “tập trung bao cấp” sang “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” – tức là chưa chịu buông hẳn chủ nghĩa xã hội. Đã 29 năm qua (1986-2015), nhờ Đảng ép lòng buông tha không trói chặt về kinh tế (đổi mới kinh tế), nhân dân ta cần cù sáng tạo, ăn nên làm ra, ngoài tự lo cho mình, góp phần thuế má đáng kể để Nhà nước xã hội chủ nghĩa có mà nuôi bộ máy cầm quyền và chỉnh trang lại đất nước.
Cụ Hồ nói: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Đã là thể chế độc tài Đảng trị thì mong gì có sự công bằng ở đây. Ngoài nắm hầu bao của đất nước, Đảng còn đi vay hàng trăm tỷ đô la ở nước ngoài, một phần xây dựng những cơ sở công cộng, phần còn lại xây trụ sở, cung vua phủ chúa, đền đài lăng tẩm. Không phải trung thực trong xây dựng mà làm dối, làm ẩu móc ruột công trình:
Chi cho xây dựng cơ ngơi hiện đại
Chi cho di lại cao sang
Chi cho ăn uống như ông hoàng
Chi boa cho những cô nàng bồ nhí
Chi cho cô cậu Tí đi học nước ngoài
Chi cho Ngài trị bịnh ngoại quốc
Chi cho xây cất từ đường
Chi cho sắm sẵn hàng rương, nhà mộ
Chi hối lộ lúc lâm nguy
Tính lại suy đi biết bao là đủ
Đôi lời nhắn nhủ:
Hãy tận thu cho đủ để có mà chi.
Tham thì ai cũng có thể, còn nhũng phải là người có quyền. Tham nhũng là ám chỉ người có quyền mà tham. Đã trở thành điệp khúc, cứ đến mùa bầu cử thì người ta tranh quyền, mua quan bán chức. Bởi vì quyền trở thành phương tiện đi đến mục đích tham nhũng. Làm quan ngày nay cái chính là để vụ lợi chớ không phải để làm đầy tớ cho dân như Cụ Hồ nói.
Lực lượng bất đồng chính kiến với Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tăng về số lượng, phong phú về hình thức tổ chức, sâu sắc về mặt nội dung. Nhìn kỹ, hiện tại họ không có ý định lật đổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, họ chỉ làm áp lực buộc Đảng Cộng sản Việt Nam chuyển đổi thể chế chính trị từ Độc tài sang Dân chủ Đa nguyên, nhằm chọn người tài đức lên nắm quyền cứu dân, cứu nước đang thời sắp mạt vận. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam chịu “xuống thang” như các Đảng Cộng sản ở Đông Âu thì trên dưới đề huề, cùng có lợi, chung lo việc dân việc nước. Và nếu Đảng Cộng sản Việt Nam quyết giữ độc quyền toàn trị thì việc gì sẽ xảy ra làm sao đoán trước được, điều chắc chắn rằng câu khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” như phần cuối bài diễn văn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuyên đọc hôm 2/9/2015 cũng chỉ là ước vọng mà thôi. Đáng nói hơn, trong tình thế nầy, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục cho “hành quân cảnh sát” hay sử dụng côn đồ trấn áp bất đồng chính kiến có khác chi đổ dầu vào lửa.
Để tiếp tục giữ quyền thống tri của mình, một số quan chức ngụy biện rằng: đa nguyên, đa đảng sẽ cãi vã với nhau gây rối loạn, hoặc lấy việc độc đảng ở Singapore ra để biện hộ cho mình. Họ không thấy rằng: nhờ đa nguyên, đa đảng cãi qua cãi lại với nhau mới tìm ra chân lý, hạn chế đến mức thấp nhứt sai lầm trong đối nội và đối ngoại, tránh được bảo thủ chủ quan; giám sát qua lại với nhau, hạn chế tối đa “dơ bẩn”. Còn Singapore, không có đảng nào chính danh, đủ mạnh ra thi thố tài năng với đảng đương quyền. Dầu một mình một chợ, đảng đương quyền vẫn nghiêm túc thực hiện dân chủ, đa nguyên, thách đấu về xây dựng phát triển đất nước với các đảng đương quyền trên thế giới – trong quốc gia không có đối thủ thì thi đấu với quốc tế.
Cứ kiểm lại xem, những người được xem là đại diện cho đa số công chúng, ra mặt đấu tranh bất bạo động, đòi thay đổi thể chế chính trị không ai khác hơn là những đảng viên, nguyên đảng viên, con em đảng viên, hay ít ra họ đã có một thời cùng Đảng làm cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ. Ngoài ra còn có không ít đảng viên hổ thẹn, thầm lặng bất bình đối với những việc làm sai trái của lãnh đạo Đảng.
Bất đồng quan điểm trong nội bộ ngày thêm gay gắt, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn tồn tại miên trường với dân tộc phải từ bỏ độc quyền, nếu Đảng không từ bỏ độc quyền thì sớm muộn gì cũng sẽ tự tiêu vong trong thúi nát, đó là quy luật. Gần đây, lãnh đạo Đảng không còn đổ cho yếu tố khách quan tác động, mà cho rằng chính từ bên trong Đảng có sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vậy là Đảng tự thấy mình đã mắc bịnh ung thư?
Không biết mắc chứng gì, gần đây Tập Cận Bình yêu cầu toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc “Phải dũng cảm đối mặt, tiếp thu sự thật tha hóa – vong Đảng”, Phải dũng cảm tiếp thu quá trình sinh-hưng-thịnh-suy-nguy-vong của Đảng Cộng sản như một quá trình tất yếu theo quy luật tự nhiên và xã hội” (theo Đại Công Báo 2/7/2015).
Là Đảng cầm quyền, hết năm này qua năm khác, giải quyết chuyện nội bộ không xong, mong gì kham nổi việc dân việc nước? Hãy tự cứu mình đi “Lượm” ơi!
5/9/2015
T. T
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét