Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

20150809. NGHĨ VỀ TƯỢNG ĐÀI ĐẤT VIỆT

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG TƯỢNG ĐÀI VÔ CẢM
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ tuan's blog 4/8/2015
Hàng loạt địa phương có dự án xây dựng tượng Hồ Chí Minh (1). Có thể xem đây là một phong trào. Phong trào xây thêm tượng vốn đã quá nhiều ở đất nước này. Nhưng ý nghĩa của phong trào này là gì thì không ai rõ. Chỉ có thể giải thích rằng phong trào này xuất phát từ ý tưởng kinh doanh hình tượng lãnh tụ, và như thế là một sự khinh thường người dân đóng thuế.
Tôi có cảm tưởng rằng VN là một nước có nhiều tượng đài nhất nhì thế giới. Đi từ thành phố đến tỉnh lẻ và làng xã, hầu như chỗ nào cũng có một vài tượng đài. Có nơi có hàng chục tượng lớn nhỏ đủ kiểu. Ví dụ như Hà Nội đã có hơn 30 tượng đài, và người ta đang lên kế hoạch xây thêm hơn 30 tượng khác từ nay đến 2020. Sẽ rất thú vị nếu biết con số thống kê về tượng đài trên cả nước, nhưng với con số trung bình 20 tượng đài/tỉnh, tổng số tượng đài rất có thể lên đến con số hàng ngàn.
Gần đây, tôi thấy có một xu hướng thú vị là đa số những tỉnh xây tượng đài hoành tráng thường là những tỉnh nghèo. Ngoài tượng đài HCM, người ta còn xây văn miếu và đài tưởng niệm khác. Hãy thử liệt kê một số địa phương nổi cộm xuất hiện trên báo chí:
  • Sơn La: dự án xây dựng tượng đài HCM, tốn 1400 tỉ đồng (tỉ lệ nghèo 64%).
  • Lai Châu: Tượng đài HCM về thăm Lai Châu (2009), chi phí 41.5 tỉ, (tỉ lệ nghèo 76%).
  • Tuyên Quang: Tượng đài HCM với các dân tộc Tuyên Quang (2015), chi phí 200 tỉ, (tỉ lệ nghèo 40%).
  • Hà Giang: Tượng đài Thanh niên xung phong, tốn 46 tỉ đồng, (tỉ lệ nghèo 71%).
  • Điện Biên: Tượng đài Điện Biên Phủ, chi phí 51 tỉ (rút ruột 30%), (tỉ lệ nghèo 71%);
  • Lào Cai: Tượng đài biểu tượng văn hóa, chi phí? (tỉ lệ nghèo 57%).
  • Hà Tĩnh: Xây Văn Miếu, 80 tỉ đồng, (tỉ lệ nghèo 22%).
  • Nghệ An: Khu di tích HTLoan (chi phí ?), đền thờ NSSắc (tốn 73 tỉ đồng) và chị em CT HCM (không thấy nói tốn bao nhiêu), (tỉ lệ nghèo 27%).
  • Quảng Nam: Tượng mẹ VNAH, tốn 411 tỉ đồng, (tỉ lệ nghèo 23%).
  • Vĩnh Phúc: Xây Văn Miếu, tốn 300 tỉ đồng, (tỉ lệ nghèo 12%).
  • Quảng Ninh: Xây tượng đài biểu tượng văn hoá, tốn 25 tỉ đồng (mới bị sét đánh), (tỉ lệ nghèo 12%).
  • Sài Gòn: Tượng Chủ tịch HCM, tốn 7 tỉ đồng, (tỉ lệ nghèo 3%).
Tôi nghĩ người Việt Nam chúng ta từ xưa đã rất quan tâm đến tượng, nhưng ý nghĩa thì không giống như kiểu xây tượng đài ngày nay. Ngày xưa (trước 1975) ở miền Nam cũng có (tuy không nhiều) tượng đài, nhưng đa số là tượng của các anh hùng dân tộc. Chúng ta đã biết ở Sài Gòn có những bức tượng nổi tiếng như Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn, Thánh Giống, bên cạnh những tượng Phật Thích Ca và Chúa Jesus. Còn ở Rạch Giá có tượng Nguyễn Trung Trực rất nổi tiếng, nghe nói sau 1975 bị "cách mạng" cho xe tải đến kéo sập, nhưng không sập và thế là còn tồn tại đến ngày nay. Người dân xem tượng là cái gì linh thiêng, để tôn thờ; nếu không tôn thờ thì cũng là nơi để tỏ lòng kính trọng. Do đó, dù là đơn giản được cấu trúc bằng đất sét, nhưng không ai dám phá các tượng.
Ở miền Nam sau 1975 thì các tượng đài theo kiểu XHCN mới bắt đầu xâm nhập các miền quê và tỉnh lẻ. Sau 1975, các tượng đài trở thành đối tượng để ngắm nhìn là chủ yếu, chứ không phải để thờ phượng. Hồi còn nhỏ, tôi chưa biết cảm nhận được cái đẹp của những bức tượng đó; phải đến sau 1975 có dịp so sánh với các bức tượng theo motif XHCN (sẽ nói sau) tôi mới thấy cái thẩm mĩ và dân tộc tính của những bức tượng trước 1975.
Cái đặc điểm chủ yếu của các tượng đài VN là liên quan đến các sự kiện và nhân vật "cách mạng." Phổ biến nhất có lẽ là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính đến nay đã có 31 tỉnh thành xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh, và sẽ có 58 tượng HCM sẽ được xây dựng từ nay đến 2030. Đi đâu cũng thấy ông, lúc thì giơ tay chào ai đó, lúc thì mặc cái áo khoác hờ hững, lúc thì nhìn ra sông (như tượng ở Cần Thơ), lúc thì nhìm chằm chằm vào người đối diện, lúc thì ôm trẻ em, v.v. Nói chung là ông xuất hiện khắp nơi và dưới vài kiểu cách. Kế đến là những nhân vật từng là đồng chí hay đàn em của ông. Một số khác là các tượng đài ghi lại một sự kiện xảy ra trong thời chiến tranh, và những tượng này không phải ai cũng biết và hiểu. Nhưng nhìn chung, các tượng đài sau này được dựng lên chủ yếu là để ngắm nhìn, thỉnh thoảng làm nơi chụp hình, chứ không phải là các tượng đài cho sự tôn kính và thờ phượng.
Một đặc điểm nổi bật sau này là rất ít những tượng đài liên quan đến các nhân vật trong lịch sử trước "cách mạng". Tượng Lê Lợi ở bùng binh Cây Gõ đã bị cho "ra đi" không trở lại. Ngoài một số ít tượng đài mà VNCH để lại (như tượng Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn (cũng sắp ra đi), Thánh Gióng, v.v.) tượng của các anh hùng thời xưa đều bị thay thế bằng các đồng chí của cụ Hồ hay các sự kiện liên quan đến “cách mạng”. Có thể xem sự phân bố tượng đài vừa là một cách tuyên truyền, mà cũng là một cách xem thường và ngạo mạn với lịch sử.
Có thể nói rằng hầu hết các tượng đài “cách mạng” khá thô kệch và thiếu tính dân tộc. Tôi không phải là nhà điêu khắc, nên không biết phân tích sao cho có hệ thống; tôi chỉ biết nói lên cảm nhận cá nhân mà thôi. Cảm nhận của tôi là các bức tượng do các nhà điêu khắc VN thiết kế mang tính xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nói trắng ra là bắt chước. Bắt chước Tàu, bắt chước Nga. Chẳng hạn như hình dưới đây cho thấy cách thiết kế tượng chủ tịch HCM theo kiểu giơ tay là bắt chước theo tượng của Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành. Các loại tượng khác cũng thế. Vì bắt chước các nước vốn là thủ đô của tuyên truyền, nên các tác phẩm tượng đài của VN không có tính nghệ thuật cao, nếu không muốn nói là lai căng.
Chẳng những lai căng, mà còn rất thô và rất phi dân tộc tính. Rất nhiều bức tượng nhìn cứ như là những viên đá sắp xếp lại cho có thứ tự, chứ không có hồn. Thử nhìn và so sánh hai bức tượng Trần Hưng Đạo dưới đây sẽ thấy. Thử so sánh bức tượng Trần Nguyên Hãn hay tượng Thánh Gióng và bức tượng gì mà có mấy người chụm lại chung quanh những tảng đá màu trắng ở Sài Gòn sẽ thấy rất khác (xem hình). Một bên là thanh thoát và gần gũi, một bên là nặng chịch, dữ tợn. Hay hãy so sánh với bức tượng "Thương tiếc" (2) trong nghĩa trang Biên Hoà (nay đã bị giật sập) các bạn sẽ thấy tôi so sánh không quá đáng. Còn các nhân vật trong tượng đài XHCN thì thường được cho mập ú (không giống người Việt), lực lưỡng (như ông Tây), tay lúc nào cũng giơ cao, có khi tay cầm búa hoặc lưỡi liềm (rất ghê), có khi tay nắm lại như sắp đánh lộn, có khi tay mang súng trông rất hung dữ như sắp bắn ai, mặt thì lúc nào cũng vênh váo, v.v. Tóm lại, những bức tượng đó chẳng giống thần thái của người Việt chút nào cả.
Hay có khi họ tạc tượng Lý Thái Tổ (ngoài Hà Nội) thì lại trông giống một ông vua Tàu nào đó, như Tần Thuỷ Hoàng! Bức tượng Lý Thái Tổ còn làm cho ông già đến tuổi 60 trong khi ông dời đô về Thăng Long mới 36 tuổi. Có thể nói rằng những công trình tượng đài đang ngự trị ở VN ngày nay, dưới cái nhìn của một người bình thường, là những hình tượng thô kệch, xa lạ, vô hồn, phi dân tộc, và lai căng.
Các tượng đài ở VN còn rất kém chất lượng. Chẳng đâu xa, mới đây bức tượng lớn mới được khánh thành gọi là “Mẹ Việt Nam Anh Hùng” bị hư hỏng do … sét đánh. Bức tượng ở Quảng Ninh trị giá 25 tỉ đồng khi bị sét đánh mới tiết lộ chất lượng chẳng ra gì. Tượng Phật mới xây thì bị sập. Ngay cả tượng đài ở Điện Biên Phủ (41 tỉ đồng) cũng cùng chung số phận bị hư hỏng dù chỉ mới khánh thành, thậm chí còn bị rút ruột 30%. Nói chung là bất cứ tượng đài hoành tráng nào do VN xây đều có vấn đề về phẩm chất.
Chính vấn đề phẩm chất đặt câu hỏi lợi ích đằng sau phong trào xây dựng tượng Hồ Chí Minh. Người ta phải hỏi ông cụ Hồ đã có quá nhiều tượng trên khắp nước, lí do gì để xây thêm cho ông. Chẳng có lí do nào thuyết phục cả, ngoài lí do lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân. Ai cũng biết ở VN có xây dựng là có “chia chác”, có lại quả (kickback), hay nói trắng ra là có tham nhũng. Xây càng nhiều, lại quả càng cao, như một bài báo rất sinh động vừa phản ảnh (3).
Thật ra, nhìn toàn cảnh, phong trào xây tượng HCM chỉ là một nhánh trong phong trào bao quát hơn. Đó là phong trào xây dựng viện bảo tàng, Văn Miếu, và đài tưởng niệm. Có lẽ khởi đầu là mấy đền thờ của những nhân vật như Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, v.v. dần dần lan sang đền thờ của ba má ông cụ Hồ. Sau đó là trào lưu xây viện bảo tàng, có khi lên đến hàng vạn tỉ đồng. Sau viện bảo tàng là đến văn miếu, dù người chủ trương xây chưa biết thờ ai! Sau văn miếu, như chúng ta thấy là đến tượng chủ tịch HCM. Tất cả là một dòng chảy về xây dựng, nó y chang như trào lưu bên Tàu, nơi mà tượng đài và khu du lịch được xây dựng rất nhiều.
Tôi đếm sơ qua những tượng đài và đền miếu xây trong thời gian gần đây (ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, v.v.) thì số tiền bỏ ra đã hơn 1300 tỉ đồng (tức khoảng 65 triệu USD). Ngay Sơn La đòi xây tượng HCM với cái giá 1400 tỉ đồng thì không ngạc nhiên ai nghe tin cũng sốc. Càng sốc hơn khi Sơn La là một trong những tỉnh nghèo nhất ở VN, với tỉ lệ nghèo là 64%. Thật ra, các tỉnh vừa kể đều là những tỉnh nghèo hay rất nghèo. Ví dụ như Hà Giang và Điện Biên có tỉ lệ nghèo lên đến 71%. Nghèo mà đòi xây tượng nghìn tỉ đồng thì người bình thường nhất cũng nghĩ đến cái lợi ích đằng sau việc xây tượng.
Điều đáng nói là những lợi ích đó đã làm mờ mắt những người có quyền chức. Tại sao họ lại nghĩ đến việc xây tượng đài trong khi đất nước còn nghèo và người dân còn đói. Như Quảng Nam, mới xây xong tượng đài hoành tráng là ngay sau đó phải đi xin viện trợ gạo để cứu đói. Nghệ An và Hà Tĩnh cũng thế, cũng xin gạo trong khi có những dự án lớn nhằm vinh danh những người trong gia đình của ông cụ Hồ! Tại sao các quan chức không cảm thấy động lòng khi một em bé 10 tuổi ở Hà Tĩnh vì đói quá mà phải chết trên đường từ trường học về nhà (5). Đừng nói một cách vô cảm rằng đó là trường hợp cá biệt. Phong trào xây tượng đài nó chẳng những thể hiện cái tâm của các quan chức có vấn đề, cái tầm của họ quá thấp, mà còn thể hiện một sự ngạo mạn của họ trước những người dân nghèo đóng thuế để nuôi dưỡng họ. Những tượng đài như Sơn La đang có dự án xây dựng, nếu thực hiện, chỉ có chức năng chính là lưu lại cho đời sau một chứng tích của một trào lưu vô cảm từng một thời ngự trị trên đất nước này.
====
(4) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2015/04/cau-sao-ban-o-viet-nam-it-mau-o.html
NHỨC NHỐI TƯỢNG ĐÀI !?
Bài của VIET TU SÀI GÒN/ RFA / BVB 7/8/2015
Gần đây, mặc cho tình hình đất nước có nhiều rối trên từ kinh tế đến chính trị (đặc biệt là nạn ngoại xâm đã chính thức phủ bóng đen lên bờ cõi khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng các bãi đá ngầm, đâm tàu của ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam) nhưng nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn cho xây dựng nhiều tượng đài, từ vài chục tỉ lên đến vài trăm tỉ và thậm chí cả hơn ngàn tỉ đồng. Từ chuyện các tỉnh thi nhau xây dựng tượng đài, lại nghĩ đến một tượng đài khác như một phép đối lập giữa hiện thực Việt Nam, đó là tượng đài của sự đói nghèo và đau khổ.
Vì sao khi nói đến những tượng đài xây hàng ngàn tỉ mà lại có bóng dáng của sự đói nghèo, bần khổ ở đây? Vấn đề này được trả lời trên nhiều hướng, nhưng hướng căn bản vẫn là sự tuột dốc gần như thẳng đứng của giá trị đồng tiền Việt Nam đang tỉ lệ nghịch với lòng tham và sự trân tráo ngày càng tăng cao của giới quan lại. Bên cạnh đó, tượng đài bác Hồ, tượng đài các bà mẹ Việt Cộng càng hoành tráng bao nhiêu thì tượng đài số phận của hàng triệu bà mẹ Việt Nam đói khổ, đau khổ, bần cùng càng hiện rõ bấy nhiêu. Hai trạng thái này như một sự tương hỗ có tính nhân quả trên cơ thể Việt Nam.
Đầu tiên, làm một phép so sánh giữa tượng đài bà Mẹ Thứ ở Núi Thành, Quảng Nam với tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La. Tượng đài bà Mẹ Thứ khởi công xây dựng năm 2000 với kinh phí dự toán ban đầu đúng một tỉ đồng. Sau đó không lâu, con số cứ vọt dần lên để rồi cuối cùng, vì lý do đồng tiền trượt giá, số tiền để hoàn thành tượng đài lên đến trên 400 tỉ đồng. Nghĩa là con số được nhân lên 400 lần.
Có lẽ đây là con số khủng khiếp trong lịch sử xây dựng tượng đài thế giới. Ngoại trừ khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929 - 1933, đồng tiền trượt giá đến mức khi bước vào quán ăn một chiếc bánh Hambeger, số tiền trong túi có thể mua được cả trăm chiếc nhưng khi ăn xong bánh thì đổ nợ. Lúc đó, nếu có xây tượng đài, chắc hẳn sẽ nhân lên bằng con số khá cao. Nhưng hình như không có tượng đài nào được xây dựng trong giai đoạn đói khổ này!
Việt Nam hiện tại vẫn là nước mà theo giới chức Cộng sản rêu rao là tăng trưởng kinh tế ổn định. Điều này chứng tỏ Việt Nam không nằm vào diện khủng hoảng kinh tế. Nhưng sao lại có mức trượt giá đồng tiền lên đến 400 lần trong vòng chưa đầy 15 năm?!
Và với mức khởi điểm một tỉ đồng thì trượt lên đến hơn 400 lần trong giai đoạn đồng tiền chưa đến nỗi mất giá như hiện tại, liệu với mức khởi điểm 1,400 tỉ đồng trên bản dự toán xây dựng, trong lúc đồng tiền trượt giá rất nhanh hiện nay, liệu khi khánh thành, số tiền sẽ nhân lên bao nhiêu lần nữa? Và giả sử nó cũng nhân lên 400 lần như tượng đài Mẹ Thứ ở Quảng Nam thì số tiền này là bao nhiêu? Thực sự là con số không thể tưởng tượng nổi! Nhưng với hệ thống cầm quyền hiện tại, chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhân lên 400 lần hay 500 lần không phải là chuyện hy hữu. Bởi nó đã từng xãy ra!
Và khi số tiền dự toán xây tượng đài bị nhân lên vài trăm lần, ai sẽ là người gánh chịu hậu quả và ai được hưởng lợi? Đương nhiên là cái tượng đài vô tri vô giác kia chẳng thể hưởng lợi gì cho dù nó ngốn cả tổng kho ngân sách quốc gia trong bụng nó. Chỉ có những kẻ bày vẽ xây dựng nó là được hưởng lợi nhiều nhất và những người dân khốn cùng, nghèo khó, không có quyền lợi chính là người chịu thiệt nặng nề nhất!
Bởi nhân dân là kẻ chịu đóng những đồng thuế đầu tiên và được hưởng quyền lợi cuối cùng trên đất nước mà họ chỉ được phép đóng góp, vân phục và luôn bị đe dọa. Hay nói cách khác là đất nước không có dân chủ. Và việc đóng thuế không ngoại trừ ai, từ đứa bé chưa đầy tháng tuổi cho đến người già lụm khụm sắp từ giã cõi đời. Nói chư vậy không ngoa chút nào vì thuế giá trị gia tăng (VAT) không từ bỏ ai cả, một bịch bỉm lót, một hộp khăn ướt lau đít em bé cho đến bịch sữa đậu nành uống cho đỡ đói của người già… Tất cả, có thứ nào không khấu trừ thuế VAT?
Lại có người đặt vấn đề: Xây dựng tượng đài là khoản riêng, chuyện xóa đói giảm nghèo là khoản riêng, mỗi nơi đều có quĩ riêng, chương trình và dự án riêng, không thể bảo vì sao xây dựng tượng đài to lớn thế mà không lấy tiền đó chia cho dân đói khổ, nói như vậy là ấu trĩ… Vân vân và vân vân…
Nếu nhìn như vậy thì chẳng có gì đề bàn. Thì rõ là khoản nào ra khoản đó. Nhưng ViệtNam là một đất nước của chỉ thị và sắc lệnh. Thử hỏi, nếu các ông ở trung ương ra lệnh, chỉ thị cho chính quyền tỉnh chỉ được phép trích chừng vài ba phần trăm ngân sách cho việc tung hê, xây dựng tượng đài, cổ động tuyên truyền và trích vài chục phần trăm cho việc xóa đói giảm nghèo thì lấy đâu ra vài ngàn tỉ, vài trăm tỉ để xây tượng đài? Vì nếu làm một phép toàn nhỏ, lấy 1,400 tỉ đồng, chia cho 71000 hộ thì ít nhất mỗi hộ cũng có được số tiền là 19 triệu đồng. Con số này hoàn toàn không nhỏ đối với người nghèo, thậm chí đủ để người ta làm vốn thoát nghèo.
Nhưng có bao giờ các ông nhà nước đã làm thế hay chưa? Chưa, số tiền cho người nghèo nhỏ giọt tựa như chút rượu cặn trong đáy ly trên bàn nhậu của các quan to. Trong khi đó, số tiền xây dựng tượng đài, làm băng rôn biểu ngữ và nuôi đội dư luận viên, nuôi hệ thống tuyên truyền viên bao giờ cũng nốn hết cả đống tiền thuế của nhân dân.
Và khi nhân dân đặt dấu hỏi, các ông bao giờ cũng trả lời đó không phải là tiền ngân sách mà là tiền do các doanh nghiệp tự nguyện đóng góp! Thử hỏi, các doanh nghiệp này nếu chịu làm ăn chân chính, không toa rập với thế lực đỏ để tàn phá tài nguyên môi trường, không chiếm đất của dân, không vay ngân hàng rồi quỵt nợ, tuyên bố phá sản, không trốn thuế thì lấy đâu ra tiền để đóng góp cho các ông làm tượng đài? Và số tiền doanh nghiệp này vay ngân hàng nhà nước là tiền gì nếu không có nhân dân đóng góp bằng thuế? Vô hình trung, tượng đài của các ông xây dựng là cơ hội để bọn đục nước béo cò thẳng tay tàn phá đất nước.
Và suy cho cùng, khi tượng đài xây dựng lên khắp đất nước này, có ba thứ phải mất đi, đó là diện tích đất để xây tượng đài, tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân và phần lương tri sót lại của bọn đục nước béo cò bị mất. Bù vào đó, cái mà nhân dân nhận được là những khối bê tông, đất đá vô nghĩa cũng như những tượng đài người nghèo, sự bất công ngày càng rõ nét trong lòng dân tộc.
Khi một tượng đài phung phí được dựng lên trên mặt đất, liền có ngay một tượng đài cam chịu và đau khổ tự mọc lên trong tâm hồn dân tộc. Và tượng đài đói nghèo, đau khổ mới là tượng đài vĩnh cửu, bởi nó không bị bòn rút từng cây sắt, bao ciment cụ thể mà nó bị bòn rút từng thớ lương tri còn sót lại nơi con người! Và không đâu có nhiều tượng đài như thế hơn ViệtNam hiện tại!
VietTuSaiGon/(Blog RFA)/TTHN
*              *              *
Trước hết cần làm rõ rằng: Xây tượng đài bác Hồ là không cần thiết:
- Ngược với ý nguyện của HCM.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Tố Hữu viết: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Xuất xứ câu này, những người làm văn hóa chắc phải biết: Không phải cứ đắp tượng hoành tráng một nhân vật nào là người dân yêu mến nhân vật đó.
Hồ Chí Minh vốn đã từng là một tượng đài trong hầu hết tâm trí người Miền Bắc Việt Nam, ít nhất thì từ năm 1945 cho đến 1975 nếu hỏi bất cứ ai, dù người già sắp chết hay đứa trẻ con mới biết nói.., người trí thức hay nông dân, người miền xuôi hay miền ngược … người ta đều thực lòng coi HCM như một vị thánh hiền… Tượng đài ấy, tượng đài trong lòng dân, không có bất cứ tượng đài hữu hình nào có thể sánh được, và tôi tin chắc chắn rằng HCM muốn như vậy.
Gần đây, vì những việc làm của hậu thế HCM (Bao gồm những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa và ngay cả việc tuyên truyền, mượn tuyên truyền hình ảnh, tấm gương HCM) mà tượng đài này suy yếu rõ rệt cùng với suy giảm niềm tin của người dân vào đảng CS (TBT Phú Trọng kêu gọi “lấy lại long tin…”).
Người dân VN nói chung, người Tây Bắc nói riêng có đỡ khổ hơn về vật chất, số người đói vẫn còn, còn không ít nhưng cơ bản có giảm hơn nhiều (Nếu so với thời bao cấp) nhưng 1.400 tỷ là con số quá lớn lao với đời sống trung bình của dân trong tỉnh nói riêng và Miền Bắc nói chung. Những người thu nhập 2-3 triệu/tháng trở xuống cho đến những người gần như không có thu nhập là bao nhiêu phần trăm..? Khi ngắm khu tượng đài và biết nó tốn 1.400 tỷ liệu có thấy vơi tình cảm với lãnh tụ…? Và nếu có thì việc xây tượng đài có làm lãnh tụ hài lòng…? Thiết tưởng câu hỏi ấy ai cũng trả lời được..!
- Đảng, chính phủ và nhà nước đang tiến hành công cuộc chống tham nhũng, cuộc chiến đấu ấy đang rất gay go, đầy khó khăn, những thành tích đạt được hầu như chưa thấm gì so với nhu cầu xã hội. Ai cũng biết rằng những công trình văn hóa-chính trị, văn hóa-tín ngưỡng (Kiểu như tượng phật, tượng đài chiến thắng Điện Biên, đài tưởng niệm …) là miếng mồi ngon nhất cho tham nhũng… 
Vậy khi cuộc chiến chống tham nhũng chưa đạt được kết quả mang tính quyết định thì có nên tạm dừng những công trình không thật bức thiết và việc xây tượng đài HCM ở Tây Bắc có phải đã là bức thiết..?
- Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, nếu chỉ tính từ khi có hai ĐCS, đã trải qua quá nhiều thăng trầm. 
Người Việt Nam ai cũng biết TQ là cường quốc duy nhất còn mang danh XHCN, điều đó cũng đồng nghĩa với việc là chỗ dựa duy nhất cho các nước nhỏ khác theo con đường XHCN trong đó có Việt Nam nhưng.
Cũng không có người Việt Nam nào không nhớ TQ mang quân xâm lược VN, Hậu thuẫn cho Pôn Pốt quấy phá VN và đang ngang ngược chiếm đảo VN, hà hiếp ngư dân VN.
Trong khi sự toàn vẹn lãnh thổ còn đang bị đe dọa, trong khi việc bang giao với TQ như thế nào, đến đâu, có lợi gì và có những nguy cơ gì…? Còn là thắc mắc trăn trở của những nhân sỹ và người dân yêu nước.., thiết tưởng những người lãnh đạo đất nước (Trong đó có những người lãnh đạo địa phương) cần dồn toàn tâm toàn lực giải quyết nhưng vấn đề đó trước hết, cần xốc lại sức mạnh vũ trang và muốn thế phải: ‘Nhặt hòn than, mẩu sắt, cân ngô” mà “Nâng niu gom góp dựng cơ đồ” chứ nhỉ.
Những người quản lý đất nước hãy thực sự cần kiệm sống và tận tụy làm việc theo gương HCM rồi tìm những điển hình “Thật sự” mà phổ biến, tuyên truyền cho dân chúng (mà không ai có thể nghi ngờ được) để tượng đài HCM mãi mãi vững bền trong lòng dân… 
Thử hỏi cái tượng đá 1.400 tỷ kia còn có nghĩa lý gì không? Ngược lại đã làm cho lòng dân oán thán, xã hội thêm bất ổn, uy tín HCM (vô hình trung) bị suy giảm trong lòng người dân. Có người nói: Ông HCM đã chết lâu rồi còn 'tiêu tốn" quá nhiều ngân sách...!
Nếu xây tượng rồi để: 
- Tham nhũng bớt xén.
- Suy giảm tình càm của người dân với lãnh tụ.
- Suy giảm lòng tin với đảng CS trong dân chúng.
Vậy thì những người quyết định việc làm ấy có tội với dân, với Bác, với Đảng hay không…?
Người ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Liệu có thế lực phản động nào hay có thế lực ngoại bang nào đứng sau những việc này để phá hoại ĐCS VN, đất nước VN…???
** Lãnh đạo tỉnh Sơn La và người ký phê duyệt dự án này thực sự là bôi bác (Bôi xấu Bác HỒ), có khác nào lũ phản động, thế lực thù địch, diễn biến hoà bình, coi thương lời dạy của ‘lãnh tụ’...Họ đã bêu xấu ông Hồ một cách tinh vi. Bọn chúng thừa biết, sinh thời, ông Hồ sống rất giản dị và thường kêu gọi mọi đảng viên phải "cần, kiệm, liêm, chính". Ngay cả trong di chúc, ông cũng yêu cầu phải tiết kiệm: "Sau khi tôi đã qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi tốn thì giờ và tiền bạc của nhân dân...". Vậy mà bọn chúng đã thông đồng với nhau, coi HCM là tấm bình phong để kiếm cớ lấy tiền mồ hôi xương máu của dân nghèo để xây tượng ông nhằm làm cho người dân căm ghét, giận dữ ông, thậm chí không ít người đã chửi rủa ông.
Âm mưu của bọn này thật là thâm độc, tội ác của bọn chúng trời không dung, đất không tha. Vì cái lợi trước mắt bọn chúng đã đang tâm làm hoen ố hình ảnh HCM. Bọn này cần phải bị nghiêm trị để răn đe kẻ khác.
(N.D’s comt & Lệ Thủy)
THẦN KINH KHỐN NẠN
Canhco's Blog/ BVB 6/8/2015
Đó là hệ thống thần kinh mới, vừa được Giáo sư Ngô Bảo Châu, một nhà khoa học của Việt Nam tìm ra sau khi ông Vũ Đức Đam, trên cương vị Phó thủ tướng ký thế cho Thủ tướng chính phủ quyết định chấp thuận cho UBND thành phố Sơn La kinh phí 1.400 tỷ để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trong thành phố.
GS Ngô Bảo Châu viết trên Facebook của ông: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.
Rõ ràng là GS Châu chơi chữ. Không thể nào một ông Phó Thủ tướng lại mắc bệnh thần kinh, có nghĩa là tâm thần không bình thường, ký những quyết định đi ngược lại với nhân văn, với đạo lý dân tộc. Ông chỉ có thể “khốn nạn” trong ý thức. Ông không xem trẻ em lê lết trong các mái trường không thua chuồng trại súc vật đầy dẫy tại các tỉnh biên giới mà Sơn La là một điển hình của sự nghèo túng cùng cực. Ông không hề nghĩ tới hàng chục ngàn hộ thiếu ăn quanh năm và đối với họ chỉ cần đủ ăn đã là hạnh phúc. Đối với họ Hồ Chí Minh chỉ là một cục đá được dẽo gọt chỉ để đứng nhìn sự thống khổ, kiệt quệ của họ, những người quanh năm không biết tới một mẩu thịt là gì.
Họ túng đói và lê lết như những con thú hoang trong khi chính phủ của ông Vũ Đức Đam đang phải đối phó với nợ công, phải ăn xin tứ phương từ Mỹ với miếng bánh TPP, từ Trung Quốc với những khoản vay thắt cổ, từ Nhật với ODA dễ nuốt và ngay cả từ Việt kiều hải ngoại với câu chữ không biết hổ thẹn là gì, lại bỏ ra 1.400 tỷ xây một hình tượng đang mục nát trong trái tim quần chúng.
Với những sự thật không thể chối cãi ấy câu hỏi đặt ra tại sao chính phủ lại tiếp tục ký những quyết định trái với lòng dân, trái với lương tri của con người mà bất cứ một chính phủ, một nhà độc tài nào cũng đều tránh né?
Chỉ có thể xem đó là những thái độ khốn nạn. Sự khốn nạn lâu ngày thành nếp nghĩ, thành cách hành xử quen thuộc. Việc coi thường luân thường đạo lý trong huyết quản đã tạo nên một loại gene mới trong cơ chế cộng sản. Loại gene ấy biến thành hệ thần kinh chủ đạo, từ tư duy cho tới phản ứng, nó nằm song song với các hệ thần kinh khác như buồn, vui, giận, ghét. . . hệ thần kinh khốn nạn chỉ khác ở chỗ, nó tự đứng riêng và tự đánh bóng hay tôn tạo chính mình. Nó phản ứng với hệ thần kinh bình thường một cách bất bình thường. Khi nhân dân đói nó cho là nhân dân đủ ăn và GDP của họ ngày một cao hơn. Khi trẻ em thiếu trường, thiếu lớp nó cho đấy chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong tổng thể phát triển của đất nước. Khi người dân phản ứng vì bị đẩy vào đường cùng nó cho là sự xúi giục của bọn phản động và phản ứng của nó không kém bất cứ cách hành xử côn đồ nào.
Thần kinh khốn nạn tự nghĩ ra những kịch bản chỉ có trong giấc mơ của những kẻ sở hữu nó. Nhân dân vẫn yêu thương Hồ chủ tịch và họ có nhu cầu nhìn tượng của ông thay cơm. Nhân dân hãnh diện khẳng định ông là ánh sáng dẫn họ trên con đường….vạn dặm! Nhân dân sáng suốt tin rằng ông là ngôi sao không hể tắt và có ông thì người dân sẽ thấy đời đáng sống biết dường nào.
Một trong những người sở hữu thần kinh khốn nạn, Trần Bảo Quyến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sơn La cả quyết rằng: “sau khi xây dựng tượng đài, Sơn La sẽ có cơ hội quảng bá về du lịch. Đây sẽ là điểm đến thú vị cho người dân đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Hiện, Sở cũng đang nâng cấp nhà tù Sơn La và một số địa danh văn hóa khác”.
Nếu chú ý người dân sẽ lo sợ vô cùng khi tượng đài được xây dựng song song với việc nâng cấp nhà tù. Tham quan hay vào đó nằm nếu chống đối đề án thì có gì khác nhau?
Trần Bảo Quyến cho rằng: “Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”.
Đúng, nó không hề là một đề án lãng phí. Nó không lãng phí mà là phá hoại. Phá hoại tới tận đáy cái nền của nhân bản. Tiêu diệt những gì ít ỏi còn lại trong lòng người dân đối với hình ảnh Hồ Chí Minh. Người miền núi vốn không được học hành tử tế họ chỉ biết ông Hồ là người cha già dân tộc theo tuyên truyền của bộ máy Đảng. Sau gần một thế kỷ người cha ấy chia cho đám con ruột là quan lại triều đình xây dựng những công trình để tư túi trên các đề án khốn nạn. Chỉ cần thông minh một chút là họ biết mình bị bóc lột, bị chà đạp tới xương khi con cái họ quần không có mà mặc, gia đình họ không có gạo đủ ăn phải lê lết trên những con ruộng bậc thang, đẹp thì có đẹp nhưng leo trèo trên ấy để kiếm từng hạt lúa thì người Kinh đã bỏ chạy từ xưa.
Chỉ tiếc một điều đồng bào miền Tây Bắc không mấy người có hệ thần kinh khốn nạn như quan đầu tỉnh Trần Bảo Quyến và do đó họ không thể tự bào chữa cho mình lý do họ quá yêu bác Hồ nên nhà nước cần phải dựng tượng của ông cho họ ngắm thay cơm.
Con cá gỗ còn tạm dùng để đánh lừa mình chứ tượng ông Hồ to quá mà lại làm bằng đá thì làm sao đem vào mâm cơm của họ để mà chấm, mà mút cho chén bắp trong bữa ăn thường nhật đậm đà hơn một chút?
(Cánh Cò’s Blog)
TƯỢNG ĐÀI: MỘT CHỈ SỐ KHÁCH QUAN ĐỂ ĐO TRÌNH ĐỘ ĐỘC TÀI CỦA MỘT NƯỚC
Bài của PHẠM QUANG TUẤN/ BVN 7/8/2015
clip_image002
Chỉ số dân chủ của Ai Cập cổ chắc là rất thấp!
Trên thế giới có rất nhiều tranh cãi về cách đo lường trình độ dân chủ hay độc tài của một nước, và các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau hay còn gọi là chỉ tiêu dân chủ (democracy indicators): cơ chế chính trị, bình đẳng giới tính, chủng tộc, nhân quyền, hệ thống kinh tế, xã hội dân sự, tự do ngôn luận và báo chí, internet, facebook... Mỗi người có những chỉ tiêu khác và dù chỉ tiêu giống nhau thì người ta vẫn có thể tranh cãi về tầm quan trọng (hay trọng lượng) của mỗi chỉ tiêu. Tranghttp://www.democracybarometer.org/links_en.html liệt kê hàng trăm bảng xếp hạng khác nhau về nền dân chủ của các nước.
Theo tôi, có một chỉ số đo lường trình độ dân chủ hay độc tài rất dễ dàng nhanh chóng, và chính xác không kém hay còn hơn hẳn những chỉ tiêu rắc rối hơn mà các học giả đã đề nghị. Chỉ tiêu này hoàn toàn khoa học, khách quan, cụ thể, nhìn được sờ được. Vì không dựa lên sự đánh giá chủ quan của con người nên nó không gây tranh cãi.

Chỉ số độc tài mà tôi đề nghị tùy thuộc phí tổn xây các tượng đài công cộng, tức là các tượng đài xây bằng thuế của người dân. Chính xác hơn:
Chỉ số độc tài = Tỷ lệ ngân sách chính phủ (sau khi trả lương cho lãnh đạo, công nhân viên, cảnh sát, quân đội) dùng để xây tượng đài.
Chỉ số dân chủ = 1 / Chỉ số độc tài.
Dĩ nhiên, tượng đài do tư nhân tự nguyện đóng góp xây không kể tới.
Một nước mà nhà nước không bao giờ dùng tiền để xây tượng đài là một nước dân chủ tuyệt đối, lý tưởng. Ở Mỹ, những tượng đài vĩ đại và nổi tiếng nhất là tượng Thần Tự Do và tượng đài tổng thống Washington ("cha già dân tộc" lãnh đạo chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ). Tượng thần Tự Do thì Pháp tặng, còn tượng Washington thì tư nhân khởi sự và đóng góp, bắt đầu xây năm 1848 (49 năm sau khi ông mất). Năm 1877 thì hết tiền mà mới xây được có 1/4, Quốc hội mới quyết định trợ cấp cho xây nốt. Mỹ còn một số tượng đài nữa chủ yếu ở thủ đô Washington như Lincohn Memorial, Jefferson Monument, tượng đài Thế Chiến 2, nhưng ngoài ra, khi đi thăm nước Mỹ ta thấy số tượng đài rất ít. Ở Tây Âu cũng ít có những tượng đài xây thời dân chủ, tuy rằng tượng đài xây thời quân chủ phong kiến thì rất nhiều. Ở những nước được coi là dân chủ nhất như các nước Bắc Âu hay New Zealand hầu như chẳng có tượng đài nào đáng kể.
Một nước mà nhà nước dùng 100% ngân sách công còn dư sau khi trả lương để xây tượng đài là một nước độc tài tuyệt đối. Dĩ nhiên, không có nhà nước nào độc tài đến mức đó, nhưng ta có thể thấy là những nước cộng sản như Liên xô, Trung Quốc, Việt Nam thì đều vô số tượng đài vĩ đại. Iraq thời Saddam Hussein hay các nước Phi châu dưới những chế độ độc tài Bokassa hay Idi Amin cũng vậy. Bắc Hàn, mà ai cũng công nhận là độc tài toàn trị nhất thế giới, cũng là nước có những tượng đài vĩ đại nhất, xây trong khi dân chết đói.
Chỉ số độc tài này có căn bản lý thuyết rõ ràng:
1. Một chế độ xây dựng tượng đài thay vì lo những cái thực tế cho dân thì đương nhiên là gây bất mãn, và nếu chế độ đó muốn tồn tại thì phải nhờ vào những biện pháp độc tài.
2. Xây dựng tượng đài là một biện pháp mị dân bằng sự hoành tráng. Do đó những vùng nghèo nhất ở Việt Nam như Tây Nguyên (tượng đài Bác Hồ lớn nhất nước), Tây Bắc (tượng đài Sơn La đang dự định), Bắc Trung bộ (tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng) lại thường có những tượng đài lớn nhất nước. Chính sách mị dân thường đi đôi với chính sách ngu dân, vì dân trí thấp sẽ dễ bảo tồn chế độ độc tài hơn.
3. Xây dựng tượng đài bằng của công thường rất khó được sự đồng tình của dân chúng (như kinh nghiệm cho thấy ở các nước dân chủ). Nhà nước có khả năng tiêu nhiều tiền vào tượng đài tức là có khả năng tự tiện sử dụng ngân sách mà không cần ý kiến của dân (thông qua Quốc hội), tức là nhà nước độc tài.
4. Trong một nước dân chủ, chính khách nào cũng có người yêu người ghét, có đối lập, và do đó rất khó có sự đồng tình để xây nhiều tượng đài vĩ đại cho họ. George Washington được coi là "cha già dân tộc" Mỹ (father of the nation), nhưng cũng phải đợi 78 năm sau khi ông chết Quốc hội mới chấp thuận dùng tiền thuế xây tượng đài cho ông, vì những năm đầu đảng đối lập của Thomas Jefferson phản đối.
5. Một chế độ phải dùng tượng đài để củng cố hình ảnh của mình đương nhiên là không có gì khá hơn để đóng góp cho dân cho nước. Ham quyền lực mà thiếu tự tin là công thức đưa đến độc tài.
6. Xây dựng tượng đài bằng của công dễ đưa tới tham nhũng, đi đôi với độc tài.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây tượng dài càng ngày càng nhiều và càng vĩ đại, tốn kém, và mấy chục tượng đài (chỉ riêng cho Hồ Chí Minh) đã được nhà nước chính thức quy hoạch cho 15 năm tới (http://www.tienphong.vn/van-nghe/hang-chuc-de-xuat-xin-dung-tuong-dai-bac-851973.tpo). Ngân sách cho những tượng đài này không bao giờ được đem ra bàn cãi ở Quốc hội và hoàn toàn là quyết định của Đảng. Đó là bằng chứng hùng hồn, cụ thể và rõ rệt của khuynh hướng chính trị hiện nay ở nước ta.
P. Q. T.
Tác giả gửi BVN.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI ?
Bài của ĐỨC THÀNH/ BVN 7/8/2015
Gần đây truyền thông rộ tin tỉnh nghèo Sơn La xây tượng đài “Bác” với hầu bao những một nghìn bốn trăm tỷ lận. Nghe mà sướng cái lỗ tai của người nghèo.
Các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế cộng sản vẽ ra nhiều viễn cảnh “lạc quan cách mạng” kiểu… “Tượng đài… là một quần thể kiến trúc không thể tách rời nằm trong tổng thể phát triển du lịch của vùng Tây Bắc…”, rồi nào là “Tượng đài là tấm lòng tri ân của bà con các dân tộc vùng Tây Bắc đối với Đảng, Bác Hồ…”, … mà cái ý nghĩa của sự thật trần trụi ở đây (mà bất kể là người Việt Nam, trong Đảng hay ngoài Đảng, đều biết, chỉ có điều có nói ra hay không) là “làm sao vơ vét cho đầy túi tham”. Chẳng nhẽ, bỗng dưng lại cướp bóc trắng trợn của dân nên đành phải mượn danh nghĩa “dự án” để mà cướp bóc cho êm đẹp, hay còn gọi là cướp bóc trong “đồng thuận”, trong “im lặng” của người bị cướp.

Đã có rất nhiều học giả lên tiếng về những sự kiện này, họ phân tích điều hơn lẽ thiệt để xem có nên dựng tương đài nữa hay không. Còn tôi trong phạm vi bài viết này, chỉ xin đề cập với cung cách vẽ duyệt kiểu này, kể từ khi xuất hiện đổi mới đến nay, thấy các địa phương trong cả nước thi đua “móc túi” của dân theo kiểu con gà tức nhau tiếng gáy theo kiểu tỉnh này có cái này thì tỉnh kia cũng phải có cái nọ.
Mở đầu bằng cách hàng loạt tỉnh có dự án nhà máy đường, nhà máy xi măng; rồi hàng loạt tỉnh có dự án xây dựng sân bay cảng biển. Đó là những dự án phát triển kinh tế nên ít nhiều còn được một số nhà hoạch định chính sách kinh tế gật gù tán thưởng. Nhưng cho đến đợt này các dự án về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng khó mà lý giải lọt tai nổi nhân dân bởi dân đói, thiên tai, lụt lội, tham nhũng, kinh tế trì trệ đang hoành hành đất nước mình thì nhân dân làm sao một lòng một dạ thành kính, ngắm nhìn những vĩ nhân đã tạo tác ra cái chính thể “nhân dân làm chủ cuộc đời mình” nhưng tư liệu sản xuất đều thuộc sở hữu nhà nước và những người có chức có quyền trong nhà nước ấy. Hiến pháp hiện nay do học trò của những người được dựng tượng xây dựng nên, tuy có đề cập đến quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do chính kiến nhưng hễ bất kỳ ai mà thực hiện các quyền do Hiến pháp qui định ấy thì lại bị bắt, bị bỏ tù hay nhẹ hơn thì bị qui là “thế lực thù địch”.
Bệnh thành tích trong thể chế độc đảng đã trở thành điều kiện cần và đủ cho nấc thang danh vọng và sự kiếm tiền bằng vẽ duyệt các dự án khủng trong hàng ngũ cán bộ là minh chứng cho việc vì sao đất nước càng nghèo thì các địa phương càng sẵn sàng đốt tiền vào những dự án kiểu các tượng đài.
Tượng đài để tri ân hay nhục mạ Bác Hồ?
Có thể nói những người làm đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ đều lấy lý do “với tình cảm biết ơn lãnh tụ” để được đắp tượng hoành tráng để được duyệt chi tiền khủng trong khi đó lại xem nhẹ tính cách giản dị, tiết kiệm kiểu “cần kiệm liêm chính chí công vô tư” của Bác mà “Đảng ta” đã bắt nhân dân và đảng viên của mình noi theo. Không biết Đảng của Bác tuyên truyền tính cách giản dị của Bác là thật hay giả dối mà ít nhất cho đến thời điểm hiện nay đã mấy lần mở cuộc vận động học tập và làm theo lời Bác trong toàn Đảng vậy mà chẳng thấy có điển hình học tập nào cho ra hồn để dân noi theo.
Ngược lại, những người làm tượng đài về Bác (hay cho Bác) kể cả những tượng đài để ca ngợi sự nghiệp các học trò của người từ Bắc chí Nam đều thấy được vẽ duyệt với số tiền cực khủng, đi liền với đó là đất đai dành cho sản xuất – kế sinh nhai của nhân dân – bị thu hồi trồng cỏ trồng hoa làm đẹp cho tượng đã trực tiếp hoặc gián tiếp đẩy dân có đất thành dân oan vì đền bù rẻ mạt. Chẳng lẽ sinh thời Bác muốn đẩy dân đến bước đường cùng kiểu này sao?
Nghe ai đây?
Di chúc Bác Hồ vẫn do Đảng phổ biến “nếu tôi chết đi chớ nên thờ cúng, điếu phúng linh đình… hỏa thiêu cho sạch sẽ tro đem chôn tại ba của đồi thuộc ba miền để nhân dân tiện thăm viếng, mỗi người đến viếng hãy trồng một cái cây để lấy bóng mát”. Ước nguyện ấy thật bình dị và rất đời, rất nhân văn (nếu đúng như thế), tại sao Đảng không thực hiện nghiêm chỉnh di chúc của Người? Vì mục đích chính trị của đảng cầm quyền, Đảng đã xây lăng tẩm ướp thi hài của người (một điều trái với thuần phong mỹ tục; trên hết, trái với ước nguyện của người đã khuất). Phải chăng “Thượng bật kính, hạ… thỏa mãn cơn vẽ duyệt” dẫn đến cơn “đắc loạn tượng đài” là như vậy? Cho dù việc có lãnh đạo sau khi hàng loạt bài báo đưa tin về sự kiện này đã vội vã tuyên bố rằng thông tin sai về xây tượng đài thì cũng không làm mất đi bản chất của việc “vẽ voi khi đói giấy”.
Đ. T.
Tác giả gửi BVN.
DỪNG NGAY NHỮNG DỰ ÁN TƯỢNG ĐÀI THAM NHŨNG 
Bài của PHẠM ĐÌNH TRỌNG / BVN 4/8/2015

Chính quyền với những cá nhân từ cấp thấp đến cấp cao dấm dúi tham nhũng, không ai bảo được ai, không ai trị được ai. Đến nay chính quyền tham nhũng đó đã tiến tới tập thể công khai tham nhũng bằng việc ném hàng trăm, hàng ngàn tỉ tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân vào những công trình không những vô bổ mà còn phản văn hóa nhân loại, phản đạo lí dân tộc, phản cả sự trung thực của lịch sử đất nước. Tiền đầu tư công trình càng lớn thì tiền lại quả để những người có chức, có quyền chia nhau càng lớn.
Tỉnh khó Quảng Nam thu không đủ chi. Đất nghèo, dân đói, giáp hạt nhiều năm phải xin nhà nước mỗi năm cả ngàn tấn thóc cứu đói nhưng tỉnh cũng cố bòn rút 141 tỉ tiền ngân sách xây tượng đài Mẹ Việt Nam. Tỉnh trung du bán sơn địa Vĩnh Phúc, kinh tế ăn đong, ăn bữa sáng lo bữa tối cũng cố sống cố chết đổ ra 300 tỉ đồng xây Văn miếu thờ ông Khổng Khâu bên Tàu, thờ người đã dựng lên hệ thống giáo huấn trói buộc lương dân, khinh rẻ phụ nữ, bảo vệ trật tự phong kiến cổ hủ, trì trệ, ngưng đọng, thối nát, phản tự nhiên, phản tiến bộ.

Chính quyền tỉnh này nhìn tỉnh kia, tỉnh này học tỉnh kia tham nhũng bóp nặn dân, bòn rút ngân sách. Quảng Nam dựng tượng bà mẹ dù là mẹ anh hùng cũng chỉ là bà mẹ dân đen tốn tới 141 tỉ đồng. Vĩnh Phúc xây miếu thờ thứ lễ nghĩa vay mượn, văn hóa quì lạy lỗi thời, cũng 300 tỉ đồng. Tỉnh miền núi heo hút, xơ xác Sơn La quanh năm khoai sắn ít có dự án, công trình để ăn chia thì phải có công trình ngàn tỉ mới bõ bèn chia nhau. Muốn có công trình ngàn tỉ thì phải xây tượng thờ người khai sinh ra đảng cầm quyền, khai sinh ra nhà nước đương quyền và Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La đã thông qua tắp lự dự án dựng tượng ông Hồ 1.400 tỉ đồng, lớn nhất nước, lớn nhất thế giới giữa trập trùng núi non khuất nẻo. Chính quyền tham nhũng đã và đang đổ hết trăm, ngàn tỉ này đến trăm, ngàn tỉ khác tiền mồ hôi nước mắt của dân để xây nên những chùa Bà Đanh, văn miếu Bà Đanh, tượng đài Bà Đanh trên khắp đất nước.
Tượng đài 141 tỉ ở Quảng Nam đã nuốt trôi. Miếu thờ ở Vĩnh Phúc đã xây xong. Tiền nhà thầu lại quả đã nằm gọn trong túi quan chức hàng tỉnh Vĩnh Phúc. 1.400 tỉ đồng dựng tượng ông Hồ ở Sơn La đã được duyệt mau lẹ. Một trào lưu, một phương cách tham nhũng tập thể, công khai đang là những cơn bão, những trận mưa lũ tàn phá đất nước như những trận mưa lũ đang tàn phá vùng than giàu có Quảng Ninh.
Các tổ chức Xã hội dân sự cần lên tiếng mạnh mẽ về những dự án vô cảm với những cảnh đời nghèo đói của người dân.
Vô cảm trước bé gái nhà nghèo nhịn đói đi học rồi chết lả bên đường.
Vô cảm trước người chưa đến tuổi già ốm đau không có tiền vào bệnh viện, không có tiền mua thuốc đành nằm nhà chịu cơn đau bệnh hành và chờ chết non.
Vô cảm với đám trẻ con ôm nhau đu dây lăng mình qua sông đi học vì chính quyền không có tiền làm cầu.
Vô cảm với những lớp học tranh tre rách nát, xiêu vẹo. Trong lớp, những chiếc bàn ghế gỗ tạp, chân gãy, mặt bàn nứt toác, vênh váo cùng những học trò thiếu dinh dưỡng gày guộc quắt queo, quần manh, áo đơn rách hở vai, hở ngực giữa mùa đông tê tái.
Vô cảm với những bệnh viện như là nơi đày đọa, sỉ nhục con người, ba bốn người bệnh chồng chất trên một giường bệnh và người khỏe đi nuôi người bệnh chui rúc ăn, ngủ dưới gầm giường.
Đất nước xác xơ, người dân nghèo khổ như vậy mà chính quyền cứ mê mải đổ hàng trăm, hàng ngàn tỉ tiền mồ hôi nước mắt của dân xây hết tượng đài này đến tượng đài khác. Tham nhũng đã làm cho cả một chính quyền trở thành bất lương mê muội.
Hãy dừng ngay tất cả những loại dự án đang góp thêm một tay đẩy đất nước xuống vực thẳm ấy.
P.Đ.T.
Tác giả gửi cho BVN

VĂN HÓA TƯỢNG ĐÀI
Bài TÔ VĂN TRƯỜNG / BVB 10/8/2015
 
Tượng đài Chiến thắng Tức Dụp tại Khu du lịch Đồi Tức Dụp (An Giang)
                                            Ảnh: Bùi Văn Bồng
Văn hóa "Tượng đài" mới du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp. Các cụ mình ngày xưa thường xây đền, miếu để thờ những người có công với làng, với nước. Đây là văn hóa cổ truyền gắn liền với với tín ngưỡng của tổ tiên và tôn giáo (Thánh giáo, rất phổ biến ở ta)có từ nghìn đời.
Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại, là một người nhiệt thành theo chủ nghĩa dân tộc đã góp phần quan trọng giành độc lập cho đất nước từ tay người Pháp. Cụ là một người giản dị, khiêm nhường, cái giản dị khiêm nhường của một người thấm nhuần sâu sắc văn hóa và đạo lý Đông Tây. Bởi thế, dân chúng Việt Nam kính trọng Cụ và đương nhiên cũng muốn có những bức tượng Cụ để chiêm ngưỡng  và tôn vinh. Tuy nhiên, việc dựng tượng Cụ Hồ cũng có nhiều điều phải bàn. Không biết Bộ Chính trị và Ban bí thư chỉ đạo thế nào nhưng xem ra việc dựng tượng Cụ Hồ đang bị lạm dụng vào những mục đích khác nhau.
Và ở thế giới bên kia Cụ Hồ có vui không khi biết con cháu cứ đua nhau lập dự án dựng tượng mình trong khi  đất nước sau 40 năm thống nhất còn đang lặn ngụp trong vùng nước “kém phát triển” trong khi hàng triệu người dân còn kiếm ăn từng bữa?. Phải chăng tượng đài trong lòng dân là bền vững nhất!
 
Tượng đài Pie Đại đế
 Quan niệm về làm tượng đài
Có nhiều ý kiến khác nhau về quan niệm làm tượng đài. Nguyễn Trãi từng viết :”Hiếu đại chóng tiêu vong”.  Bertolt Brecht là nhà thơ, nhà soạn kịch, đạo diễn sân khấu nổi tiếng người Đức (1898-1956) có nguyện vọng khi ông mất chỉ cần chôn ở bên trên có tảng đá xù xì đề rõ tên họ ngày sinh và mất là đủ vì ông cho rằng cuộc đời mỗi người không ai là nhẵn nhụi chỉ xù xì ít hay nhiều mà thôi.
Tượng đài là một nhu cầu về văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Việt Nam ta có truyền thống làm tượng để thờ (tượng Phật, tượng Thánh) chứ mục đích chính không phải là tượng nghệ thuật. Điều đó gắn liền với văn hóa tôn thờ, và sùng bái cá nhân. Tôn thờ, tôn giáo thì không có gì xấu, nhưng sùng bái cá nhân là điều đã bị thế giới phê phán, vì nó để lại những hệ lụy không hay cho sự phát triển xã hội. Vì vậy khi làm tượng đài cũng nên lưu ý đến điều này.
Nếu tượng đài là nhu cầu về văn hóa thì nên làm theo hướng “xã hội hóa”, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hộ và sự tham gia tự nguyện của dân về đóng góp kinh phí cũng như tham gia vào thiết kế mỹ thuật. Nó tương tự như việc xây dựng chùa chiền, cơ sở văn hóa địa phương. Việc này một mặt tạo điều kiện cho người dân tham gia tỏ lòng thành, mặt khác tạo điều kiện thể hiện đúng theo nguyện vọng của văn hóa địa phương.
Ở nhiều nước, việc xây dựng tượng đài vĩ nhân cũng rất đơn giản chỉ đặt ở nơi thật cần thiết nhưng người dân vẫn luôn ghi nhớ. Gần đây nhất là ông Lý Quang Diệu cha già lập quốc Singapore thịnh vượng hàng đầu thế giới, toàn bộ những công trình hạ tầng, những thành tựu kinh tế và sự phồn thịnh rực rỡ ngày nay của đất nước Singapore chính là tượng đài rực rỡ nhất của ông Lý Quang Diệu.
Ở nước ta, ngay tại Hà Nội  trước Cách mạng Tháng tám có rất nhiều tượng đài do Pháp xây dựng ( ̣như  tượng dài Tượng thần tự do trên nóc Tháp rùa, sau chuyển xuống vườn hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm,...) đã bị phá bỏ. Nhiều tường đài do chính quyền Sài Gòn xây dựng ở miềnNam, sau giải phóng cũng bị số phận tương tự như vậy. Trên thế giới đầy rẫy những ví dụ tượng đài bị phá bỏ do diễn biến của thời cuộc vì phụ thuộc  vào ý nghĩa chính trị một thời.
Việc xây tượng đài cho Hồ Chủ Tịch là việc cần làm nhưng chỉ nên nên lựa chọn một vài địa điểm thật hợp lý, như Làng Sen, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là đủ rồi, như thế vừa đỡ tốn kém trong hoàn cảnh kinh tế xã hội của quốc gia còn nghèo nàn lại phù hợp với ý nguyện của Cụ Hồ cả về tư tưởng lẫn đạo đức, như Di chúc Cụ để lại, mà những người có trách nhiệm lại không làm theo đấy là điều thật đáng trách. Hồ Chí Minh là vĩ nhân, lúc sinh thời Cụ không bao giờ muốn mình trở thành hư danh.
Về sự kiện xây tượng đài Bác Hồ ở Sơn La gây nên “cơn bão” trong công luận cả báo chính thống và mạng xã hội là điều hiển nhiên. Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo việc đầu tư đề án này, làm rõ những nội dung báo chí phản ánh và gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-8.
Bài học rút ra ở đây là gì?
Dư luận chung cho rằng việc tôn thờ Bác thì ít, nhưng lợi dụng thì nhiều vì vậy  ta phải "định hướng lại" nhận thức xã hội bằng dư luận trên cơ sở văn hóa truyền thống đích thực của dân tộc trước hết là thay đổi nhận thức của những người đề xuất đua nhau xây tượng đài. Đất nước đang gặp nhiều khó khăn, nợ công, nợ xấu đại vấn đề, trong khi còn đầy rẫy những trường học, bệnh xá, cơ sở hạ tầng phục vụ thiết thực cho dân sinh xếp hàng chờ vốn, nhiều hộ dân còn  chạy vạy bữa đói, bữa no. Chất lượng cuộc sống và hệ thống an sinh xã hội cho người dân vào loại thấp nhất thế giới.
Tượng đài Bác Hồ ở Sơn La chỉ là giọt nước tràn ly (kể cả những dự án “trên mây” khác như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 11.277 tỷ đồng) , vì nhìn lại nhiều công trình đầu tư trên cả nước thuộc lĩnh vực giao thông, xây dựng rất hoành tráng chưa khánh thành hoặc mới đưa vào vận hành đã hư hỏng phải sửa chữa, trong lúc ngân sách quốc gia bội chi hơn 100 ngàn tỷ (4,5 tỷ USD).  Công sở hoành tráng mọc lên như nấm trong khi  cả nước đang lo “kéo cày trả nợ” thậm chí đi vay để trả nợ!
Lãnh đạo tỉnh Sơn La đã họp báo giải trình Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gồm các hạng mục tượng đài Bác Hồ; trung tâm hành chính tỉnh; bảo tàng; kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư;… nhưng tài liệu công bố không thể hiện việc xây dựng trung tâm hành chính tỉnh?
Nhà báo Kim Dung/ Kỳ Duyên bình luận “Phải nói rằng, trong lúc kinh tế- nợ công và bội chi (lạm phát)- đều quá mức so với thời điểm năm trước, thiên tai, lũ lụt khiến dân các tỉnh khốn đốn, mà đưa ra đề xuất một Dự án 1400 tỷ đồng quả là có gì đó không đạo lý. Mình tin, cụ Hồ không bao giờ mong muốn  con cháu phải khổ sở vì mình. Tố Hữu có câu thơ chí lý: Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn. Nhưng bây giờ, thời của Dự án, các tỉnh quên… sạch rồi “.
Các Văn bản đáng suy ngẫm
Tỉnh Sơn La dựa vào văn bản số 8462-CV/VPTW ngày 15/8/2014 chỉ đạo của Ban bí thư  đồng ý về chủ trương  xây tượng đài Bác Hồ ở Sơn La.   
Một vị trưởng thượng nguyên bộ trưởng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương  Đảng nói thẳng với người viết bài này nguyên văn như sau: ” Lâu nay đã thành nếp, cứ chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban bí thư là "bất khả xâm phạm". Các vị ấy cũng là "người" cả, chứ có phải "thánh" đâu! Nếu có ai thống kê những sai lầm của Bộ Chính trị - Ban bí thư  từ trước tới nay thì không biết phải bao nhiêu trang giấy khổ A4 đấy  nhỉ? Họ thường nói "lấy dân làm gốc", sao không hỏi dân? Và nếu hỏi dân Sơn La và yêu cầu họ "góp tiền để xây nên" thì mới  đúng chứ!”
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của  Ban bí thư,  Chính  phủ đã có công văn số  2124/TTg ngày 30/10/2014 (do Phó  Thủ tướng Vũ Đức Đam ký)  xét đề nghị của các Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính đồng ý bổ sung tượng đài Bác Hồ ở Sơn La với quy mô nhóm A2.  Ông Vương Duy Biên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du Lịch cũng đã nói rõ Văn bản làm thủ tục trình Thủ tướng  bổ sung quy hoạch không phải là đồng ý với dự án và con số 1400 tỷ đồng.  Đề án do tỉnh Sơn La xây dựng và quyết định còn Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch chỉ tham gia về mẫu tượng. Ông Biên cho biết theo quy hoạch, tượng Bác Hồ ở Sơn La thuộc nhóm A2, tương tự các tượng đã làm ở một số địa phương và kinh phí làm tượng chỉ khoảng trên dưới 100 tỉ đồng.
Ngày 6/8/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6176/VPCP-KTN do Phó  chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Văn Tùng ký, thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, UBND tỉnh Sơn La chỉ được tiến hành khởi công xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” khi bảo đảm các điều kiện cần thiết theo quy định, trong đó có việc phải báo cáo Ban Bí thư phê duyệt mẫu tượng đài và xác định rõ nguồn vốn.
Tìm hiểu rõ hơn thì ngay từ năm 2012 theo công văn số 5546/VPCP ngày 26/7/2012 do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hữu Vũ ký gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân : ”Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La báo cáo Bộ Chính trị -Ban bí thư xin ý kiến về việc xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc ở tỉnh Sơn La, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Một tỉnh nghèo như Sơn La chuyên đi xin trung ương hỗ trợ từ nhiều năm nay thực chất cũng là tiền thuế của dân. Cả nước có khoảng 62 huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.), trong đó Sơn La có tới 5 huyện là Sốp Cộp, Phù Yên, Bắc Yên, Mường La và Quỳnh Nhai. Các vị quan chức muốn có Dự án, xin đừng khéo đổ đó là nguyện vọng và tình cảm của nhân dân.
Thay cho lời kết
Đất nước muốn phát triển cần những cái đầu kỹ trị chứ không phải là đất nước của chỉ thị, sắc lệnh. Người dân không thể tưởng tượng nổi còn tới 58 đề xuất xây dựng tượng đài Bác Hồ? Cả nước đã có 101 tượng đài Hồ Chủ Tịch trong khuôn viên, trụ sở  cơ quan và 31 tượng đài ở trung tâm hành chính, chính trị. Việc quy định xây dựng các hạng mục công trình công cộng thuộc thẩm quyền của tỉnh dù là bất kỳ nguồn nào cũng là mồ hôi công sức của dân cần phải tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của tỉnh.
Sau những lãng phí vô cùng tận của bảo tàng Hà Nội, của những văn miếu Vĩnh Phú …thì việc lợi dụng lòng tôn kính Cụ Hồ để vẽ ra những công trình “văn hóa” này khác đang là điều “phản văn hóa” đến mức độ nhức nhối. Chưa nói đến việc các bức tượng Cụ Hồ cứ na ná giống nhau, thiếu sáng tạo nên ít gây ấn tượng về góc độ thẩm mỹ. Phải chăng tượng đài trong lòng dân là bền vững nhất!
TVT (Tác giả gửi BVB)
TƯỢNG ĐÀI LÀ BÓNG CHE CHO ĐẢNG
Bài của NAM NGUYÊN/ RFA/ BVB 9/8/2015

Trong mấy ngày qua thông tin về dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trị giá 1.400 tỷ ở Sơn La tràn ngập báo chí do nhà nước quản lý. Sự tiêu xài lãng phí tiền thuế của dân, tiền ngân sách ở một tỉnh nghèo mà hàng năm phải cứu đói, đã bị phê phán nặng nề và báo chí đã rộng cửa đưa tin.
Hiện tượng xây tượng đài
Đáp câu hỏi của Nam Nguyên, lý giải thế nào về tình trạng tất cả các tỉnh đều muốn có quảng trường hoành tráng và nguy nga tượng đài lãnh tụ, trong bối cảnh đất nước còn nghèo và khó khăn, bội chi ngân sách triền miên và khả năng trả nợ công là một dấu hỏi lớn. Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định: “Hiện nay có hiện tượng tràn lan phổ biến là xây những tượng đài mà cuối cùng quá khả năng ngân sách. Trong bối cảnh hiện nay dân nghèo còn rất nhiều, bệnh viện còn thiếu thốn, trường học cần được xây dựng thêm vì rất thiếu, những việc này là hợp lý. Còn riêng cái quảng trường kia thì xây dựng toàn bộ hệ thống đồng bộ complex cả quảng trường và trụ sở tốn 1.400 tỷ, riêng tượng đài bác Hồ cùng các dân tộc thiểu số thì chỉ hết 200 tỷ. Nhưng mà theo tôi những cái đó cũng không cần thiết, vì thực sự lãng phí trong bối cảnh ngân sách luôn luôn bội chi, ngân sách thiếu hụt rất là lớn mà bản thân năm nay ngân sách cũng thiếu hụt do dự toán ban đầu nguồn thu dầu 100 đô la một thùng mà đến nay chỉ 60 cho nên ngân sách thâm thủng rất lớn, mà trong phần chi thì bội chi rất là cao. Đáng lý tiền đó phải đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đầu tư vào nhà thương, trường học hay xóa đói giảm nghèo thì sẽ tốt hơn nhiều. Hiện tượng này cần phải chấn chỉnh, tôi nghĩ những điều này này hoàn toàn không hợp với lòng dân.”
Theo Thanh Niên Online bản tin trên mạng ngày 5/8/2015, dự án tượng đài 1.400 tỷ tại Sơn La là một chủ trương đã được thống nhất thông qua. Tờ báo trích lời ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, triễn lãm và nhiếp ảnh trả lời báo chí theo nguyên văn, công trình Bác hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc xây dựng ở TP Sơn La về mặt chủ trương đã được Bộ Văn Hóa-Thể thao-Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính ủng hộ, sau đó đã trình Ban Bí thư và nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương.
Trò chuyện với chúng tôi, TS Hà Sĩ Phu nhà bất đồng chính kiến hiện sống ở Đà Lạt cho rằng, dư luận quay quanh chuyện xà xẻo ở các công trình lãng phí mà không để ý tới vấn đề chủ chốt. TS Hà Sĩ Phu nhấn mạnh: "Việc xây dựng tượng đài đặc biệt là tượng đài Hồ Chí Minh ở khắp các tỉnh và còn đưa vào các chùa chiền. Thường lệ người ta chỉ quan tâm đến chuyện lãng phí, chuyện lợi dụng tham ô kiếm chác, mà quên ý nghĩa chính trị rất quan trọng của vấn đề.
“Trên tình trạng chủ thuyết Mác Lê đã bị phá sản, muốn duy trì độc đảng độc quyền thì phải đổi cách và các đổi của họ là nói rằng đang đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng dân tộc chứ thực ra không phải tư tưởng cộng sản. Nghĩa là dựa vào cái uy tín do được tuyên truyền của Hồ Chí Minh để giữ được cái độc quyền độc đảng của họ, đấy mới là chuyện quan trọng.
“Cho nên trong cả một thời gian dài sắp đến, họ sẽ dựng tượng Hồ Chí Minh không những ở khắp các tỉnh, những nơi quan trọng mà còn ở tất cả các chùa chiền để đi vào đời sống người dân. Tức là dùng hình tượng ông Hồ để phủ lên đầu dân tộc Việt Nam, để che cho sự tồn tại rất bất lợi của đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền trước nhân dân, chuyện ấy mới là quan trọng.”
Đối với vấn đề lãng phí tham nhũng ở các công trình xây dựng quảng trường và tượng đài lãnh tụ trên khắp đất nước, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu phân tích: “Các tỉnh thì cũng nhân cái chủ trương chính trị ấy mà làm thật to, bởi vì làm càng to thì tỷ lệ ăn chia càng nhiều. Đây là việc gọi là ăn theo chủ trương chính trị, chứ chuyện tham nhũng không phải tự nó đẻ ra chuyện tượng đài, không phải mục đích tham nhũng đẻ ra tượng đài mà mục đích chính trị mới là số một.”
Chi tiêu vô tội vạ
Được biết sau khi cả báo chí nhà nước lẫn các mạng xã hội đưa rất nhiều thông tin về vụ tượng đài 1.400 tỷ, các giới chức tỉnh Sơn La cố gắng biện hộ bằng cách tách rời tượng đài Hồ Chí Minh khỏi quảng trường nguy nga của TP.Sơn La. Tuy rằng ai cũng hiểu là nếu có tượng đài của ông Hồ Chí Minh thì mới có dự án Quảng Trường 1.400 tỷ. Xem kỹ nghị quyết trước đó của Hội đồng Nhân dân Tỉnh Sơn La sẽ rõ điều này, nghị quyết xác định Hội đồng Nhân dân tỉnh thống nhất xây dựng tượng đài “Bác hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” kinh phí dự trù 1.400 tỷ đồng.
Trang mạng Sohanews và Trí Thứ trẻ ngày 6/8/2015 trích lời ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Trung ương, bày tỏ sự ngạc nhiên về đề án 1.400 tỷ xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh gắn với quảng trường tại Sơn La. Ông Hùng nhấn mạnh, dân đang khổ, bão bùng ở khắp nơi, trường học còn thiếu, bệnh viện quá tải, sao lại xây tượng đài đồ sộ. Ông Vũ Quốc Hùng, từng một thời nắm giữ cây roi kỷ luật của Đảng, nói với nhà báo là Quốc Hội nên vào cuộc cân nhắc về những dự án quảng trường và tượng đài nghìn tỷ.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, đáp câu hỏi là nên có giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng chi tiêu ngân sách, sử dụng tiền thuế của dân một cách vô tội vạ, như trong các công trình xây dựng quảng trường và tượng đài lãnh tụ. Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định: “Hiện nay thực tế một trong những vấn đề đối với chi tiêu ngân sách thì Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng đã thừa nhận kỷ cương kỷ luật ngân sách rất là yếu kém. Cho nên những việc đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngân sách luôn luôn thâm thủng.
“Trong bối cảnh ngân sách luôn luôn thâm thủng mà hoạt động đầu tư không hiệu quả, nền kinh tế thực sự còn khó khăn, thì những cái đó dẫn tới rất nhiều hệ lụy nếu không có sự ngăn chặn tình trạng này. Cho nên cần phải có những biện pháp kiên quyết, cần phải có bàn tay sắt thì mới có thể thực thi vấn đề này. Chứ chỉ nói mà không làm, chỉ hô hào mà không chủ trương không có những chế tài thực sự nghiêm, thì cuối cùng theo tôi nghĩ hiện tượng này sẽ lập đi lập lại.”
Có nhà báo nói đùa, tượng đài 1.400 tỷ là đề tài câu độc giả câu view và quả như vậy, báo chí nhà nước khai thác đủ mọi góc cạnh liên quan kể cả thông tin và giải thích của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La.
Trang mạng Soha news, khi đưa tin Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La ra Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP.Sơn La tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng, nhà báo đã kèm thông tin “Sơn La vẫn còn 36.000 người thiếu đói”. Theo tin này Sơn La là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Toàn tỉnh có 11 huyện và 1 thành phố thì có tới 5 huyện nghèo thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ.
Chính các báo cáo của tỉnh Sơn La cũng xác nhận, đến hết năm 2013, toàn tỉnh có gần 69.000 hộ nghèo chiếm 27% tổng số hộ và hơn 31.000 hộ cận nghèo chiếm 11,86% tổng số hộ. Riêng năm 2014 có khoảng hơn 31.000 hộ với 141.000 nhân khẩu thiếu đói.
Bức tranh màu xám này của Sơn La gây ra sự tương phản đầy mỉa mai với dự án quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh kinh phí 1.400 tỷ đồng.
N.Ng (RFA)

NƯỚC  MỸ VÀ NHỮNG TƯỢNG ĐÀI DO DÂN VÌ DÂN
Bài của HIỆU MINH/ VNN /BVN 12/8/2015

clip_image004

Đêm trăng tròn trên Thành phố Washington, D.C., soi sáng đài tưởng niệm Lincoln Memorial (phía trước), đài tưởng niệm Washington Memorial (ở giữa), và Tòa nhà Quốc hội Mỹ (phía sau). Ảnh: Sinhvienboston.org
Nếu ai hỏi về tượng đài nước Mỹ, có thể nói ngắn gọn, nhà nước đóng góp rất ít, người dân tự nguyện đóng góp nhiều, vì chính họ mới là người đánh giá nhân vật nào khả kính mang lại giá trị chung khi họ "rút hầu bao".
Du khách tới thăm Washington DC cách hàng chục km đã nhìn thấy bút chì cao vút giữa trời xanh. Đó là đài tưởng niệm George Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ (1732-1799), được mệnh danh "first in war, first in peace, and first in the hearts of his countrymen – đầu tiên tham chiến, đầu tiên mang lại hòa bình và đầu tiên được nằm trong tim dân tộc”.
Bút chì Washington
Ông được coi là cha đẻ của nước Mỹ nên tượng đài của ông được dựng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, tiền của đều do các tổ chức tư nhân kêu gọi đóng góp. Quốc hội Hoa Kỳ đóng góp bằng cách… “hiến” miếng đất.
Khởi công vào năm 1848, đài tưởng niệm Washington cao 169 m, xây bằng đá cẩm thạch, do Robert Mills thiết kế, một kiến trúc sư nổi tiếng nhất thời đó. Nhưng công việc bị ngưng cho tới năm 1884 mới tiếp tục sau 30 năm gián đoạn. Đây là tượng đài xây cao nhất thế giới.
Từ năm 1832 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Washington, một nhóm công dân thành lập ra Hiệp hội tượng đài Washington nhằm gây quĩ trong dân chúng để xây công trình này. Sau 04 năm họ thu được 28.000 đô la (16,5 triệu) từ sự đóng góp tự nguyện và bắt đầu công bố cuộc thi thiết kế tượng đài.
Ban điều hành của Hiệp hội tượng đài công bố, tượng đài hiện đại giống như hình ảnh của Washington, chưa từng có trên thế giới, thể hiện sự yêu tự do và yêu nước của nhân dân, tạo ra sự ngưỡng mộ đối với ai nhìn thấy và bắt buộc dùng toàn nguyên liệu Mỹ, đó là đá granite và marble cũng như tiền của do các tiểu bang đóng góp.
Cuối cùng Robert Mills, kiến trúc sư từ Baltimore (tiểu bang Maryland), đã thắng cuộc với hiểu biết sâu sắc kiến trúc thủ đô Hoa Kỳ, dùng một cột cao bốn cạnh với chân đế phẳng, phía trong là 30 tượng các anh hùng của cuộc cách mạng Hoa Kỳ.
Robert Mills dự toán 01 triệu đô la cho công trình này, tương đương nửa tỷ đô la thời giá hiện nay. Dù mới có 87.000 đô la trong túi nhưng ban điều hành vẫn cho xây tượng đài với hy vọng dân chúng nhìn thấy  qui mô sẽ đóng góp thêm.
Công việc phải ngưng lại do thiếu vốn và tới 30 năm sau mới tiếp tục bởi chính phủ hay quốc hội Hoa Kỳ không cấp vốn ngân sách. Tiền của xây dựng do tư nhân đóng góp.
Hàng năm có hàng triệu du khách tới thăm Washington DC không thể bỏ qua địa điểm nổi danh này. Vé vào cửa phải đặt trước trên mạng và nhiều khi phải xếp hàng dài để lên đỉnh tháp.
Phong thủy kiểu Mỹ trong đền đài
Trong khu National Mall còn có hai nhà tưởng niệm Abraham Lincoln và Thomas Jefferson, một tổng thống nổi danh trong nội chiến và một người viết Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Hai nhà tưởng niệm này dùng tiền do Quốc hội Mỹ cấp. Đây cũng là một trong những kiến trúc đẹp nhất nước Mỹ và hàng năm có tới 5-6 triệu người tới thăm.
National Mall có hệ thống bảo tàng, nhà tưởng niệm, tượng đài được thiết kế khoa học, có tính đến phong thủy chính trị. Một đầu là nhà tưởng niệm Tổng thống Lincoln, đầu kia nhà Quốc hội. Ở giữa là tượng đài Washington, gần đó có nhà tưởng niệm Tổng thống Jefferson nhìn ra hồ Tidal Basin.
Mắt của tượng Lincoln ở phía cuối National Mall nhìn thẳng vào cơ quan lập pháp cách đó khoảng 03 km. Còn tượng Jefferson bên hồ Tidal Basin có đôi mắt “chiếu tướng” Nhà Trắng, cơ quan hành pháp Hoa Kỳ. Nơi giao ánh mắt của “hai cụ” chính là tòa tháp bút chì Washington biểu tượng cho nền dân chủ vĩnh cửu của nước Mỹ.
Tuy ở thế giới bên kia, Lincoln và Jefferson vẫn theo dõi Chính phủ và Quốc hội làm gì để báo cáo với tổng thống đầu tiên George Washington đang ngồi trên nóc… bút chì. Người ta gọi đó là con mắt của dư luận, theo dõi mấy nhánh quyền lực “vì nước vì dân” hoạt động như thế nào.
Từ tuyên ngôn độc lập tới nhân quyền đều có tượng
Đối diện với nhà tưởng niệm Jefferson, nơi TBT Nguyễn Phú Trọng khi thăm Hoa Kỳ đã dừng chân để ngắm người viết Tuyên ngôn Độc lập và được cụ Hồ Chí Minh trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, là tượng đài Martin Luther King, người hoạt động nhân quyền nổi tiếng của nước Mỹ, đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da đen tại quốc gia đa sắc tộc này.
Năm 1968, ngay sau khi M.L. King bị ám sát, tổ chức Alpha Phi Alpha đã có chiến dịch muốn dựng tượng ông. Cho tới năm 1986, ngày sinh của King chính thức được coi là ngày lễ Hoa Kỳ thì việc dựng tượng mới được suôn sẻ. Chi phí dự tính là 120 triệu đô la.
Việc gây quĩ trong dân chúng được tiến hành từ tháng 8-2008, chỉ trong 04 tháng đã thu được 108 triệu đô la bao gồm cả quĩ Bill and Melinda Gates Foundation, Walt Disney, nhà làm phim George Lucas. Quốc hội Hoa Kỳ có dùng tiền thuế của dân để đóng góp 10 triệu đô la.
Công việc xây dựng bắt đầu vào tháng 12-2009 và hoàn thành gần 02 năm sau đó (10-2011). M.L. King đứng trên một phiến đá lớn gọi là “Stone of hope – Viên đá hy vọng” nói về tương lai tươi sáng của người da đen do ML King và các cộng sự vì nhân quyền đã mang lại sự bình đẳng cho gần 50 triệu người có nguồn gốc châu Phi hiện sống tại Mỹ.
Hướng mắt M.L. King nhìn thẳng về phía Jefferson ý như nhắc lại câu nói nổi tiếng của vị cha đẻ của Tuyên ngôn: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”. Một điều thú vị là nhà tưởng niệm Jefferson khi dựng xong năm 1943 đề trên cửa ra vào “White Only – chỉ dành cho người da trắng”. Nhưng sau 30 năm thì tượng người đấu tranh cho công bằng mầu da được dựng lên đối diện với tượng Jefferson. Mới hay vật đổi sao dời.
Nước Mỹ và những tượng đài do dân và vì dân
Đi thăm nhiều nơi, chỉ cần xung quanh Washington DC cũng thấy nhiều điều thú vị do dân Mỹ tự làm.
Hiện nay nhà ở của Jefferson tại Charlottesville và Washington tại Mount Vernon do tư nhân quản lý, không dùng chút gì tới tiền thuế của nhân dân. Một khu tượng đài của Washington bên Alexandria (Virginia) cũng do quĩ tư nhân quản lý. Đây là những nơi ưa thích của du khách dù vé vào không rẻ.
Ven theo hồ Tidal Basin chút nữa về phía đông có khu tưởng niệm Franklin Delano Roosevelt, người đóng góp lớn trong chiến thắng của đồng minh trong thế chiến thứ 02. Điều đặc biệt vị tổng thống này ngồi trên xe lăn. Khu tượng đài khi xây dựng không có hình ảnh này, nhưng Hiệp hội người khuyết tật đã tự gây quĩ được 1,65 triệu đô la và cuối cùng trong 02 năm, tới tháng 1-2001 tượng vị tổng thống trên xe lăn được khánh thành.
Trước cửa Nhà Trắng trong công viên Lafayette có 04 bức tượng do nhân dân Đức, Pháp và Ba Lan đóng góp tiền và gửi tặng. Bức tường đá hoa cương nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam tại National Mall cũng do Hội cựu binh Mỹ gây quĩ, Quốc hội chỉ cấp cho mỗi miếng đất và cấp phép xây dựng.
Tượng thần Tự do ở New York do người Pháp tặng Hoa Kỳ. Kể ra còn rất nhiều tượng đài, nhà tưởng niệm do dân chúng đóng góp, không hề dùng tới ngân sách nhà nước vì đó là tiền thuế của dân.
Nếu ai hỏi về tượng đài nước Mỹ, có thể nói ngắn gọn, nhà nước đóng góp rất ít, người dân tự nguyện đóng góp nhiều, vì chính họ mới là người đánh giá nhân vật nào khả kính mang lại giá trị chung khi họ rút hầu bao.
Có người nói đùa, bên Mỹ mà chính khách lấy tiền thuế xây đền đài thì về nhà đuổi gà cho vợ. Không hiểu thực hư thế nào, nhưng chuyện tư nhân hơn nhà nước là có thật tại xứ cờ hoa, ít nhất trong chuyện xây đền đài. Mà giá trị kiến trúc, lịch sử, tư tưởng kể cả du lịch thì không thể cân đo đong đếm.
H.M.
CHÚNG TA ĐANG ĐUA NHAU XÂY TƯỢNG ĐÀI 
Bài của VŨ VIÊT TUÂN / TT/ BVN  12/8/2015

 

TT - Việc nhiều địa phương lên kế hoạch xây tượng đài và quảng trường với kinh phí đến hàng ngàn tỉ đồng một lần nữa đặt ra câu hỏi: Vì sao phong trào xây tượng đài ở VN lại nở rộ như hiện nay?
clip_image003
Họa sĩ Lý Trực Dũng - Ảnh: V.V.TUÂN
Và nên tìm ra những giải pháp hữu hiệu nào cho thực trạng này? Trao đổi với Tuổi Trẻ, KTS, họa sĩ Lý Trực Dũng - giám đốc Công ty Buffalo Architects - cho rằng VN vốn không có truyền thống xây dựng tượng đài.
Ông Dũng phân tích:
- Khi nói về tượng đài, cần phải hiểu khái niệm tượng đài là gì? Trên thế giới thường dùng khái niệm thông dụng là monument (đài kỷ niệm). Nhưng các đài kỷ niệm trên thế giới rất khác với VN, bởi nó không cần phải có một cái tượng và một cái đài to như lâu nay người VN vẫn quan niệm.
Hơn nữa, đứng về mặt chuyên môn thì cần phải nói rõ VN không có lịch sử hay truyền thống xây dựng tượng đài. Nước ta không hề có các tượng lớn ngoài trời, kể cả tượng tôn giáo như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Afghanistan...
Trước năm 1930, ở VN không ai nói đến tượng đài. Chỉ sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, nước ta mới bắt đầu học và bắt đầu xây tượng đài, theo cách của Liên Xô, Trung Quốc.
Cần biết hệ thống tượng đài ở Liên Xô, Trung Quốc vốn chủ yếu phục vụ mục đích tuyên truyền. Trong khi bản chất của tượng đài không phải là tuyên truyền, đây là một vấn đề học thuật phải được nghiên cứu, bàn luận nghiêm túc...
Monument đã có lịch sử cả hàng ngàn năm, nó không phải để tuyên truyền mà để tôn vinh một vẻ đẹp nào đó, một chiến thắng nào đó hoặc một cá nhân nào đó.
clip_image005
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ phải sửa chữa lại vì bị hư hỏng nặng sau khi khánh thành một thời gian ngắn - Ảnh: LÊ KIÊN
* Vậy việc xây tượng đài nhiều ở VN bắt đầu từ khi nào, thưa ông?
- Chỉ hơn 10 năm trở lại đây, ở VN bắt đầu có phong trào ganh đua xây dựng tượng đài. Nhiều địa phương hiện nay đều đang rất cố để đua nhau xây tượng đài, càng hoành tráng, to nhất, oai nhất thì càng tốt.
Họ thắc mắc vì sao nơi khác xây được tượng to, hoành tráng thế? Vì sao địa phương mình lại không thể xây được cái tượng đài to hơn, hoành tráng hơn. Thậm chí không chỉ các tỉnh thành, mà cả các quận, huyện, xã... cũng đua nhau làm tượng chủ yếu bằng tiền ngân sách nhà nước.
Số tượng đài đó được xây dựng để làm gì? Tại sao cần phải xây dựng tượng đài nhiều như thế? Các địa phương và những người cổ vũ, ủng hộ xây dựng thật nhiều tượng đài đều cố bám vào các giá trị tưởng niệm đơn thuần về các nhân vật và sự kiện lịch sử...
Thực chất việc đua nhau xây tượng đài hiện nay là thể hiện tính sĩ diện của các quan chức địa phương.
* Trên thế giới, còn nước nào có “phong trào” xây tượng đài như VN hiện nay không?
- Phong trào xây tượng đài ở VN hiện nay như đang đi trên một con đường riêng biệt, không giống quốc gia nào trên thế giới. Hiện không có một quốc gia nào trên thế giới có một số lượng tượng đài nhiều được xây dựng bằng tiền ngân sách như VN.
Cũng có một số nhân vật đã được dựng tượng đài ở một số nước để tôn vinh công lao của họ đối với đất nước họ như tượng đài George Washington ở Mỹ được xây từ năm 1848 - 1884, tượng đài Bismarck đầu tiên ở Đức năm 1868.
Nhưng những tượng đài này không phải do chính phủ bỏ tiền ra xây, mà do những người yêu mến hai nhân vật này tự quyên góp tiền để xây.
Khi tôi trao đổi vấn đề xây dựng tượng đài bằng tiền ngân sách ở VN với các đồng nghiệp nước ngoài thì họ đều rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao VN đang còn nhiều khó khăn như thế mà lại dùng tiền ngân sách xây tượng đài...
* Không ít người vẫn quan niệm xây dựng tượng đài to lớn, hoành tráng mới xứng với tầm vóc của các nhân vật, sự kiện lịch sử?
- Về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, mỹ thuật và cả tâm linh thì có những tượng rất nhỏ nhưng giá trị gấp nhiều lần những tượng hoành tráng, to lớn, vô hồn. Thật sai lầm khi cứ nghĩ làm tượng đài là phải to, phải hoành tráng...
Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 nhưng khi nhìn hệ thống tượng đài VN, tôi cứ ngỡ mình đang sống ở thế kỷ thứ 19 hay đầu thế kỷ 20.
Về hình thức, cả ngàn tượng đài đều na ná giống nhau: sáo mòn, rập khuôn, cũ rích, nhàm chán, đơn điệu...
Do yếu về chuyên môn nên có tượng đài càng to, càng cao càng lộ sự yếu kém, non nớt về tay nghề của tác giả tượng đài đó. Chất lượng xây dựng tượng đài hiện nay cũng là cả một vấn đề. Chúng ta đều biết vụ rút ruột khi xây tượng đài Điện Biên Phủ...
Còn mới đây, một tượng lớn ở Quảng Ninh bị sét đánh vỡ lộ ra chất lượng quá tồi. Nó thể hiện sự tùy tiện, yếu kém của cơ quan hữu quan: quy hoạch, thiết kế, xây dựng, giám sát, chủ đầu tư...
Nghịch lý hiện nay, theo tôi, là ở VN chỉ có khoảng chục nhà điêu khắc tượng đài có tay nghề vững, nghiêm túc, trong khi lại có cả nghìn tượng đài.
Có đúng “tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển” không? Thực tế nhiều tượng đài của chúng ta hiện không có tác động tích cực như mong muốn.
Nó không thu hút được sự quan tâm của người dân. Thậm chí gây tác động xấu về thẩm mỹ và chất lượng yếu kém...Tượng cũng có đời sống riêng của nó. Đáng lẽ tượng đài là điểm nhấn trong quy hoạch quảng trường, điểm công cộng... thì thực tế ở VN ta nhiều nơi lại làm ngược lại.
* Như vậy theo ông, cần có những cách thức hay giải pháp nào khắc phục tình trạng này?
- Việc quy hoạch tượng đài cần có sự tham gia của Hội Kiến trúc VN, Hội Mỹ thuật VN, Hội Sử học, Hội Quy hoạch VN và tổ chức xã hội khác...
Quốc hội cần phải có ý kiến về quy hoạch xây dựng tượng đài và yêu cầu Bộ VH-TT&DL phải thống kê xem hiện tại VN có tất cả bao nhiêu tượng đài và tổng số tiền đã đầu tư xây dựng nó.
Cần có cơ quan hữu quan khách quan kiểm tra đơn giá xây dựng tượng đài và giám sát thi công tượng đài. Cũng cần chấn chỉnh các hội đồng xét duyệt tượng đài quá yếu kém về năng lực chuyên môn...
clip_image007
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân - Ảnh: HOÀI LINH
Nên tạm dừng xây tượng đài
Là người yêu nghệ thuật, tôi thấy trong số khoảng 400 tượng đài mà nước ta đã làm chỉ có vài cái tốt, vài cái tạm được, còn lại đều xấu. Có nhiều cách thức khác để tuyên truyền, tôn vinh tưởng niệm ghi công, tri ân hiệu quả hơn thứ ta đang làm.
Nếu là nhà kinh tế, tôi nói việc xây tượng đài to lớn và nhiều như thế là quá lãng phí, chi tiêu như thế là vô trách nhiệm. Người dân mỗi địa phương có tượng đài khó đồng tình khi chi tiêu như vậy và các sản phẩm này không làm đẹp đô thị, cảnh quan, môi trường sinh hoạt đô thị mà ngược lại.
Vào Internet hay đi du lịch các nước ta sẽ thấy hiếm nước nào có nhiều tượng đài hoành tráng và nhiều như ở ta.
Lịch sử nghệ thuật thế giới chỉ ghi nhận không nhiều các tượng đài ghi công tưởng niệm, ca ngợi và thường quy mô nhỏ hoặc trung bình nhưng rất tinh tế đặc sắc, mang đậm phong cách một trường phái hay cá nhân một thiên tài nghệ thuật nào đó.
Gần đây nhất, ta lại rập theo một cách vụng về “phong trào nghệ thuật hoành tráng” Xô viết nửa cuối thế kỷ 20. Phong trào này đã tắt, hiện nước Nga không còn chi ngân sách làm tượng đài nữa.
Song nghệ thuật tượng đài Xô viết có phong cách riêng, có các bậc thầy thực thụ và để lại nhiều tác phẩm đẹp, thí dụ tượng Công nông của Mukhina trở thành biểu tượng của Nhà nước Xô viết, hay nhóm tượng Mẹ Tổ quốc ở Volgagrad...
Hay ở nhiều nơi trên thế giới đều có tượng đẹp như ở Washington DC có mấy tượng các tổng thống khai quốc của Mỹ khá đẹp. Hai pho tượng công cộng nổi tiếng ở Rome là tượng hoàng đế Aurel và tượng David (biểu tượng toàn cầu về vẻ đẹp đàn ông).
Ở Paris tôi nhớ nhất tượng Balzac của Rodin, còn ở Đan Mạch là tượng “Nàng tiên cá”. Ở Brussels là tượng chú bé con đứng “tè” ngộ nghĩnh đã được phiên bản khắp toàn cầu...
Hơn 10 năm trước tại hội nghị khoa học về tượng ngoài trời do Viện Nghiên cứu mỹ thuật tổ chức, tôi đã đề nghị cần dừng việc làm tượng đài đến năm 2025 - 2030.
Cha ông ta xưa và chúng ta ngày nay có nhiều cách để ghi công, tôn vinh, tưởng niệm chứ không chỉ có mỗi cách là làm tượng hoành tráng tốn kém, xấu xí như hiện nay.
Nếu tìm ra các hình thức mỹ thuật khác để hoàn thành nhiệm vụ chính trị và văn hóa thì các nhà điêu khắc sẽ không mất hợp đồng, mà sẽ có nhiều việc làm hợp với tham vọng mong muốn nghệ thuật của mình hơn.
Trong lúc đó ta cần điều chỉnh các dự án đã khởi động theo hướng vừa và nhỏ, cận dân tình và cận nghệ thuật hết mức có thể.
Phải nâng hiểu biết và trách nhiệm văn hóa cho cán bộ cấp trung và thấp. Cần gửi nghệ sĩ đi học về mỹ thuật và công nghệ làm nghệ thuật công cộng. Phải có quy định về kinh tế tài chính đối với các công trình nghệ thuật công cộng... Tóm lại ta phải tìm ra các cách khác làm tuyên truyền bằng nghệ thuật
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quânclip_image008
V.V.T.
TỪ KHI NÀO CHÚNG TA THÍCH ĐỀN ĐÀI HOÀNH TRÁNG ?
Bài của KHƯƠNG DUY/ TVN 13/8/2015
Với lối kiến trúc không cũ không mới, không Đông không Tây như các tượng đài ở Việt Nam, nếu nói xây dựng chúng sẽ thông qua văn hóa mà thúc đẩy sự phát triển là điều đáng hoài nghi.
Đôi khi phải ưu tiên những giá trị lâu dài...
Những ngày qua, xung quanh câu chuyện tượng đài ở Sơn La, nổi lên một ý kiến khác biệt cho rằng: “Không nên đặt vấn đề xây tượng như thế là đắt hay rẻ. Trước khi phán xét, cần phải nhìn tổng thể giá trị văn hóa. Tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển. Không thể nói rằng vì nhiều người còn đói nên để tiền đó mua cơm trước. Đôi khi văn hóa phải đi trước.”
Nhiều người cho rằng đó chỉ là một cách ngụy biện. Lý lẽ đơn giản là: Bụng đói thì thưởng thức văn hóa bằng gì? Thế nhưng nghĩ cho cùng, trong lập luận đó có một điều phải thừa nhận, đôi khi phải ưu tiên những giá trị lâu dài hơn là những gì trước mắt. Một dân tộc nếu chỉ lo miếng ăn mà không bồi đắp cho đời sống tinh thần thì sẽ không có văn minh. Xã hội giàu lên từng ngày mà người dân không biết gì về văn chương, âm nhạc, kiến trúc là điều chúng ta đã và đang nhìn thấy.
Thật ra câu chuyện này không mới. Từ mấy ngàn năm nay, đó đã là một nan đề của lịch sử. Nếu chỉ lo cho miếng ăn, chỗ ở của “bách tính” thì Trung Quốc không có Vạn lý trường thành, Ai Cập không có các Kim tự tháp và nước Ý không có Đấu trường La Mã. Những thời đại vàng son sẽ chìm vào quên lãng, không dấu tích.
Những công trình ấy cũng từng được dựng lên trong vô số lời oán thán của người dân, cướp đi sinh mạng của biết bao người. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, nếu không có sự đánh đổi ấy thì hôm nay chúng ta có những gì đáng gọi là kỳ quan để chiêm ngưỡng?
 
Lịch sử đã luôn có những lựa chọn như thế. Và trong cuộc sống thường ngày, dù là cá nhân hay chính quyền thì vẫn luôn phải lựa chọn, làm cái gì, không làm cái gì bởi túi tiền có hạn. Câu chuyện của Sơn La cũng gần giống cảnh một đôi vợ chồng công chức băn khoăn có nên đi xem ballet Hồ Thiên Nga gần chục triệu đồng một cặp vé trong lúc còn chật vật lo ăn học cho con. Có khác chăng, đó là tiền của họ và họ dám nói là tiêu cho bản thân, chứ họ không xin của ai và tiêu tiền nhân danh ai.
Tượng đài, Khương Duy, câu chuyện, Sơn La, ngân sách, chính quyền, báo chí
Văn hóa Việt Nam chưa bao giờ tôn sùng những thứ quá khổ, mà chỉ ưa những gì vừa phải, thanh nhã như Chùa Một Cột, Khuê Văn Các
Song tất cả những gì người viết dường như đang “nói đỡ” cho dự án nghìn tỷ của Sơn La hay bất cứ dự án nào tương tự, sẽ chỉ đáng quan tâm nếu thứ mà họ theo đuổi thực sự là giá trị văn hóa và hướng tới sự phát triển của xã hội.
Đừng đồng nhất tượng đài với văn hóa
Văn hóa là nền tảng, mục tiêu và động lực của sự phát triển. Nhưng đồng nhất tượng đài với văn hóa để rồi khẳng định “tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển” thì có lẽ hơi vội vàng. Tượng đài dù sao chỉ là phần vỏ, trong khi văn hóa lại là phần hồn. Giá trị văn hóa của các tượng đài có tồn tại thật hay không và nếu có tồn tại thì giá trị đó có đủ lớn để đánh đổi bằng một khoản đầu tư lớn đến như thế? Đó vẫn là một câu hỏi không lời đáp.
Theo ý kiến cá nhân của người viết, Việt Nam có truyền thống kiến trúc mộc, nương vào cây gỗ mà làm nhà, tạc tượng. Văn hóa Việt Nam chưa bao giờ tôn sùng những thứ quá khổ, mà chỉ ưa những gì vừa phải, thanh nhã như Chùa Một Cột, Khuê Văn Các. Không biết từ khi nào chúng ta bắt đầu thích xây dựng những đền đài bê tông, đá tảng cao lớn, quá khổ, và trong nhiều trường hợp rất thiếu thẩm mỹ như thế?
Xin nhắc lại rằng những tác phẩm điêu khắc kinh điển như bức tượng Nàng tiên cá ở Đan Mạch hay Sư tử buồn ở Thụy Sĩ so với những tượng đài cấp huyện của Việt Nam về kích thước có lẽ chúng chỉ xứng đáng để đặt ở sân vườn, nhưng chúng đều là những công trình lừng danh thế giới.
Với lối kiến trúc không cũ không mới, không Đông không Tây như các tượng đài ở Việt Nam, nếu nói xây dựng chúng sẽ thông qua văn hóa mà thúc đẩy sự phát triển là điều đáng hoài nghi. Thật khó hình dung nhờ xây tượng đài, quảng trường mà văn hóa được nâng cao, thu hút được du lịch. Câu chuyện về sự phát triển chưa bao giờ đơn giản như thế.
Không ai phủ nhận tầm quan trọng của văn hóa nhưng xác định thế nào là văn hóa cần phải hết sức cẩn trọng. Trong khi ngân sách có hạn, vai trò của chính quyền là ở chỗ tính toán làm sao để đồng tiền đầu tư đem lại lợi ích lớn nhất dựa trên điều kiện thực tiễn của địa phương. Bỏ ra một đồng cũng là tiền thuế của người dân. Xã hội hóa thì cũng là tiền mà lẽ ra doanh nghiệp dùng để kinh doanh, sản xuất. Dư luận bức xúc phần nào còn vì lối ứng xử “xem bạc tỉ nhẹ tựa lông hồng” như thế!
Khương Duy



1 nhận xét:

  1. Theo nguồn thạo tin Bộ VHTTDL, PTT Vũ Đức Đam đã họp và có văn bản của VPCP thông báo lại ý kiến, yêu cầu giảm xuống còn 5 tỉnh (trong đó có Sơn la và 3 tỉnh đã được Bộ chính trị, Ban bí thư cho chủ trương, chỉ Đà Nẵng là mới), đồng thời yêu cầu có quy định để không được chạy theo quy mô hoành tráng và mượn cớ được xây dựng tượng Bác để làm các hạng mục khác.

    http://chuyennuocviet.blogspot.com/

    Trả lờiXóa