Thứ Năm, 23 tháng 1, 2020

20200123. BÀN VỀ TRÁCH NHIỆM NHÀ NƯỚC VỤ ĐỒNG TÂM

ĐIỂM BÁO MẠNG

THỦ TƯỚNG: ĐỂ XẢY RA KHIẾU KIỆN DẪN TI VỤ ĐỒNG TÂM CÓ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

THÁI ANH/ DÂN TRÍ 21-1-2020

DÂN TRÍ-Nhắc lại vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) vào ngày 9/1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, để xảy ra khiếu kiện của người dân liên quan đến khu đất thuộc sân bay Miếu Môn có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi buông lỏng quản lý…

Thủ tướng phân tích kỹ sự việc này khi đến thăm, kiểm tra công tác ứng trực, sẵn sàng chiến đấu tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) chiều 21/1.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2019, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến khó lường. Các điểm nóng ngày càng gay gắt. Tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia diễn biến phức tạp, là những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia các nước, trong đó có Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc để gia tăng hoạt động diễn biến hòa bình, kích động chống đối chính quyền, gây rối an ninh trật tự.



Thủ tướng: Để xảy ra khiếu kiện dẫn tới vụ Đồng Tâm có trách nhiệm của cơ quan nhà nước - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Thủ tướng duyệt đội danh dự (ảnh: VGP).

Thủ tướng ghi nhận việc lực lượng đã nhanh chóng chuyển hướng đấu tranh, bố trí lại lực lượng, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đổi mới chủ trương, chính sách, biện pháp công tác, tạo thế chủ động, chiến lược đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh CSCĐ chiến đấu dũng cảm kiên cường để bảo vệ Đảng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh hoặc bỏ lại một phần xương máu vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và gìn giữ trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng nhắc lại vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm vào ngày 9/1 vừa qua, 3 cán bộ công an, trong đó có 2 người của lực lượng CSCĐ, đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Thủ tướng cho biết, về sự việc Đồng Tâm, TP. Hà Nội đã thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn. Thanh tra Chính phủ cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, các ngành chức năng rà soát, kiểm tra tính chính xác hợp pháp của kết luận thanh tra TP. Hà Nội. Các cơ quan đã rất thận trọng, kỹ lưỡng, căn cứ vào quy định pháp luật và bản đồ tài liệu liên quan, đã xác định rõ ràng là diện tích đất sân bay Miếu Môn được Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi giao cho quân đội từ năm 1990 để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Việc để xảy ra khiếu kiện của người dân có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc buông lỏng quản lý. Do đó, gần 30 cán bộ Nhà nước có vi phạm đã bị xử lý, trong đó có một số bị xử lý hình sự. Thanh tra Chính phủ và UBND TP. Hà Nội cũng tổ chức đối thoại với người dân để làm rõ bản chất vấn đề và được hầu hết người dân địa phương đồng tình ủng hộ. Các đơn vị quân đội đã xây tường rào khu đất theo quy định.
Tuy nhiên, mặc dù đã hiểu rõ bản chất sự việc, được tuyên truyền, vận động nhiều lần, nhưng rất đáng tiếc, một số cá nhân cố tình vi phạm pháp luật, thậm chí là sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, chống lại lực lượng chức năng làm 3 công an hy sinh.
Thủ tướng nhận định, đây là sự việc rất nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can và đang khẩn trương điều tra, truy tố để sớm đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
“Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chúng ta kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người dân và cũng tuyên truyền, vận động mọi người dân sống và làm việc theo pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần bảo đảm pháp luật phải được thực thi nghiêm minh. Tất cả cán bộ, công chức và người dân đều phải có nghĩa vụ thực hiện đúng quy định của pháp luật, bất kể ai vi phạm đều phải xử lý theo đúng quy định” - Thủ tướng nhấn mạnh.



Thủ tướng: Để xảy ra khiếu kiện dẫn tới vụ Đồng Tâm có trách nhiệm của cơ quan nhà nước - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Thủ tướng yêu cầu lực lượng tập trung, luôn sẵn sàng tinh thần tác chiến trong dịp nghỉ Tết.

Xác định sự việc Đồng Tâm là điều đáng tiếc nhưng Thủ tướng cũng thông tin, đến nay tình hình đã trở lại ổn định. Người dân ở đây với sự giúp đỡ của chính quyền đang tổ chức vui Tết đón Xuân Canh Tý.
Thủ tướng yêu cầu lực lượng công an nhân dân, trước hết là lực lượng CSCĐ không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao khả năng nghiệp vụ, gắn bó hơn nữa với nhân dân để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, bảo vệ pháp luật, thực hiện đúng đắn trách nhiệm của người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.
Thủ tướng lưu ý, 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, trong bối cảnh nhiều thách thức từ cuộc cách mạng 4.0, các vấn đề an ninh phi truyền thống đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình ổn định của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhiều nguy cơ dẫn đến mất an ninh trật tự. Lực lượng công an nhân dân nói chung, lực lượng CSCĐ nói riêng trong bất kỳ tình huống nào cũng phải giữ vững chủ quyền quốc gia và sự ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để xây dựng phát triển đất nước.
Để đạt được mục tiêu đó trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần tập trung thực hiện tốt các công tác trọng tâm.
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và bảo vệ an ninh quốc gia, làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống để rèn luyện cho cán bộ CSCĐ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; có quân phong, quân kỷ, giữ nghiêm kỷ luật, mệnh lệnh công tác và chiến đấu.
Nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn, tích cực tu dưỡng học tập, rèn luyện về mọi mặt trình độ, ứng xử văn hóa cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, bố trí sắp xếp biên chế quân số hợp lý. Có cơ chế ưu tiên tuyển chọn chiến sĩ tham gia nghĩa vụ công an nhân dân, nhất là các đơn vị đặc thù như lực lượng CSCĐ để huấn luyện, biên chế cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh nhằm đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ khi tình huống xấu xảy ra.
Thứ hai, chủ động phối hợp các lực lượng đơn vị nghiệp vụ nắm chắc tình hình để kịp thời tham mưu cho Bộ Công an các chủ trương giải pháp bảo đảm an ninh trật tự. Chủ động phát hiện, nắm chắc các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để xây dựng chương trình huấn luyện, phương án, kế hoạch tác chiến phù hợp với tổ chức ứng trực vũ trang, canh gác, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các chuyến hàng đặc biệt. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, tăng cường rèn cán luyện quân, thường xuyên tổ chức diễn tập phương án trong điều kiện địa bàn tình huống khác nhau, bảo đảm bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để bị động bất ngờ. Trước mắt cần tập trung bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các sự kiện liên quan đến Hội nghị cấp cao ASEAN 2020 tổ chức tại Việt Nam, đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các sự kiện trọng đại khác của đất nước ta.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu triển khai các đề án, dự án để xây dựng lực lượng cảnh sát nhân dân chính quy tinh nhuệ từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới, trọng tâm là nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế quy định về công tác, tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, hoạt động của CSCĐ.
Thứ tư, làm tốt công tác hậu cần bảo đảm công tác chiến đấu. Tăng cường hợp tác quốc tế với cảnh sát các nước trong công tác huấn luyện, đào tạo và trang thiết bị, phương tiện, nhất là về lĩnh vực phòng, chống khủng bố, biểu tình, bạo loạn nhằm nâng cao trình độ tác chiến sẵn sàng chiến đấu của lực lượng CSCĐ.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công an quan tâm chăm lo đầy đủ đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong dịp Tết. Đồng thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, cán bộ chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác chiến đấu.
Thái Anh


NGHĨ TỪ THẢM KỊCH ĐỒNG TÂM: ÔNG TRỌNG SẼ CHÚC  NGƯỜI DÂN ĐIỀU GÌ TRONG ĐÊM GIÁO THỪA NĂM NAY ?
QUÁCH HẠO NHIÊN/ viet-studies 20-1-2020
1. Đồng Tâm: thảm kịch lẽ ra có thể tránh được
Đã hơn 10 ngày trôi qua nhưng thật lòng mà nói, đến giờ tôi vẫn không nghĩ thảm kịch Đồng Tâm đã xảy ra. Hoàn toàn không bênh vực cho những hành vi vi phạm pháp luật của một số người dân Đồng Tâm nhưng tôi nghĩ, nếu lãnh đạo Đảng và chính quyền Hà Nội kiên trì đối thoại với người dân và nhất là không quá háo thắng trong những kế hoạch và “phương án tác chiến” tại thực địa thì tin chắc thảm kịch đau lòng này đã không xảy ra.
Trước hết, phải xác quyết rằng, bản chất của vụ Đồng Tâm như nhiều người đã phân tích thực chất là vấn đề tranh chấp dân sự - tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân. Thế nên, hình sự hóa tranh chấp dân sự dẫn đến đối đầu bằng bạo lực đẫm máu là lỗi từ cả hai phía, tuy nhiên, theo tôi, lỗi trước hết là ở chính quyền. Đầu tiên là lỗi về cơ chế “đất đai sở hữu toàn dân”, tiếp theo là lỗi về “quy hoạch treo” (xin đừng nói rằng đây là đất quốc phòng thì muốn làm gì làm, “treo” bao lâu cũng được), cuối cùng là sự bội tín của ông Nguyễn Đức Chung.
Nên nhớ rằng hai năm trước đó, Đồng Tâm đã từng “căng như dây đàn” khi người dân ở đây đã đồng lòng “bắt sống” và “giam lỏng” 38 chiến sĩ cảnh sát nhưng cuối cùng mọi việc cũng được vãn hồi sau khi đích thân ông Nguyễn Đức Chung trực tiếp xuống hiện trường để tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, sau đó mọi khúc mắc đã được tháo gỡ. Nếu không bội tín (sau khi đã ký vào tờ cam kết) và khôn ngoan, khéo léo hơn thì 2 năm qua, người đứng đầu chính quyền Hà Nội hoàn toàn có thể tháo gỡ và hóa giải được mâu thuẫn với người dân Đồng Tâm bằng biện pháp hòa bình.
Ngoài ra, cho dù chính quyền Hà Nội chỉ biết bám vào căn cứ duy nhất là bản kết luận của Thanh tra Chính phủ (kết luận toàn bộ đất tranh chấp ở sân bay Miếu Môn là thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng) để xử lý vụ tranh chấp này nhưng về nguyên tắc người dân vẫn có quyền khiếu nại hoặc thậm chí kiện ra tòa để giải quyết. Vì theo luật thì chỉ có phán quyết của tòa án mới là căn cứ pháp lý cuối cùng để giải quyết tranh chấp. Từ đây, một câu hỏi cần đặt ra là tại sao lãnh đạo và chính quyền Hà Nội lại quyết “ăn thua đủ” với người dân Đồng Tâm như thế? Tại sao không tiếp cận vấn đề như cách mà lãnh đạo và chính quyền TP Hồ Chí Minh đã và đang kiên trì đối thoại với người dân trong vụ Thủ Thiêm (Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận nhưng người dân Thủ Thiêm vẫn không hài lòng nên phải đối thoại tiếp)? Chính quyền Hà Nội có nhất thiết phải yêu cầu Bộ Quốc phòng phải nhanh chóng xây tường rào bảo vệ để rồi xảy ra đụng độ với người dân nhất là trong bối cảnh cả nước đang háo hức “mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân thắng lợi, mừng đất nước đổi mới” hay không?
Một liên hệ khác, thời gian qua, ai cũng biết Trung Quốc nhiều lần cho tàu chiến đến xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông bất chấp luật pháp của ta và quốc tế. Đặc biệt, họ đã cố tình khiêu khích bằng cách xịt vòi rồng hay thậm chí cho tàu đâm thẳng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam nhưng không một lần nào VN nổ súng phản kháng lại. Với lối hành xử hung hăng, ngang ngược và thô bạo ấy Trung Quốc mới thực sự là kẻ thù, là thế lực thù địch của Việt Nam thế nhưng trên mặt trận ngoại giao “Đảng ta” bao giờ cũng “mềm mỏng” và triệt để tuân thủ nguyên tắc “kiên trì đối thoại” để tránh xung đột. Với kẻ thù nhưng “Đảng ta” còn ứng xử “nhân văn” như vậy thì tại sao với đồng bào mình chính quyền lại sử dụng vũ lực trong khi vẫn có cách giải quyết tối ưu hơn? Chẳng lẽ, lâu nay khi người dân rất nhiều lần bảo lãnh đạo, chính quyền hiện nay “hèn với giặc, ác với dân” mà không thấy “nhột” hay sao?
Cuối cùng, từ thực tế “tác chiến” của cả hai bên tại Đồng Tâm cho thấy, những người dân ở đây (trên dưới 20 người) tuy đã vi phạm pháp luật (chuẩn bị vũ khí và có những lời lẽ, hành vi đe dọa và sẵn sàng chống trả chính quyền như họ tuyên bố “sẵn sàng hy sinh để giữ đất”) nhưng thiết nghĩ nhìn chung tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát, phong tỏa của chính quyền. Vậy thì có đáng hay không khi chính quyền Hà Nội để xảy ra cảnh “nồi da xáo thịt”, cho “quân mình chiến dân ta”? Đặc biệt, công tác trinh sát, nắm tình hình và lên các kịch bản và phương án điều quân, tác chiến như thế nào mà làm cho 3 chiến sĩ và một thường dân thiệt mạng oan uổng như thế?
Đến đây có thể nói, để xảy ra thảm kịch này, cá nhân tôi cho rằng các ông Hoàng Trung Hải, ông Nguyễn Đức Chung – Bí thư và Chủ tịch TP và ông Đoàn Duy Khương – Giám đốc công an Hà Nội phải là những cá nhân chịu trách nhiệm trước tiên. Đó là trách nhiệm giải trình trước lãnh đạo cấp cao hơn và với nhân dân về việc tại sao lại xảy ra thảm kịch mà lẽ ra có thể tránh được. Nếu lãnh đạo, chính quyền và công an Hà Nội cho rằng mình có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực thi nhiệm vụ và không vi phạm pháp luật thì cần nhanh chóng minh bạch các bằng chứng và thông tin để nhân dân giám sát.
2. Đồng Tâm: Hệ lụy tất yếu của bệnh “kiêu ngạo cộng sản” hay là sự khủng hoảng thiên lương, thiên tính của người Việt trong xã hội hôm nay
Thảm kịch ở Đồng Tâm rõ ràng rất nghiêm trọng nhưng cho đến nay tất cả những thông tin có liên quan gần như bị cả hệ thống tuyên truyền của đảng và chính quyền, bưng bít, giấu kín. Có thể thấy, ngay khi vụ việc xảy ra, cả hệ thống báo chí truyền thông chính thống hoàn toàn bị vô hiệu hóa; hàng mấy trăm tờ báo chỉ được phép đưa tin nhỏ giọt bằng cách dẫn lại từ thông báo trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an. Ngoài ra, tất cả cho đến thời điểm nay chỉ là thông tin một chiều nhằm lên án, kết tội những người dân Đồng Tâm đã bị bắt trong vụ xung đột (dù chưa có phán quyết của tòa án) từ phía đài truyền hình Việt Nam (việc đưa tin để kết tội này chủ yếu được xào nấu lại từ các bài viết của đại tá, phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân Nguyễn Văn Minh – một nhà báo trung thành, tận tụy phục vụ cho lý tưởng của Đảng ta với lối tuyên truyền rất đặc trưng từ thời đất nước còn chìm trong bom đạn, chiến tranh của thế kỷ trước: “phe địch” – “phe ta” quyết không đội trời chung).
Dù sao cũng phải khẳng định rằng, việc một số người dân Đồng Tâm tàng trữ vũ khí trái phép và có lời lẽ đe dọa chính quyền trên mạng xã hội hay và chống người thi hành công vụ… là những hành vi vi phạm pháp luật không thể chối cãi. Thế nhưng, không vì thế mà chính quyền tự cho mình việc điều quân trấn áp (4 giờ sáng ngày 9/1) , bất chấp quy trình và các thủ tục theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi vụ việc xảy ra, nếu đã nói đến chuyện thượng tôn pháp luật thì chính quyền và công an Hà Nội phải tuân thủ luật báo chí liên quan đến về quyền tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận của người dân; phải để cho các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế tiếp cận hiện trường và tác nghiệp nhằm mang đến những thông tin đa chiều và khách quan nhất… Trong thời đại công nghệ hôm nay, việc bưng bít và bịt miệng truyền thông trong những vụ việc như thế này chỉ càng làm cho người dân thêm nghi ngờ và mất niềm tin về tính chính danh của lãnh đạo, chính quyền mà thôi. Ngoài ra, cũng không nên vừa bịt miệng vừa dùng truyền thông chính thống để tuyên truyền những thông tin một chiều có lợi cho mình. Đây rõ ràng là một sự bất công về quyền được thông tin và tự do ngôn luậ với người dân Đồng Tâm.
Không dừng lại ở đó, mạng người là như nhau, mất mát nào cũng đều đau đớn, thế nên, khi chính quyền tổ chức tang lễ trang trọng cho 3 chiến sĩ đã thiệt mạng thì cũng không nên ngăn cản, gây khó dễ người dân đến viếng hay phúng điếu ông Lê Đình Kình. (Được biệt, hiện tại Bộ Công an đã dùng áp lực và yêu cầu ngân hàng Vietcombank phong tỏa tài khoản phúng điếu ông Lê Đình Kình của người dân có đúng luật và đạo lý nghĩa tử và ngĩa tận của người Việt không?). Nên nhớ rằng, nước mắt của thường dân hay vua quan đều có vị mặn như nhau và máu của tất cả đều là màu đỏ. Một khi chính quyền dùng đến bạo lực để giải quyết tranh chấp dân sự thông thường với người dân và để lại hậu quả rất bi thảm thì trước hết chính quyền phải tự soi xét, kiểm điểm lại mình. Không đủ dũng khí để thừa nhận những quyết sách sai lầm của mình và tìm mọi cách để đổ hết tội lỗi lên đầu người dân thì có khác gì cố tình xuyên tạc sự thật; còn tuyên truyền một chiều nhằm mục đích bôi đen và “cướp đi nhân tính” của người khác thì chắc chắn đó là hành vi của những kẻ lừa bịp, xảo biện. Quan chức, lãnh đạo trong một nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân” không ai ứng xử, hành xử như thế. Đó hoàn toàn không phải là cách để xoa dịu vết thương cho hai bên để hóa giải hận thù và hòa hợp dân tộc.
Vậy nên, từ giác độ văn hóa, có thể nói, thảm kịch Đồng Tâm tuy là có thể tránh nhưng nó đã xảy ra thì suy cho cùng cũng là một hệ quả tất yếu. Bởi thảm kịch này không chỉ cho thấy sự khủng hoảng niềm tin sâu sắc giữa chính quyền và người dân mà sâu xa hơn nó còn là sự khủng hoảng về thiên lương, thiên tính của người Việt trong xã hội hôm nay. Sự khủng hoảng về thiên lương, thiên tính này trước hết phải kể đến những người trong hàng ngũ của bộ máy lãnh đạo và chính quyền, nhà nước. Hay nói khác đi, việc không chịu kiên trì đối thoại và nhất là quyết tâm sử dụng bạo lực của chính quyền và công an Hà Nội để xử lý vụ việc này đã phản ánh rất rõ cái tâm lý cùng cách hành xử “cả vú lấp miệng em” vốn đã ăn vào máu của hệ thống lãnh đạo, chính quyền hiện nay. Ở phương diện nào đó, nó còn là một biểu hiện khác của căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” (lúc nào cũng tự cho mình là “tài tình và sáng suốt”; chỉ có đúng không có sai; hay khi có biến cố nào đó xảy ra đều đổ cho các thế lực thù địch để phủi trách nhiệm) vì trước đó đã có quá nhiều sự vụ tranh chấp tương tự đã xảy ra như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vụ Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, vụ Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông, và song song là vụ Thủ Thiêm, vườn rau Lộc Hưng ở Sài Gòn… nhưng không bao giờ chân thành, cầu thị để rút kinh nghiệm và sửa sai.
Ở một phương diện khác, ngay sau khi vụ Đồng Tâm xảy ra, tôi được biết trên trang cá nhân một nhà báo gạo cội nọ rất nhanh nhảu "phán" một câu như thánh sống rằng: "Dân túy nhỡn tiền". Câu nói này có ngụ ý rằng thảm kịch Đồng Tâm có nguyên nhân từ những những người lâu nay ủng hộ người dân Đồng Tâm theo kiểu “dân túy”. Tôi, lúc đầu chỉ thấy buồn cười nhưng sau đó thì thấy kinh sợ cho sự vô cảm và đa nhân cách của nhà báo này. Với tôi, đây cũng là một "kiểu người" cầm bút, có chút "chữ nghĩa" đầy dẫy trong xã hội Việt Nam hôm nay! Sự phân hóa, chia rẽ rất sâu sắc và khủng khiếp của người Việt hôm nay (không chỉ qua sự kiện Đồng Tâm mà nhiều sự vụ trước đó nữa) theo tôi phần lớn cũng từ những "kiểu người" như thế này mà ra. Cả đời viết lách, làm báo – như một công cụ tuyên truyền không hơn không kém cho “Đảng ta” và chính quyền này mà đổ thừa và chối bỏ tính “dân túy” bằng cách nói đầy mai mỉa như thế thì có phải là rất mâu thuẫn và buồn cười không? Từ đây, nói cho công bằng thì sự khủng hoảng thiên lương, thiên tính của người Việt hôm nay ngoài đội ngũ quan chức lãnh đạo trong bộ máy công quyền thì “kiểu người” cầm bút có chút chữ nghĩa như nhà báo này cũng là nhân tố góp phần làm cho xã hội Việt Nam hôm nay thêm suy đồi và băng hoại. Thảm kịch ở Đồng Tâm, nói cho cùng cũng có phần đóng góp rất lớn của họ. Vì sao? Vì đa phần họ tuy có kiến thức, có hiểu biết và nhất là sống bằng nghề chữ nghĩa nhưng lại tự đầu độc và bị chính quyền này đầu độc bằng cái danh “nhà báo cách mạng” rất “đặc thù”, không giống ai. Đến nỗi họ không còn biết đâu là lương tâm và trách nhiệm của mình. Họ là những nhà báo thấy hết sự thật, biết rõ sự thật nhưng vẫn kiên định lập trường phục vụ cho sự giả dối bằng những thủ thuật viết lách rất tinh vi. Vì thế, nếu nói về sự độc ác và tàn nhẫn của họ thì theo tôi, những người dân Đồng Tâm trong cuộc “giao chiến” làm 3 chiến sĩ công an thiệt mạng vừa rồi chưa chắc đã bằng.
3. Thay lời kết
           Trong vai trò và cương vị của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, chắc chắn đêm giao thừa năm nay ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước sẽ xuất hiện trên truyền hình để chúc Tết toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước. Từ khi thảm kịch Đồng Tâm xảy ra, ngoài việc bị ám ảnh về cái chết của 3 chiến sĩ cảnh sát và ông Lê Đình Kình không hiểu sao đầu óc tôi lúc nào cũng quẩn quanh câu hỏi: năm nay không biết ban thư ký và cá nhân ông Trọng sẽ viết gì và chúc gì đến toàn thể quốc dân đồng bào (trong đó đương nhiên có thân nhân gia đình ông Lê Đình Kình)? Tôi biết ông Trọng vốn xuất thân từ dân văn chương chữ nghĩa và tôi vẫn còn nhớ giao thừa nằm trước, trước khi kết thúc bài chúc Tết của mình, ông Trọng đã mượn ý thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phóng tác lại thành mây câu vần vèo như sau:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà
Cả nước hân hoan mừng xuân mới
Khải hoàn ta viết tiếp bài ca” [1]
Tuy nhiên, năm nay với thảm kịch Đồng Tâm vừa mới xảy ra và trước đó là sự kiện 39 “thùng nhân” thiệt mạng trên đường vượt biên sang Anh để mưu sinh, tôi không biết ông Trọng có tiếp tục ca “khúc hải hoàn” nữa hay không? Nói gì thì nói, tôi nghĩ đã làm người thì phải biết tôn trọng và chấp nhận sự thật dù đó là những sự thật cay đắng và phũ phàng nhất. Ngoài ra, nói như Giáo sư Ngô Bảo Châu là:
“Phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình.”[2]
Vậy nên, năm nay nếu có chúc gì đó với đồng bào tôi chỉ cầu mong và hy vọng ông Trọng đừng lặp lại câu nói mà thời gian qua đi đâu ông cũng mang ra nói: “Có bao giờ đất nước ta có được cơ đồ như hôm nay!?”. Được vậy, tôi nghĩ vong linh 39 “thùng nhân” cùng 3 chiến sĩ công an và cụ ông Lê Đình Kình 84 tuổi vừa mới mất nếu linh thiêng mà nghe được cũng sẽ bớt ngậm ngùi và biết đâu sẽ mau chóng siêu thoát hơn chăng?
-------
Chú thích nguồn tham khảo:
[1] “Lời chúc tết xuân Kỷ Hợi 2019 của Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”. https://tuoitre.vn/loi-chuc-tet-xuan-ky-hoi-2019-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-20190205001942703.htm
[2]. “Giáo sư Ngô Bảo Châu: Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai”. http://tuoitre.vn/Giao-duc/474615/Giao-su-Ngo-Bao-Chau-Ban-tre-van-day-niem-tin-tuong-lai.html
CT, 20/1/2020
(26 tháng Chạp năm Kỷ Hợi)
Q.H.N

Tác giả gởi cho viet-studies  ngày 20-1-20

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét