Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

20200112. TIN KHÔNG CHÍNH THỐNG VỤ ĐỒNG TÂM

ĐIỂM BÁO MẠNG

NHÂN CHỨNG NÓI ÔNG LÊ ĐÌNH KÌNH 'CHẾT SAU KHI CÔNG AN VÀO ĐỒNG TÂM

BBC/ BVN 11-1-2020

Ông Lê Đình Kình. Bản quyền hình ảnh OTHER
Nhiều nguồn tin khác, trong đó có báo chí ở Việt Nam, nói thêm với BBC rằng họ cũng nghe tin ông Lê Đình Kình đã mất.
Đến cuối ngày 10/1, truyền thông nhà nước ở Việt Nam chưa đưa tin chính thức về tình trạng sức khỏe, còn hay mất, của ông Lê Đình Kình.
Ông Lê Đình Kình, thường được xem là ‘thủ lĩnh’ của người dân ở xã Đồng Tâm, sinh năm 1936.
Người dân, muốn giấu tên, sống ở xã Đồng Tâm, cho BBC hay một người khác, Bùi Viết Hiểu, 76 tuổi, đang ở trong bệnh viện quân y 103, Hà Nội sau vụ ngày 9/1.
‘Chiều hôm 9/1, công an mở cửa vào nhà bác Kình sau khi đã bao vây, niêm phong nhà.
"Một lúc, thấy họ quấn cái gì, khuân xuống. Mình cũng ngửi thấy mùi hương. Ông hàng xóm bên cạnh bảo là bác Kình bị chết ngạt trên tầng hai".
"Con trai thứ hai của bác, Lê Đình Chức, trong lúc bị tấn công, chắc là bị đánh", người dân ở Đồng Tâm nói.
Người dân này cáo buộc công an, vào rạng sáng 9/1, "đánh đập dã man, ai mà chạy được thì họ thả chó đuổi theo".
Người dân này mô tả: "Khi họ về đến đầu làng, người dân đánh kẻng báo động, vì giờ ấy dân còn đang ngủ".
"Họ bắn đạn, hơi cay vào các ngõ xóm, quân họ kéo về đông lắm".
"Nhà tôi phải bế cháu chạy lên xóm trên để trú vì hơi cay mùi hết vào trong xóm".
Người này kể tiếp: "Họ trấn áp, không cho dân ra, trong khi đấy, họ trang bị đầy đủ vũ khí, quần áo, súng, đầy đủ".
"Người dân chống trả, nhưng ai mà ra, là họ đánh, kể cả đàn bà. Có người bị họ bắn đạn cao su vào đùi, giờ vẫn còn tím", người dân này cáo buộc.
Trong khi đó, thông cáo mới nhất của Bộ Công an ngày 10/1 nói:
"Theo báo cáo của Công an thành phố (TP) Hà Nội: Ngày 09/01/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Giết người; Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng; Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội theo Điều 123, Điều 304, Điều 330 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, tình hình an ninh, trật tự ở Đồng Tâm cơ bản ổn định; mọi hoạt động của người dân diễn ra bình thường; nhiều người dân tích cực hỗ trợ lực lượng Công an, Quân đội thực hiện nhiệm vụ.
Việc thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch.
Ngoài 03 cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mà Bộ Công an đã thông tin đến báo chí, cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm an ninh, trật tự thi công tường rào Sân bay Miếu Môn và người dân đều an toàn".
‘Muốn bắt ông Kình’
Còn người dân ở xã Đồng Tâm chia sẻ quan điểm: "Họ muốn bắt đội của bác Kình".
"Từ trước đến giờ họ luôn nghĩ nếu họ bắt các bác đi thì người dân sẽ không đấu tranh nữa".
"Họ nghĩ bác xúi giục dân, nhưng theo tôi không phải. Bác đấu tranh bao năm, người dân thấy đúng thì tham gia, chứ chả ai xúi giục, thấy bác đấu tranh rất đúng".
"Họ nghĩ bắt bác Kình, thì dân sẽ không làm gì nữa".
"Chính quyền đưa tin bây giờ theo hướng cả xã Đồng Tâm và bác đều bất hợp pháp. Họ bảo người chống trả là dân nghiện hút".
"Nhưng không phải, vì dân cũng nhận định khả năng chính quyền sẽ về đàn áp. Nên tối hôm đấy chuẩn bị ở một chỗ, những người ấy trực đêm ở nhà bác, chứ không phải là nuôi nghiện hút, toàn dân lao động bình thường thôi".
Trong khi đó, báo Giao thông ngày 10/1 dẫn lời gia đình, nói có ba người công an đã bị "cháy đen" ở Đồng Tâm.
Phóng sự mô tả cuộc gặp gia đình Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân (SN 1992) – "một trong ba chiến sỹ, cán bộ công an hy sinh trong vụ gây rối ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) rạng sáng 9/1".
Ông Sửu, chú ruột của Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân cho biết:
"Đau đớn lắm, tôi không thể nhận ra hình hài cháu tôi. Có ba người thì toàn thân và mặt mũi đều bị cháy đen, chiếc áo giáp những chiến sĩ mặc đều căng phồng rất khó cởi ra. Mẹ cháu và chị gái cháu định vào nhận dạng nhưng tôi không cho vào vì sợ không chịu được hình ảnh đó", ông Sửu nấc nghẹn, theo báo Giao thông cho hay.
Cụ Lê Đình Kình trong lần gặp gỡ đại diện Viettel hồi đầu năm 2017 – hình lấy từ video clip. Bản quyền hình ảnh YOUTUBE
Tường thuật của VTV
Đài truyền hình quốc gia Việt Nam, VTV, hôm 9/1, phát phóng sự về biến cố ở Đồng Tâm.
Phóng sự, với nhiều hình ảnh tại hiện trường, nói: "Sau hơn 1 tuần các đối tượng nhiều lần gây rối, sáng nay (9/1), các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ các mục tiêu tại khu vực thi công tường rào".
"Mặc dù đã phát loa tuyên truyền nhưng các đối tượng này vẫn manh động ném bom xăng, sử dụng lựu đạn, dao phóng tấn công lực lượng chức năng. Kế hoạch tấn công và hung khí được các đối tượng khai đã chuẩn bị từ trước đó".
VTV nói: "Sự manh động, hung hãn của các đối tượng đã khiến 3 đồng chí Công an bị hy sinh do bị tấn công bằng bom xăng. Tại hiện trường đã thu giữ 8 quả lưu đạn, hàng chục dao phóng, 20 chai bom xăng chưa sử dụng và nhiều pháo nổ".

CĂN CỨ PHÁP LÝ CỦA VỤ TẤN CÔNG VÀO ĐỒNG TÂM ?
DƯƠNG QUỐC CHÍNH / BVN 12-1-2020
Theo thông tin từ báo chí cách mạng và thế lực thù địch mấy hôm nay cho thấy, vụ tấn công vào Đồng Tâm không hề là 1 vụ cưỡng chế đất. Vì cưỡng chế phải ở chỗ đất tranh chấp, ở ngoài cánh đồng và không cưỡng chế vào lúc trời tối. Đằng này CA tấn công vào làng, cụ thể là vào nhà ông Kình, vào lúc 4h sáng.
Đến ngày 10/1, tức là sau khi vụ tấn công kết thúc, CA HN mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tức là lúc tấn công chưa có dấu hiệu tội phạm, căn cứ theo Luật Tố tụng HS.
Vụ này không có khởi tố trước khi tấn công phải chăng là đang có sự bất đồng giữa CA và VKS? Vì việc khởi tố cần có sự phê duyệt của VKS.
CA có thể tấn công trong trường hợp có phạm tội quả tang tức là phía người dân Đồng Tâm đã phạm tội trước, CA tự vệ bằng cách tấn công vào “sào huyệt của bọn khủng bố”! Nhưng theo các nguồn tin mà mình đã đọc, các lề, thì chưa thấy chỗ nào khẳng định người dân dùng vũ khí tấn công những người thi hành công vụ (xây tường rào ở khu đất tranh chấp).
Nếu người dân chống người thi hành công vụ, lẽ ra CA phải tấn công những kẻ chống đối tại nơi chúng phạm tội, là chỗ xây tường. Nhưng vụ tấn công bởi 3000 quân (lời của người vợ bán hàng online) đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước và chủ đích là tấn công vào “sào huyệt” của người dân ở Đồng Tâm, khi chưa hề có dấu hiệu tội phạm. Vậy vụ tấn công, huy động một lực lượng rất lớn đó, dựa vào căn cứ pháp lý nào? Hiện báo chí CM hay Bộ CA, CA HN chưa có câu trả lời đầy đủ. Họ chỉ đưa ra 1 lý do khá mập mờ là:
Trong quá trình xây dựng, sáng 9/1, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương“.
Như vậy, việc chống đối của người dân xảy ra trước ngày 9/1, tại công trường, hay họ chỉ chống đối khi bị tấn công?
Theo mình hiểu, quy trình đúng pháp luật phải là: Nếu người dân chống đối tại chỗ tranh chấp đất, thì CAHN cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can trước, vì đã có đủ dấu hiệu phạm tội, rồi mới đem quân tới bắt người, vào ban ngày, có đại diện của chính quyền địa phương chứng kiến, một cách công khai. Nhưng đây lại có 1 vụ đánh úp vào ban đêm, giống y như việc tấn công bọn tội phạm, khủng bố, bắt cóc… Rồi mới dẫn đến việc người dân tự vệ, chống lại công an, có thể dẫn đến tử vong của cả 2 bên. Có nghĩa là CA đã làm ngược quy trình, là tấn công trước, rồi tìm bằng chứng phạm tội sau.
Được biết, dân Đồng Tâm đã có lời kêu gọi toàn dân Đồng Tâm kháng chiến từ hàng tuần trước, công khai trên FB, mình còn đọc được, không lẽ CA không biết? Vì thế, lẽ ra công an phải tìm lý do cho vụ tấn công trước, ví dụ như việc tàng trữ vũ khí quân dụng… để khởi tố vụ án, có đủ căn cứ pháp lý cho việc bắt giữ công khai. Khi tới bắt người mà bị tấn công thì mới được nổ súng.
Với các phân tích bên trên, dựa vào các căn cứ đã được công bố từ báo chí, thì mình thấy vụ tấn công có dấu hiệu trái pháp luật. Vì vậy, việc này cần UB Tư pháp Quốc hội, Viện KS ND Tối cao điều tra lại xem cách xử lý vụ việc của CAHN có trái luật hay không, bên nào làm sai thì xử lý bên đó, không thể đổ hết tội lỗi lên “bọn nghiện”, “bọn khủng bố”. Phải có lửa thì mới có khói chứ. Hơn nữa, cũng cần phải để các cơ quan báo chí quốc tế vào đưa tin độc lập, để người dân không bị dẫn dắt bởi fake news của cả 2 bên.
Dưới đây là 11 trường hợp cảnh sát được phép nổ súng, mọi người xem có phù hợp với vụ Đồng Tâm không:
Trong một diễn biến khác, hình như ông Kình chưa từng bị khai trừ đảng, ông lại đã từng là bí thư xã Đồng Tâm, lão thành CM. Lẽ ra đưa tin về ông thì báo chí CM phải viết là đồng chí Kình mới đúng. Tại sao lại có 1 đồng chí đảng viên, nguyên bí thư xã, lão thành CM, lại nuôi bọn nghiện và là khủng bố (lúc chết trên tay còn quả lựu đạn – theo CA HN)? Ai mà tin được…

D.Q.C.

ĐÒI HỎI MINH BẠCH THÔNG TIN TRONG VỤ XUNG ĐỘT Ở ĐỒNG TÂM

RFA/ BVN 12-1-2020

Thông báo trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an và việc cưỡng chế vào rạng sáng 9/1/2020. RFA Edited
Thông báo của Bộ Công an vào ngày 9/1 cho biết một số người chống đối việc giao đất quốc phòng cho chính quyền ở Đồng Tâm đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng. Vụ việc đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, trong đó có 3 công an và 1 người dân. Ngoài ra còn có một người dân khác bị thương mà báo chí trong nước gọi là đối tượng.
Đồng thời, thông tin từ Bộ Công an cho biết có ít nhất khoảng 30 người dân được cho là chống đối bị bắt giữ.
Theo lời kể của một dân làng trốn thoát được từ xã Đồng Tâm cho RFA vào ngày xảy ra vụ đụng độ, cảnh sát đã được điều đến Đồng Tâm từ khoảng ba giờ sáng, và lực lượng chức năng đã ném bộc phá, ném hơi cay, bắt nhiều người và thậm chí bắn vào người dân.
Báo chí nước ngoài tìm cách liên hệ trực tiếp với người dân Đồng Tâm sau đó đều không được. Ngoài thông tin từ báo chí nhà nước buộc tội người dân Đồng Tâm, các thông tin từ chính người dân Đông Tâm ra được bên ngoài lại đến từ những Facebooker vẫn tìm cách giữ liên hệ với người Đồng Tâm bằng điện thoại lúc được lúc không.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người đại diện cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền, nói với Đài Á Châu Tự Do:
Đương nhiên theo quy định việc cưỡng chế đất đai rõ ràng phải được công khai minh bạch và rất là nghiêm. Minh bạch từ thông tin cho đến việc chuẩn bị lực lượng thi hành phải được minh bạch đối với người dân và báo chí. Người ta xem đây là một sự cố đặc biệt nên bên ban Tuyên giáo có thể người ta xem xét định hướng tình hình mới quyết định không cho báo chí điều tra độc lập. Còn đối với báo chí nước ngoài, ngay cả luật sư chúng tôi còn không được tiếp cận, báo chí còn rất là khó nên việc nhận định đúng sai cũng không thể biết được. Phần lớn giới luật sư và người làm báo chí họ biết được ranh giới của pháp luật tới đâu khi mà tiếp cận thông tin và trong hiến pháp cũng quy định rất rõ ràng rồi nên đối với việc này thật sự là không minh bạch về báo chí”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm 9/1, các phóng viên nước ngoài đã yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phóng viên tiếp cận hiện trường vụ đụng độ. Lời hứa duy nhất cho đến giờ từ Bộ Ngoại giao là phía Việt Nam sẽ xem xét lời đề nghị này.
Nhận định về điều này, blogger Nguyễn Ngọc Già nói:
Bởi vì điều 70 của Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rất rõ. Thứ nhất khoảng 1 của điều 70 nguyên tắc cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc. Điểm thứ nhất việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, đảm bảo trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật. Điểm thứ hai là thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính. Điều này có nghĩa rằng toàn bộ quá trình cưỡng chế người dân Đồng Tâm từ khuya ngày 9/1 là hoàn toàn vi phạm pháp luật”.
Điều thứ hai, blogger Nguyễn Ngọc Già khẳng định đây quá trình cưỡng chế cướp đất của người dân chứ không còn là việc cưỡng chế theo quy định pháp luật nữa, nó đã chà đạp lên pháp luật Việt Nam, phi nhân tính và chà đạp nhân quyền.
Theo thông tin từ Bộ Công an, có 3 công an đã tử vong trong cuộc đụng độ với những người chống đối tại Đồng Tâm nhưng thông báo không cho biết danh tính của những người đó.
Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định rằng, một biến cố nghiêm trọng vào thời điểm cận Tết như thế này nhưng thông tin báo chí nhà nước đưa ra rất mơ hồ .
Lực lượng chức năng lập rào cản không cho ai ra vào khu vực Đồng Tâm. RFA Edited
“…ban đầu khi họ bảo rằng phía công an có 3 người chết còn phía người dân họ gọi là người chống người thi hành công vụ có 1 người chết nhưng cho đến thời điểm hiện nay về phía người dân tôi đã đọc và kiểm tra rất nhiều thông tin thì ít nhất có 2 người đã chết đó là ông Lê Đình Kình và có thể từ 1 đến 2 người con của ông Kình. Trong khi phía công an trước đây thì họ lại nói là 3 người nhưng tới thời điểm này bản thân tôi kiểm tra thì chỉ thấy có một người duy nhất nhưng đầy khuất tất của trang báo Bảo Vệ Pháp luật đưa ra. Ông này là Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô E22 – Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, lúc gọi là Nguyễn Huy Thịnh, lúc gọi là Nguyễn Duy Thịnh nhưng không có tên tuổi mà chỉ có một tấm ảnh duy nhất thôi”.
Ngay sau sự việc xảy ra, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) đã lên tiếng đề nghị chính quyền Việt Nam phải mở cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ đụng độ gây chết người này. Ngoài ra, HRW cũng yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép các nhà báo, các nhà ngoại giao quốc tế, giới chức Liên Hiệp Quốc được tìm hiểu tình hình tại Đồng Tâm, giám sát việc điều tra vụ việc của chính phủ và đưa tin khách quan về vấn đề này.
Blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng những yêu cầu của quốc tế về việc để báo chí quốc tế vào tác nghiệp đưa tin là điều ông rất hoan nghênh. Tuy nhiên, “…Đây có phải thật sự là thiện chí của phía chính phủ Việt Nam hay không bởi vì phát ngôn của bà Lê Thị Thu Hằng phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói rằng sẵn sàng tạo điều kiện cho báo chí quốc tế vào tác nghiệp về vấn đề Đồng Tâm thì không biết rằng chuyện này có thành sự thật hay không, mặc dù tôi rất hy vọng chuyện này được đưa ra cộng đồng quốc tế bởi vì nó không còn gói gọn trong vấn đề pháp luật của Việt Nam nữa, mà đây là một cái chỉ dấu rất nghiêm trọng về việc chống lại loài người trong một đất nước đang rối ren như vậy, và đây là vết nhơ cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn lại cho rằng, báo chí quốc tế chắc chắn sẽ không được vào khi chưa có sự thoả hiệp cơ bản giữa người dân và chính quyền:
Việc này có thể sẽ không có cuộc đối thoại nhẹ nhàng giống như trước vào năm 2017 nữa vì họ còn giải quyết những vấn đề liên quan đến một số người chết bên trong đó nữa. Nó sẽ liên quan đến nhân quyền và nhân văn nữa.  Họ phải nói chuyện với người dân, người đại diện của họ để làm sao giải quyết vấn đề người chết trước mắt cho nó êm đẹp đã. Tôi tin chắc chỉ trong 1, 2 ngày tới đây thôi vấn đề này sẽ được đưa lên bàn cân chứ bây giờ họ vẫn còn đang họp bàn làm sao vấn đề này cho nó phù hợp”.
Vụ cưỡng chế đất Đồng Tâm của chính quyền hồi năm 2017 đã thất bại khi người dân bắt 38 công an và cán bộ làm con tin. Vào lúc đó, sự việc đã được giải quyết qua đối thoại giữa người dân và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Thậm chí một số đại biểu Quốc hội cũng đã tới tận Đồng Tâm để tiếp xúc người dân ngay sau khi sự việc xảy ra.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/information-transparency-is-required-in-the-conflict-in-dong-tam-01102020151927.html



MẤY CÂU HỎI NHỨC NHỐI TỪ THÔNG BÁO CỦA BỘ CÔNG AN
FB MẠC VĂN TRANG/ BVN 12-1-2020

Sự kiện hàng ngàn binh sĩ bao vây, tấn công vào Làng HOÀNH, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội vào lúc 4 giờ sáng ngày 9/1/2020 làm nhức nhối tâm can bao nhiêu người có lương tri ở trong nước và trên thế giới. Tôi cứ day dứt với mấy câu hỏi về Thông báo của Bộ Công an.
“Thông báo cho biết, từ ngày 31-12-2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch.
Trong quá trình xây dựng, sáng 9-1-2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.
Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật
Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch”
CÂU HỎI ĐẶT RA LÀ:
1. “Gây rối trật tự công cộng” gì lúc 4h sáng, Dân đang ngủ trong nhà họ? Mà nếu “gây rối trật tự” ở trong làng, xóm của họ thì công an xóm/ xã xử lý, chứ sao phải kéo hàng ngàn quân từ Hà Nội về trấn áp?
2. Nếu “chống người thi hành công vụ” thì “Công vụ” gì trong đêm tối? Mà người Dân đang ngủ, “lực lượng chức năng vào công vụ” nhà người ta bất ngờ, không có lệnh, không báo trước, thì người ta ở trong nhà chống lại kẻ xâm nhập, là chống CƯỚP hay chống người CÔNG VỤ?
3. Thông báo cho biết: … “lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn… sáng 9-1-2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng”. Ô hay, sao lại “XÂY TƯỜNG” vào lúc 4 giờ sáng? Sao tường “SÂN BAY MIẾU MÔN” lại ở trong làng Hoành? Sao “MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG có hành vi chống đối” lực lượng đang xây tường, lại không bắt ngay các đối tượng tại chỗ, mà lại tấn công vào làng Hoành, vào nhà dân, gây thương vong cho cả người già và trẻ em đang ngủ?
4. Tại sao lại gọi là “xây dựng tường rào bảo vệ SÂN BAY MIẾU MÔN”? Trên thực tế, “Sân bay Miếu Môn” chỉ là dự án trên giấy (từ 1980) lấy đất, sau đó không làm sân bay. Nay đất này sử dụng làm gì, của doanh nghiệp nào thì phải nói chính xác, không thể lập lờ đem “Sân bay Miếu Môn” ra làm lá chắn được.
5. “hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương”. Tại sao “3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh” chưa thấy nêu danh tính, hình ảnh các chiến sĩ? Trong khi đó “1 đối tượng chống đối chết” đã được thông báo chính thức là Cụ Lê Đình Kình (https://vietnamnet.vn/…/vu-dong-tam-mieu-mon-ban-giao-thi-t…).
Một cụ già 84 tuổi, bị đánh gãy chân cách đây 3 năm, vẫn phải ngồi xe lăn ở trong nhà, sao lại là “1 đối tượng chống đối” với lực lượng chức năng đang xây tường mãi “Sân bay Miếu Môn”, sáng 9/1/2020?…
TÓM LẠI, bản thông báo che đậy những điều bí mật, mờ ám gì đó, nên chứa đựng đầy mâu thuẫn dối trá?
11/1/2020

M.V.T.

 CƯỠNG CHẾ, BẮT DÂN Ở ĐỒNG TÂM VÀO ĐÊM KHUYA LÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT
CAO NGUYÊN/ BBC/ BVN 10-1-2020

Hình minh họa. Một đoạn đường bị chặn ở Đồng Tâm hôm 20/4/2017. Reuters
Luật sư đại diện cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền Hà Nội cho rằng việc công an thực hiện cưỡng chế và bắt dân vào nửa đêm khi không có việc khẩn cấp là hành động vi phạm pháp luật.
Rạng sáng ngày 9/1/2020, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, khiến người dân Đồng Tâm phải chống trả. Bộ Công an Việt Nam phát đi thông báo cho biết có 4 người chết, bao gồm ba công an và một người dân. Tất cả nạn nhân đều chưa rõ danh tính.
Theo thông tin từ Bộ Công an, đây là một vụ “chống người thi hành công vụ”, hiện đã bắt giữ nhiều người gọi là “đối tượng chống đối”, khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Đại tá Nguyễn Bình cho VTV biết có một nhóm đối tượng chống đối gồm 30 người ở Đồng Tâm. VTV vào cùng ngày cho biết nhóm đối tượng chống đối đã bị bắt giữ hết.
Thông báo của Bộ Công an phát ra hôm 9/1 viết:
Từ ngày 31-12-2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch.
Trong quá trình xây dựng, sáng 9-1-2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hi sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.
Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Cảnh sát cơ động vào Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1/2020 Courtesy of FB
Luật sư Ngô  Anh Tuấn, người bảo vệ quyền lợi của người dân Đồng Tâm, vào cùng ngày nói với Đài Á  Châu Tự Do:
Thực tế tôi cũng không nghĩ là sự kiện nó đến mức này. Người dân thông báo cho tôi rằng có sự kiện này. Tôi không biết nó diễn ra vào lúc nào. Tuy nhiên tôi thấy nếu người dân quá khích như thế thì tôi cũng không đồng tình. Xưa nay tôi vẫn khuyên can rằng không nên có những hành động quá khích mà nên kiên trì đối thoại, có thể nó sẽ lâu, rất lâu nhưng đó mới là con đường tháo gỡ tranh chấp chứ không phải bạo lực. Bởi vì bạo lực người dân chỉ tay không thì không thể chống lại chính quyền được.
Nhưng nếu như mà hành động thực hiện cưỡng chế, bắt người dân vào lúc nửa đêm nếu không có việc gì khẩn cấp thì đương nhiên đó là hành động sai với quy định của pháp luật. Người ta không thể bắt vào buổi đêm như thế được. Rõ ràng là không đúng”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết ông không thể vào bên trong khu vực cư ngụ của bà con Đồng Tâm vì bị cảnh sát cơ động chặn lại, yêu cầu phải có chỉ đạo đồng ý từ giám đốc công an Hà Nội.
Vào sáng ngày 9/1, một người dân Đồng Tâm giấu tên nói với Đài Á Châu Tự do rằng bà đang phải lẩn trốn vì các lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm để bắt úp người:
Mới trốn ra được một lúc từ hơn 3 giờ sáng thì có tin là ở ngoài người ta đi bộ vào rất đông. Chúng tôi không nghĩ là nó vào bắt úp dân như thế. Dân cũng chỉ chuẩn bị là ngủ nghỉ lại một chỗ để tự bảo vệ nhau. Cuối cùng là chúng nó về bắt úp dân thì bọn chị bị bất ngờ.
Họ ném bộc phá, ném hơi cay, ném đủ thứ. Bây giờ đánh sập nhà ông Kình rồi. Thế nên là nó bắt được người đi rồi. Trong nhà đấy lúc tối khoảng độ hơn 20 người ở trong đấy nhưng bây giờ cháu nội của ông Kình đã bị bắt mất, hai vợ chồng, hai đứa con. Thằng cháu nội bị bắn gãy tay thì nó bắt được. Còn cái đứa dâu thì nó mới đẻ tầm 3,4 tháng thôi.
Lê Đình Quang cũng bị bắt. Lê Đình Quang nhảy xuống định chạy nhưng bị chó nghiệp vụ nó vồ, bị đánh, bị bắt rồi. Bây giờ bị bắt hơn 20 người trong đấy có cả Quang”.
Ông Lê Đình Kình được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp. Ông Lê Đình Quang là người đã trả lời phỏng vấn RFA vào ngày 6/1 vừa qua, cáo buộc chính quyền Hà Nội điều vũ khí xua đuổi tàu ngoài biển đến bao vây người dân Đồng Tâm.
Đồng Tâm là một điểm nóng tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương và chính quyền nhiều năm qua xung quanh một mảnh đất rộng 59 ha ở Đồng Sênh. Chính quyền cho rằng đây là đất quốc phòng trong khi người dân cho rằng đây là đất canh tác.
Chính quyền Hà Nội đã từng tìm cách cưỡng chế đất Đồng Sênh vào tháng 4 năm 2017 nhưng thất bại do gặp phải sự chống trả quyết liệt của người dân. Người dân Đồng Tâm khi đó đã bắt giữ 38 công an và cán bộ làm con tin để đòi đối thoại với chính quyền. Vụ việc chỉ lắng xuống sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm đối thoại với người dân, hứa không truy tố những người đã phản đối cưỡng chế.
Sự kiện ở Đồng Tâm bắt đầu nóng trở lại từ ngày 31/12/2019, khi bộ Quốc phòng tiến hành xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn, sát với cánh Đồng Sênh, phần đất ruộng mà người dân xã Đồng Tâm cho là mình có quyền sở hữu.
Người dân Đồng Tâm cho biết khi lực lượng chức năng xây dựng, họ chỉ ra xem xét tình hình, nếu không lấn chiếm gì thì bà con sẵn sàng ủng hộ.
Người dân cho biết bắt đầu từ ngày 6/1/2020 chính quyền tiến hành cắt mạng internet vào làng, bao vây, không cho người bên ngoài vào khu vực thôn Hoành, nơi cư ngụ người dân Đồng Tâm.

Đàn áp trước cưỡng chế

Trước khi chính quyền tiến hành cưỡng chế Đồng Tâm, một loạt những nhà hoạt động xã hội, facebookers đã bị an ninh mặc thường phục theo dõi chặt, không thể ra khỏi nhà.
Bà Nguyễn Thị Tâm, dân oan bị cưỡng chế đất ở Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, nói rằng bà bị an ninh theo dõi cả ngày, từ nhà cho đến nơi làm việc. Theo bà Tâm, những thông tin một chiều từ phía chính quyền đưa ra lúc này là chưa thể tin tưởng được:
“Đấy những thông tin đấy thì tôi cũng chỉ biết qua báo chí của Đảng, không biết chính xác là có đúng thật hay không. Bởi vì nhiều khi những cái tin như thế thì cũng chưa thể tin được.
Tôi nghĩ là nếu chính quyền mà đúng thì cứ đàng hoàng mà làm ban ngày, việc gì phải làm ban đêm như thế. Đó là đánh úp dân”.
Anh Trịnh Bá Phương, người nhận được tin sớm từ người dân Đông Tâm và đưa tin lên Facebook đã bị an ninh bắt đi vào sáng cùng ngày. Anh Trịnh Bá Tư, em trai của anh Trịnh Bá Phương cho biết anh Phương đã bị đánh đập và bắt đi vào khoảng 6 giờ sáng và cho đến giờ vẫn chưa biết bị giam giữ ở đâu.

Dân không phải là giặc

Ngay sau khi vụ việc ở Đồng Tâm xảy ra, nhà báo Nguyễn Đình Bổn đặt ra ba câu hỏi cho Nhà cầm quyền Hà Nội về vụ việc này trên trang facebook cá nhân:
Tôi giả sử rằng tôi chấp nhận đất người dân Đồng Tâm đang sở hữu cần thu hồi vì thuộc chủ quyền quân đội, vậy thì:
- Là một chính quyền, về nguyên tắc làm việc là công khai, minh bạch, có cưỡng chế thì cũng đến đọc lệnh ngay giờ hành chánh đó mới là chính danh (và tuân thủ luật pháp).
- Tại sao đánh úp dân vào đêm khuya với vũ trang hùng hậu? Hành vi mờ ám này phải giải thích ra sao? Dân đâu phải là giặc?
- Nếu đã không minh bạch, không chính danh thì nhân danh cái gì để lấy đất hay bắt nhốt người dân?”
Nhà hoạt động Đinh Thảo chia sẻ về thông tin có ba cán bộ chết trong sự kiện này rằng:
“Ai có chồng, con, anh, em,… đang tham gia đàn áp người dân Đồng Tâm thì xin hãy gọi, bảo bỏ súng xuống, về nhà đi, sắp Tết rồi.
Không làm cảnh sát nữa thì về làm công nhân, làm nông dân, đi kinh doanh,… kiếm sống.
Xin đừng bất chấp mạng mình, chối bỏ lương tâm để làm công cụ cho cá nhân hay thế lực nào. Xin hãy dừng tay, các anh có quyền từ chối làm điều trái pháp luật, vô nhân tính, vô đạo đức.
Các anh có quyền, vì các anh là con người!”.

Giải pháp nào cho Đồng Tâm?

Luật sư Hà Huy Sơn, người không phải là luật sư đại diện cho người dân Đông Tâm, nói với RFA về giải pháp giải quyết vấn đề Đồng Tâm tốt nhất hiện nay là hai bên phải cùng dừng lại:
Theo tôi hai bên cần phải cùng dừng lại. Về mặt chính quyền thì cấp Trung ương phải đánh giá lại về vấn đề đất đai ở Đồng Tâm. Bởi vì, nếu không có lý do gì tại sao đa số người dân lại phản đối chính sách của chính quyền thành phố Hà Nội. Cần phải tìm ra nguyên nhân ở đâu. Cần phải xem xét cho đến tận cùng gốc rễ.
Thứ hai, chính quyền đang tổ chức lực lượng để xây bức tường ranh giới sân bay Miếu Môn. Theo tôi, đó cũng chưa phải dự án cấp thiết thì nên dừng lại để tuyên truyền, thuyết phục người dân hoặc bằng một biện pháp pháp luật. Tức là giải quyết bằng toà án thì sau đó hãy tiến hành để giảm căng thẳng giữa chính quyền và người dân Đồng Tâm”.
Bà Nguyễn Thị Tâm nhận định rằng vụ việc này cần phải có một cuộc đối thoại giữa các bên:
Vụ việc này phải có một buổi ngồi lại đối thoại giữa người dân và đại diện Bộ Quốc phòng cũng như chính quyền huyện Mỹ Đức. Phải ngồi đối thoại với nhau trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bên nào đưa ra được bằng chứng có chứng cứ pháp lý để chứng minh thì đương nhiên lẽ phải phải thuộc về bên đó”.
Trong một diễn biến liên quan, ngay trong chiều ngày 9/1, các tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam cùng kí tên trong bản “Tuyên bố Đồng Tâm 9/1/2020, với năm yêu cầu được đặt ra cho nhà cầm quyền Hà Nội:
1. Chấm dứt ngay việc dùng lực lượng vũ trang, dùng bạo lực dưới mọi hình thức.
2. Phải đưa người bị thương ở Đồng Tâm đi cấp cứu, không được ngăn cản người dân, báo chí đến đưa tin, giúp đỡ người dân Đồng Tâm.
3. Phải giải quyết vụ việc công khai minh bạch, thông qua trình tự pháp luật dân sự. Không hình sự hóa trong giải quyết dân sự về đất đai.
4. Phải trả lại quyền Tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam.
5. Phải khởi tố, trừng trị những kẻ ra lệnh cho lực lượng vũ trang đi đàn áp dân, những kẻ đồng lõa với các nhóm lợi ích trong tranh chấp dân sự.
Vào năm 2017, sau vụ cưỡng chế bất thành ở Đồng Tâm, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Đồng Tâm về hai tội danh “bắt giữ người trái pháp luật’ và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản”. Không có người dân Đồng Tâm nào bị bắt sau đó.
Những người dân Đồng Tâm từ đó đến nay vẫn khẳng định họ muốn đối thoại với chính quyền, đồng thời thề kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình dù có phải đổ máu.
Hôm 9/1, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam mở cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ cưỡng chế đổ máu ở Đồng Tâm, đồng thời cho quan sát viên và các nhà báo quốc tế được tiếp cận Đồng Tâm. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết sẽ xem xét yêu cầu cho các nhà báo quốc tế đến Đồng Tâm.

C.N.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét