Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

20200103. BÌNH LUẬN KINH TẾ VIỆT NAM 2019

ĐIỂM BÁO MẠNG

'MẶT TRỜI VẪN ĐANG TOẢ NẮNG Ở VIỆT NAM'

TƯ GIANG/ TVN 31-12-2019

"Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam", câu trích dẫn nhận xét của Ngân hàng Thế giới (WB) về tăng trưởng của Việt Nam của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng hôm qua đã gây sự quan tâm lớn của đông đảo người dân.
Tổng Bí Thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng trích dẫn câu trên tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố sau khi khẳng định các thành tích kinh tế nổi bật của năm qua như tăng trưởng cao trên 7%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 517 tỷ USD, dự trữ 80 tỷ USD.
Trên thực tế, WB đã khẳng định như vậy trong báo cáo Điểm lại cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 12/2019. Định chế này dành những lời rất tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
‘Mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam’
Xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD
WB viết: “Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018”.
WB làm rõ thành tích tăng trưởng như sau: “Năm 2019 có thể được coi là một năm tương đối tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh bất định tăng lên trên toàn cầu, Việt Nam chắc chắn vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên dưới 6,8%, cao gần gấp ba lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%), cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương theo ước tính mới nhất tại báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới”.
Như vậy, mức tăng trưởng mà WB dự kiến còn thấp hơn mức tăng trưởng của Chính phủ đưa ra là 7,02%.
Tuy nhiên, trích dẫn điều gì cần đặt trong ngữ cảnh và trong trường hợp này cũng vậy. WB, sau khi ca ngợi như trên, đã viết: “Vì không thể bỏ qua rủi ro về những ngày xấu trời, Chính phủ đã rất đúng khi chú trọng hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước, coi đó là kênh để bù đắp cho khi sức cầu bên ngoài suy giảm. Mặc dù vậy, doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, nhất là khó khăn trong huy động nguồn tài chính dài hạn”.
Đây chính là điểm nghẽn mang tính cơ cấu khi doanh nghiệp tư nhân trong nước giờ đã trở thành động lực chính cho tăng trưởng, nhưng vẫn bị chèn ép, bị phân biệt đối xử. Điều này này không những được chứng tỏ ngay tại báo cáo cửa WB và các báo cáo của Việt Nam.
Doanh nghiệp tư nhân gặp “trở ngại nghiêm trọng”
Ngay trong báo cáo trên, WB khuyến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh công cuộc phát triển khu vực tư nhân trong nước. Tuy nhiên, WB cảnh báo, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển của họ. Khảo sát doanh nghiệp năm 2016 do WB thực hiện cho thấy cơ hội tiếp cận tài chính được nhận định là trở ngại nghiêm trọng nhất, tiếp theo là cạnh tranh phi chính thống và tiếp đó là trình độ của người lao động.
“Vì vậy, xử lý những trở ngại về tiếp cận tài chính của doanh nghiệp cần được ưu tiên, nếu Chính phủ muốn duy trì quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm”, WB khuyến nghị.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam lại không tiếp cận được vốn vay do phân bổ tín dụng của ngân hàng từ trước đến nay vẫn nghiêng về phía khu vực nhà nước, bao gồm cả các DNNN hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tín dụng trên danh mục của các ngân hàng.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù số doanh nghiệp đăng ký mới đạt mức kỷ lục 138.000, thì tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 cũng cao ở mức kỷ lục 89.200.
WB khẳng định, nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển của họ. Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước có năng suất báo cáo dựa trên giá trị gia tăng trên mỗi người lao động chưa đạt đến 4000 đô la Mỹ/năm, thấp hơn từ hai đến năm lần so với DNNN và doanh nghiệp FDI.
Điều đáng lo ngại không kém là năng suất của các doanh nghiệp đó dường như đang giảm (chứ không phải tăng) do gặp phải quá nhiều cản trở trong những năm qua. Báo cáo môi trường kinh doanh gần đây của WB cho biết, mặc dù Việt Nam có thứ hạng khá tốt so với các quốc gia khác có cùng mức thu nhập theo đầu người, nhưng vẫn đứng sau các nền kinh tế phát triển ở Đông Á.
Việt Nam cũng chưa đạt được nhiều tiến triển trong những năm qua, thậm chí còn bị tụt một bậc trong năm 2020, sau khi có tiến triển tốt từ năm 2010 đến 2016 (tăng trên 20 bậc). Sự chậm tiến về thứ hạng cho thấy tiến độ cải cách về môi trường kinh doanh đã chững lại, ít nhất nếu so với các quốc gia khác. Các chỉ số con về kê khai và nộp thuế, thủ tục thương mại và đăng ký doanh nghiệp nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các cấp có thẩm quyền vì Việt Nam có thứ hạng ở vị trí trên 100 trong toàn bộ các chỉ tiêu đó theo báo cáo môi trường kinh doanh gần đây nhất.
WB khuyến nghị, Chính phủ nên đẩy nhanh sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trong nước và giúp cân đối tốt hơn cho mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa vào sức cầu bên ngoài.

Tư Giang
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Trong vòng 3 năm qua, không có nước nào trên thế giới giảm được tỷ lệ nợ quốc gia như Việt Nam. Năm 2017 tỷ lệ nợ quốc gia khoảng 63,7% GDP nhưng năm 2019 chỉ còn 56% GDP . Nhưng việc giảm này chủ yếu lại là giảm đầu tư công, tức là Việt Nam không đầu tư mới dự án phát triển, điều sẽ  làm giảm khả năng phát triển của đất nước trong tương lai. Ví dụ, nhìn vào điện chúng ta không thấy có một dự án lớn nào trong mấy năm qua, và cung điện đến mức đỉnh rồi. Hay là cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng không có các dự án lớn về đường bộ. ODA được giải ngân chậm nhất trong vòng 20 năm qua. Những việc đó sẽ tạo ra vấn đề trong tương lai.
Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng tắc. Kể từ năm 2017 chúng ta bán Sabeco, và sau đó đến nay chúng ta không thấy một vụ nào lớn nữa được cổ phần hóa. Trong các năm tới 2020, 2021 tôi nghĩ sẽ khó có thể xảy ra cái gì đột biến. Chúng ta sẽ có xu hướng đi xuống trong tiến trình cổ phần hóa và đây là rủi ro cho Việt Nam, tạo ra định hướng khó lường cho cải cách. 
Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2019, nhưng tốc độ tăng tổng thể phản ánh hai quỹ đạo khác biệt. Một mặt, tăng trưởng gia tốc mạnh ở thị trường Mỹ (tăng trên 10 điểm phần trăm từ 2018 đến 2019), mặt khác, tăng trưởng ở các thị trường ngoài Mỹ lại giảm (giảm gần 10 điểm phần trăm).

LỜI CHÀO VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG
TẠ ĐỨC SINH/ TVN 3-1-2020
Mùa đông năm 2019 đã đến chậm, lại qua nhanh, nhường cho mùa xuân đến sớm vừa ấm áp vừa nồng nàn. Những hàng cây đã trút hết lá rụng, trồi non đang bật lên. Những cánh đồng ngoại ô đã bồng bềnh phủ khắp các loài hoa, sẵn sàng tỏa hương sắc vào từng nhà để đón xuân, mừng xuân. Với Việt Nam năm 2020, xin gửi tới lời chào thịnh vượng.
Hai từ "thịnh vượng" chưa bao giờ được nhắc tới nhiều như năm 2019 trong diễn văn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và các đoàn thể. Thịnh vượng đã có hẳn một diễn đàn của VietNamNet với tựa đề "Vì Việt Nam hùng cường", và lan tỏa sang nhiều diễn đàn khác. Đất nước không chỉ nói, viết và đọc nhiều về thịnh vượng, mà còn làm và kiến tạo nhiều về thịnh vượng trong một năm qua.
Trước hết, đó là khẩu ngữ "không để ai bị bỏ lại phía sau" đã được thực hiện không chỉ với những người yếu thế vì nghèo, mà với cả những người yếu thế trong làm giầu chân chính. Những người này, điển hình là doanh nghiệp tư nhân đã chắc tay, vững chân đi vào thực hiện vai trò làm một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Lần đầu tiên sau hơn 7 thập kỷ thành lập nước, tư nhân Việt Nam từ chỗ không làm được một chiếc ốc vít hợp chuẩn, thì năm 2019 đã làm được ô tô trên những dây chuyền hiện đại, với nhịp độ sản xuất ướng tính bằng phút, bằng giây.
Lời chào Việt Nam thịnh vượng 2020
Đây là dịp Đảng cùng toàn dân tổng kết 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, khép lại một chặng đường "dò đá qua sông" đầy sóng gió.
Cũng lần đầu tiên sau 60 năm Sea Games, bóng đá nam Việt Nam đã đăng quang vô địch và bóng đã nữ đã vô địch tới lần thứ sáu.
Cũng phải nhắc lại việc thống kê của Việt Nam sau khi đã bỏ lại phía sau một lực lượng kinh tế trị giá trên 50 tỷ USD trong GDP nhiều năm qua, thì năm 2019 đã phát hiện ra và tức khắc hạch toán vào hệ thống tài khoản quốc gia, làm sáng thêm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Từ việc bổ sung này, kinh tế Việt Nam có thể được tăng vài bậc trong xếp hạng toàn cầu.
Cũng không thể không kể tới việc nền kinh tế Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó tốc độ tăng trưởng ở top đầu thế giới; xuất khẩu lần đầu tiên đạt mốc trên dưới 500 tỷ USD, với độ mở hiếm thấy trên toàn cầu, đóng góp trực tiếp vào GDP với thặng dư 10 tỷ USD xuất siêu.
Trong cuộc chiến thương mại đang khó kiểm soát tại nhiều khu vực, trong công cuộc bảo vệ hòa bình và phát triển tại biển Đông, Việt Nam chứng tỏ đã xác lập được cho mình một hành trình chuẩn giúp vượt qua nhiều trở ngại để mở đường đi tới thịnh vượng.
Cũng không thể không ôn lại những thất bại đã gặp phải trên con đường khám phá Việt Nam thịnh vượng, đó là quốc nạn tham nhũng bắt nguồn từ vi phạm những nguyên tắc kỷ luật của Đảng và luật pháp của Nhà nước.
Đáng kể nhất là nhiều cán bộ cấp chiến lược đã lợi dụng chức quyền được giao để lập ra những "quả đấm thép" đầy sai lệch, khiến nền kinh tế bị lún sâu vào bế tắc, đến nay vẫn còn nhiều chục quả đấm tiếp tục hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ kéo dài, cùng với số vốn hàng triệu tỷ đồng đang bị chôn tại chỗ, không thể chu chuyển trong nền kinh tế.
Số vốn này tương đương với toàn bộ số nợ công của Nhà nước trong nhiều thập kỷ qua tính dồn đến cuối năm 2019 (khoảng trên 3 triệu tỷ đồng). Nếu không có số vốn bị chôn này, Nhà nước đâu bị nợ nhiều đến thế. Những người này đã đánh vào thịnh vượng của nền kinh tế, vào chất lượng của phát triển, vào uy tín của Chính phủ, vào niềm tin của công chúng đối với công cuộc Đổi mới. Hàng loạt người trong họ đã bị lộ diện và xét xử trong vài năm gần đây, nhất là năm 2019.
Con đường đi tới thịnh vượng đã bớt được tham nhũng, nhưng hiểm họa của nó vẫn còn ngự trị tại nhiều huyệt điểm của nền kinh tế - xã hội.  
Lời chào thịnh vượng năm 2020 là sự gửi gắm của người dân về niềm tin mãnh liệt vào con đường xây dựng một xã hội dân giầu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh của Việt Nam.
Trên thế giới đã từng có "Giấc mơ Mỹ", có "Trung Hoa mộng"… Với Việt Nam năm 2020, chúng ta có "Việt Nam thịnh vượng". Ở đâu đó, giấc mơ, giấc mộng có thể chỉ là hư ảo, còn ở Việt Nam, thịnh vượng như chồi non đang bung sức ngay từ buổi đầu xuân này, đã được chuẩn bị trên nền tảng vững chắc của thực tiễn hơn ba thập kỷ tiến hành công cuộc Đổi Mới.
Với ba thập kỷ, người Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được sự phát triển thần kỳ trong thế kỷ XX, trở thành quốc gia có thu nhập cao. Mùa xuân năm 2020 là thời điểm để Việt Nam bắt đầu giai đoạn bỏ lại phía sau những hụt hẫng đã qua để tái lập một thần kỳ mới, thần kỳ trong thế kỷ XXI với sự hiện diện của 4.0 tại Đông Á.
"Việt Nam thịnh vượng" với niềm tin được mở đầu bằng sự kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là dịp Đảng cùng toàn dân tổng kết 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, khép lại một chặng đường "dò đá qua sông" đầy sóng gió. Những gì dò được, tuy chậm nhưng đã quá tường minh. Những vàng thau lẫn lộn đã được phân định.
Động lực phát triển nền kinh tế đã được khẳng định dứt khoát, không còn do dự. Cán bộ cấp chiến lược đã qua nhiều bộ sàng lọc, không để lọt vào Đại hội những trường hợp quan chức bị xử lí như các vụ đại án trong mấy năm gần đây.
Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, không chỉ cho nhiệm kỳ 5 năm mà còn trù tính cho tới năm 100 tuổi Đảng (2030), 100 tuổi nước (2045). Đây là nhịp thời gian vừa cần vừa đủ để Việt Nam đạt tới thịnh vượng trong thế giới hiện đại.
"Việt Nam thịnh vượng" được dẫn dắt bởi những hoạt động khẩn trương ở tầm khu vực và toàn cầu của Việt Nam ngay từ đầu năm 2020. Đó là thực hiện vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, và thực hiện vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với sự tín nhiệm cao hiếm thấy, gần như tuyệt đối của các thành viên thuộc tổ chức này.
Trong một thế giới đầy biến động khó lường, Việt Nam có đủ bản lĩnh để đưa ra những lá phiếu trong quyết định tập thể của các tổ chức trên theo hướng có lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
"Việt Nam thịnh vượng" được ghi dấu ấn bởi những động lực phát triển đã được xác định rõ ràng, dứt khoát, không còn chút lăn tăn. Ở đó, sức mạnh của nhà nước là kiến tạo sự phát triển chứ không phải là trực tiếp kinh doanh, sở hữu doanh nghiệp; ngân sách nhà nước được sử dụng chủ yếu vào các mục tiêu an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, dịch vụ công, và chỉ đầu tư vào những chương trình do khu vực ngoài nhà nước chưa sẵn sàng đảm nhận.
Ở đó, chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ áp dụng cho những người yếu thế trong giảm nghèo, mà cho cả những người yếu thế trong làm giầu chân chính, nhất là những người khởi nghiệp với số thất bại đang chiếm tới 90%.
"Việt Nam thịnh vượng" được đồng hành với sự hoàn thiện ngày càng cao của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Những gì là lỗi không vì dân, không của dân, không do dân của Nhà nước đã bộc lộ hết trong ba thập kỷ qua.
Nhiều lỗi trong số đó đã được sửa, nhất là trong năm 2019 như kiện toàn lại bộ máy, sắp xếp lại nhân sự, xử lý nghiêm các phần tử tham nhũng, thoái hóa, biến chất.
Nhiều việc đã được trù tính và bắt đầu làm ngay từ năm 2020 như thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, trong đó có việc không tiếp tục duy trì Hội đồng nhân dân phường; tiến hành sáp nhập các xã, các huyện không hội đủ tiêu chuẩn về diện tích và dân số trong 11 tỉnh và thành phố. Nhiều việc lớn hơn sẽ được triển khai sau khi có chủ trương của Trung ương.
Sự hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền được đồng hành liên tục, không có điểm dừng và ngay từ đầu với hành trình đi đến thịnh vượng là đảm bảo vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu của "Việt Nam thịnh vượng".
"Việt Nam thịnh vượng" cũng đặt ra những yêu cầu về tính hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Nhà nước.
Mười năm trước đây, tại 10 tỉnh và thành phố đã tiến hành thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân xã, và huyện, năm 2020 Hà nội thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường. Đây đều là những tổ chức quyền lực nhà nước tại địa phương có chỉ dấu về hiệu quả hoạt động chưa đạt được như mong đợi, phải thí điểm để tổ chức lại.
Những việc đó có giá trị gợi mở đối với việc thí điểm để tổ chức lại các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, ngôi nhà chung của đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nếu “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” là bài học bất biến so với các bài học khác của cách mạng Việt Nam thì “Việt Nam thịnh vượng” đến sớm hay muộn trong thời gian tới sẽ tùy thuộc rất nhiều vào việc thực hiện đổi mới hệ thống tương xứng với đổi mới tổng thể của Việt Nam.
TS Đinh Đức Sinh

KINH TẾ VIỆT NAM 'KHỞI SẮC' NHƯNG ' CẦN CẢI THIỆN NHIỀU'
VOA 3-1-2020
Công nhân đang làm việc tại một xưởng may mặc ở Hà Nội. May mặc vẫn là một trong những mặt hang xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam
Công nhân đang làm việc tại một xưởng may mặc ở Hà Nội. May mặc vẫn là một trong những mặt hang xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam
Mặc dù kinh tế Việt Nam trong năm 2019 có nhiều điểm sáng với mức tăng trưởng cao nhưng Việt Nam cần thực hiện nhiều cải cách để tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển, một nhà kinh tế trong nước nói VOA.
Việt Nam kết thúc năm 2019 với nhiều chỉ số kinh tế vượt trội trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, khiến cho đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khen ngợi rằng ‘mây đen kéo về toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam’.
Theo số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố, kinh tế Việt Nam trong năm 2019 tăng trưởng 7,02% - tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong vòng 10 năm qua, mặc dù con số này xê dịch một chút so với tính toán của Ngân hàng Thế giới (6,8%) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (6,9%).
Đây là mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới trong khi những nền kinh tế năng động nhất châu Á đều có mức tăng trưởng thấp hơn, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ tăng 6,1% còn Indonesia tăng 5%, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Kim ngạch ngoại thương của Việt Nam trong năm 2019 cũng đạt mức kỷ lục là 517 tỷ đô la – xuất khẩu 263 tỷ và nhập khẩu 253 tỷ, theo số liệu Bộ Công thương công bố. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam có thặng dư thương mại với mức xuất siêu là 10 tỷ đô la.
Số lượng doanh nghiệp mới đăng ký thành lập trong năm 2019 đạt trên 138.000 doanh nghiệp, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê với số vốn tăng 17,1% so với năm trước đó. Trong khi đó, mức dự trữ ngoại hối cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 80 tỷ đô la, theo công bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương hôm 30/12.
Nhờ chiến tranh thương mại?
Trao đổi với VOA về những kết quả này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, người từng là thành viên tổ tư vấn kinh tế của chính phủ, nói rằng tốc độ tăng trưởng như thế vừa là ‘nỗ lực trong nước’ vừa là ‘cơ hội do chiến tranh thương mại tạo ra’.
“Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm cho xuất khẩu tăng vọt hẳn lên và xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng rất cao,” ông cho biết.
Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong năm 2019 tăng đến 27,8%. Với mức xuất khẩu sang Mỹ đạt 60,7 tỷ đô la và nhập khẩu 14,3 tỷ, Việt Nam có thặng dư lên đến trên 46 tỷ đô la trong giao thương với Mỹ.
Tuy nhiên, trước viễn cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ được giải quyết và Việt Nam sẽ mất đi lợi thế xuất khẩu vào thị trường Mỹ, ông Doanh cho rằng Việt Nam ‘sẽ nỗ lực phát triển khu vực kinh tế tư nhân’.
Ông nói việc kinh tế tư nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh là điều đáng mừng và dẫn chứng là số doanh nghiệp mới ra đời tăng lên, sự kiện tập đoàn Vingroup ra mắt xe hơi ‘made in Vietnam’ Vinfast, hãng xe Trường Hải xuất khẩu xe buýt sang Philippines, gạo ST 25 được công nhận là ‘gạo ngon nhất thế giới’ và xuất khẩu trái cây Việt Nam được đẩy mạnh như xuất khẩu xoài và vải thiều.
“Tôi rất hy vọng các tập đoàn tư nhân của Việt Nam phát triển vững mạnh,” ông nói. “Tôi mừng là Vingroup đã đầu tư vào trường đại học, vào viện nghiên cứu.”
“Trong nông nghiệp cũng có những tín hiệu tốt. Có nhiều thành phố đã đầu tư xây dựng các trang trại hiện đại, nhờ đó đạt được những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao hơn và có thể tăng thêm xuất khẩu của Việt Nam,” ông nói thêm.
Ông khen ngợi công tác điều hành của Chính phủ: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ đã hết sức năng nổ trong việc tạo thuận lợi cho điều kiện kinh doanh, cắt giảm giấy phép, vận dụng chính phủ điện tử nên đã làm giảm bớt rất nhiều chi phí thời gian và chi phí tiền bạc cho các doanh nghiệp.”
‘Chưa thấy điểm sáng’
Về các doanh nghiệp nhà nước, vốn lâu nay có nhiều tai tiếng vì các khoản lỗ hàng tỷ đô la, ông Doanh nói trong năm vừa qua ‘chưa thấy điểm sáng gì rõ nét’ và dẫn ra trường hợp Gang thép Thái Nguyên với các lãnh đạo bị đưa ra kỷ luật.
Ông cho biết ‘11 công trình đã đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn đang đợi được xử lý’ và ‘cần phải xử lý khẩn trương và hiệu quả để trong thời gian tới có thể huy động được tài sản cố định đã được đầu tư vào đó’.
Về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng chuyển dịch về phía các linh kiện điện thoại, linh kiện máy tính (chiếm phần lớn tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chứ không phải các mặt hàng truyền thống như sản phẩm may mặc, giày dép), ông Doanh nhận định đó là ‘tín hiệu đáng mừng’.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nhấn mạnh “Các mặt hàng điện tử là của nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị gia tăng của người Việt Nam còn hạn chế” và kêu gọi Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để có những thương hiệu của người Việt Nam.
Cần cải thiện môi trường kinh doanh
Nhà kinh tế này cũng lưu ý rằng mặc dù trong năm vừa qua, Việt Nam đã có mức thăng hạng cao nhất trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh trạnh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới – từ hạng 77 lên 67, nhưng hạng 67 ‘chưa phải là thứ hạng cao’.
“Luật Doanh nghiệp đã thuận tiện hơn nhưng giấy phép con vẫn còn, các doanh nghiệp vẫn báo cáo là các chi phí ngoài pháp luật vẫn còn,” ông cho biết. “Phải công khai minh bạch để các doanh nghiệp biết là đơn của họ đang được ai xử lý và bao lâu sẽ có câu trả lời.”
Mặc dù đã có chính phủ điện tử, nhưng ông Doanh cho biết ‘các doanh nghiệp vẫn phản ánh là đến khâu cuối cùng họ vẫn phải in tài liệu ra đến nộp và khi nộp vẫn phải có chi phi ngoài pháp luật’. “Điều này làm cho chi phí doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn cao so với các nước khác trong Asean,” ông nói thêm.
Riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ và mảng kinh tế hộ gia đình, ông Doanh cho rằng ‘năng lực cạnh tranh quốc tế không cao’ vì ‘không có thương hiệu nên khó có thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước ASEAN đang tràn vào thị trường Việt Nam trong năm 2019.”
Cựu thành viên tổ tư vấn kinh tế của chính phủ dự đoán năm 2020 sẽ là ‘năm có nhiều thách thức’ với nhiều biến động ‘khó có thể dự báo’.
KINH TẾ VIỆT NAM 2019 QUA SẮC MẶT CỦA NGƯỜI DÂN LAO ĐỘNG
HIỀN VƯƠNG /BVN 2-1-2020

Kinh tế Việt Nam 2019 nhìn qua sắc mặt của người nông dân, vẫn là câu chuyện cũ kỹ: Điệp khúc “được mùa – mất giá”, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc của nông sản Việt cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua.
Chỉ số lạm phát khoảng 2,79%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng, giúp cho tăng trưởng càng thêm có ý nghĩa. Với chỉ số này, lạm phát năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây, năm 2018 là 3,54% và năm 2017 là 3,53%, nằm dưới cả mức dự báo của chính phủ từ đầu năm là CPI tăng từ 3,3- 3,9%.
Đó là những con số thống kê đăng tải trên hầu hết các trang báo ở Việt Nam trong dịp tổng kết năm 2019. Thế nhưng nếu nhìn tình hình kinh tế qua sắc mặt của người dân lao động, không khó để nhận ra là những phát biểu vĩ mô của các quan chức, viên chức chính phủ thường có độ vênh so với mâm cơm của giới bình dân.
Nói lạm phát dưới 3%, nhưng thực tế là dĩa cơm bình dân của công nhân từ 20 ngàn vào đầu năm 2019, thì đến đầu tháng 12 đã lên tới 25-30 ngàn, vì miếng thịt thì teo tóp hơn so hồi hơn chục tháng trước đó. Các hàng quán cuối năm đều điều chỉnh giá tăng từ 15% – 25% so với đầu năm. Không thể không tăng cao trong ngành hàng ăn uống, vì thịt heo ở quý cuối năm 2019 đã tăng gấp đôi so với mức đầu năm, các hoá đơn tiền điện tăng 30 – 50% từ  ngày 20/3/2019, có tới 1.900 dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá từ 20/8/2019.
Chi li hơn, theo con số tính toán của người nội trợ tại Hà Nội thì thời điểm giữa năm 2019, giá rau xanh, củ, quả tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thủ đô tăng giá mạnh, có loại tăng gấp đôi. Rau muống được bán phổ biến là 10.000 đồng/mớ so với mức 6.000 đồng/mớ trước đây; mướp và đỗ đũa cùng có giá 25.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng; giá bắp cải tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; khoai tây 13.000 đồng, tăng 5.000 đồng; cà tím 18.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng; cà rốt 15.000 đồng/kg; giá cà chua tăng gần gấp đôi lên 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá rau sống tăng từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng/kg…
Không rõ những con số tăng giá cả này ngay tại Hà Nội có được những quan chức, viên chức trong chính phủ nhớ đến khi họ nghe đọc báo cáo thống kê năm 2019 về chỉ số lạm phát.
Kinh tế Việt Nam 2019 nhìn qua sắc mặt của người nông dân, vẫn là câu chuyện cũ kỹ: Điệp khúc “được mùa – mất giá”, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc của nông sản Việt cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua.
Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cơ bản do Việt Nam hầu như không chịu thay đổi trong nhiều năm qua, sản xuất luôn phụ thuộc vào nhập khẩu làm đầu vào; đầu vào là sản phẩm của Việt Nam cơ bản là điện, nước, bao bì và các chi phí dịch vụ mà thôi. Đến thời điểm hiện tại, ý niệm “thoát Trung” về mặt kinh tế dường như là không mấy hiện thực.
Kinh tế Việt Nam 2019 nếu nhìn qua sắc mặt của giới tài chính, thì nhìn chung vẫn gam màu ảm đạm của ‘mây đen phủ’ hơn là ‘mặt trời vẫn đang tỏa sáng’ như ví von của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam hôm 30/12/2019. Con số thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quy mô giao dịch trên thị trường cổ phiếu năm 2019 chỉ đạt trung bình 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm 29%.
Một con số đáng quan tâm khác là việc tổng số vốn huy động qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2019 cũng giảm khá mạnh, giảm 41% so với năm 2018. Nói một cách khác, niềm tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với chuyện bỏ vốn vào làm ăn ở Việt Nam vẫn còn là chuyện của ‘trời mây vần vũ’…
H.V.
VNTB gửi BVN 
KINH TẾ VIỆT NAM 2019 CÓ THỰC SỰ 'TOẢ SÁNG' NHƯ LỜI ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG ?
RFA 31-12-2019
Trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào sáng ngày 30/12, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2019 đã cho rằng kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong khi kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm. Ông nhấn mạnh rằng: “Ngân hàng Thế giới – World Bank đã nhận định, mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam.”

Tranh cãi về đánh giá kinh tế Việt Nam 2019

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chánh ngân hàng cho rằng nhận xét của ông Nguyễn Phú Trọng khá lý thú, tuy nhiên dựa theo con số thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2019 thì cũng không quá đáng. Ông giải thích:
“Dĩ nhiên những nhận định như thế mang tính cách của một Chủ tịch nước. Nói chung tất cả những chỉ số kinh tế chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 có sự phát triển khả quan. GDP Việt Nam năm 2019 tăng 7,02%, từ năm ngoái tới năm nay là 2 năm vượt ngưỡng 7%, đó là một dấu hiệu tốt. Bên cạnh đó thì lạm phát bị kiềm chế ở mức 2,76%, xuất siêu 9 tỷ cũng như nguồn kiều hối về đến Việt Nam là 16,7 tỷ đô la. Tất cả những chỉ số đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định. Đó là các con số của Cục Thống kê cũng như một số tổ chức nước ngoài chẳng hạn như World Bank. Dĩ nhiên những con số này chính xác như thế nào thì có lẽ chúng ta cần có sự nghiên cứu xem những chỉ số thế này có bên nào nào mang tính độc lập kiểm chứng lại hay không.”
Những con số này chính xác như thế nào thì có lẽ chúng ta cần có sự nghiên cứu xem những chỉ số thế này có bên nào nào mang tính độc lập kiểm chứng lại hay không. - TS. Nguyễn Trí Hiếu
Cụ thể, báo trong nước trích lời Tổng Bí tư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về điểm sáng kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh kinh tế “tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, vượt kế hoạch đề ra, nâng quy mô GDP lên 266 tỷ USD, bình quân 2.800 USD/người. Năm 1996, quy mô GDP trên đầu người chỉ có 300 USD/người, giờ tăng lên gấp nhiều lần trong khi dân số gần 100 triệu người.”
Nói về tính xác thực của những thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam, tờ Bloomberg vào ngày 30/12 có đăng tải bài viết cho rằng Việt Nam có vẻ tốt chỉ trên giấy tờ.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế lâu năm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương không đồng ý với tiêu đề bài viết vừa nêu:
“Tôi nghĩ không hẳn như vậy, tôi nghĩ rằng có những tiến bộ và cải tiến thật sự trong đời sống người dân cũng như trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Tuy vậy phần đóng góp của doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn và đóng góp của đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn, nhưng không nên đánh giá đấy chỉ là những con số trên giấy.”

Thuận - nghịch chồng chéo!

Tác giả Shuli Ren trong bài phân tích đăng trên Bloomberg cho rằng Việt Nam có thể gặt hái thịnh vượng nhờ xuất khẩu và mối quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ thông qua một lực lượng lao động trẻ, bất động sản bùng nổ, ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Thực tiễn này khiến nhiều người so sánh Việt Nam với Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ trước. Đặc biệt, trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam được đánh giá là một gia hưởng nhiều lợi ích nhất. Tuy nhiên, theo tác giả thì cần thêm một điểm khi bước sang thập kỷ 2020: sự thịnh vượng không lợi ích.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, riêng về mặt đầu tư thì Việt Nam cũng có lợi thế do một số cơ sở nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc đã chuyển dịch cơ sở của họ sang Việt Nam nhưng con số chính xác thì ông không rõ. Tuy nhiên, dù thương chiến Mỹ - Trung đem lại nhiều mặt lợi, nhưng cũng có mặt hại. Ông nói rõ:
Các tòa nhà cao tầng nhìn từ phía sông Sài Gòn
Các tòa nhà cao tầng nhìn từ phía sông Sài Gòn Reuters
“Mặt bất lợi là có những hàng hóa tuồn từ Trung Quốc đến Việt Nam rồi từ Việt Nam xuất sang Mỹ. Những hàng này có thể cho là giả mạo nguồn gốc và có thể là rủi ro cho kinh tế Việ Nam nếu xem xem những mặt hàng đó là cách Trung Quốc tránh trừng phạt, tuồn vào Việt Nam và xem Việt Nam như trạm trung chuyển sang Mỹ. Thành ra có những rủi ro và những bất lợi khác. Chẳng hạn như hàng hóa nếu Trung Quốc không xuất đi Mỹ thì nước láng giềng ngay bên cạnh là Việt Nam có thể phải hứng những món hàng đó với giá rẻ chất lượng cao. Có thể làm cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh rất cao với hàng Trung Quốc.”
Bên cạnh đó, tác giả Shuli Ren cũng chỉ ra tình hình chứng khoán tại Việt Nam trong năm qua cũng không khởi sắc.
Theo tác giả Shuli Ren, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện bị chi phối bởi các ngân hàng và chỉ có một nhà phát triển bất động sản là Vingroup JSC. Trong khi đó, dù kinh doanh bất động sản vẫn là nguồn thu chính của Vingroup nhưng tập đoàn này đã chuyển sang sản xuất ô tô và điện thoại thông minh.
Ngoài ra, vấn đề nợ xấu cũng đang là mối nguy hại với nền kinh tế Việt Nam.
Fitch Ratings, một tổ chức xếp hạng tín dụng của Mỹ và là một trong ba tổ chức xếp hạng thống kê được công nhận trên toàn quốc được chỉ định bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, gần đây cảnh báo rằng một nửa các ngân hàng ở Việt Nam không thể đáp ứng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu 8%.
Do đó, các ngân hàng cần tăng vốn để tránh nợ xấu trong tương lai nhưng việc tăng vốn các ngân hàng là rất khó, ngay cả khi nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần. Nguyên nhân được nói là do chính phủ áp mức giới hạn 30% cho sở hữu nước ngoài.

Lối ra nào?

Để giải quyết tình trạng này cũng như kéo chứng khoán Việt Nam đi lên, tác giả Shuli Ren cho rằng đến lúc Việt Nam cần gỡ bỏ các chính sách bảo hộ và mở cửa kinh tế thực sự.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng ý với ý kiến này, ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam phải mở cửa nhiều hơn nữa:
Phần đóng góp của doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn và đóng góp của đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn, nhưng không nên đánh giá đấy chỉ là những con số trên giấy. - TS. Lê Đăng Doanh
“Nền kinh tế Việt Nam cần tiến đến một giai đoạn, trạng thái một nền kinh tế thị trường thực thụ. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp có vốn nhà nước cần phải giảm thiểu để doanh nghiệp tư nhân có sân chơi cạnh tranh công bằng. Đây cũng đúng là chủ trương chính phủ. Chính phủ Việt Nam trong những năm qua đã tìm cách thoái vốn khỏi các doanh nghiệp có vốn nhà nước, đã thành công trong một mức độ nào đó tư nhân hóa mà Việt Nam gọi là cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn nhà nước để biến những doanh nghiệp đó trở thành doanh nghiệp tư nhân và cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần tiếp tục con đường này để tiến đến nền kinh tế thị trường hoàn hảo hơn cho đúng với ý nghĩa của nó.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng nếu Việt Nam muốn mở cửa và muốn cắt giảm bảo hộ thì trước hết phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Vì nếu như các sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam chưa có tiến bộ lớn thì lúc bấy giờ rất khó mở cửa và cắt giảm bảo hộ, khi đó hàng hóa Việt Nam khó có thể cạnh tranh. Ông giải thích:
“Năm 2019, Việt Nam đã thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ CPTPP, trong đó hàng hóa các nước khác cũng bắt đầu cạnh tranh. Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang bị cạnh tranh rất mạnh đối với các sản phẩm nước ngoài như thịt bò Mỹ rẻ hơn rất nhiều so với thịt bò Việt Nam. Đấy cũng là một trong những thách thức mà sắp tới đây nền nông nghiệp Việt Nam sẽ còn phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa.”
Nhận định đúng thực chất phát triển, tỉnh táo trước những lời khen ‘có cánh’ để có những bước đi đúng đắn là điều cần thiết lúc này.


ĐẰNG SAU VIỆC MOODY'S HẠ TRIỂN VỌNG TÍN NHIỆM 

KINH TẾ VIỆT NAM

KHÁNH NGUYÊN/ ĐV 1-1-2020

Vào những ngày giữa tháng 12/2019, thông tin Moody's thông báo điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuống mức Tiêu cực được xem như một mảng màu xám xấu xí không nên có trong bức tranh kinh tế Việt Nam vốn đang rất khả quan. Quyết định được đưa ra hơn 2 tháng sau khi hồ sơ tín dụng của Việt Nam bị đưa vào diện theo dõi hạ bậc.
Moody's đánh giá việc Chính phủ chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp "là sự yếu kém về thể chế, quản trị, hơn là tài chính". Dẫu vậy, sự thật là chúng ta đã bị hạ triển vọng tín nhiệm và chắc chắn điều này sẽ kéo theo một số hệ lụy.
Quả thật, ngay sau quyết định của Moody’s về triển vọng tín nhiệm, 18 ngân hàng thương mại Việt Nam cũng bị điều chỉnh triển vọng tín nhiệm tương tự. Các vấn đề về lãi suất các khoản vay mới của Chính phủ cũng như tâm lý nhà đầu tư sẽ phát sinh mà sự phản ứng của Bộ Tài chính dù cần thiết nhưng khó có thể xoay chuyển tình hình.
Vậy thì, câu chuyện đầu tiên cần bàn ở đây, đúng như Moody’s nhận định, sự yếu kém trong quản trị. Không thể không mở rộng đôi tai mà nghe rõ, Việt Nam bị đánh giá “vẫn tiềm ẩn rủi ro của việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ trong bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh”.
Điều này xem ra không có gì lạ. Không cần tới những chậm trễ trong việc trả nợ nước ngoài tại các dự án La Sơn – Túy Loan, Quốc lộ 20 và Thủy điện Hồi Xuân, nguyên nhân chính khiến Moody’s có đánh giá tiêu cực về triển vọng tín nhiệm Việt Nam, chúng ta đã nhìn thấy quá nhiều bài học nhãn tiền.
Dang sau viec Moody’s ha trien vong tin nhiem kinh te VN
Bộ Tài chính đã có những động thái phản ứng với quyết định hạ triển vọng tín nhiệm kinh tế Việt Nam của Moody’s
Vào tháng 10/2019, khi động thái tiêu cực về xếp hạng tín nhiệm Việt Nam được Moody’s đưa ra, những phân tích về tình hình nợ do Chính  phủ bảo lãnh đã được đề cập. Theo đó, đến cuối năm 2018, tổng giá trị các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh lên tới 27,7 tỉ USD, trong đó 23,6 tỉ USD vốn vay nước ngoài. Đáng nói là, báo cáo của Chính  phủ thời điểm đó đã thẳng thắn, nhiều dự án được Chính phủ bảo lãnh do khó khăn về tài chính đã không có khả năng trả nợ, đang phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn hoặc phải tái cơ cấu do nợ quá hạn cao.
Trực quan hơn, trong khối nợ tại 12 đại dự án tai tiếng của ngành Công thương, có rất nhiều khoản một đi không trở lại. Bất cập, lãng phí trong hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vẫn đang tồn tại, tiềm ẩn rủi ro tại các khoản nợ Chính phủ bảo lãnh cho những đứa con cưng này. Khi yếu kém, sai phạm trong các chủ trương đầu tư làm thất thoát cả trăm, cả ngàn tỷ đồng chưa ‘hai năm rõ mười’, khi những vụ việc hiếm hoi bị lộ sáng chưa được xử lý nghiêm khắc, nút thắt trong vấn đề nợ do Chính phủ bảo lãnh chưa được tháo gỡ. Sẽ vẫn thấp thỏm, lo ngại về những kịch bản tương tự.
Đó là chưa kể, tình thế có thể đang dần trở nên phức tạp hơn. Theo cam kết, lịch trả nợ gốc trên danh mục nợ hiện hành của Việt Nam rơi vào những năm 2020-2021. Nói cách khác, trong hai năm tới, nghĩa vụ trả nợ gốc những khoản vay của chúng ta qua các thời kỳ tăng, đồng nghĩa, đỉnh trả nợ công rơi vào những năm này.
Trong khi đó, chúng ta đã phải vay để trả lãi, trả nợ gốc và vẫn tiếp tục duy trì vay để bù đắp bội chi. Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, nhu cầu vay của Chính phủ năm 2020 sẽ là 459,4 nghìn tỷ đồng, cao hơn dự toán vay của Chính phủ năm 2019 khoảng 50.000 tỷ đồng. Gần một nửa số trên sẽ dùng để bù đắp bội chi; một lượng tín dụng tương tự dùng để trả nợ gốc của ngân sách trung ương.
Dù có tự trấn an bằng nguyên tắc là đảo nợ mà không làm tăng nợ, khi lãi suất thay đổi, điều đương nhiên xảy ra đối với nhiều định chế tài chính, Việt Nam không thuộc nhóm nước được vay ưu đãi, gánh nặng nợ không thể không nặng nề thêm.
Không thể phủ nhận, sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam được coi là điểm cộng trong mắt các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc gia như Moody’s. Mức tăng trưởng trên dưới 7% duy trì trong 3 năm trở lại đây và dự báo GDP tăng trung bình 7% trong giai đoạn 2021-2025 đảm bảo nợ công nằm trong ngưỡng an toàn, theo cách tính của Việt Nam. Dù vậy, vẫn dễ dàng nhìn ra những vấn đề rất đáng quan tâm. 
Thứ nhất, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI là một thực tế không mới và đương nhiên không thể khiến nụ cười trọn vẹn. Vì thế, dù đã đạt được thành tích kinh tế ấn tượng, việc Việt Nam vẫn phải vay để bù đắp bội chi vẫn có thể lường trước. Điều này thể hiện tăng trưởng kinh tế không đi đôi tương xứng với mức thu ngân sách.
Nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh giúp phân biệt rõ các mảng màu trên bức tranh kinh tế. Xét tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khối FDI, mức tăng chỉ đạt 3% trong giai đoạn 2000-2015 trong khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này tăng 10%.
Về nộp ngân sách, theo số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2011-2016, khu vực FDI có lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hơn 181%. Thế nhưng, thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước, trong đó đã tính cả thuế gián thu, vốn là khoản người dân Việt đóng góp vào ngân sách thông qua tiêu dùng sản phẩm của khu vực FDI. Trừ đi thuế gián thu, khu vực FDI nộp vào ngân sách chỉ bằng 51% khu vực ngoài nhà nước.
Như vậy, tiếp tục ưu ái quá mức doanh nghiệp FDI không phải là phép tính có lợi cho ngân sách. Thậm chí, phần thiệt hại có thể nhiều hơn bởi sự chèn ép không gian chính sách và nguồn lực, cùng với ưu thế công nghệ, vốn, quản lý của khối doanh nghiệp này sẽ làm giảm thiểu cơ hội tồn tại và lớn mạnh của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, hiện đang lãnh trọng trách lớn trong nộp ngân sách.
Mặt khác, cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc câu hỏi, phải chăng chúng ta đã chi quá nhiều cho bộ máy hành chính, dù cứ cho là để phục vụ cho hoạt động của nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu khu vực. Giảm bội chi ngân sách là một khẩu hiệu luôn được đặt ra trong mỗi năm tài khóa, vậy mà kết quả đạt được xem ra quá khiêm tốn.
Sự cả lo thể hiện qua việc đặt ra mục tiêu bội chi ở một con số tương đối trên GDP mà không đưa ra con số tuyệt đối dường như thể hiện tư duy tiêu nhiều thì tăng trưởng nhiều. Điều này có thật xác đáng? Ngay cả việc tăng lương tối thiểu, một trong những quyết định được coi là để bảo vệ quyền lợi của người lao động, thì ai thật sự hưởng lợi? Khi ngân sách phình lên và tiếp tục phải vay để bù đắp bội chi, gần 100 triệu người dân Việt gánh thêm khoản nợ.
Đương nhiên, Việt Nam đã lập được những kỳ tích tăng trưởng nhưng với cách tiếp cận nêu trên, phải chấp nhận cả giả thiết, tăng trưởng chưa thực chất có thể mang đến những hê lụy mà trong không khí hân hoan thắng lợi, chúng ta đã không nhìn thật rõ.
Và trong năm 2020, dù có bay bổng với những dự đoán lạc quan đến đâu, không thể quên đi nhiệm vụ quan trọng: thiết kế, vận hành một chính sách thu hút đầu tư phù hợp, tạo không gian tồn tại cho doanh nghiệp trong nước và nhận lại phần hoàn trả xứng đáng vào ngân sách cho thảm đỏ chào đón những người bạn nước ngoài này.
Khánh Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét