Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

20200116. BÌNH LUẬN Ý KIẾN CỦA TƯỚNG LƯƠNG TAM QUANG

ĐIỂM BÁO MẠNG

TƯỚNG LƯƠNG TAM QUANG THÔNG TIN VỀ 'MƯU ĐỒ' CỦA CHA CON LÊ ĐÌNH KÌNH
THU HẰNG.../VNN 14-1-2020

Tướng Lương Tam Quang thông tin về 'mưu đồ' của cha con Lê Đình Kình


Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an sáng nay trao đổi với báo chí về vụ việc diễn ra tại xã Đồng Tâm sáng 9/1.
Trung tướng Lương Tam Quang khái quát lại tình hình khu đất ở sân bay Miếu Môn đã được Thanh tra Chính phủ kết luận ngày 25/4/2019 và công bố kết quả rà soát tính chính xác, hợp pháp của kết luận của Thanh tra TP Hà Nội là đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về thanh tra.
Các đối tượng thuộc "Tổ đồng thuận" đã tổ chức các hoạt động phản đối thông báo của Thanh tra Chính phủ, thể hiện thái độ chống đối quyết liệt, nếu các lực lượng xây dựng tường rào bảo vệ tại sân bay Miếu Môn thì sẵn sàng hy sinh đổ máu để giữ đất (lời của các đối tượng) - Thứ trưởng Công an Tướng Quang khẳng định, những người trong "Tổ đồng thuận" hoàn toàn không có quyền lợi, không có đất ở, đất canh tác trong khu vực này.
Ngày 25/11/2019, các đối tượng trong "Tổ đồng thuận" tiếp tục tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự tại trụ sở xã Đồng Tâm, đe dọa, chửi bới những ai đã phát biểu ủng hộ việc làm chính quyền.
“Nhóm này đã chuẩn bị các phương án để đối phó với lực lượng chức năng khi xảy ra những tình huống phức tạp. Mục tiêu của họ là khi xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn sẽ có ý đồ bắt giữ cán bộ, gây cháy nổ trụ sở xã, nhà cán bộ xã để gây áp lực và đòi hỏi yêu sách, tạo sự chú ý theo dõi của một cộng đồng trong nước và quốc tế”, ông Lương Tam Quang cho biết qua các biện pháp nghiệp vụ đã thu thập được thông tin này.
Do vậy, Công an TP Hà Nội được giao trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự khu vực này, có phương án ngăn chặn âm mưu, ý đồ của "Tổ đồng thuận".
Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND huyện Mỹ Đức triển khai các phương án chi trả đền bù hỗ trợ 14 gia đình có đất thuộc diện giải phóng mặt bằng sân bay Miếu Môn và họ đã nhận phương án đền bù, sẵn sàng rời khỏi khu vực để các lực lượng chức năng xây dựng tường rào bảo vệ và trả lại đất an ninh quốc phòng cho Nhà nước.
Nhưng sau đó, các đối tượng của "Tổ đồng thuận" kéo đến ngăn cản, chửi bới, đe dọa các hộ dân này không được di dời khỏi khu vực chỗ Đồng Sênh.
Ngày 31/12/2019, Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng hàng rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, các đối tượng thuộc "Tổ đồng thuận" liên tục chặn xe chở vật liệu, gây rối trật tự công cộng.
“Qua thông tin mà chúng tôi nắm được, các đối tượng này chuẩn bị khi chúng ta xây dựng đến khu vực của xã Đồng Tâm thì sẽ chống đối quyết liệt. Họ tổ chức mua lựu đạn, bom xăng, chuẩn bị vũ khí tự chế, tuýp sắt gắn dao, gọi dân dã gọi là dao phóng lợn để chống trả lực lượng chức năng”, ông Quang nói.
Họ đã dựng lều, cử người cảnh giới tại cổng ra vào trung tâm huấn luyện Miếu Môn. Họ đe dọa cho nổ cây xăng đồi Miếu Môn và nhà Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, nhà cán bộ xã, thậm chí gây áp lực sẽ bắt giữ người già và trẻ em.
Trước những diễn biến trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hà Nội đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự khi lực lượng của Bộ Quốc phòng xây dựng tường rào sân bay. 
Theo kế hoạch, sáng 9/1, lực lượng quân đội triển khai xây dựng đất Đồng Sênh, lực lượng Công an TP Hà Nội cùng sự hỗ trợ của một số đơn vị của Bộ triển khai các chốt nhằm đảm bảo an toàn trụ sở, cán bộ, người dân của Đồng Tâm.
Khoảng hơn 20 đối tượng đã tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, tuýp sắt dài trên đầu gắn dao nhọn. Tổ công tác của lực lượng công an đã dùng loa tuyên truyền nhưng họ rất manh động. Hơn 20 đối tượng vào cố thủ ở các gia đình: Lê Đình Kình, 2 con trai Lê Đình Chức, Lê Đình Công... Các đối tượng lên tầng 2, tầng 3 ném lựu đạn, bom xăng.
"Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, trong quá trình truy đuổi các đối tượng chạy vào nhà của Lê Đình Chức và chạy sang nhà khác, một tổ công tác 3 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh. Giữa 2 nhà có hố kỹ thuật, sâu khoảng hơn 4 mét, anh em ngã xuống đó", Thứ trưởng Quang nói.
Theo ông, các đối tượng khai nhận dưới sự chỉ đạo của Lê Đình Kình, các đối tượng đã dùng bom xăng, đổ xăng ra can, tưới xuống. Lực lượng các tổ công tác buộc phải trấn áp, đã thực hiện biện pháp theo đúng pháp luật quy định, đã nổ súng cảnh cáo, đồng loạt triển khai trong nửa tiếng đồng hồ đã tạm giữ hơn 30 đối tượng.
Lực lượng công an thu giữ tại hiện trường 8 quả lựu đạn và trên tay của Lê Đình Kình, sau khi ném quả lựu đạn nhưng không nổ. Đây là hành động rất dã man của nhóm này.
Cùng với VKS, các đơn vị kỹ thuật hình sự của công an đã khám nghiệm hiện trường, khám xét, tiếp tục đấu tranh để truy xét tiếp để tìm ra đối tượng cung cấp vũ khí, vật liệu nổ.
Quá trình thông tin chính danh hợp pháp của đất Đồng Sênh, tuyên truyền, vận động thuyết phục đã có những đối tượng tham gia tự ra đầu thú, khai báo, thú nhận hành vi sai phạm.
Phần tử lưu vong móc nối
Hiện nay một số phần tử lưu vong đã móc nối, hướng dẫn các đối tượng đối phó với lực lượng chức năng, hướng dẫn chế tạo thuốc nổ, cách làm bom xăng, đi mua vũ khí.
"Chúng tôi đã thu thập tài liệu, trong quá trình quyên góp tiền, 'Tổ đồng thuận' sử dụng 50% chia cho bố con Lê Đình Kình", Tướng Lương Tam Quang cho hay.
Theo ông, cũng có luồng dư luận đặt câu hỏi tại sao lực lượng công an triển khai vào lúc sáng sớm. "Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình xây dựng tường rào của sân bay Miếu Môn đến khu vực đất Đồng Sênh, khu vực của xã Đồng Tâm, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân xã Đồng Tâm, các trụ sở. Lực lượng công an phải tổ chức chốt chặn, nhằm kiềm chế không cho các đối tượng manh động sử dụng vũ khí. Tất cả các phương án bảo vệ đều căn cứ theo luật An ninh quốc gia".
Lực lượng công an thu giữ 3 súng bắn điện, 8 quả lựu đạn, 38 chai bom xăng, 3 can chứa xăng, 15 dao liềm các loại, côn nhị khúc và tại nhà Lê Đình Kình đã thu giữ tài liệu liên quan đến hoạt động thu chi của "Tổ đồng thuận", có tài liệu kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức phản động nước ngoài. Công an đang tiếp tục làm rõ.
Tại cơ quan công an, tất cả các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm.
Mưu đồ hoạt động khủng bố, phá hoại, manh động của các đối tượng chống đối ở xã Đồng Tâm thực chất đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài, từ năm 2017.
Thu Hằng - Thành Nam - Hương Quỳnh

NHỮNG CÂU HỎI CHO TRUNG TƯỚNG QUANG...
FB LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 16-1-2020

Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, cảnh sát vào thôn Hoàn h lúc rạng sáng 9.1 để "kịp thời bảo vệ người dân" trước lời đe dọa của nhóm chống đối.
Rất tốt thưa Trung tướng Quang.
"Theo kế hoạch, ngày 9.1, tường rào sẽ xây đến khu vực Đồng Sênh của xã Đồng Tâm nên từ rạng sáng Công an Hà Nội lập các chốt an ninh trong xã. Nguồn tin từ Bộ Công an thông báo "khi đi đến làm nhiệm vụ tại cổng làng Hoành, cán bộ của chốt số 16 bị ném quả nổ, bom xăng và bị phi dao phóng lợn". Khi bị cảnh sát truy đuổi, hơn 20 người chạy vào các căn nhà nằm sát nhau của Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Chức, ném chai xăng từ tầng 2-3 xuống.
Khi bị nhóm 3 cảnh sát do thượng tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô) chỉ huy truy đuổi, những người chống đối chạy vào nhà Lê Đình Chức, rồi sang nhà Lê Đình Hợi. "Giữa hai nhà có một hố kỹ thuật, sâu khoảng 4 m, không nắp, cảnh sát đã ngã xuống và bị tưới xăng, châm lửa đốt theo chỉ đạo của Lê Đình Kình".
Việc cụ Kình chỉ đạo tưới xăng nếu là sự thật thì đó là tội ác. Tuy vậy xin có câu hỏi với tướng Quang: nhà cụ Kình chật, cái hố giếng trời nhỏ khi tấn công cụ Kình có ba sĩ quan an ninh của lực lượng CSCĐ vô cùng tinh nhuệ được đào tạo cơ bản tại sao lại dàn hàng ngang để rồi cùng rơi xuống hố vậy?
Bởi vì theo nguyên tắc đánh trận thì người theo hàng dọc, người này bọc lót cho người kia thì người đi trước lọt hố, người sau sẽ biết để dừng lại và dùng bộ đàm kêu cứu tiếp viện cứu người lọt hố. Cả ba người lọt một hố chỉ có thể ngây ngô dàn hàng ngang mà thôi.
Cứ cho rằng cả ba người tiên phong đan hàng ngang để rồi cùng sập hố đi chăng nữa thì tại sao chỉ để ba người xông lên mà không có lực lượng bọc lót? Đánh trận kiểu gì kì cục vậy? Nếu sự thật đánh trận liều lĩnh, coi tính mạng của đồng đội rẻ vậy, thì phải kỷ luật ngay viên chỉ huy trận đánh.
Nếu có bọc lót thì khi cả ba sĩ quan cùng ngã hố sâu 4 lm họ sẽ không bị chết ngay, sẽ la lên thì lực lượng bọc lót sẽ lập tức bảo vệ, khống chế cụ Kình làm sao có chuyện bị thiêu cháy?
Thứ trưởng Quang cho hay: "Ông Kình ném một quả lựu đạn nhưng không nổ, tay còn cầm một quả khác”.
Như vậy thông tin ban đầu cho rằng cụ Kình bị bắn khi đang đập phá hàng rào sân bay cách nhà cụ 3 km, chống đối người thi hành công vụ lúc 4g sáng là bịa đặt.
Tại sao phải bịa đặt như vậy? Kẻ nào bịa đặt? Và, bịa đặt để làm gì?
Hình ảnh cụ Kình bị bắn trúng tim đã rõ. Ai bắn? Tại sao một ông già 84 tuổi bị gãy chân rồi bị bắn trúng tim lại có thể chết đứng như Từ Hải để trên tay vẫn còn cầm một trái lựu đạn?
Nếu đúng như trung tướng Quang nói thì cụ Kình chỉ có thể đang nằm trên giường tay cầm lựu đạn bị bắn trúng tim cụ chết trong lúc nằm quả lựu đạn mới có thể còn trên bàn tay cụ.
Vậy, có nghĩa cụ Kình bị bắn khi đang nằm mà người bắn cụ đứng trước giường cụ nằm chĩa súng từ trên xuống mới bắn trúng tim. Như vậy làm sao có chuyện cụ Kình ném lựu đạn khi… nằm?
Giải thích lý do triển khai quân vào sáng sớm, Trung tướng Quang cho hay mục tiêu ban đầu là đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và hoạt động xây dựng tường rào. Nhưng trước việc nhóm chống đối chuẩn bị vũ khí cho nổ cây xăng, "dọa sát hại cán bộ xã, cho nổ nhà văn hóa, bắt cóc người già, trẻ em", cảnh sát phải lập chốt tại thôn Hoành, ngăn "mang vũ khí, lựu đạn đi ra khu vực Đồng Sênh".
Nếu cụ Kình tồi tệ muốn giết đồng bào mình để lực lượng an ninh phải gấp rút bảo vệ Dân thì vì sao cụ Kình lại được đa số Dân Đồng Tâm tin yêu và nghe theo cụ? Vì sao đám tang của cụ lực lượng an ninh lại cấm chụp ảnh quay phim tung lên mạng?
Câu trả lời đơn giản thôi, thưa trung tướng Quang: Dân Đồng Tâm đa số thắt khăn tang thương tiếc cụ.
Còn câu hỏi chót. Vì sao khi cụ Kình bị bắn, lực lượng an ninh phải đem xác cụ đi và trả lại xác cụ với vết mổ dọc ngực cụ?
Vết mổ banh xác ấy để làm gì? Tìm gì? Một bác sĩ pháp y cho rằng vết mổ ấy để lấy những mảnh đạn, những viên đạn găm trong cơ thể cụ Kình. Vậy khi ra trận chống lại kẻ thù cứu nguy cho Tổ quốc như lời TT Phúc ngợi ca, có ai lại mổ tử thi của kẻ thù ấy lấy lại các mảnh đạn, các viên đạn không? Hoặc khi bắn tử hình Năm Cam lực lượng an ninh cần phải mổ xác Năm Cam lấy bằng hết mảnh đạn trong người Năm Cam không?
Nếu cụ Kình là phản Dân hại Nước thì người bắn vào tim cụ Kình phải xưng danh, tự hào với chiến công của mình chứ? Tại sao phải giấu nhẹm mảnh đạn chứng cứ "hành động anh hùng" của mình đi?
Chỉ có thể lý giải câu hỏi này theo logic, cụ Kình bị khống chế nhanh bởi lực lượng an ninh hùng hậu lúc cụ còn sống. Nhưng có kẻ nào đó ra lệnh thủ tiêu cụ bằng mọi giá mà lẽ ra theo pháp luật cụ phải bị ra toà án để toà án kết tội. Kẻ nào đó hiểu rằng bắn chết cụ khi cụ bị khống chế là vi phạm pháp luật nên tìm cách phi tang chứng cứ đi.
Rõ ràng có kẻ nào đó sợ một phiên toà mà cụ Kình là bị cáo.
Tại sao lại sợ? Chỉ có thể hiểu rằng cụ Kình là người duy nhất đủ uy tín trong Dân nói lên toàn bộ sự thật việc tranh chấp đất ở ĐT mà thôi.
Dân rất muốn tin vào chính quyền. Dân không ai đồng tình việc bẩt kỳ ai đó bạo lực chống người thi hành công vụ. Dân đau xót khi ba sĩ quan an ninh bị chết và chia buồn với gia đình và đồng đội của họ. Nhưng Dân khó tin những gì mà đại diện an ninh đã công bố cũng như khó tin hình ảnh mặt bầm tím của ai đó trên TV nói về cụ Kình là không bị ép buộc?
ĐBQH Dương Trung Quốc và ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng những người nhiều lần về ĐT lắng nghe cụ Kình, lắng nghe Dân ĐT rất cần lúc này yêu cầu bà chủ tịch Kim Ngân lập một đoàn các chuyên gia uy tín với Dân, giám sát, kiểm tra lại sự thật ĐT, đồng thời sớm đưa ra tính pháp lý, việc tuân thủ luật pháp vụ bắn giết nhau ở ĐT này để cho Dân biết.
Tất cả những ai vi phạm pháp luật dù bởi bất cứ động cơ gì đều phải bị trừng trị. Tất cả

những ai dù cấp nào cổ vũ cho việc bất chấp pháp luật dù bởi bất cứ động cơ nào cũng phải bị lên án.
Kỷ cương phép nước chỉ có thể trên nền tảng sự thật cùng pháp luật.
Dân biết, Dân tin thì Lòng Dân mới yên.
Không có mô tả ảnh.
L.T.V.
Cái chết đau thương của Cụ Lê Đình Kình khiến những ai có trái tim đều phải nghẹn lời. Nhưng những câu trả lời lập liếm hết thay đổi lại xê dịch đến ba bốn lần mà vẫn cứ ngập ngọng của các ngài quan chức an ninh từ bấy đến nay về “trận đánh đẹp ở Đồng Tâm” mà Bộ CA trực tiếp chỉ huy vào 4 giờ sáng ngày 9-1-2020 lại khiến những ai có chút đầu óc đều phải bật cười không thành tiếng. Thật không oan nếu nói bộ hạ của ông Tô Lâm đã ăn cướp và giết người không xuôi. Trong trường hợp này có lẽ các ông nên đi học thêm phép thuật ở vùng đất Ba Tư nổi tiếng có nhiều vị thần ngày xưa để trở về chỉ cần hô “biến” một tiếng là mảnh đất Đồng Sênh nằm gọn trong tay các ông, khỏi phải giở đến những ngón mà người Việt trước nay chỉ thấy ở những phường hạ đẳng và để định danh các ngón đó thì không thể nói gì hơn là hai tiếng MẠT và BẨN. Muốn nói gì lương tâm cũng không cho phép mình nói khác, thưa các ông.
Xin bàn một chuyện khác. Nhà báo Lưu Trọng Văn mới có một bài báo viết cách đây vài ngày – mà lẽ ra chúng tôi xin đăng cả lên đây nhưng không lẽ đưa hai bài nên tạm bớt lại một – nói đến cuộc hất cẳng nhau giữa phe củi và phe lò trong cuộc chiến Đồng Tâm. Thật tình giữa tình thế tù mù hiện nay, dân gian chúng tôi cũng chẳng biết ai là củi và ai là lò nữa khi mà chính ngài Chủ tịch nước, kẻ ít lâu nay đã nhận được cái nhìn thiện cảm của nhiều người qua việc ngài kiên quyết đưa vào lò vô khối củi bự, nhưng không hiểu vì sao ngài lại vội vã trao huân chương cho ba quân nhân do quá hăng hái xông vào nhà riêng của người dân ở thôn Hoành xã Đồng Tâm lúc 4 giờ sáng để tự mình bắt sống hoặc mổ bụng moi gan người đảng viên già Lê Đình Kình cho bằng được chỉ vì cái tội đây là một con người từng trải, có hiểu biết về quê hương rất sâu sát, lại giảu tuổi đảng nên kiên trì tính đảng, nghe theo lời TBT của Đảng kiên quyết chống tham nhũng đến cùng, vì thế mà trong tinh thần nóng lòng lập công, trong đêm tối ba chiến sĩ đã nhảy quàng xuống hố sâu 4 mét giữa hai ngôi nhà và không may thiệt mạng. Trong trường hợp chết như vậy muốn xét công lao cho đầy đủ, một ông Chủ tịch nước, nghĩ mình phương diện quốc gia có nên xét chớp nháng trong một vài ngày và trao vội cho yên lòng ai đó, hay là nên có một thời gian cân nhắc đủ chín để bàn dân thiên hạ nhìn vào đều đồng tình, rằng kẻ chết không phải là do củi sai phái đi làm chuyện bất lương mà đó là lò chính hiệu, đã trao huân chương thì trên dưới đều thuận phục, không còn ai bàn ra tán vào, có phải thế không anh Lưu Trọng Văn? Đó là mấy lời xin mạo muội góp thêm vào bài viết rất hay của anh mặc dù trong bài này anh chỉ trao đổi với tướng Quang trên những vấn đề khác, không liên quan đến việc phong tặng công lao cho người vừa chết.
Bauxite Việt Nam

ÔNG LÊ ĐÌNH KÌNH ĐÃ TỬ VONG NHƯ THẾ NÀO ?
TRIỆU TỬ LONG/ BVN 16-1-2020
Không có câu trả lời về nguyên nhân tử vong của ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, người làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Tại buổi họp báo bắt đầu từ 8 giờ 45 sáng 14-1, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin với lãnh đạo các cơ quan báo chí về diễn tiến sự việc tại Đồng Tâm vào đêm 8, rạng sáng 9-1, rằng, ‘Khi lực lượng chức năng tiến vào trên tay Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn’.
Kịch bản được viết lại
Tại buổi họp báo không có thêm thông tin về cái chết của ông Kình, và cũng không có giải thích vì sao có đường chỉ phẫu thuật chạy từ phía cổ họng của ông Kình xuống tới bọng đái; đặc biệt là nghi vấn về lỗ thủng nhỏ gần vị trí trái tim của ông Kình, được ngờ rằng bị súng ngắn sát thương với cự ly gần.
Trung tướng Lương Tam Quang nói rằng ông Lê Đình Kình đứng đầu nhóm người dân chống đối việc xây dựng hàng rào bao quanh sân bay Miếu Môn.
Luật sư Đặng Đình Mạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét với nội dung họp báo được báo chí lược thuật, kịch bản vụ Đồng Tâm đã được viết lại. Hiện trường vụ án chuyển từ tường rào Miếu Môn theo thông báo ban đầu của trang thông tin điện tử Bộ Công an, thì nay thay đổi vào tư gia nhà dân… Và lần đầu tiên cơ quan công quyền đã phải thừa nhận: Lực lượng vũ trang chủ động tiến vào thôn; Không có lệnh khám xét nhà hoặc bắt giữ người; 03 chiến sĩ tử vong đã tự té vào khoảng không giếng trời giữa hai nhà dân sâu đến 4m; và dân không đào hầm chông, rải mảnh sành.
Nhưng vẫn chưa thể giải thích thỏa đáng được nhiều yếu tố nghi vấn khác. Vài yếu tố trong số ấy là yếu tố thời điểm 2 giờ 00 hay 4 giờ 00 sáng xảy ra vụ án, và cơ sở pháp lý của các hoạt động trấn áp vũ trang? Chính các yếu tố còn nghi vấn này quyết định tính hợp pháp của chính quyền trong sự kiện xảy ra vào rạng sáng ngày 09/01/2020” – luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét.
Khi lực lượng chức năng tiến vào trên tay Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn’ như thông tin được Trung tướng Lương Tam Quang tái khẳng định ở buổi họp báo, nhưng lại không cho biết việc các lực lượng chức năng đã ‘vô hiệu hóa’ quả lựu đạn này ra sao, khi ông Lê Đình Kình vốn là người từng tham gia ‘kháng chiến chống Mỹ’, là Trưởng Công an xã – có nghĩa ông Kình biết sử dụng vũ khí sát thương.
Trung tướng Lương Tam Quang cho biết căn cứ pháp lý cho việc sử dụng lực lượng vũ trang hôm 9-1 là theo Luật An ninh quốc gia.
Luật An ninh quốc gia cho phép… nổ súng vào cụ già 84 tuổi?
Vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm được phía Bộ Công an cho rằng vai trò ‘cầm đầu’ là ông Lê Đình Kình, song lại không được giải thích rõ ở buổi họp báo hôm 14-1 là đã vi phạm vào điều khoản cụ thể nào ở Điều 13, của Luật An ninh quốc gia, về “Các hành vi bị nghiêm cấm: 1. Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, khống chế, kích động, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo người khác nhằm chống chính quyền nhân dân, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia cắt đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
2. Nhận nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tham gia, giúp sức, cung cấp tài chính, vũ khí, phương tiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; 3. Thu thập, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng, tiết lộ, cung cấp, tán phát trái phép tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước;
4. Xâm phạm mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia; 5. Chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; 6. Lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; 7. Hành vi khác xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan”.
Ý kiến bên lề buổi họp báo của Bộ Công an: Vấn đề đặt ra là tại sao phía Nhà nước, đại diện là UBND TP. Hà Nội, lại không đơn phương đưa ra tòa phân giải, nếu thấy rằng ‘phe ông Kình’ – ở đây, phía Bộ Công an gọi đó là “Tổ đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu, không chịu giải quyết tranh chấp bằng pháp luật? Việc “bảo vệ công trình từ xa” như báo chí đăng theo lời của tướng Lương Tam Quang là không chính đáng, vì còn có những giải pháp sử dụng pháp lý và các phương pháp hòa bình để giải quyết.
Việc “bảo vệ công trình từ xa”, bằng cách tấn công vô nhà ông Kình và giết ông này, không phải là việc “thi hành công vụ”. Đây là dấu hiệu một vụ “thảm sát” mà những viên chức có lương tâm phải điều tra cho kỹ càng. Ngoài ra, ông Lê Đình Kình là một lão thành cách mạng, có gần 60 tuổi đảng. Những đảng viên trung kiên và có lòng, cần phải lên tiếng cho trường hợp thương vong của đảng viên Lê Đình Kình.
Ai đã vi phạm Luật An ninh quốc gia?
Nếu tướng Lương Tam Quang viện dẫn Luật An ninh quốc gia cho diễn biến vụ việc xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, thì điều đó cho thấy có vẻ phía Bộ Công an đang ẩn ý quy trách nhiệm về Bí thư Thành ủy Hà Nội – ông Hoàng Trung Hải, và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung trong việc đã không làm tốt việc “xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân”, quy định tại Điều 16 “Điều 16. Xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân”, Luật An ninh quốc gia.
Theo điều luật này, có 4 nhiệm vụ đặt ra với những quan chức như ông Hoàng Trung Hải, Nguyễn Đức Chung: “1. Vận động toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; giáo dục, động viên cán bộ, công chức, người lao động và mọi công dân tham gia xây dựng địa phương, cơ quan, tổ chức vững mạnh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại và kết hợp chặt chẽ với xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
3. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia; xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ an ninh quốc gia.
4. Xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia vững mạnh; xây dựng các phương án và tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để chủ động bảo vệ an ninh quốc gia trong mọi tình huống”.
Nếu thực sự làm tốt ‘thế trận nhân dân’ thì ở đám tang ông Lê Đình Kình, cơ quan công quyền không phải vất vả với những cấm đoán đi kèm việc trấn áp đầy khó hiểu: cấm người dân đi đưa tang thực hiện quyền tự do cá nhân là chụp hình, là ‘live stream’; cấm cả phóng viên báo chí đến quan sát, đưa tin về lễ tang ông Lê Đình Kình; cấm luôn người dân ở các nơi khác ngoài xã Đồng Tâm đến dự lễ tang của một lão thành cách mạng Lê Đình Kình, người có đến hơn nửa thế kỷ tuổi Đảng…
T.T.L.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét