Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

20200113. LÊ PHÚ KHẢI NGHĨ VỀ NGHỆ SĨ CHÁNH TÍN

ĐIỂM BÁO MẠNG

NHÂN VỤ ĐỒNG TÂM NGHĨ VỀ CHÁNH TÍN-CON NGƯỜI BẨM SINH LÀ MỘT NGHỆ SỸ

LÊ PHÚ KHẢI/ BVN 12-1-2020

Image result for chánh tín thời trẻ"

Lúc còn lang bạt ở Paris, văn hào Maxim Gorki có nói một câu nổi tiếng mà sau này giới nghệ sỹ ở Paris hay nhắc lại: Con người bẩm sinh là một nghệ sỹ(L’homme est par nature un artiste). Chánh Tín là một con người như thế – bẩm sinh là nghệ sỹ!
Trước Công nguyên, triết gia Hy Lạp Platon định nghĩa: Chức năng của nghệ sỹ là ca ngợi anh hùng. Đóng vai Nguyễn Thành Luân trong phim truyện nhiều tập “Ván bài lật ngữa”, Nguyễn Chánh Tín đã làm đúng chức năng nghệ sỹ của mình là “ca ngợi anh hùng”. Từ phong độ, dáng vẻ, hành động mưu trí, Chánh Tín với diễn xuất điêu luyện đã khắc hoạ được hình tượng rất đẹp về người chiến sỹ tình báo anh hùng Nguyễn Thành Luân trong lòng bạn xem phim một thời.
Đại văn hào Goethe viết: Người đẹp là trước tác cuối cùng của tự nhiên. Phải hiểu là Goethe không chỉ nói đến “phái đẹp” mà bao gồm cả “phái mạnh” nữa. Chánh Tín đẹp trai phong độ thì đương nhiên rồi. Nhưng đẹp trai đến mức như anh thì hiếm có. Chả thế mà từ thời sinh viên, đến sau này đóng “Ván bài lật ngữa” nhiều cô đã chết mê chết mệt.
Khi còn là sinh viên Văn khoa Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi cũng có một ông thầy dạy Văn học phương Tây rất đẹp trai, ông tên là Nguyễn Đức Nam. Thầy tôi đậu bằng phó tiến sỹ về Shakespeare ở Liên Xô về. Vào lớp, thầy mặc một chiếc áo măngtô dài vừa đến đầu gối, nhưng phanh ngực không cài cúc. Giọng Nghệ pha giọng Bắc, giọng Pháp, giọng Nga… của thầy du dương trầm bổng. Đôi khi bước vào lớp, để cặp lên bàn, thầy độc diễn một cảnh trong một vở kịch của Shakespeare rồi mới giảng bài. Có lần vừa bước vào cửa lớp thầy đã hô to: Ai đó? Tất cả lớp đều ngạc nhiên. Ngay sau đó thầy hỏi: Có ai biết vì sao câu đầu tiên của bi kịch Hamlet lại là câu quát của anh lính đến đổi gác trên sân thượng? Không sinh viên nào trả lời được! Thầy giảng: Lúc đó triều đình nước Đan Mạch đang hoảng loạn vì bóng ma của tiên đế hiện về, nên tên lính đến đổi gác lại quát tên lính đang đứng gác – Ai đó?
Cũng như Chánh Tín, người đẹp trai thường hay điệu đà, thầy tôi khi đọc thơ, đôi mắt lim dim nhìn về xa xăm… Các bạn nữ sinh trong lớp tôi, ai cũng bảo thầy Nam giảng bài xong, chẳng biết thầy đã nói gì, giảng cái gì… vì chỉ ngắm thầy là chính. Nhưng thầy tôi là một ông giáo nên ít người biết, tuy rằng về vẻ đẹp nam tính và phong độ, thầy tôi chẳng thua gì Chánh Tín. Nghệ thuật thứ 7 đã đưa vẻ đẹp của Chánh Tín lên thành những giai thoại và huyền thoại!
Trong lễ kỷ niệm 20 năm của nhà xuất bản Trẻ, nhà văn Sơn Nam, cộng tác viên hàng đầu, đã được mời lên phát biểu đầu tiên, ông nói: Nếu đẹp trai như Chánh Tín thì tôi đã đi đóng phim lúc còn trẻ, nếu khoẻ như Huỳnh Đức thì tôi đã đi đá banh rồi. Vì vừa xấu trai lại vừa ốm yếu nên đành đi viết văn vậy! Có người cười ồ, có quan chức lắc đầu!
Chưa hết, đầu năm 1994, tôi lên Điện Biên Phủ để thu lượm tài liệu, hình ảnh mới cho dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử vang dội này theo “đặt hàng” của báo Sài Gòn Giải phóng. Sau khi ở Điện Biên cả tuần, lúc sắp bay về Hà Nội, tôi đến gặp Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ xin gặp chủ tịch thành phố Điện Biên Phủ. Ông Chánh văn phòng bảo tôi: Tối nay Chánh Tín sẽ tiếp cơm nhà báo. Tôi ngạc nhiên quá nhưng không tiện hỏi.
Khi sắp khai tiệc, một người phóng xe đến, đổ xịch trước sân, bước ra, tôi thấy người vừa rời vô-lăng là một trung niên cao to, đẹp trai, mái tóc bồng bềnh rất lãng tử… Chánh văn phòng chỉ vào người đàn ông và nói: Chánh Tín của Điện Biên đó.  Thì ra vậy.
Ông chủ tịch thành phố Điện Biên Phủ, người được mệnh danh “Chánh Tín của Điện Biên” đó là Nguyễn Quang Sáng. Hiện nay ông đang là bí thư huyện Mường Nhé, một huyện vùng núi cao khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên rộng lớn.
Khi tôi ra về, “Chánh Tín Điện Biên Phủ” còn lái xe đưa tôi ra tận sân bay. Lúc chia tay, “Chánh Tín” tặng tôi một cục cao màu vàng ươm khá to. Ông nói: Cao này quý lắm, người ta mới tặng tôi, tặng anh đem về Sài Gòn… Tôi hỏi đó là cao gì? Ông cười nói: Tôi cũng không biết (!). Chúng tôi trao đổi số điện thoại với nhau và còn giữ liên lạc đến bây giờ.
“Chánh Tín của Điện Biên”, Nguyễn Quang Sáng – chủ tịch thành phố Điện Biên Phủ, 1994
Chánh Tín là người đàn ông Việt Nam có một chút ngang tàng, một chút hào hoa bay bướm, một chút ưu tư… đã lọt mắt xanh của nhiều trí thức, học giả Việt Nam. Vì thế, trong cuốn “Lịch văn hoá tổng hợp” Việt Nam (1987-1990) do Tướng Trần Độ chủ biên, được biên soạn công phu với sự cộng tác của trên 100 viện sỹ, giáo sư, tiến sỹ, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch thuật trong và ngoài nước, do nhà xuất bản Văn Hoá xuất bản (khổ to), trong trang ảnh tuyển chọn các diễn viên điện ảnh thế giới nổi tiếng, người ta đã chọn 3 diễn viên nam là: Gari Cooper chuyên đóng vai “người hùng” của Mỹ, Tri-khô-nôp của Liên Xô, và Chánh Tín của Việt Nam.
… Con người được chị em ngưỡng mộ đó đang phóng xe ô tô về phía tôi. Ở tuổi 52, tay lái Chánh Tín vẫn mượt, vòng “cua” chính xác, đưa xe vào gara nhanh gọn. Chánh Tín bước xuống xe như đang đóng phim. Mà anh đang đóng phim rõ ràng. Cùng lúc đang làm hai phim: “39 độ yêu” 16 tập và “Sài Gòn tình ca” phim nhựa một tập. Tôi đến gặp Chánh Tín với tư cách một nhà báo của trung ương thường trú tại TP HCM để phỏng vấn anh về tình hình hoạt động của các hãng phim tư nhân tại Sài Gòn, mà Chánh Tín là một.
Vô nhà rồi, Chánh Tín cho hay, ra Giêng có một cuộc gặp gỡ thú vị, đó là việc đạo diễn Lê Hoàng Hoa, người đã đạo diễn phim “Ván bài lật ngữa” sau 1975, lại về nước cộng tác với anh để làm phim nhựa.
Đang vui, nhưng khi tôi lái sang chuyện tình hình điện ảnh nước nhà hôm nay và ngày mai, tôi thấy Chánh Tín trầm xuống. Theo anh thì: Chiếu phim “chùa” trên truyền hình mà người xem còn tắt máy thì đừng nghĩ đến chiếu phim ở rạp để thu tiền của thiên hạ!
Tôi hỏi Chánh Tín đánh giá thế nào về đội ngũ diễn viên của ta hiện nay? Không cần suy nghĩ, Nguyễn Chánh Tín trả lời ngay. Theo anh, diễn viên của ta hiện nay rất giỏi. Anh tâm sự: Các em mới vào nghề, đứng trước ống kính rất tự tin và thoải mái, không như chúng tôi ngày trước!
Tôi hoàn toàn nhất trí với Nguyễn Chánh Tín điều này. Bởi vì khi chúng ta dựng những vở lớn của nước ngoài như “Nhật xuất”, “Iếc-cút”, “Đồng hồ chuông điện Krem-li” diễn viên của ta rất nhập vai và diễn xuất rất thành công. “Cánh đồng hoang” cũng là một ví dụ rất điển hình! Và còn “Lời nguyền của dòng sông” nữa… Rõ ràng là hiện nay chúng ta đang thiếu những kịch bản hay. Cuộc trò chuyện của chúng tôi có thể ra một “thông cáo chung” cũ mèm, nhưng rất cần phải nhắc lại là, muốn có phim hay nhất thiết phải có kịch bản hay, nhưng có kịch bản hay chưa chắc đã có phim hay! (Nếu đạo diễn kém).
 Tôi lại hỏi Chánh Tín, theo anh vì sao hiện nay ta thiếu những kịch bản hay?
Không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, Chánh Tín mỉa mai: Tôi không hiểu phim “Những cô gái chân dài” hay vì nỗi gì! Nếu rạp chiếu đông khách là vì đội ngũ làm ca-ve hiện nay khá đông, họ đi xem để xem người ta nói gì về họ! Thế thôi!
Châm một mồi thuốc nữa, Chánh Tín trầm ngâm nói: Tôi đang cố gắng hết mình để viết một kịch bản phim có tên là “Cô gái Việt Nam”, vì theo tôi, người con gái, người phụ nữ Việt Nam đẹp lắm, “những cô gái chân dài” không phải là điển hình về họ!
Tôi biết, Nguyễn Chánh Tín không chỉ là một diễn viên có tài. Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, anh cùng với Phạm Thuỳ Nhân viết khá nhiều kịch bản, như “Ngôi nhà oan khốc”, “Chiếc mặt nạ da người”, “Bà chúa cuối cùng”, Bản tình ca cuối cùng”… và sau đó, chính tay Chánh Tín dàn dựng, có doanh thu cao hẳn hoi. “Bản tình ca cuối cùng” còn được giải kỹ thuật xuất sắc tại Liên hoan phim toàn quốc.
Khi câu chuyện giữa chúng tôi trở nên “chín muồi”, Nguyễn Chánh Tín mới bộc bạch những suy nghĩ sâu lắng nhất của một người nghệ sĩ.

Đó là số phận của con người.

Theo Chánh Tín, ngày mai của lớp trẻ, đặc biệt là lớp sinh viên trẻ – tương lai của đất nước – sẽ ra sao, nếu các em biết rất rõ, học xong sẽ thất nghiệp? Nếu có việc làm thì học ngành du lịch phải đi làm ngành nhà đất như chính thằng con trai của anh! Nếu tình trạng “cử nhân đầy đồng” mà vẫn mất mùa giáo dục thì tương lai sẽ ra sao? Nền văn học nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, không đối mặt với những đề tài mà hàng triệu quần chúng quan tâm thì làm gì có khán giả! Chánh Tín đang đầu tư hàng tỷ đồng về đề tài lớp trẻ. Và anh lo, khi duyệt để phát hành, người có thẩm quyền xét duyệt lại “không thoáng” thì sao đây?! Không lẽ nền điện ảnh nước nhà cứ dựa vào ngân sách, công quỹ, để làm phim quốc doanh mãi hay sao?!
Câu chuyện làm phim của chúng tôi như không có hồi kết. Khi thấy Chánh Tín kín đáo liếc đồng hồ, tôi liền cáo lui ngay…
Lúc tiễn tôi ra cửa, Chánh Tín còn chỉ tay vào các cây kiểng do chính anh tạo dáng, nói: Tôi rất thích chăm sóc cây kiểng. Tiếc quá, không mời nhà báo lên sân thượng để ngắm hoa ngắm cây rồi ăn trưa! Thì ra Chánh Tín đang làm phim, chỉ phóng xe về tiếp tôi như đã hẹn.
Chánh Tín là người rất lịch thiệp, khi đang làm việc với tôi, hai lần máy di động của anh réo… Anh chỉ nhắn vô máy: “Đang bận họp”, rồi tắt máy ngay.
Trong cuốn sách nhỏ (237 trang) mang tên “Người đương thời” viết về 37 nhân vật mà tôi yêu quý đang sống cùng thời với tôi (NXB Tổng hợp TP HCM, 2007) từ Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt… đến anh Ba Nở trồng bắp lai ở An Giang, thầy giáo Nguyễn Văn Quý “chơi sách” ở Mỹ Tho… tôi đã để ảnh Chánh Tín ở trang bìa cùng với nhiều nhân vật khác.
Chánh Tín trong sách “Người đương thời” của tác giả
 
Từ trái qua: Nguyễn Chánh Tín,  Gari Cooper và Tri-khô-nôp trong sách “Lịch văn hoá tổng hợp” Việt Nam 1987-1990
Thật tình, tôi rất quý Chánh Tín, anh là một nghệ sỹ trí thức, hiểu biết và lịch lãm. Vì vậy, khi nghe Chánh Tín vỡ nợ vì làm phim, phải gán cả cái biệt thự to đẹp đầy hoa… tôi rất buồn.
Chánh Tín đã hiểu tất cả như anh đã tâm sự với tôi, nhưng vì con người “bẩm sinh là nghệ sỹ” này luôn bùng cháy ngọn lửa của chính mình để thiêu đốt bằng hết nhiên liệu, để thăng hoa, để mong vượt thực tại, để hiến dâng cho nghệ thuật thứ 7.
Nhưng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quái thai, là kẻ thù của mọi nghệ thuật chân chính. Những nhân vật của thời chiến tranh đã đi qua. Nhân vật của nền kinh tế thị trường lành mạnh, minh bạch hôm nay phải là những doanh nhân, những luật sư, những nhà báo… Vì thế không lấy gì làm lạ khi xem phim nước ngoài người ta luôn thấy những ông chủ tập đoàn này nọ, những luật sư, những phóng viên báo chí luôn xuất hiện. Báo chí tự do len lỏi ở khắp mọi nơi. Chỉ cần nghe tin một tập đoàn nào sắp vỡ nợ hay sắp ra toà là báo chí có mặt, luật sư hoạt động hết công suất để bảo vệ pháp luật. Đó là nhà nước pháp quyền với kinh doanh tự do, nhưng bị pháp luật kiểm soát chặt chẽ, báo chí lên tiếng kịp thời. Nếu không thấy ba nhân vật đó xuất hiện như những nhân vật chính của xã hội thì đó không phải là kinh tế thị trường…
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chỉ có ba nhân vật làm mưa làm gió trong xã hội, thứ nhất là quan chức cộng sản, doanh nhân thân hữu của các quan, các nhóm lợi ích. Nhân vật thứ hai là công an “còn đảng còn mình”. Nhân vật thứ ba là tuyên huấn và báo chí quốc doanh. Thử hỏi, có nhà biên kịch điện ảnh nào dám “đối mặt với các đề tài mà hàng triệu quần chúng quan tâm” như Chánh Tín mong mỏi? Vậy thì làm gì có phim đem ra rạp chiếu có đông khán giả đến xem! Thử hỏi có phim tài liệu nào xứng với “Chuyện tử tế” của Trần Văn Thuỷ ra đời cách đây hơn 30 năm?! Thử hỏi có kịch bản phim nào viết về tinh thần đoàn kết muôn người như một, với ý chí sắt đá, sẵn sàng đổ máu để bảo vệ mảnh đất ông bà để lại trước những quỷ kế của các nhóm lợi ích trong nền kinh tế thị trường man rợ… như ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức Hà Nội hay không? Thử hỏi có phim truyện nào nói về số phận oan khốc của những con người ở Thủ Thiêm đi đòi đất suốt 20 năm không? Thử hỏi có thước phim nào về đề tài bảo vệ môi trường hay không? Có phim nào bám biển cùng ngư dân để có cảnh quay về một ngư phủ đem đá đi để ướp cá đánh được trên vùng biển chủ quyền của mình, lại phải dùng đá đó để bạn ướp xác chính mình, vì tàu Trung quốc cướp phá bắn giết mà báo chí phải gọi đó là… “tàu lạ” hay không?!
Nền điện ảnh Việt Nam đã bị xoá sổ nhiều năm nay, vì chỉ còn những phim “Những cô gái chân dài” và những cuộc tình éo le, phim “hình sự” rẻ tiền!
Tagore từng tuyên bố: Ở đâu mọi con đường được vẽ sẵn thì tôi đi lạc! Con đường nghệ thuật minh hoạ Đảng độc tôn vẽ sẵn, chỉ nhằm tâng bốc chính mình và chống lại nhân dân đã dìm chết không chỉ nền điện ảnh mà cả các nghệ thuật thể hiện khác. Vậy mà bẽ bàng thay, vừa qua hàng loạt nghệ sỹ ưu tú được phong lên “nghệ sỹ nhân dân”! Chỉ có nghệ sỹ Kim Chi là tuyên bố ra khỏi đảng, không chịu đi mọi “con đường được vẽ sẵn”, để quay về với “những đề tài mà hàng triệu quần chúng quan tâm” như khát vọng của nghệ sỹ Chánh Tín lúc anh còn trên cõi đời ô trọc này.

L.P.K.

Tác giả gửi BVN 

CÚ LỪA NGOẠN MỤC: BÁO ĐỘNG ĐỎ !
LƯU TRỌNG VĂN / BVN 13-1-2020
Cụ Kình cùng người Dân Đồng Tâm sau sự cố đấu tranh giành đất ở Đồng Tâm bị chính quyền căm ghét, bỏ rơi. Trong khi đó Đồng Tâm và nhà cụ trở thành bến đỗ tấp nập của Dân oan toàn quốc và của rất nhiều người đấu tranh, phản biện đủ các thành phần đến chia sẻ.
Trên mạng các hình ảnh các nhân vật phản biện bấy lâu bị coi là phản động, thế lực chống đảng… thường xuyên công khai xuất hiện bên cụ Kình… và cụ Kình không thể ngờ rằng, đó chính là chứng cứ để một vụ án chống chế độ được dựng lên thay vì chỉ là một phiên toà phân xử tranh chấp đất đai dân sự.
Kịch bản đã được sắp đặt không khác kịch bản Thái Bình, Thủ Thiêm – có bọn quấy rối chống chế độ.
Báo động Đỏ!
Bắt đầu chỉ là chống tham nhũng, chống cướp đất sau bị nống lên thành phản động, khủng bố…
Báo động Đỏ!
Vụ Thái Bình sau khi có những người lãnh đạo tỉnh thức và có trách nhiệm dám đến Dân, biết nghe Dân đã tránh được cuộc nổi dậy đổ máu.
Vụ Thủ Thiêm lãnh đạo cuối cùng buộc phải nghe sự thật từ Dân, cuối cùng không thể nhắm mắt coi Dân là lũ quấy rối, chống chế độ nữa nên tránh được phát súng tử thủ của một vị tướng chiến trận sẵn sàng bắn kẻ nào cướp đất của ông. Tránh được máu đổ.
Nhưng Đồng Tâm đã đổ máu. Máu của Dân và máu của chiến sĩ công an bị đẩy ra chống Dân.
Xin cúi mình tưởng nhớ tất cả những người đã đổ máu cho một Sự Thật Máu đã đến lúc ra Ánh Sáng Công Lý.
Một Nguyễn Đức Chung không đủ uy tín và đủ tấm lòng vì Dân khi gặp Dân Đồng Tâm như một Phạm Thế Duyệt khi về Thái Bình.
Máu có thể tránh bị đổ đau thương nếu sau cú gặp Dân thất bại của Nguyễn Đức Chung là sứ giả khác cỡ cao hơn, có uy tín hơn, có lòng với Dân, thương Dân hơn.
Tại sao trước khi cho quân bao vây coi Dân như kẻ thù, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hoặc chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, thậm chí chủ tịch Nguyễn Phú Trọng lại không trực tiếp gặp Dân để hiểu sự thật?
Lẽ nào với họ sự thật chỉ từ báo cáo đúng quy trình của hệ thống quan quyền của họ mà sự thật không từ miệng Dân?
Trước sự kiện sinh tử đối với mạng Dân và cả mạng người của mình, tại sao các vị không đến với Dân trực tiếp nghe Dân dù chỉ một lần?
Nghe, tự mình cho người mình tin cần điều tra lần nữa. Dân sai thì thuyết phục Dân. Dân sai mà chống đối thì lập hồ sơ khởi tố công khai. Nào muộn? Nào máu đổ? Nào xóm làng tang thương? Nào Lòng Dân ngút trời oán thán?
Chả lẽ đối với các vị, đến với Dân khó đến vậy ư? Các vị nói học tập, noi gương cụ Hồ, cụ Hồ luôn gần Dân, luôn lắng nghe Dân tấm gương ấy sao không học?
Báo chí một chiều đang đổ thêm dầu vào lửa.
Việc tặng huân chương tức tốc cho những người cầm súng chĩa vào Dân cũng đổ thêm dầu vào lửa.
Không có sự vô can của kẻ chủ mưu lừa biến Dân chỉ tranh chấp đất thành kẻ khủng bố chống chính quyền rồi xua hàng ngàn quân đang đêm đánh úp Dân với kẻ bị lừa vì nỗi lo sợ mất đảng, mất chế độ cổ vũ cho hành động ấy?
Sự thật luôn là sự thật!
Nước mắt không phải nước muối và máu không phải nước bọt!

Fb L.T.V.


'HY SINH' VÀ 'BỊ TIÊU DIỆT'
TRÂN VĂN/ VOA/ BVN 13-1-2020
                     Cảnh sát chặn lối vào xã Đồng Tâm. Photo Dan Tri/VTV
Cuộc tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội lúc rạng sáng ngày 9 tháng 1 đang khuấy động dư luận.
Cho đến giờ này, Bộ Công an Việt Nam đang nắm giữ độc quyền thông tin. Toàn bộ hệ thống truyền thông chính thức đều dẫn lại thông tin từ nguồn duy nhất này. Theo đó, “ba cán bộ, chiến sĩ công an hi sinh, một đối tượng chống đối chết, một đối tượng chống đối bị thương” vì “bom xăng, lựu đạn, dao phóng” (1).
Tin vừa kể đã biến những người dân Đồng Tâm trước nay không ngừng khiếu nại – yêu cầu xem xét về nguồn gốc đất ở đồng Sênh thành những kẻ vừa càn quấy, vừa man rợ, coi thường cả kỷ cương lẫn sinh mạng những người “thi hành công vụ” và ngày sau đó trở thành nền cho một đợt tấn công khác trên mạng xã hội.
Giữa lúc công chúng còn đang sững sờ, hoang mang không hiểu tại sao lực lượng vũ trang lại tổ chức “thi hành công vụ” vào lúc rạng sáng, ở nơi cách “công trình xây dựng hàng rào sân bay Miếu Môn” cả cây số và chắc chắn không có ai “chống đối” thì một số facebooker cung cấp thông tin: Cán bộ, chiến sĩ công an “hi sinh” do sập hầm chông, rồi bị những kẻ quá khích tưới xăng thiêu sống”. Trong số các nạn nhân, có cả nữ cán bộ bị giết bằng dao, có người “hi sinh” vì bom xăng, lựu đạn…
Đó cũng là lý do những facebooker thuộc loại vừa kể kêu gọi các cơ quan hữu trách nên “đập chết, ăn thịt” tất cả những “thằng”, những “con” chống đối đảng, nhà nước trong việc thu hồi “đất quốc phòng” ở Đồng Tâm. Tham gia xiển dương khuynh hướng này trên mạng xã hội, có cả những nhà báo chuyên nghiệp, kể cả những nhà báo đang lãnh đạo một số cơ quan truyền thông và giảng dạy “nghiệp vụ báo chí như facebooker Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM)…
***
Về phía công chúng, sau một thoáng sửng sốt, nhiều người bắt đầu ngẫm nghĩ và tìm kiếm thêm thông tin.
Có người như Đức Trần, dẫn lại một qui phạm pháp luật đã được giới thiệu trên báo Pháp Luật TP.HCM (không được tổ chức – thực hiện cưỡng chế đất đai trong khoảng thời gian từ 22 giờ tối đến 6 giờ sáng) để cho thấy, biến cố Đồng Tâm là hoạt động phi pháp. Hong Phuong Vo – bạn của Đức – gọi đó là “đánh úp”. Thanh Ba Nguyen mỉa mai: Quân ta đang thực hiện nhiệm vụ “hóng mát” lúc bốn giờ sáng thì bị “tập kích” nên phải “tự vệ”. Jordan Ho phân tích, qui phạm pháp luật mà Đức Trần giới thiệu chỉ có giá trị đối với hoạt động cưỡng chế, còn cúp điện, tổ chức tấn công lúc rạng sáng thì không phải… cưỡng chế, đó là… cướp (2)!
Giống như nhiều người, Tan Tran nghi ngờ về số “cán bộ, chiến sĩ công an… hi sinh” vì chỉ là thông tin một chiều, không có nguồn phối kiểm. Những thông tin, hình ảnh cùng loại trên mạng xã hội nhằm lôi kéo công chúng lên án dân chúng Đồng Tâm đã bị lột trần là “ngụy tạo”. Chẳng hạn ảnh chụp “chiến sĩ công an ‘hi sinh’ ở Đồng Tâm” đã được xác định là ảnh chụp “chiến sĩ công an hi sinh khi vây bắt ma túy ở Đắk Lắk”. Theo Tan, trong biến cố Đồng Tâm, chuyện “cán bộ, chiến sĩ công an… hi sinh” hết sức đáng ngờ vì đó là “lực lượng tinh nhuệ, được trang bị đến tận răng, có đủ loại phương tiện hiện đại hỗ trợ”, cuộc tấn công lại diễn ra bất ngờ, làm sao dân lành có thể trở tay (3)?
Nhiều người dùng mạng xã hội đã chuyển cho nhau xem một status mà Phạm Đoan Trang viết riêng “cho những người đang khóc công an và chửi giặc Đồng Tâm”.
Trang lưu ý, hệ thống truyền thông chính thức chỉ dùng nguồn tin duy nhất là Bộ Công an và “đàn dư luận viên hàng chục ngàn con” đang khai thác tin từ nguồn này để “định hướng dư luận”, tổ chức “khóc thương cho những ‘chiến sĩ” trẻ tuổi’ và chửi rủa ‘bọn giặc’ dám chống người thi hành công vụ, sát hại công an nhân dân”. Tuy nhiên cần phải đem biến cố Đồng Tâm so với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Giả dụ mảnh đất đang có tranh chấp đúng là “đất quốc phòng” và đúng là dân Đồng Tâm đã kháng cự lực lượng cưỡng chế thì công an vẫn SAI.
Theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế: Công an phải là cơ quan độc lập đặt dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của tòa án và bị ràng buộc bởi các mệnh lệnh của tòa án. Công an không được phép tham gia vào hoạt động chính trị, có nghĩa vụ bảo vệ quyền của tất cả các đảng phái, tổ chức, cá nhân, cũng như bảo vệ tất cả các đảng phái, tổ chức, cá nhân một cách bình đẳng. Cơ quan hành pháp buộc phải sử dụng các biện pháp phi bạo lực trước, chỉ dùng vũ lực khi cực kỳ cần thiết cho các mục đích hành pháp đúng luật và không chấp nhận ngoại lệ trong việc sử dụng vũ lực bất hợp pháp.
Trang giới thiệu thêm, cơ quan hành pháp chỉ được sử dụng vũ khí để tự vệ hoặc để bảo vệ người khác sắp bị giết hoặc bị thương nặng. Hoặc ngăn chặn một tội ác đặc biệt nghiêm trọng đe dọa mạng sống. Hoặc bắt giữ hoặc ngăn chặn việc bỏ trốn của một cá nhân đang gây ra một mối đe dọa. Ngoài ra, những người thừa hành từ chối làm theo các mệnh lệnh vi phạm pháp luật sẽ được miễn trách, những người lạm quyền không thể nại lý do “làm theo lệnh cấp trên” để xin miễn trừ trách nhiệm.
Facebooker này nhấn mạnh: Những kẻ đã tổ chức vụ cưỡng chế đất ở Đồng Tâm, huy động công an – quân đội – tuyên giáo… đàn áp thiểu số không tấc sắt là những kẻ có tội vì họ chủ động sử dụng vũ lực bất hợp pháp, trái với các nguyên tắc nhân quyền phổ quát. Phản ứng của dân là tự vệ chính đáng, đặc biệt là khi họ có đầy đủ cơ sở pháp lý chứng minh tài sản là của họ và đã sử dụng tất cả các biện pháp khác để tự vệ. Nếu vẫn khóc thương những kẻ chấp nhận làm công cụ thì làm ơn nhỏ vài giọt nước mắt cho những người dân Đồng Tâm, nhất là gia đình cụ Lê Đình Kình.
Trang nhắn riêng với những “kẻ bẻ bút gọi dân Đồng Tâm là… giặc”: Kẻ nào đẩy dân trở thành những người chống cưỡng chế, rồi biến họ thành “giặc”, kẻ đó là tội phạm (4).
***
Trái với thông lệ, Bộ Công an vẫn chưa công bố danh tính những “cán bộ, chiến sĩ công an hi sinh” khi “thi hành công vụ” ở Đồng Tâm. Facebooker Nguyễn Đức Hiển – một nhà báo thường tỏ ra tự hào về “số má” và “thạo tin”, tham gia thuyết phục công chúng rằng những người tham gia phản kháng vụ cưỡng chế “đất quốc phòng” ở Đồng Tâm là kẻ xấu, thậm chí còn dọa “tiễn” những người “cảm thông” với dân Đồng Tâm giết “cán bộ, chiến sĩ công an” một cách “man rợ” – đã lẳng lặng đục bỏ status này (ảnh). Trên facebook của Nguyễn Đức Hiển chỉ còn thông tin, hình ảnh khoe được “khen thưởng vì đẹp trai” vì “chỉ huy thi đua” và giới thiệu hoạt động giúp đỡ người nghèo (5).
Ông Đinh Hữu Hanh – một cựu chiến binh nhiều công trạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – viết trên facebook rằng xung đột giữa nhân dân Đồng Tâm và lực lượng vũ trang của đảng là “cuộc đụng độ có một không hai trong lịch sử dân tộc”. Cuộc đụng độ làm ông nhớ lại thời điểm đơn vị của ông lão được lệnh tấn công xuống đồng bằng Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế nhằm “lấn đất, giành dân”, chuẩn bị cho việc ký Hiệp định Paris… So trước với nay, ông Hanh than rằng, Đồng Tâm là một biến cố đau xót! Thiếu gì cách mà phải làm như thế!
Ông nhắn với đảng của mình: Đem lực lượng vũ trang dẹp dân là hạ sách! Xin các vị dừng tay, xem lại cách hành xử của mình đi! Nếu không, vận nước sẽ đến thời kỳ mạt đấy. Tâm sự: Đối với kẻ thù truyền kiếp thì chủ trương mềm dẻo, tại sao đối với dân lại hành động cứng rắn như vậy? Tiếng súng váng óc, không tài nào ngủ được. Quả thực, muốn yên cũng chẳng được (6)! – có lẽ không phải chỉ là trăn trở của riêng ông Hanh nhưng bao nhiêu người tin giới lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ sẽ chia sẻ, đồng cảm và xác nhận biến cố Đồng Tâm là một thất bại thảm hại về nhân tâm, dân ý?

Chú thích

T.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét