Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

20170217. NGHĨ VỀ CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI VIỆT-TRUNG 1979

ĐIỂM BÁO MẠNG
"GÁC LẠI QUÁ KHỨ CHỨ KHÔNG PHẢI KHÉP LẠI QUÁ KHỨ"
TRẦN CÔNG TRỤC/ GD 17-2-2017
Ngày này cách đây 38 năm, 17/2/1979, tiếng súng đã vang lên trên bầu trời biên giới, Trung Quốc tung 60 vạn quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, gây ra cuộc chiến vô cùng tàn khốc.
38 năm qua đi, hai nước đã bình thường hóa quan hệ 26 năm, nhưng nỗi ám ảnh từ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc năm 1979 và những xung đột quân sự suốt 10 năm sau đó vẫn còn dai dẳng. 
Không ai hiểu rõ hơn những người dân Việt Nam sống dọc tuyến biên giới với Trung Quốc, không ai hiểu hơn những gia đình liệt sĩ, những thương bệnh binh và cựu chiến binh từng có mặt ở tuyến đầu lửa đạn để giữ vững biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc.
Trên tinh thần khách quan, khoa học, cầu thị, bài viết này tiếp cận một sự kiện lịch sử từ góc độ khoa học, tôi hy vọng góp thêm tiếng nói để làm sao nước nhà giữ được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tránh được chiến tranh.
Hơn ai hết, chúng ta đã đủ thấm thía nỗi đau của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Thiếu đánh giá một cách khoa học, khách quan và cầu thị về cuộc chiến, hậu quả khôn lường
Có lẽ do tính chất thảm khốc và những hệ lụy to lớn của cuộc chiến, nên ngay sau khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ, Trung Quốc và Việt Nam đã xác định: "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai".
Vì vậy những năm đầu sau bình thường hóa, thực hiện chủ trương này, cả hai nước hầu như “khép lại”, không nhắc gì đến cuộc chiến này, chỉ tập trung thúc đẩy các hoạt động hợp tác, hữu nghị.
Đây là cách ứng xử của chúng ta không chỉ với Trung Quốc, và với cả Hoa Kỳ. Tuy nhiên hiểu như thế nào về việc “khép lại quá khứ” hay chỉ “gác lại quá khứ” cũng là vấn đề cần được bàn bạc thấu đáo. 
Nếu như 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược và thống nhất Tổ quốc đã được đúc kết thành nhiều công trình, bài học, được tái hiện khá cụ thể trong sách giáo khoa, thì còn 4 cuộc chiến / trận chiến khác chưa được mổ xẻ để rút ra bài học:
Ngoài cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989 chống Trung Quốc xâm lược, còn cuộc chiến bảo vệ Biên giới Tây Nam chống bọn diệt chủng Khmer Đỏ;
1 cuộc tấn công do Trung Quốc tính toán tổ chức thực hiện vào tháng Giêng năm 1974 để xâm chiếm nốt nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một cuộc thảm sát để chiếm đoạt một phần quần đảo Trường Sa năm 1988.
Ôn lại các sự kiện lịch sử này với cái nhìn khoa học, khách quan, cầu thị trên tinh thần tôn trọng sự thật để rút ra những bài học cho tương lai, làm sao bảo vệ được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, làm sao để tránh tối đa nguy cơ nổ ra chiến tranh.
Thiết nghĩ đó chính là việc làm cần thiết và hoàn toàn phù hợp với chủ trương “gác lại quá khứ” thay vì “khép lại quá khứ” đã từng tồn tại trong nhận thức và chi phối hành vi ứng xử của chúng ta trong mấy thập kỷ qua.  
Thiết nghĩ đó cũng là những việc hết sức hệ trọng và cấp bách, khoa học và tiến bộ, vì lợi ích của chính dân tộc Việt Nam cũng như dân tộc Trung Quốc để tránh vết xe đổ của chiến tranh.
Chỉ có như vậy mới có thể xây dựng tình hữu nghị, hợp tác lâu dài, hướng tới tương lai.
Lâu nay chính sự khép lại, im lặng đã khiến những vết thương chưa lành trong dân chúng, trong các cựu chiến binh từ cả hai phía, khi không được chăm sóc đúng cách sẽ dễ mưng mủ, tác hại khôn lường. 
Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi những tranh chấp phức tạp ở Biển Đông đang leo thang trước các hành động phiêu lưu, quân sự hóa từ phía Trung Quốc, bóng ma của cuộc chiến năm xưa đang dần trở lại trong tâm trí nhiều người.
Chính điều này sẽ là những nhân tố tiềm tàng bất ổn trong lòng xã hội, nó có thể bùng phát thành những diễn biến khó lường như những mặt trái mà chúng ta chứng kiến, trả giá trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014.
Lòng yêu nước của người dân nếu không được dẫn dắt bởi chính sự hiểu biết thấu đáo về lịch sử nước nhà, sẽ là nơi nuôi dưỡng mầm mống cực đoan và bất ổn.
Nhiều người lo, nhiều người phàn nàn về việc chúng ta chỉ đưa có "11 dòng" vào sách giáo khoa lịch sử về cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979 - 1989.
Nhưng theo tôi, quan trọng hơn là chúng ta tiếp cận như thế nào, dạy như thế nào về giai đoạn lịch sử này.
Sách giáo khoa không dạy, thì người dân quan tâm vẫn có thể tìm đọc trên Internet từ nhiều nguồn khác nhau. Trước những tài liệu thiếu nguồn kiểm chứng, nhưng lại thừa những miêu tả và từ ngữ thể hiện cảm xúc mạnh, tác hại của nó thật khó lường.
Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để tiếp cận một cách đa chiều, nhìn nhận một cách khách quan, đánh giá theo hướng rút ra những bài học để tránh chiến tranh và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nếu các nhà chức trách, đội ngũ trí thức không nhận lãnh lấy trọng trách này.
Là một người nghiên cứu luật pháp quốc tế về biên giới lãnh thổ, và từng trực tiếp tham gia đàm phán hoạch định biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào...chúng tôi cũng có không ít những trải nghiệm, gặp không ít vấn đề do cách nhận thức của chúng ta về những sự kiện này.
Vì vậy, xin nêu lên một số bài học mà chúng tôi cho là có thể có ích cho những công trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá, tổng hợp về những sự thật nói trên để vận dụng cho tương lai.
Bài học thứ nhất: tháo ngòi nổ xung đột
Cho đến nay, phía Trung Quốc vẫn tuyên truyền với người dân của họ và dư luận quốc tế rằng quân đội Trung Quốc đã tấn công sang toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 và kéo dài đến năm 1989 chỉ là cuộc "phản kích tự vệ", chứ không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược. 
Sự thật về hành động và mức độ dã man của cái gọi là “phản kích tự vệ” mà Trung Quốc gây ra với Việt Nam năm 1979 - 1989 không thể biện minh bằng bất cứ lý do nào.
Đó đích thực là một cuộc “xâm lược biên giới”, chứ không phải là cuộc chiến tranh biên giới, càng không phải là một cuộc “phản kích tự vệ”. 
Tuy nhiên, tại sao nó diễn ra và có cơ hội nào để tránh chiến tranh hay không là điều chúng ta cần làm rõ.
Hiện tại do phần lớn tài liệu về cuộc chiến hai bên đều chưa giải mật, nhưng đặt trong bối cảnh địa chính trị khu vực Đông Dương và cục diện quan hệ quốc tế thời bấy giờ, có thể nhận thấy những cơ hội tháo ngòi xung đột đã bị bỏ lỡ.
Thứ nhất là cuộc chiến ý thức hệ giữa phe XHCN với phe TBCN đã dần biến thành cuộc chiến tranh giành ngôi bá chủ giữa 3 siêu cường Mỹ - Trung - Xô, đã đẩy các nước nhỏ trở thành nạn nhân của các nước lớn.
Việt Nam đã trở thành đối tượng tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa Trung Quốc và Liên Xô trong cuộc đua trở thành "lãnh tụ cách mạng toàn cầu", đứng hẳn về bên nào cũng có thể khiến Việt Nam trở thành kẻ thù của bên còn lại.
Thứ hai, việc Việt Nam tấn công đánh trả các hành động chiến tranh đánh phá biên giới Tây Nam của bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ và sau đó giúp nhân dân Campuchia loại bỏ bè lũ diệt chủng man rợ ấy là việc làm cần thiết, chính đáng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Campuchia. 
Nhưng trong bối cảnh đất nước Chùa Tháp vừa mới thoát khỏi cơn ác mộng diệt chủng, tàn dư Khmer Đỏ với sự hà hơi tiếp sức của Trung Quốc vẫn tiếp tục quấy phá, tìm cách lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ… lực lượng quân tình nguyện Việt Nam buộc phải duy trì sự hiện diện của mình thêm một thời gian cần thiết.
Chính hoàn cảnh này đã một mặt gây bất lợi vì tạo ra những hiểu lầm trong dư luận quốc tế và một bộ phận người Khmer, một mặt tạo cớ để Trung Quốc gây hấn.
Thứ ba, cho dù Trung Quốc thường nói rằng họ theo chủ nghĩa Mác - Lenin, nhưng thực chất tư tưởng coi mình là "trung tâm thiên hạ", tham vọng bành trướng xuống Đông Nam Á vẫn âm ỷ trong một bộ phận lãnh đạo cấp cao nước này qua nhiều thế hệ.
Chính vì thế, mọi động thái của họ trong quan hệ quốc tế luôn luôn có những tính toán phục vụ cho lợi ích và ý đồ chiến lược của họ là trên hết.
Chúng ta không bao giờ được quên và phủ nhận những đóng góp to lớn của Trung Quốc đã giúp Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, không phải vì thế mà quên rằng Việt Nam là cửa ngõ là phên dậu chống lại "phe TBCN" từ phía Nam dưới con mắt của một số chiến lược gia Trung Quốc.
Việt Nam là nước nhỏ, nhưng lại bị nhiều siêu cường nhòm ngó. Nếu ứng xử không khéo léo, không tìm cách tháo ngòi nổ xung đột, thì nguy cơ trở thành nạn nhân của những cuộc chiến tranh xâm lược là điều khó tránh khỏi.
Trong tình hình hiện nay, khi Biển Đông căng thẳng, đã có không ít quan điểm cho rằng Việt Nam phải liên minh với nước này, dựa vào nước kia để chống Trung Quốc.
Nếu điều đó xảy ra, thì một cuộc chiến bảo vệ Biên giới 1979 - 1989 có nguy cơ lặp lại.
Vì vậy, bên cạnh sự tự lực tự cường, việc đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại là hết sức cần thiết, không liên minh nước này để chống nước kia là lựa chọn sống còn đối với Việt Nam. 
Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tìm cách đối thoại, tháo ngòi xung đột. Còn đương nhiên khi “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, thì giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.
Nghiên cứu về cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989 mà không đặt vào bối cảnh địa chính trị khu vực, quốc tế thời kỳ đó để tìm cách tháo ngòi nổ xung đột, thì nguy cơ chiến tranh sẽ vẫn còn treo lủng lẳng trên đầu chúng ta.
Bài học thứ hai: chính sách đối ngoại cần dựa trên luật pháp quốc tế
Khách quan nhìn lại cách ứng xử của chúng ta trong quan hệ bang giao với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc, qua cách nhìn đối với cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc, có thể thấy rõ đã có lúc màu sắc của cảm xúc, tuyên truyền và các mục tiêu chính trị thường lấn lướt các nguyên tắc pháp lý trong bang giao quốc tế.
Có lẽ tình cảm yêu - ghét mãnh liệt đến cực đoan trong chúng ta đã dẫn đến những phản ứng còn mang nặng cảm xúc hơn lý trí trong quan hệ bang giao với một nước lớn đầy tham vọng và toan tính như Trung Quốc.
Những năm quan hệ nồng ấm chúng ta đã hết lời ca ngợi, nhiều khi thái quá.
Nhưng khi “cơm không lành, canh không ngọt”, "anh cả Liên Xô" và "anh hai Trung Quốc" mâu thuẫn nhau, đẩy Việt Nam vào thế phải lựa chọn, rồi đến khi mâu thuẫn lợi ích lên đến cao trào, chúng ta chỉ trích không tiếc lời, thậm chí đưa cả vào những văn kiện chính thức.
Không cuộc chiến nào kéo dài mãi, không mâu thuẫn nào không có điểm dừng, đến khi bình thường hóa quan hệ, chính chúng ta rơi vào thế bí vì những tuyên bố giàu cảm xúc, lập trường chính trị ấy.
Thậm chí có những văn kiện chúng ta ban hành gây bất lợi cho chính chúng ta sau này trong đàm phán phân định biên giới với Trung Quốc bởi những câu chuyện đẫm mùi tuyên truyền mà thiếu tính khoa học, thiếu tính kiểm chứng.
Nó gây chia rẽ trong chính nội bộ của ta, và là đề tài cho các thế lực chính trị chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Đó là hạn chế của thời cuộc bởi dấu ấn của cuộc chiến ý thức hệ suốt mấy chục năm không dễ gì gột rửa. Nhưng nay thế thời đã thay đổi, quan hệ bang giao giữa các quốc gia là quan hệ giữa nhà nước với nhà nước, dựa trên luật pháp quốc tế và được thế giới thừa nhận.
Mọi mối quan hệ thân mật về chính trị chỉ có ý nghĩa tạo môi trường thuận lợi, tạo nhiều kênh đối thoại để giải quyết các tồn tại cũng như thúc đẩy hợp tác song phương.
Chính trị không thay thế được pháp lý, mà làm nền tảng cho pháp lý.
Vì vậy, đánh giá lại các sự kiện lịch sử như cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989, cuộc chiến bảo vệ Biên giới Tây Nam, cuộc xâm chiếm Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988 rất cần một lăng kính khoa học, một thái độ khách quan, một cách tiếp cận cầu thị và bình tĩnh.
Mọi đánh giá áp đặt một chiều đều có mặt mạnh của nó trong những tình huống, hoàn cảnh nhất định để phục vụ một ý đồ nhất định, giúp đạt mục tiêu nhanh hơn. Nhưng về lâu dài, tác hại của nó lớn hơn rất nhiều, khó lường hết được.
Trong nội bộ dư luận Việt Nam có không ít quan điểm băn khoăn, hoài nghi về Hội nghị Thành Đô mà thực chất chỉ là những thỏa thuận chính trị giữa lãnh đạo hai Đảng để tạo nền tảng cho bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Còn mọi văn kiện hợp tác, ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ có ý nghĩa pháp lý dưới ánh sáng công pháp quốc tế, nếu nó được chính thức ký kết và thông qua bởi cơ quan quyền lực nhà nước có thẩm quyền của hai nước.
Những câu chuyện về thác Bản Giốc, Hữu Nghị Quan, núi Đất - Hà Giang vẫn âm ỷ trong lòng xã hội Việt Nam cho dù hiệp định phân định biên giới đã được ký kết sau quá trình đàm phán hết sức nghiêm túc, khách quan và thượng tôn pháp luật.
Bởi lẽ những tài liệu tuyên truyền của ta trong cuộc chiến bảo vệ Biên giới 1979 - 1989 có những nội dung không chính xác, nhưng lại không được giải ảo, giải mật mà xếp vào kho bí mật, nhạy cảm.
Cái thời của phe XHCN với phe TBCN đã qua, cái "thế giới đại đồng" hay còn được gọi bởi tên mới "cộng đồng chung vận mệnh" đã được chứng minh là một ảo mộng.
Thực tiễn khu vực và quốc tế hiện nay, nhất là sau Brexit và bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ cho thấy, chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc là không thể xóa nhòa. Ngược lại, nó sẽ được củng cố và hoàn thiện trong một sân chơi toàn cầu được bảo đảm bởi luật pháp quốc tế.
Chính vì vậy, khi đánh giá lại cuộc xâm lăng Biên giới Việt Nam 1979-1989 mà Trung Quốc tiến hành, cần đặt nó vào khung pháp lý quốc tế để xác định nguyên nhân, tìm ra bài học thay vì đứng trên lập trường chính trị, quan điểm chính trị.
Chỉ có như thế mới giúp hai đất nước, hai dân tộc thực sự hợp tác trên tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
Đây cũng chính là bài học quan trọng để giúp hai bên giải quyết các tranh chấp bất đồng trên Biển Đông hiện nay, nhất là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982, chứ không phải niềm tin chính trị.
Bài học thứ ba: đề cao cảnh giác, tự lực tự cường
Đây là bài học muôn thủa trong hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của cha ông ta. Bài học Mỵ Châu - Trọng Thủy cần được thấm nhuần trong mọi hoạt động bang giao, đối ngoại của Việt Nam với các nước chứ không riêng gì Trung Quốc.
Chúng ta không phủ nhận vai trò và ý nghĩa của ngoại lực - sự giúp đỡ từ bạn bè quốc tế trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhưng tinh thần tự lực tự cường, đề cao cảnh giác vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Người Mỹ đã từng rút ra bài học mà chính chúng ta cũng đã từng nếm trải: miếng ăn miễn phí chỉ có trên bẫy chuột!
Trước khi nổ ra cuộc xâm lăng Biên giới phía Bắc 1979-1989, quan hệ Việt - Trung đã liên tục xấu đi và biểu hiện rõ bởi hoạt động "cắt viện trợ". Thực tiễn ấy cho thấy, mọi viện trợ đều có những tính toán chiến lược đằng sau nó.
Chúng ta nhận và nhận đến đâu, nhận như thế nào là một bài toán cần có một lời giải nghiêm túc.
Câu chuyện vay vốn ODA ngày nay cũng vậy, quan trọng không nằm ở chỗ vay được bao nhiêu tiền, mà là sử dụng đồng vốn vay thế nào cho hiệu quả nhất, ít thất thoát nhất mà không đánh đổi những lợi ích chiến lược.
Tháng Tư năm nay, Trung Quốc sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế để quảng bá sáng kiến "một vành đai, một con đường" của họ và mời lãnh đạo nhiều nước tham dự, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta nên chủ động tiếp cận trên tinh thần dùng luật pháp quốc tế soi sáng mục đích, ý nghĩa và cách thức vận hành của dự án "con đường, vành đai" này.
Những gì có thể hợp tác cùng có lợi thì nên triển khai, nhưng những gì cần bảo lưu về mặt chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc thì không thể không tính đến.
Hợp tác và cạnh tranh đan xen nhau là một xu thế khách quan của lịch sử hiện đại. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hay với các nước khác đều không nằm ngoài xu thế ấy.
Sẽ có những cuộc chiến không tiếng súng, nhưng tác hại và hệ lụy của nó không kém gì chiến tranh nếu mất cảnh giác, trông chờ vào những nguồn vốn giá rẻ đi kèm công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường và một đội quân lao động tay chân tràn qua biên giới đến những địa bàn xung yếu của đất nước để làm ăn, kết hôn, sinh con đẻ cái.
Những ngày qua, báo chí cũng đã ôn lại sự kiện này như nén hương tưởng nhớ, tri ân những người ngã xuống và nhắc nhở thế hệ mai sau: đừng bao giờ “khép lại quá khứ”, ngoảnh mặt với lịch sử, và đừng quên quá khứ, dù quá khứ ấy có cả những chuyện vui, chuyện buồn.
Người con đất Việt trong hay ngoài nước vẫn hướng về cuộc chiến vệ quốc vĩ đại bằng nhiều cách khác nhau. Những tiếng nói cần đưa vào trường học, vào sách giáo khoa bài học cụ thể về cuộc chiến ngày một nhiều.
Cá nhân người viết cũng chung tâm trạng ấy, mong muốn ấy. Trong khuôn khổ bài viết này, xin không nhắc lại những con số thương vong, những nỗi đau kéo dài theo năm tháng.
Chỉ xin tổng kết lại một số bài học từ cuộc chiến vệ quốc vĩ đại mà khốc liệt ấy, nhìn thẳng quá khứ để thấy rõ tương lai và vì vậy, chỉ có thể “gác lại quá khứ” chứ không được phép “khép lại quá khứ”!

NHỚ NGÀY 17 THÁNG 2, CHƯA LÀM ĐƯỢC GÌ HÃY NHẮC NHỞ NHAU!

Nhớ ngày 17 tháng 2, chưa làm được gì thì hãy nhắc nhở nhau!

HÀ SĨ PHU/ BVN 17-2-2017

Trưa hôm nay, ngày 15 tháng 2-2017, một số bạn bè rủ nhau đến thăm tôi, phần vì tôi mới dọn sang chỗ ở mới, phần vì biết tin sức khỏe của tôi bỗng sa sút nhiều. Chuyện trò được một lúc, anh Huỳnh Nhật Hải, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt đột nhiên trầm giọng xuống: “Hai ngày nữa, các anh nhớ là ngày gì không?”. Chúng tôi nhìn lên tờ lịch. Ừ quên sao được, hai hôm nữa là 17 tháng 2, kỷ niệm ngày mở đầu cuộc chiến biên giới đau thương và uất hận, Trung Cộng quyết “dạy ta một bài học” bằng cách băm chặt và thiêu cháy hàng trăm hàng ngàn dân và bộ đội ta ra tro, lấp vùi xuống hố, tiến sâu vào nội địa ta, uy hiếp trái tim Tổ quốc ta, khiến những người mê mẩn tình hữu nghị Cộng sản Việt Trung bậc nhất cũng phút chốc bừng tỉnh để nhận ra gương mặt gớm ghiếc của “kẻ thù truyền kiếp”, thâm độc, nấp sau lưng những ào ảnh lừa mị mà đầu lĩnh hai bên đã dày công xây đắp để cho ta ngu dại tôn thờ.
clip_image002
Bài học đâu chỉ có thế? Bài học ấy còn có nghĩa là: Việt Nam là đứa con hoang, khôn hồn thì mau trở về với mẹ Bắc Kinh; chẳng những biên giới mà khắp giải chữ S và các hải đảo sẽ được nước mẹ dần dần thu phục bằng một quy trình tổng hợp với vô vàn phương thức vừa tinh vi vừa trắng trợn.
Nay theo dõi thời sự thấy quan hệ giữa giới cầm quyền của hai nước xâm lược và bị xâm lược vẫn cứ khăng khít, ngọt ngào (vị ngọt mặn như khi răng cắn vào môi tứa máu), đành nuốt vào lòng ư?
Sau những phút mạn đàm thời sự, anh Đoàn Nhật Hồng, người “đảng viên thời tiền khởi nghĩa” lâu nay cứ băn khoăn khổ sở về chi tiết lịch sử ấy của mình, đưa ra ý kiến: “Thôi không buồn nữa, chưa làm được gì thì ta ghi lại cái gì đó để nhắc nhở nhau chớ quên”. Anh Lĩnh, anh Tấn, và blogger Quang Nhàn tán thành ngay: Nhân tiện có mấy anh em ngồi với nhau ở đây, ta chụp một tấm hình kỷ niệm…
Nhưng phải có biểu tượng gì để ghi nhớ chứ? Khẩu hiệu, ừ khẩu hiệu gỉ đó, ngắn gọn thôi. Có ý kiến nêu về chiến tranh biên giới 1979, có ý kiến gắn với Hoàng - Trường sa, với Formsa, Bauxit … Tôi góp: Ta nên nói nét gì đó lâu dài và tổng quát thôi, như lời di chúc của Trần Nhân Tông là vừa mạnh mẽ vừa thấm thía. Mọi người nhất trí ngay, ngắn gọn là : Một tấc quê hương cũng không được để mất! . Như một mệnh lệnh cho dân tộc, cho lương tâm mỗi con dân Việt Nam.
Anh Lĩnh lấy ngay mặt trái của một cuốn lịch cũ, anh Tấn đi kiếm ngay một chiếc bút “phớt”, tôi ngồi bệt xuống sàn viết ngoáy chưa đầy 10 phút xong ngay câu tóm tắt di chúc ấy của Trần Nhân Tông, tô màu một chút rồi móc lên tường. Mấy người chúng tôi đứng xúm lại, phân công bà xã nhà tôi bấm cho mấy “pô”.
Anh em Đà Lạt chúng tôi thì còn nhiều người nữa, nhưng đều già yếu, có anh đang ở xa, có anh nhà đang có tin buồn…, chẳng có điều kiện làm gì quy mô, tiện gặp nhau thì làm một cái gì đó để tự nhắc nhở mình và nhắc nhở nhau, chớ quên…
Thưa Trần Nhân Tông, chúng con không dám quên lời Người đã dạy:
Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lại lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”. Chúng con xin ghi nhớ lời dạy, dẫu trách nhiệm chưa tròn cũng không dám cam tâm làm một phường… mất dạy!
clip_image004
Anh em Đà Lạt nhắc nhau một ngày kỷ niệm
Chúng tôi nhìn nhau thầm lặng, nhắc nhở nhau để đối thoại với lương tâm công dân của mình.
Trên tường chỉ có hình cụ Phan Châu Trinh chứng giám. Nhà trí thức yêu nước lớn Phan Châu Trinh vượt xa tầm vóc một nhà văn hóa hay một nhà giáo dục như nhiều người tưởng. Nếu dân tộc này khi xưa đủ trình độ để biết cứu nước theo tư tưởng PCT, con đường chính trị PCT, con đường cách mạng đầy trí tuệ, khoa học và khôn ngoan của Phan Châu Trinh thì tham vọng xâm lăng của kẻ thù phương Bắc dù có được dày công vun đắp cũng không thể có đường mả thực hiện.
11 giờ đêm 15 tháng 2-2017
H.S.P.
Tác giả gửi BVN
THÁNG 2/1979: NHỮNG NGÀY TRONG TRẠI TẬP TRUNG BÊN KIA
HOÀNG HƯỜNG/TVN/ BVB 17-2-2017
 “Chuyến tàu chạy hết một ngày đêm, đến nơi nào đó trên đất Trung Quốc rồi tất cả bị đưa vào trại tập trung. Có cả nghìn người  Việt Nam bị đưa vào đó.”
Buổi sáng hỗn loạn
Chiến tranh chống Mỹ kết thúc, quân nhân Hoàng Trọng Dương giải ngũ về quê, được bổ nhiệm là bí thư, chủ tịch xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Nhưng sự bình yên bị gián đoạn bởi quân xâm lược. Khi tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới Việt - Trung, anh lại cầm súng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương, bảo vệ từng người dân thân yêu trên đúng mảnh đất cha ông anh đã gây dựng từ ngàn đời.
Rạng sáng 17/2/1979, phía Trung Quốc đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Tại Lạng Sơn, quân Trung Quốc tràn vào cửa khẩu Đồng Đăng và thị xã Lạng Sơn, lửa đã cháy và máu đã đổ ở khắp nơi. Khu vực pháo đài Đồng Đăng hơn 400 quân và dân Việt Nam đã bị giết bởi pháo đạn của quân xâm lược.
Ông Hoàng Trọng Dương, khi đó là bí thư xã Đại Đồng, Tràng Định, cũng là thành viên đội dân quân xã không bao giờ có thể quên thời khắc: “rạng sáng 17, cả dải biên giới sáng rực đạn pháo. Tiếng ùng oàng liên tiếp. Người dân được lệnh di tản khẩn cấp, dân quân ở lại chiến đấu bảo vệ bản làng.
Người già phụ nữ trẻ em bồng bế nhau chạy, đằng sau, đạn pháo vẫn nã đuổi theo họ.
Anh Hoàng Dư, cũng người làng Đại Đồng kể, khi đó mới 17 tuổi và là thành viên đội dân quân xã. Anh là một trong những người cuối cùng rời bản làng.
Men theo bờ ruộng ven rừng, chạy ra đến cầu Bản Trại, anh tậm mắt nhìn thấy dòng sông Kỳ Cùng “đầy xác người” trôi nổi. Hầu hết là phụ nữ và trẻ em.
Từ trái sang, các nhân chứng: Hoàng Văn Ngọc, Hoàng Văn Đâu, 
Hoàng Văn Nghiệp và Hoàng Trọng Dương. Ảnh: Hoàng Hường
Trong trại tập trung bên kia biên giới
Chạy được vài hôm, lương thực cạn kiệt. Nhiều người đàn ông can đảm ngược về làng tìm thực phẩm cho gia đình. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, anh Nông Văn Láu đã cùng vài người về lấy lương thực, không may lọt vào ổ phục kích của quân Trung Quốc. Chúng nhận ra anh Láu là dân quân nên đã bắn chết tại chỗ.
Một nhóm ba người đàn ông và hai phụ nữ khác cũng không may bị lính Trung Quốc bắt được.
Ông Hoàng Văn Ngọc và ông Hoàng Văn Đâu là hai trong nhóm 5 người làng Đại Đồng bị bắt đưa đi kể lại: “Chúng tôi bị đánh, bịt mắt, trói giật cánh tay và bị buộc vào nhau theo hàng dọc rồi bị dẫn đi rất xa. Đi bộ như thế cả ngày. Cả nhóm bị giải lên huyện Đông Khê, Cao Bằng. Ở đó, chúng tôi gặp nhiều người khác cũng bị bắt từ nhiều nơi, rồi tất cả bị đẩy lên tàu hỏa. Chuyến tàu chạy hết một ngày đêm, đến nơi nào đó trên đất Trung Quốc rồi tất cả bị đưa vào trại tập trung. Có cả nghìn người Việt Nam bị bắt sang đây”.
Ở trại tập trung, những người dân Việt Nam hàng ngày bị buộc phải học về tình bạn bè giữa “hai nước là láng giềng cùng là đồng chí, cùng là anh em” và học cả về “tinh thần đoàn kết bền vững”…
Theo quan sát của những người bị bắt, hầu hết lính Trung  Quốc “đều sống ở các vùng giáp biên Việt Nam” vì họ đều nói tốt tiếng Tày, Nùng, vốn là ngôn ngữ phổ biến tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng.
Sau vài tháng, nhờ sự tác động của Hội Chữ thập đỏ quốc tế và thỏa thuận giữa hai nước, những người dân Việt Nam hiền lành lương thiện đã được quân xâm lược trả về với quê hương qua cửa khẩu Hữu Nghị.
38 lần tháng 2 đã trôi qua. Hàng năm cứ đến ngày 17/2, những người dân biên giới lại cùng nhau kể về cái buổi sáng “đỏ rực trời đạn pháo”, khắp nơi tiếng khóc xé lòng của trẻ thơ… hình ảnh những người phụ nữ hoảng loạn tìm cách trốn chạy đạn pháo của quân Trung Quốc xâm lược và cả hình ảnh của những người con anh dũng đã nằm xuống cho biên giới mùa xuân xanh trở lại.
Hoàng Hường/TVN/VnN
AI CỐ TÌNH LÃNG QUÊN CUỘC CHIẾN BIÊN GIỚI VIỆT-TRUNG 1979 ?
HOÀ ÁI/RFA/BVB 17-2-2017

 Bộ đội Việt Nam trên vùng biên giới phía bắc trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc hôm 1/3/1979. 600 ngàn lính Trung Quốc tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979
Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 được truyền thông chính thống Việt Nam nhắc đến trong vài năm trở lại đây khiến dư luận thắc mắc bởi vì trước đây là sự im lặng, thậm chí bia thảm sát người Việt do lính Trung Quốc thực hiện trong cuộc chiến biên giới bị đục bỏ.
Liệu có phải tâm tư, nguyện vọng của các gia đình cựu chiến binh cùng nạn nhân trong cuộc chiến được nhà cầm quyền Hà Nội lắng nghe sau gần 4 thập niên?
Nhà nước không tổ chức tưởng niệm
Cuộc chiến biên giới nổ ra vào sáng sớm ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi 600 ngàn quân lính Trung Quốc tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam;BAO GỒMv:shapes="_x0000_i1025"> Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu. Sau một tháng, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích và rút quân. Ghi nhận cho thấy hàng ngàn người dân Việt, đa số là phụ nữ và trẻ em bị giết hại trong thời gian quân Trung Quốc đánh sang Việt Nam. Nhiều cơ sở hạ tầng như khu dân cư, nông trường, hầm mỏ, nhà máy… bị san bằng.
Tuy vậy, cuộc chiến biên giới Việt-Trung không hoàn toàn chấm dứt vào ngày 16 tháng 3 năm 1979, thời điểm rút quân cuối cùng của Trung Quốc; mà xung đột vũ trang giữa 2 nước còn tiếp diễn cho đến năm 1990. Đến tháng 11 năm 1991, Hà Nội và Bắc Kinh chính thức ký kết bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Mặc dù Việt Nam gọi tên đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, đẩy lùi được âm mưu xâm lược của Trung Quốc, nhưng suốt gần 3 thập niên, nhà cầm quyền Hà Nội không chính thức tổ chức tưởng niệm; cũng như không được các cơ quan truyền thông do Nhà nước quản lý nhắc đến dịp ngày 17 tháng 2 hàng năm.
Dẫu thế không vì vậy mà ký ức về đồng bào bị thảm sát, dân lành và quân nhân bị thương vong bởi quân đội Trung Quốc tàn bạo gây nên bị lu mờ trong tâm tưởng của các nạn nhân còn sống sót và trong lòng của nhiều người dân Việt Nam. Họ đặt ra câu hỏi vì sao cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, một trang sử hào hùng của dân tộc lại bị đảng và nhà cầm quyền lãng quên trong nhiều năm trời như thế?
Đáp câu hỏi vừa nêu với RFA nhân dịp kỷ niệm 38 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung, một số nhân sĩ trí thức trong nước cho biết kể từ khi Liên Xô và khối Đông Âu tan rã, Hà Nội đã quyết định “bắt tay” với Trung Quốc như một cách để duy trì chế độ và thực hiện chủ trương cũng như chỉ đạo bộ máy hành chính Việt Nam không được nhắc lại chuyện cũ, những xích mích hay rạn nứt với Trung Quốc trước đó.
Được lên tiếng nhỏ giọt
Một lính biên phòng Việt Nam bị giết trong cuộc xâm lược của Trung Quốc
 lên các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam hôm 17/2/1979. AFP photo
Thế nhưng, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận vài năm trở lại đây, truyền thông chính thống nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 một cách nhỏ giọt và ngày càng chuyển tải ý nguyện của nhiều người dân rằng lãng quên là có tội; cũng như cần phải cho con cháu đời sau nhận thức rõ bản chất xâm lược của Trung Quốc qua cuộc chiến đó. Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Kha Lương Ngãi lên tiếng về lập luận của ông vì sao có hiện tượng Hà Nội cho phép cơ quan báo đài trong nước đưa tin liên quan cuộc chiến biên giới sau nhiều năm cấm đoán: “Tôi không có đầy đủ thông tin để phát biểu chuyện này nhưng theo tôi đoán họ bị mang tiếng là ôm chân Bắc Kinh, chịu lệ thuộc Bắc Kinh để được bảo hộ đảng và chế độ cầm quyền. Họ bị mang tiếng quá rồi cho nên họ nới lỏng ra. Chắc cõ lẽ là như vậy.”
Từ Nha Trang, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo cho biết theo ghi nhận của ông chiến tranh biên giới năm 1979 bắt đầu được truyền thông lề phải nhắc đến từ việc không đề cập ai đã khơi mào cuộc chiến cách nay vài năm và dần dần phổ biến thông tin đầy đủ hơn về cuộc chiến cũng như các hệ lụy sau cuộc chiến. Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng đây là minh chứng cho dấu hiệu nới lỏng của Ban Tuyên giáo trong chỉ đạo đăng tải thông tin về chiến tranh biên giới năm 1979 nhưng không có nghĩa là được tự do trong việc đưa tin. Qua đồng nghiệp cũ và bạn bè trong giới báo chí, nhà báo Võ Văn Tạo được cho biết: “Ban Tuyên giáo có chỉ đạo, ví dụ sắp tới đây là ngày bao nhiêu đó thì bắt đầu được đăng; báo A, báo B đăng nhưng báo C, báo D thì chưa đăng rồi cách đấy một hai ngày thì báo C, báo D mới đăng…Đại khái là có những điều tiết nên không hoàn toàn là thống nhất, nhất quán đâu. Việc chỉ đạo báo chí thì cũng trồi sụt tùy theo ‘nóng lạnh’ giữa Ba Đình với Bắc Kinh.”
Về phía dân chúng trong nước, những người quan tâm đến cuộc chiến tranh biên giới bi hùng năm 1979 chia sẻ với RFA việc tìm kiếm thông tin trong thời đại internet là đều không khó nhưng đối với họ đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cần nhìn nhận cuộc chiến một cách đúng đắn và những người lính hy sinh để bảo vệ tổ quốc cần được vinh danh, cũng như tưởng nhớ nạn nhân bị sát hại trong cuộc chiến đó.
Hòa Ái/RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét