Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

20170215. MỘT BÀI HỌC VỀ "LẤY Ý KIẾN"

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỘT BÀI HỌC VỀ LẤY Ý KIẾN
NGUYỄN VĂN TUẤN/ tuan's blog 14-2-2017
Theo dõi việc lấy ý kiến về sự cần thiết của hệ thống loa phường ở Hà Nội thật là thú vị. Những sự kiện và kết quả xảy ra cho thấy công tác điều tra xã hội ở VN rất ư là khó khăn, và sự đột biến của kết quả cho thấy cuộc lấy ý kiến đã thất bại.
Có thể nói rằng một trong những "di sản" đáng ghét nhất của thời bao cấp là cái loa phường. Hệ thống tuyên truyền tẩy não rất cổ điển có nguồn gốc từ Tàu này là cội nguồn của biết bao nhiêu phiền phức cho người dân. Nó không chỉ làm ô nhiễm không gian âm thanh, mà còn gây nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ tinh thần của cư dân. Đối với du khách phương Tây, họ cực kì ngạc nhiên là vào thế kỉ 21 mà VN vẫn còn duy trì cái loa phường dù bên Tàu người ta đã bỏ nó từ cả 20 năm nay. Ở miền Nam, tôi chưa nghe ai nói thích cái loa phường. Nhưng ở ngoài Bắc, nơi đã sống quá lâu dưới thời bao cấp, thì rất khó nói: số người ghét nó thì rất nhiều, nhưng số người không ghét nó thì cũng chẳng ít. Tuy nhiên, đó chỉ là ấn tượng chung, chứ chẳng có cơ sở khoa học gì cả.
Ngày 25/1/2017, chính quyền Hà Nội quyết định lấy ý kiến người dân về sự cần thiết của hệ thống loa phường. Đây là một hành động rất đáng khen, vì trên nguyên tắc, chính quyền muốn lắng nghe ý kiến của cư dân về một vấn đề tương đối thời sự và gây chia rẽ không ít trong cộng đồng. Tuy nhiên, tôi thấy cách thực hiện cuộc lấy ý kiến có vài vấn đề về phương pháp. Những vấn đề này liên quan đến cách tổ chức, cách soạn câu hỏi, và dẫn đến kết quả rất khó diễn giải.
Thứ nhất là vấn đề tổ chức. Chính quyền Hà Nội tự thực hiện cuộc lấy ý kiến, và theo tôi đó là cách làm không tốt. Đáng lí ra, chính quyền nên hợp đồng với một công ti chuyên về khảo sát thị trường để họ thực hiện. Một công ti khảo sát chuyên nghiệp có những chuyên gia về điều tra xã hội, và họ biết cách lấy mẫu cho khách quan cũng như mang tính đại diện. Còn đằng này chính quyền tự tổ chức cuộc lấy ý kiến, đứng trên phương diện ethics, là thiếu tính độc lập. Có thể chính quyền không can thiệp vào cư dân để họ cho ý kiến, nhưng cũng chưa có căn cứ gì để loại bỏ giả thuyết đó.
Thứ hai là lấy ý kiến từ internet không phải là một cách làm tốt. Người biết sử dụng internet và đọc tin tức từ mạng là một thành phần rất khác với đám đông lao động và những người không biết dùng internet. Những người dùng internet thường là những người có thu nhập cao hơn trung bình, có trình độ học vấn tương đối tốt và do đó họ quan tâm đến thời sự, là những người công chức hay đảng viên và những người này có quan điểm không thể đại diện cho cộng đồng. Do đó, kết quả của lấy ý kiến từ internet không thể nào đại diện cho cư dân Hà Nội được.
Thứ ba là cách soạn câu hỏi có vấn đề. Câu hỏi chính trong cuộc lấy ý kiến là:
"Ý kiến của ông/bà về hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở?
• Có cần thiết, nên duy trì như hiện nay
• Không cần thiết duy trì hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở
• Có cần thiết nhưng phải đổi mới
• Ý kiến khác, vui lòng gửi về email xxxx.
"
Bạn nào từng học lớp nghiên cứu khoa học của chúng tôi (và học qua cách soạn bộ câu hỏi) thì có thể sẽ phát hiện ngay vấn đề của cách soạn câu hỏi trên. Cách dùng chữ theo kiểu hành chính hoá như "Đài truyền thanh cơ sở" là rất dở, và hình như cố ý làm nhẹ cái tác động của cách tuyên truyền kinh điển hoặc cố tình làm cho người dân không hiểu hoặc hiểu sai, nhất là kèm theo chữ "hoạt động". Tại sao không dùng chữ "loa phường" để mọi người đều hiểu?
Vấn đề kế đến của câu hỏi là giả định ngầm. Chẳng hạn như "Có cần thiết, nên duy trì như hiện nay" là một cách giả định ngầm và nhét chữ vào miệng người ta. Còn câu trả lời thứ hai "Không cần thiết duy trì hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở" cũng là một cách dùng chữ thừa và nhập nhằng. Lại thêm "có cần thiết nhưng phải đổi mới" là vi phạm nguyên lí đặt câu hỏi đa chiều. Đáng lí ra chỉ nên hỏi rất đơn giản như sau:
"Liên quan đến hệ thống loa phường trong thành phố, xin quí vị cho ý kiến:
• Chấm dứt hệ thống loa phường
• Duy trì hệ thống loa phương
."
Một câu như thế vừa ngắn vừa dễ hiểu, và dễ phân tích.

Với những khiếm khuyết trên, không ngạc nhiên khi phần kết quả thì rất ư là khó diễn giải. Chúng ta thử xem qua tiến triển của kết quả và sẽ thấy vấn đề:
  • Ngày 25/1: Phát động cuộc lấy ý kiến.
  • Ngày 26/1: 90% người đề nghị bỏ loa phường (không rõ bao nhiêu người) [1].
  • Ngày 3/2: 75% (trong số hơn 4000 người) đề nghị bỏ loa phường. Ngoài ra, gần 70% xem thông tin từ loa phường là không thiết thực, không có ích; 75% cho biết họ cập nhật thông tin qua internet [2].
  • Ngày 6/2: 80% (trong số hơn 50,000 người) đề nghị bỏ loa phường [3].
  • Ngày 7/2: 78% (trong số ~100,000 người) đề nghị GIỮ loa phường [4].
  • Đến chiều 7/2 thì cuộc lấy ý kiến bị dừng vì chính quyền phát hiện "dấu hiệu bất thường" do số người vào bầu tăng lên một cách đột biến [5].
Các bạn có thấy kết quả bất thường? Cho đến ngày 6/2 khoảng 80% đề nghị bỏ loa phường, nhưng chỉ 1 ngày sau (thật ra là vài giờ) thì kết quả hoàn toàn ngược lại: gần 80% đòi duy trì loa phường!
Nhưng điều khá mâu thuẫn là dù 78% đề nghị giữ loa phường, nhưng cũng gần 75% cho rằng thông tin từ loa phường là vô ích và không thiết thực! Điều này cho thấy cách soạn câu hỏi có vấn đề (như phân tích trên), nhưng cũng có thể số người vào "bỏ phiếu" giữ loa phường không quan tâm đến câu hỏi kia, hay chính họ tự mâu thuẫn. Dù lí do gì thì kết quả 78% đề nghị giữ loa phường là không đáng tin cậy vì thiếu tính nhất quán.
Đây là một tín hiệu cho thấy cách lấy mẫu rất quan trọng. Dùng internet để lấy ý kiến cũng có nghĩa là không có lấy mẫu và cũng chẳng có phương pháp khoa học gì cả. Vì thiếu tính khoa học, nên rất dễ bị lạm dụng bởi những người có "quan điểm mạnh" hay nói theo tiếng Anh là "strong opinion". Với kết quả này rõ ràng là có một sự can thiệp đằng sau, chứ nếu là ngẫu nhiên, thì không thể nào có một sự đột biết trong vòng 1 ngày như trên. Rất tiếc là chính quyền Hà Nội đã tốn tiền cho một công việc chẳng dẫn đến kết quả đáng tin cậy, nhưng lại là một bài học rất tốt cho phương pháp nghiên cứu khoa học.
Đây cũng là một bài học về lấy ý kiến. Nhìn chung thì cuộc lấy ý kiến rất dễ, nhưng để có kết quả đáng tin cậy và mang tính khoa học thì không dễ chút nào. Không thể nào xem nhẹ phương pháp lấy mẫu. Cũng không thể nào xem nhẹ việc soạn câu hỏi sao cho đúng phương pháp và giúp người trả lời tham dự tốt hơn. Do đó, kết quả lấy ý kiến lần này xem như không đáng tin cậy, vì không có tính khoa học và thiếu tính độc lập cùng khách quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét