Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

20170208. BÀN VỀ DỰ THẢO QUY ĐỊNH MỚI CỦA TIÊU CHUẨN CHỨC DANH GIÁO SƯ

ĐIỂM BÁO MẠNG
CẢI CÁCH NÂNG CHUẨN TỪ CHÍNH HỘI ĐỒNG CHỨC DANH GIÁO SƯ
PHẠM ĐỨC CHÍNH /VNN 8-2-2017
Cải cách nâng chuẩn từ chính các Hội đồng chức danh Giáo sư
Tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư và phó giáo sư dự kiến sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng nâng cao hơn quy định cũ. Ảnh: Lê Văn.
Bên cạnh bất cập của chính sách và các tiêu chuẩn chức danh đã lạc hậu, các Hội đồng chức danh Giáo sư (HĐCDGS) chịu phần trách nhiệm chính về tinh trạng yếu kém của Khoa học Việt Nam (KHVN) cùng các chức danh Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS).
Kinh nghiệm từ Quỹ Nafosted
Cải cách tiêu chuẩn các chức danh ở thời điểm này là quá muộn so với bước tiến mà Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã thực hiện với sự hình thành của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (thường gọi theo tên tắt tiếng Anh là Nafosted) từ năm 2009.
Các chủ trì để tài Nghiên cứu Cơ bản trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật phải đạt yêu cầu tối thiểu có công bố quốc tế ISI (cao hơn chuẩn Scopus) trong 5 năm gần nhất, trước khi đề tài được xem xét.
Các đề tài trong 2 - 3 năm phải công bố ít nhất 2 bài báo quốc tế ISI, trong đó ít nhất 1 bài chủ trì phải là tác giả chính (tác giả liên hệ hay tác giả đứng tên đầu).
Ngay từ đợt xét đầu tiên 80% các chủ trì đề tài Nghiên cứu Cơ bản cũ trong ngành Cơ học gồm phần nhiều là các GS chức sắc gọi là đầu ngành đã không đạt tiêu chuẩn đầu vào về công bố quốc tế, trong khi hơn 50% chủ trì được duyệt là các TS trẻ và trung tuổi lần đầu tiên có được cơ hội chủ trì đề tài mà theo cơ chế cũ họ không với tới được.
Trái ngược với những dèm pha ban đầu là Chương trình sẽ thất bại, không lấy đâu ra người chủ trì các đề tài, và các đề tài không thể được hoàn thành, chương trình Nghiên cứu Cơ bản của Bộ KH&CN đã và đang thành công vượt mọi mong đợi và đang là điểm sáng vững chắc trong khoa học nước nhà.
Mặc dù có những chủ trì phải rút lui đề tài, có những chủ trì không hoàn thành nhiệm vụ phải hoàn lại một phần kinh phí (điều chưa từng xảy ra trước đây), nhiều chủ trì phải xin gia hạn, phần đông các đề tài được lựa chọn khắt khe đã hoàn thành nhiệm vụ. Số các đề tài mới và số công bố quốc tế tăng nhanh hàng năm, cuốn hút được nhiều TS trẻ, trong đó có số đông các bạn mới được đào tạo ở nước ngoài – cả những người phân vân giữa ở lại nước ngòai hay về nước – tham gia tích cực.
Có những nhà khoa học trung và lớn tuổi đã phấn đấu trở lại công bố quốc tế. Trong ngành Cơ học, các GS Nguyễn Văn Khang và Phạm Lợi Vũ, dù đã trên 70 tuổi, đã chủ trì thành công các đề tài với công bố quốc tế. Không có ngoại lệ ở đây.
Có những chức sắc cấp cao thuộc chính các HĐCDGS Ngành hiện nay đã xin và bị từ chối, không chỉ một lần, đề tài Nghiên cứu Cơ bản vì không đạt tiêu chuẩn tối thiểu về công bố quốc tế.
Hiện nay Quỹ Nafosted và các Hội đồng Ngành Nghiên cứu Cơ bản đang có chính sách cụ thể khuyến khích công bố quốc tế chất lượng cao hơn mức ISI: trên các tạp chí SCI có trong các danh sách hàng đầu Q1 của ISI và Scopus.
Đòi hỏi cao hơn với thành viên Hội đồng chức danh Giáo sư
Khác với cải cách toàn diện Chương trình Nghiên cứu Cơ bản của Bộ KH&CN, Bản Dự thảo tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có một khiếm khuyết cơ bản là trong khi đòi hỏi các ứng viên phải có công bố quốc tế ISI và Scopus, thì lại lờ đi đòi hỏi như vậy đối với các thành viên các HĐCDGS – vốn đóng vai trò thẩm định và nắm khâu quyết định với thành công của cải cách.
Theo gương Chương trình Nghiên cứu Cơ bản, cần đòi hỏi tương tự về công bố quốc tế đối với các thành viên các HĐCDGS, thậm chí cần yêu cầu cao hơn, nhất là đối với các HĐCDGS Ngành (như đối với 8 HĐ Ngành của Chương trình Nghiên cứu Cơ bản trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật).
Trong Bản dự thảo có một điểm mới là yêu cầu các thành viên các HĐCDGS Ngành phải có chức danh GS – lại là một cản trở cho tiến trình cải cách. Bởi không ít các GS và thành viên các HĐCDGS Ngành hiện nay mang tư duy cũ và yếu kém về chuyên môn, thậm chí không đạt tiêu chuẩn tác giả chính các bài báo quốc tế của chức danh PGS mới.
Ở điểm này thì lại cần giữ quy định cũ để có thể chọn được các HĐCDGS Ngành từ các GS và PGS xuất sắc nhất.
Các HĐCDGS Cơ sở cần mở rộng cho cả các TS có thành tích công bố quốc tế tốt, và mời thêm người bên ngoài cơ sở, nếu không đủ số GS, PGS đạt chuẩn công bố quốc tế.
Ở những ngành công bố quốc tế còn quá yếu, bước đầu danh sách ứng viên HĐCDGS Ngành có thể tạm mở rộng cả cho cả các GS chưa đạt chuẩn công bố quốc tế và cả các TS đạt chuẩn công bố quốc tế, và mời thêm chuyên gia từ ngành gần gũi.
Cần một website mở
Website của HĐCDGS Nhà nước cần mở để các GS, PGS, TS các ngành đạt tiêu chuẩn công bố quốc tế của chức danh PGS từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo đăng ký Lý lịch khoa học vào các ngành cụ thể theo mẫu quy định, và được cập nhập hàng năm (các thông tin công bố quốc tế đều có thể kiểm tra khách quan được).
Do tính chất đa ngành hiện nay, nhiều đồng nghiệp có thể đồng thời đăng ký ở các ngành gần và giao nhau. Ví dụ nhiều chuyên gia các ngành Cơ khí, Xây dựng, Thủy lợi, Giao thông có thể đăng ký đồng thời vào cả ngành Cơ học, vốn đại diện cho phần đông trong số họ trong Chương trình NCCB hiện nay.
Thông tin đó sẽ giúp HĐCDGS Nhà nước nắm được tình hình trong từng ngành và đặt ra các tiêu chí cụ thể sát thực tế hơn cho từng ngành. Ví dụ, đối với các ngành Toán, Lý, Cơ, Tin, Hóa, Sinh… cần lấy tiêu chuẩn quốc tế ISI (cao hơn Scopus), thậm chí cao hơn nữa là SCI (Trung Quốc lấy chuẩn này).
Dựa vào đây Bộ GD-ĐT và HĐCDGS Nhà nước tiến hành thăm dò online lấy ý kiến các nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế các ngành để chọn ra các HĐCDGS Ngành có năng lực và xứng đáng nhất từ các GS, PGS. Không chỉ tinh phiếu tín nhiệm, mà cả phiếu phản đối nữa, giúp loại bỏ những nhân vật tiêu cực cộm cán trong các ngành.
Xem xét bổ nhiệm lại sau 5 năm 
Các thành viên các Hội đồng Ngành của Chương trình Nghiên cứu Cơ bản còn bị giới hạn số nhiệm kỳ liên tiếp: các thành viên, với không quá 6 - 8 năm liên tục, Chủ tịch và Phó chủ tịch – không quá 4 - 6 năm.
Trong giai đoạn quá độ hiện nay, nhiệm kỳ các HĐCDGS Ngành cũng nên được rút ngắn xuống 2 - 3 năm, giúp các HĐ này có thể được đổi mới liên tục cùng với đà tiến bộ của Khoa học Việt Nam.
Tiêu chuẩn tác giả chính 2 bài báo quốc tế đối với các ứng viên chức danh và thành viên HĐCDGS cần là của 5 năm gần nhất, chứ không phải là của thời xa xôi, khi đương sự còn được đào tạo ở nước ngoài, và đã xa rời khoa học chuẩn mực nhiều năm qua.
Với chức danh GS cần yêu cầu một nửa số điểm công trình phải là từ công bố quốc tế - điều đó là không khó với những ai đã qua ngưỡng tác giả chính các bài báo quốc tế nội lực. Tiêu chuẩn đó cũng sẽ làm khó các “GS chức sắc” xin/ mua để ghé tên vào một vài bài báo quốc tế của đồng nghiệp dưới quyền.
Các GS, PGS đã đạt chuẩn cần được xem xét bổ nhiệm lại sau 5 năm – trong thời gian đó đương sự vẫn phải tham gia nghiên cứu và đào tạo, và là tác giả chính các bài báo quốc tế.
Chúng ta cần có các Chức danh, Hội đồng chất lượng được lựa chọn minh bạch. Các HĐCDGS phải có trách nhiệm chọn được các nhà khoa học đầu tàu xứng đáng ở thời điểm năng lực đỉnh cao của họ để họ kéo con tàu Khoa học Việt Nam đi lên, chứ không phải khi họ đã ở tuổi xế chiều và đã qua thời kỳ đó.
Các Hội đồng cũng không thể là nơi cửa quyền, xin cho, và phân phát hư danh.
Chúng ta không thiếu các tài năng trẻ, những người tâm huyết với khoa học nước nhà, và họ cần được cởi trói, mà sợi giây trói ở đây chính là cơ chế và các HĐCDGS kiểu cũ.
Việc những nhà khoa học đầu tàu nổi bật về nghiên cứu cơ bản và đào tạo theo chuẩn mực quốc tế, với nhiều đóng góp cho tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của khoa học nước nhà những năm qua như Nguyễn Bá Ân, Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Xuân Hùng … đã không được/ bị từ chối chức danh GS cho thấy những bất cập của khoa học Việt Nam.
Cải cách các HĐCDGS là một vấn đề cấp bách hiện nay của khoa học Việt Nam. Thành công của Chương trình NCCB của Quỹ Nafosted và Bộ KH&CN những năm qua cho phép chúng ta hy vọng vào bước tiến như vậy trong cải cách các chức danh GS, PGS, và các HĐCDGS.
Không làm được điều đó, các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, và cả cộng đồng khoa học của chúng ta sẽ cùng phải chịu trách nhiệm to lớn trước nhân dân.
Phạm Đức Chính(Nghiên cứu viên cao cấp Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

NHẬN XÉT VÀ ĐỀ NGHỊ TIÊU CHUẨN CHỨC DANH GIÁO SƯ VÀ PHÓ GIÁO SƯ
NGUYỄN VĂN TUẤN/ tuan's blog 7-2-2017
Bộ GDĐT mới ra một dự thảo về qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh GS/PGS (1), và kêu gọi những ai quan tâm góp ý. Đọc qua Dự thảo này tôi thấy qui trình vẫn y như cũ và các tiêu chuẩn thì có vẻ thấp quá.
Nhận xét 1Ngạch bổ nhiệm.  Dự thảo bộ tiêu chuẩn không phân biệt được ngạch giáo sư. Trong thực tế, có 2 ngạch giáo sư chính là giảng dạy và nghiên cứu. Nhiều người làm nghiên cứu nhưng không hay ít giảng dạy; ngược lại, có người xem giảng dạy là chính và nghiên cứu là phụ. Đóng góp của họ cần được ghi nhận, và tiêu chuẩn cho giáo sư ngạch giảng dạy phải khác với tiêu chuẩn cho giáo sư ngạch nghiên cứu.
Đề nghị 1: Cần xây dựng và tách bạch bộ tiêu chuẩn cho chức danh giáo sư ngạch giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ứng viên phải được quyền lựa chọn ngạch đề bạt.
Nhận xét 2Cấp bậc.  Dự thảo duy trì hai bậc giáo sư (phó giáo sư và giáo sư), nhưng với xu hướng chung trên thế giới, người ta phân định 3 bậc giáo sư: assistant professor, associate professor, và full professor (hay professor). Ngay cả ở Úc cũng có một số trường đại học theo cách phân cấp này. Hiện nay, theo dự thảo thì qui định cho phó giáo sư là 3 năm sau tiến sĩ, tôi nghĩ là chỉ tương đương với thời gian cho một hậu tiến sĩ để xin chức danh assistant professor ở nước ngoài.
Đề nghị 2: Nên cải cách và đưa vào cấp assistant professor. Tôi chưa biết dịch danh xưng này ra sao (trong thực tế, chữ "assistant" ở đây không có nghĩa là "trợ lí" mà là "phó"). Chức danh này nhằm khuyến khích các nhà khoa học và giảng viên trẻ có tiềm năng để họ phấn đấu thành một associate professor. 
Nhận xét 3Thời gian.  Dự thảo bộ tiêu chuẩn không qui định thời gian bổ nhiệm chức danh giáo sư. Điều này có thể hiểu rằng các chức danh này là phẩm hàm và có giá trị suốt đời. Tuy nhiên, trong thực tế ở các nước tiên tiến, mỗi chức danh giáo sư (professor, associate professor và assistant professor) có thời hạn, thường là 5 năm, chứ không phải suốt đời. Khi một giáo sư đã nghỉ hưu thì chức danh đó không còn nữa, nhưng nếu giáo sư đó có công cho trường đại học thì Hội đồng học thuật của trường có thể trao danh xưng "Emeritus Professor".
Đề nghị 3: Đưa thêm điều lệ bổ nhiệm chức danh giáo sư là 5 năm. Cần nói rõ là cứ sau 5 năm thì ứng viên sẽ được xét duyệt một lần.
Nhận xét 4:  Tiêu chuẩn chưa đầy đủ. Hiện nay, theo như dự thảo thì đa số các tiêu chuẩn chỉ xoay quanh các "tiêu chuẩn cứng" về năng suất khoa học, mà chưa xem xét đến các tiêu chuẩn khác như:
  • chất lượng và tầm ảnh hưởng của nghiên cứu;
  • tầm nhìn;
  • khả năng hay triển vọng lãnh đạo;
  • đóng góp cho chuyên ngành;
  • đóng góp cho trường/viện;
  • đóng góp cho Việt Nam.
Đề nghị 4: Một giáo sư đúng nghĩa không chỉ làm nghiên cứu khoa học, mà phải nghiên cứu có chất lượng, có ảnh hưởng trên trường quốc gia hay quốc tế, và có những đóng góp cho ngành và cho cộng đồng.
Nhận xét 5Tiêu chuẩn "cứng".  Tiêu chuẩn về số bài báo còn quá thấp. Dự thảo viết "Đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: 02 (hai) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus." Theo tôi, tiêu chuẩn này quá thấp cho một giáo sư. Ở nước ngoài (và ngay cả ở Việt Nam), nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng đã phải công bố ít nhất 2 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục ISI trước khi bảo vệ luận án. Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (2), tiêu chuẩn cho chức danh Assistant Professor cũng đã phải 4 bài báo trở lên. Do đó, một giáo sư do Hội đồng Nhà nước phong phải có năng suất cao hơn 2 bài báo thì mới "xem được".
Đề nghị 5: Số bài báo khoa học tối thiểu cần phải nâng lên 10 cho chức danh phó giáo sư, và 20 cho chức danh giáo sư. Cần phải đặt tiêu chuẩn về tác giả chính, chẳng hạn như 70% số bài báo tối thiểu ứng viên phải là tác giả chính. Phải xem xét đến số bài báo trong vòng 5 năm qua như là tiêu chuẩn chính để nhận dạng những "ngôi sao đang lên", vì những ứng viên này rất cần được hỗ trợ. Chú ý là không nên đưa ra một con số cứng nhắc, mà chỉ đưa ra một con số tối thiểu. Cần tham khảo các tiêu chuẩn của các trường đại học ở các nước tiên tiến để xem tiêu chuẩn tối thiểu của họ.
Nhận xét 6: Cách qui đổi điểm.  Cách qui đổi điểm bài báo thiếu tính hợp lí. Ở Điều 11, có qui định "Một bài báo khoa học có phản biện và được công bố trên tạp chí trong nước có mã số chuẩn quốc tế ISSN được tính tối đa 1,0 điểm; nếu công bố trên tạp chí nước ngoài có mã số chuẩn quốc tế ISSN tế được tính tối đa 1,5 điểm. Một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus được tính tối đa 2,0 điểm." Theo tôi thấy qui định này hoàn toàn không có một cơ sở khoa học nào cả, và không hợp lí.
Bài báo khoa học có bình duyệt (peer reviewed papers) cho dù là công bố trên các tập san trong danh mục ISI có chất lượng không đồng đều nhau. Chẳng hạn như một bài trên tập sanLancet, New England Journal of Medicine, JAMA, hay Nature có giá trị cao hơn nhiều so với một bài trên tập san như Scientific Reports hay PLoS ONE, dù tất cả những tập san này đều có bình duyệt và có mã số ISSN. Do đó, không thể đánh đồng giá trị bằng cách qui điểm đơn giản như dự thảo được. Càng khó thuyết phục hơn khi hệ số qui đổi điểm bài báo trên một tập san trong nước có ISSN là 1, trong khi đó bài báo trên tập san nước ngoài là 1.5.
Đề nghị 6: Bỏ cách qui đổi điểm. Sự nghiệp và thành tựu khoa học của một cá nhân không thể nào cân đo đong đếm đơn giản như cách qui đổi điểm.
Nhận xét 7: Qui trình bình duyệt. Dự thảo đề cập đến 3 hội đồng (cơ sở, ngành, và nhà nước). Qui trình này có vẻ rườm rà, và hội đồng cấp cơ sở có lẽ không cần thiết. Ứng viên chỉ cần hỏi ý kiến người có trách nhiệm nơi công tác là đủ, không cần đến một hội đồng. Ngoài ra, không thấy đề cập đến bình duyệt của chuyên gia nước ngoài.
Đề nghị 7: Bỏ hội đồng cấp cơ sở, nhưng thêm vào bình duyện từ chuyên gia nước ngoài. Các chuyên gia này phải là những người cấp giáo sư đang công tác trong các đại học có trong danh sách Top 500. Bình duyệt từ ngoài là cần thiết vì chỉ có người trong chuyên ngành hẹp mới đánh giá chính xác ứng viên.
Bổ nhiệm chức danh giáo sư hay phó giáo sư là một hình thức ghi nhận đóng góp của ứng viên không chỉ trong khoa học mà còn cho trường, cộng đồng, và quốc gia. Các tiêu chuẩn cần phản ảnh ba cấp giáo sư. Một Assistant Professor cần đáp ứng tiêu chuẩn chung là có thành tích nghiên cứu khoa học tốt hay giảng dạy tốt và có đóng góp ở cấp trường hay quốc gia. Một Associate Professor phải chứng tỏ có uy tín cấp quốc gia về thành tựu khoa học và có đóng góp ngoài trường, thường là cấp quốc gia. Một Professor cần có một thành tích nghiên cứu khoa học thuộc vào hạng xuất sắc (distinguished) và có uy danh cấp quốc tế. Các tiêu chuẩn định lượng là quan trọng, nhưng cũng chỉ mang tính tham khảo, bởi vì trong thực tế không có một tiêu chuẩn mang tính định lượng nào có thể phản ảnh đầy đủ những đóng góp của một ứng viên. Một bộ tiêu chuẩn quá lệ thuộc vào định lượng theo kiểu "cân đo đong đếm" và qui đổi điểm rất khó nhận dạng được những ứng viên xuất sắc.
Tóm lại, những tiêu chuẩn trong Dự thảo chưa tạo nên một sự "đột phá" cần thiết cho cải cách chức danh giáo sư. Các tiêu chuẩn vẫn mang nặng tính định lượng, nhưng ngưỡng lại khá thấp so với chuẩn quốc tế và trong vùng. Dự thảo còn thiếu vài tiêu chuẩn về chất lượng và tác động của nghiên cứu. Qui trình vẫn chưa được đơn giản hoá, và không có sự tham gia bình duyệt của các giáo sư nước ngoài. Những khiếm khuyết vừa kể có thể khắc phục dễ dàng để Dự thảo được hoàn chỉnh hơn.
  
----


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét