Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

20170202. ĐÂU RA 480 TỶ USD ĐỂ TÁI CƠ CẤU KINH TẾ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
CẦN 480 TỶ ĐÔ LA ĐỂ TÁI CƠ CẤU KINH TẾ! Ở ĐÂU RA VẬY?
VŨ QUANG VIỆT/ TVN/ BVB 1/2/2017
Kết quả hình ảnh cho dollar
Việt Nam sẽ cần 480 tỉ đô la Mỹ để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2022. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu rằng cần 480 tỉ đô la Mỹ (tức 10,567 triệu tỷ đồng) để tái cơ cấu nền kinh tế. Không hiểu đây là phát biểu thật hay đùa, và căn cứ nào để ông Bộ trưởng phát biểu như thế?
Số tiền này là cần cho thời kỳ 2016-2020, tức là mỗi năm cần đến 90 tỉ đô-la Mỹ.
Trong khi GDP năm 2015 là 199 tỉ đô-la Mỹ và tổng tích lũy là 50 tỉ đô-la Mỹ.  Như thế, chi phí tái cơ cấu hàng năm vượt cả tổng tích lũy của nền kinh tế!
Với yêu cầu vốn trong 5 năm như trên thì cũng nhiều hơn hẳn tổng đầu tư của suốt  hơn 10 năm trong thời kỳ 2006-2015 (404 triệu đô-la Mỹ).Lấy đâu ra tiền để đáp ứng yêu cầu điều ông Bộ trưởng đưa ra? Phải chăng ông tuyên bố với tinh thần trách nhiệm của một người có trách nhiệm. Đặt ra thế để thấy rằng từ những năm 2006 đến nay, các kế hoạch đầu tư có vẻ vĩ đại, nhưng nền kinh tế ngày càng bị đẩy dần tới chỗ cực kỳ khó khăn: kinh tế dù có tăng trưởng nhưng là tăng trưởng thiếu chất lượng, lạm phát cao trong rất nhiều năm, thiếu hụt ngân sách tiếp tục tăng không kiểm soát được, và tỷ lệ nợ so với GDP không chỉ của Chính phủ và của cả nền kinh tế ngày càng tăng.
Cái đạt được là tính chất thiếu chất lượng của các dự án đầu tư, tiêu rất nhiều tiền quốc gia, nhưng hầu hết đều lỗ vốn và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong dân chúng.
Số tiền lớn đó, đến 480 tỉ đô-la Mỹ dùng làm gì? Để tái cơ cấu? Các quan chức và báo chí nói rất nhiều đến “tái cơ cấu”, nhưng người đọc như tôi thì vẫn không hiểu tái cơ cấu là gì? Nội dung cụ thể của nó gồm những gì?
Thời trước đây: khi nói đến đổi mới là nói đến thị trường hóa sản xuất với giá cả được tự do hơn thay vì tập trung vào quyền quyết định của một vài quan chức nhà nước. Cụ thể ở nông nghiệp, thị trường hóa là giao đất cho nông dân tự sản xuất và tự tiêu thụ. Cái lợi của đổi mới là rất lớn. Lợi lớn như thế nhưng đâu cần chi, bởi vì thời đó nhà nước khánh kiệt, làm gì có tiền mà chi, chỉ là chuyển đổi cơ chế.
Vậy thì cần hỏi lại: tái cấu trúc có nội dung gì? Mục đích của tái cơ cấu là mang lại lợi ích hay là để chi tiền ra?
Nếu là phát huy vai trò của tư nhân, thì đầu tư là do tư nhân quyết định, đâu cần gì đến vốn nhà nước. Giảm thiểu vai trò của các tập đoàn quốc doanh bằng cách chứng khoán hóa thì lại đưa thêm vốn tiền mặt vào tay nhà nước. Nói tóm lại nếu tái cấu trúc là “cổ phần hóa” thì chính quá trình này tập trung vốn trở lại vào tay nhà nước để đầu tư vào các công trình có công ích thực sự.
Nếu tái cơ cấu là nâng cao vai trò kiểm tra chất lượng của các công trình nhà nước thì thậm chí có thể giảm chi phí mà hiện nay đang bị phung phí, rơi vào tay tham nhũng đầu thời đưa đến công trình chất lượng kém.
Vậy cần phải hiểu tái cơ cấu một cách cụ thể là gì đây? Và đâu là các hành động cụ thể đưa đến yêu cầu 480 tỉ đô-la Mỹ trên?
VQV/VnN-TVN

ỔN ĐỊNH LÒNG DÂN TRONG THẾ GIỚI BIẾN ĐỘNG
NGUYỄN TIẾN LẬP/ KTSG 31-1-2017
(TBKTSG Xuân) - Sau sự kiện Brexit ở châu Âu và Donald Trump đắc cử Tổng thống ở Mỹ, người ta bắt đầu nói đến một thế giới biến động và khó lường.
Tuy nhiên, khả năng phản ứng và hành động của giới tinh hoa chính trị bao giờ cũng rất nhanh nhạy. Đáp lại sự hoảng loạn của nhiều người Mỹ về việc Trump đắc cử, Tổng thống đương nhiệm Obama tuyên bố: “Dù cho điều gì có xảy ra thì mặt trời vẫn mọc”, rồi sau đó, nhiều nhà chính trị châu Âu đã chuyển từ “thất vọng” sang chủ trương “thay đổi để thích ứng”, vốn là nghệ thuật ứng xử muôn thuở.
Người Việt chúng ta sẽ ứng phó và hành động ra sao trong sự biến động như vậy của thế giới, mà hệ quả “sát sườn” của nó đồng nghĩa với các hệ lụy cả về chính trị và kinh tế? Đặc biệt, khi một cơ hội có tính “đặt cược” để nền kinh tế hội nhập quốc tế theo cấp độ mới trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hầu như chắc chắn sẽ bị trì hoãn hoặc loại bỏ...
Chúng ta vẫn kiên định với niềm tin hy vọng rằng “mặt trời vẫn mọc” hay cũng sẽ chủ động “thay đổi để thích ứng”? Đồng thời, liệu rằng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 của Chính phủ vừa được Quốc hội thông qua có cần thiết phải được điều chỉnh trong bối cảnh mới đó hay không?
Trong mối tương quan hai phía, Chính phủ sẽ hành động theo trách nhiệm, còn người dân chỉ có tấm lòng. Tuy nhiên, mọi sự thành bại của các quyết sách do Chính phủ đưa ra lại phụ thuộc vào tấm lòng ấy, như một chân lý ngàn năm của người Việt đã được tuyên ngôn bởi nhà tư tưởng lớn của dân tộc Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Thấm nhuần tư tưởng này, vào năm 1966, giữa lúc đất nước nan nguy bởi chiến tranh quay trở lại, trong một phiên họp của Hội đồng Chính phủ cũng vào dịp cuối năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các cán bộ Chính phủ: “Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Là một nhà lãnh đạo tối cao của đất nước, chắc chắn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học Nguyễn Trãi để thấu hiểu rộng hơn các nguyên lý cốt yếu nhằm bảo vệ sự trường tồn của Nhà nước và chế độ, bởi: “Chở thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”.
Vì thế, trong bối cảnh năm mới 2017 với những tín hiệu của sự biến động khó lường, các chương trình và kế hoạch hành động của Chính phủ chắc chắn chỉ có thể thành công nếu ổn định được lòng dân, cho dù làm được điều này là vô cùng khó một khi trao đổi thông tin giữa người dân với nhau đã trở nên tự do và không còn có thể bị kiểm soát.
Bên thềm năm mới với những biến động khôn lường, ổn định lòng dân phải chăng chính là phương châm và giải pháp cho sự đứng vững và phát triển tiếp theo của đất nước?
Vậy làm sao để yên dân?
Yên dân trước hết là bảo đảm việc công khai hóa và phản hồi thông tin. Vừa rồi, trao đổi nhân việc đại biểu Quốc hội chất vấn vụ ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đã phát biểu rằng: “Có những việc diễn ra tại đây (tức Quốc hội), nhưng chỉ một phút sau lên mạng hết vì thế giới phẳng”. Điều đó có nghĩa rằng lãnh đạo nhà nước đã chính thức xác nhận các kênh truyền tin trên mạng, bao gồm mạng xã hội, có vai trò bình đẳng, thậm chí nhanh chóng hơn các phương tiện truyền thông khác.
Nhiều thông tin trên mạng làm người dân vui mừng, nhưng cũng không ít thông tin làm cho họ lo lắng. Chính vì thế, việc phản hồi công khai của đại diện Ngân hàng Nhà nước vừa qua, bác bỏ tin đồn về khả năng Chính phủ đổi tiền đã giải tỏa tức thì sự bất an của người dân, và đó là một xu hướng hành động mới rất có trách nhiệm của cơ quan nhà nước, được xã hội hoan nghênh.
Yên dân là bảo đảm cho người dân có quyền, cơ hội và khả năng tự lo cho đời sống của mình. Trong suốt thời kỳ dài của chế độ bao cấp, đa số người dân đã bị tước đi quyền này, dẫn đến họ gần như bị lệ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước. Khi bầu sữa bao cấp của Nhà nước vơi cạn, người dân đã bị đói mà không thể xoay xở ngay trên chính mảnh đất màu mỡ của mình. Đó chính là một tình thế nguy hiểm của an ninh con người. Gần đây, khi cả nhân tai và thiên tai dồn dập đổ lên đầu hàng triệu nhân dân miền Trung, đẩy nhiều gia đình đến cảnh khốn cùng, trong khi sự cứu trợ từ Nhà nước rất có hạn, điều gì sẽ xảy ra nếu như các cơ quan nhà nước vẫn giữ quan điểm bao cấp, ngăn cản các hoạt động thiện nguyện nhanh chóng và hiệu quả do chính các tổ chức, cá nhân tự tổ chức, cho dù các hoạt động này còn chưa bài bản, chuyên nghiệp do thiếu pháp luật điều chỉnh.
Từ một góc độ khác, các nhà hoạch định chính sách cũng rất cần quan tâm đến khả năng tự tạo lập và duy trì tài sản của người dân một cách ổn định. Chẳng hạn, trong điều kiện đất đai đã thuộc sở hữu nhà nước, ngoại tệ bị hạn chế lưu thông, nếu như người dân không còn cơ hội và điều kiện để tích lũy vàng như một tài sản dự trữ và phòng ngừa các rủi ro, do đã bị Nhà nước huy động hết theo một đề án đang được xem xét, thì phải chăng một lần nữa, đời sống của họ sẽ lại trở nên bấp bênh do bị trói buộc vào sự thành bại của các chính sách kinh tế vĩ mô?
Yên dân là bảo đảm có sự nhất quán trong hành động của Chính phủ. Sự nhất quán trong ban hành và thực thi chính sách vĩ mô không chỉ cần thiết liên quan đến mục tiêu mà còn cả giải pháp, đặc biệt là các hiệu quả và hiệu ứng được tạo ra trên bình diện xã hội. Năm 2015, Chính phủ mới đã ngay lập tức xác định nhiệm vụ trọng tâm là lấy lại đà tăng trưởng kinh tế bằng việc ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đi kèm với đó là một phong trào khởi nghiệp trong toàn xã hội được phát động.
Tuy nhiên, cũng chính trong năm 2015, lần đầu tiên Bộ luật Hình sự mới được Quốc hội thông qua đã hình sự hóa hàng loạt các vi phạm dân sự và hành chính trong lĩnh vực kinh tế, mà điển hình là quy định việc trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là tội phạm hình sự. Từ góc độ doanh nghiệp, đáng lưu ý rằng các chi phí liên quan đến khoản đóng góp trên chiếm tới 32,5% tổng chi phí tiền lương, thuộc hàng cao nhất khu vực ASEAN. Vậy, một khi việc “hình sự hóa” chính là đẩy người chủ và người điều hành doanh nghiệp đến mép vực của “tồn tại hay không tồn tại” nếu vi phạm, thì ít nhất về mặt tâm lý, liệu bản thân họ, cũng như những người khác đang định khởi nghiệp khi chưa hề có chút kinh nghiệm nào, còn có thể tự tin và phấn khởi để hưởng ứng bản Nghị quyết 19 kia không? Sự nhất quán không chỉ là nhân tố bảo đảm thành công của các chính sách vĩ mô cụ thể mà quan trọng hơn, nó có ý nghĩa xây dựng và bảo đảm niềm tin của người dân vào Nhà nước.
Cuối cùng, yên dân về lâu dài là bảo đảm sự ổn định của hệ thống luật pháp trong một môi trường chính sách năng động. Điều này là một điều kiện cần thiết của một xã hội và nền kinh tế định hướng phát triển, và bản thân nó đang là thực tiễn chung ở nhiều quốc gia.
Trong hệ thống pháp luật, có ba trụ cột quan trọng bảo đảm cho sự yên dân. Đó là Bộ luật Dân sự (bảo đảm cho người dân quyền sở hữu), Bộ luật Hình sự (bảo đảm cho người dân biết tình huống nào mình bị tước quyền tự do hay tính mạng) và hệ thống tòa án (bảo đảm cho người dân niềm tin vào thực thi công lý). Ở nước ta, Bộ luật Dân sự chưa bảo đảm quyền sở hữu thật sự cho mỗi người dân chừng nào đất đai vẫn chưa thuộc sở hữu của họ. Bộ luật Hình sự nhiều năm qua đã từng quy định tội “Cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế của Nhà nước” như một cách áp đặt đầy cảm tính và duy ý chí đối với người bị coi phạm tội. Còn đối với các tòa án, qua nhiều vụ án oan sai mà Nhà nước đang phải bỏ hàng tỉ đồng ngân sách ra bồi thường, cho thấy thực trạng của nhiều tình huống “tòa xử thế nào cũng được” (như nhận định của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương nhiều năm trước), vẫn tiếp tục tồn tại.
Thêm vào đó, nhìn nhận khái quát cho thấy có sự chi phối của các chính sách ngắn hạn quá nhiều trong các đạo luật, khiến cho chúng cứ trung bình mười năm phải sửa đổi một lần, đồng nghĩa với sự xáo trộn không thể dự tính trong đời sống của người dân với chu kỳ tương tự. Thực tế này đòi hỏi đã đến lúc cần nghiên cứu để phân định rành mạch và khoa học giữa hai phạm trù pháp luật và chính sách thay cho nguyên lý “pháp luật thể chế hóa chính sách” vẫn được quan niệm bấy nay.

Trở lại với những cảm xúc xao động bên thềm năm mới với những biến động khôn lường, ổn định lòng dân phải chăng chính là phương châm và giải pháp cho sự đứng vững và phát triển tiếp theo của đất nước? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét