Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

20150224. BÀN VỀ SỨ MỆNH NGHIÊN CỨU CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
SỨ MỆNH NGHIÊN CỨU CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Bài của GS Nguyễn Văn Tuấn/ tuan's blog 22/2/2015

GS. Nguyễn Văn Tuấn (Ảnh internet)
***
Nhân dịp đầu năm, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn vài suy nghĩ của tôi về sứ mệnh của giáo dục đại học. Thật ra, đây là một bài nói chuyện nhân dịp Trường ĐH Tôn Đức Thắng được cấp 2 bằng sáng chế. Hôm đó, Trường có nhã ý mời tôi nói chuyện với tư cách là một giáo sư thỉnh giảng và giám đốc một lab nghiên cứu ở đây. Tôi vốn quen nói chuyện không có giấy tờ, nhưng lần này Trường nói phải có giấy tờ đàng hoàng (và bản tiếng Anh cho khách nước ngoài nữa) nên tôi phải soạn bài nói chuyện nghiêm chỉnh. Bây giờ thì việc đã xong nên tôi có thể post lên đây để chia sẻ cùng các bạn.
NVT
 *****
Sứ mệnh nghiên cứu của giáo dục đại học
(Bài nói chuyện tại ĐH Tôn Đức Thắng, 8/2/2015)
Kính thưa quí khách,
Kính thưa quí đồng nghiệp,
Tôi rất vinh hạnh có mặt tại đây, ngày hôm nay, để chia sẻ niềm vui và chúc mừng Trường Đại học Tôn Đức Thắng vừa được Cục quản lí bằng sáng chế Hoa Kì (USPTO) cấp bằng sáng chế đầu tiên, và được “gắn sao”. Đây là một thành tựu đáng tự hào của một trường đại học "trẻ" và đang trong thời kì mà nền giáo dục còn nhiều dao động và khó khăn.
Tôi được ban tổ chức mời phát biểu nhân dịp này, với tư cách là một cố vấn của Trường, một giáo sư thỉnh giảng, và một người đang điều hành một nhóm nghiên cứu tại Trường. Tôi suy nghĩ và tự hỏi mình sẽ nói gì nhân ngày vui này, và tôi nghĩ có lẽ đây là dịp để tôi chia sẻ cùng các bạn những suy nghĩ của tôi về sứ mệnh của giáo dục đại học. Đây là một vấn đề không mới, nhưng vẫn còn giá trị thời sự ở nước ta.
Sứ mệnh của giáo dục đại học
Theo tôi, sứ mệnh của giáo dục đại học là theo đuổi 3 lí tưởng: sáng tạo ra tri thức mới, chuyển giao tri thức và kĩ năng đến sinh viên,  phụng sự xã hội. Sáng tạo ra tri thức mới qua nghiên cứu khoa học gần như là một căn cước tính của một thiết chế xã hội có danh xưng "đại học". Chuyển giao tri thức và kĩ năng được thực hiện qua giảng dạy, được xem như là một sứ mệnh mặc định của đại học. Kĩ năng dĩ nhiên không chỉ đơn thuần là kĩ thuật và công nghệ, mà còn là kĩ năng sống. Đại học là một thiết chế xã hội, và không thể đứng ngoài xã hội. Vì thế, một sứ mệnh quan trọng của đại học là phục vụ cho cộng đồng, quốc gia, qua cố vấn, phản biện, và góp phần chuyển giao công nghệ.
Tôi muốn nói thêm về sứ mệnh nghiên cứu của đại học. Nghiên cứu khoa học đã trở thành một lí tưởng cốt yếu, một mục tiêu mang tính mặc định của giáo dục đại học hiện đại. Như tôi nói ở trên, một sứ mệnh quan trọng của đại học là sáng tạo ra tri thức mới, mà tri thức mới chỉ được sáng tạo qua nghiên cứu khoa học. Tri thức dẫn đến cách tân về công nghệ và kĩ nghệ. Do đó, bất cứ nước nào trên thế giới đều nhận thức rằng đại học nghiên cứu là chìa khóa, là tài sản quan trọng của nền kinh tế tri thức trong thế kỉ 21.
Đối với đại học, nghiên cứu khoa học còn có một ý nghĩa rất thực tế: đó là vị trí trên trường quốc tế. Hiện nay, chưa có đại học nào của Việt Nam nằm trong danh sách các đại học hàng đầu thế giới. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào danh sách 100 hoặc 200 đại học hàng đầu thế giới, chúng ta thấy đặc điểm chung là gì? Xin trả lời ngay: là năng lực nghiên cứu khoa học. Tôi đã bỏ công phân tích và đi đến kết luận rằng nghiên cứu khoa học đóng góp 60% vào vị trí của một đại học trong các bảng xếp hạng đại học toàn cầu.
Nghiên cứu khoa học
Năng lực nghiên cứu khoa học thường được thể hiện qua công bố quốc tế. Thật vậy, trên thế giới, người ta dùng số lượng và chất lượng công bố quốc tế để đánh giá và xếp hạng các quốc gia trên trường khoa học. Trong năm 2014, số liệu của Viện thông tin khoa học Hoa Kì (ISI) cho thấy Việt Nam công bố được 2327 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế. Con số này tăng gần gấp 2 so với 5 năm trước. Đó là một tin mừng. Nhưng con số đó chỉ mới so sánh với thời gian trước, chúng ta phải biết mình đang ở đâu trong khu vực. Xin trả lời ngay rằng con số công bố quốc tế của VN chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/5 của Singapore. Như vậy, so với các nước trong vùng, năng suất khoa học của VN nói chung còn kém.
Nhưng đó không hẳn là một tin buồn, mà phải xem đó là một cơ hội để phấn đấu. Phấn đấu phải xuất phát từ các đại học. Trường đại học Tôn Đức Thắng sở dĩ được công nhận 3 sao cũng nhờ vào một phần qua công bố quốc tế. Trong 5 năm qua, Trường đã công bố được khoảng 110 công trình khoa học. Điều đáng nói là gần 46% số này được công bố chỉ trong năm 2014. Khoảng 60% công bố quốc tế của đại học Tôn Đức Thắng là do nội lực. Nói như thế để thấy rằng một trường còn “trẻ” nhưng đã có thành tựu như thế là đáng tự hào, và có xu hướng phát triển nhanh.
Nhưng chúng ta không bao giờ được tự mãn. Thành tích về công bố quốc tế chỉ mới là bước đầu, căn bản của một đại học. Khía cạnh quan trọng hơn là chất lượng nghiên cứu. Một trường đại học có thể có hàng ngàn nghiên cứu được công bố hàng năm, nhưng nếu chỉ công bố trên những tập san "làng nhàng", hoặc chẳng ai đề cập đến, hoặc chẳng đóng góp gì đáng kể cho chuyên ngành, thì chỉ là một đống giấy vô nghĩa. Do đó, cần phải quan tâm đến chất lượng nghiên cứu và tác động của nghiên cứu. Khoa học khuyến khích suy nghĩ đến những vấn đề lớn, những tầm nhìn dài và xa. Nên tránh những đề tài tủn mủn, những đề tài "ăn theo" vốn rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Việt Nam có rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, nhưng phải là nghiên cứu tốt, nghiên cứu có lí do chính đáng.
Hợp tác và xây dựng nội lực
Tôi nghĩ có "sao" là một thành tựu quan trọng và đáng kể. Nhưng quan trọng hơn là duy trì được vị trí sao đó. Thật ra, thách thức trong tương lai không chỉ là duy trì, mà còn phát triển và qua đó nâng cao vị trí của trường. Chúng ta cần phải làm nhiều việc để duy trì và phát triển. Nhưng tôi nghĩ ngay đến 2 việc chính: hợp tác nghiên cứu khoa học và xây dựng nội lực.
Hợp tác trong nghiên cứu khoa học có thể ví von như là những dòng chảy khoa học. Khoa học ngày nay là một nỗ lực tập thể. Cái ngày mà khám phá xuất phát từ một cá nhân nhà khoa học đã lùi vào dĩ vãng rất xa xăm. Chúng ta thấy rằng ngày nay, các giải thưởng Nobel thường được trao cho một nhóm nhà khoa học, chứ không phải chỉ một nhà khoa học độc nhất như những năm đầu thế kỉ 20.
André Gide, một nhà văn danh tiếng người Pháp (Giải Nobel Văn học 1947), từng nói rằng nghệ thuật là một sự hợp tác giữa Thượng đế (hay thần thánh) và người nghệ sĩ. Trong khoa học không có thượng đế hay thần thánh, nhưng tôi có thể nói rằng khoa học cũng là một sự hợp tác, nhưng hợp tác giữa người với người.
Khi chúng ta làm việc chung với nhau, chúng ta xây dựng tầm nhìn cho chính mình, nhưng quan trọng hơn là tầm nhìn của người khác sẽ bổ sung vào tri thức của chúng ta, và khi cả hai tầm nhìn được hợp lại chúng ta có một cái nhìn đầy đủ hơn và tốt hơn. Chính nhờ vào hợp tác mà biên cương khoa học mới lúc nào cũng được mở rộng. Ngược lại, không có hợp tác, chúng ta sẽ bị hạn hẹp về tầm nhìn, và khoa học khó có cơ may phát triển.
Nhưng tôi phải mở ngoặc để nói thêm rằng hợp tác nghiên cứu là để chúng ta xây dựng nội lựcchứ không phải lệ thuộc. Tôi nghĩ đây là một khía cạnh quan trọng cần phải lưu ý, đặc biệt đối với các đại học ở Việt Nam. Tại sao tôi nói thế? Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khoảng 75-80% các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học trong danh mục ISI và Scopus là do hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Nói cách khác, các đồng nghiệp nước ngoài đến VN, đề ra ý tưởng, và có thể cả tài trợ cho nghiên cứu, và do đó, không ngạc nhiên họ đóng vai trò chủ đạo trong công bố quốc tế. Nói các khác, nếu không có sự hỗ trợ hay hợp tác với họ, con số công bố quốc tế của VN không đáng kể. Một cách khác để hiểu là: khoa học VN đang trong tình trạng hay có nguy cơ lệ thuộc vào nước ngoài.
Tôi nghĩ quí vị và đồng nghiệp đồng ý với tôi là chúng ta cần hợp tác, và không nên lệ thuộc. Để không lệ thuộc, các đại học VN cần phải xây dựng nội lực. Xây dựng qua năng lực nghiên cứu và hợp tác. Mỗi một dịp hợp tác cần phải biến thành một cơ hội để học hỏi và rút kinh nghiệm. Nếu hợp tác mà không học hỏi được gì thì có thể xem như là một thất bại. Nên xem hợp tác khoa học để không trở thành lệ thuộc vừa là mục tiêu, vừa là thành quả.
Một sự thật đơn giản là: sự thịnh vượng của một quốc gia phụ thuộc vào nhân tài của quốc gia đó. Tương lai của Việt Nam trong thế kỉ này và mai sau tuỳ thuộc vào mỗi công dân được trang bị kiến thức, kĩ năng, và đạo đức cho một cuộc sống phong phú và trọn vẹn trong một xã hội dân chủ, công bằng, và bác ái. Giáo dục đại học đóng vai trò trung tâm cho lí tưởng đó, qua nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, và phụng sự xã hội.
Thành thật cám ơn quí vị và quí đồng nghiệp đã có mặt ngày hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét