Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

20150220. BÀN VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CỐT TỬ CỦA GIÁO DỤC

ĐIỂM BÁO MẠNG
Bài ghi của NGỌC QUANG trên GD 19/2/2015




LTS: Nhân dịp đón xuân Ất Mùi, TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi có chia sẻ với độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam 4 vấn đề trọng đại của nền giáo dục nước nhà theo nhãn quan của ông.

Vấn đề thứ nhất: Phải chú trọng về những chiến lược đầu tư đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, đó là chiến lược hợp tác quốc tế với các quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết việc làm và định hướng theo nhu cầu của thị trường lao động với quốc gia là đối tác với Việt Nam như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Ưu tiên lĩnh vực đào tạo nhân lực và dạy nghề cần được mở rộng.
Năm 2013, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó đáng chú ý, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần. So với các nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN, năng suất lao động của Malaysia gấp 5 lần năng suất lao động của Việt Nam còn năng suất lao động của Thái Lan gấp 2,5 lần năng suất lao động của Việt Nam.
Trước đó, Báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam 2009 - 2010 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á của Singapore (ACI) thực hiện thì nhận xét: “Hệ thống GD được mở rộng nhưng không đáp ứng được yêu cầu về mặt chất lượng, không gắn với thị trường, dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng lao động có kỹ năng”.
Nhìn vào tình hình ấy, chúng ta thấy rõ hơn vai trò của đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, việc làm và việc hài lòng của người sử dụng lao động. Doanh nghiệp sử dụng lao động phải hài lòng về sản phẩm đào tạo của các cơ sở giáo dục và đào tạo
 đối với tiến trình phát triển phồn vinh, hưng thịnh của dân tộc trong thập kỷ này, thành công hay thất bại chính là ở chỗ này. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì chỉ có thể phát triển được bằng cách phải có đột phá thật sự về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công dân toàn cầu vì vậy mới có thể hội nhập có hiệu quả trụ cột làm tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam. Trong đó, nhân lực qua đào tạo là quan trọng nhất hiện nay cho thị trường trong nước và làm việc ở ngoài.
Về hoạt động của các trường công lập, Chính phủ cần chú trọng hơn việc quản lý nguồn thu chi của nhà trường bắt buộc phải sử dụng hóa đơn VAT, nhằm quản lý chặt chẽ sử dụng hiệu quả nguồn thu để đầu tư cho cơ sở vật chất phát triển nhà trường. Bất cứ ai có trăn trở về giáo dục đều thấy vô lý của môi trường cao đẳng, đại học công lập với quy mô đào tạo từ 20 ngàn sinh viên đến 70 ngàn sinh viên, có những nguồn thu cao ngất trời từ đào tạo những khóa ngắn hạn cho tới thạc sĩ, tiến sĩ... nhưng lại vẫn được hưởng lợi từ ngân sách nhà nước.Vấn đề thứ hai: Trong thế giới phẳng, Việt Nam không thể chơi một mình một kiểu như Mù Cang Chải được. Đấy là câu chuyện trường công và ngoài công lập – một vấn đề thời sự đã được giới khoa học và báo chí quan tâm trong mấy năm nay. Nhà nước không thể nào cứ gánh mãi cho các trường công lập được. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép một số trường đại học thí điểm tự chủ tài chính, đấy là việc rất đúng đắn, càng đổi mới sớm thì càng tốt, xã hội được hưởng lợi nhiều và Chính phủ tiết kiệm được nguồn ngân sách khổng lồ để thực thi những chính sách lớn, đầu tư lớn của Nhà nước, các ngành kinh tế mũi nhọn của Nhà nước.
Song song với việc siết chặt quản lý tài chính, các trường công lập cần phải thu hẹp quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo, cấp đào tạo, vì nếu nhìn vào cơ sở vật chất hiện nay thì kể cả Đại học Quốc gia cũng không đạt chuẩn số m2/ đầu sinh viên. Hơn thế nữa, các trường công lập chỉ phù hợp với nhiệm vụ chính trị của Đảng và Chính phủ giao phó đó là đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị gồm nhà khoa học, công chức , hành chính công, viên chức, an ninh, quốc phòng, kinh tế biển, mỏ, nông, lâm, ngư nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp nặng góp phần giảm thiểu việc giải thể cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập. Tuy nhiên, hiện các trường công lập tuyển sinh quá lớn, làm "sa mạc hóa" các trường ngoài công lập. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa, để chính sách xã hội hóa giáo dục thực sự đi vào cuộc sống.
Vấn đề thứ ba: Xã hội đã nói rất nhiều trong 2 năm nay là có quá nhiều cử nhân thất nghiệp, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ cũng thất nghiệp, nhiều cử nhân phải đi làm những công việc lao động chân tay. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng mỗi năm thì chỉ có 50% tìm được việc làm, trong số ấy lại chỉ có 30% làm đúng ngành nghề được đào tạo. Như vậy, 70% còn lại tương đương 140 nghìn người làm việc gì?
Một chuyên gia của Trường ĐH Seattle (Mỹ) là Maureen Chao đã từng chỉ ra rằng, lao động Việt Nam ngay cả được tuyển dụng đúng ngành nghề cũng phải được đào tạo lại về các kỹ năng mềm thì mới đáp ứng nguồn lực cho thị trường lao động trong nước và nước ngoài trong vài năm tới.
Trong hơn 20 năm tham gia các công tác liên quan tới giáo dục, tôi thấy đây là một đánh giá chính xác. Hầu hết cử nhân, nhất là tốt nghiệp ở trường công lập đang thiếu kỹ năng trầm trọng, đơn giản nhất là sử dụng máy photocoppy hoặc viết thư đăng ký tuyển dụng cũng không đạt hoặc viết về giới thiệu bản thân lập hồ sơ đăng ký cũng không đạt.
***
Sau vui mừng tốt nghiệp là nỗi lo thất nghiệp. ảnh minh họa, nguồn internet.
***
Ở nước nào cũng vậy, Đại học là nơi đào tạo các nhà khoa học và là nơi đóng góp phần lớn phát minh, sáng chế. Số lượng phát minh, sáng chế ít ỏi được đăng ký của Việt Nam nói lên sự hạn chế về năng lực sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học nước ta và nói rộng ra là của cả hệ thống.Vấn đề thứ tư: Tôi rất đồng tình với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ở hai vấn đề: Thứ nhất, các trường đại học phải tập trung tìm mọi cách để làm nghiên cứu khoa học, dù đây là việc rất khó, vì đó là uy tín của các trường, gắn liền với việc thu hút các nhà khoa học. Phó Thủ tướng đã nói rằng đây là việc rất khó nhưng chúng ta không thể không bắt nhịp.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 5 năm (2006 – 2010), cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Cũng trong thời gian này, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế; trong năm 2011 không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây. Vì sao lại có việc này vì để có bằng cử nhân người học chỉ cần bỏ ra 80 đến 100 triệu đồng là có bằng Thạc sĩ, còn bằng Quốc tế ít nhất cũng 120 triệu đến 200 triệu đồng, còn Tiến sĩ có vẻ nhiều hơn.

Nếu so sánh với một số quốc gia khác ở châu Á thì thấy Nhật Bản đứng đầu với 46.139 bằng sáng chế. Hàn Quốc có 12.262 bằng sáng chế. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Singapore chỉ có 4,8 triệu dân nhưng cũng có đến 647 bằng sáng chế.  Malaysia chỉ có 27,9 triệu dân mà có đến 161 bằng sáng chế. Thái Lan có 68,1 triệu dân cũng có 53 sáng chế. Thấp hơn nữa, Philippines có trình độ phát triển tương đương nước ta thì có 27 sáng chế.
Thứ hai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế. Phó Thủ tướng từng nói: “Bộ Giáo dục phải rà lại tất cả các quy định, hãy mở rộng hợp tác quốc tế. Bây giờ liên kết với một trường rất nổi tiếng ai cũng biết mà xin thủ tục còn khó khăn thì không được, nhưng ngược lại nếu hợp tác với một trường thậm chí không được nước sở tại không công nhận thì cũng không được”.
Chúng ta muốn hội nhập nhanh nhất và muốn sớm đưa sinh viên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu thì hãy học tập những gì các quốc gia phát triển đã làm được. Việc liên kết đào tạo chuyển giao công nghệ đào tạo sử dụng chương trình cấp bằng theo tiêu chuẩn của họ là thông minh nhất, cách đi này sẽ giảm tốn kém hàng chục tỷ USD.
Bên cạnh đó, tự thân các trường như chúng tôi cũng phải tự tìm các khẳng định vai trò với xã hội, chúng tôi luôn quan niệm rằng “Sinh viên là số 1”, “Sự tồn tại của thầy là trò”, vì vậy chúng tôi cho phép tập thể lớp phản hồi về giảng viên để quyết định giảng viên có còn được tiếp tục giảng dạy hay không và cũng coi đây là một văn hóa của nhà trường. Tôi mong rằng, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để góp phần cùng các trường nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực đào tạo nguồn nhân lực, định hướng các cơ sở giáo dục, đào tạo góp phần nâng cao hệ thống giáo dục Việt Nam theo nhu cầu thị trường lao động và những chiến lược đào tạo của Việt Nam.
***
HIỀN TÀI KHÔNG HẲN LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA
Bài của VĨNH THƯƠNG trên TGTT 19/2/2015
[141561]going_global
Được biết câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” có trong bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (năm Đại Bảothứ 3 tức 1442, đời vua Lê Thái Tông), khắc trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu nhằm tôn vinh những trí thức đỗ đạt, do Thân Nhân Trung viết.
Trong câu chuyện đầu năm, xin góp vài lời bàn luận về đề tài “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” bên chén trà ngày Tết.
Câu nói trên được hiểu rộng ra ở thời buổi ngày nay rằng người có năng lực, kiến thức và có đóng góp thực tiễn cho cộng đồng là vốn quý, là rường cột (nguyên khí) của xã hội (quốc gia).
Nguyên khí quốc gia là sự đóng góp chung
Như vậy câu nói trên của Thân Nhân Trung có đại ý hiền tài là sức sống của một đất nước. Xin đặt vấn đề khác như sau:
a- Hiền tài chưa chắc là nguyên khí của quốc gia. Vì người làm việc để một quốc gia vận hành gồm những người có năng lực nhiều kiểu, nhiều mức. Và người có năng lực cao vẫn có khi không may không có điều kiện làm việc phù hợp. Chưa nói đến việc trong quốc gia đó có sự đóng góp của những người năng lực bình thường hoặc dưới bình thường ở vị trí phù hợp. Hiệu suất không chắc bên nào tốt hơn. Lại có trường hợp người có năng lực ở nước này nhưng chỉ có thể phát huy năng lực ở một nơi khác. Ví dụ trường hợp các ông Trần Quốc Hải và Trần Quốc Thanh.
b- Nếu quốc gia hay người đại diện của quốc gia không cho rằng hiền tài là nguyên khí thì những người có năng lực này có khả năng giúp thay đổi cách nhìn nhận này hay không?
Ví dụ, khi Mao Trạch Đông mắng trí thức là cục phân, khi Pol Pot giết hết những ai biết chữ, khi ấy hiền tài có khả năng xoay chuyển tình thế hay không? Nếu không thì đâu thể gọi đó là nguyên khí. Vậy người đại diện có quyền lực (Hitler, Stalin chẳng hạn) đã tước bỏ vai trò nguyên khí quốc gia của người có năng lực sáng tạo, làm tốt cho cộng đồng nhỏ và lớn. Còn bản thân bạo chúa đó tự lập thành và chính là “nguyên khí” của quốc gia – dù rằng “nguyên khí” này là ngắn hạn.
c- Hiền tài không phải và không thể chỉ là nguyên khí của quốc gia.
Xét các trường hợp trên, hiền tài là thành phần quan trọng của quốc gia xem ra đã là một câu không còn phù hợp với sự thay đổi của thời đại và địa lý ngày nay.
Quốc gia có những hạn chế về không gian, thời gian và cả năng lực đánh giá người có năng lực. Quốc gia trở nên hẹp lượng, hẹp tầm ứng dụng và hẹp về sự dung chứa cho người có năng lực, đặc biệt là ở những quốc gia chưa bắt kịp trình độ chung của cộng đồng thế giới.
Hiền tài không hoặc chưa thể là nguyên khí quốc gia thì vẫn có thể là nguyên khí của thế giới, của quốc gia khác. Các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia, không thể sử dụng hiền tài đơn quốc gia hay nội quốc gia. Hàng chục triệu expat sống xa quê hương chu du khắp năm châu hàng năm vẫn mang về hàng tỉ USD cho nước họ và cho mạng lưới đa quốc gia của tập đoàn của họ.
Những giá trị văn hoá, văn học nghệ thuật theo chân những hiền tài này, làm giàu cho thế giới và tăng lên sự khoan dung nhân loại nhờ giao lưu giữa các hiền tài với nhau và giữa các hiền tài và vị hiền tài. Hiền tài – vị hiền tài – hiền tài. Đều có giá trị cả. Giá như các vị Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường được xem là hiền tài của thế giới rộng lớn, hoặc giá như câu nói ngày trước được hiểu thành “hiền tài là nguyên khí của vũ trụ nhân quần” thì đã không có điều đáng tiếc khi những bạo động lịch sử nghiền nát thân phận và tài năng của họ.
Có những quốc gia hiền tài không đáng để làm nguyên khí, như chế độ Pol Pot, và đáng buồn, cả ở Việt Nam nhiều thời không trọng hiền tài. Khi đó, hiền tài hay trí thức nói chung có thể dùng năng lực mình cho một vùng đất khác của thế giới sao cho không phạm vào tự tình đất nước.
Một ngày kia trong tương lai, thư từ các vì sao gởi về trái đất, có lẽ cũng chỉ ghi địa chỉ là trái đất và quốc gia sẽ trở thành một cộng đồng của quả đất, một đơn vị địa lý. Khó mà tưởng tượng các vị Ngô Bảo Châu, Đặng Thái Sơn, Van Gogh sẽ chỉ dạy toán, chơi dương cầm hay vẽ tranh chỉ cho người Hà Nội, người Thừa Thiên hay người Hà Lan thưởng thức. Nếu tuyệt đối hoá câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia” thì các vị ấy đã tước đi cơ hội học toán và thưởng thức nghệ thuật của con người nhiều nơi và nhiều thời khác.
Một cộng đồng vượt lên địa lý và thời đại
Số lượng những nhà khoa học về vũ trụ của cả thế giới vẫn đang làm việc nhiều nhất ở Hoa Kỳ chứ không phải tản ra làm việc ở các quốc gia quê hương sinh ra họ. Dẫu rằng những nghiên cứu, sản phẩm ngày hôm nay nhờ có internet, đã bớt đi sự bị gò bó ở một khung địa phương hay ngành nghề nào đó.
Người Việt có sức đóng góp lớn cho cộng đồng đã có mặt khắp nơi dù có nhiều khó khăn cách trở về địa lý, cơ chế. Những nhà kỹ thuật như Trần Quốc Hải, Trần Quốc Thanh, Dương Nguyệt Ánh, Trịnh Xuân Thuận và những tài năng như Lý Long Tường, Lương Xuân Việt, Lê Bá Hùng đã là những năng lực của thế giới rộng mở.
Những người có năng lực ở một ngành khoa học, doanh thương, nghệ thuật bị hạn chế có thể phát huy những khả năng khác ở ngành khác, hoặc thậm chí dựng ra một con đường riêng, ngành nghề riêng cho mình. Thực tế cho thấy có những người làm-được-việc mà không được-việc-làm hoặc không được-cho-làm-việc vẫn dựng được một cơ sở để phục vụ xã hội theo cách riêng mình.
Những người hiền tài, có năng lực, muốn đóng góp cho cộng đồng, nếu không được cống hiến như ý nguyện hoặc không được tạo điều kiện ở địa phương – quốc gia, thì vẫn còn đó một thế giới ít địa giới làng xã, một thế giới nhân văn, tự do và bao dung vẫn còn đang chờ đón các vị. Dĩ nhiên, có những giới tuyến, những khoảnh khắc mà con người phải đủ dũng cảm, sức lực và may mắn để vượt qua, thoát hiểm.
Như vậy cũng là phần nào tháo gỡ cái rọ mà câu nói trên đã vô tình nhốt những con người ưu tú trong sự vần xoay vô tình hoặc cố ý của thời cuộc, hoặc sự ngu trung hoặc loay hoay đến mức tự làm yếu mình với tiếng than bất đắc thế, bất phùng thời.
Hơn nữa, sẽ chẳng có ai, trường đại học, chính quyền nào và cả thời buổi nào có thể đánh giá một cá nhân bằng chính hành động và sản phẩm của cá nhân – nhân tài ấy cho cộng đồng – một cộng đồng không hẳn chỉ trong ranh giới địa lý và thời đại.
Vĩnh Trương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét