Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

20150218. BÀN VỀ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐÂU LÀ VẤN ĐỀ CỦA NGÂN SÁCH ?
Bài của TƯ GIANG /TBKTSG 17/2/2015
***
(TBKTSG Online) - Thực tế mấy năm qua, và đặc biệt là năm 2014, cho thấy vấn đề của ngân sách Nhà nước không phải là hụt thu do giá dầu giảm, mà ở chỗ chi tiêu vô lối và kỷ luật ngân sách lơ là.
Khi giá dầu thế giới giảm xuống mức kỷ lục trước Tết, đã có nhiều lời than vãn cất lên lo cho ngân sách Nhà nước hụt thu so với dự toán trong năm 2015.
Thu từ dầu, theo tính toán trước đây của Bộ Tài chính, sẽ vào khoảng 93 ngàn tỉ đồng trong năm nay trên cơ sở giá dầu ở mức 100 đô la Mỹ, và mức thu này đã được Quốc hội chấp nhận.
Giá dầu giảm một nửa mức dự toán trên, theo tính toán của nhiều quan chức Chính phủ, làm ngân sách Nhà nước giảm thu khoảng 4-5% trong năm 2015.
Sự lo lắng còn thể hiện, Ban điều phối vĩ mô do bốn bộ trưởng là kế hoạch và đầu tư, tài chính, công thương, và Ngân hàng Nhà nước đã phải họp hai lần liên tiếp để bàn thảo về chủ đề này.
Rốt cuộc, Bộ Tài chính đã khẳng định trong thông cáo gửi cho các báo, cam kết thu ngân sách Nhà nước sẽ vẫn đảm bảo - bất chấp giá dầu giảm - trong năm nay.
Đó là điều đáng mừng, vì ngân sách Nhà nước có đảm bảo thu thì mới đảm bảo chi cho các chương trình an sinh xã hội, cho xây dựng cơ sở hạ tầng, và bao nhiêu lĩnh vực khác.
Song, đây cũng là một cơ hội khác để xem lại, liệu chi Ngân sách Nhà nước có nghiêm hay không.
Nếu nhìn ở góc độ này, thì có rất nhiều điều đáng lo không kém.
Chẳng hạn, theo Bộ Tài chính, năm 2014 được xem là năm có rất nhiều khó khăn về kinh tế thì ngân sách Nhà nước vẫn thu vượt dự toán tới 75.353 tỉ đồng, (gần 10%). Tuy nhiên, hầu như tất cả số tiền này đã chi tiêu hết, chỉ còn 10.000 tỉ đồng chuyển nguồn sang năm 2015 để chi lương.
Trong nhiều năm trước đó, ngân sách Nhà nước luôn vượt thu so với dự toán, có năm hơn 100.000 tỉ đồng, tức hơn 5 tỉ đô la Mỹ, nhưng đều được tiêu hết. Điều này cho thấy vấn đề nằm ở chuyện chi ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, Bộ Tài chính luôn khẳng định, các khoản chi luôn “đảm bảo theo dự toán được giao” và sai phạm, nếu có, đều rất nhỏ.
Chẳng hạn, trong năm 2014, hệ thống Kho bạc Nhà nước chỉ từ chối chưa thanh toán số tiền vỏn vẹn 40 tỉ đồng trong mục Chi thường xuyên, dù đã phát hiện khoảng 37 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định.
Vì sao, “đảm bảo theo dự toán được giao” nhưng các khoản chi lại luôn luôn vượt cao tới vài chục ngàn tỉ đồng mà số tiền chi “không đúng quy định” lại chỉ vỏn vẹn có vài tỉ đồng?
Đáng tiếc, khi họp Quốc hội, các đại biểu ít khi chất vấn về chuyện này.
Gần đây, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 41 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, theo đó, cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, không được tham dự lễ hội với danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Mỗi năm, ở Việt Nam ước tính có 8.000 lễ hội.
Nếu “cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp” tham dự đủ, thì thấy số tiền ngân sách phải chi cho chuyện tham dự lớn đến thế nào. Đó là chưa kể bao nhiêu trong số lễ hội đó được cấp kinh phí từ ngân sách để tổ chức.
Mà lễ hội chỉ là một ví dụ rất nhỏ. Còn bao nhiêu các khoản chi đầu tư, chi thường xuyên, chi trả nợ mà ở đó, kỷ luật ngân sách đều bị lờ đi.
Ví dụ, trong số 75.353 tỉ đồng vượt thu trong năm 2014, có khoảng 65.353 ngàn tỉ đồng là để “thanh toán nợ và tăng chi trả nợ,” theo Bộ Tài chính.
Chi trả nợ đã được lập dự toán đầy đủ, Quốc hội thông qua. Câu hỏi được đặt ra là trong bối cảnh tỷ giá tương đối ổn định, sao phần chi này lại cao đến mức như vậy?
Hay bội chi, theo Luật ngân sách Nhà nước, phải bằng hoặc nhỏ hơn chi đầu tư phát triển; nhưng nay đã lớn hơn nhiều, vi phạm ngay chính Luật này, mà Quốc hội vẫn cứ điềm nhiên thông qua?
Tất cả những cách chi tiêu đó làm thâm hụt ngân sách không sao giảm được.
Gần đây, các chuyên gia nhận định rằng nguyên nhân của tình trạng thâm hụt cao kéo dài trong nhiều năm qua là do tổng chi ngân sách Nhà nước quá cao chứ không phải do tổng thu thấp.
Họ dẫn chứng, theo thống kê của IMF, tổng chi của Việt Nam ổn định ở mức xấp xỉ 31% GDP kể từ năm 2006 đến nay. Con số này cao gấp 1,4 lần của Trung Quốc và Thái Lan; 1,6 lần của Indonesia và Philippines, và 1,8 lần của Campuchia.
Ngoài ra, nhiều khoản chi ngân sách từ nguồn trái phiếu Chính phủ không tính vào chi tiêu ngân sách Nhà nước.
Rõ ràng, những thực tế và nhận định như trên cho thấy, đã đến lúc kỷ luật, kỷ cương chi ngân sách Nhà nước phải được thiết lập, thay vì chỉ chăm chăm lo hụt thu do giá dầu giảm.
Hi vọng, dự luật ngân sách Nhà nước sửa đổi, theo đó, trách nhiệm cá nhân người có quyền chi ngân sách Nhà nước được xác lập rõ ràng, minh bạch sẽ giúp khắc phục tình trạng trên.
Không thể kéo dài mãi chuyện, tiền thuế của người dân bị sử dụng không đúng mục đích, chi tiêu vô lối, mà không một ai bị kỷ luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét